Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Bạn chữ

Bạn chữ 
“Ngày mai, mẹ con bà chăn bò để tôi đi công chuyện nha”. Vừa buông bát xuống mâm, chưa kịp cầm tăm xỉa răng thì lão Chõe dắng vậy. Bà Chõe đang và dở miếng cơm, tròn mắt: “Ông đi đâu?”. “Lên tỉnh!”. “Lên tỉnh?”. Bà Chõe nhồm nhoàm hỏi lại. “Tôi lên Hội Văn nghệ có tí việc”. Lão Chõe gật đầu và nói rõ hơn. “Lên nhận nhuận bút hả ông?”. Bà Chõe mắt sáng lên. Lão Chõe xạm mặt lại: “Lâu nay có đếch báo nào in mà nhuận với chả bút”. “Hay nhận đầu tư? Cuối năm là họ hay chia đầu tư lắm. Ông nhanh chân lên mà kiếm lấy mấy triệu về cho mẹ con tôi nhờ”. “Khổ quá! Làm gì đã đầu tư đâu mà đầu tư!”. “Hay ông đi nhận giải thưởng? Cuối năm người ta cũng hay chia, hay phát giải thưởng lắm. Mấy bài thơ của ông thể nào cũng được giải. Ông nhớ mang tiền về cho mẹ con tôi đấy. Công khai tài chính nha”.
Lão Chõe bực lắm. Lúc nào mụ vợ lão cũng nghĩ đến tiền và tiền. Làm thơ thì cấm cấm đoán đoán. Thế mà nghe đến xét giải, xét đầu tư, nhận nhuận bút thì nhanh đáo để, thính tai đáo để. Phải chặn ngay cái tư tưởng này không có mình đi mấy ngày mà về tay không thì chết với bà ấy. Lão thủ thỉ: “Tôi đi thăm bác Cầm Sơn và bác Vũ Quốc Khánh ở trong Thanh Sơn. Lâu quá chẳng thấy các bác ấy đăng bài vở gì cả. Nhớ lắm”.
Nghe vậy, bà Chõe thừ người. Đúng là mấy ông văn nghệ sĩ, báo chí dở người. Thăm với chả nom. Cứ như phải lòng mặt không bằng. Chẳng biết có ra tiền không hay lại thơ thơ phú phú, anh anh em em mấy ngày rồi chẳng biết đường mà về.
Lão Chõe khăn gói quả mướp bắt xe lên phố Vàng cách nhà lão hơn trăm cây số đường rừng. Được cái, thời buổi kinh tế thị trường xe cộ nhiều nên đi lại khá thuận tiện. Lão định bụng phải gặp bằng được hai ông bạn văn chương này trước hết là xem các vị ấy sống ra sao, viết lách gì không mà lâu nay im ỉm vắng bóng thế. Sau nữa là lão khoe vừa mới sáng tác được chùm thơ tình về loài bò. Chùm thơ này lão tâm đắc lắm. Thế mà không có người nghe. Vợ lão thì... thà đừng nhắc đến thơ còn hơn. Thật tội cho lão, thi tài như thế mà cứ phải giấu kín. Nó chỉ được khai quật lên khi vợ lão nhận được giấy báo lĩnh nhuận bút. Thế nên, lần này lão giắt mấy bài thơ đó vào cạp quần và quyết gặp hai ông bạn văn sĩ miền sơn cước, cùng là cộng tác viên của báo tỉnh để đàm đạo.
Sớm đầu đông, phố Vàng khá tấp nập. Chợ huyện nhộn nhịp, người xe chen nhau chật ních. Quần áo dân tộc đủ màu. Các cô gái Mông, Dao Đỏ, Dao Tiền xúng xính trong những bộ váy sặc sỡ len lỏi giữa đám con gái váy ngắn, áo hai dây người Kinh nõn nà. Cảnh ấy làm lão choáng ngợp. Thế này mà lão được ở đây thì thơ ra ầm ầm. Chẳng bù cho ở quê, lão cứ phải suốt ngày theo đít đàn bò. Lão đờ người đứng như chôn chân nhìn mấy cái áo hai dây đang khúc khích thổi sáo bằng những bắp ngô nướng. “Ơ! Cái nhà ông này! Sao đứng ngẩn người ra giữa đường thế?”. Lão Chõe giật mình ngẩng lên đã thấy một tay thanh niên đang dắt ngựa len qua. Lão né mình sang bên. Hai tay lão nắn cạp quần. Cuộn thơ tình vẫn đó. Để cho chắc ăn, lão rút ra, cầm chắc trong tay. Rồi sực nhớ đến công việc, lão đi bộ đến quầy thuốc đông y. Quầy thuốc này là của vợ ông Cầm Sơn. Nhà ông Cầm Sơn có nghề thuốc đông y gia truyền và vợ ông ấy là thầy thuốc cao tay nổi tiếng cả một vùng. Ông Cầm Sơn sống nhàn thân, viết lách được nhiều cũng chính là nhờ bà ấy.
“Chào chị, lâu nay bà chị vẫn khỏe chứ?”. Lão Chõe cất tiếng chào. Bà vợ ông Cầm Sơn nghe tiếng người ngẩng lên. Nhận ra lão Chõe, bà ấy tươi tỉnh hẳn. Hai bên vồn vã bắt tay nhau hỏi han. Khi hỏi đến ông Cầm Sơn, bà ấy xịu mặt xuống: “Khổ lắm chú ơi! Chẳng biết ông nhà tôi bị ma ám hay sao ấy mà suốt ngày đóng cửa ru rú ở nhà. Không muốn gặp ai. Không tiếp xúc với ai cả. Ông ấy dặn với tôi rằng: Tuyệt đối không cho ai gặp. Ai hỏi cũng bảo là đi vắng. Cứ nói là ở Hà Nội với con nha. Bất kể ai cũng thế nha. Ông ấy thì thào vào tai tôi: Bí mật nha. Tôi quyết rồi đấy. Kể cả ông vãi đến chơi cũng thế nha. Chú bảo thế có tức không cơ chứ?”.
Bà Cầm Sơn dừng lại thở dài đánh thượt. Lão Chõe ngây người, ù tai. Sao lại đến nông nỗi này hả ông Cầm Sơn? Tự kỷ ám thị à? Về hưu rồi không có công việc thì vui bạn vui bè mà sống sao lại hụt hẫng đến thế cơ chứ? Đoạn, bà Cầm Sơn tiếp tục: “Chú biết ông ấy làm gì không? Không hả? Viết truyện! Giời ạ! Viết truyện ngắn, chú ạ. Nửa tháng sau thì ông ấy nói thật với tôi như thế. Ông ấy bảo báo Văn nghệ đang phát động cuộc thi truyện ngắn nên ông ấy quyết tham gia thử sức. Im hơi lặng tiếng cũng vì cái vụ đó. Chú biết ông ấy viết được bao nhiêu cái rồi không? Không hả? Ba sáu cái rồi đấy! Gửi đi rồi! Đang nín thở chờ giải và vẫn tiếp tục viết đấy”.
Lão Chõe tròn mắt ngạc nhiên. Thảo nào mà bấy lâu nay cấm thấy xuất hiện trên mạng và báo chí. Ghê thật. Âm mưu thật. Đúng kiểu lão Vũ Quốc Khánh. Im ỉm im ỉm rồi đùng một cái quẳng cho thiên hạ một cuốn tiểu thuyết to đùng. Đúng là sự kiện động trời. Các bố văn sĩ phố núi kinh thật. Như một thùng thuốc nổ sẽ nổ tung lúc nào không biết. Lão vo cuộn thơ tình của mình mà cảm thấy xấu hổ. Giờ mà gặp nhà văn Cầm Sơn thì... ê mặt quá. Mất thời gian vàng ngọc của ông ấy. Mấy bài thơ cỏn con này thấm tháp gì so với mấy chục cái truyện ngắn sừng sững của ông ấy cơ chứ. Còn hứng thú nào mà thơ với phú nữa. Thế là lão hỏi thăm qua loa mấy câu rồi cáo lý do để chuồn. “Ơ! Thế chú không vào thăm anh ấy một lát à?”. Bà vợ ông Cầm Sơn gọi với theo. Lão Chõe giơ tay: “Thôi, để khi khác chị ạ”. Và lão lủi thủi tay nải bước thấp bước cao đi vội về phía núi.
Phải đến nhà Vũ Quốc Khánh. Lão này vừa xuất chiêu một tập truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết trong năm nay chắc đang dư sức để nghỉ ngơi. Thế thì lão mới có tâm hồn mà nghe thơ của Chõe chứ.
Từ dạo in cái tùy bút “Xuân” rét se se ngọt trên báo tỉnh đến nay, Vũ Quốc Khánh hầu như lặn mất tăm. Cả trên mạng và báo chí nữa. Bạn đọc ngơ ngác không hiểu cái lão này đi đâu. Có người đã nhắn tin dò hỏi qua ChõeChõe cũng chịu. Mãi đến khi lão ấy tặng Chõe hai cuốn sách liền thì lão mới ớ người ra rằng lão trốn mọi người để viết. Người thế mới thâm chứ, mới có chí chứ. Phổi bò như lão thì chỉ có mà xách dép. Chắc xong “vụ” tiểu thuyết rồi, Vũ Quốc Khánh sẽ xả hơi đây. Chỉ có lão ấy là chịu nghe thơ Chõe, mới hiểu thơ Chõe. Thăm Vũ Quốc Khánh chủ yếu là lão khoe chùm thơ tình về bò này. Thơ sản xuất ra mà không đọc cho ai nghe liền là nó tức lắm. “Tức anh ách như bò đá” ấy. Gặp Vũ Quốc Khánh để cho lão xả thơ. Còn cái lý do im hơi lặng tiếng kia thì... kệ cha lão ấy. Quyền của lão mà. Bạn đọc có sốt ruột thì cứ tiêu hóa hết hai cuốn sách lão vừa tung ra đấy đi đã. Chớ có vội nha.
Nhà Vũ Quốc Khánh vắng tanh. Ô tô vẫn còn trong gara kia chắc chắn lão ta ở nhà rồi. Nhưng sao cửa lại đóng im ỉm thế nhỉ? Cổng cũng khóa kín mít nữa chứ? Con becgiê thấy lão giằng xích sắt vục dậy sủa ông ổng. Lão gọi toáng lên không ai thưa. Tiếng chó sủa, tiếng lão gào trộn vào nhau nghe lốc cốc cả góc phố. Chán chê, lão đành quay đít bỏ đi.
“Ơ! Bác Chõe! Bác mới lên đây ạ?”. Lão Chõe sững người nhìn chăm chăm vào tay thanh niên vừa chào mình. “Bác không nhận ra cháu à? Cháu là Thành, con bố Khánh đây!”. Như chết đuối vớ phải cọc, lão vồ lấy tay Thành hỏi lấy hỏi để. Thành mở cổng vồn vã mời Chõe vào nhà. Đón chén trà nóng trên tay Thành, lão Chõe vội vã hỏi về ông Khánh. Đang vui vậy mà nhắc đến bố, Thành xịu mặt xuống: “Khổ lắm bác ạ. Chỗ người nhà, cháu nói thật. Dạo này bố cháu lơ ngơ lắm. Giám đốc Công ty Xây dựng, công việc bề bộn ra thế, thế mà bố cháu cứ loay hoay vào viết lách. Bố cháu dặn cả nhà rằng: Tuyệt đối không cho ai gặp, kể cả bà ngoại cháu. Sau lần ra sách vừa rồi, cháu tưởng bố cháu sẽ nghỉ ngơi, tập trung vào công trường thế mà lại còn viết ác liệt hơn hồi trước”. “Bố cháu viết gì thế? Lão Chõe sốt ruột hỏi”. Lại tiểu thuyết bác ạ.
Tập hai của “Người đổi họ” có tên là “Bến tình” thì phải? Nghe đâu tập này gay cấn lắm, ác liệt lắm. Cháu thấy bố cháu có hôm bơ phờ như bị ốm, có đêm lại cười ha hả một mình giữa lúc mọi người đang ngủ ngon. Liệu có sao không hở bác? Liệu có phải đưa bố cháu đi khám bệnh viện tâm thần không hở bác?”. Lão Chõe trầm ngâm. “Liệu có sao không hở bác?”. Thành sốt ruột hỏi lại. Lão Chõe sực tỉnh: “Không! Không sao đâu. Bệnh viết ấy mà. Xong là lại khỏe liền. Thế hôm nay bố cháu đi đâu?”. “Không cứ hôm nay đâu, hôm nào bố cháu cũng đi từ 3 giờ sáng cơ. Mấy hôm đầu mẹ cháu và cháu tưởng bố cháu đi bộ nhưng sau lại chẳng thấy bố cháu về. Thì ra bố cháu thuê một phòng khách sạn ngoài phố Vàng trốn ở đó để viết tiểu thuyết bác ạ. Công trường bố cháu giao cho cháu tất. Ngày bố cháu cắt hết điện thoại, mãi chín mười giờ đêm về mới mở máy.
Thành nói một thôi một hồi về bố Khánh. Lão Chõe thở dài ra chiều thông cảm. Công nhận lão này âm mưu thật. Hổ giấu mình lần nữa đây. Thảo nào điện thoại ban ngày cho lão ấy thì chỉ thấy có “tít tít”. Đêm thì họa hoằn lắm lão mới nghe mà lại còn trêu lão rủ lão vào uống rượu nữa chứ. Bố ai đang đêm mà đi được. Thâm hiểm quá. Lão mà tung “Bến tình” ra nữa là giới văn sĩ tỉnh lẻ này trắng mắt ra cho mà xem.
Chợt nhìn thấy cuộn thơ tình về bò trên tay mình, lão Chõe bỗng thấy xấu hổ quá. Chết thật. May mà không gặp lão Khánh, chứ gặp mà khoe của này có mà ê mặt. Văn sĩ phải chí lớn như Cầm Sơn, như Vũ Quốc Khánh thế chứ. Cái ngữ mình có họa mà “lơ ngơ như bò đội nón”.
Nghĩ vậy, lão cáo lui. Thành giữ thế nào lão cũng không ở. Thôi, về cho sớm. Về cho vợ con lão khỏi mong. Đếch có nhuận bút, giải thưởng, đầu tư thì về sớm cho đỡ lằng nhằng. Mụ vợ đang hí hửng nọ kia mà về tay không lại ở qua đêm thì chỉ có chết. Còn hai ông bạn văn sĩ kia, mai kia các lão ấy trở thành nhà văn nhớn mình đến chơi, xin ý kiến sau cũng được. Giờ thì nhất vợ nhì bò cái đã.
Và lão kịp bắt chiếc xe cuối ngày để về với bà Chõe và đàn bò.
Đỗ Xuân Thu
Theo http://vanhocnghethuat.tuyenquang.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...