Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp
Nhìn từ lý thuyết phê bình sinh thái
(Những người thợ xẻ -
Nguyễn Huy Thiệp)
1. Từ lí thuyết Phê bình
sinh thái…
Văn học, hiện thực hay kì ảo
hư huyễn, đích đến của văn học luôn là cuộc sống của con người. Nói như Nguyễn
Minh Châu, cuộc sống như những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó chính là
cuộc sống con người. Trong rất nhiều mối quan hệ với thế giới, con người không
thể nào tách mình khỏi mối quan hệ với tự nhiên. Văn học và tự nhiên vốn gắn bó
máu thịt với nhau. Đổ bóng lên các trang thơ trang văn của những nghệ sĩ là
hình ảnh của chim muông, cây cỏ. Ở đấy, con người tìm thấy mình như một phần của
thiên nhiên, vũ trụ. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu phê bình sinh thái xem trạng
thái xanh (greenness) là bản chất/ thuộc tính vốn có của văn chương (The
inherent greenness of the literary). Phê bình sinh thái(Ecocriticism) ra đời
ở Hoa Kì vào đầu những năm 90 của thế kỉ XX và tiếp tục gây được ảnh hưởng ở
nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng chứng là năm 1992, Hội nghiên cứu văn học
và môi trường(The Association of the Study of literature and Enviroment – viết
tắt là ASLE) đã được thành lập. Sau đó một năm, Hội đã cho ra đời Tạp chí Nghiên
cứu liên ngành văn học và môi trường(Interdisciplinary Studies in literature
and Enviroment – viết tắt là ISLE) với tư cách là cơ quan ngôn luận của hội,
đăng tải những bài viết chung quanh vấn đề văn học và môi trường. Cho tới thời
điểm hiện nay, trên thế giới, Phê bình sinh thái ngày một lan rộng và lớn mạnh
thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác nhau[i] .
Thuật ngữ Ecocriticism (Phê
bình sinh thái) có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Song định nghĩa được nhiều
người chấp nhận là của Cheryll Glotfelty, người khởi xướng và phát triển Phê
bình sinh thái Hoa kì: “Phê bình sinh thái là phê bình bàn về mối quan hệ giữa
văn học và tự nhiên” [2, 18].
Trong suốt tiến trình khởi
phát, có thể thấy, Phê bình sinh thái diễn ra theo hai khuynh hướng cơ bản:
Khuynh hướng thứ nhất dựa thên lí thuyết sinh thái học chiều sâu (deep ecology)
hướng tới việc tiếp tận sinh học trung tâm luận và bảo tồn tự nhiên. “Cách
tiếp cận này chủ yếu tập trung xung quanh những sáng tác về đề tài thiên nhiên,
quan tâm đến khả năng của văn chương trong việc tạo nên những khuôn mẫu về các
giá trị mà ở đó môi trường là trung tâm (ecocentric values), cũng như chú ý đến
những cách miêu tả của văn chương về những mối quan hệ về mặt sinh học, tâm lý
học và tâm lý giữa con người và thế giới tự nhiên” [4]. Bởi vậy, hạn chế của
khuynh hướng này là ở chỗ mới dừng lại ở sự quan tâm tới “trạng thái gắn với
nơi chốn ở phạm vi địa phương hay vùng miền”. Và hướng nghiên cứu xã hội
trung tâm luận đã khắc phục được những khuyết thiếu của khuynh hướng trên,
“tập trung vào mảng văn học về thành phố và quá trình công nghiệp hóa cũng như
vấn đề công bằng/bất công môi trường cùng những vấn đề xã hội liên đới, đặc biệt
trong bối cảnh mà những vấn đề về sắc tộc, về các nhóm thiểu số, cộng đồng bản
địa, chủ nghĩa hậu thực dân, cộng đồng lưu vong và chủ nghĩa thế giới trở thành
mối quan tâm hàng đầu” [4]. Hướng nghiên cứu này mang tính chất toàn cầu bởi nó
phản ánh được vấn đề bức thiết của cuộc sống con người không chỉ một quốc gia
mà rộng khắp thế giới, kêu gọi các nước trên thế giới chung tay tìm ra giải
pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.
Song, ở Việt Nam, Phê bình
sinh thái dường như vẫn còn quá mới mẻ, xa lạ. Chúng ta chưa có những công
trình hay chuyên luận về Phê bình sinh thái mà mới dừng lại ở bước đầu giới thiệu
và dịch thuật với số lượng các bài viết khiêm tốn:Phê bình sinh thái – Khuynh
hướng văn học mang tính cách tân và Phê bình sinh thái – Cội nguồn và
phát triển của Đỗ Văn Hiểu, Phê bình sinh thái – Nhìn từ lí thuyết giải
cấu trúc của Nguyễn Thị Tịnh Thi, Karen Thornber – Những tương lại của
phê bình sinh thái và văn học của Hải Ngọc, Thi pháp sinh thái của
Nguyễn Tiến Văn, Khí quyển thơ – sinh thái của Mai Văn Phấn: Thơ, bầu trời
và những linh hồn của Nhã Thuyên.
Trước những giá trị tích cực
của Phê bình sinh thái, việc tìm hiểu và phát triển, áp dụng lí thuyết này
trong nghiên cứu văn học là điều cần thiết nhằm định hướng cho văn học hướng
tới chuyên chở một chức năng có tính chất bức thiết đối với đời sống: góp phần
gìn giữ sự cân bằng của môi trường sinh thái. Phê bình sinh thái là một tiếng
nói như thế từ góc độ văn chương và xã hội.
Trong khuôn khổ của bài viết,
chúng tôi tiến hành ĐỌC tập truyện Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn
Huy Thiệp từ một số gợi mở của lí thuyết Phê bình sinh thái những mong khám phá
thêm một vẻ đẹp của những bông hoa dại, theo cách nói của Nguyễn Huy Thiệp, từ
những vỉa tầng nghệ thuật vô tận.
Nguyễn Huy Thiệp từng sống và gắn bó với mảnh đất Tây Bắc hơn mười năm. Khoảng
thời gian mười năm ấy đem lại cho nhà văn những trải nghiệm về miền đất núi rừng
hoang vu. Cuộc sống con người khắp thôn bản ăn sâu vào tiềm thức trở thành kỉ
niệm và cũng là những trăn trở về đất và người nơi đây. Bởi thế, Nguyễn Huy Thiệp
có nhiều truyện ngắn viết về đề tài cuộc sống và con người Tây Bắc. Trong đó,
có thể nói, Những ngọn gió Hua Tát là tập truyện được viết giản
dị, biểu hiện trọn vẹn và xúc động âm hưởng huyền thoại núi rừng. Những ngọn
gió Hua Tát bao gồm mười câu chuyện, mỗi câu chuyện tựa “những bông hoa dại,
màu vàng nhạt, bé như khuy áo, điểm đâu đó quanh hàng rào trong các ngõ nhỏ”: Trái
tim hổ, Con thú lớn nhất, Nàng Bua, Tiệc xòe lớn nhất, Sói
trả thù, Đất quên, Chiếc tù và bị bỏ quên, Sạ, Nạn dịch, Nàng
Sinh. Dẫu mộc mạc đơn sơ như những câu chuyện cổ song tất cả được khoác lên một
tấm áo mới từ cái nhìn của con người hiện đại nên chiều kích ý nghĩa mỗi câu
chuyện cứ mở rộng mãi tới bất tận trong sự đối thoại với người đọc.
2.1. TIẾNG VỌNG TỪ NHỮNG CÁI
CHẾT
Mỗi câu chuyện là một góc
nhìn về đời sống sinh hoạt và đời sống tâm linh của những con người trong bản
nhỏ Hua Tát. Con người nằm trọn trong vòng tay của bà mẹ nhiên giới, trong chiếc
nôi đu đưa của núi rừng đại ngàn và đắm say tâm hồn trong từng thanh âm nguyên
sơ của suối khe. Đó là mối quan hệ hài hòa mà lẽ ra nên có/ cần có trong tình
người và đất. Nguyễn Huy Thiệp đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa con người và
thiên nhiên song không phải là sự hòa hợp, nương tựa mà là sự xâm hại
của con người đối với thiên nhiên núi rừng. Bởi thế, trong tận cùng sự đau đớn
và phẫn nộ, bà mẹ thiên nhiên đã lên tiếng như một sự trừng phạt đối với những
hành vi xâm hại và hủy hoại tự nhiên ấy của con người. Dường như, Nguyễn Huy
Thiệp đưa đến cho ta cảm giác về cái không khí nặng nề tử khí từ những cái chết,
trong phần lớn không gian tập truyện. Đó có thể là cái chết của tự nhiên dưới
bàn tay hủy hoại của con người hoặc là những cái chết của con người trên con đường
kiếm tìm và chinh phục hạnh phúc trong sự cưỡng đoạt cái quy luật thâm nghiêm
và bí ẩn của tự nhiên.
Chất keo gắn kết mười bông
hoa dại chính là chủ đề SĂN BẮN. Chủ đề ấy được dựng lên như một điểm tựa, khi
hiện lên rõ nét lúc lại ẩn mình trong mạch kể tựa những bông hoa nơi triền núi
nép mình trong lá và thấp thoáng trong màn sương bảng lảng miền cao. Và ngập
tràn trong những câu chuyện là cái chết của tự nhiên, cái chết của con người
trong cuộc đi săn. Cuộc săn ấy là một vòng tròn luẩn quẩn, con người tàn phá hủy
hoại tự nhiên rồi sau đó tự nhiên rượt đuổi lại con người và thậm chí, con người
cũng lao vào hủy diệt chính đồng loại trong một cuộc rượt đuổi sinh tồn đẫm máu
và phi lí.
2.1.1. Cái chết của tự nhiên:
Trong tập truyện, thiên nhiên núi rừng Tây Bắc không được nhà văn miêu tả với
những nét hoang vu, tươi đẹp của những cánh rừng bung nở sắc hoa, không tiếng
suối réo rắt như bản hòa ca về cuộc sống bình yên và thơ mộng, không tiếng chim
tươi vui gọi mời…, mà mang một khuôn mặt méo mó và biến dạng. Cơ thể của người
mẹ nhiên giới đang quằn quại và rỉ máu bởi sự bất hiếu và tàn nhẫn của những đứa
con. Có thể nói, trong những hình thức mưu sinh để duy trì sự tồn tại của con
người, săn bắn là hành vi xâm phạm và hủy hoại tự nhiên một cách bạo liệt. Các
truyện phản ánh trực tiếp nỗi đau và tiếng rên xiết của thiên nhiên núi rừng.
Trong Trái tim hổ, con hổ bị Khó bắn chết “Con hổ bị bắn toác đầu. Viên đạn
bắn gần xé rách trán hổ xuyên vào tận óc”, và có kẻ nào đó đã rạch ngực hổ và
đem trái tim đi. Đó là cảnh tượng chim muông bị săn bắn ráo riết chỉ nhằm mục
đích mưu sinh của hai vợ chồng người thợ săn trong Con thú lớn nhất, những
gì còn lại sau những cuộc đi săn phía sau nhà lão như một nỗi đau đớn được cụ
thể bằng hình khối chất ngất “lông chim, xương thú chất đầy thành đống. Những đống
lông chim xơ xác đen xỉn màu mực tàu, còn những đống xương thú màu đá vôi thì
thì lốm đốm những vệt nước tủy vàng khè, hôi hám” [6, 200]. Sói trả thù lại
là câu chuyện về gia đình người thợ săn Hoàng Văn Nhân, ông xem việc huấn luyện
đứa con trở thành thợ săn giỏi là cách khẳng định sức mạnh của người đàn ông.
Ông đưa con vào rừng từ khi nó mới lên năm, ông dạy nó bẫy gà lôi, săn thú dữ
và chiến tích đặc biệt là cuộc đi săn chó sói tóm gọn được cả đàn. Hoặc có những
truyện, câu chuyện đi săn được đan cài vào cốt truyện, như: Tiệc xòe lớn
nhất, Đất quên. Bên cạnh câu chuyện kén rể cho người con gái xinh đẹp của
trường bản là Hà Thị E, ta thấy những chàng trai đến cầu hôn cô gái thường phải
thể hiện một tài năng đặc biệt, hai trong số bốn chàng trai tới cầu hôn Hà Thị
E đã là những người trổ tài săn bắn. Và Đất quên, nhân vật Pành, để cưới
được Muôn, đã lên tận núi cao đốn cây gỗ lim lớn nhất ở đỉnh Phu Luông.
Thiên nhiên trong tập truyện
mang gương mặt dữ dằn, khắc nghiệt. Dường như đó là sự lên tiếng của tự nhiên
trước hành vi tàn sát của con người. Tự nhiên như một tấm gương soi chiếu thái
độ và hành vi của con người, nếu con người cười thì tấm gương ấy phản chiếu nụ
cười ấm áp hiền hậu, nhược bằng con người dữ tợn và gào thét thì từ thiên nhiên
đại ngàn sẽ dội về những âm thanh lớn gấp bội. Đây là sự trừng phạt của tự
nhiên đối với con người. Môi trường tự nhiên – môi trường sinh dưỡng của con
người – đã bị hủy hoại bị vắt kiệt đến giọt tinh chất cuối cùng nên rừng trở
nên động (Trái tim hổ, Con thú lớn nhất, Sói trả thù), nạn dịch tàn
phá mùa màng nương rẫy (Chiếc tù và bị bỏ quên), dịch tả cướp bao sinh mạng (Nạn
dịch) và nguồn nước khô kiệt, hạn hán kéo dài (Tiệc xòe lớn nhất, Nàng
Sinh). Con người cố ý phạm vào tự nhiên và tất yếu phải gánh lấy hậu quả là những biến
đối khí hậu (climate change).
2.1.2. Cái chết của chủ thể:
Nếu những biến đối khí hậu ở trên là cái nhìn nghiêm khắc trách móc và phán xét
của của tự nhiên đối với con người thì những cái chết của các nhân vật lại là sự
trừng phạt quyết liệt đối với họ khi thiên nhiên nổi giận. Trừ những cái chết
thông thường (hiểu theo lẽ hóa sinh, theo quy luật sinh – lão – bệnh – tử),
chúng tôi thống kê được 6/ 10 truyện nói tới cái chết của nhân vật như một sự
phán xét của tự nhiên. Đó là cái chết của chàng Khó và bao kẻ khác dấn thân
trong cuộc săn hổ trong Trái tim hổ, là cái chết của hai vợ chồng người thợ
săn trong Con thú lớn nhất, thằng San – con trai người thợ săn Hoàng Văn
Nhân – bị sói cắn vào cổ trong Sói trả thù, là cái chết của ông Pành lúc
đương hạ cây lim lớn nhất trong Đất quên, và đôi vợ chồng Lù – Hếnh chết
trong nạn dịch tả trong Nạn dịch. Cả cái chết của nàng Bua cũng có thể coi
như một sự phán xét. Ở một con người đầy bản năng như người đàn bà ấy, Bua
“không quen sinh nở trong sự đầy đủ và nền nếp cổ truyền. Nàng đã chết khi trở
dạ đẻ giữa đống mền chăn ấm áp” [6, 204]. Như vậy, không chỉ con người săn tự
nhiên mà đến đây tự nhiên săn đuổi con người, tự nhiên rượt đuổi và lấy đi cuộc
sống của họ.
Dấn thân vào cuộc đi săn, bản
năng trong con người trỗi dậy dữ tợn như con thú bị đánh thức. Không chỉ hủy hoại
tàn phá tự nhiên, con người rượt đuổi và săn nhau. Người này chà đạp lên người
kia trong sự tranh đoạt của cải và địa vị. Nhà văn để chàng Khó ra đi với sự bí
ẩn về cái chết và câu hỏi trái tim hổ giờ đang ở đâu? Kẻ nào đó vì muốn có được
trái tim hổ nên đã giết chàng. Trong Chiếc tù và bị bỏ quên, sự dã man ở
con người còn kinh tởm và dữ tợn hơn cả nạn sâu bệnh, trưởng bản Hà Văn Nó bị kẻ
thù trói dưới gốc cây và bị cắt lưỡi. Trong sự phẫn uất, người con trai của ông
là Hà Văn Mao “sai cắt lưỡi thầy mo rửa hận cho cha” [6, 216].
2.1.3. Âm hưởng từ những cái
chết: Lối viết của Nguyễn Huy Thiệp tương ứng với khuynh hướng thứ hai của Phê
bình sinh thái. Từ những cái chết của tự nhiên, những hậu quả của biến đổi
khí hậu mà con người đang gánh chịu…, thiên nhiên như quằn quại rên xiết trước
sự hủy hoại bởi bàn tay con người. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới những cái chết
của chủ thể. Ngoài ý nghĩa như kết quả tất yếu của hành động xâm phạm tự nhiên,
khi tự nhiên trở nên dữ dằn ấy cũng là khi tự nhiên lên tiếng, những cái
chết ấy còn mang những ý nghĩa sau:
Nguyễn Huy Thiệp nhìn hành
trình kiếm tìm hạnh phúc ấy như một cuộc đi săn, chung cục, ngoảnh lại, mọi thứ
đều là hư vô. “Đời người ta, ai đã chẳng từng săn đuổi bao điều phù du?”. Người
thất bại khi chưa tới đích, người tới đích rồi lại thấy hạnh phúc thật vô
nghĩa. Cái hạnh phúc hư vô ấy thể hiện rõ nhất qua các truyện Con thú lớn
nhất, Đất quên và Nạn dịch. Người thợ săn khao khát bắn được một
con thú lớn nhất để khẳng định tài năng nhưng rồi lão bắn chính vợ mình trong
hình dáng một con công xòe những chiếc lông đuôi lấp lánh. Đau đớn, lão quyết
tâm săn bằng được con thú lớn nhất, lão lấy xác vợ làm mồi để săn con thú
lớn nhất. Và kết cục, lão tự bắn vào đầu mình trong sự chờ đợi tuyệt vọng đó
cũng chính là giây phút lão bắn được con thú lớn nhất đời mình (Con thú lớn nhất).
Con người chạy theo hạnh phúc ảo vọng rồi cay đắng nhận ra hạnh phúc là cái mà
chính ta đã từng lãng quên. Lù (Nạn dịch) tìm hạnh phúc trong vận may cờ bạc,
trong khi ấy người vợ ở nhà chết bởi nạn dịch tả. Ông trở về với “tay nải đầy bạc
hoa xòe” cũng là lúc đối diện với nỗi bất hạnh. Bao nhiêu tiền kiếm được, ông dốc
hết để cứu sống vợ, một nửa để người ta cho vào bản, còn nửa còn lại đưa cho thầy
thuốc. Song ông bị lây bệnh và cả hai vợ chồng đều bị chết trong nạn dịch tả.
Tình cảm với Muôn, người con gái gặp gỡ trong đêm mưa, ông Pành (Đất quên) ngỡ
đó là tình yêu là niềm hạnh phúc vô biên đến mức ông chấp nhận nguy hiểm đốn
cây lim to nhất trên đỉnh núi làm lễ vật cưới người con gái ấy. Dục vọng của
con người hướng lưỡi dao trở lại họ và giết chết con người trong nỗi khao khát
hạnh phúc. Tuy nhiên cái hư vô của hạnh phúc đối với ông Pành còn thể hiện rõ ở
chi tiết, người mà ông dâng hiến cả mạng sống không dành cho ông dẫu chỉ giọt
nước mắt hay một chút xót thương: “Đám tang ông Pành, Muôn không đi đưa.
Hôm ấy nàng bận đi chợ Yên Châu xem chọi gà. Chiều về nàng cũng
gặp mưa, nhưng mà lần này trời không mưa đá” [6, 214].
Trong mối quan hệ với tự
nhiên, cái chết của những chủ thể mang ý nghĩa giải thể quyền lực của con
người. Âm hưởng hậu hiện đại hiện lên rõ nét qua cái chết của con người với tư
tưởng giải cấu trúc, giải tôi (deself), hạ bệ con người nhằm hướng tới mối quan
hệ hòa hợp giữa con người và tự nhiên. Trong Phê bình sinh thái, cái chết của
chủ thể là sự phản ứng đối với Thuyết Con người trung tâm luận (Anthropocentrism).
“Thuyết con người trung tâm luận thể hiện thái độ, sự nhận thức hay quan niệm
cho rằng con người như là trung tâm hoặc tiêu chuẩn đánh giá. Cái nhìn coi con
người trung tâm đối với thế giới tự nhiên bởi thế nhìn tự nhiên hoàn toàn trong
mối quan hệ với con người, thí dụ như nguồn tài nguyên cho giá trị kinh tế, hay
như sự cạn kiệt các giá trị xã hội và văn hóa, ngay cả sự đánh giá mĩ học cảnh
quan cũng có thể là con người trung tâm luận” [1, 3]. Sự giải thể ý thức đề cao
con người tới mức cực đoan của Chủ nghĩa Hậu nhân văn (Post-humanism) góp phần
đem lại sự bình quyền giữa con người và tự nhiên. Khi xem xét đánh giá Phê bình
sinh thái từ góc nhìn giải cấu trúc luận, Nguyễn Thị Tịnh Thi cho rằng cần đặt
tự nhiên và con người trong tâm thế đối thoại để “chúng ta không chỉ
nghe được tiếng nói của con người mà còn nghe được tiếng nói của tự nhiên, hiểu
được tự nhiên phải chống lại, hoài nghi, khiếp sợ và chạy trốn con người như thế
nào” [5, 29].
2.2. Nữ quyền luận sinh thái
Thuật ngữ Nữ quyền luận
sinh thái (Ecofeminism) được sử dụng rộng rãi kể từ sau những năm 1980 để
gọi tên sự biến đổi chính trị, văn hóa và vận động tri thức. Nó tương ứng với
làn sóng thứ ba của phong trào Nữ quyền (Feminism) trên thế giới. Các
nhà Phê bình sinh thái hiểu môi trường theo nghĩa rộng bao gồm môi trường tự
nhiên và môi trường xã hội. Mà ở đó, con người thuộc về cả hai, con người cần
phải tìm thấy sự hòa đồng, gắn kết với đời sống xã hội. Bất kì một cá thể
nào cố ý tách mình hoặc bị đẩy ra ngoài cuộc sống cộng đồng đều là những dấu hiệu
mất cân bằng sinh thái. Các nhà Phê bình nữ quyền tiệm cận và vận dụng lí thuyết
phê bình sinh thái hướng tới mục tiêu nam nữ bình quyền.
Thiên tính nữ thể hiện
rất rõ trong tập truyện Những ngọn gió Hua Tát. Tác phẩm là lời ca bất tận,
là sự khẳng định vẻ đẹp của các sơn nữ. Họ là những cô gái xinh đẹp như Bùa (Trái
tim hổ), Hà Thị E (Tiệc xòe lớn nhất). Nhà văn còn ngợi ca vẻ đẹp toát lên từ
tâm hồn phụ nữ. Người vợ của lão thợ săn trong Con Thú lớn nhất, Hếnh
trong Nạn dịch hiện lên với vẻ đẹp của người vợ tận tụy hi sinh cho
chồng con. Sự hi sinh thầm lặng của người vợ được thốt lên từ những lời thương
xót bi ai của Lù đủ để thấy sự hi sinh ấy to lớn nhường nào: “Hếnh ơi… - Lù
khóc - Tôi sống ra sao bây giờ khi không có bà? Đi làm nương về lấy ai đun nước
cho tôi rửa mặt? Săn được con hoẵng, ai làm món lạp cho tôi… Lấy ai chia sẻ niềm
vui, nỗi buồn?” [6, 220].
Những nhân vật trong các câu
chuyện thoáng hiện lên như những chiếc bóng âm thầm mang thân phận của những
người phụ nữ miền núi sống như cái bóng của chồng, như hòn đá kê cột nhà. Bùa
và Sinh là những người con gái bất hạnh, thua thiệt về nhan sắc. Những người
con gái ấy bị đẩy khỏi cuộc sống cộng đồng, sống lủi thủi và cô đơn: “Sinh là một
thiếu nữ mồ côi ở bản Hua Tát. Nghe nói ngày xưa mẹ nàng bị ma chài, đẻ nàng
trong rừng. Nàng gầy gò, bé nhỏ, trông rất đáng thương. Nàng không bao giờ được
ăn miếng ngon, mặc váy áo đẹp. Thân phận côn hươn, nàng sống thui thủi như
con chim cút” [6, 221 – 222]. Người vợ trong Con thú lớn nhất để lại
nhiều ám ảnh về cõi sống chết lặng của những người phụ nữ bị cột chặt trong những
bổ phận và trách nhiệm, “lúc nào cũng âm thầm, im lặng, suốt ngày không hề thấy
nói một tiếng” và cuối cùng chết bởi phát súng của chính người chồng, trở thành
miếng mồi để chồng săn con thú lớn nhất.
Cái nhìn đề cao phụ nữ trong Tiệc
xòe lớn nhất, dưới cái nhìn hội hè Carnaval – tiệc xòe, nhà văn tấn phong người
con gái Hà Thị E không chỉ xinh nhất bản mà còn thông minh, nàng biến tất cả
cánh đàn ông phải quỳ rạp xuống chân nàng. Tất cả các chàng trai tới cầu hôn cố
gắng trổ tài đều bị nàng bỡn cợt vui đùa xem họ chỉ là một thứ trò chơi không
hơn không kém. Từng người một bị hạ bệ hiện lên như những kẻ ngốc nghếch. Với
tiệc xòe như thế, người con gái Hà Thị E trở thành người chủ với tiếng cười sảng
khoái như hạ gục chế độ phụ hệ, trọng nam khinh nữ vốn tồn tại lâu đời trong đời
sống tinh thần người dân miền núi.
Sự giải phóng phụ nữ, xét
cho cùng, là sự giải phóng, sự tự do về đời sống tình dục. Chỉ khi nào cởi bỏ
những xiềng xích trong đời sống tình dục người phụ nữ mới trở nên tự do. Song
trong những sáng tác của các nhà văn của/ viết về miền núi, diễn ngôn tình dục
còn là ngôi đền thiêng ít người dám tới gần. Nguyễn Huy Thiệp có thể
xem như một trong những hiện tượng hiếm hoi đập vỡ ngôi đền thiêng tình dục
trong văn xuổi miền núi, ca ngợi đời sống bản năng và vẻ đẹp phồn thực ở những
người phụ nữ. Nàng Bua và Nàng Sinh là hai truyện tiêu biểu
cho những cố gắng đấu tranh của nhà văn cho quyền phụ nữ. Bua, hơn bất kì nhân
vật nào trong tập truyện mang vẻ đẹp phồn thực với một gia đình có 9 đứa con
không có cha, mà không đứa nào giống đứa nào: “Người nàng cao lớn, đôi hông to
khỏe, thân hình chắc lẳn, bộ ngực nở nang mềm mại. Nàng lúc nào cũng tươi cười,
tràn trề thứ ánh sáng cuốn hút lòng người” [6, 202 – 203]. Nàng sống tự nhiên
như cây rừng: “Mỗi người đến với Bua một cách và họ ra đi cũng chẳng ai giống
nhau. Chuyện tình ái, giống đực thường khôn ngoan và vô trách nhiệm, giống cái
thì nhẹ dạ và tận tụy quá. Bua nồng nàn với tất cả những người đàn ông đến với
nàng và cũng lãnh đạm với tất cả những người đàn ông nào bỏ rơi nàng” [6, 203].
Lối sống đầy bản năng của Bua vượt khỏi cái khuôn khổ đạo đức, có nguy cơ phá vỡ nền
nếp cổ truyền. Lối sống của nàng như một sự thách thức đối với môi trường nhân
tạo, môi trường sống được vây thắt bởi bao thứ đạo lí, nó hủy diệt bản năng sống
ở con người. Nên Bua đã chết khi nàng sinh nở “trong sự đầy đủ và nền nếp cổ
truyền”.
Bản năng tính dục mang trong
nó nguồn sống đến mãnh liệt. Cuộc sống của những con người trong bản nhỏ Hua
Tát ngày một trở nên khô cằn khi con người đánh mất môi trường tự nhiên (hủy hoại
tự nhiên và bóp nghẹt đời sống xã hội). Nàng Sinh ở câu chuyện cuối cùng của tập
truyện như vị cứu tinh, người phục sinh cuộc sống thiên nhiên và con người Hua
Tát. Liên văn bản những tên gọi của nhân vật có thể thấy, Khó chàng trai trong
câu chuyện đầu tiên chết trong cuộc đi săn hổ cũng chính là ghi dấn ấn về sự
xâm phạm của con người vào tự nhiên, nên “Khó” đồng nghĩa là những trở ngại, là
kiếp nạn. Và Sinh với tên gọi mang ý nghĩa chỉ sự sinh sôi, sinh nở có thiên chức
cao cả là hóa giải kiếp nạn cho cả bản Hua Tát. Nàng Bua, con người ấy
đã chết khi đời sống tự nhiên bị xâm phạm, đến Sinh, cái sức sống bản năng và đầy
dục tính ấy tràn đầy từng dòng kể của câu chuyện. Cả câu chuyện là một cuộc làm
tình được tác giả khéo léo ẩn sau những biểu tượng tôn giáo.
Việt Nam cũng như nhiều nước
trong khu vực theo tôn giáo đa thần, bái thờ ngẫu tượng. Một trong những ngẫu
tượng phổ biến mang tính phồn thực là tục thờ ĐÁ. Ngẫu tượng đá được thờ gồm
hai phần, một khối tròn hay còn gọi là Linga tượng trưng cho dương
vật được đặt trong lòng/ bên trên khối đá Yoni tượng trương cho âm
vật. Tục thờ đá phổ biến ở các nước theo Phật giáo và Hindu giáo với mong muốn
cầu sự sinh sôi nảy nở, vạn vật tươi tốt, trù phú, đông con nhiều cháu nối tiếp
đời đời.
Hình ảnh Linga và Yoni
Biểu tượng hòn đá ở miếu
chàng Khó được miêu tả giống cơ quan sinh dục nam (dương vật): “Trong miếu có
hòn đá nhỏ bằng nắm tay người, để trên bệ gạch. Hòn đá nhẵn thín như bào,
sâu trong lớp đá có những vân đỏ li ti như mạch máu người”. Hòn đá ấy chỉ
có nàng Sinh mới có thể nhấc lên được. Hành động cầm hòn đá của Sinh cũng gọi
lên cảnh giao hoan: “Sinh bóp khẽ vào cái ngẫu vật thiêng liêng. Hòn
đá bỗng tan thành nước trong mắt mọi người. Những giọt nước ấytrong như nước
mắt, chảy qua kẽ tay nàng rơi xuống mặt đất, in hình trên đó những ngôi sao”
[6, 222 – 223]. Những giọt nước tan chảy và rơi xuống đất mang ý nghĩa của sự
thụ thai. Câu chuyện dừng lại ở đó nhưng nó như mở ra cuộc sống mới cho con người
Hua Tát với nguồn nhựa sống căng tràn.
Nguyễn Huy Thiệp kể lại các
cậu chuyện như một nhà sưu tầm văn hóa dân gian và thuậtlại bằng một giọng kể
vô cùng khách quan. Lối kể ấy mang đậm màu sắc tôn giáo, tựa tính vô ngôn của
Phật giáo như các Thiền sư giảng đạo với bút pháp “ngón tay chỉ trăng” hoặc
tương ứng với lối kể Dụ ngôn (Parable) trong Kinh Thánh. Thông điệp không được
phát đi như một đại tự sự mà tác giả đã trao quyền kiến tạo thông điệp cho người
đọc. Và cuối cùng, trong môi trường văn học, cái chết của tác giả cũng
là cách đặt vai trò của người đọc và tác giả ngang hàng nhau với những suy nghĩ
độc lập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Timothy Clark (2011), The
cambrige Introduction to Literature and the Enviroment, Cambrige University
Press, New York.
2. Cheryll Glotfelty &
Harold Fromm (1996), The ecocricism Read: Landmarks in literatury ecology,
The university of Georgia Press.
3. Trần Văn Hiểu dịch
(2012), Phê bình sinh thái – cội nguồn và sự phát triển, Tapchinhavan.vn.
4. Hải Ngọc dịch (2013), Karen
Thornber - Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học,
hieutn 1979.wordpress.com.
5. Nguyễn Thị Tịnh Thi
(2013), “Phê bình sinh thái - Nhìn từ lí thuyết giải cấu trúc”, Văn học hậu
hiện đại lí thuyết và thực tiễn, NXB Đại học Sư phạm.
6. Nguyễn Huy Thiệp (2005), Truyện
ngắn, NXB Hội Nhà văn.
[i] “Hội
nghiên cứu văn học và môi trường (ASLE) hiện nay đã trở thành tổ chức học thuật
có tính quốc tế về phê bình sinh thái. Chỉ trong vòng 10 năm, tổ chức này đã
phát triển và gây ảnh hưởng nhanh và rộng trong phạm vi thế giới, đã thành lập
8 phân hội ở Nhật Bản (1994), Anh (1996), Hàn Quốc (2001), Australia và New
Zealand (2003), Đại lục châu Âu (2003), Ấn Độ (2004), Canada(2005) gồm hàng
nghìn hội viên, ASLE mỗi lần đại hội đều có 4-500 người tham gia. Năm 2004 “Hội
nghiên cứu văn học, văn hóa và môi trường châu Âu” (European Association for
the study of literature, culture and environment) tổ chức học thuật phê
bình sinh thái châu Âu độc lập so với ASLE được thành lập, gọi tắt là EASLCE.
Tôn chỉ của hội nghiên cứu này là mang đến một diễn đàn châu Âu để cho các học
giả nghiên cứu và giao lưu, suy nghĩ về quan hệ giữa văn học và tự nhiên và những
biểu hiện của nó trong văn hóa, văn học” [3].
Vũ Minh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét