Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với
“Quê quán tôi xưa”
Trong gần năm sáu trăm ca
khúc của Trịnh Công Sơn, họa hoằng lắm người ta mới bắt gặp được một vài địa
danh của xứ Huế. Nhưng qua cung cách sống điềm đạm, qua tình cảm sâu lắng trong
ca từ và qua những giai điệu mượt mà ảnh hưởng của giọng nói người Huế trong
tác phẩm của anh, Trịnh Công Sơn đã chứng tỏ anh là một người con của núi Ngự
sông Hương không lẫn với bất cứ một vùng quê nào khác. Do đó, từ sau ngày anh
qua đời, nhiều người hát nhạc Trịnh Công Sơn:
“Một lần chợt nghe quê quán
tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì”
(Bên Đời Hiu Quạnh)
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì”
(Bên Đời Hiu Quạnh)
Và họ muốn biết cụ thể về
quê hương Huế có “tiếng rất nhu mì” của anh như thế nào. Trong lúc chờ đợi các
công trình biên soạn chính thức về quê hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi
xin giới thiệu một đôi nét sơ lược về Trịnh Công Sơn với “quê quán tôi
xưa” - những chuyện đời anh chỉ tâm sự riêng với những người hiểu
anh.
1. Quê quán Minh Hương và họ
Trịnh. Trịnh Công Sơn người gốc làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương
Trà. Cái tên Minh Hương đã nói lên nguồn gốc của ngôi làng nầy. Sau khi nhà
Minh sụp đổ, một số người Minh chèo thuyền trốn chạy quân xâm lược Mãn Thanh
qua xin làm thần dân nước Việt và được các chúa Nguyễn chấp nhận. Những người
Minh nầy được thành lập làng ở vùng hạ lưu sông Hương, ở Hội An, và ở một số tỉnh
ở Nam bộ để làm ăn buôn bán. Trải hơn ba thế kỷ qua, dân làng Minh Hương ở Huế
xuất hiện nhiều người nổi tiếng trong lịch sử Huế. Người nổi tiếng nhất là Tiến
sĩ Trần Tiễn Thành (1813-1883) một Phụ chính đại thần hồi cuối đời vua Tự Đức.
Thời Nguyễn, làng Minh Hương có nhiều người đỗ đạt (Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ)
nhất so với các làng khác trong toàn tỉnh Thừa Thiên. Đầu thế kỷ XX, nhà yêu nước
Phan Bội Châu có nhiều đồng chí cách mạng gốc làng Minh Hương như các ông Trần
Trinh Linh, Lâm Mậu. Nhiều đảng viên đảng Tân Việt gốc Minh Hương
như cụ Lâm Mậu (thân sinh của bà Lâm Thị Tuyến - vợ chính của nhà văn Cộng sản
Hải Triều), bà Trần Thị Như Mân (bà Đào Duy Anh), ông Trịnh Xuân An v.v. Về sau
phần lớn những đảng viên Tân Việt nầy chuyển qua Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ Trịnh
của Trịnh Công Sơn đã có mặt ở Minh Hương ít nhất trên mười bốn đời (1). Tuy
nhiên cho đến nay gia đình họ Trịnh ở Huế chỉ ghi chép được bảy đời. Kể từ đời
thứ nhất là cụ Trịnh Xuân Tăng, đến thân sinh Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân
Thanh thuộc đời thứ năm. Ông Thanh có 4 người anh ruột là Trịnh Xuân Nhẫn
(còn có tên là Đính), Trịnh Xuân Phong, Trịnh Xuân Vân và Trịnh Xuân Tích. Ông
Tích sinh năm 1912, lớn hơn ông Thanh 3 tuổi. Hai anh em áp út và út nầy có nhiều
quan hệ ảnh hưởng đến tình cảm của Trịnh Công Sơn nhất.
2. Cha mẹ và anh em: Thân
sinh của Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân Thoa tức Thanh (sinh năm 1915). Ông
xuất thân là một người “đóng đồ Tây” và nhờ sự giúp đỡ của thầy là ông Lê Minh,
ông sớm trở thành một doanh nghiệp cạnh tranh với các chủ người Pháp người Tàu
trong việc gia công quân phục cho quân đội Pháp ở Huế. Bản tính ông tháo vát,
nhanh nhẹn, lịch thiệp, lại thêm đẹp trai nên việc giao dịch làm ăn của ông được
dễ dàng. Cụ Lê Minh - thầy của ông, rất thương mến ông. Các cô con gái của thầy
cũng rất có cảm tình với ông. Cô con gái trưởng là Lê Thị Quỳnh (cũng có tên là
Hoè, sinh năm 1921) đem lòng thương mến ông khi cô mới đến tuổi mười lăm và được
gia đình chấp nhận. Đầu năm 1935, đám cưới Trịnh Xuân Thanh-Lê Thị Quỳnh được tổ
chức rất sang trọng. Hôm rước dâu có xe ô-tô đưa đón là một “sự kiện” hiếm có ở
đất Thần kinh thuở ấy.
Năm 1936, hai ông bà Thanh -
Quỳnh sinh người con trai đầu lòng đặt tên là Trịnh Xuân Dương, nhưng rất tiếc
không nuôi được. Khi ấy anh ông Thanh là Trịnh Xuân Tích đang làm ăn ở
Buôn-mê-thuột nhận thấy ở vùng đất mới nầy cần một người có đầu óc kinh doanh
như Trịnh Xuân Thanh nên ông đã gửi thư khuyên em nên đưa gia đình lên
Ban-mê-thuột làm ăn. Qua năm 1937, Trịnh Xuân Thanh thực hiện ý kiến của anh,
chuyển gia đình lên Buôn-mê-thuột, mở một cơ sở may lấy tên là Kam Tik chuyên
may Âu phục và quân phục. Kam Tik có thợ giỏi, mẫu mới hợp thời trang nên rất
được khách hàng người Pháp và công chức tín nhiệm. Nhờ biết kinh doanh nên chỉ
một thời gian ngắn ông chủ Kam Tik trở nên khá giả. Ngoài việc kinh doanh, Trịnh
Xuân Thanh còn là một cầu thủ bóng đá xuất sắc của đất Cao nguyên. Năm
1939, Trịnh Công Sơn ra đời ở Ban-mê-thuộc trong hoàn cảnh thuận lợi như thế.
Năm Trịnh Công Sơn ra đời
(1939) cũng là năm Thế giới nổ ra Đại chiến lần thứ hai (1939-1945). Nhiều tù
chính trị ở ven biển miền Trung bị thực dân Pháp đưa lên giam giữ ở Cao nguyên.
Tinh thần yêu nước của tù chính trị đã vượt ra khỏi các bức tường nhà lao làm
xao động cả tâm hồn dân chúng, nhất là những người dân quê gốc ở miền
Trung, trong đó có hai anh em ông Trịnh Xuân Tích và Trịnh Xuân Thanh. Hai anh
em họ Trịnh nầy đã bí mật giúp đỡ cho nhiều cơ sở cách mạng nên đã bị Quản đạo
các tỉnh Cao nguyên bắt bớ giam giữ nhiều lần và bị đe dọa sẽ bị trục xuất về lại
miền Trung. Thời gian ấy chính quyền thực dân Pháp thu vén của cải ở thuộc địa
để cung cấp cho chính quốc chống Đức nên đời sống xã hội ở thuộc địa của Pháp,
trong đó có vùng Cao nguyên, gặp không ít khó khăn. Nhận thấy không thể tiếp tục
làm ăn ở Ban-mê-thuột thêm được nữa, năm 1943, ông Thanh quyết định chuyển cả
máy móc về ở trong ngôi nhà từ đường của gia đình họ Trịnh trên dốc Bến Ngự
(nay là nhà 43B Phan Bội Châu, Huế). Trịnh Công Sơn về vùng núi Ngự sông Hương
lúc anh mới bốn tuổi. Mấy năm sau anh cắp sách đi học trường Nam Giao (nay là
trường Tiểu học Trường An). Trịnh Công Sơn học trường Nam Giao (2) cho đến năm
đi thi Tiểu học (1950). Chung quanh nhà anh ở có nhiều danh lam cổ tự. Tiếng
chuông chùa hôm sớm và các làn điệu tụng tán cầu kinh lễ Phật lặng lẽ thâm nhập
vào tâm hồn bén nhạy của anh. Năm Ất mùi (1955), anh được gia đình đưa đi qui y
với Pháp danh Nguyên Thọ tại chùa Phổ Quang- nơi cụ Phan Bội Châu đã từng sống
qua trước khi dời lên nơi ở cuối cùng trên đỉnh dốc Bến Ngự (3).
Từ khi trở lại quê nhà, ông
Trịnh Xuân Thanh nhận thấy việc làm ăn ở Huế cũng không hơn gì Buôn Mê Thuột.
Ông bèn dẹp hết máy móc rồi thuê tàu ra Vinh mua gạo đưa vào bán ở các tỉnh nam
Trung bộ và ngược lại mua đường Quảng Ngãi đưa ra bán cho dân các tỉnh ngoài.
Sau ngày Cách mạng tháng tám/ 1945 thành công, vua Bảo Đại thoái vị, ông Thanh
cũng như nhiều chủ doanh nghiệp khác ở nhà tham gia công tác đoàn thể. Đến ngày
toàn quốc kháng chiến, ông được lịnh ở lại nội thành, vừa buôn bán vừa làm kinh
tài cho đoàn thể. Cùng hoạt động hợp pháp lúc ấy có nhà báo Phạm Bá Nguyên, ông
Nguyễn Ngọc Bang, bác sĩ Lê Khắc Quyến, bác sĩ Thân Trọng Phước, nhà sử học Tôn
Thất Dương Kỵ...Trong thời gian chín năm kháng Pháp, ông bị bắt, bị giam nhiều
lần. Có lần ở tù nhớ con quá ông đem Trịnh Công Sơn vào ở tù với ông luôn. Mỗi
lần ông bị bắt gia đình và bạn bè phải chạy chọt đút lót nhiều cửa rồi ông mới
được thả ra. Thấy không thể làm ăn ở quê hương, ông báo cáo với cấp trên và được
đồng ý cho ông đổi địa bàn vào Sài Gòn. Vào vùng đất từng mệnh danh là Hòn ngọc
Viễn Đông, ông liên hệ với người Tàu xin làm đại lý bán buôn và bán lẽ phụ
tùng xe đạp. Ông mở tiệm cả trong Nam và cả ngoài Huế. Tiệm ở Huế mang tên Thanh
Tâm tại 79B Gia Long (Vì thế từ đó bà thân mẫu Trịnh Công Sơn thường được
gọi là bà Thanh Tâm)(4). Tiệm trong Nam thu mua, đặt hàng, tiệm Thanh Tâm ở Huế
phân hàng cho các đại lý. Chẳng bao lâu sau, việc kinh doanh của gia đình ông
trở lại khấm khá. Các con ông đã lớn, ông chia các ở hai nơi để giúp gia đình
buôn bán. Trịnh Công Sơn có nhiều dịp vào Sài Gòn.
Đến tháng 6.1955, ông Trịnh
Xuân Thanh đi đặt cơ sở công tác bí mật ở Quảng Trị, trên đường về đến La Vang
thì bị “tai nạn” giao thông. Vụ “tai nạn” nầy ẩn chứa nhiều điều khó hiểu cho
mãi đến nay vẫn chưa giải thích được. Hôm ấy ông Thanh đi Vespa chạy ngược chiều
về phía Huế thì thấy trên đầu dốc có đoàn quân xa của chế độ Ngô Đình Diệm lao
thẳng về phía ông. Ông Thanh vội vàng lách xe vào bên đường. Không may chiếc
Vespa bị mất thăng bằng đổ nhào xuống mương thoát nước. Ông Thanh văng khỏi xe,
đầu đập vào đá tảng làm chấn thương sọ não. Đoàn quân xa vẫn thản nhiên tiếp tục
cuộc hành trình. Người đi đường thấy thế chạy đến cứu ông. Ông được đưa về Bệnh
viện Huế nhưng vì bị chấn thương quá nặng nên sau mấy tiếng đồng hồ thì ông tắt
thở vào ngày 17.6.1955. Mộ ông Thanh được táng ở Cồn đất gần con đường chạy trước
núi Bân và núi Ngự Bình thuộc xã Thủy An. Sau nầy mỗi lần về thăm Huế Trịnh
Công Sơn không quên viếng mộ cha. Chính việc Trịnh Công Sơn hay “đi về “ viếng
mộ cha như thế mà anh đã soạn bài Một cõi đi về.
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi
ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”
Ông Thanh mất để lại cho bà
Thanh Tâm 7 người con dại (5) và một người con còn nằm trong bụng mẹ (Trịnh
Vĩnh Trinh -1955). Sự ra đi đột ngột của người chồng, người cha ở tuổi bốn mươi
thật quá kinh hoàng. Bà Thanh Tâm - thân mẫu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lập gia
đình quá sớm (15 tuổi). Từ khi có chồng, mọi việc làm ăn, sinh sống của gia
đình đều cậy nhờ vào trí óc và bàn tay của người chồng lớn hơn bà 6 tuổi. Chồng
chết đột ngột bà hết sức bi đát. Người có thể hiểu và chia xẻ bớt cái bi đát của
gia đình với mẹ lúc ấy chính là người con cả Trịnh Công Sơn. Đây là cái biến cố
lớn nhất đầu đời Trịnh Công Sơn và có ảnh hưởng sâu sắc trong sáng tác của anh
sau nầy.
Chồng qua đời, bà Thanh Tâm
mất phương hướng. Bà không thể chống đỡ được sự sụp đổ trong việc làm ăn nuôi dạy
con cái. Nhớ thương cha, các con bà đều xao lãng việc học hành. Trịnh Công Sơn
đang đi học cũng tạm nghỉ. Để khuây khỏa nỗi lòng, anh vùi đầu vào âm nhạc. Mãi
đến năm 1957, anh mới bình tâm trở lại và xin vào học trường Thiên Hựu
(Providence) để thi Tú Tài. Trong thời gian nầy anh bắt đầu sáng tác và đưa cho
hai người bạn là Lục Hà (tức ca sĩ Hà Thanh) và Thanh Hải hát thử. Mối tình đầu
của Trịnh Công Sơn nhen lên từ đây. Anh yêu một người em gái của Lục Hă. Anh
yêu rất dữ dội nhưng mới chỉ một chiều. Đến năm 1958 anh soạn bài Ướt Mi -
ca khúc mở đầu sự nghiệp âm nhạc của anh. Cuối năm 1958 anh rời Huế vào Sài Gòn
ở trọ trong nhà một người bạn của thân sinh anh để đi học ban Triết trường Jean
Jacques Rousseau. Học được một năm anh lại ra Huế. Lúc nầy anh kết bạn với nhiều
người sau nầy trở thành những nghệ sĩ và trí thức nổi tiếng như nhà văn Hoàng
Phủ Ngọc Tường, họa sĩ Đinh Cường, dịch giả tiếng Pháp Bửu Ý, nhà thơ Ngô Kha,
nhà thơ họa sĩ Thương Nguyệt/ Trịnh Cung...Những người bạn nầy đã có nhiều ảnh
hưởng qua lại với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Viết đến đây tôi tự thấy
mình có lỗi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi vì có những điều anh chỉ kể với
riêng tôi thì giờ đây tôi đem viết lên báo để cho ai cũng có thể đọc được.Nhưng
vì tôi quá quý anh, tự hào về anh và vì nghề nghiệp tôi không thể giấu những điều
tôi nghĩ là phải nói ra để cho những người ái mộ anh đời nầy và đời sau hiểu
anh hơn và quý trọng anh hơn. Sau nầy gặp lại nhau ở cõi vĩnh hằng nếu anh
trách tôi thì tôi sẽ xá anh mấy xá để xin anh tha thứ cho cái lỗi lầm vì nghề
nghiệp của tôi hôm nay. Anh vốn tính rộng lượng tôi tin là anh sẽ không giận
tôi như anh đã tha thứ cho biết bao người đã làm khổ anh.
Vào một chiều cuối năm 1977,
tôi đi trại sáng tác ở Quảng Bá (Hà Nội) về ghé thăm anh ở 11/3 Nguyễn Trường Tộ
trước nhà thờ Phủ Cam. Trong câu chuyện nói về truyền thống gia đình của một
nhà thơ trong cơ quan tôi, anh bảo tôi:” Ba mình cũng là cơ sở cách mạng
đó. Ông đã bị tai nạn và mất trong lúc đang đi công tác”. Tôi buột miệng nói:”Sao
anh không xin giấy xác nhận ?” Không ngờ Sơn bảo tôi: ”Đó là chuyện của
ba mình. Còn mình thì đã có âm nhạc xác nhận cho mình rồi.” Tôi hơi tiếc cho
anh nhưng không thể nói thêm gì khác ý anh. Một lần khác vào khoảng năm 1983,
Trịnh Công Sơn đưa một đoàn nhạc sĩ ra thăm Huế và ca hát chơi. Tôi ghé đến nhà
11 Lý Thường Kiệt thăm anh và chuẩn bị đưa đoàn đi tham quan. Nhân nói về chuyện
xã kinh tế mới Phú Xuân của Huế trên Dak Lak, Sơn bảo tôi: “Toa có biết là moa
sinh ở Dak Lak không ? Moa có ông bác ruột giỏi tiếng Thượng lắm. Hồi xưa gia
đình moa lên Buôn-mê-thuột ở với ông ấy. Lúc đi tập kết ông ấy đã là cán bộ đại
đội rồi. Năm 1975 ông về lại Buôn-mê-thuột rất sớm và cùng làm Ban quân quản với
ông Bùi San. Bác có mấy người con làm gì đó khá to mà rất dễ thương”. Tôi lại
buột miệng hỏi: “Sao không thấy anh khai báo gì ca!” Trịnh Công Sơn có vẽ ngạc
nhiên đáp:” Đó là chuyện của bác chứ đâu phải chuyện của moa!” Thái
độ của Trịnh Công Sơn làm cho tôi cảm thấy mình “quê” quá. Nhưng rồi chứng nào
tật nấy, tôi lại vấp phải một chuyện “quê” khác nữa: Năm 1986, trong một buổi gặp
mặt bạn cũ ở Huế, Trịnh Công Sơn hát bài Về Thăm Mái Trường Xưa có nội
dung là trở về trường cũ. Bài hát rất hay. Trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 90
năm thành lập trường Quốc Học, tôi hồ hởi phấn khởi: “Ôi, bài hát trở về
trường Quốc Học nầy hay quá ! Anh Sơn cho đưa vào Đặc san Quốc Hoc đi!” Sơn
nhìn tôi với vẻ thương hại: “Rất tiếc moa không học trường Quốc Học, moa học
Pellerin với Providence thôi !” Tôi bị cụt hứng, không dám nói thêm điều
gì nữa. Rõ ràng là cách nghĩ của Trịnh Công Sơn và cách nghĩ của tôi hồi đó
không giống nhau. Nhưng dù sao, qua những lần chuyện trò ấy tôi cũng thu nhặt
được nhiều thông tin chân thật có liên quan đến cuộc đời anh.
(1) Trịnh Công Sơn là người
cùng họ với Trịnh Hoài Đức. Tổ tiên họ Trịnh người Phúc Kiến (TQ). ông Trịnh Nội
(ông nội của Trịnh Hoài Đức) lúc đầu định cư ở Phú Xuân. Sau đó có một nhánh
con cháu họ Trịnh vào Trấn Biên (Biên Hoà) sinh ra Trịnh Hoài Đức.
(2) Trường Nam Giao do thầy
Lê Huy Huyến làm Hiệu trưởng. Cô Tôn nữ Thị Hy dạy Trịnh Công Sơn năm lớp nhì
(Theo Lê Gia Phàm- Bạn học cùng lớp Nhì với Trịnh.
(3) Hiện nay chùa Phổ Quang
cũng dành riêng một bát hương để đời đời thờ phụng Trịnh Công Sơn.
(4) Về sau số nhà 79B Gia
Long bán cho ông Vĩnh Hoà, rồi ông Vĩnh Hoà bán cho lại cho ông Nguyễn Văn Duy,
nay là hiệu Sài Gòn ở tại 79B Phan Đăng Lưu, Huế.
(5) Trịnh Công Sơn -1939, Trịnh
Quang Hà -1941, Trịnh Xuân Tịnh-1944, Trịnh Vĩnh Thúy -1947, Trịnh Vĩnh Tâm
-1950, Trịnh Vĩnh Ngân -1952, Trịnh Hồng Diệu -1953.
Nguyễn Đắc Xuân
Bên dòng Thọ Lộc, 5.2001
Bên dòng Thọ Lộc, 5.2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét