Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Những biện pháp thực hiện ý tưởng về Thành phố nhân văn

Những biện pháp thực hiện ý tưởng 
về Thành phố nhân văn
Cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vừa đăng trên Nhà báo Huế số Xuân 2011 đã được nhiều bạn đọc chú ý. Nhân dịp đầu năm mới, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã chia sẻ tâm sự của ông về chuyện tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu sớm được Trung ương cho chuyển lên thành Thành phố Huế và những biện pháp để thực hiện ý tưởng Thành phố nhân văn.
Đầu thế kỷ XX, Nhà máy nước Vạn niên xây dựng 
theo phong cách kiến trúc Huế để 
hài hòa với kiến trúc và thiên nhiên Cố đô Huế.
Dương Phước Thu (DPT): 
- Cuộc trò chuyện với anh vừa đăng trên Nhà báo Huế số Xuân 2011 có nhiều ý tưởng mới được bạn đọc rất chú ý. Như anh đã hứa sẽ trò chuyện tiếp về chuyện tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu để sớm được Trung ương cho chuyển lên thành Thành phố Huế và độc giả cũng đang chờ ý kiến về những biện pháp thực hiện ý tưởng Thành phố nhân văn của anh. Ngày xuân Tân Mão sắp đến, đề nghị anh tiếp tục cuộc trò chuyện.
Nguyễn Đắc Xuân (NĐX):
- Đối với Huế, lúc nào tôi cũng sẵn sàng, chỉ sợ báo chí các anh không đăng thôi!
DPT:
- Anh đã làm báo lâu năm, việc đăng hay không đăng một bài gì đó còn phải tùy…Nhưng theo tôi, báo chí là một diễn đàn, có được những ý tưởng mới quý quá đi chứ? Tại sao lại  không đăng? Xin anh cứ việc, ta  đi thẳng vào vấn đề: Theo anh, những biện pháp thực hiện ý tưởng về Thành phố nhân văn là gì?
NĐX:
 Trước đây người ta hay nói thành phố văn minh, hiện đại, thành phố du lịch, thành phố cổ, thành phố văn hóa, gần đây nói thêm là thành phố sống tốt, …chứ chưa nói đến thành phố nhân văn. Sự thực thì các thành phố Việt Nam bắt chước các thành phố phương Tây (Vì khi Pháp đặt xong nền đô hộ mới có chuyện thành lập các thành phố Việt Nam. Trước thời Pháp thuộc VN chỉ có thị, chỉ có Kẻ chợ mà thôi), các thành phố Việt Nam ra sau bắt chước các thành phố thành lập trước, tính cách của thành phố không rõ, chưa ai đặt vấn đề “triết lý của thành phố” cả.  Bước vào đầu thế ký nầy, ta đang phấn đấu biến một cố đô với các huyện trực thuộc của nó thành một thành phố của thế kỷ mới hội nhập quốc tế  bằng chính nội lực của nó. Việc trước tiên phải nhìn thấy được “Nguồn tài nguyên vật thể và phi vật thể” của nó đang có giá trị đối với thế giới nhân văn,  tiếp đến tìm cho nó một lẽ sống, một “triết lý”. Cái triết lý đó sẽ xuyên suốt mọi hoạt động xây dựng và phát triển của thành phố Huế mới.
DPT:
- Theo anh “triết lý” của thành phố Huế tương lai là gì?
NĐX:
- Thành phố do con người văn hóa Huế làm ra, phục vụ con người trong  môi trường bền vững, để con người được sống tốt hơn,
DPT:
- Lý thuyết là như vậy. Nhưng từ lý thuyết đi vào thực tế như thế nào?
NĐX:
- Từ lý thuyết đi vào thực tế phải trải qua nhiều bước và phải có biện pháp thích hợp kèm theo. Xin nói đại khái vài nét:
1. Về nhận thức: Người đề ra lý thuyết phải hiểu rõ hạnh phúc mà nhân loại (qua UNESCO) đang phấn đấu đi đến là gì, “nội lực Huế” còn có những gì có thể cộng tác, giúp cho sự phấn đấu ấy. Triết lý của chúng ta căn cứ vào nội lực và  xu thế của nhân loại mà đề ra chứ không phải do ý chí của húng ta đề ra trên giấy.
2. Phải làm cho toàn xã hội, đặc biệt là giới lãnh đạo và quản lý xã hội biết rõ nội lực có giá trị nhân văn của Huế là gì, vì sao Huế có triết lý đó. 
3. Nội dung của đời sống nhân văn: Tổ chức xã hội, sinh hoạt cộng đồng, gia đình, cá nhân (theo tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiêp, trình độ văn hóa).   
4. Thực hiện:
Giáo dục toàn dân về cái nội dung của đời sống nhân văn. Thực hiện thí điểm, tạo mẫu (mẫu về con người - Đặc biệt là lớp người “Phu mẫu chi dân” -  và mẫu khu vực dân cư).
Kiểm kê - đánh giá “nội lưc” về vật chất, phi vật, thiên nhiên, môi trường của Huế (Không nhắc đến những di sản đã được thế giới và quốc gia công nhận):  Ví dụ: Vật chất: Lăng mộ Chín đời chúa, lăng mộ các bà hoàng nổi tiếng (Lăng bà Chiêu Nghi, lăng bà Từ Dũ, lăng Vạn Vạn.v.v.), các khu phố cổ, các chùa Tàu.v.v Phi vật chất: Cuộc đời ông vua cuối cùng của thời Quân chủ VN; cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca Huế, ẩm thực Huế - mặn và chay v.v..; Thiên nhiên: đất, núi, rừng, sông, biển, đặc biệt là sông Thọ Lộc từ Đập Đá chảy giữa hai huyện Phú Vang và Hương Thủy v.v...
Xây dựng và phát triển: Ví dụ sơ lược: Vật chất: Làm hồ sơ xin UNESCO công nhận Sông Hương là di sản thiên nhiên của nhân loại; theo cách thức thiết kế công nghệ Phở 24 - hình thành công nghệ một số món ăn Huế (Bún bò Huế, Cơm Hến, Cơm chay, Mè Xửng Huế.v.v.), công nghệ sản xuất Nhà rường (hiện nay đang rất được ưa chuộng); Phục hồi các hoạt động về giáo dục ở Văn Thánh, xây dựng trung tâm tư liệu và nghiên cứu Nguyễn tại trường Quốc Tử Giám cũ, phát triển mạnh mẽ việc nghiên cứu và giảng dạy về nhân văn để Đại học Huế trở thành Đại học nhân văn hàng đầu ở Việt Nam, kêu gọi đầu tư xây dựng “Khu cung điện Huế mới” để mùa du lịch dùng làm nhà hàng, khách sạn, mùa vắng khách dùng làm phim trường quay phim lịch sử, và khi các phim quay ở “Khu cung điện Huế mới” nổi tiếng thì nơi ấy sẽ trở thành nơi tham quan du lịch; lập các làng dưỡng lão cao cấp cho người già thuê sống vào những năm cuối đời có kèm theo việc phục vụ đời sống người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe, có “công nghệ” lễ lược hậu sự, lò hoàn vũ, tháp thờ tro cốt để đón người VN ở nước ngoài về sống những năm cuối đời ở Huế; lập Đại học Phật giáo đào tạo tăng tài cho cả nước. Ngoài hai Fesstival đã có hằng năm, sẽ có nhiều Festival tâm linh khác v.v...
5. Qui chế thành phố nhân văn Huế:
Ăn, uống: Khuyến khích ăn chay chế biến từ bằng rau, củ, hạt sạch; hạn chế ăn thịt, nghiêm cấm ăn thịt rừng, thịt chó, thịt mèo; đề cao chế biến nấu các món ăn ngon mắt, ngon miệng, dùng chén bát, đĩa dân tộc. Đề cao “quốc tửu”. Uống rượu say không được ra đường.
Mặc: Đề cao “quốc phục” trong các lễ, tết truyền thống. Khuyến khích phụ nữ ra đường mặc áo dài. Phụ nữ tránh ăn mực lố lăng, thiếu vải. 
Ở: Gìn giữ môi trường sạch, yên tỉnh, các chủ quán, nhà hàng, tư gia phải quản lý gìn giữ rác thải, âm thanh, tiếng động không gây tác động đến người chung quanh. Ví dụ: Hiên nay nhiều nhà hàng, quán Karaoke trong các khu dân cư hát hỏng đàn địch náo loạt, nhiều khi kéo dài đến nửa đêm. Nhiều người cũng than phiền việc tụng kinh cúng giỗ, tang lễ phóng thanh ra môi trường chung quanh rất ồn ào, làm mất cả sự trang nghiêm, linh thiêng sâu thẵm của câu kinh tiếng mõ. Họ đề nghị muốn cho nhiều người được nghe kinh cúng giỗ, tang lê cần dùng nhiều loa nhỏ dể gần người nghe thì tốt hơn.
Đi lại, khuyến khích đi bộ, dùng đò chèo cho kháh du lịch (như Venice bên Ý), dùng xe đạp (như Hà Lan và nhiều nước Tây Âu khac), xe điện. Nghiêm cấm ô-tô xe máy phun khói gây ô nhiểm môi trường; ban đêm phải bật chế độ “cốt” khi gặp xe (ô-tô và xe máy) chạy ngược chiều. Riêng đèn xe máy, nửa trên phảỉ sơn vàng để hạn chế bớt sự chói mắt gây tai nạn cho người lái xe chạy ngược chiều vào ban đêm. Không chạy xe trên lề đường dành riêng cho người đi bộ.v.v.
Vui chơi –giải trí trong khu vực dành để vui chơi. Không được chạy nhảy, đá bóng, đá kiện trên hè phố, lòng đường dành cho người đi bộ và xe cộ. Khi vui chơi không được làm ồn ào gây cho người khác mất vui.
Lễ độ: Đi đường gặp đám tang phải giở mũ nón để chào người quá vãng, đi ngang trường học nghe đang hát quốc ca chào cờ phải dừng xe, giở mũ nón, đứng nghiêm. Phải biết nhường chỗ ngồi trên xe đò cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hoặc bế con dại. Dắt người lớn tuổi qua đường. Hỏi đường và trả lời người hỏi đường cặn kẽ, rõ ràng để giúp khách lạ. Đi đường gặp người lạ hay quen nhìn mình, mình nên nở một nụ cười đáp lại để tạo sự thân thiện. Buổi sáng nhận được một nụ cười tạo được nềm vui cho cả ngày. Nhìn người dân đi đường, băng qua đường người ta có thể hiểu được trình độ văn hóa của dân chúng địa phương. Vì thế phải đi bên phải, băng qua đường lúc đèn xanh sáng, đi đúng phần đường có vạch dành cho người đi bộ. Nỏi và trả lời qua điện thoại phải đúng cách lịch sự, gọi sai điện thoại phải xin lỗi. Khi được người khác xin lỗi, phải đáp lại để họ xóa được sự ái ngại về sự nhầm không đáng có của họ. Khi Huế đã trở thành thành phố quốc gia, quốc tế, người dân đô thị phải biết chút đỉnh ngoại ngữ để chào hỏi, giao tiếp, buôn bán, làm ăn.
Gìn giữ môi trường: Nghiêm cấm việc xả rác nơi công cộng, vứt rác trên sông, không được bẻ cành, hái hoa nơi công viên, tiểu tiện tùy tiện nơi công cộng; v.v. và v.v.
Trên đây chỉ là những gợi ý, gây men cho dư luận mà thôi. Phải thực hiện hàng chục công trình mới hiểu hết được. Tuy nhiên, chỉ những chuyện thông thường đã từng có trong văn hóa Huế nêu trên cũng đã thể hiện được phần nào tính nhân văn của Huế rồi. Cung điện, đèn đài, chùa tháp, sông núi, chỉ là những sự vật vô tri vô giác. Cái hồn của các công trình thiên tạo và nhân tạo là con người, là người chủ của nó. Sự thân thiện trong môi trường văn hóa du lịch của Việt Nam, trong đó có Huế là kém nhất so với các nước trong khu vực. Thua cả  các nước bạn Lào, Căm-pu-chia, Thái Lan, My-an-ma. Phục hồi lại được sự thân thiện, tính nhân văn cho con người Huế là tạo được yếu tố cơ bản nhất của thành phố nhân văn.
DPT:- Những chuyện đó đã từng có ở Huế, kể lại nghe dễ thế, nhưng trong tình cảnh hiện nay liệu có lập lại được không ?
NĐX:- Theo tôi: Nếu lãnh đạo quyết tâm, với sự đồng tình của các đoàn thể, các tôn giáo, của ngành giáo dục và những người có trách nhiệm làm cho dân chúng thấy được cái lợi trước mắt và lâu dài của Huế thì họ sẽ nổ lực thực hiện, như thế có gì mà không được? Những gì tôi trình bày ở trên đều thuộc về nếp sống, đạo đức xã hội, việc quản lý của chính quyền chứ không đòi hỏi đầu tư nhiều tiền bạc để đổ thừa cho “cái khó bó cái khôn”. Nếu tỉnh Thừ Thiên Huế thực hiện được những gì tôi nêu sơ lược ở trên, hình ảnh người dân Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đổi khác trong mắt người VN trong cũng như ở ngoài nước và cả khách du lịch quốc tế nữa. Lúc đó ai cũng sẽ muốn được đến Huế để hưởng đời sống nhân văn của vùng đất Cố đô Việt Nam. Khi ấy không thành phố nào có thể cạnh tranh với Huế về du lịch, sinh viên cả nước sẽ về Huế học. Học kiến thức và học làm người. 
DPT: - Từ đầu buổi trò chuyện nầy cho đến đây, tôi nghe anh nói rất có lý, nhưng theo tôi những gì anh nói chỉ thích hợp ở Huế, còn các huyện thì sao, các huyện có thực hiện nhân văn không, mong anh lần sau trao đổi tiếp. Cám ơn anh đã dành cho cuộc trao đổi thứ hai nầy. Chào anh.
Huế, đầu năm 2011
Dương Phước Thu
Theo http://gactholoc.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn hóa chửi

Văn hóa chửi Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi sao chưa có nhà văn hóa nào nghiên cứu về cái sự “Chửi” nhỉ? Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, th...