Giang Trang cảm nhận nhạc Trịnh tươi sáng hơn
Bây giờ, giọng ca 34 tuổi tìm thấy vẻ đẹp an
nhiên trong những ca khúc của nhạc sĩ, chứ không u uất như cảm nhận của chị lúc
trẻ.
Dù thành công với những album Lênh đênh
nhớ phố hay Hạ Huyền, Giang Trang không thích được gọi là ca sĩ.
Chị muốn được thoải mái thể nghiệm những cảm nhận riêng trong âm nhạc.
Giang Trang hát nhiều nhạc Trịnh, không ồn ào
nhưng được nhiều khán giả biết đến. Theo thời gian, cảm nhận của chị với dòng
nhạc này cũng thay đổi. Nếu trước đây, chị hay hát để trải lòng về nỗi buồn, sự
cô đơn, thì ở tuổi 30, chị nhận thấy ở lời ca, giai điệu của nhạc sĩ họ Trịnh
toát lên một vẻ đẹp an nhiên, bao dung về những trắc ẩn trong đời sống.
"Càng hát, thấu hiểu nhạc Trịnh, người nghệ sĩ càng dễ bị cuốn vào vòng
xoáy của những câu hỏi về cuộc đời, để rồi lại tự mình độc bước kiếm tìm cho kỳ
được câu trả lời", Giang Trang nói.
Giang Trang nhận mình là người yêu
nhạc Trịnh chứ không coi bản thân là ca sĩ
Những cảm nhận mới được Giang Trang đưa vào
album mới có tên Hạ huyền 2 - Sản phẩm âm nhạc chị dành để tưởng nhớ
ngày Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm.
Hạ huyền 2 vẫn chứa đựng những ca khúc
quen thuộc: Gọi tên bốn mùa, Ru em từng ngón xuân nồng, Tôi ơi đừng tuyệt
vọng, Bên đời hiu quạnh... nhưng được thể hiện ung dung hơn. Ở đó, người
nghệ sĩ không buồn, cũng không vui mà bình thản, âm thầm nâng niu cái đẹp, sự
chân thành vốn dĩ rất mong manh trong đời sống. Theo nữ ca sĩ 30 tuổi, cái chất
ung dung, tự tại ấy đến từ tâm thế của người đã tìm được sự yên tĩnh từ bên
trong đang nhìn ra thế giới bên ngoài.
Về hòa âm, Giang Trang không chọn cách chỉ thể
hiện với guitar mộc (Thanh Phương) như thường thấy, mà kết hợp thêm nhiều loại
nhạc cụ như piano (Trọng Kiều), flute (Lê Thư Hương) và đàn tranh (Vân
Mai).
Giang Trang hát 'Bên đời hiu quạnh'
Đức Trí
Theo http://giaitri.vnexpress.net/
'Hạ Huyền' - Cách thấu cảm
nhạc Trịnh mới
Đĩa nhạc thứ hai của nữ ca
sĩ Giang Trang mang hơi thở đương đại vào các ca khúc của Trịnh. Cảm nhận đầy sắc
lạnh của một con người trẻ được chị thả vào dòng nhạc vốn đã quen thuộc này.
Trong cùng một năm, Giang
Trang ra mắt 2 đĩa nhạc Trịnh cùng 2 show diễn cháy vé ở Trung tâm văn hóa Pháp
L’Espace, trở thành cái tên được nhắc đến trong công chúng yêu nhạc.
Nếu như trong chương trình
ra mắt CD đầu tiên - “Lênh đênh nhớ phố” - hồi tháng 2, Giang Trang còn là một
tên tuổi lạ, mới, bước ra từ những năm dài chỉ được biết tới ở những quán nhạc
sinh viên và dòng chảy âm nhạc online, thì ở lần ra mắt thứ hai với "Hạ
Huyền", những ưu thế và cũng là bất lợi đó không còn. Người ta trông đợi
nhiều hơn ở chị và không dễ bỏ qua những dấu vết “nghiệp dư” như ở CD đầu tiên.
"Hạ Huyền" đã
không làm người nghe thất vọng, dù khiến nhiều người vốn quen với giọng hát sáng
và tình cảm của Giang Trang suốt mười năm qua, ngạc nhiên.
CD “Hạ huyền” của Giang Trang
Giọng hát thiếu nữ mười năm
xưa “Đứng bên bờ dậu” đã khác. Và không chỉ khác so với thuở khởi đầu ở những
đêm nhạc sinh viên cách đây 10 năm, cách hát còn khác hẳn so với chính nó cách
đó chưa đầy năm trong CD “Lênh đênh nhớ phố”.
“Lênh đênh nhớ phố” khai thác
nhiều bài hát ít được biết tới của Trịnh Công Sơn. “Hạ Huyền” không đi lại con
đường đó. Hầu hết các bài hát trong album mới đều đã quen thuộc trên sân khấu với
những ca sĩ thành danh. Nhưng điều "Hạ Huyền" làm được là tạo ra một
không gian trọn vẹn, trễ nải, không da diết nhưng đầy u uẩn, chạm tới những góc
luẩn khuẩn của cô đơn và bóng tối. Trong không gian âm nhạc đó, giọng hát không
trội lên, mà song hành, đối thoại với guitar, cello, sáo và bộ gõ. Khi nghe, mọi
âm thanh hòa làm một tổng thể gợi lên những cảm giác lúc hoang mang đơn độc,
lúc khô lạnh hoang vắng.
Nữ ca sĩ Giang Trang
Trong nhiều năm được biết tới
ở những quán nhạc sinh viên và ở những bản thu online, nhạc Trịnh Công Sơn do
Giang Trang thể hiện đã luôn có cái lấp lánh của hy vọng. Với "Hạ Huyền",
âm nhạc đem lại một cảm giác sâu sắc của lúc tỉnh rượu tàn canh, trăng tàn bóng
ngả, của từ bỏ, của cái lúc ơ thờ mỏi mệt mà thấy rằng “mọi người đều cần nhau,
đều như nhau hay là không ai cần ai cả. Điều đó cũng chẳng có một quan hệ mảy
may. Những đời sống vui vẻ, 'cao hơn' chỉ là một may mắn trong muôn ngàn may mắn
khác” (Trịnh Công Sơn).
Chiếc lá thu phai và Như
chim ưu phiền là những thử nghiệm đẹp. Giọng hát mộc và thản nhiên, thậm
chí khô lạnh, bên tiếng sáo trong vắt đi vào lòng người nghe buốt lạnh những
câu: “Nằm nghe giữa trời /Giòn vang tiếng cười /điệu kèn ai buốt trong
tôi”.
Nhưng không phải sự phối hợp
nào cũng thành công. Phúc Âm buồn tạo được một không gian phù hợp với
tổng thể album, nhưng cách chọn cung bậc giọng hát và sự phối hợp với các nhạc
cụ làm lộ rõ nhược điểm của chất giọng mảnh, thiếu đầy đặn ở những nốt trầm. Điều
này có thể tránh được khi Giang Trang lựa chọn một bản phối khí khác.
Dù chưa phải là một tác phẩm
hoàn hảo, "Hạ Huyền" - một thể nghiệm đương đại với các nhạc phẩm Trịnh
Công Sơn - vẫn thể hiện được tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và xứng
đáng được người nghe tìm hiểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét