Bức tranh đồng quê trong “Ngày lạ”
của Hồ Huy Sơn
Ngày lạ là
tập thơ đầu tay đánh dấu những bước trưởng thành trong sự nghiệp thơ ca của Hồ
Huy Sơn. Tập thơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2009, gồm 36 bài thơ với
những nỗi niềm cảm xúc khác nhau tạo nên nét đặc sắc riêng cho Ngày lạ.
Trong bài viết Còn duyên
tôi còn viết, anh đã tâm sự: “Tôi cũng chẳng
biết mình đã ăn bao nhiêu tôm, cá, ốc... được bắt lên từ sông. Chỉ biết trong
dòng máu ngày ngày lưu chuyển, có những thứ dân dã kia. Sau này tôi có làm
nhiều thơ về làng quê, về cánh đồng, bông lúa, củ khoai... để trả cho món nợ
đó. Nhưng vì đay là món nợ ân tình nên có lẽ chẳng bao giờ tôi trả được”.
Bởi những câu thơ là món nợ ân tình, món nợ của tình cảm nên những cảm xúc về
đồng quê trong tập thơ như được bắt nguồn từ những kỉ niệm của tuổi thơ và tự
nhiên thành thơ:
Và mỗi ngày cánh đồng lại thít
chặt lấy tôi
Ủ mầm hạt thóc
Đến một ngày khác
Hạt thóc nảy mầm thành những
hạt thơ
(Đồng vọng)
Và như thế, Hồ Huy Sơn đã tạo nên không gian
thơ trong Ngày
lạ mang đậm chất đồng
quê.
Chất đồng quê trong Ngày lạ được biểu hiện qua những hình ảnh, âm
thanh, hương vị, con người... tất cả đều giản dị, gần gũi và mang đậm chất quê.
1. Bức tranh thiên nhiên đồng quê trong Ngày lạ được biểu hiện trước hết thông qua
những hình ảnh của cọng cỏ, hoa gạo “bung nở sắc đỏ”,
bến sông, cánh đồng..., là những hình ảnh rất đỗi bình dị, đời thường, mộc mạc,
là những thứ thoáng qua nhưng lại mang nhiều giá trị sâu sắc. Nhũng hình ảnh đó
mang cảm xúc riêng của tác giả về một miền quê “gió
Lào cát trắng” gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ. Anh trở về cánh đồng quê
hương với cảm xúc “hoang hoải”, “đê mê” “bằng đôi chân trần”
như là trở về ngọn nguồn của sáng tạo thi ca:
Tôi ra đồng bằng đôi chân trần
Cọng cỏ may cười ngả nghiêng
trong gió
Trăng soi gương trong vũng nước
cỏn con
(Đêm trên cánh
đồng của mẹ)
Cánh đồng quê đã gắn bó thiết tha với với tuổi
thơ của cậu bé mục đồng năm xưa để giờ đây những vần thơ được gọi ra từ nỗi nhớ
tuổi thơ và đẹp một cách lung linh. Hình ảnh của đồng quê còn gắn liền với cánh
diều của mục đồng chao lượn, là sắc đỏ hoa gạo cuối thôn, là cây cau sau nhà “đánh rơi chiếc lá”, là hình ảnh thiên nhiên trong một
đêm trăng, là “sóng lúa xô nghiêng những nếp nhăn định
mệnh”, là cánh đồng trơ gốc rạ sau mùa gặt, là cây dương xỉ mọc bên hiên
nhà, là “bếp lử bập bùng”, khói rạ, là “đường đê cong nghiêng mình nghe tiếng bước chân mẹ nặng
trịch”, … (Đêm trên cánh đồng của mẹ, Chăn trâu, Mẹ và cây
gạo, Sau những lần về thăm nhà). Những hình ảnh đó
mang nặng những suy nghĩ trăn trở của nhà thơ, anh sợ sự đổi thay, sợ mất đi
những gì đã thuộc về làng quê từ ngàn đời nay và nó còn là tâm trạng chua xót
trước sự đổi thay:
Tôi đi về phía cánh đồng thơ dại
Lòng ứ nghẹn vì những trò không
cuối không đầu
Nhũng ngôi nhà cao tầng vùi lấp
dấu chân con trẻ
Rưng rức ấu thơ đau!
(Về quê)
Bức tranh đồng quê còn hiện ra với hình ảnh
của thế giới loài vật mang nét quê độc đáo mà chúng ta chỉ tìm thấy nơi làng
quê, mà mỗi khi nhắc đến tên ta không thể không nghĩ về cánh đồng quê. Nhũng
hình ảnh trong Ngày lạ gần gũi với những con người thôn quê, như: con trâu, “con cò kiếm ăn về mệt mỏi”, con dế mèn, “đàn chim rủ nhau chuyền cành ríu rít”, “con chuồn chuồn ngô cõng nắng đi về phía cánh đồng thơ dại”
là hình ảnh gắn liền với ruộng đồng mộc mạc giản dị như:
Con tép dãy dụa cong mình,
ôm bọc trứng chưa kịp nở
Con cá rô bơi ngược dòng nước
tìm mùa sinh sôi
(Bản năng)
Những con vật đó được cảm nhận bằng trái tim
trẻ thơ non dại nên chúng trở nên sinh động, hấp dẫn như cuộc sống của con
người:
Những nàng cào cào đi hội không
cần mặc yếm
Lúng liếng mắt huyền
Đám đông châu chấu ngộp thở
Mơ giấc mình là tiên…
(Đồng vọng)
Không chỉ thông qua hình ảnh của thiên nhiên
hay thế giới nhũng con vật gắn với làng quê, mà bức tranh đồng quê còn được
dựng lên bằng những cảnh sinh hoạt đặc trưng của cuộc sống đồng ruộng, cuộc
sống nơi thôn quê. Chẳng hạn như những cảnh mò cua bắt cá (Bản năng), chăn trâu cắt cỏ, “đánh chắt chơi chuyền”… cuộc sống đồng ruộng trong
khoảnh khắc nghỉ ngơi khi đêm xuống được anh cảm nhận bằng những dòng thơ:
Chiếc cày sau một ngay làm việc
Gời nằm lè lưỡi bên hiên nhà
mọc đầy dương xỉ
Đó là cảnh lao động lam lũ của người dân quê.
Cuộc sống thôn quê còn gắn liền với nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng như cảnh
hội hè diễn ra ở nơi “sân đình vắng gió” của hội
làng mà được anh thể hiện qua cuộc sống của những loài vât như cào cào, châu
chấu.
2. Bức tranh đồng quê không chỉ được cảm nhận
thông qua những hình ảnh, mà Hồ Huy Sơn còn lắng lòng để nghe trọn âm thanh của
đồng quê. Âm thanh của đồng quê đôi khi lại là sự vắng lặng, yên tĩnh. Không
gian thôn dã nơi “sân đình vắng gió”, yên lặng
đến người ta có thể nghe thấy tiếng “cọng cỏ may cười
nghiêng ngả trong gió”, nghe thấy tiếng cây cau sau nhà rụng lá… Như một
nét vẽ thanh sơ cho không gian yên ả, thanh bình của một làng quê sau lũy te
làng. Âm thanh đồng quê còn là những thanh âm của tiếng chửi ồn ã, huyên náo
hay tiếng khóc âm thầm lặng lẽ cũng đủ xé tan cái yên tĩnh của đêm:
Dế cha đi uống rượu – say về
nhà đập phá
Dế mẹ cúi lặng. Mỗi lúc chỉ còn
một mình lại khóc
Xé toạc màn đêmbằng những lời
nỉ non
(Đêm trên cánh
đồng của mẹ)
là tiếng sáo diều réo ran, tiếng hò reo của
trẻ mục đồng hết sức vui nhộn trên “đồng cạn, đồng sâu”. Không gian thơ đầy ắp
những âm thanh quen thuộc của làng quê, như vang vọng từ thẳm sâu tâm hồn của
một người gắn bó với cánh đồng quê mẹ, với hạt thóc của khoai, con tôm con cá,
với tiếng nghé ọ, “tiếng gà eo óc gáy sáng mai”,
tiếng của “cánh diều cương dây/gió đồng gào thét/ u u u u/ Sột soạt, sột soạt”. Trong âm thanh của đồng quê ấy
đã bắt đầu có sự pha trộn của cuộc sống hiện đại, những dòng thơ anh viết trong
bài Về
quê không khỏi cảm thấy
xót xa, tiếc nuối trước sự đổi thay:
Cô bé nhà bên vội vã sang đò
Rồi ru con bằng những ca từ đĩa
nhạc
3. Thiên nhiên cảnh vật và âm thanh mang hồn
quê, nét quê là những nét vẽ ban đầu cho bức tranh làng quê trong thơ Hồ Huy
Sơn, bức tranh ấy được đậm tô thêm chất quê với sự cảm nhận về hương vị. Hương
vị đồng quê là “hương vị toát ra từ cảnh vật, từ cuộc
sống dân dã, quê mùa” (Phạm Mai Phong). Đó có thể là những hương vị thực
như: hương của bùn đất, hương của khói rạ, là hương vị của những món ăn dân dã,
đạm bạc “canh cua, cá đồng kho khế”:
Canh khế chua đậm nhạt với gió
Lào
Củ khoai trên đồng héo quắt vì
những hanh hao
(Bên kia mùa xuân)
được cảm nhận bằng giác quan tinh tế. Hay khi
những hương vị đó đã gắn bó với tâm hồn anh rời thì nó trở thanh những hương vị
tượng trưng. Anh có thể cảm nhận được vị mát ngọt của tiếng sáo diều, vị nồng
nàn trong tình yêu thương của mẹ (Sắp đêm, Về quê),
vị đắng cay của cuộc đời lam lũ, vất vả:
Bên kia mùa xuân tôi một mình
đắng đót
Không có em ngày vơi đi bao vị
ngọt
(Bên kia mùa xuân)
4. Khi nói về bức tranh đồng quê trong Ngày lạ của Hồ Huy Sơn, ta không thể không
nhắc tới hình ảnh của những con người lao động lam lũ chốn ruộng đồng. Đó là
hình ảnh của những mục đồng với tuổi thơ đầy ắp những niềm vui lẫn nỗi buồn, là
những tiếng nô đùa rộn vang trên cánh đồng hay những giọt nước mắt lo lắng khi
mải chơi lạc mất trâu và niềm vui vỡ òa thành tiếng khóc khi:
Lếch thếch về nhà
Thấy mẹc cha đang ngồi bên mâm
cơm chờ đợi
Ngoài chuồng chú trâu ngoan
ngoãn gặm cỏ
Bỗng nhiên mục đồng khóc òa
Ối a…
(Chăn trâu)
là tuổi thơ của mục đồng cùng mẹ đi bắt cá, là
kỉ niệm của Sơn, anh từng tâm sự: “Thuở nhỏ, tôi có
nhiều kỉ niệm với sông. Nhớ nhất là mỗi lần hợp tác xã tháo cống, nuốc sông rút
cạn, tôi lại theo mẹ đi mò cá. Ngày ấy, tôi cũng được khen là sát cá như mẹ”
(Còn duyên tôi còn viết). Đó còn là hình
ảnh của những người đàn ông bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Là người cha
hay rượu rồi đập phá trong những cơn say như những ám ảnh tuổi thơ của Sơn vậy.
Có lẽ những hành động đó đã nói lên phần nào những tác động của gánh nặng cuộc
sống mưu sinh ví như “đòn gánh cuộc đời chín rạn hai vai” làm họ phải thay đổi
tính cách. Trong một bài thơ anh viết:
Cha tôi đi qua chiến tranh
Trở thành người tàn phế trong
cuộc sống thời bình
như là sự thấu hiểu sâu sắc cho nỗi khổ tâm
của người cha. Dù sao trong thơ anh, thì hình ảnh của người cha cũng rất mờ
nhạt. Dường như bao cảm xúc nỗi niềm về con người vùng quê được tập trung ấn
tượng trong những vần thơ viết về mẹ. Viết về mẹ đã trở thành bản năng, hay nói
cách khác chính là tình cảm thường trực trong thơ anh:
Bản năng cho tôi làm thơ về mẹ
tôi
Mà không lẫn với người đàn bà
nào khác
(Bản năng)
Người mẹ trong thơ anh như là niềm tin để anh
bước tiếp trên con đường đầy gian nan thử thách, là người giữ ngọn lửa yêu
thương trong gia đình. Hình ảnh người mẹ hiện lên với sự vất vả, lam lũ như
thân cò lặn lội kiếm ăn, là cuộc sống đắng cay, nhẫn nhục:
Dế mẹ cúi lặng. Mỗi lúc chỉ còn
một mình lại khóc
Xé toạc màn đêm bằng những lời
nỉ non
Đó là hình ảnh của một bà mẹ tần tảo sớm hôm,
chịu thương chịu khó như biết bao phụ nữ khác “Những
nàng Bân may áo cho chồng”, nhưng nỗi vất vả của người mẹ trong thơ anh
cũng “không lẫn với người đàn bà nào khác” mang
một vẻ đẹp rực rỡ của hoa gạo nhưng cũng vô cùng đáng cay, vất vả:
Mẹ cũng có một thời như cây gạo
cuối thôn
Bung nở sắc đỏ
Rừng rực màu yêu
…Chốn quê mắt mẹ đỏ hoe
Cây gạo cuối thôn thương mẹ
Nhức nhối oằn mình
(Mẹ và cây gạo)
Ngày
lạ là một tập thơ tiêu biểu cho
nghệ thuật thơ của Hồ Huy Sơn – chất dân gian đương đại. Trong đó nét đặc sắc
của tập thơ chính ở bức tranh đồng quê, thơ anh mang đậm chất đồng quê, và Sơn
chính là nhà thơ của đồng ruộng.
Vũ Minh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét