Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Quan niệm nhân sinh trong tác phẩm Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp

Quan niệm nhân sinh trong tác phẩm 
Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp 
Văn học thể hiện quan niệm nhân sinh có nghĩa là văn học thể hiện một quan niệm về vũ trụ, xã hội và con người trên cơ sở một thế giới quan nhất định. “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, gieo nhân nào gặp quả ấy” là những quan niệm nhân sinh phổ biến trong tác phẩm Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp.
1. Khái quát về quan niệm nhân sinh trong văn học
Văn học, với tư cách ý thức xã hội, là sự phản ánh của tồn tại xã hội, điều đó không hề có nghĩa rằng văn học phản ánh, sao chép giản đơn, thụ động hiện thực đời sống. Ngược lại, văn học luôn chứng tỏ rằng con người dù trong điều kiện chưa hiểu rõ đời sống, với tư duy hồn nhiên của mình, sáng tác của họ vẫn đưa ra những quan niệm về thế giới và nhân sinh. Truyện Họ Hồng Bàng giải thích nguồn gốc của người Việt Nam: sinh ra từ bọc trăm trứng, con người dù sống trên rừng hay dưới biển cũng đều là anh em một nhà. Các dân tộc khác trên thế giới đều có cách hiểu, cách cắt nghĩa và giải thích về nguồn gốc dân tộc, về quá trình hình thành vũ trụ, thiên nhiên thông qua tác phẩm văn học của dân tộc mình.
Văn học thể hiện quan niệm nhân sinh nghĩa là văn học thể hiện một quan niệm về vũ trụ, xã hội và con người trên cơ sở một thế giới quan nhất định. Quan niệm nhân sinh được thể hiện khá phong phú ở mọi nền văn học và ở mọi thời đại văn học. Văn học dân gian của nhiều nước như: Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á... thường đưa ra quan niệm: cái ác luôn hãm hại cái thiện nhưng cái thiện sẽ chiến thắng, cái ác bị trừng trị. Các sáng tác thuộc phạm trù văn học hiện đại, quan niệm nhân sinh thường không bộc lộ trực tiếp như trong sáng tác dân gian nhưng người đọc vẫn cảm nhận rõ nét thông qua chi tiết, biến cố, sự kiện hay số phận nhân vật. Cũng có không ít tác phẩm, nhà văn trực tiếp trình bày quan niệm nhân sinh qua cách cắt nghĩa, lí giải đời sống của mình. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Mùa lạc, Nguyễn Khải đã quan niệm về sự sống và cái chết, về hạnh phúc và đau thương: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ đau thương, gian khổ. Ranh giới giữa các phạm trù này nhiều khi rất mong manh nhưng trong cuộc đời con người cần phải biết vượt qua ranh giới ấy bởi vì ở đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải biết vượt qua ranh giới đó.
Sự phản ánh đời sống trong văn học bao giờ cũng thông qua trí tưởng tượng, lòng ước mơ, khả năng phán đoán của con người để nêu lên quan niệm về cuộc sống, về xã hội... Việc thể hiện quan niệm đã tạo thành tính khuynh hướng, tính tư tưởng của văn học.
Như vậy, quan niệm nhân sinh trong văn học là vấn đề được các nhà lí luận quan tâm nghiên cứu. Đối với chúng tôi, vấn đề này cũng được chú ý đặc biệt. Bởi lẽ hiểu rõ quan niệm nhân sinh trong sáng tác của một nhà văn, chúng ta có thêm chìa khóa để khám phá giá trị của tác phẩm. Với những lí do đó, chúng tôi đã chọn tìm hiểu vấn đề: Quan niệm nhân sinh trong truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
2. Quan niệm nhân sinh trong tác phẩm Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp
2.1. Tác giả Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát
 Nguyễn Huy Thiệp là một trong những tác giả xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông thành công ở nhiều thể loại: kịch, tiểu thuyết, phê bình văn học, tiểu luận,… đặc biệt là truyện ngắn. Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một “hiện tượng” văn học, có khả năng khuấy động đời sống văn học vốn đang khá yên ắng ở nước ta sau năm 1975. Tác phẩm của ông in dấu ấn khá đậm nét bóng dáng cuộc sống nông thôn, miền núi và những người lao động bởi lẽ ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau trong chính cuộc sống mưu sinh của mình. Đặc biệt, Tây Bắc đã khơi nguồn cảm hứng bất tận đối với văn nhân. Mảnh đất và con người nơi đây đã để lại trong tâm tưởng tác giả những ấn tượng sâu sắc, khó quên: “Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không?” (Những người thợ xẻ). Nhiều tác phẩm viết về đề tài Tây Bắc của Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên tiếng vang lớn trên văn đàn, được độc giả, giới lí luận, phê bình quan tâm đánh giá từ nhiều chiều. Trong quá trình khám phá tác phẩm của nhà văn này, chúng tôi nhận thấy: sức cuốn hút nằm ở cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Đặc biệt, quan niệm nhân sinh đậm chất dân gian đã được Nguyễn Huy Thiệp gián tiếp phản ánh trong mỗi tác phẩm đã tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Những ngọn gió Hua Tát là  truyện ngắn có kết cấu khá đặc biệt, ra mắt bạn đọc lần đầu tiên trên báo Văn nghệ năm 1989. Tác phẩm gồm mười truyện nhỏ, phản ánh cuộc sống của người dân bản Hua Tát - một bản nhỏ người Thái đen nằm cách chân đèo Chiềng Đông chừng dặm đường. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm toát lên vẻ đẹp vừa hoang sơ, lãng mạn vừa đậm màu sắc huyền thoại, được nhà văn giới thiệu ngay từ trang văn mở đầu: “Bản Hua Tát nằm trong thung lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn. Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt… Thung lũng Hua Tát ít nắng. Ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đây là thứ không khí huyền thoại”. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm cũng mang màu sắc cổ tích, ở đó thời hiện tại, quá khứ luôn hiện hữu, đan xen, tạo nên sự mê hoặc, hấp dẫn, khiến người đọc không thể dửng dưng.
Nếu, trong một số truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn đưa ra quan niệm về những nghịch lí ở đời: Ở hiềnmà không gặp lành (Chảy đi sông ơi); đi tìm cái đẹp thì gặp cái xấu xa (Con gái thủy thần); đi tìm điều thiện thì gặp điều ác;những kẻ trí thức có học thì dâm ô, dối trá, bịp bợm (Tướng về hưu)… những nghịch lí ấy là sự thật về cái phi lý của cuộc sống và con người thì trong tác phẩm Những ngọn gió Hua Tát, tác giả lại không đi theo cái mạch chung ấy mà triển khai kết cấu tác phẩm theo môtip của một câu chuyện kể dân gian. Qua tác phẩm, độc giả nhận thức sâu sắc hơn những quan niệm đã được dân tộc Việt Nam đúc kết từ ngàn đời nay, đó là: “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “gieo nhân nào gặp quả ấy”.
2.2. Những quan niệm nhân sinh tiêu biểu trong tác phẩm
2.2.1. Quan niệm “ở hiền gặp lành”
Quan niệm này được thể hiện khá sinh động qua các truyện: Tiệc xòe vui nhất, Nàng Bua, Nàng Sinh. Trong truyện Tiệc xòe vui nhất, Hặc - chàng trai mồ côi nghèo, người thợ săn giỏi nhất bản Hua Tát đã ở hiền nên gặp lành. Sự trung thực, chân thành của Hặc khiến trái tim nàng E, người phụ nữ xinh đẹp dịu dàng, niềm tự hào của người dân Hua Tát thổn thức. Câu chuyện của Hặc khiến đất trời phải cảm động, không chỉ se duyên, kết dây tơ hồng cho đôi trai tài, gái sắc mà còn ban phép màu nhiệm cứu giúp  người dân Hua Tát khỏi hạn hán, thiên tai:  “Hãy cầu Then đi! Một vị bô lão bảo Hặc. Trời đang hạn hán, tất cả mó nước đều đã cạn khô. Nếu con trung thực, con hãy cầu Then mưa xuống! 
Trưa hôm sau, dân bản Hua Tát lập đàn cầu đảo, không khí oi nồng ngột ngạt. Hặc bước lên đàn, chàng ngước đôi mắt trang nghiêm nhìn trời. Chàng nói:  Con sống trung thực, dầu biết trung thực bao giờ cũng chịu đau khổ thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu lòng trung thực chuộc được tội lỗi và mang tình yêu đến được cho thế gian này, xin trời mưa xuống... Trời cao tĩnh lặng. Bỗng nhiên từ đâu đó xa xôi có một cơn gió mơ hồ thổi về. Tất cả ngọn cây trên rừng xào xạc. Mặt đất bắt đầu xuất hiện những cơn lốc nhỏ. Buổi chiều, bầu trời đầy mây vần vũ và khi đêm xuống thì mưa như trút. Lần ấy, người ta đã xoè suốt một tuần trăng để mừng đám cưới của Hặc với con gái trưởng bản”. Vì hiền lành, trung thực nên Hặc đã chiến thắng tất cả những kẻ quyền quý, giàu có đến cầu hôn nàng E trước anh để bước lên đài vinh quang. Lòng trung thực đó là đức tính quý nhất và hiếm có nhất trên thế gian này.
Nàng Bua trong tác phẩm cùng tên, vốn là một người đàn bà nghèo khó, bị khinh rẻ. Rất nhiều người dân trong bản Hua Tát đố kị với nàng, coi nàng là “Quỷ dữ”. Nhiều người mẹ dặn con, vợ dặn chồng phải tránh xa nàng. Nàng Bua xinh đẹp, duyên dáng, thân hình lẳn chắc, bộ ngực nở nang mềm mại. Nàng lúc nào cũng tươi cười, tràn trề thứ ánh sáng cuốn hút lòng người. Nàng Bua dám làm, dám chịu và dám phá vỡ những quan niệm truyền thống về gia đình đã được người dân bản Hua Tát tôn thờ bao đời nay. Dù cuộc đời trải qua nhiều đau khổ nhưng nàng vẫn vui vẻ và chấp nhận cuộc sống. Bua không hận thù, căm ghét những người đàn ông phụ bạc nàng và trốn tránh trách nhiệm làm cha đối với các con nàng. Chính sự độ lượng ấy khiến cho những người đàn ông kia phải cắn rứt lương tâm. Phải chăng nàng ở hiền nên đã gặp lành? Trong một lần đi đào củ mài trên rừng, nàng Bua và lũ con đã đào được một cái hũ sành sứt mẻ, nước da lươn đã xỉn vì năm tháng, trong hũ chứa đầy những thoi vàng, thoi bạc lấp lánh. Từ một người đàn bà nghèo khó, bị khinh rẻ nàng Bua đã trở thành người giàu có nhất bản, nhất mường.
Cho dù nàng Bua không được hưởng trọn vẹn cuộc sống giàu sang, hạnh phúc bên người thợ săn hiền lành, người duy nhất khiến Bua phải rơi lệ trong đêm hợp cẩn, bởi nàng đã chết trong lần sinh thứ mười giữa đống mền chăn ấm áp. Nhưng mọi hiềm khích đố kị của người dân Hua Tát đối với nàng không còn tồn tại, đó cũng là điều lành mà nàng có được khi trở về với lòng đất mẹ yêu thương. Cuộc đời nàng Bua vẫn chứng minh quan niệm nhân sinh sâu sắc “ở hiền gặp lành” giống như các câu chuyện kể khác trong tác phẩm. 
Trong truyện Nàng Sinh, số phận nàng Sinh giống như số phận của nhiều nhân vật trong truyện cổ tích, là minh chứng sống động cho quan niệm ở hiền thì sẽ gặp lành. Sinh là một thiếu nữ mồ côi ở bản Hua Tát. Nàng gầy gò, bé nhỏ trông rất đáng thương. Nàng không bao giờ được ăn miếng ngon, mặc váy áo đẹp. Nàng sống thui thủi như con chim cút. Chính vì hiền lành, nhân hậu nên nàng đã cảm hóa được cả đất trời. Then đã ban cho nàng phép màu nhiệm để nàng dễ dàng nhấc bổng hòn đá thần lên tay mà trước đó biết bao trai tráng, già trẻ trong bản không một ai làm được. Phép màu nhiệm đã giúp Sinh trở nên xinh đẹp lạ thường, khiến vị Hoàng đế cải trang vi hành không khỏi xao xuyến, bâng khuâng. Ngài cảm động, vui mừng và đón nàng Sinh về làm vợ. Từ đó nàng Sinh có một cuộc sống mới, rất sung sướng và hạnh phúc.
2.2.2. Quan niệm “ác giả ác báo”, “gieo nhân nào gặp quả ấy”
Quan niệm này được phản ánh trong những truyện: Con thú lớn nhất, Sói trả thù, Nạn dịch.
Trong truyện Con thú lớn nhất, cái kết cục đau đớn dành cho cả hai vợ chồng lão thợ săn là cái kết cục đã được dự báo. Cả cuộc đời lão thợ săn đã làm rất nhiều điều ác, biết bao chim, thú đã chết dưới họng súng đen ngòm của lão, lão lấy cả xác vợ làm mồi săn thú, cuối cùng phải trả giá bằng cái chết.
Lão thợ săn được ví như là hiện thân thần Chết của rừng. Chim chóc và thú rừng sợ hãi lão. Lão không tha bất cứ con vật nào trong tầm súng của mình Cả bản Hua Tát xa lánh vợ chồng lão, khiến họ sống lầm lũi, âm thầm trên thế gian trong sự cô đơn, lạc lõng. Hành động bắn chết một con công đang múa đã cho thấy bản tính ác trong con người lão. Tâm hồn và trái tim của lão là của loài ác quỷ luôn vô cảm, thờ ơ trước vẻ đẹp của tạo hóa: “Con công đang múa nhé: cái đầu cong như lá lúa, cái đuôi xòe nửa vòng cung với đủ sắc màu, tia nắng mặt trời hắt ánh lửa lấp lánh như vàng, đôi chân khéo léo lượn vòng. Chỉ có tình yêu mới lượn vòng tinh tế như thế. Con công đang múa – thế mà “Đùng”, khẩu súng trong tay lão già giật con công ngã gục, cái cánh có ánh cầu vồng ngũ sắc nhòe máu. Vợ lão già đến, khô đét, đen ngòm, âm thầm nhặt con công vào cái lếp sau lưng”.
Đúng là gieo nhân nào thì gặp quả ấy, tội ác của vợ chồng lão thợ săn khiến lòng người oán thán, trời đất phẫn nộ. Sau ba tuần trăng, họng súng của lão thợ săn không thể phát huy tác dụng bởi vì cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt, trong rừng không có dấu chân một con thú nào. Lão đã nổ súng bắn chết vợ mình trong một tình huống nhầm lẫn tai hại. Đó là đỉnh điểm của tội ác mà lão gây ra. Cũng từ đây lão nhận ra rằng: con thú lớn nhất mà cả đời đi săn lão mơ ước chinh phục không bao giờ xuất hiện nữa bởi vì chính lão là con thú lớn nhất, con thú đã gieo bao nhiêu mầm ác trong cuộc đời và con thú ấy phải trả giá bằng một vết đạn tự bắn xuyên qua trán mình.
Câu chuyện Sói trả thù cũng khiến người đọc xót xa cho thân phận của một đứa trẻ lên mười, là bằng chứng sinh động cho quan niệm “gieo nhân nào gặp quả ấy”. Người gây nên cái kết cục nghiệt ngã cho đứa trẻ chính là cha của nó. Bỏ ngoài tai những lời khuyên của các bô lão trong bản, ông Nhân quyết tâm thực hiện mục đích của mình: rèn luyện con trai trở thành một thợ săn lão luyện. Vì thế mà mới chỉ năm tuổi San – con trai ông, đã phải theo ông vào rừng. San có tài săn bắn: tám tuổi săn được gà lôi, mười tuổi đã bắn được mười phát trúng bảy. Năm mười hai tuổi, cha con San đã tiêu diệt được được cả bầy sói. Cái chết của sói mẹ, đàn sói con bị ép sống trong môi trường vốn không thuộc về chúng là những tội ác mà cha con San gây ra. Mạch truyện vẫn tuân theo quy luật nhân quả, quan niệm nhân sinh ác giả ác báo và gieo nhân nào gặp quả ấy vẫn đang chi phối ở những sự kiện tiếp theo. Người đọc không khó để đoán định cái kết của câu chuyện này. Song cái kết của truyện lại khiến độc giả nhói lòng. San đã chết khi gia đình làm lễ cúng ma cho cậu năm lên mười ba tuổi, cái tuổi mà theo lời bô lão mới nên bắt đầu vào rừng săn bắn. San ngã từ trên sàn nhà xuống đất ngay nơi xích con sói - con đẹp nhất trong đàn được San gỡ ra từ miệng sói mẹ trong lần đi săn cùng cha năm mười hai tuổi. Vệt máu chảy từ miệng San đã đánh thức bản năng tự vệ và làm sống lại kí ức về cái chết bi thảm của sói mẹ, khiến sói con trở thành mãnh thú lao vào cắn xé, cướp đi sự sống của San trước sự bất lực của ông Nhân và cả gia đình. Cái chết của San là một sự trừng phạt đau đớn dành cho người cha, người đã gây tội ác chỉ vì ước mơ điên cuồng của mình.
Nói riêng về truyện Nạn dịch, nếuđánh giá từphạm trù đạo đức thì nhân vật Lù trong truyện không phải là nhân vật phản diện, làm nhiều điều ác giống như các nhân vật trong truyện Con thú lớn nhất hay truyện Sói trả thù nhưng tác phẩm vẫn gián tiếp bàn luận về vấn đề nhân sinh “ác giả, ác báo”. Lù mặc dù rất yêu vợ nhưng anh lại làm điều “ác” với vợ và con khi không làm tròn trách nhiệm của một người chồng và một người cha. Anh thờ ơ với vợ con. Anh  bỏ quên gia đình để lao vào cờ bạc, đỏ đen. Mặc dù những tình tiết cuối truyện có phần nào giảm bớt sự ác cảm của người đọc đối với Lù bởi tình yêu thương muộn màng của anh dành cho người vợ xấu số. Song, cái kết thúc của câu chuyện này vẫn đi theo mạch kết cấu của những câu chuyện trước: vì Lù sống vô tâm nên anh đã mất đi người yêu thương nhất của mình và cũng không thể giữ được mạng sống cho mình.
Như vậy, có thể thấy rằng: nếu giải mã tác phẩm Những ngọn gió Hua Tát theo kết cấu “vì … nên” từ các sự kiện, biến cố, hành động, việc làm của nhân vật chính, chúng ta thấy rất rõ mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa các sự kiện trong từng truyện. Công thức này rất giống với kiểu truyện kể dân gian của người Việt. Chính vì thế mà người đọc có ấn tượng sâu sắc với tác phẩm.
3. Kết luận
Mỗi nhà văn có nhữngthế mạnh và quan niệm khác nhau để tạo nên phong cách riêng. Với Nguyễn Huy Thiệp, cho dù ông viết bất cứ thể loại nào, về vấn đề gì, cũng đều được thống nhất theo tư tưởng: Khi viết văn tôi luôn tìm lại những giá trị truyền thống, tôi nghĩ một nhà văn phải bắt đầu từ những kinh nghiệm nguyên thủy nhất của dân tộc mình. Vì thế, ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy bóng dáng của những truyện kể dân gian được lồng ghép trong mỗi sáng tác của nhà văn. Tác phẩmNhững ngọn gió Hua Tát đã sử dụng thành công yếu tố hoang đường, kì ảo và những quan niệm nhân sinh sâu sắc “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”, gieo nhân nào gặp quả ấy”. Với tài năng đó, Nguyễn Huy Thiệp đã mang lại cho sáng tác của mình sức sống lâu bền trong lòng độc giả.                                        
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Đình Sử (chủ biên) (2003), Giáo trình lí luận văn học, tập 1, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[2] Lê Lưu Oanh, Triết lí dân gian trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp - sự mở rộng những kinh nghiệm nguyên thủy. 
[3] Nguyễn Huy Thiệp (1995), Như những ngọn gió, NXB Văn học, Hà Nội.
Phạm Thị Phương Huyền
Theo http://nguvan.utb.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày c...