Bộn bề cuộc sống lắm lúc làm
tôi oằn mình nhưng cứ đến ngày rằm, tôi lại ngước nhìn lên bầu trời đón đợi mùa
trăng non rọi về, dành chút thời gian để ngẫm suy, lắng lòng nghĩ về chuỗi ngày
ấu thơ…
"Nhớ ngày xưa mưa đi
qua ngõ nhỏ phố quê, lũ trẻ vô tư cởi trần chạy quanh xóm hứng mưa, và mưa cũng
hứng những tiếng cười giòn tan trả lại cho mùa… Sau những cơn mưa như thế, lũ
trẻ lại tụ tập ngồi đợi trăng lên, cùng đón trăng với những chiếc đèn giấy nhuốm
sắc màu tuổi thơ thật đẹp", những dòng hoài niệm viết ra từ thuở mới chia
tay cái tuổi trăng tròn nay đã cũ. Ấy vậy mà cứ mỗi rằm có trăng non đến, tôi lại
mở ra, sờ soạn và nghĩ về bao mùa trăng thương nhớ đã đi qua cuộc đời. Mùa
trăng thương nhớ của tôi chỉ có thể mường tượng lại theo cách nghĩ riêng mình,
trong đó chứa cả một vùng trời kỷ niệm rất đỗi thân thương.
Mùa trăng của tôi ngày xưa
luôn đủ đầy, dù vỏn vẹn chỉ góp đôi tay cùng bọn trẻ trong xóm, nhưng khi đổ
bao công sức chặt tre, chẻ lát, đan sườn, ghép khung đèn lồng, cần mẩn cắt giấy
màu, trang trí thêm bằng những nét cọ ngộ nghĩnh, rồi dùng cơm nguội dán lên…
thì chắc rằng có ngay những chiếc đèn thi nhau bước trên mọi nẻo đường quê. Mấy
ngọn đuốc cũng sáng rực trong mỗi đêm chơi lân khắp làng này qua xóm khác.
Mùa trăng ngày ấy còn có những
gói quà, những bát chè, xôi sau lễ cúng. Cứ đến xế chiều đúng ngày rằm, lũ trẻ
chúng tôi lại thi nhau ra xếp hàng dưới gốc bàng già, ngồi xem các cụ cúng lễ
làng và đợi trăng lên. Trong tiềm thức của tôi, lễ làng vui nhất hẳn là vào rằm
tháng giêng. Tôi nghe các bà, các cô gọi bảo nhau rằm tháng Giêng chộn rộn và
vui nhất. Mà cũng đúng thật, sau Tết, chỉ có ngày rằm này là mọi người mới ngồi
lại đông đủ, cùng nhau uống chén trà họp mặt, nói về tình làng, nghĩa xóm. Mùa
trăng tháng Giêng đối với tôi ở cái thời đó quan trọng biết bao nhiêu, bởi ngày
này còn sót lại những phong lì xì để mà khoe với tụi bạn. Đứa thì khoe bao lì
xì hình hoa mai, đứa khác lại khoe hình ông Phúc - Lộc - Thọ. Nói rồi cả đám cười
nhau khúc khích, đuổi bắt chạy khắp nơi.
Đối với riêng gia đình tôi,
theo nếp cũ xưa nay vẫn giữ thói quen đợi đến ngày rằm trong tháng, cả nhà lại
tụ họp, trước là lễ cúng ông bà tổ tiên, sau là sự sum vầy đông đủ. Và chỉ đợi
đến đúng dịp cúng rằm, tôi lại quay quần bên mẹ với nồi chè đậu đen nóng hổi,
thằng út Sang bên ba với chiếc lục bình hoa phượng và mấy thứ đồ áo giấy. Cả
gia đình lo chu toàn đủ lễ cúng rằm, tiếp đó là mang cái chõng tre ra trước sân
nhà và ngồi nói chuyện với nhau. Nào là chuyện ba sẽ nhận xây nhà cho con trai
ông Năm, hay là xây bếp cho bà Nghĩa có lò nấu rượu. Còn mẹ sẽ trồng thêm một
sào rau răm và một đám cải cau sau vườn, rồi chuyện tôi và thằng út Sang bước
vào một kỳ học khác, những chiếc đèn lồng của chị em tôi qua mỗi mùa trăng… Bao
nhiêu đó thôi, nhưng cũng đủ cảm nhận được tình thân dưới ánh trăng non ấm áp
nhường nào.
Những mùa trăng xưa đã trôi
xa, giờ đây tôi cũng lớn khôn, đủ vững tin để tìm kiếm cho mình một con đường dấn
thân, hy vọng. Bộn bề trong cuộc sống lắm lúc làm tôi oằn mình, trôi theo dòng
chảy thời gian. Thế nhưng, cứ hễ đến ngày rằm, tôi lại ngước nhìn lên bầu trời
đón đợi mùa trăng non rọi về, dành chút thời gian để ngẫm suy, lắng lòng nghĩ về
chuỗi ngày ấu thơ… Bởi chỉ những trong những khoảnh khắc nhỏ nhoi ấy, tôi mới kịp
chạy theo trăng ngày rằm và trở về với nghĩa tình thân ở những ngày xa!.
Võ Thị Như Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét