Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Cảm “Dấu chân địa đàng”

Cảm “Dấu chân địa đàng”
Ta vẽ màu thời gian
Chờ người cuối phố
Chiều buông
Gió mời
Nắng mời
Ta nhấp từng giọt chiều tan
Trong quán cafe ta chờ người tích tắc
Đan những giận hờn ta thả vào thơ
Tiếng ghita trong nhung với nhớ
Trịnh Ca buồn
Ta buồn
Lá ngẩn ngơ
Tiếc nuối
Là cảm giác đầu bước chân vào chốn mới
Những đơn sơ mộc mạc đã qua rồi
Ta lắng nghe nhạc vọng về từ kí ức
Không bằng một chút hồn ta nhớ Trịnh Ca xưa.
Chiều qua ghé cafe Trịnh Ca. Thấy tiếc nuối vô cùng những xa xưa một thời nhung nhớ. Trịnh Ca bây giờ đã chuyển địa điểm, không gian mới, nhạc mới, tôi không tìm thấy sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Khi yêu cầu bài hát "Dấu chân địa đàng" thì ca sĩ ở đó lại không biết hát bài này.hài thật là hài. Thực ra tôi cũng chẳng muốn nghe ca sĩ thời nay hát nhạc Trịnh, bởi họ không lột tả hết được cái đẹp trong bài hát. Có khi mở nhạc do chính tác giả hay ca sĩ Khánh Ly hát, văng vẳng trong chiều gió lộng thế này lại hay. Tôi lại lóc cóc về,trên đường nhờ cái tai phone kết nối tâm hồn mình với tâm hồn Trịnh, để thấy "Chiều buông gió,và mây về ngang qua lưng đèo" mặc dù tôi đang đi giữa lòng thủ đô.
Ngay từ nhan đề ca khúc đã mang dấu ấn siêu thực - “Dấu chân địa đàng”. Và bài ca đã in dầu chân trong tôi. Bài hát có giai điệu rất hay, có chỗ tiết tấu nhanh, có quãng lại chậm, trầm, có lúc lại ngân nga,vút cao như gió.
Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó lửa đêm tiếng ca lên như than phiền
bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
Tôi như đang đứng giữa bao la rộng lớn ấy. Với những hình ảnh không gian đầy ấn tượng mở ra theo nhiều chiều: Trời buông gió, mây ngang lưng đèo, gió mây miền, nước lên sóng mềm. Tôi chẳng phải nhà bình phẩm về âm nhạc, tối chỉ "tản" theo những gì tôi thấy, tôi nghe, và tôi cảm... Bởi thế mà có nhiều ý kiến, nhiều bài viết về ca từ trong nhạc Trịnh. Mà có lần ttlyvc cũng đã từng phản hồi trong bài viết "TƯỞNG NHỚ TRỊNH CÔNG SƠN" thế này: "Sau này được nghe và đọc vc mới biết ở thập niên 70 người sống ở miền nam VIỆT NAM nghe nhạc Trịnh là một cái mốt nhất là dân trí thức vì ca từ trong nhạc của ông nặng triết. Nhưng bây giờ vc có nghe một số bài mình nhận ra có một số hư từ ông hay dùng mà có nhiều người hát khi hỏi về ngữ nghĩa cũng chả hiểu gì vd: "... Loài sâu ngủ quên trong tóc chiều" v.v... Có lẽ ta chưa đủ trình độ để cảm thụ nhạc trịnh? hay chính những điều này đã hấp dẫn người nghe, đã đưa giới trẻ lúc ấy trốn vào miền hư ảo tránh xa cái thực tế điêu tàn của chiến tranh".
Có người cho rằng bởi nhạc sĩ họ Trịnh sinh ra ở Buôn Mê Thuột nhưng từ nhỏ đã ở Huế và lớn lên gắn liền với nét thơ mộng của Huế nên ông yêu hình ảnh người con gái Huế mái tóc thề thướt tha, mềm mại trong gió. Như trong bài Còn tuổi nào cho em "Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài" hay “lùa nắng cho buồn vào tóc em...” và “ru mãi ngàn năm, dòng tóc em buồn...”... rồi lại “Em hãy ngủ đi!”, “ngủ đi em tóc gió thôi bay...”. Bởi thế tóc thề xứ Huế, đã được Trịnh Công Sơn ví von bằng nhiều hình ảnh như “mây”, “sông dài”, “dòng nước hiền”, “mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”... bởi chính họ Trịnh đã nói: “... Có những cách nhìn và lòng đam mê không giống nhau. Và làm sao có thể giống nhau được khi bản chất của nghệ thuật là một đòi hỏi miên man cái muôn hình vạn trạng...”. Song hình ảnh đẹp nhất, lãng mạn nhất về tóc thề, được tác giả mô tả như quay lại một đoạn phim chậm là “tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh...”...Tôi chỉ nghĩ Trịnh viết cho đời, mà đời là những tiếng hát mà mỗi người sẽ hát theo cách riêng của mình: Có tiếng trong veo, vút cao, có lời khàn đục, trầm lắng; có khúc hân hoan, có lời than thở... nên "Tóc chiều" với tôi là một buổi chiều nhạt nắng, có gió, có mây, có tôi và nhạc. Chỉ đơn giản thế thôi. Tất cả được nhạc sỹ họ Trịnh tài hoa đã hát lên những cung bậc, chiêm nghiệm khác nhau về cuộc đời bằng một giai điệu trữ tình với những ca từ lấp lánh ảo huyền, vừa cụ thể, gần gũi lại vừa trừu tượng, siêu thoát...
Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngỏ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em...
Và đâu đó cuộc đời bắt đầu cất tiếng êm ca thiết tha đượm một khối tình sầu nhớ tơ vương để tiếng vó ngựa của người lữ khách cũng chùng chân ngập ngừng. Lời ca dạ lan ngại ngùng trong đêm, không gian tĩnh lặng chỉ còn loài sâu cố vớt vát trước đêm hồng. Vâng, đêm hồng, và cũng là lúc nước mắt dâng, phải chăng đó là dòng nước mắt ngập đầy những đêm u vắng, buồn vương, tiếc nuối, hoang liêu trước mênh mang cuộc đời?.
“Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô
Từ mưa gió
Và từ trong đá xưa
Đến bây giờ mắt đã mù
Tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó
Loài rong im ngủ sâu
Mới hôm nào bão trên đầu
Lời ca đau trên cao”.
Vẫn tiếng ca ấy,nhưng không còn ẩn trong loài sâu, trong tóc chiều hay trong dạ lan mà bắt đầu từ cuộc đời, từ lòng người.
Tư đất, từ gió, quả là một không gian mênh mông bao chùm tất cả. Rồi tiếng ca là rượt dài theo thời gian, từ "đá xưa" cho "đến bây giờ" cứ vang mãi, vang xa, lúc thấm vào đất, lúc lạc bay theo gió mây trời. Tiếng ca – tiếng lòng – tiếng đời đã hòa vào làm một cất lên những giai điệu diết dóng, trầm buồn, đầy ám ảnh, đau thương của ca từ. Ở đoạn này, giai điệu trầm hẳn, chậm hơn và dằn xuống những ấm thấp như từng tiếng đời, từng suy tư lần lượt rơi đổ theo từng nốt nhạc của giai điệu, theo từng lời ca từ ngân lên. Cái ngẫu hứng vẫn cứ tuôn chảy dào dạt đem đến những cảm giác lạ, những triết lý sâu, những day dứt lâu trong tâm khảm người nghe nhạc.
Để rồi, sau đó, ca từ và giai điệu lại vút lên lần cuối, nhẹ nhàng hơn, lặp đi lặp lại,êm du hơn như một sự giải thoát:
Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó loài sâu nữa đêm quên đi ưu phiền
để người về hát đêm hồng
địa đàng còn in dấu chân bước quên.
Khúc ca kết thúc, người hát ngừng lời nhưng dư âm vẫn còn vang mãi, vang lên bởi những giấc mơ đẹp, lãng mạn, bay bổng. Dư âm như khúc du lòng bình yên trong giấc ngủ vừa, để biết rằng loài sâu kia đã thôi không còn ưu phiền nữa, để nước mắt không dâng trong đêm hồng nữa, để địa đàng còn in dấu chân ai?. Tâm hồn, ngôn ngữ, hình ảnh cùng giai điệu cùng thăng hoa, siêu thoát. Giấc mơ về dấu chân địa đàng đã hiển hiện thành hiện thực. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang một dấu ấn riêng, có một đời sống riêng của nó. “Dấu chân địa đàng” đã chạm vào lãnh địa sâu thẳm tâm hồn người nghe, đánh thức phần vô thức sâu thẳm trong ta để lại những ấn tượng, ảo giác của hiện thực và ước mơ. Đó chính là đời sống riêng, nét đẹp riêng của ca khúc. Nó mãi mãi đưa ta vào giấc mơ cùng những dấu chân bước quên chốn địa đàng, để ta bước chân vào cuộc lãng du của đôi bời hư thực, được một lần chạm vào lãnh địa cõi siêu thực và trải nghiệm cùng “Dấu chân địa đàng” phù du, ngẫu hứng cùng bao ám ảnh hằn sâu.
Tôi nhắm mắt lại và để những tiếng ca cuộc đời dẫn lối phiêu du.

Khánh Ly Dấu Chân Địa Đàng - YouTube

Khánh Ly Dấu chân địa đàng Trịnh Công Sơn

khánh ly dấu chân địa đàng - YouTube

Khánh Ly - Dấu Chân Địa Đàng - Liveshow Trịnh Công Sơn

Dấu Chân Địa Đàng - Khánh Ly - YouTube

Khánh Ly - Dấu Chân Địa Đàng (Live) - YouTube

Dấu chân địa đàng - Khánh Ly
chieunhatnang 
Theo http://chieunhatnang.blogtiengviet.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...