Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

Ván đã đóng thuyền

Ván đã đóng thuyền

May quá, địa bàn thực tập tốt nghiệp, giáp ngay huyện tôi. Từ đò Nhống qua sông Luộc sang đất Thái Bình, đi hơn chục cây, là đến.
Thời ấy vào cuối buổi kinh tế bao cấp và mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ sắp tan, nền kinh tế nước nhà chuẩn bị bung ra. Trường tôi ký kết với nhiều huyện, dạng manh nha của kế hoạch ba, hàng năm đưa sinh viên về thực tập tại các hợp tác xã nông nghiệp và tất nhiên thu khoản phí. Thế mạnh của trường lắm lắm, toàn trí thức trẻ ăm ắp kiến thức: nào sinh viên Khoa Chăn nuôi; Cơ khí; Nông hóa thổ nhưỡng... Sinh viên vừa có chốn thực tập, vừa nghiên cứu khoa học, còn huyện nhà có kho trí thức sẽ tiến vòn vọt. Các thầy cô mà "hót", thì kiến trong lỗ cũng bò ra.
Từ nhà, tôi mò mẫm đến địa bàn thực tập bằng chiếc xe phượng hoàng đỏ chót, không phanh chuông lẫn gác đờ bu. Sau này nơi thực tập người ta quen gọi tôi là chú sinh viên xe đạp quả ớt, hay chú hoạn lợn viên. Qua trụ sở hợp tác xã nông nghiệp cấp cao toàn xã, tôi được giới thiệu xuống nhà ông đội trưởng sản xuất. Cái tên ông này nghe đến lạ tai - Chóe. Ngẫm nghĩ, thiếu gì tên khôn tên đẹp không đặt, như ấm, chén, bát, đĩa, sao lại đặt tên Chóe. Không chỉ có ông đội trưởng, tên các xã quanh vùng nghe cũng buồn cười, chữ đầu đều là Quỳnh, tiếp đó là Hồng, Khê, Nồng, Cháy...
Nhà ông Chóe dễ tìm, chỉ hỏi đôi người đã thấy. Căn nhà khang trang, năm gian mái ngói, chưa kể dãy ngang, tòa dọc cùng bếp núc, chuồng gia súc. Trước nhà là sân gạch rộng thông thênh, có rặng cau và vườn cam trĩu trịt quả. Cơ ngơi thế, hồi đó là mơ ước của nông dân. Nghe bảo, ông Chóe từng chục năm làm chân đội trưởng. Thảo nào, chẳng khang trang vậy. Còn trong xóm, nhà nhà xã viên tường đất mái rạ, bói mãi mới ra dăm ba căn nhà ngói.
Nhóm thực tập tốt nghiệp có mấy đứa, trong đó có thằng Lê Hồng Hoa, cái tên trung tính, không ra nam, chả ra nữ. Bạn bè đặt là thằng Vụ khoa và phong hàm Giáo sư, cùng chức Cục trưởng Thổ nhưỡng. Đợt ấy dịp mồng 8/3, nhà trường tổ chức khám chữa bệnh cho chị em. Tay này hâm đơ, học đại học mà chả biết phụ khoa là gì. Anh em trong phòng liền nghĩ ra trò, bẫy cậu chàng. Chúng giả vờ rục rịch đi khám chữa, đứa này nhắc thúc đứa kia và nhắc nhở trước mặt cậu chàng. Thấy chúng bạn ra ra vào vào, bảo đi khám chữa, anh chàng liền mở hòm lấy y bạ. Lúc nó rủ bạn bè, đứa bảo khám rồi, đưa bảo tí nữa mới đi, nó đành lủi thủi đi một mình. Trạm y tế đông nghịt người. Đám nữ sinh thấy cậu ta, tưởng nó bị xổ mũi, ra xin thuốc cảm, nhưng lại thấy chen vào xếp y bạ, chị em rúc rích cười.
Vì cái tên trung tính, bác sỹ không biết là nam giới, đến lân nó, liền gọi vào. Cậu chàng hùng dũng tiến bước, chị em ré lên cười. Mặc, cậu ta cứ mặc, mình đi khám cái vụ khoa của mình, khám của họ đâu. Khi tiến vào giữa phòng, bất chợt thấy thằng con trai tò tò vào đây, chị em đang khám dở, cuống cuồng lên, còn bà bác sỹ tức quá. Chàng ta lần đầu tiên thấy cái phụ khoa, mặt ớ ra. May quá, nó không về thực tập cùng xã với tôi. Thôi, chả thèm nhắc tới thằng hâm đơ ấy, thêm bực mình.
Đón tiếp tôi, ông Chóe rất cởi mở. Bà vợ cũng vậy, có khi còn hiếu khách gấp đôi ông chồng. Vùng này tục gọi vợ theo tên chồng, tức cũng bà Chóe. Vợ chồng họ biết trước có sinh viên về thực tập. Nhà này có thằng con độc, đang học lớp mười, dăm tháng nữa thi đại học. Tên nó là Cò, như thầy bu nó gọi, nhưng nhìn chả cò tẹo nào, to như con tịnh, tôi chỉ cao đến tai nó, còn cân nặng, chắc bằng độ hai phần ba anh cu Cò. Ngồi được một tẹo, ông đội trưởng giục vợ gọi thằng con ra chào tôi. Sao họ đón tiếp long trọng thế, tôi chỉ tập tàng cậu sinh viên quèn. Tiếng bà mẹ giục cậu con:
- Chào chú đi, anh Cò.
Tôi vội đỡ lời.
- Dạ, cứ gọi anh thôi. Cháu chắc chỉ hơn em nó đôi tuổi.
Sau chén nước, tôi mơ hồ biết lý do tại sao, vợ chồng ông Chóe xởi lởi với tôi và cả sau này, phần ăn uống, ngủ nghỉ, được gia đình bố trí tươm tất – bởi tôi là sinh viên, ông bà chủ muốn nhờ cậy, kèm cặp “em nó” thi đậu vào đại học. Là vậy đấy. Tôi ngủ chung giường với cậu quý tử ở gian buồng đầu hồi, cửa sổ trông ra vườn cam và thêm cửa ra vào thông thuông căn nhà ngang. Chính cái cửa rả này, từng làm tôi nhiều đêm mất ngủ.
Cậu chàng Cò thì đến ông giời cũng chả nhồi nhét nổi kiến thức vào đầu óc nó được. Nguyên do anh chàng đang yêu, yêu con bé cùng xóm, tên Quỳnh, chữ đầu tiên vùng quê thằng Cò – Nguyễn Diệu Quỳnh. Nhà quê mà đặt cái tên điệu đàng phết. Thằng Cò yêu mà thầy bu anh ấy chả hề hay biết. Ngay tối đầu tiên tôi mở sách vở thằng Cò ra kiểm tra, thôi rồi là lượm ơi. Hỏi thì cu cậu gì cũng lắc. Được đôi câu, tôi chợt nghe tiếng động cửa sổ, mắt thằng Cò ngó nghiêng nhanh ra đó, rồi gãi gãi đầu, nhỏn nhẻn cười, hạ giọng:
- Anh chờ em một tẹo nhá.
Một tẹo của thằng Cò, tôi đợi chờ độ gần hai tiếng và khi quay lại, mặt mũi nó bơ phờ, tóc tai rối bù bù. Ngồi được tẹo nữa, anh cu ngáp ngắn dài. Và thế rồi những tối tiếp theo, quãng bảy rưỡi, tám giờ, nông thôn giờ ấy muộn lắm rồi, mọi người gần như lên giường ngủ cả, thằng Cò chuồn khỏi phòng, ra vườn cam tình tự với người yêu. Tôi đâm ra như chiếc bình phong, che chắn cho chúng yêu đương nhau. Chúng bạo liệt thật, ngồi hôn hít ngay đầu hồi nhà, lắm khi khuya khoắt, còn kéo nhau vào nhà ngang. Tiếng động uỳnh uỵch, làm tôi chẳng hề ngủ nghê nổi. Và chả lâu la gì, chỉ sau khi tôi đến thực tập đôi ba tháng, bụng em Diệu Quỳnh nhinh nhỉnh ra, đồ rằng thai kỳ quá tháng thứ tư rồi. Hay tin, bà Chóe giãy lên như đỉa phải vôi, quay ra bắt đền tôi:
- Ơ! Thế hóa ra lâu nay nhờ vả, cậu lại để thằng Cò ra nông nỗi này sao?
Ông Chóe thấy vợ mình vô lý quá, đành nhảy vào cuộc:
- Bà hay thật đấy! Con bà gây ra. Mà thằng cò, thằng cu gì nữa. Làm ễnh bụng con người ta kia kìa.
Vậy là ngay trong tháng đó, tôi được dự đám cưới chạy bụng của anh cu Cò. Đám cưới gần trăm mâm, dân làng so sánh, chỉ kém cỗ bàn đám cưới của con ông chủ tịch xã.
Trong xóm, sau ngôi nhà to rộng của ông Chóe, kế đến ngôi nhà ba gian của ông thợ hoạn lợn, nó áp ngay vườn cam nhà thằng Cò. Ông này chẳng thiết tha là xã viên xã hợp tác nông nghiệp cấp cao toàn xã, cứ chiếc xe đạp hiệu Con trâu cởi truồng, màu đen xì, không phanh chuông, hàng ngày riễu khắp các xã thôn, ời ỡi rêu rao:
- Thiến hoạn không,… nào!
Ngoài thiến hoạn, ông này còn nghề cho lợn nhảy. Nhà ông nuôi còn lợn đực to, sau đuôi lủng lẳng một bọc tướng. Cái dây chằng cổ, ông giong đi khắp làng:
- Lợn nhảy đi!
Nhà nào nuôi lợn nái, đến kỳ, thì gọi vào và cho nhảy. Con lợn đực ăn sướng lắm, mỗi ngày xơi đến cân rá đỗ và vài quả trứng gà tươi, được tầm bổ hơn cả người. Vì theo ông học thiến hoạn lợn, suýt tôi vướng vào cô con gái nhà ông ta.
Trong trường, sinh viên các khoa, kể cả Kinh tế, Cơ khí,… đều nhìn dân Thú y với ánh mắt thèm thuồng. Thuở ấy, người từ thị thành đến chốn quê đều đói, cơm độn ngô khoai. Gia súc gia cầm càng đói tợn. Cơ bản chúng ăn rau bèo là chính. Ngay ở trại lợn nuôi thí nghiệm của trường tôi, về đẳng cấp, chúng là lũ súc vật cao cấp hơn nhiều bậc đám lợn gà của các trại chăn nuôi hợp tác xã và các hộ gia đình, vậy mà vẫn phải xơi toàn rau bèo với thứ cám bã nghiền ra từ vỏ trấu. Ăn uống đạm bạc, con lợn có khi chăn dắt cả năm, chửa đủ trọng lượng xuất chuồng.
Lợn đực sinh ra được dăm ngày tuổi, người ta xẻo béng đôi tinh hoàn, lớn lên mất tiệt khả năng sinh dục. Với lợn cái, nuôi chừng tám, chín tháng, đâm ra mất nết, cứ tháng tháng lên cơn tru tréo, nhảy phá chuồng trại. Dân gian gọi là động hớn, sinh viên thú y chúng tôi nói trẹo đi là con lợn “đeo kính”. Để chúng hết gào rú, dân gian có cách thức sau: thiến hoạn. Người ta dùng con dao rạch một lỗ bên sườn con lợn, dùng ngón tay chỏ chọc ngoáy vào, rồi lôi ra thứ gọi là hoa, còn từ ngữ khoa học là buồng trứng, phăng teo nó đi.
Trong trường học lý thuyết nhiều lắm, khoa tôi học tới năm năm, kể cả thực hành cũng theo kiểu truyền khẩu và quan sát bằng thị giác. Học vậy, khi triển khai công việc, diễn thuyết rất hay, nông dân “lác mắt” lên nghe, còn trâu bò, được chữa trị mãi, chả chịu khỏi bệnh. Thú y là khoa có giá nhất trong trường. Sinh viên đồn thổi, sau này hành nghề thiến hoạn lợn, hái ra tiền. Ngay khi về thực tập ở đây, khi biết kế nhà mình trọ có ông thợ hoạn, tôi nảy sinh ý nghĩ, phải học cho kỳ được. Ông thợ hoạn khá tinh tường, như đi guốc trong bụng tôi. Ngay lần đầu tôi lân la sang chơi, đúng lúc ông ta đang ngồi góc sân mài con dao hoạn. Thoáng thấy bóng dáng tôi, ông ta đã đon đả:
- Cậu sinh viên quá bộ sang chơi nhà lão già hoạn lợn này a. Rước cậu ngồi chơi.
Nói rồi ông ta bỏ con dao đang mài dở, bước lại chỗ chiếc chõng kê góc hè, nhấc tích, rót nước chè tươi mời khách. Câu nói khách khí của ông ta làm tôi gờn gợn, có phần hơi tẽn. Và bất ngờ ông ta lật ngửa quân bài:
- Khí không phải. Tôi thì cũng dạy dỗ đôi ba đời sinh viên về thực tập ở đây rồi. Nếu cậu không từ nan, tôi có thể nhận thêm cậu làm đệ tử, truyền nghề cho. Giời đất mênh mông, cậu dân thiên hạ, học được nghề này, cũng chả cướp mất cơm chim của tôi.
Ông ta bóc mẽ ra thế, tôi còn gì để giữ thể diện, liền xin được cắp tráp theo thầy. Cũng vì là đệ tử, nên tôi suýt vướng vào cô con gái rượu của ông ta. Em có cái tên mỹ miều: Giả Quỳnh Hoa, chả như cái nghề tầm thường của ông bố. Có lẽ cũng bởi thằng Cò chăng, nó chơi trò yêu đương, làm tôi nhiều đêm mất ngủ, đâm ra thích yêu đương? Dịp ấy người yêu thằng Cò chưa uỹnh bụng ra, đêm hôm chúng còn lôi nhau vào gian nhà ngang uỳnh uỵch.
Kể mức độ xinh tươi, con bé con ông thợ hoạn chả bằng người yêu của thằng Cò, nhưng nom ra cũng bắt mắt, nhất là cặp tuyết lê, rồi mông đùi, tức là diện các loại cặp của phụ nữ, tôi thường vụng trộm ngắm nghía và nuốt nước bọt. Cũng còn tại em gái hay phát tín hiệu cơ, tín hiệu quá rõ. Sau này nàng ta tâm sự, ngay buổi đầu, Giả Diệu Hoa đã để ý tôi. Con gái nhà quê thường cả thẹn, nói ngược, yêu thì nói chệch ra ghét; thích, nhưng lại giọng chê bai. Nào nàng chê tôi thư sinh mảnh khảnh, chắc chả cao to như thằng Cò; con trai gì mà trắng hếu, lại cả bộ ria mép con kiến. Thực ra cô nàng đều thích các thức đó của tôi:
- Eo ơi...!
Nàng hay thốt ra từ eo ơi, rồi rụt cổ lại, ngẹo đầu, cười rinh rích. Những lần tôi sang nhà em, để tháp tùng ông thợ hoạn dạo xe hành nghề, trong khi ông bố chuẩn bị xe cộ, đồ nghề, cô con gái vè vè lượn quanh tôi, buông câu thả thính. Ví dụ như em chê bai các thức của tôi, rồi tranh thủ bẹo một cái và co giò bỏ chạy. Lắm khi đề phòng trước, tôi vẫn bị nàng bẹo cho một nhát đau quắn, khanh khách cười và nhanh chân lẩn mất. Nhìn theo em, bím tóc ngoe nguẩy, tôi tủm tỉm cười, thấy gợi tình, đáng yêu, nhí nhảnh quá. Còn lại một mình, lòng trai xốn xang, rực mặt đỏ và âm ỉ sướng.
Lần ấy nàng vừa bẹo tôi một cái xong, co giò bỏ chạy, vội vã thế nào, suýt đâm bổ vào ông bố. Tôi thất kinh, tưởng ông già phát hiện ra chuyện chớm nở tình ái của đôi trẻ. Ơ hay thật, ông thản nhiên như không. Thực ra ông ta biết tỏng, con gái mình đang yêu, đang bẫy tròng gã sinh viên kia. Giả thử như con gái chòng ghẹo được tôi, ông chả rên rỉ sướng. Vậy là ông lơ đi cho. Sau đôi tháng, khi gọi là tình sắp mặn nồng, tôi lại giúp được ông ối việc, như nhảy vào chuồng bắt lợn, treo ngược lên thang, thậm chí ra dao thiến hoạn. Ông ta đâm nhàn nhã, chỉ còn mỗi việc rao to lên "Ai hoạn ơ!" và đứng thu tiền.
Một bữa nọ em gái thập thò mò sang nhà ông đội trưởng, thì thầm vào tai tôi, “Thầy bu em mời bữa cơm tối”. Tôi lơ đễnh nghe em. Thực ra tôi đâu thiết tha chuyện ăn uống.
Lại nói vợ chồng ông đội trưởng, họ niềm nở với tôi, cũng còn là mối lợi vật chất. Riêng nấu nướng phục vụ cậu sinh viên, hợp tác xã chi trả công điểm khá, lại thóc gạo, củi lửa, thực phẩm,... nhà ông kiếm bẫm. Khách ba chủ nhà bảy, cỗ bàn tiếp đáp diễn ra lu bù, nào bà đội phó, kế toán, thủ kho, thủ quỹ... Họ lấy cớ và mang tôi ra làm chứng từ thanh toán, tất cả đều ghi chép vào phần tiếp đãi sinh viên thực tập tốt nghiệp, trong chương trình phát triển kinh tế - khoa học xã nhà.
Tôi hỏi Giả Quỳnh Hoa:
- Cỗ thầy bu mời gì?
- Thầy bu ai? Chỉ giỏi vơ vào - em tình tứ nhìn tôi, tranh thủ bẹo một cái rõ đau - Chắc là cá. Cá rán, cá riêu,...
- Cá thì đây chả thiết.
- Vậy… thứ gì?
Vô phúc thay, đúng lúc ấy con gà trống của nhà em lớ xớ mò qua sân nhà ông đội trưởng, tôi liền chỏ thẳng tay vào nó:
- Con kia kìa!
- Nó là gà giống.
- Giống, không ăn được sao?
Tôi vờ xị mặt xuống. Thấy vậy, em lo lắng, tất tả chạy thụt về nhà, được một tẹo, lại thậm thụt sang:
- Thầy bu bảo, giết còn gà mái ghẹ, được không?
Tôi lại vờ sầm mặt hơn:
- Tiếc thì thôi! Chả gà qué, mời chào gì nữa.
Em cuống lên, luật quật chạy về, chắc để thương nghị thêm với thầy bu. Lần này, thời gian hơi lâu mới thấy em hớn hở quay lại:
- Thầy bu đồng ý rồi.
Chiều tối đó tôi sang nhà em xơi cơm. Còn gà to thật. Món gà luộc rắc lá chanh đầy ngộn hai đĩa men sắt, cái mào dầy, đôi chân to tổ cụ,… rồi bí nấu cánh gà, miến xào lòng tim gan, tức đầy đủ lệ bộ của con gà. Thịt thà nhiều quá, em mải mê gắp múc cho chàng sinh viên, chả để ý đến thầy bu, người có công sinh thành, nuôi dưỡng em và nuôi dưỡng con gà giống. Chỉ tội con gà già, nên hơi bị dai. Lúc nhai miếng thịt đùi, tôi loáng thoáng ân hận, mình đùa hơi quá. Song con gà giống lên đĩa mất rồi, ân hận cũng chả giải quyết được gì, tôi đành tì tì thưởng thức. Mấy hôm sau nghe bà vợ ông Chóe ca cẩm:
- Con gà giống nhà lão thợ hoạn nhốt, hay giết thịt rồi ấy nhỉ? Chẳng thấy nó mò sang. Lấy giống con này…
Con gà giống không chỉ đạp cho đám gà mái nhà ông thợ hoạn, còn nhảy nhót lung tung đàn gà mái khắp xóm. Tôi đùa hơi ác. Nay đám gà mái trong xóm đâm ra góa bụa.
Quá trình theo ông thợ hoạn, ngoài học nghề, tôi còn học được học ối thứ ở ông. Tính ông rất tếu, hay sưu tầm và đọc dạng thơ Bút Tre:
“Hôm qua học tập chính tri (chính trị)
Cán bộ ngồi ỳ, chẳng chịu phát biêu (phát biểu)
Cơm ăn chẳng được bao nhiêu
Đảng uỷ lại bắt phát biêu cả buồi (cả buổi)”
Mấy bài thơ Bút Tre tưng tửng ông đọc, ối bà nạ dòng ngặt nghẹo cười và phải lòng ông. Được cái ông ướt át phết, từng cười cười đe nẹt thằng học trò tôi:
- Mày đứng có bép xép nhá.
Ông chê tôi lóng ngóng, bảo “trí thức các anh chỉ được cái nói dài, nói nông dân không biết đằng nào mà lần”. Sau cả tháng theo thày, tay nghề hoạn lợn của tôi lên khá khá, chó lợn mèo gà qua tay là tịt đẻ, tịt động dục.
Nhớ một lần thầy trò hút chết, nghĩ lại vừa buồn cười vừa hãi. Lần ấy chúng tôi riễu xe vào ngôi làng kia, tất nhiên ông thầy đảm nhận khâu rao mời, tôi xấu hổ, cho ăn kẹo cũng chả dám làm việc đó. Cưỡi con xe đỏ chuồn chuồn quả ớt, tôi lút cút đạp theo theo thầy. Thầy trò đang rong ruổi trên đường làng, bất chợt một ông từ đằng sau vượt xe lên:
- Này, này, thầy trò ông thợ hoạn! Ngõ đằng kia kìa, nhà người ta đang cần gấp đấy. Khổ vì con lợn động hớn, phá phách chuồng trại dữ quá!
- Ngõ nào?
- Kia kìa!
Ông ta chỏ tay. Khi xe rẽ vào rồi, ông ta còn nhiệt tình dặn với, bảo nhà có cái cổng to to. Thoáng thấy ông ta vừa nói, vừa tủm tỉm cười, chắc có chuyện uẩn khúc gì chăng. Đúng là trong ngõ có nhà với cái cổng xây to, đóng im ỉm. Ông thợ hoạn trên xe, ghếch chân xuống đường, chõ vào:
- Thiến hoạn đê!
Được một tẹo, lại tiếp:
- Thiến hoạn đê!
Cửa giả vẫn im ỉm đóng. Ông thợ hoạn sốt ruột, dắt xe áp cổng, tay đập thình thình, giọng gắt gỏng:
- Có thiến hoạn không! Nó mà động hớn nữa…
Đang dở dang câu, thình lình cửa bật mở. Bên trong một lão to đùng, mặt mũi hầm hầm xô ra:
- Động cái tiên sư nhà mày, hớn cái tiên bà nhà mày!
Ông thợ hoạn hoảng hồn, vội lui lui xe và mặt mày ớ ra. Thầy trò tôi vội vàng chuồn thẳng. Ra đến quán nước đầu làng, thấy mấy người nhìn chúng tôi cười ngả ngốn, trong đó có ông từng nhiệt tình chỉ dẫn cho thầy trò tôi mối hàng. Hóa ra nhà ông có cái cổng to to, đang là câu chuyện thời sự của làng. Ông thợ hoạn lại góp phần thêm rôm rả chuyện. Tay chồng nhà ấy vắng nhà, bà vợ tuổi xồn xồn, rước cậu trai về. Đang lúc hành sự, thì bất thần gã chồng mò về, bắt tươi được đôi trai trên gái dưới. Nhà người ta thế, ông thợ hoạn lại đổ thêm dầu vào lửa, bảo “… động hớn nữa…”, thì bố ai chẳng không điên tiết chứ.
Người ta bảo có số má cả. Tôi và con gái ông thợ hoạn chưa kịp bập vào nhau, đến mức ra kết quả như thằng cu Cò, thì chuyện vô tình xảy ra, làm tôi khiếp vía, bỏ của chạy lấy người. Nhà ông thợ hoạn ba gian, thêm căn buồng lửng lơ nữa, chả ra gác, chả ra tầng. Đấy là buồng riêng của cô con gái rượu. Âm mưu của tôi chui vào vườn cam yêu đương không thành, thằng Cò chiếm chỗ trước rồi. Mấy bữa tối tối, tôi nhấm nháy rủ nàng lên đê hóng gió. Việc bất thành, kể cả tôi làm mặt giận, em chả dám đi, ông bố đề cao cảnh giác quá, gác cửa ráo riết. Có lần, mặt vẻ nghiêm túc, em bảo:
- Em chả như con Quỳnh… - tức người yêu của thằng Cò.
Hóa ra em biết chuyện yêu đương của cặp thằng Cò. Buồng lửng của em cửa sổ cũng trông ra vườm cam. Tôi đùa, hỏi lại:
- Chả như làm sao?
Em thẹn đỏ mặt. Tôi tranh thủ nắm tay và còn lơi lả xoa xoa vuốt vuốt đâu đó. Em để yên cho bàn tay tôi thế… Hóa ra phụ nữ hay nói ngược. Việc rủ rê và tôi làm mặt giận dỗi, cuối cùng em đành thú thực:
- Thầy bu bảo, không được tìm hiểu chỗ bóng tối. Phải chỗ sáng cơ. Hay… lên buồng em đi.
Đành lòng vậy thôi. Ngay tối đó tôi leo lên căn buồng lửng, để tìm hiểu em. Trên ấy có chiếc đèn dây thắp sáng choang. “Thầy em mới sắm trên phố huyện đấy” – nàng ta khoe vậy. Tôi nghĩ bụng, có ông bố chú đáo quá, sắm cả đèn dây cho người ta đến tìm hiểu con gái mình. Còn chưa yên tâm, ông cẩn thận tháo cánh cửa sổ xuống, dựng ngay trên hè nhà. Cửa sổ không cánh, đâm căn phòng nom thông thốc, phía dưới nhòm lên, quan sát thấy nửa căn buồng. Đã hết đâu, khi tôi và Giả Quỳnh Hoa tâm sự, dưới sân, ông bà dậm dịch qua lại, vừa đi còn vừa trò chuyện, kiểu như đánh tiếng lên chỗ hai đứa tôi “Chúng tao còn thức đó, liều liệu cái thần hồn nhá!”
Tối thứ ba, thứ tư, tôi và nàng vẫn cung cách tìm hiểu theo kiểu dưới ánh đèn, song dần dà có chiều dạn dĩ, chả còn lo lắng tiếng bước dưới sân của thầy bu em nữa. Bàn tay tôi bước đầu thăm dò đôi ba nơi đâu đó, nhưng cam đoan, chưa tới mức độ yêu đương như kiểu của đôi thằng Cò. Em tâm sự với tôi, bố mẹ cho em cái nhẫn, một sợi dây chuyền, tôi nghĩ sao em giầu có thế. Giá mà tôi có chỗ ấy nhỉ, chạy việc sẽ thuận lợi.
Tôi nhớ bữa ấy là hôm thứ năm, nhớ chính xác tới cả giờ phút, vì đúng lúc tiếng loa truyền thanh tút tút báo hiệu chín giờ, trước buổi thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam. Quả là may, nhờ có tiếng tút tút, làm tôi tỉnh cơn mê. Tôi thoáng nghe tiếng xoèn xoẹt, y như tiếng mài dao. Đúng, tiếng mài dao thật. Giờ này còn mài dao. Ý nghĩ tiếp nảy sinh trong đầu óc tôi, thôi đúng rồi, ông thợ hoạn cánh báo, đứa nào xí xớn con gái ông, hãy coi chừng, ông thì xẻo như thiến hoạn lợn. Toát mồ hôi hột, tôi vội dừng ngay đôi tay đang quờ quạng linh tinh beng, khuôn mồm cũng vội vã dời nhanh khỏi khuôn miệng em. Giả Quỳnh Hoa ngơ ngác. Thấy thái độ tôi thất thần, em ngạc nhiên hỏi với chất giọng khàn khan, nhừa nhựa:
- Sao thế…?
Sao với trăng gì. Tôi vội nhỏm lên, nhanh nhanh dời bước và chẳng dám nói năng gì, chả lẽ đáp lại lời em:
- Thầy em đang mài dao đấy!
Xuống tới sân, nghe ông già cất lời, tôi giật thót mình. May quá, ông già chả dọa dẫm gì, chỉ nói với tôi rằng:
- Kìa, sao anh về sớm thế? Không ngồi chơi với em nó thêm tẹo nữa.
- Dạ, thôi thôi, đủ rồi ạ!
Và ngay ngày hôm sau, tôi chứng kiến chuyện của thằng Cò, bụng người yêu nó uỹnh ra. Những ngày tiếp theo, có lẽ chuyện không còn gì để kể tiếp – chuyện của tôi và Giả Quỳnh Hoa ấy, lại đúng thời điểm hết thời gian thực tập. Trước buổi chia tay, tôi ngập ngừng sang chào ông thợ hoạn. Dù gì ông ấy cũng là thầy của tôi, từng truyền nghề cho. Gặp nhau, ông già gần như chả nói câu nào. Chỉ đến khi tôi ngập ngừng xin phép, lên căn buồng lửng chào em, tôi biết, em đang khép mình trên ấy, ông mới cất lời:
- Thôi! Khỏi phải lên nữa. Em nó bảo vậy. Chỉ trách, sao anh nỡ đùa em nó thế.
Tôi biết nói gì đây, ngượng ngùng và im lặng, ngượng ngùng dời bước.
Chuyện hơn ba chục năm. Trong chuyến công tác qua vùng quê thực tập khi xưa, làng quê đổi thay. Tôi tìm nhà ông đội trưởng. Thời gian đủ để khỏa lấp mọi chuyện, đều thành quá vãng. Thằng Cò, nay là ông Cò, nhận ngay ra tôi:
- Kìa, anh… Huân!
Nhìn lên ban thờ, thấy chân dung ông bà đội trưởng.
- Các cụ nhà em đi dăm năm rồi.
Ngó ra sân, thấy thằng bé có khuôn mặt giống như đổ khuôn anh cu cò năm nào, tôi cười hỏi:
- Thằng Cò cháu phải không?
- Dạ. Cháu học lớp năm...
- Thế còn...
Buông lửng lơ câu, mắt tôi thoáng nhìn về nhà bên ấy. Ông Cò nhìn tôi:
- Ông cụ đi cũng dăm năm rồi. Trước vẫn thường nhắc tới anh đó. Còn cô ấy...
Tôi thoảng nghe như "... vẫn đợi anh. Chả chịu lấy chồng…!"
Cuộc đời đâu thể mang ra đùa bỡn, cợt nhả nhỉ?
Thôi, thế là thôi, nông nổi thời trai trẻ, tôi từng làm lỡ ai đó cả chuyến đò đời!.
15/1/2017
Trọng Huân
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...