Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Bản Sonata Ánh trăng

Bản Sonata Ánh trăng
Ánh trăng là một trong những bản sonata viết cho dương cầm nổi tiếng nhất của thiên tài âm nhạc Ludwig van Beethoven, tác phẩm gồm có ba phần: Adagio (cung Đô thăng thứ), Allegretto (cung Rê giáng trưởng) và Presto agitato (cung Đô thăng thứ). Trong đó phần 1 là phần nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến và cực kỳ yêu thích. Giai điệu phần này mang vẻ bí ẩn, mê hoặc và đầy ám ảnh, khiến người nghe có cảm giác như đang được đắm mình trong một màn đêm ảo ảnh đầy ánh trăng. 
Ban đầu Beethoven gọi tác phẩm của mình theo tiếng Ý là Sonata quasi una Fantasia (tiếng Anh: Almost a Fantasy). Tuy nhiên, cái tên huyền thoại nhất của bản sonata này lại là Sonata Ánh trăng (Moonlight Sonata), được đặt bởi nhà thơ kiêm nhà phê bình âm nhạc người Đức, Ludwig Rellstab. Ông đã so sánh những giai điệu mượt mà, huyền ảo trong phần 1 của tác phẩm với ánh trăng kỳ bí trên hồ Lucerne.
Bởi vì là một tác phẩm rất đẹp, do đó, bao phủ xung quanh bản sonata thứ 14 có rất nhiều câu chuyện được thêu dệt, tất cả đều lung linh và vĩ đại. Sau đây, xin giới thiệu đến các bạn một câu chuyện nổi tiếng nhất gắn liền với mối tình đơn phương của nhạc sĩ nghèo Beethoven:
Như chúng ta đã biết, phần lớn thời gian của nhà soạn nhạc Beethoven gắn liền với thủ đô Viên của Áo, nơi được coi là kinh đô của âm nhạc cổ điển thế giới. Cuộc sống của ông là ngay từ lúc còn nhỏ đã gặp rất nhiều khó khăn và đầy sóng gió, gia cảnh kém may mắn và bệnh tật hành hạ.
Năm 1801, ngoài việc sáng tác, để trang trải cuộc sống Beethoven còn nhận dạy nhạc cho các cô gái con nhà quý tộc. Trong số các học trò của mình, ông đã đem lòng yêu say đắm nữ bá tước 17 tuổi có tên là Giulietta Guicciardi.
Tuy nhiên, với vẻ ngoài xấu xí, tình yêu của Beethoven đã bị cự tuyệt. Trái tim của ông dường như tan vỡ sau khi Giulietta từ chối lời tỏ tình trong một đêm trăng tuyệt đẹp. Trong sự đau đớn, người nghệ sĩ đa tình của chúng ta lang thang khắp thành Viên và vô tình đứng cô độc trên một cây cầu bắc ngang sông Đa Nuýp diễm lệ.
Beethoven thực sự thức tỉnh trước vẻ huyền diệu của tự nhiên với ánh trăng sáng lấp lánh trên dòng sông. Không gian tĩnh lặng tràn ngập ánh trăng và vẻ bí hiểm của màn đêm, người nghệ sĩ nghèo vẫn đứng cô đơn trong niềm tuyệt vọng. Bất chợt, trong khi cả thành Viên đang chìm trong giấc ngủ thì đâu đó, tiếng dương cầm vẫn vang lên mãnh liệt. Bị mê hoặc bởi những nốt nhạc, Beethoven bước đi một cách vô định.
Đó là một khu ổ chuột nghèo nàn, chỉ có một ngôi nhà duy nhất có đèn còn sáng. Beethoven tiến lại và thấy một người cha đang lắng nghe tiếng đàn của cô con gái. Người nói với nhà nhạc sĩ vĩ đại rằng con gái của ông bị mù và rất yêu âm nhạc. Ước mơ duy nhất của cô bé là được ngắm nhìn vẻ đẹp của ánh trăng trên dòng Đa Nuýp thân thương. Nhưng chắc chắn không ai có thể đem đến điều giản dị ấy trừ phép màu của chúa. Hàng đêm, cô bé chỉ biết câm lặng và chìm đắm trong những nốt nhạc.
Xúc động trước tình cảnh của người cha và đứa con, Beethoven ngồi xuống ghế, chàng nhìn ánh trăng lung linh ngoài cửa và bắt đầu lướt tay trên chiếc dương cầm cũ kỹ. Những giai điệu ngân lên, lúc thì huyền ảo và kỳ bí như ánh trăng trong màn đêm, khi thì mãnh liệt và ào ạt như dòng Đa Nuýp. Hai cha con trong ngôi nhà nghèo ôm nhau khóc trong hạnh phúc, mọi nỗi đau dường như tan biến. Tiếng nhạc vẫn vang lên và cả ba người đắm chìm trong một thế giới huyền ảo mà chỉ có họ mới hiểu hết được. Âm nhạc chính là thứ đã vực dậy trái tim đầy đau khổ của chàng nhạc sĩ nghèo, làm cho cuộc sống của chàng trở nên quý giá đến từng giây. Ánh mắt người cha chưa bao giờ toát lên vẻ sung sướng như thế, ông trìu mến nhìn chàng nhạc sĩ đang say sưa với chiếc đàn cũ. Còn cô bé có lẽ mới là người hạnh phúc nhất thế gian, đôi mắt của cô đang nhìn thấy Đa Nuýp thân thương chở đầy ánh trăng, cô ngồi trên một chiếc thuyền buồm tuyệt đẹp lướt nhẹ trên dòng sông mến thương..... Và thế là cả thành viên đã ngập chìm trong ánh trăng.
Suốt cuộc đời của Beethoven, Sonate Ánh trăng là bản nhạc viết cho đàn dương cầm nổi tiếng nhất. Giá trị của nó không nằm trên những tờ giấy hay những lời khen sáo rỗng, nó là hiện thân của sự tự do trong sáng tác và những xúc cảm kì diệu đầy lãng mạn mà chỉ có những người vĩ đại nhất của thế giới mới miêu tả được qua các phím đàn. Và khi bạn muốn nói với ai đó về Sonata Ánh trăng, hãy dùng chính trái tim của mình.
Hãy nghe bản Moonlight Sonata do Thầy Nguyễn Hữu Quyền độc tấu guitare.
Domino
Bài hát Domino - Sáng tác của Louis Ferrari và Jacques Plante năm 1950. “Một bài hát lấp lánh như những hạt kim cương” - Đây là lời nhận xét của nhiều nhà bình luận âm nhạc quốc tế về một bài hát rất nổi tiếng do nhạc sỹ người Pháp Louis Ferrari sáng tác dựa trên phần lời của Jacques Plante. 
Louis Ferrari sinh ngày 14/10/1910 tại Paris, thời thơ ấu theo gia đình sinh sống tại Borgotano, một thị trấn nhỏ gần Parma (Italia). Sau khi quay trở lại Paris, ông đã làm đủ mọi nghề để kiếm sống (thợ mộc, thợ đóng giày, người bán da thú…).
Ông bắt đầu đến với âm nhạc từ năm 1920 và sau này dần trở thành một nhạc công (cũng không phải là nổi trội gì) của nước Pháp. Thế nhưng ông sáng tác được bản “Domino’ thật là xuất sắc. Ông mất năm 1988 tại Paris.
Jacques Plante sinh năm 1920 tại Paris, là một nhà thơ của nước Pháp. Ông mất ngày 16/07/2003 tại Paris. Bài hát ngợi ca tình yêu lãng mạn và bất diệt trong mùa xuân tươi trẻ của cuộc  đời. Thời điểm ra đời của bài hát này là năm 1950.
(Lời Việt: Hương Huyền Trinh) 
Trăng đã lên, Trăng đã lên, Hương ngát thơm bao u huyền vườn thu thiết tha. Trăng sáng soi, Trên lá hoa, Dâng nhớ bao câu mong chờ nhạc xưa đã qua. Xa xôi rồi nhớ thương, Ai mong chờ vấn vương. Riêng có ta tim xót xa, Luyến thương bao khúc ca xưa đã phai nhòa. Bạn lòng ơi đã bao đêm thức trông trăng sáng long lanh, Nhìn giòng sông nước trong xanh cuốn trôi nhanh giữa đêm thanh. Sông mong chờ nhớ, Bao khúc nhạc thắm, Nay đâu còn nữa đã quá xa. Và từ đây mỗi khi nghe khúc ca xưa giữa gió mưa, Thì lòng ta thấy xót xa nhớ thiết tha phút đã qua. Ðã phai nhòa hết, Hoa xưa tàn hết, Nhưng ngàn thu mãi trong tim ta. Thu đã qua, Bao lá hoa, Theo gió bay bay quây quần rụng theo gió đưa. Mây vẫn xanh, Trăng vẫn thanh, Nhưng thấy đâu khúc ca đẹp nhạc êm thắm tươi. Ai xa vời có hay, Bao nhiêu ngày gió bay. Bao lá khô, theo gió thu, Rớt trên đôi mắt đôi môi khắp mong chờ. Nhớ thắm thiết thương ngàn kiếp. Khắc bên tôi bao khúc nhạc vàng đêm nao. Gió cuốn gió lá vàng úa. Nhưng ai đâu có thấu được lòng ta...
Hãy nghe bản nhạc này do Thầy Nguyễn Hữu Quyền độc tấu guitare
Khúc nhạc chiều
Franz Schubert chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi 31 năm nhưng đã kịp để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ ở nhiều thể loại. Schubert còn được mệnh danh là "Vua Lied" vì ông sáng tác rất nhiều lied (số nhiều: Lieder), theo tiếng Đức nghĩa là đoản ca, có giá trị.
Có lẽ lied của Schubert được nhiều người yêu thích nhất là lied có tên "Ständchen" này. "Ständchen" đã được dịch sang rất nhiều ngôn ngữ và được chuyển soạn cho nhiều nhạc cụ khác chơi dưới cái tên "Serenade" và cái tên phổ biến nhất là "Serenade của Schubert".
Bài Dạ Khúc bất hủ mà Franz Schubert sáng tác là để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu trộm nhớ. Ở Câu Âu ngay từ thời trung cổ các chàng trai thường có lối tỏ tình bằng cách mượn âm nhạc, ban đêm đến đứng dưới cửa lầu "người đẹp" tự thể hiện bằng tiếng đàn và giọng hát của chính mình. Những bài nhạc lãng mạn này gọi là "serenade". Serenade thời Trung cổ và Phục hưng được biểu diễn không theo một hình thức đặc biệt nào, ngoại trừ nó được một người hát tự đệm bằng nhạc cụ có thể mang theo được (guitar, mandolin...).
Để làm cho nàng bất ngờ, Schubert nhờ một bạn thân là ca sỹ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Tối đó, người ta bí mật khiêng cây đàn piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn lãng mạn và độc đáo. Thế nhưng, Schubert lại quên không đến. Trớ trêu thay, cô gái lại đem lòng yêu chính chàng ca sĩ, chứ không dành trái tim cho Schubert.
Trong đêm thâu vẵng tiếng hát anh thầm thì, dưới chòm cây yên lặng. Đến đây hỡi người! Gió đùa lá xào xạc dưới trăng; đừng sợ chi kẻ phản trắc rình rập đâu đó. Em nghe chăng tiếng sơn ca ríu rít. Chúng gọi em đấy, chúng chuyển lời của anh cho em, vì chúng hiểu nỗi khắc khoải con tim, nỗi đau tình si. Giọng oanh vàng của chúng làm mỗi trái tim nồng nàn bớt thổn thức. Người yêu hỡi, em hãy để cho những tiếng chim kia réo rắt trong tim... Anh đang run rẫy, bồi hồi chờ em nơi đây. Đến đây hỡi người!
Hãy nghe bản nhạc Serenade (Khúc nhạc chiều) do Thầy Nguyễn Hữu Quyền độc tấu guitare.
 Theo http://www.365ngay.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen Về chiến tranh, thi sĩ Trung Hoa xưa đã viết: "Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gi...