Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Huế - Người hùng văn hóa Việt Nam

Huế - Người hùng văn hóa Việt Nam
Gặp tôi ở nơi xa Huế nhiều người hỏi tôi “Huế bây giờ ra sao?”. Tôi liền nhờ Bùi Giáng trả lời hộ: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Câu trả lời vay mượn của tôi làm cho nhiều người hỏi mất hứng nhưng cũng tạm cho tôi thoát. Nhưng cũng có người cắc cớ hỏi lại: “Thiệt không?”
Tôi ú ớ ngay và phải thú nhận “Không thiệt lắm, bởi vì chính núi Ngự sông Hương vẫn còn đó mà cái thơ mộng đích thực của nó đã khác xưa”. Mùa lũ phù sa chảy qua Vỹ Dạ bị khách sạn nhà hàng lấn sông nghẽn lại tạo thành cồn, bãi cỏ mọc xanh um ngay bên bờ Đập Đá. Cái vẻ duyên dáng của bến đò Thọ Lộc ngày xưa nay còn đâu! Chân núi Ngự với hàng ngàn ngôi mộ âm thầm đồng tiến lan lên đến lưng núi. Cái bình phong của Kinh Thành Huế dễ biến thành cái nghĩa địa với những vết hằn thô cứng.
Sông núi mà trải qua thời gian và tác động của thời kỳ “hội nhập” còn không tránh được sự mất còn huống chi những di sản vật chất và phi vật chất làm sao giữ được như xưa!
Kho sách lịch sử văn hóa Việt Nm trong 
Quốc sử quán triều Nguyễn ngày xưa
Chuyện “mất Huế” bởi thời gian và khí hậu mưa dầm nắng gắt không ai cưỡng được. Người tài có tài đến đầu rồi cũng già cũng chết. Di tích, kiến trúc gỗ không được chăm sóc tuổi thọ không quá vài trăm năm. “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”. Ngày nay nào ai còn gặp được họ ? Xa Hiên và Dinh Thuyền trước Phu Văn Lâu (Nhà để xe và nhà để thuyền rồng của vua trước Phu Văn Lâu) nay chỉ còn lưa lại hai cái tên trong câu ca dao “Xa Hiên rồi tới Dinh Thuyền, bên ni Trường Súng, Trường Tiền bên tê”. Huế là xứ Phật giáo thấm nhuần lẽ sắc không của cuộc đời nên không ngạc nhiên về sự mất còn bởi tạo hoá, bởi “trời hành cơn lụt mỗi năm”. Điều mà làm cho báo chí và những người yêu Huế gần xa đau đớn thương tiếc là những mất mát Huế gây ra bởi chính con người nhân danh Huế.   
Huế có chín đời chúa mười ba đời vua Nguyễn, nhưng chỉ có một số lăng vua Nguyễn được trùng tu tôn tạo để khai thác du lịch, còn lăng chín đời chúa - những vị chúa đã lãnh đạo cuộc Nam tiến mở nước từ Thuận Quảng vào đến mũi Cà-mau thì bỏ phế cho trời đất. Ít người biết các lăng chúa Nguyễn ở đâu! Lăng chúa Nguyễn Hoàng, lăng chúa Nguyễn Phúc Tần...được chăm sóc bởi bà con Nguyễn Phước tộc chứ không phải Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô. Hai bên cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương có hai dãy hành lang dành cho người đi xe đạp và người đi bộ. Dọc hành lang có những đoạn nở rộng ra để cho khách qua cầu có thể dừng chân ngắm cảnh sông Hương núi Ngự những khi hừng đông lên hay những hoàng hôn xuống. Cầu bị chiến tranh làm sập hai vài. Sau năm 1990, cầu được sửa chữa. Những đoạn nở rộng trên hai dãy hành lang bị gọt mất, người đi bộ dùng con đường hành lang dành cho xe đạp, người đi xe đạp xuống chen với ô-tô, mô-tô giữa lòng cầu nhí nhố những giờ cao điểm sáng chiều. Ngược với nề nếp, trật tự đã có từ trăm năm trước. Trên cầu như thế, dưới sông những con đò với đôi mái chèo êm ả chỉ đủ sức cho năm bảy khách du tựa mạn đò nghe ca Huế nghe ngâm thơ, chơi trò thả thơ không còn nữa. Nay, để đáp ứng với lượng du khách lớn, hàng trăm chiếc bằng trang trí đầu rồng gần giống đầu gà cồ mang tên thuyền rồng ra đời ken nhau đứng chật cả đoạn bờ sông phố từ Bến Toà Khâm đến gần cầu Trường Tiền. Venise bên Ý người ta cũng kinh doanh với những chiếc thuyền con duyên dáng lui tới trên sông đâu cần phải rồng phượng loè loẹt như Huế tôi. Người ta tưởng trang trí rồng phượng như thế là Huế,. Đâu ngờ họ đã bôi bác Huế. Nhiều lần tôi đã giới thiệu cái mẫu chiếc thuyền rồng thực của vua Tự Đức còn lưu lại trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ nhưng người ta than là không đóng được. Tôi nghĩ là không phải không đóng được mà là vì làm chiếc thuyền gà cồ dễ đóng và rẻ hơn thuyền rồng thực của Huế rất nhiều. Đêm đêm trên những chiếc bằng trang trí rồng, các ca nhi không đủ bài bản ca Huế để phục phụ khách du lịch, nhiều người hát dặm thêm dân ca phát triển, ngâm thơ làm cho nhiều khách ở xa về muốn nghe một chầu ca Huế gốc, ca Huế thật không biết tìm đấu! Ẩm thực Huế đứng đầu danh sách ẩm thực Việt Nam. Bây giờ, đố ai tìm được ở Huế một tô bún bò Huế “Mụ Rớt”. Người ta đã thay chất ngọt của ruốt Huế bằng bột ngọt, vị tinh, thay thịt bò chín dòn lắng trong nồi nước xáo bằng thịt bò nhúng tái. Bún bò tái gần giống phở hơn bún bò. Mè xửng dỏm tràn lan. Có lúc khách bảo tôi “Mè xửng của anh cứng đến mức ném chó, chó chết”. Thật tội cho Huế tôi. Cái thường đập vào mắt gây khổ tâm nhất đối với người yêu Huế là “kiến trúc hiện đại” của Huế. Những nhà vườn của Huế bị cắt xén phân lô bán. Không gian của nhà vườn Huế không còn nữa. Nhiều dãy phố lầu kiến trúc lai Tây một chút, lai Tàu một chút và lai Thái một chút. Loại kiến trúc tạp-pí-lù nầy gần giống nhau ở hầu hết ở các thị trấn, thị xã Việt Nam. Ở những nơi nông thôn vươn lên học đòi đô thị không nói làm gì, còn ở Huế vốn đã có một di sản kiến trúc Việt ở bờ bắc, một di sản kiến trúc đô thị Tây rất hoàn chỉnh ở bờ nam sông Hương mà xây dựng như thế thật đáng lo ngại. Kiến trúc như vậy thì làm gì còn Huế nữa ? Nhiều cảnh quan ở vùng tây nam Huế đã bị phá vỡ. Cảnh quan đồi Vọng Cảnh suýt bị xẻ thịt để xây dựng một khu resort. Nguyên nhân vì không quan tâm đến bản sắc qui hoạch, kiến trúc Huế. Không biết tính cách Huế là một di sản vô giá trong thời hội nhập. Về chính trị, cái mất lịch sử là mất vai trò Thủ phủ của miền Trung. Vì thế phủ Thủ hiến ngày xưa nay đã trở thành khách sạn Résident.
Cái mất lớn nhất của Huế là mất người. Khi tôi hai ba mươi tuổi, thế hệ cha anh của tôi cũng chỉ năm sáu mươi. Trong thế hệ ấy có nhiều người là hình mẫu về trí thức, nhân cách, tài năng để chúng tôi nương tựa về tinh thần. Nói đến Phật giáo có “Ôn Linh Mục” (Hoà thượng Thích Đôn Hậu), có Thầy Trí Quang, có sư bà Diệu Không, nhắc đến trí thức cách mạng người Huế nghĩ ngay đến Kỷ sư Nguyễn Hữu Đính, bà Nguyễn Đình Chi, nói đến văn hoá Huế nêu ngay tên cụ Bửu Kế, nhà thơ Phan Văn Dật, nói đến nghệ thuật Huế là có ngay tên hoạ sĩ Cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương Phạm Đăng Trí....Những người nầy tuy không giữ một chức vụ gì quan trọng trong chính quyền, nhưng sự có mặt của họ ở Huế đã giúp cho bản sắc văn hoá Huế được trụ vững, để đối ngoại. Không rõ thế hệ các em hai ba mươi tuổi bây giờ có tìm thấy ở thế hệ chúng tôi (trên dưới bảy mươi tuổi) có được những người để chúng nương tựa tinh thần như chúng tôi trước đây đã tìm thấy ở thế hệ cha anh chúng tôi không ? Tài năng, nhân cách, sự hiểu biết Huế của chúng tôi có gì khiếm khuyết để chúng không phục không? Một điều đau lòng bây giờ các em học sinh sinh viên giỏi của Huế không có nơi chen chân ở Huế đều chạy vào TP HCM hoặc ra Thủ đô Hà Nội tìm việc làm trong các cơ quan Trung ương hoặc các Công-ty nước ngoài. Có người lo lắng rằng trong tương lai không xa nữa, con người chủ chốt của Huế may ra chỉ còn ở loại hai. Không rõ căn cứ vào đâu, cách đây trên mười năm, sau một thời gian làm việc với lãnh đạo Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu qua Đài Truyền hình Huế rằng: “Đi đâu tôi cũng gặp người Huế giỏi nhưng về Thừa Thiên Huế tôi không thấy người giỏi đâu cả.” Nghe lời nhận xét của Thủ tướng Phan lòng tự hào Huế của tôi muốn rớm máu.  
Nhưng nếu quan hệ thực tế thật kỹ, nghĩ cho sâu, lòng tự hào đã bị rớm máu ấy vẫn có thuốc chữa. Nhà văn nhà nghiên cứu Thuận Quảng Nguyễn Văn Xuân đã từng viết đại ý rằng: “Văn hoá Huế là một chàng lực sĩ, cho dù chân tay đầu mình của anh ta đã bị tùng xẻo nhưng thân hình còn lại của lực sĩ cũng khó có người sánh được.” Tôi không hoàn toàn đồng tình với anh Xuân nhưng cũng không dám bác nhận xét ấy. Cái thân hình của văn hoá Huế mà ai cũng biết đó là hai di sản văn hoá thế giới: Di tích kiến trúc triều Nguyễn và Nhã nhạc Cung đình Huế. Nếu lãnh đạo địa phương quan tâm đúng mức thì quần thể Kiến trúc các Phủ Phòng của các ông Hoàng - bà Chúa ở Huế, lễ tế Nam Giao, sông Hương, hàng ngàn món ăn mặn và ăn chay Huế cũng có thể lọt vào tầm ngắm di sản thế giới của UNESCO. Những thứ ấy có thể nói không ngượng miệng là “không nơi nào có được”.
Cũng có những thứ nổi tiếng ở địa phương khác, tưởng rằng Huế không có nhưng nếu nghiên cứu kỹ một chút sẽ thấy lịch sử và trời đất đã để lại cho Huế nhiều thứ mà ta còn bỏ phí. Nếu không quan niệm mê tín thô thiển, thì ta có thể xem “Điện Hòn Chén” là Núi Bà Đen hay Bà Chúa Kho ở miền Trung. Điện Hòn Chén không chỉ là một ngôi điện thờ mẫu theo truyền thống dân gian mà thực sự nó nằm trong một Thành phố tâm linh. Từ đầu thế kỷ XX, Louis Chochod đã từng viết cuốn Hué, la mystérieuse (Huế bí ẩn); Léopol Cadière viết Le Capital merveilleux (Kinh đô kỳ quan). Huế với hàng trăm lăng tẩm vua, chúa, ông hoàng, bá chúa, đền, miếu, với hàng trăm ngôi chùa Phật trong đó có chùa vua, chùa quan, tổ đình, chùa sắc tứ nổi tiếng trong và ngoài nước. Chùa Từ Hiếu hiền hoà trang trọng đã ra đời hơn một thế kỷ. Khách vãng chùa cung kính như các ngôi tổ đình khác. Nhưng khi người ta biết Từ Hiếu là ngôi chùa tổ của Phật giáo Làng Mai của thế giới, lòng người qui tụ về đây với niềm hy vọng được đặt chân lên con đường tu tập hợp với thời đại mới. Trong mấy chục năm qua trên mảnh đất Thừa Thiên Huế có biết bao công trình ra đời một cách lặng lẽ. Nhưng chỉ mới vài năm trở lại đây thôi, khi xuất hiện đền Huyền Trân, chùa Trúc Lâm Bạch Mã thì lòng dân dậy lên niềm vui hạnh phúc. Bởi vì đền ấy, chùa ấy hợp với lòng dân trong thành phố tâm linh. Qua việc tổ chức lễ Phật Đản 2552 và lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008 sang trọng, uy nghi, mới mẽ vừa rồi ở Huế là một minh chứng cho lòng người dân Huế. Ngày nay người ta sẽ rất dễ dàng công nhận Huế là thành phố Phật giáo. Khi nhân loại tôn vinh những giá trị sâu sắc của đạo Phật về hoà bình, hoà hợp, hoà giải, vị tha, nhân ái…Huế đã là thành phố Phật giáo thì Huế đã có sẵn trong mình một nguồn tài nguyên văn hoá vô cùng to lớn, không có nguồn tài nguyên văn hoá nào có thể so sánh được.
Bây giờ, người ta có thể tìm bún bò thứ thiệt ở TP HCM, ở Đà Nẵng. Đến Huế ngày nay, người ta đi tìm cơm chay Bồ Đề, cơm chay Liên Hoa, cơm chay Tịnh Tâm. Khi Huế được xác nhận vai trò đích thực, khai thác đúng tiềm năng của Huế thì những cái mới sẽ xuất hiện thay thế cho những cái đã mất. Những cái mới nầy đáp ứng được yêu cầu của con người thời đại mới, góp sức phục hồi dần những gì Huế đã mất. Đúng như trước đây vận động cho Huế, UNESCO lấy chủ đề làHué toujours recommencé (Huế luôn luôn bắt đầu trở lại hay Huế luôn luôn mới). Huế là thành phố Cố đô, là thành phố Phật giáo, một trung tâm văn hoá đã được thử thách. Trải qua 4 mùa Festival vừa qua, Huế đã chứng tỏ sự phong phú luôn luôn mới của mình. Biết rõ như thế nên nhà nước Việt Nam đã giao cho Huế nhiệm vụ Thành phố Festival. Quá khứ đã qua rồi, tôi tin văn hoá Huế hiện tại sẽ có những bước dài vào tương lai.
Gác Thọ Lộc,19-5-2008
Nguyễn Đắc Xuân
Theo http://gactholoc.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận về tập phê bình văn học "Đi tìm hương sắc văn chương"

Cảm nhận về tập phê bình văn học "Đi tìm hương sắc văn chương" “Hương là mùi thơm, sắc là vẻ đẹp”. “Đi tìm hương sắc văn chương”...