Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Nơi bầy ong làm mật

Nơi bầy ong làm mật
Từ lúc bà còn đang nằm viện, tụi con có ý ông bà sang tên đất đai của gia đình cho chúng. Trước lúc vĩnh biệt thế giới này bà cũng trăng trối với ông Minh. Theo di nguyện của bà ông Minh làm thủ tục  sổ đỏ đất đai cho con cái. Ông bà có một trai bốn gái. Hai vợ chồng con trai ở cơ quan, chồng lái xe con, vợ chạy thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Các cô con gái đều chồng con nhà cửa đàng hoàng người chủ doanh nghiệp, người buôn bán ông để lại mấy gian nhà cũ làm nơi thờ phụng. Ông biết anh chị nào cũng máu làm giàu kể cả những việc mạo hiểm. Vợ chồng cô út sa vào đề đóm, cờ bạc, đa cấp vỡ nợ bán cả nhà cửa phải thuê chỗ ở. Ông tuyên bố không ở với bất cứ anh chị nào. Ông  quen cuộc sống độc lập thời còn lính. Mấy chục năm ông cùng đồng đội nằm gai nếm mật đánh giặc đến cùng  rèn luyện cho ông một bản lĩnh của người lính. Đồng đội dạy cho ông những kinh nghiệm sống bổ ích và những môn chữa bệnh, chữa rắn cắn bằng thảo dược, nuôi ong mật...
Nghỉ hưu ông sống chan hòa với  bạn bè làng xóm được mọi người quý mến đùm bọc.
Khi mãn tang vợ nhiều người chân tình  khuyên ông lấy vợ, để như đũa có đôi phòng khi đêm hôm mưa nắng trở trời. Ông chỉ băn khoăn vài năm nữa  sắp đến tuổi “thất thập cổ lai hy” không khéo lại mang tiếng là già  còn ham hố. Vả lại tìm người tâm đầu ý hợp thông cảm với hoàn cảnh mình đâu phải dễ.  Con cái lại không muốn ông đa mang, sau này “của ông của bà”.
Ông Minh tặc lưỡi suy ngẫm: “Biết sao cho vừa lòng người”. Cuộc sống vẫn vận động đi lên.  
Ông dành thời gian đi kiếm cây thuốc, thái phơi khô dự phòng giúp bà con thế mà có lần ông suýt tai bay vạ gió.
Lần ấy qua đồi keo ông phát hiện   một phụ nữ bị rắn cắn, cổ chân phải sưng vù, bầm tím rỉ máu, mặt  tái nhợt, quằn quại giãy giụa văng cả giấy tờ tiền nong ra đám lá khô dưới gốc cây keo. Ông Minh xé áo mình đang mặc làm ga rô vết thương, nhanh chóng đắp thuốc cấp cứu cho bệnh nhân. Ông cẩn thận lấy mũ đội đầu làm gối kê cao chân đau của nạn nhân, thu nhặt giấy tờ tiền nong để gọn vào chiếc nón lá. Qua giấy tờ biết nạn nhân tên là Lan năm mươi lăm tuổi ở thôn Thượng. Ông Minh bứt cành lá ngồi phe phẩy quạt chờ bệnh nhân hồi phục. Cô có khuôn mặt trái xoan, hàm răng trắng, tóc ngang vai vẻ trẻ hơn tuổi.
Lúc sau Lan chớp mắt đáo nhìn xung quanh, thấy mình nằm dưới đất cạnh người đàn ông cao lớn vận áo may ô  ba lỗ. Cô hốt hoảng mặt tái đinh ninh ngỡ mình bị hại, lấy hết sức bật dậy la toáng lên:
- Cướp cướp!
Tiếng la theo núi rừng đi xa dội lại làm ông Minh hết hồn thanh minh:
- Minh đây, không phải cướp…! Ông đưa tay chỉ vết thương: Rắn cắn… Chưa nói hết câu một thanh niên ở trần, quần đùi, mặt sát khí lao tới vung gậy  bổ xuống đầu ông Minh. Lan kêu thất thanh “đừng” vội đẩy ông Minh né sang bên. Ông Minh nhanh nhẹn bằng miếng đánh đỡ và khóa tay chàng thanh niên, cây gậy rơi xuống đất…
Hiểu sự việc người thanh niên nhìn ông Minh từ đầu đến chân phủi tay lắc đầu bỏ đi.
Lan chưa hoàn hồn nói không
nên lời:
- Bác có sao không? Em hết cả
hồn vía?! Lan nức nở khóc. Ông Minh pha trò:
- Không sao yên tâm! Lính mà lị. Hai người cười.
- Nó là Mạnh con trai em, làm bên vườn bưởi. Lan chỉ tay phía trước. Ông Minh gật đầu như vỡ lẽ.
Ông Minh đỡ Lan dậy. Hai người đi về phía thằng Mạnh.
Bưởi tốt tươi, cây thành hàng từ chân lên tận đỉnh đồi. Cây nào cũng mỡ màng, cành lá xum xuê, quả đan từ gốc tới ngọn. Mới tháng sáu mà quả bằng bát ăn cơm, một số to như mũ trẻ, ăn không he nhiều nước. Cành trĩu quả nặng kéo là mặt đất.
Mạnh buộc tre kiểu chữ A đỡ những cành lên khỏi mặt đất. Nhân đà ông Minh tiếp sức làm quen:
- Cháu chống được nhiều cành chưa?
- Nhiều.
- Mỗi cây có đến trăm quả không?
- Đến.
- Mạnh biết giống bưởi gì không?
- Soi Hà.
Nhấm nhẳn trả lời nhát một như miễn cưỡng câu trước câu sau Mạnh  lẩn sang chỗ khác. Sợ ông Minh phật ý Lan phân bua:
Mạnh không có tuổi thơ như bạn cùng trang lứa. Năm ba bốn tuổi bố bỏ đi sống với người đàn bà khác trong Nam bỏ hai mẹ con. Mẹ nuôi con bằng đồng lương công nhân ba cọc ba đồng. Đến lớp Mạnh bị bạn bè trêu chọc không có bố nó buồn và mặc cảm.
Đã thế mấy gã đàn ông máu me sán đến chọc ghẹo tán tỉnh thằng Mạnh ghét cay ghét đắng sinh ra định kiến lạnh lùng. Ông Minh đã hiểu vì sao Mạnh không muốn tiếp xúc. 
Theo Lan Mạnh rất thích nuôi ong mật vì ở đây mùa hoa bạt ngàn trắng hoa bưởi tím hoa chanh, hương thơm ngào ngạt, lắm mật ngọt cho ong bướm. Quang cảnh mùa đẹp như bức tranh tuyệt.    
Ông Minh tỉ mẩn chuyện với Mạnh   kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong cách tạo mũ chúa, làm cầu, cách chia đàn, cho ong ăn vi ta min, vi lượng ong khỏe chống đỡ bệnh tật, bày kích thước  làm chuồng, đặt chuồng hướng Nam đón gió mát v.v. Mạnh trở nên thân thiện cởi mở yêu quý ông Minh. Bác cháu cười nói vui vẻ không còn khoảng cách. 
Lâu lắm rồi Lan mới được chứng kiến thằng Mạnh vui vẻ như thế. Lan sung sướng xao xuyến trong lòng. Cả ba người hình như đã gắn kết  gần gũi  hiểu nhau hơn.
Nắng đã nhạt, mặt trời xuống sau ngọn núi, gió thổi lao xao mát rượi, bầy ong chở đầy phấn hoa về tổ. Ai ai cũng cảm nhận lâng lâng nhẹ bẫng!
Ông Minh cố chống tay ngồi dậy, người đau ê ẩm. Căn phòng bệnh viện trắng toát sực mùi thuốc. Nhiều ngày nay cơn sốt rét có mầm bệnh từ những trận truy quét quân giặc  nằm  bờ bụi trong rừng sâu. Tuổi cao lại suy nghĩ chuyện con cái bán đất đai dốc vào những vụ làm ăn mạo hiểm hoặc đỏ đen... làm cơn sốt tái phát hoành hành ghê gớm. Mấy ngày nằm viện ông  không thấy bóng dáng con trai con gái, thỉnh thoảng con dâu đáo qua báo: “Các anh chị đang có câu chuyện làm ăn”! Ông Minh ngồi lặng thinh, nhìn vào khoảng không xa xăm lắc đầu!
Mạnh tay xách nách mang bước vào phòng bệnh vội liến thoắng:
- Hôm qua ở đây về mẹ cháu bảo  cháu mang trứng, hoa quả bác ăn nhanh chóng hồi phục. Ông Minh tươi tỉnh hẳn lên quên đi phiền muộn.
- Bác khỏe rồi. Mai ra viện.
- Bác lên với đàn ong, vườn bưởi  chứ?
- Nhất định rồi. Bác hứa. Hai bác cháu nắm tay nhau vui vẻ.
Bên ngoài phòng bệnh, mấy vị  bạn bè hàng xóm cười nói vui vẻ đến thăm ông Minh. Căn phòng ấm cúng đầy ắp tiếng cười.
Mấy ngày sau và những ngày sau nữa trên đồi keo và bưởi Soi Hà, ông Minh, cô Lan, Mạnh thỉnh thoảng chụm đầu vào nhau cười giòn tan. Những chuồng ong đông quân đang tíu tít chở đầy phấn về tổ. Bưởi đã căng da, hương thơm hoa chanh tứ mùa, hoa cỏ dại hoa keo ngan ngát.
Đào Xuân Thủy
Theo http://vanhocnghethuat.tuyenquang.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa tím bao giờ nở

Hoa tím bao giờ nở 1. Chuyến bay bị delay hai tiếng rưỡi, phòng đợi nháo nhào, tôi tìm một góc tĩnh lặng nhâm nhi ly cà phê Lão bạn già ngồi...