Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Trịnh Công Sơn, anh là ai

Trịnh Công Sơn, anh là ai?
Trong đời mỗi người, không ai không đặt cho mình một câu hỏi - Là ai?. Trịnh Công Sơn cũng không ngoài thể lệ đó. Đây là một câu hỏi khó trả lời, thậm chí không trả lời được.
Công cuộc đi tìm bản chất của thực tại là điều vạn nan, bất khả. Nếu đặt câu hỏi khác đi, Trịnh Công Sơn, âm nhạc của anh như thế nào? thì khả dĩ ta có thể trả lời loanh quanh được một vài ý. Qua những ca khúc của Trịnh Công Sơn, ta thử nhặt ra một số ý tứ để trả lời câu hỏi thứ hai, chính sự nhặt ra này sẽ vẽ nên, sẽ hình dung được đôi nét về Trịnh Công Sơn, anh là ai?
Có lẽ không có một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn không đặt ra câu hỏi này. Những câu hỏi trực tiếp, rõ ràng: "Ta là ai, là ai, là ai... mà yêu quá đời này" không nhiều lắm, mà những câu hỏi hình tượng hơn, nhiều tầng nghĩa hơn gần như tràn ngập trong những ca khúc họ Trịnh.
"Đêm thấy ta là thác đổ" đặt cái ta mạnh mẽ trong cái ta vắng lặng (thác-đêm). Đêm ở đây không phải là thời đoạn, thời điểm mà là khung cảnh. "Im lặng của đêm, tôi đã lắng nghe" (Tôi đang lắng nghe), cho nên im lặng của thác đổ tôi cũng đã nghe
"Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi. Lại thấy trong ta hiện bóng con người," (Một cõi đi về). Không ít những chân dung mà Trịnh Công Sơn vẽ nên, đều thể hiện những cặp hình tượng đối đãi. "Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông... Em là tôi và tôi cũng là em". (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Đó là lời kêu gào im lặng của cô đơn khắc khoải. Thính giác rất tốt của nhạc sĩ giúp cho anh nghe được những điều mà chúng ta không nghe rõ. Chính thính giác đặc biệt này giúp cho vỏ não ý thức được lưỡng tính yên lặng mà ồn ả, mùa thu trong mùa đông, con tinh yêu thương thức tỉnh con người. Hai mặt đối đãi ”trình hiện“ (chữ của Nguyễn Tường Bách) đồng thời khiến cho các nhà duy thức, các nhà não học kinh viện cảm thấy... nhọc nhằn. Trịnh Công Sơn còn là mặt trời (mặt trời ở đây không phải để chiếu sáng cho chúng sinh, Trịnh Công Sơn vốn là người khiêm tốn, ít nhất là trong ngôn ngữ), là sức sống của một viên đá lăn, được hình thành từ nham thạch phiêu bồng, trở thành một hạt bụi và khi hóa kiếp thành người thì hoàn toàn ngơ ngác, cô quạnh và vô vọng như thân phận... Quá trình chuyển hóa liên lỹ của các đối thể trong ca khúc Trịnh Công Sơn có thể được nhặt nhạnh từ rất nhiều bài hát của anh, vẽ nên một chân dung lưỡng thể mà sự tinh nhạy là đặc tính rất rõ để cảm nhận cuộc sống. Ý thức nhiều biên không đem lại kết quả vô thường, hư không hay nghịch biến. Ngay ý thức hòa bình là sự dung nạp cuộc sống bằng tình yêu thương, sự từ bi của hơn một ý hệ. Hòa bình là để chống chiến tranh, bạo hành và can thiệp. Để chống chiến tranh không phải cần chiến tranh.
"Đứa con của mẹ da vàng. Ru con, ru đạn nhuộm hồng vết thương" (Ngủ đi con) là lời ru thức tỉnh. Chúng ta lại nhặt thêm được vài nét về bản phác thảo chân dung nhạc sĩ: lòng trung thực. Hòa bình là để thiên nhiên khỏi bị xúc phạm, xâm hại. Mà Trịnh Công Sơn là một phần của thiên nhiên, phần này quá mẫn cảm, dễ dị ứng với bất cứ tiếng ồn nào. Mọi tiếng ồn trong ca khúc Trịnh Công Sơn đều bị chế ngự hết, ngay cả tiếng đại bác cũng chỉ là lời ru, dù đó là lời ru của đêm đen tham tàn.
Chúng ta có thể dở hú họa một bài hát nào của Trịng Công Sơn, có mô tả âm thanh. "Em đứng lên gọi mưa vào hạ, từng cơn mưa, từng cơn mưa, từmg cơn mưa, mưa thì thầm dưới chân ngà" (Gọi tên bốn mùa). "Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng nằm đau" (Sóng về đâu). "Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt ai" (Ru đời đi nhé) v.v... Tất cá những âm thanh, dù nghe rõ hay không, đều thì thầm, nhẹ nhàng, thấm sâu và tắt tiếng. Đấy là sự im lặng minh triết, tỏa đều trong ngôn ngữ Trịnh Công Sơn. Ta nhặt thêm được một phác thảo trầm mặc, cô đơn của tâm thức (còn ngoài đời thì Trịnh Công Sơn được vô vàn quan tâm, thương mến của bạn bè).
Nếu "lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông" thì đó không phải là biến diễn của thời gian mà là biến diễn của tâm thức. Cho nên, bốn mùa là biến hóa của sự gọi tên, nó thống nhất với nhau trong thiên nhiên hoà bình. Mưa là mưa thì thầm chứ không xối xả. Sự tĩnh lặng là độ cao của tư duy hòa bình,vô vọng không phải là cam chịu, bởi nghe ca khúc "Đóa hoa vô thường", ta dễ nhận thấy sự thường hằng của vô vọng cao thượng, bao dung "Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi... Tìm đêm chưa từng tìm ngày tinh khôi... Tìm trong sương hồng trong chiều bạc mệnh, trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em". Đó là cách mô tả thực tại theo kiểu Trịnh Công Sơn, cũng chẳng khác gì những nhà vật lý, những nhà tư tưởng đi tìm tự tính lung linh của thực tại.
Có rất nhiều bài viết về Trịnh Công Sơn, nhất là sau khi anh "chia lìa cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia sẻ", nói theo kiểu bông phèng của Kim Dung thì nếu không một ngàn bài, cũng bảy tám trăm. Có vẻ như là, viết về Trịnh Công Sơn thì viết thế nào cũng đúng cả, trừ các cách viết vì dụng ý khác. Tuy nhiên mỗi người chỉ viết được một mảng mà mình nhận thức được, như kiểu sờ voi. Sờ đụng cặp kính cận thị thì hiểu Trịnh Công Sơn là "nắng thủy tinh", sờ đôi vai ốm yếu thì "như cánh vạc bay". Sờ đụng nỗi niềm thì "tôi ơi đừng tuyệt vọng" (trong đó có kể cả bài viết này).
Ví dụ người bạn thân của Trịnh Công Sơn là nhà văn Bửu Ý viết: "Trịnh Công Sơn là người không đành lòng chứng kiến sự vật trôi xuôi về hư vô. Anh cần phải yêu, bồng bột, say đắm. Anh cần vẫy gọi, mời mọc, nắm bắt, vồ vập...". Ta có thể viết ngược lại ý này:  Trịnh Công Sơn vẫy gọi, mời mọc, khát khao, mong ước, đợi chờ... chỉ vì anh đã thấy được mọi sự sẽ trôi xuôi về hư không, vô vọng. Cũng có lý đấy chứ?
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng nhạc họ Trịnh "mang hơi hướng triết lý nhà Phật" thì cũng có kẻ khác cho rằng Trịnh Công Sơn là đệ tử thế truyền của tư tưởng đạo Phật, dẫu anh chỉ một lần nói về Chân Như "bước tới hư vô khoác áo Chân Như, long lanh giọt lệ, giọt lệ thiên thu" (Giọt lệ thiên thu)
Ta có thể giật mình khi ghi chú đoạn ca khúc sau đây hoàn toàn vắng bóng kẻ ở lại: "em đi bỏ mặc con đường, bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em" (Bỏ mặc con đường). Sự vắng bóng ở đây là sự vắng bóng chủ thể, dẫu vắng bóng nhưng vẫn tồn tại, bởi vì còn đó bờ cỏ con đường. Cách mô tả tài tình này làm cho bản phác thảo của chúng ta thêm mờ mịt...
Đoạn sau đây của Bửu Ý, có thể trích dẫn để kết luận bài viết ngắn này:
"Bản thân tôi, sau khi tập hợp khá nhiều loại báo viết chung quanh Trịnh Công Sơn, tôi đọc được rất nhiều bài, lại còn đọc đi đọc lại một số bài, cũng không quên in một số bài ra làm nhiều bản trao cho những ai quan tâm. Lần lượt đọc bài này đến bài ka, trầm ngâm sau từng bài một, tôi không dưng có cảm tưởng: ta càng viết càng sai, và vì càng sai nên càng phải viết thêm. Hoặc, đọc lại bài chính mình viết, tôi thấy ra được gì nào? Tôi thấy: điều A mà tôi viết về Trịnh Công Sơn là đúng, nhưng không cần thiết bằng điều B mà tôi đã do dự không viết ra. Và có một số điều khác đúng sự thật nhưng vẫn không cần phải nói ra. Lại có những điều cần nói ra nhưng không nói. Còn có thêm nhiều điều không sai nhưng lại làm cho sự việc thêm rối rắm."
Vậy thì, TRỊNH CÔNG SƠN, ANH LÀ AI?.
Nguyễn Phước
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...