Tôi sinh ra và lớn
lên, gắn bó với xứ Thanh đến nay đã trên 60 năm mới nhận ra rằng, những hiểu biết
của mình về vùng đất này xem ra chưa được là bao, nhất là vẻ đẹp tiềm ẩn của
núi rừng miền Tây Thanh Hóa.
Tác giả trong động Bo Cúng.
Ảnh: Vũ Do
Động Bo Cúng đẹp đến
nao lòng!
Mở đầu cho chuyến hành trình
tìm hiểu về những gì còn ẩn chứa trong bạt ngàn núi non trùng điệp của miền Tây
Thanh Hóa, là huyện Quan Sơn. Đây là vùng đất trước thuộc huyện Quan Hóa, năm
1997, từ một huyện miền núi rộng lớn, núi non hiểm trở, là vùng cao giáp với nước
bạn Lào, huyện Quan Hóa được trên cho tách ra lập thêm 2 huyện mới là Quan Sơn
và Mường Lát. Kể từ ngày đó, cái tên Quan Sơn ngày càng thân thiết với người
dân xứ Thanh cũng như đồng bào cả nước. Quan Sơn hùng vĩ, núi non trùng điệp
theo QL 217 kéo ngược đến cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Mảnh đất “sơn thủy hữu tình”
này còn ẩn chứa trong mình khá nhiều danh thắng lung linh sắc màu huyền thoại,
gắn liền với đời sống của cư dân các Mường! Và vô cùng hấp dẫn với những ai tò
mò muốn khám phá nét đẹp huyền bí mang đậm màu sắc mà sử thi “đẻ đất đẻ nước”
đã từng phác họa.
Theo tuyến đường vành
đai biên giới nay là QL16 nối với QL 217 không xa, trước khi khám phá động Bo
Cúng ở bản Chanh xã Sơn Thủy, hãy thả bộ từng bước nhẹ nhàng để nghe tiếng gió
rừng lao xao, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lô như đang kể với
du khách về một câu chuyện tình bất tử! Chuyện rằng: Xưa lắm rồi ở Mường Mìn (
Mường ngoài) có người con gái được sinh ra trong gia đình giàu có. Càng lớn người
con gái ấy càng xinh, nàng xinh đẹp đến độ núi non phải nghiêng mình nhìn ngắm,
suối sông phải ngừng chảy mỗi khi nàng vén váy lội qua… Khi đến tuổi trưởng
thành, nàng đem lòng yêu chàng trai ở Mường Xia (Mường trong) mặc dù gia cảnh
chàng trai rất nghèo. Biết chuyện, cha mẹ nàng ra sức ngăn cấm không cho nàng gặp
gỡ chàng trai Mường Xia. Nhưng, gia đình nàng càng ngăn cấm bao nhiêu thì trái
tim yêu thương chàng trai nghèo lại thổn thức bấy nhiêu. Nàng đứng ngồi không
yên khi mỗi ngày không được nghe chàng khặp (hát) không được thấy được hình
bóng chàng trên non cao hay dưới sông suối…
Nhiều ngày bị “bế quan tỏa cảng”,
nàng và chàng chỉ còn cách ngồi hai bên chân núi hát cho nhau nghe. Tiếng hát
giao duyên bay qua ngọn núi cao, hòa tan trong rừng đại ngàn làm cho muông thú
ngơ ngác xao lòng thương cảm…Tiếng hát của đôi trai gái yêu thương nhau nhưng bị
cấm đoán đã làm cho núi cao sừng sững cũng động lòng thương xót. Và, vào một
ngày đẹp trời ngọn núi đá sừng sững, giới tuyến của sự chia cắt chàng và nàng bỗng
dưng tách làm đôi để hình thành con đường mòn dẫn lối cho nàng gặp chàng. Họ gặp
nhau, biết không thể cùng nhau chung sống, chàng và nàng đã cắt ngón tay lấy
máu ăn thề với nguyện ước: “cùng chết bên nhau, cho hồn lìa khỏi xác, để chúng
mình được ở bên nhau. Cùng chết bên nhau để được biến vào núi Pha Dùa, sống bên
làn mây trắng, bước lên đỉnh núi cao làm thần hai Mường”! Chiêm ngưỡng hai ngọn
núi mà đôi trai gái hai Mường hóa thân, đắm chìm trong huyện thoại Pha Dùa, tôi
như người bị thôi miên rồi thốt lên: Anh về Mường Mìn tìm em/ Tìm không thấy ngẩn
ngơ đứng ngắm/ Núi đá cao chia đôi hai phía/ Phía Mường Xia là anh…đợi em về!
Đang “lảm nhảm” như người bị lên đồng bỗng Hà Xuân Tân, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy
nói to: đến động Bo Cúng rồi nhà báo ơi!
Định thần, phóng tầm mắt
nhìn chao ôi sao cảnh sắc nơi này đẹp đến thế! Đẹp như bức tranh thủy mặc. Dòng
suối Xia uốn lượn như dải lụa mềm quanh dãy núi Bo Cúng đẹp đến nao lòng. Chúng
tôi lội qua suối và leo lên bờ suối Xia chừng 50m, miệng động Bo Cúng hiện ra.
Đang hứng chịu cái nắng nóng tháng 7 như đổ lửa, vừa lọt qua cửa động vào
trong, không khí mát dịu trong lành đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi khám phá
những gì đã, đang tồn tại trong lòng núi Bo Cúng. Thật tuyệt vời với những gì
đang hiện ra trước mắt đoàn “thám hiểm”. Những nhũ đá đủ các hình hài, sắc màu
lung linh huyền ảo. Chỗ này là hình tượng Phật tọa trên đài sen, chỗ kia là
hình cụ già ngồi câu cá. Rồi ruộng bậc thang, người cày cấy, những búp măng
tre, luồng, vầu đặc sản của vùng sơn cước lúc ẩn lúc hiện như suối tóc mượt mà
duyên dáng của thiếu nữ, lúc thì lung linh tráng lệ nguy nga như cung điện nơi
trần thế…
Quần thể nhũ đá trong lòng động
Bo Cúng. Ảnh: Vũ Do
Càng đi sâu vào trong động
hàng ngàn nhũ đá với muôn màu muôn vẻ quần tụ về đây như kiệt tác trời đất ban
cho vùng đất này. Tôi đã thăm nhiều hang động ở Thanh Hóa, như động Hồ Công (Vĩnh Lộc), động Từ Thức ( Nga Sơn), động Tiên Sơn (TP Thanh Hóa) hay động Trường
Lâm (Tĩnh Gia)… không ngoa ngôn một chút nào khi nói rằng động Bo Cúng ở nơi
đây có thể mệnh danh “Quan Sơn đệ nhất động”. Động Bo Cúng sâu vào núi khoảng
trên dưới 1000m. Có lối sâu xuống lòng đất, có hang thông lên trời cao. Vì thế
trong lòng hang có chỗ rộng trên 50m cùng nhiều ngõ ngách đã làm cho bầu không
khí trong hang rất phù hợp với con người. Điều đáng nói là động Bo Cúng gần như
còn hoang sơ chưa bị tác động nhiều của con người. Và chính điều này mà động Bo
Cúng cũng hấp dẫn hơn, khác biệt hơn và cũng cần nhiều hơn sự quan tâm của các
ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa đầu tư để biến sự
hoang sơ trầm tích của Bo Cúng trở thành điểm du lịch sinh thái, mạo hiểm hấp dẫn
khách du lịch thập phương đến với miền Tây Thanh Hóa.
Xuôi về Phà Lò,
bản Khạn
Từ năm 2015 trở về trước, mỗi
khi đi lên huyện Quan Sơn, nhất là vào mùa mưa thì đoạn QL 217 từ ngã 3 Đồng
Tâm lên cửa khẩu quốc tế Na Mèo (88 km) luôn là nỗi lo cho người và phương tiện
giao thông, nhất là “điểm đen” cầu Phà Lò (cũ) mỗi khi mưa lũ tràn về. Bây giờ
thì đoạn quốc lộ này đẹp như tranh vẽ, không chỉ được nâng cấp, thảm nhựa phẳng
lì mà còn uốn lượn theo các sườn đồi núi với thảm cây rừng xanh ngút ngàn! QL
217 nằm trong mạng lưới giao thông Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) phía Bắc.
Hành lang Đông Bắc của GMS
bao gồm TP Nam Ninh tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; Hà Nội và Thanh Hóa, Việt Nam;
Luông Prabăng, Lào; Bangkok, Thái Lan. QL 217 và các đoạn tuyến đường 6, 6A, 6B
tỉnh Hủa Phăn của Lào thuộc hành lang Đông Bắc Lào với Bắc Việt Nam và nối ra
biển tại Thanh Hóa, giúp cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với Cảng biển Nghi
Sơn. Vì thế, khu vực miền Tây Thanh Hóa được hưởng lợi từ dự án này sẽ góp phần
không nhỏ trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung, du lịch nói
riêng. Vì thế, cầu Phà Lò (đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam
thắng cảnh cấp tỉnh) và quần thể du lịch sinh thái, mạo hiểm bản Khạn chăc chắn
sẽ là điểm dừng chân của du khách.
Bản Khạn biệt lập trên cao
nguyên thu nhỏ thuộc xã Trung Thượng cách cầu Phà Lò và thị trấn Quan Sơn không
xa. Là một bản người Thái, theo tên gọi địa phương là bản Pù Khạn có nghĩa là bản
làng trên núi cao với cảnh quan đồi núi, khe suối rất tự nhiên, hoang sơ. Chính
vẻ tự nhiên, hoang sơ ấy còn giữ được cây cối phủ xanh từ dưới chân lên tận đỉnh
núi. Trong không gian huyền ảo thấp thoáng bóng các căn nhà sàn dân tộc Thái
truyền thống với nét kiến trúc rất riêng và ấn tượng.
Thác Pù Khạn. Ảnh: Vũ Do
Vào khu vực bản Khạn, có rất
nhiều địa điểm kích thích tính tò mò của những ai thích khám phá. Bắt đầu là mỏ
nước nóng lạnh có lưu lượng nước khá lớn, trong veo tuôn trào suốt ngày đêm chảy
từ trong lòng núi ra suối Khạn. Điều đặc biệt và có lẽ “ độc nhất vô nhị” ở miền
Tây Thanh Hóa, là mỏ nước này khi mùa hè về nóng nực thì dòng nước mát lành.
Đông đến hanh heo giá lạnh, nước ở suối Khạn lạc ấm và bốc hơi thành những vầng
mây trắng lảng đãng quanh các sườn núi. Được tạo hóa ban tặng cho mỏ nước
quý, dân bản Khạn đã be bờ, nạo vét tạo ra một lòng hồ mi ni để tích trữ nước.
Đồng thời xây nhà tắm, lắp ống dẫn nước phục vụ bà con dân bản và khách du lịch.
Nhà tắm được cư dân nơi đây xây cũng vào loại có một không hai: chỉ có tường
ngăn phòng nam và nữ, nhưng phía sau nhìn ra suối Khạn không có tường ngăn. Vì
thế, khách xuống thăm mỏ nước đôi khi bắt gặp những cô gái, chàng trai bản Khạn
tắm tiên ở mỏ nước nóng lạnh này. Không biết có phải được một lần tình cờ nhìn
thấy cảnh “ tiên” xuống tắm suối Khạn mà bạn tôi là Hà Văn Thương (dân tộc
Thái), nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa đã thả hồn bằng
những vần thơ: Em tắm như tiên ngâm mình dưới suối/ Mặc kệ thôi ai đó trộm
thấy mình…
Còn khá nhiều điểm đến hấp dẫn
ở quần thể du lịch này không thể viết kỹ trong một bài báo, mà chỉ có thể giới
thiệu khái quát. Một núi đá hang Ken, đứng ở đây ngắm nhìn không xa thấy Kánh
Móc (thác Mây Mù) nước từ trên cao dội xuống trắng xóa như lớp lớp sương mù
huyền ảo nên thơ. Một thác nước khác có tên gọi là Hin Lón (thác đá Mồ Côi)
cao khoảng 30m cũng gợi lên bao sự tò mò cho những người thích khám phá.
Ngay cạnh chân thác là động
Thắm Tiên (Hang Tiên) với bao cảnh đẹp được bày đặt trong hang động làm say đắm
lòng người.
Rồi Bo Ngoạng, Bo Khằm,
những địa danh, thắng tích, danh lam thắng cảnh hiện hữu ở khu vực Phà Lò, bản
Khạn mang dáng vóc của núi rừng miền Tây và những câu chuyện kỳ thú hư hư, thực
thực khác nhau, nếu du khách chỉ một lần tìm hiểu, khám phá, chiêm ngưỡng, chắc
chưa thể hài lòng…
Suối nước nóng lạnh. Ảnh: Vũ
Do
Khu vực này hiện đang được
chính quyền huyện Quan Sơn và tỉnh Thanh Hóa xác định là điểm du lịch sinh
thái, nơi bảo tồn bản sắc và khai thác yếu tố văn hóa dân tộc để phục vụ du lịch.
Vì thế, một quy hoạch tổng thể và chi tiết, một phương án huy động các nguồn lực
để đầu tư xây dựng nhằm biến khu vực Phà Lò bản Khạn cùng với các danh thắng
khác ở Quan Sơn trở thành những điểm du lịch lung linh tỏa sáng hấp dẫn.
Thú thật, nói một lần đến miền
Tây xứ Thanh mà mới khám phá được một huyện ở vùng đất rộng lớn này quả chưa thỏa
đáng với những gì còn tiềm ẩn ở nơi đây. Thanh Hóa có đến 27 huyện, thị, thành
với số dân gần 3,5 triệu người, trong đó có 11 huyện miền núi với dân số trên
1,2 triệu người là vùng đất được mệnh danh miền di tích và thắng cảnh. Trong đó
có Di sản thế giới thành Nhà Hồ, và gần 1500 di tích, lịch sử văn hóa, danh lam
thắng cảnh được công nhận chăc chắn là nơi níu chân du khách thập phương mỗi lần
ghé thăm.
Cao Ngọ
Nguồn Báo Du lịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét