Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Vườn xưa

Vườn xưa

Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng vài chục cây số đường chim bay. Mảnh đất rộng chừng gần hai sào Bắc bộ, được bố mẹ tôi mua vào năm 1965, sau khi nhà tôi chuyển từ một căn hộ tại Ngõ Trúc Lạc, bên bở hồ Trúc Bạch, Hà Nội, về quê sinh sống theo chính sách thời chiến-giảm dân số ở thủ đô, khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc bộ mở đầu cho cuộc chiến bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc. Sau này, được biết, cái chính sách "giảm dân số ở thủ đô" ấy chỉ thực hiện với đa phần gia đình có quê và thuộc diện "thành phần không trong sạch" theo chủ nghĩa lý lịch phổ biến vào thời ấy...
Về sống ở quê, quen dần, lại thấy được cái vẻ đẹp bình dị muôn thuở của thiên nhiên làng quê Việt mình.
Trên mảnh đất đầu làng ấy, bố mẹ tôi làm ngôi nhà 5 gian kiểu 3 gian 2 chái, tường đất vách rơm bùn, lợp rạ truyền thống ngàn đời của làng quê Bắc bộ. Cùng đó là căn nhà ngang gồm bếp, chuồng trâu, chuồng lợn và chỗ vệ sinh, cũng bằng chất liệu tre đất rơm bùn. Đất trống hai đầu hồi nhà thì một bên là chuồng gà, bên kia là đống rơm, đống rạ. Trước nhà, có mảnh sân hẹp lát gạch Bát Tràng cũ do mua lại. Vài cây cau vươn cao bên dưới có vài cây nhài và gốc lựu, mà quê tôi quen gọi là thừu lựu liền với sân gạch. Phần lớn đất phía ngoài sân để làm vườn tược trồng các loại rau theo kiểu tự túc, tự cấp. Các cây lưu niên có sẵn và được trồng thêm, loại ăn quả thì có na, mít, bưởi, chanh, hồng xiêm, ổi, nhãn và sấu. Góc vườn và sau nhà có mấy bụi chuối tây, tiêu đủ cả. Liền kề với vườn là miếng ao nhỏ hẹp có sẵn, được đào sâu thêm lấy đất đắp tường nhà và tường bao vườn. Gốc vườn nơi hay bị cớm nắng thì có ít dong giềng. Bốn xung quanh, giáp nhà hàng xóm và đường, ngõ làng là lũy tre, cùng dây mây gai là dăm cây ruối, cây màng dè, cây xoan và hoa dâm bụt, cùng khúc tần. Thế thôi, đã có hoa trái, rau cỏ ăn quanh năm rồi.
Cuối Chạp hay sang Giêng, tùy tiết sớm muộn hàng năm, khai mùa là hoa chanh, hoa bưởi. Hoa bười nụ to, mùa sai hoa thì trĩu cả cành những nụ những hoa, cánh trắng nhụy vàng tinh khôi, thơm sực nức vườn nhà, Mẹ tôi hay hái hoa bười, chì vài ba chùm thôi, bày đĩa nhỏ đặt lên bàn thờ thắp hương. Thói quen này, là mẹ tôi học từ bà ngoại tôi. Bưởi sai hoa, nên ngắt bớt đi, để nhiều tự hoa cũng rụng rơi, bởi chỉ để vừa hoa thành quả thì cây mới đủ sức nuôi quả lớn. Nở cùng thời điểm, nhưng hoa chanh khác hẳn, khi nụ thì tím nhạt, lúc nở ra mới trắng ngà, hoa nhỏ và hương thơm dìu dịu. Thực lòng, tôi thích quan sát và mê hoa chanh hơn, vì tìm thấy ở đấy sự khiêm nhường mà vẫn tươi tắn sắc hương...
Qua giêng hai, trời bắt đầu có dấu hiệu hè sang với những cơn giông chiều, đêm ì ầm tiếng sấm. Ấy là lúc cây lựu lấp ló nụ đỏ. Mỗi khi thấy hoa lựu, bố tôi hay ngân nga câu Kiều "Dưới trăng quyên đã gọi hè/Đầu tưởng lửa lựu lập lòe đâm bông"...Đây cũng là thời điểm cây nhà đua nụ hoa trắng. Nếu như lựu chỉ làm người ta ấn tượng với nụ hoa đỏ như ngọn đèn dầu hỏa thì hoa nhài lại trắng muốt thơm hương. Có lẽ vì quê tôi ít trồng hoa sen và thói quen sinh hoạt, bố tôi thích uống trà nhài hơn. Nên mỗi khi có hoa nhài, bố tôi thường dậy sớm, nhắt những bông nhài chớm nở còn đẫm sương mai, rồi tự ướp với trà, loại trà Thanh Hương giá ba hào hai xu một gói. Ngày ấy, uống trà cũng là một thú vui xa xỉ, và loại đắt tiền như Hồng Đào thì có nằm mơ, đơn giản vì không có tiền mua và có tiền cũng không mua được vì chỉ bán phân phối cho cán bộ thôi. Nhưng sau này, nghiện trà, tôi mới hiểu một thực tế và có thể xem như một đạo lý, ấy là trà ngon, tỷ như trà búp Thái Nguyên thì chỉ nên uống mộc, mới thấm được cái ngon của hương vị tự nhiên thổ ngơi của trà. Còn như trà ướp, dù là ướp gì, sen hay nhài hay loại hoa, hương liệu khác thì chỉ nên dùng trà loại nhì, loại ba mà thôi. Chính loại trà không phải là thượng thặng mới cần đến hương vị ngoại lai để tăng vị thơm ngon cho mình...
Tháng ba, hoa gạo đỏ ối đầu làng, triền đê, nơi cổ quán, chùa chiền. Người chị gái lớn của tôi đi làm đồng về, nhặt theo mấy bông hoa gạo to tướng về bỏ lên mặt bể nước, vừa rửa chân tay nơi sân giếng, vừa khe khẽ hát "Mỗi khi qua rừng biên giới lại thấy hoa mộc miên. Mộc miên hoa ơi..."... Bỏ dở câu hát, chị bảo "Cái tên Mộc miên hay thế, mình lại gọi là hoa gạo... Có ăn được đâu cơ chứ...". Tôi nghe lời bái hát, lơ mơ hiểu là bài hát về tình hữu nghị hai nước Việt-Trung, chẳng mấy quan tâm nhưng tôi lại hình dung ra những cây hoa mộc miên đỏ ối nơi biên cương xanh ngút ngàn. Chỉ thế thôi, trong tôi đã nảy mầm nỗi khát khao được đi đây đó... Rồi chị quay ra đố tôi "Em có biết ở miền Nam, Tây nguyên ấy, người ta gọi hoa gạo là gì không?" Hỏi rồi, chẳng đợi tôi trả lời, chị bảo: "Là hoa Pơ-lang đấy. Cái tên cũng thật hay...". Và chị lại hát bài hát về hoa Pơ-lang:"Tây nguyên ơi, hoa rừng bao nhiêu thứ, thứ hoa nào đẹp nhất rừng, Tây nguyên ơ ơi..." Tôi nghe chị hát mãi vẫn chưa thấy nhắc đến cái tên pơ-lang, nhưng tôi cũng không hỏi lại... Sau này lớn, tôi mới biết, chị gái tôi hát cho niềm mơ ước tuổi trăng tròn của chị, cho khát khao tình yêu đôi lứa thời lửa đạn, khi trai tráng làng quê ra trận hết cả, trong đó có chàng trai đã ngỏ lời yêu với chị, và không bao giờ trở về...
Giờ cũng là lúc vườn nhà phủ một màu tím hoa xoan nở chạt ngọn cây. Lúc này, vẫn còn rơi rớt những trận gió mùa đông bắc, sân vườn ẩm ướt. Mỗi dịp vậy, mẹ tôi lắc đầu, ái ngại, bà thương bầy gà con cóm róm trong mưa lạnh, mắt lên mộng vì chứng cúm thời tiết, lò dò, ngơ ngác kiếm ăn mùa hoa xoan. Bầy gà con bị vậy, nhiều khi mất cả đàn, còn vài ba con sống sót là may. Mỗi khi gà bị cúm, bố tôi lại sai mấy chị em chúng tôi lấy tỏi giã chắt nước rỏ vào miệng cho chúng uống, rồi thóc đem ngâm với nước vôi trong cho gà ăn, mong cả đàn qua khỏi, còn có cái mà bán, có miếng mà ăn lúc giõ chạp. Cái mùa hoa xoan chẳng đem lại ích lợi gì, mùi hăng hắc, ngai ngái, ám ảnh, khó thoát, dù ngoài sân hay trong nhà, nhưng màu tím của nó trên vòm trời chiều thì rất chi ấn tượng.
Đây cũng là lúc những mảnh đất trống lấm tấm lên mạ non. Tôi hay có cái trò câu công cống. Gọi là câu công cống hẳn nhiều người không hiểu là câu con gì. Thực ra, ấy là câu con sâu đất. Khi mặt đất se đi, quan sát kỹ sẽ thấy có những lỗ nhỏ như chôn kim lác đác đây đó. Tôi bứt những cọng mạ non, hoặc búp nõn tre, cắm xuống các lỗ đất chân kim ấy, khi thấy cọng mạ động đậy, ấy là chú sâu đất đang cắn mồi cọng mạ, bèn rút dần cọng mạ thật khẽ và khi gần lên mặt đất thì rút thật nhanh, kéo tuột con sâu lên, lấy sâu làm mồi bồi dưỡng cho bầy gà con đang bị ốm...
Mùa hạ sang, ấy là mùa của nhiều loài hoa vườn nhà. Trước hết là những loài hoa đỏ, như râm bụt, dong giềng. Hoa râm bụt thì chỉ có sắc, không hương, phá gam đỏ điểm tô cho bờ rào xanh, bởi khúc tần và dây tơ hồng vàng, còn hoa dong giềng không những sắc đẹp, nếu ai biết nó thì còn ăn được. Chẳng hiểu ai dạy, tôi đã biết tút lấy búp hoa trong cùng, mút chút dịch từ lõi búp, có vị ngọt là lạ. Thật thú vị. Biết chẳng béo bổ là mấy, nhưng lại có cảm giác của con ong đi tìm mật. Còn xương rồng nữa, những bụi xương rồng hàng rào hay trên mặt tường vườn rau cũng dày hoa. Mặc dù xương rồng là loại cây chịu khô hạn vô địch, nhưng mùa hạ mưa nhiều, xương rồng cũng mở màng hơn và vì thế sắc hoa đỏ hay vàng của nó cũng tươi tắn hơn, làm con người ta cũng thấy hưng phấn hơn lên...
Chưa hết, chỉ riêng một cây sấu ven ao ngay lối cổng vào lấm tấm hoa, lẫn vào vòm lá xanh khiến người ta khó thấy. Và nó chỉ hiển hiện khi dưới gốc cây dát một thảm màu trắng ngà vàng,... Ấy là khi hoa sấu rụng, người ta mới biết đến sự có mặt của nó...
Tiết cuối hạ, khi những đầm sen ngoài đồng đã vãn, mảnh ao nhỏ lại tím sịm hoa bèo Nhật Bản, làm góc vườn nhà đầy sinh khí. Loài hoa chẳng mấy ai để ý nên nó cứ vô tư hớn hở, như chỉ thể hiện sự có mặt cùa mình mà thôi. Song sự có mặt của nó làm cho mảnh ao nhỏ quanh năm cớm nắng bởi bóng tre và những cây lưu niên khác, bừng tươi tỉnh, nhất là mỗi chiều tà trời nổi cơn giông nổi, theo đó là những hạt mưa to lộp độp trên lá bèo. Dây mướp ven ao, được bắc dàn lán ra mặt ao đầy hoa vàng và bóng hoa in hình trên mặt nước, khiên đám rô ron tưởng nhầm, lao xao đớp bóng hoa, cho đến khi những bông hoa mướp đực héo rụng xuống, ấy là lúc bày cá con lau chau tranh ăn, quấy nước ao sủi bọt khí. Đám rau muống nước cũng chẳng chịu thua nở đầy hoa tím, kéo sang cả thu. Hình ảnh ấy in đậm trong tôi, để một ngày nào đó, bật ra mấy câu thơ nhớ quê "Quê nhà dường đã vào thu/ Hình như có tiếng chim gù đâu đây/ Ao vườn hoa tím nở đầy/ Có con săn sắt động dây muống chiều"...
Rồi bỗng một ngày, khi len lỏi vào hàng rào vườn nhà để tìm ngắt những quả ruối chín vàng mọng bỏ vào miệng ăn, bỗng nhiên cẩm nhận một mùi hương là lạ. Hương gì nhỉ? Tự hỏi mà chẳng thể trả lời. Mùi hương ấy như có lại như không. Mỗi làn gió thổi, mùi hương lại dậy lên, từ sáng đến trưa, rồi chiều, càng rõ dần, và mùi hương ấy hiển hiện, như mùi chuối chín, hay dứa chín. Ở quanh quất đâu đây thôi. Bố tôi bảo: "Hoa dứa dại đấy. Cứ tìm đi, khắc thấy". Tôi căng mũi lần tìm, như chú khuyển vàng đánh mùi... Đây rồi, giữa bụi mây gai xen kẽ dứa dại hàng rào, từ nách lá, một bông hoa vàng nhạt nhô lên. Mùi hương lạ từ đấy tỏa ra, sực nức. Ai đã từng một lần ngửi hương hoa dứa dại sẽ chẳng thể nào quên, vì nó không lẫn với bất kỳ thứ hương nào khác. Tôi mách bố, ông bảo:''Dứa dại ít khi nở hoa, nên ai tìm thấy hoa dứa dại là may mắn lắm đấy". Chẳng biết thật hư, nhưng từ khi tìm thấy hoa dứa dại, tôi luôn chờ đón sự may mắn kỳ diệu nào đó sẽ đến với mình!...
Mùa hạ qua đi. Tiết thu sang, sấu chín, lộp độp rụng mỗi khi trời chuyển gió. Bưởi cũng già quả, nhưng ăn vẫn còn he, phải đợi đến tiết Trung thu quả mới đủ nước vào ngọt. Đây cũng là thời kỳ oi nước lên. Lúc này, vườn nhà hầu như vắng màu hoa. Ấy là lúc, những bông hoa xương rồng nhỏ xíu vẫn kiên trì, túc tắc nở, đem lại chút màu sắc cho vườn. Khi ấy, mới thấy thương thấy quý loài cây hoa này làm sao!...
Ở tít trên cao, hoa cau nào ai biết. Chỉ những chú chim sẻ mùa hè là hay ríu rít, lách chách, chí chóe trên nách bẹ cau, để thòi ra những sợi rơm khô từ tổ của mình. Rồi một sáng, phảng phất đâu đây chút hương dịu nhẹ. Gì thế nhỉ? Lúc múc nước, chợt thấy mặt nước bể lấm tấm hoa cau. Mãi sau này, tồi hiểu, ấy là dấu hiệu của tiết heo may, khi một thần đồng thơ đã viết những câu thơ "Nửa đêm nghe ếch học bài/ Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây/ Nghe trời trở gió heo may/ Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau". Hay và tinh tế làm sao...
Nhà tôi, có đào giếng khơi, bên giếng là bể nước. Bố tôi cầu kỳ để một chậu quỳnh. Ngay chân bể chứa nước là khóm giao. Bố tôi bảo: "Cây quỳnh phải có cành giao mới hợp". Ông mang câu thơ Kiều ra diễn giải, rằng chàng Kim Trọng gặp Thúy Kiều trong truyện của Nguyễn Du thì trời đất, quang cảnh cũng đều giao hòa, quấn quýt "một vùng như thể cây quỳnh cành giao"... Hàng năm, vào tiết cuối thu, may mắn thì khóm quỳnh đơm hoa. Từ lúc thấy quỳnh nhú nụ, bố tôi giao cho tôi theo dõi hàng ngày. Mỗi ngày, nụ quỳnh một lớn và nhú cao hơn. Hồi hộp lắm, mỗi khi chờ xem quỳnh nở. Hoa quỳnh thật lạ, chỉ nở vào đêm, và thường đêm có trăng sáng. Vì thế, cụ Nguyễn Du mới hạ bút: "Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên...". Ban chiều, quỳnh còn chúm chím, đầu nụ nứt hé lộ chút cánh trắng, tôi mừng lắm vội báo tin cho bố tôi. Tối ấy, xong công việc, sau bữa cơm tối, bố tôi cho bày chiếc bàn học của tôi và mấy chiếc ghế ra sân. Ngoài ấm trà, có chút hoa quả vườn nhà và mấy cái kẹo lạc. Cả nhà quây quần chờ xem quỳnh nở. Cho đỡ sốt ruột, bố tôi kể chuyện, những Tây Du Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng... mấy chị em tôi mải nghe, quên cả hoa. Cho đến lúc bố tôi đột ngột dừng kể khi chuyện vào độ hấp dẫn nhất, chúng tôi còn ngơ ngác chưa hiểu sao lại vậy, thì bố tôi cười bảo: "Quỳnh nở rồi kìa! Mình xem quỳnh cow mà". Chúng tôi mời ở người. Quỳnh nở thật, cánh trắng nhị vàng nhạt, mỏng manh, tinh khiết và hương dịu nhẹ. Lúc ấy, nhớ tới câu thơ Kiều, tôi để ý, thấy cả một vòm trời bát ngát ánh trăng, dòng Ngân Hà mềm mại lấp lánh, vắt ngang bầu trời. Tôi ngợp đi và đêm ấy không tài nào ngủ được, không biết là do hưng phấn, hay do uống chén trà? Không ngủ, tôi nghĩ miên man, và chợt phát hiện thấy mình đổi khác... Tôi mơ màng nghĩ đến mấy đứa bạn gái đang tuổi phổng phao, ngực nhu nhú mầm...
Quỳnh của mùa thu đã nở. Cả năm chờ đợi, duy có một lần, là lúc này đây. Nhanh lắm, đêm nở, sáng ra ánh trời, mọi sự huyền diệu ban đêm bay đi đâu hết. Quỳnh đã héo dần. Nhìn những cánh hoa quỳnh ỉu xìu trong nắng hanh, tư lự, tự hỏi lòng, sao loài hoa năm nở một lần, hiếm hoi, lại nhanh úa tàn làm vậy? Và tôi chợt sáng ra trong ý nghĩ, cũng như giấc mơ đêm qua ấy, bao hồi hộp bay bổng tuyệt vời của chút tình cảm luyến ái le lói, len lỏi, đầy hưng phấn đã vụt tan biến khi mình bừng tình dậy lúc ban mai. Vậy thì quỳnh chỉ là giấc mộng đêm thu mà thôi. Cũng như sau này, cuộc đời ban cho tôi bông quỳnh khác, nhưng rồi, vẫn như ngày thơ dại, mải nghe chuyện bố tôi kể, tôi lặn ngụp giữa những rối ren thị phi chuyện đời, nhãng đi và xảy mất phút bừng nở của quỳnh, để lúc tỉnh ra thì hoa không còn tươi nguyên nữa. Lại nhớ đến một bài thơ đời Đường của Đỗ Thu Nương "Khuyến quân mạc tích kim lũ y/ Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì/ Hoa khai kham chiết trực tu chiết/ Mạc đãi vô hoa không chiết chi"... Thì ra, có một đạo lý, trời đất tạo hóa không cho phép sự tuyệt diệu dài lâu và vững bền, mà chỉ đến trong một chớp mắt, cho người ta cơ hội nắm bắt, còn ra, chỉ như ảo ảnh, lý tưởng về sự hoàn mỹ vĩnh hằng, để cho con người ta ý thức về sự gian khó, để khao khát sống, khao khát vươn lên, mà chẳng biết bao giờ đạt được!?...
Những trận gió mùa đông bắc đầu tiên khe khẽ về vào lúc chiều hôm hay mãi nửa đêm. Cây vườn xào xạc. lắc cắc, rào rào những hạt mưa mau thưa, chợt có chợt không. Chỉ những ai tỉnh ngủ mới nhận biết được. Hoặc trong cơm mộng mị, thấy mưa rơi ở xứ mộng mơ xa lơ xa lắc nào đó. Sáng ra, rùng mình se lạnh, mới biết mùa đông đã bén mảng... Những loài cây mùa đông lác đác rụng lá. Mấy cây bàng ngoài bến sông cũng đã ngả màu lá sậm, chờ một ngày đỏ lựng. Chiều chiều, mẹ tôi hay quét lá vườn, mang về phơi để bếp đun dần. Phần lá vụn và rác rưởi còn lại, không đun được thì hun đống đốt thành đống rấm, khói lên thơm nồng, quện với sương chiều muộn phất phơ lên giời, tạo lên một quang cảnh hư ảo trời đất lẫn vào nhau... Ngày bé, mỗi sâm sẩm tối, trong làn gió lạnh buốt, tôi mơ hồ thấy hồn tổ tiên nương bóng khói đống rấm mà về thăm con cháu... Liên tưởng, ớn mình, nhưng quả thực tôi không mấy sợ...
Những tưởng, mùa đông thì chẳng mấy hoa. Song không, đây là thời điểm đám rau giữa vườn về già lại đơm sắc màu. Nổi bật, là những cây rau cải xanh, để già lấy hạt làm giống mùa sau, bừng lên sắc hoa vàng tươi rói. Hoa cải vàng rung rinh trong gió bắc khiến cả khu vườn mùa đông ngỡ ảm đạm lại tươi tắn phấp phới sắc màu, đủ sức lôi cuốn loài côn trùng hút mật đỡ lòng lúc ngày đông tháng giá... Và tôi lại thấy mẹ tôi cất giọng buồn buồn câu ca dao "Gió đưa cây cải về giời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay". Sao lại thể nhỉ? Tôi chẳng dám hỏi mẹ nữa, nhưng cứ âm âm trong suy nghĩ câu ca dao buồn ấy. Sau này, biết ăn rau cải sống, rồi ăn món mù-tạt làm từ dầu cải, thấy vị cay nồng xộc thẳng vào mũi lên tận óc, lại nghĩ, còn hơn cả vị đắng của rau răm ấy chứ? Thật chẵng rõ người xưa hàm ý gì qua câu ca dao ấy?...
Chưa hết, có một loài hoa gần như không mấy ai để ý, chính là hoa thì là. Nhà trồng vạt thì là, để khi thi thoảng nấu riêu cá, hoặc khi xào khoai tây với tóp mỡ, gia vị thì là làm dậy mùi món ăn. Dùng không nhiều nhưng lai rai cả năm. Bỗng một ngày thì là già cũng trổ hoa, màu vàng nhạt, thả chút hương ngai ngái là lạ. Sắc hoa thì là gần gam màu nhưng không lẫn vào hoa cải. khiến mảnh vườn mùa đông bừng sáng và ấm áp hẳn lên. Rìa rãnh nước chảy còn có hàng hương nhu, cuối năm lấy để đun nước tắm tất niên. Hoa hương nhu gam sẫm, thui thủi nở và tàn chẳng ai hay, bởi giá trị hương thơm cúa nó vào hết thân và lá rồi... Sự có mặt của loài hoa này chì mang ý nghĩa vòng tuần hoàn sinh tồn mà thôi...
Cuối đông, gần tết Nguyên đán, xen kẽ giữa những trận gió bấc rét là những ngày tiết trời ấm lên, gió nồm đưa hơi ẩm từ biển vào, mỗi sáng sớm và chiều muộn hay sương mù, rồi quá mù thành mưa, lất phất mưa phùn. Mẹ tôi hay dùng thành ngữ "quá mù ra mưa" để chỉ những gì đi quá giới hạn chấp nhận của nó trong cuộc sống... Vậy là tiết xuân vừa chớm. Những khoảng đất trống trong vườn, xen với rau cỏ, để ý thấy những cụm cây dại, hoa nhỏ trắng xanh, chẳng biết gọi tên là gì. Tôi hỏi mẹ, thì bà bảo là hoa tầm xuân và ngân nga câu ca dao "Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em đi lấy chồng chẳng tiếc lắm sao?"... Sau này, tôi có tra cứu, hỏi han này nọ, nhằm kiếm tìm loài hoa tên tầm xuân, thì được mặc định cho cây trường xuân, là loại hoa hồng dây leo hàng rào, và giống này có nguồn gốc nước ngoài. Ngẫm nghĩ, thấy không phải vậy. cây hoa tầm xuân trong ca dao kia quyết không phải là loại trường xuân-hồng dây này. Tôi nghí, chiểu theo ca dao, dân gian. tầm xuân chỉ loại hoa cỏ dại nở hoang ruộng vườn vào lúc có mưa xuân, mà xưa kia các cô gái quê hay hái vào cái tuổi mộng mơ mới lớn, chớm biết yêu, nên tục gọi là tầm xuân mà thôi. Đơn giản vậy, mà cũng có vẻ phù hợp với văn cảnh câu ca dao "bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân" chứ?...
Mảnh vườn xưa, quanh năm bốn mùa hoa trái ấy không còn nguyên nữa. Sau khi bố tôi mất, mấy chị em chúng tôi, người về nhà chồng, người ra thành phố công tác. Tôi cũng hành phương Nam gần chục năm trời. Mẹ tôi theo ra thành phố chăm con cho chị gái tôi, bà nhượng nửa mảnh đất cho người bà con họ hàng. Phần còn lại bỏ hoang, ngôi nhà tranh tre tường đất xưa sinh dột nát, rồi bị phá bỏ đi. Gần đây, mấy chị em tôi hùn nhau, xây trên phần đất còn lại một ngôi thờ tự, trồng ít cây, hoa cho ấm bụi, đẹp nhà, nhưng chẳng thể như xưa...
Tôi nhớ lắm mảnh vườn xưa thương mến, trong ký ức bộn bề cuộc sống hiện tại. Nơi mà hàng năm, qua bốn mùa hoa trái, bố mẹ chỉ bảo, tôi đã nhận ra và dần thấu hiểu những triết lý nhân sinh. Và điều đó, đã dẫn dắt tôi ngang dọc đường đời...
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm giã biệt hành trình thương nhớ tài hoa Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm vừa qua đời lúc 8h15’ sáng nay 14.1.2022 sau một th...