Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Âm thanh của trí tưởng tượng

Âm thanh của trí tưởng tượng
(Đọc tuyển thơ Châu thổ, Nxb 
Hội Nhà văn 2010 của Nguyễn Quang Thiều)
1. Ấn tượng đầu tiên của nhiều độc giả về thơ Nguyễn Quang Thiều có lẽ là… dài. Những bài thơ văn xuôi lê thê. Câu chữ rậm rạp, rườm rà như vườn hoang lâu ngày thiếu bàn tay chăm chút, xén tỉa. Các động thái trữ tình cường điệu thái quá (chẳng hạn có người từng nhận xét cái tôi trữ tình này quá là hay… khóc!). Hình ảnh nhiều khi rất “tù mù siêu thực” nhưng có khi lại vẫn rất “ướt át” kiểu lãng mạn chủ nghĩa điển hình… Đấy quả thực là những rào cản tiếp nhận dễ khiến người đọc nản chí. Nhưng nếu “chọc thủng” được cái ấn tượng bất lợi ban đầu để dấn bước sâu hơn vào thế giới nghệ thuật ấy, ta sẽ hiểu lý do vì sao Nguyễn Quang Thiều được xem là một gương mặt nổi trội và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới xu hướng cách tân thi pháp trong thơ Việt đương đại. Trên thực tế, ông đã xây dựng nên một quan niệm về thơ rất khác, thậm chí đối lập so với nền thơ đồng hành mà ở đó thống ngự vẫn là những quan niệm truyền thống. Quan trọng hơn, bằng lối viết của mình, ông đã tạo nên một không gian thơ đặc trưng. Ở đó, nhà thơ vừa là kiến trúc sư, người thiết kế – kiến tạo, đồng thời cũng là người đồng hành mê đắm cùng ta trong một cuộc phiêu lưu nội tâm bất tận, dữ dội và mê hoặc.
2. Có thể hình dung Châu thổ như một cấu trúc quan niệm, trong đó, từ lời tựa đến các phần, chương mục hay các bài thơ… đều được lựa chọn và sắp xếp theo một trật tự nhất định, chúng liên kết với nhau tạo thành chỉnh thể, thể hiện rõ cái nhìn/ cách nhìn độc đáo của nhà thơ về thế giới cũng như bản thân thơ và sự sáng tạo. Trong căn phòng của một người bại liệt là một sự chỉ dẫn rất đáng chú ý. Trong lời tựa giàu chi tiết và cảm giác này, ta dễ dàng nhận thấy giọng nói, cụ thể là giọng nói của người bà bại liệt, là hình tượng được khắc họa đặc biệt tập trung và nổi bật. Hãy chú ý tới đoạn kết thúc sau:
“Và qua chính giọng nói ấy của bà tôi, tôi đã lưu giữ trọn vẹn những gì đã qua đời sống này ở làng quê của tôi. Một đời sống mà chẳng bao giờ mất đi như ta tưởng. Một đời sống làm ta hình dung đầy đủ hơn về vũ trụ. Một đời sống đã hóa giải dục vọng của chúng ta. Nó đôi lúc mang đến cho tôi một cảm giác nếu tôi chém vào không gian một nhát dao thì ở đó một cái cây trong suốt bị đổ gục, một ngón tay trong suốt bị đứt lìa… Và kỳ diệu hơn, là trong thế giới trong suốt, hay trong cõi hư vô làm ta có thể chết vì khiếp sợ lại hiện lên một phong cảnh đầy đủ nhất. Phong cảnh ấy, đối với tôi, nó là một cõi. Cái cõi ta vừa làm đầy nó vừa không chiếm lấy dù chỉ một điểm nhỏ nhất, mà chỉ có trí tưởng tượng kỳ diệu (LHQ nhấn mạnh) mới có thể lờ mờ nhận ra”.
Ở đây, giọng nói đã được biến thành một biểu tượng. Đó là âm thanh của trí tưởng tượng, “một trí tưởng tượng vô cùng hoang dại, và bằng những cơn mơ bất tận, đầy nhạc tính”, “luôn chuyển động và sinh nở và biến ảo”. Nó đánh thức “kí ức và ý thức sống”, “tạo dựng những mối liên hệ bí ẩn”, “gợi mở về một hình thức nào đó của vật chất đã mất’, “dựng nên một đời sống khác”, “một nhận biết khác”. Thực chất, đấy cũng là một cách nhìn/ nhận thức về thơ theo cách của Nguyễn – Quang – Thiều – thi – sĩ. Một cách nói giàu hình tượng, đa nghĩa và cũng không dễ phân tích, cắt nghĩa, nhưng bù lại, rất giàu sức gợi.
3. Không khó để nhận ra gương mặt cái tôi cảm xúc của Nguyễn Quang Thiều trong những sáng tác thời kỳ đầu. Gắn bó với với quê hương và những giá trị tinh thần nguồn cội, nặng lòng nhân sinh thế sự, khao khát cái mới, cái khác trong sáng tạo, ông thường tự mô tả qua hình tượng một con người ưa giãi bày, thổ lộ, nhiều khi khá lộ liễu và thống thiết. Tuy vậy, chính nhu cầu nhận thức và lý giải thế giới, chứ không phải nhu cầu giãi bày cảm xúc, sẽ dẫn nhà thơ đi xa hơn trong những cách tân thi pháp. Trong các sáng tác về sau, từ cái tôi cảm xúc, trực tiếp giãi bày dần chuyển sang cái tôi suy tưởng, tượng trưng: Tôi suy tưởng về đại dương/ Những chiếc chum sành nửa bóng tối/ Những con cá ướp/ Đã than thở, đã hát ca, đã xòe vây lộng lẫy/ đã hoan hỉ ra đi, dòng trứng phun chảy như nham thạch/ những hải lưu ấm nóng và bất tận/ Giờ bên cạnh những hạt muối chứa đầy ký ức biển/ Những con cá bất động/ Sự suy tưởng của tôi dội vang những đợt sóng/ Chiếc chum sành lắc lư/ những con cá ướp/ phun chảy những dòng trứng/ nở ra những con cá/ trong dòng hải lưu suy tưởng bất tận của tôi (Những con cá ướp)… Từ đây, hiện diện trong thơ Nguyễn Quang Thiều là một cái tôi dường như chìm đắm trong những suy tư, mơ mộng, tưởng tượng. Những vang động của đời thực bị mờ nhòe đi để tiếng nói mơ hồ u tối lạ lẫm của trực giác, tâm linh trỗi dậy, vang xa. Càng tiến sâu vào nội tâm, những giác quan của con người càng được mài sắc, trở nên đặc biệt bén nhạy, có khả năng nghe thấu cả những âm thanh siêu hình của vũ trụ và đời sống nhân sinh.
Có một biểu tượng giác quan thú vị và cũng hết sức đặc trưng trong cách hình dung, mô tả của Nguyễn Quang Thiều về nhà thơ - người sáng tạo. Không phải là đôi mắt (Đôi giếng mắt như chứa trời vạn hộc - Xuân Diệu), khuôn miệng hay đôi tay (Làn môi mong mỏng tươi như máu/ Đã khiến môi tôi mấp máy thèm; Chắp tay tôi lạy cả miền không gian – Hàn Mặc Tử) mà là “một cái tai”, “cái tai rộng lớn của cô đơn”:
– Ngồi cúi đầu trong chiếc ghế gỗ bạc sơn chàng im lặng như chết
Ánh tà dương dần dần biến mất trên những ô cửa
Chàng co người lại, thân thể chàng biến thành một cái tai
Chàng run rẩy trong đời sống của thính giác bí ẩn
Thế gian không có gì phân cách và mọi âm thanh
Chàng đều nghe thấy bằng cái tai rộng lớn của cô đơn
Cả tấm lưng nằm xuống thiếp ngủ
Và cả tiếng dừng lại của hơi thở
… Chàng trở thành kẻ điên khùng của thế giới câm ngọng
Và luôn luôn mang gương mặt của đứa trẻ đau ốm
Nhưng đêm đêm đầu chàng lắc lư một quả chuông lớn
Tiếng nó làm rung những ngọn cây và những quả đồi
(Nhà thơ)
– Ôi những tháng năm hỗn loạn này chúng ta từng cất tiếng và chúng ta thất bại. Có những đêm trong giấc ngủ chúng ta nghe tiếng chuyển động phía trên đầu. Chúng ta cố lắng nghe, nhưng đôi tai chúng ta rũ như lá héo. Chỉ hơi thở kẻ nát rượu cũng làm đôi tai rụng xuống. Đã có lúc chúng ta lau chùi đôi tai như lau chùi một đôi đĩa cổ. Chúng ta ngắm nhìn đôi tai nhưng không biết để làm gì. Lời của chúng ta từng bất lực trong chính cái lưỡi của mình.
(Nhân chứng của một cái chết)
Có thể thấy ở đây một nét phong cách quen thuộc của Nguyễn Quang Thiều. Chỉ riêng về mỗi cái tai thôi, ông cũng muốn tô thật đậm, chạm khắc thật tỉ mỉ, kỹ lưỡng, bằng thật nhiều hình ảnh, chi tiết mô tả, so sánh, liên tưởng… Thực ra, nhà thơ nghe bằng tai thì đâu có gì mới! Cái mới (và lạ) chỉ xuất hiện khi nhà thơ biến cái tai ấy thành một thứ “siêu giác quan” tinh thần, thứ thính giác bí ẩn của “trí tưởng tượng kỳ diệu”. Thế nên thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều tràn ngập âm thanh,“những tiếng ngập ngừng, rồi thanh thoát và dâng khắp, vang vang”. Có những âm thanh của tự nhiên: tiếng côn trùng, tiếng chim “dứt thịt dứt da”, tiếng mèo kêu, chó sủa, tiếng dòng sông, tiếng sóng biển… Có âm thanh của con người: tiếng khóc, tiếng than thở, tiếng cười, giọng nói… Không chỉ vậy. Thơ ông còn “vang vang” những âm thanh siêu thực, lạ lùng: Có ai đó gọi tôi qua linh hồn của ô cửa sổ/ Có ai đó gọi tôi dọc linh hồn của những ngõ sâu/ Và ai nữa gọi tôi từ nấm mộ ngôi nhà (Con bống đen đẻ trứng); Một cánh hoa rụng xuống và anh nghe có người vật ngã/ Rồi vang lên tiếng rên rỉ đôi môi chảy máu/ Nơi cửa sổ nhô lên những cái bóng/ Cùng tiếng huyên náo to dần của những gốc hoa (Hồi tưởng)… Đặc biệt, cái tai siêu hình ấy cho ông khả năng “nhìn thấy vẻ đẹp diệu kỳ/ Trong những gì luôn đe dọa người khác”. Cả cái chết, qua tai ông, cũng đầy cảm giác:
– Những ngôi mộ lặng im và suy nghĩ triền miên về sự sống và cái chết. Và tôi thấy tỏa về xa xăm ánh sáng ngôi sao. Tôi nghe thì thầm một giọng nói. Và thời gian năm tháng ấy đi qua tôi náo nức, và bí ẩn, và câm lặng một niềm tin (Nhân chứng của một cái chết)…
– Chúng ta thường chăm sóc những ngôi mộ/ bằng nỗi sợ hãi và tiếc thương/ Nhưng ít người chúng ta nhìn thấy/ Cỗ xe tang lộng lẫy/ Trong tiếng trống tưng bừng… Và càng ít hơn những người/ Sau chén trà buổi tối/ Ngồi trên tràng kỷ/ Nghe bài điếu văn viết cho mình/ Vang lên với một giọng trầm/ Trong một tối mùa thu tuyệt đẹp… (Thay lời nguyện cầu).
Âm thanh, ấy chính là cách để nhà thơ hình dung và tái thiết thế giới. Qua kênh nhận thức thẩm mỹ có tính đặc thù này, thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều hiện lên chênh vênh giữa đường biên thực/ ảo; chân xác/ mơ hồ; nên thơ/ kỳ dị; quen thuộc/ khác thường… Và ngập tràn những âm thanh, hình sắc, đường nét, hương vị đặc biệt, như chỉ tồn tại trong giấc mơ và trí tưởng tượng hoang dại, đẹp một cách tráng lệ, kỳ vĩ.
4. Càng ngày, trong thơ Nguyễn Quang Thiều, những âm thanh tượng trưng bí ẩn càng dội lên, lấn át thanh âm đời thực. Cũng là tiếng chim, nhưng Nghe tiếng chim cuốc mới dừng lại ở một ẩn dụ tâm trạng. Nhà thơ vẫn phải dựa trên trục liên tưởng logic để khêu gợi xúc cảm và nhận thức sự vật: Hỡi con chim kêu suốt cả mùa hè/ Kêu buồn rầu dưới những bờ tre/ Kêu khắc khoải miên man bên đầm cỏ lác/ Ba mươi tuổi một mình ngồi im lặng/ Tiếng chim kêu dứt thịt dứt da (Nghe tiếng con chim cuốc); Nhưng đến Bài ca những con chim đêm đã rất khác. Việc bỏ qua cây cầu nối giữa hiện thực và mơ mộng, để óc liên tưởng, tưởng tượng phát huy cao độ sức mạnh, đã phá hủy logic thực tại giữa các sự vật, tạo nên những tương quan mới, đầy bất ngờ giữa các sự vật, hiện tượng:
Xối vào không gian như máu ngập tràn/ Còn một tiếng, con chim đêm, đập cánh và vọng xuống rền rĩ… / Làm phụt tắt ngọn đèn quán ăn khuya hết khách/ Làm bật tung những răng sâu, làm mở toang cánh cửa/ Làm lưỡi câu nơi đáy hồ xúc động run lên/… / Không kịp thức giấc/ Chỉ vọng lại xa xăm tiếng lá thở mơ hồ/ Người làm vườn trong mơ cầm kéo cắt tóc những đứa con/ cắt cả tóc chính mình, cắt cả vào mây trắng/ và thị trấn sớm mai như chưa nhìn thấy/ Chỉ còn những dấu cây bỏ mặt đất ra đi/ Cả những cánh cửa gỗ cũng ra đi, cả bàn, cả ghế/ và chiếc nôi cũng ra đi, và cả một nóc nhà…
Theo đó, tiếng con chim đêm “vang lên từ cổ họng nóng hổi và ẩm tối/ Xối vào không gian như máu ngập tràn” đã thức dậy những cảnh tượng dị thường – “một đời sống hận thù, bạc nhược, vô sinh”, một hiện thực bị lộn trái, như trong ảo giác và những cơn mê sảng. Nhưng âm thanh ấy cũng thức tỉnh nội tâm, khiến con người “lần đầu tỉnh giấc giữa khuya”, bàng hoàng nhận ra “chính bản thân mình”. Âm vang trong không gian “mênh mông” và “vang xa bất tận” là bài ca “đơn độc và rền rĩ” của con chim đêm, kẻ phải mang vác trên đôi cánh một định mệnh bí ẩn, lớn lao và nhọc nhằn.
Hướng về thế giới bằng cái tai siêu hình, Nguyễn Quang Thiều đồng thời cũng phát hiện ra thơ như là thế giới của Âm nhạc, hòa thanh của tiếng trống, tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng nhị… Thứ âm nhạc gọi dậy sự sống, sự tái sinh từ trên cái chết, đánh thức ánh sáng, tình yêu và sự cứu rỗi từ trong tăm tối, bi thương, điêu tàn. Như lời thiêng từ cõi cao xa vọng xuống, như tiếng nức nở từ cõi trần ai. Đó là thứ âm nhạc mang tính nghi lễ mở vào cõi thơ cao cả, siêu nghiệm:
– Âm nhạc đến với người - Âm nhạc không bao giờ bị vấy bẩn
Đến trong trống - linh hồn của kiêu hãnh, khát vọng mang cảm xúc vĩ đại
Đến trong nhị - linh hồn những góa bụa chói sáng và nước mắt đẹp buổi tối
Đến trong kèn - linh hồn những cổ họng chứa đầy ánh sáng bi thương
Bị chém đứt trong cơn phản loạn của phẩm hạnh ngôn ngữ,
Âm nhạc phủ miền cây lá xum xuê, nồng ấm quanh người
Âm nhạc tưng bừng mở những mùa hoa nến
Âm nhạc lùa gió từ mọi đỉnh núi, và nước từ đầu nguồn mọi con sông
Âm nhạc đến thổi ấm những tiếng gọi đã chết đột ngột vì lạnh
(Nhịp điệu châu thổ mới)
Từ đây, việc đánh thức những năng lực khác thường của đôi tai, thực chất là đánh thức và mở rộng tiếng nói linh giác, đã giải phóng những năng lượng tinh thần lớn lao, khiến bản thể cá nhân nhà thơ có thể tuyệt đối hòa nhập vào bản thể vũ trụ trong thứ ánh sáng và âm thanh vô lượng vĩnh cửu:
Chàng quỳ xuống và ngước lên Cây Ánh sáng vĩ đại nhất đang lan tỏa tán lá ban mai khổng lồ/ Miệng chàng mở những cánh đồng hoa rực rỡ và giọng nói chàng cất lên/ Hòa cùng giọng nói của côn trùng, của sói của đại bàng, của lạc đà trong cùng ngôn ngữ/ Và lúc này dù chàng là côn trùng, là con sói cô đơn, là đại bàng, là lạc đà, là quỷ dữ…/ Thì tất cả đều đến được miền đất ngập tràn ánh sáng, tất cả đều được hòa làm một/ Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy/ Và Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa/ Trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn (Cây Ánh sáng).
Khi hiểu nhà thơ lắng nghe và cắt nghĩa thế giới bằng một cái tai quá chừng đặc biệt, ta cũng sẽ hiểu vì sao giọng nói con người trở thành biểu tượng quan trọng đến vậy trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Đấy gần như là một thứ âm thanh siêu thực, bị/ được trừu xuất khỏi đời sống cá nhân, thiếu vắng gần như tuyệt đối những âm sắc cá thể, dù sống động và ám ảnh dị thường: Và bây giờ giọng chúng ta vang trên những cành cây lưng trời (Những ngọn đồi ban mai); Giọng nói hôm qua còn tuyệt vọng trước bức tường im lặng (Bàn tay của thời gian); Chỉ tiếng nói nổi lên như từng chùm tăm cá (Cánh buồm); Một tiếng gọi từ vùng thẳm sâu không có những cái miệng (0 giờ 17 phút); Một đám mây bay ở rất xa/ Cất tiếng gọi (Một ghi chép tháng sáu); giọng nói/ Đang lớn dần từ đáy thẳm rừng xa (Ngôn ngữ tháng tư); Đêm đêm, tôi nghe giọng của Người, khàn và vang dội (Ngôi sao xanh mọc phía ngọn đồi, tưởng nhớ J. Brodsky); thầm thì giọng nói/ bên những ô cửa, bấy giờ lúc nửa đêm, lộng lẫy tuyết bay (Tuyết lúc nửa đêm)…
Với ý nghĩa tượng trưng rộng rãi, giọng nói được chạm khắc nổi bật trong nhiều tác phẩm quan trọng của tác giả: Nhịp điệu châu thổ mới, Bài ca những con chim đêm, Hồi tưởng, Cây ánh sáng… Trong Nhịp điệu châu thổ mới, giọng nói được hình dung như một thứ tài sản tinh thần thiêng liêng được hình thành, gìn giữ và chuyển giao từ nhiều thế hệ, qua những biểu tượng nổi bật: Người Nông Dân Già - Những người đàn bà - Cậu Bé - Người. Giọng nói, ấy là “bình minh linh ẩn”, “lá cờ khải ca, lá cờ bất tử”, “như ngày khởi sinh, như ngày tận thế”, “thức dậy những cổ xưa”… Đấy cũng là thứ “ngôn ngữ máu”, “ngôn ngữ ánh sáng”, “mang ý nghĩa mới tiếng gọi, tái sinh mãi tiếng vọng”:
Đêm vĩ đại và linh ẩn đã chuẩn bị con đường cho Cậu Bé
Những quả đồi tự xưng tên tuổi thật của mình
Tất cả thức dậy và đứng lên, những quả đồi bóng tối
Thức dậy không quờ tay tìm đèn và không cả ho khan
Thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình
THỨC DẬY ĐỂ CHÀO ĐÓN MỘT GIỌNG NÓI
(Nhịp điệu châu thổ mới)
Trong Bài ca những con chim đêm, giọng nói cũng chính là một thứ âm thanh linh ẩn “mở ra một con mắt/ sáng dần lên một đóa hoa”, có khả năng phục sinh cái đẹp và nhân tính trong đời sống, lịch sử và sáng tạo, bất chấp “những ngôn từ nguyền rủa/ những ngôn từ khiếp nhược và lừa dối ngày ngày trên đầu lưỡi chúng ta”. Ấy là thứ âm thanh sinh nở từ trên nỗi đau câm lặng – “giọng nói của đứa bé trong bụng người đàn bà câm”, thứ ngôn ngữ khởi thủy, được viết hoa trên chính văn bản:
Trong tiếng bầy chim đêm vang vang những tiếng chuông vàng
Giọng nói của đứa bé trong bụng người đàn bà câm cất lên rền rĩ:
MẸ HÃY MANG CON LÊN ĐỈNH ĐỒI
Chính lúc này, nhanh hơn tiếng sấm, nhanh hơn cả tia chớp, chúng ta nhìn thấy
Con đường và số phận dân tộc chúng ta từ một đỉnh đồi.
(Bài ca những con chim đêm)
Rõ ràng, giọng nói đã được khắc họa như một biểu tượng độc lập, nhằm tượng trưng và xác nhận sự hiện hữu có ý thức và có ý nghĩa của nhân loại. Không phải thứ ngôn ngữ giao tiếp thông thường, ấy là thứ ngôn ngữ trầm tích vẻ đẹp và sức mạnh nguyên thủy, cổ sơ của tâm linh và vũ trụ, “hòa cùng giọng nói của côn trùng, của sói của đại bàng, của lạc đà trong cùng ngôn ngữ”. Đấy là ngôn ngữ của thức tỉnh, của sức mạnh sáng tạo. Bởi vậy, không gì đáng sợ hơn khi mất giọng – “Sấm mất giọng, đỉnh núi già mất bóng”.
5. Ý thức tạo lập một không gian của trí tưởng tượng mênh mông, cuồng phóng, mang hơi hướng tôn giáo đã tạo nên sắc thái thẩm mĩ đặc thù trong thơ Nguyễn Quang Thiều – Cao cả, Kỳ bí, Huyền diệu. Những bài thơ ông viết về chủ đề siêu nghiệm thường dài/ rất dài. Văn bản được chia làm nhiều phần, đoạn (bằng cách ghi số thứ tự chương, mục hoặc bằng các khoảng trắng). Dù vậy, cách tổ chức văn bản và hình tượng ở đây vẫn đem lại một ấn tượng tổng thể khá chặt chẽ. Về điều này, xin chú ý thêm về cách tổ chức của Châu thổ: đi từ Lời tựa mang tính tuyên ngôn đến bài mở đầu – Lễ tạ với hình ảnh con đường mở ra và kết thúc bằng Cây ánh sáng, hẳn cũng là một cách sắp xếp có chủ ý nhằm tạo nên tính cấu trúc chặt chẽ của thi phẩm.
Dường như để tái hiện một cách sống động và cụ thể hơn những “âm thanh của đời sống”, nhà thơ thường chọn hình thức thơ văn xuôi. Thơ ông giàu tính tự sự và càng ngày yếu tố kể, tả càng trở nên dày rậm. Thậm chí trong nhiều bài thơ còn có cả cốt truyện đóng vai trò khung đỡ cho những quan sát, liên tưởng, tưởng tượng đầy phóng túng. Dù được soi chiếu từ một con mắt và góc nhìn có vẻ rất xác thực của người kể chuyện song logic của mạch truyện, nếu có, luôn bị phá vỡ bởi những liên tưởng, tưởng tượng, những hình ảnh vụt hiện, ngẫu nhiên, không đầu không cuối. Rốt cục, hiện lên trong câu chuyện ấy không phải là hiện thực đời sống mà là hiện thực của giấc mơ, hiện thực của trí tưởng tượng. Hiện thực ấy có logic và đời sống riêng của nó, nó mãnh liệt cuốn ta theo những ảo giác sống động dị thường. Chính sự kể – mà – không – kể ấy mới thực sự tạo nên độ gợi cảm và tính thơ trong những tác phẩm có thể gây choáng độc giả bởi độ dài và sự rậm rạp câu chữ. Ở đây, ta thấy điểm cốt tủy phân biệt thơ với văn xuôi đã được nhiều người nhắc đến: Văn xuôi tôn trọng cái logic của sự kể, vụ sự việc; Thơ –  chú trọng cái thi tính của việc kể, ấy là thứ ngôn ngữ “tự lấy mình làm cứu cánh”.
Gây ấn tượng mạnh song cũng thực sự “gây khó” độc giả chính là cách sử dụng hình ảnh và bút pháp tạo hình của Nguyễn Quang Thiều. Được dựng nên trong một trí tưởng tượng mênh mông hoang dại, những hình ảnh liên tiếp bùng lên như những que diêm bắt sáng trong bóng tối, không ngừng chuyển động và bung nở, khuếch tán trong không gian ảo mờ. Giữa những hình ảnh, sự vật ấy vừa như không tồn tại bất kỳ mối liên hệ nào đồng thời vẫn có một sự liên kết nội tại đầy bí ẩn. Cái dữ dội và cái nên thơ; cái quen thuộc và cái kỳ dị; cái thực và cái ảo, nhanh và chậm, mơ hồ và thấu suốt… tất cả phối trộn vào nhau trong một cảm giác lạ lùng như sự cất tiếng của giấc mơ đẹp và dữ dội đến ngạt thở. Sự xuất hiện liên tục, liền mạch và không ngừng nghỉ của hàng loạt chi tiết, hình ảnh “mê man và lộng lẫy” ấy chỉ có thể được tạo ra bởi sức mạnh và quyền phép bao trùm của một trí tưởng tượng hào phóng, hội tụ một bản năng và trí năng thơ mạnh mẽ khác thường. Bút pháp tạo hình này ngày càng đậm hơn trong Nhịp điệu châu thổ mới, Chuyển dịch màu đen, Đoản ca về buổi tối, Bài ca những con chim đêm, Hồi tưởng, Nhân chứng của một cái chết, Cây ánh sáng… Nó xuất phát từ tư tưởng xây dựng một trường không gian thẩm mĩ mới, khác. Không gian của những huyền thoại hiện đại.
Ở đây, ta đọc thấy một sự nhập thân cao độ, gần như tuyệt đối của nhà thơ trong thế giới và không khí nghi lễ do chính ông tạo nên – vai trò người truyền ngôn mặc khải. Theo đó, giọng chủ âm trong thơ Nguyễn Quang Thiều là giọng xướng ngôn, tụng ca mê đắm, trang trọng. Giọng điệu này gắn liền với sự hiện diện trực tiếp của chủ thể trữ tình, của một cái tôi mơ mộng và hướng thượng, trong những tư thế trữ tình nồng nàn, thống thiết. Âm thanh của giọng điệu ấy, đặc biệt trong những bài thơ dài, mang hơi hướng trường ca, đã được “kích âm” tuyệt đối, mang tầm vóc lớn lao, cao cả, gần như siêu linh:
Người đang đi. Kìa! Người đang đến/ Con đường Người không thay đổi, không mở đầu, không kết thúc/ Người đang đến. Người đang trở về/ Con đường tinh kết. Con đường lan tỏa/ Chúng tôi thấy Người trong Một và trong Vô vàn. Đâu cũng con đường… trong huyết, trong cốt/ Trong cỏ cây, trong đất, trong nước và gió/ và trong những biên giới của hư vô chưa sinh nở con đường (Nhịp điệu châu thổ mới)
Tâm thế “hành lễ” này hoàn toàn không phải xuất phát từ những ảo giác ngây thơ, ngược lại, nó xuất phát từ một lựa chọn xác tín, quyết liệt. Nhà thơ dường như thấy không cần phải bận tâm nhiều về những vướng víu cảm giác có thể gây ra khi ông “nhập vai” này trong thơ, ông tin và ông muốn làm độc giả tuyệt đối tin vào vẻ đẹp của thế giới linh thánh mà ông đang toàn tâm hướng về. Thực chất, đấy không phải một thế giới mộng ảo xa lạ, đối lập với cuộc đời thực tại, mà chính là thực tại được lắng nghe, tri nhận từ một cái tai khác. Nhà thơ chú trọng việc phơi mở, giãi bày tận độ xúc cảm, tư tưởng hơn là chú ý tới việc giãi phẫu nội tâm tinh vi thấu tỏ, thậm chí dường như ông còn cố gắng mờ hóa những khía cạnh sắc lạnh của sự phân tích lý tính để làm nổi trội hơn tiếng nói mơ hồ của trực giác, tâm linh. Nhiệt hứng tinh thần mãnh liệt này sẽ truyền lan niềm hứng cảm say mê gần như tôn giáo và trong đó, cái Đẹp, cái Cao cả chính là Chúa Trời, nhà thơ là linh mục, người truyền giáo, người lĩnh xướng bản đồng ca nghi lễ, và độc giả sẽ là những con chiên ngắm nguyện nhiệt thành. Có lẽ bởi vậy nên Nguyễn Quang Thiều đặc biệt chú ý nhấn mạnh giọng điệu chủ thể. Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất Tôi (với các biến thể như anh, em, con…) xuất hiện với một tần số rất cao (chỉ riêng trong bài Sông Đáy, từ “tôi” xuất hiện đến 18 lần!). Thơ ông cũng xuất hiện nhiều lời than, tiếng gọi, nhiều định ngữ mô tả trạng thái, tính chất kèm theo danh từ chỉ sự vật tạo nên những sắc thái cảm xúc lồ lộ…
Quả thực, hiếm có nhà thơ đương đại nào tạo được cảm giác nhập thân, nhập cảm mãnh liệt vào thế giới thơ và khả năng “thôi miên” lạ lùng độc giả trong thế giới ảo của mình như Nguyễn Quang Thiều. Điều này khiến tôi nghĩ đến một tác giả Thơ mới, khác Nguyễn Quang Thiều về nhiều mặt song lại rất gần ông ở điểm này – Hàn Mặc Tử.
6. Trên thực tế, “âm thanh của trí tưởng tượng” vang vọng trên khắp không gian thơ Nguyễn Quang Thiều. Chỉ cần một thao tác thống kê đơn giản theo trật tự sắp xếp văn bản của tuyển thơ sẽ thấy ngay điều này: Lễ tạ, Bầy chó của tôi, Bài hát, Hòa âm của những đa bào, Gọi hồn, Con bống đen đẻ trứng, Nhịp điệu châu thổ mới, Đoản ca về buổi tối, Bài ca những con chim đêm, Hồi tưởng, Nhân chứng của một cái chết, Cây ánh sáng… Do giới hạn của bài viết, tôi chỉ tập trung vào Hồi tưởng để phân tích cụ thể hơn về thi pháp thơ Nguyễn Quang Thiều.
Về dung lượng, Hồi tưởng khá dài: 15 trang (từ trang 212 đến trang 227). Đấy là sự hồi tưởng theo thời gian, gắn với thứ tự các tháng trong năm. Riêng nhìn trên cách tổ chức văn bản, có thể thấy ngay từ đầu ý tưởng thơ đã bị “gò” theo cái khuôn có sẵn (ở đây là khuôn thời gian 12 tháng/ năm). Cái khung lập tứ là khá rõ và có phần cứng nhắc, nó tạo áp lực buộc nhà thơ phải tìm kiếm các mảnh ghép hồi ức tương thích. Nhà thơ không thể ỷ lại cho sự ngẫu hứng, ông buộc phải suy tính, lựa chọn, sắp xếp. Cái khó là đây: Làm sao để vừa đảm bảo tính chặt chẽ trong cấu tứ mà vẫn không bị lộ tính “sắp xếp”, vẫn phải đảm bảo tính thơ?
Hãy quan sát cách nhà thơ lựa chọn, tổ chức các chi tiết, hình ảnh hồi tưởng. Chúng phải vừa gắn liền với ký ức cá nhân tác giả, với những trải nghiệm riêng tư, sâu kín, đồng thời, phải có khả năng khêu gợi và đánh thức được những vỉa tầng ký ức văn hóa rộng lớn hơn. Nghĩa là những hình ảnh trí nhớ ấy phải đạt tới sức mạnh của biểu tượng. Thế nên, gắn với mốc hồi tưởng từng tháng là những nhát cắt ký ức tưởng chừng ngẫu nhiên song thực chất là đã được lựa chọn và tổ chức lại bởi nhiều thao tác của lý trí và của cả trực giác, vô thức (trên thực tế, các “thao tác” này có thể diễn ra rất nhanh). Tháng Giêng – Hồi tưởng về mùa xuân: Trong chiếu chăn ẩm ướt/ Mơ con đường tràn hoa tầm xuân/ Chạy qua nghĩa địa…; Tháng Hai – Hồi tưởng về người bà ốm đau: Tháng sực nức mùi thuốc bắc; góc buồng ẩm mốc, tiếng ho vỡ đờm trong cổ họng … Tháng Ba – Hồi tưởng về nơi nhà thơ sinh ra: mơ thấy ngôi nhà/ treo đầy tã lót… Tháng Tư – Hồi tưởng về mùa hoa loa kèn, những cây kèn bị lãng quên trong bóng tối cánh đồng… Một số biểu tượng có vẻ khá quen thuộc, chẳng hạn hoa tầm xuân tháng giêng; hoa loa kèn tháng tư, mùa thị chín tháng tám… Không thể phủ nhận là ở đây có sự gặp gỡ giữa ký ức cá nhân nhà thơ với ký ức văn hóa – tâm linh chung của cộng đồng Việt, và điều này tự nó đã tạo nên một sự lây lan cộng hưởng cảm xúc khá tự nhiên.
Nguyễn Quang Thiều đặc biệt chú ý đến cách tổ chức ngôn ngữ, hình ảnh theo lối cảm giác hóa. Trước hết, ông sử dụng nhiều tính từ mô tả nhằm cá biệt hóa những trạng thái cảm giác của/ về sự vật: Chiếu chăn ẩm ướt, con đường tràn hoa tầm xuân, ngón tay xanh nhợt mép giường, một giọng nói sợ hãi, một bệnh nhân nhợt nhạt, cây thị vàng rũ rượi… Ông cũng thường khai thác những cảm giác cá nhân, thông qua việc tái hiện những chi tiết trải nghiệm đặc biệt riêng tư, dùng chúng để kích thích và gợi dậy một sự tương đồng cảm giác về sự vật, chẳng hạn hình ảnh “Người hàng xóm góa chồng/ trở về từ nghĩa địa/ Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ của mình” vào tháng Giêng; mùi thuốc bắc “sực nức” cùng hình ảnh “cha tôi mang tóc bà tôi chôn xuống cánh đồng” và “tôi trốn bà ra khóc tóc bà tôi” vào tháng Hai; cảm giác “rũ rượi”, “mê sảng”, “ốm đau” trong hoàng hôn tháng Tám (ta có thể thấy rõ điều này khi đọc thêm tản văn và tùy bút của tác giả). Bất chấp hệ quả dài dòng, rườm lời, nhà thơ thường xuyên sử dụng nhiều chi tiết kể, tả, liên tưởng, so sánh… để khắc họa đối tượng, nhiều khi hết sức chậm rãi, khách quan, chi tiết: Những chùm bạch đơn bị kích động bởi hơi nóng/ Chầm chậm duỗi mở những cánh và vươn dài/ Một bệnh nhân nhợt nhạt đi qua và khuất sau bụi cây/ Như thể những chùm hoa vừa tóm lấy, nuốt chửng… Để tạo nên một ấn tượng cảm giác nổi bật hơn, “dài hơi” hơn, ông sử dụng cả yếu tố cốt truyện, với nhiều tình tiết giả tưởng, tưởng tượng. Chẳng hạn Hồi tưởng tháng Ba là câu chuyện kể về người mẹ “viêm đại tràng mãn tính” hai mươi năm thường “chập chờn” mơ thấy “ngôi nhà/ treo đầy tã lót” nhưng không sao nhớ được đường tìm đến nơi đã sinh con. Nhà thơ đã đi tìm ngôi nhà ấy, song chỉ thấy những hình ảnh đầy kỳ dị, lạ lùng, như trong mơ (vì sự thực là ông đang… mơ): “bạt ngàn nhà hộ sinh/ những tấm tã lót/ Phơi rợp bầu trời/ Xếp dọc mọi nẻo đường/ Những bọc trẻ sơ sinh đánh số”… Kết thúc hồi ức tháng Ba là một hình dung đầy thi vị về sự quên lãng, được gợi ý từ câu chuyện cổ Alibaba và bốn mươi tên cướp của chúng ta ngày thơ bé: Để chống lại sự tò mò/ Của chúng ta/ Vào buổi tối/ Khi chúng ta chợp mắt/ Có người đi quét vôi tất cả những ngôi nhà…  
12 tháng trong năm là mười hai cột bia được cắm lên để chỉ dẫn bước chân hồi ức. Song để đánh thức ký ức thực sự của thi ca, nhà thơ cần nhiều hơn thế. Và vậy là đã đến lúc trực giác, tiềm thức, tâm linh “cất tiếng”. Và ấy cũng là lúc bản năng thơ sung mãn của Nguyễn Quang Thiều được phát lộ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều hình ảnh thơ xuất hiện như không theo một sự cài cắm, sắp xếp có chủ ý nào, chúng cứ thế mà bật lên trong những đớn đau, ẩn ức âm u bời rối của con người. Thế nên xuất hiện rất nhiều những ảo giác, ảo ảnh “chập chờn” hư thực: Cỏ mộ tóc tốt tươi trong bóng tối; Ngôi nhà trắng chập chờn/ Giữa những ngôi nhà trắng; Mọi con đường tháng tư biến mất, chỉ còn lại một/ Tôi đứng trên con đường này và quanh tôi bạt ngàn những cây kèn cô đơn; Trong ánh trăng buốt lạnh vọng về tiếng gọi/ Một cái bóng lướt trên những luống cây khô trắng cánh đồng/ Vừa xa lạ, vừa thân quen, vừa xua đuổi vừa cố nhớ/ Ánh trăng như đóng băng, cái bóng dừng lại, nhìn về… Nhiều phân khúc hồi tưởng chính là những giấc mơ: Hồi tưởng tháng Ba, Hồi tưởng tháng Tư, Hồi tưởng tháng Sáu, Hồi tưởng tháng Bảy... Nhà thơ tìm kiếm quá khứ, gia đình, tuổi thơ, lịch sử của đời sống và sự tồn tại bản thể qua những giấc mơ u tối, miên man, ứ đầy những cảm giác và cảm xúc trái ngược. Nhưng thế giới của quá khứ và hoài niệm ấy vẫn chủ yếu được tri nhận bởi một giác quan khác thường: những cái tai sợ hãi/ rụt rè nhô lên… Có lẽ bởi vậy nên Hồi tưởng vẫn là thế giới của những âm thanh và cảm giác siêu thực, mơ hồ: Cây đèn của ký ức ốm đau cạn dầu và sợ bấc/ Bò đến sát tai tôi nức nở nguyện cầu; Một giọng nói sợ hãi vừa được nhắc lại/ Trong ngôi nhà đầy bóng tối tháng năm/ Em mang về những bông hoa từ cánh đồng xa lắc/ Tiếng nước đổ vào bình gốm vang lên nức nở đều đều; Bầy dơi xòe những đôi cánh không lông vũ bay về và kêu rít lên/ Hương thị lượn lờ, thều thào giọng nói/ Những con dơi say thị trên cành từng búi/ Tôi thấy ốm đau tràn ngập khu vườn… 
Thoạt nhìn, so với nhiều bài thơ khác, chẳng hạn Nhịp điệu châu thổ mới, Bài ca những con chim đêm, Nhân chứng của một cái chết, Cây ánh sáng… có vẻ ý tưởng của Hồi tưởng không tập trung bằng; những hình ảnh liên tưởng cũng như tản mác, rời rạc hơn. Song theo tôi, đó chính là một biểu hiện hấp dẫn khác của tác phẩm, ấy là tồn tại thực tế của hồi tưởng, nó lên tiếng bằng cách của riêng nó –Con đường trong ngôn ngữ của trí tưởng tượng giữa bóng tối. Bằng thứ ngôn ngữ ấy, nó đồng thời có thể tái hiện hiện thực nội tâm một cách trung thành và sống động nhất (tất nhiên, hiệu quả này  trong các phân khúc Hồi tưởng không hoàn toàn như nhau). Xin nói thêm, thực chất thơ Nguyễn Quang Thiều rất giàu tính luận đề. Ở những bài thơ thành công của ông, luận đề thường được diễn tả bằng/ qua một thứ ngôn ngữ  giàu hình ảnh và cảm giác. Có lẽ qua Hồi tưởng, một lần nữa, ta nhận ra nét quen thuộc ở ngôn ngữ thơ Nguyễn Quang Thiều: rậm lời nhưng giàu ám dụ, giàu cảm giác.  
7. So với quan niệm phổ biến trong văn học cách mạng trước 1975, (vốn đặc biệt nhấn mạnh chức năng tuyên truyền chính trị của thơ và nghệ thuật nói chung), thì việc đề cao chức năng thẩm mĩ của thơ, coi trọng sự sáng tạo cá nhân, vẻ đẹp của cảm xúc, trực giác và trí tưởng tượng phóng túng quả là một sự thay đổi quan niệm đầy ý nghĩa. Tất nhiên, nhấn mạnh giá trị và vẻ đẹp của thế giới được tạo nên bởi trí tưởng tượng hoàn toàn không có nghĩa nhà thơ chỉ biết thu mình trong “tháp ngà” nội tâm. Nếu đọc kỹ hơn, sẽ thấy những vấn đề của hiện thực đời sống đương đại không hoàn toàn vắng mặt trong thơ Nguyễn Quang Thiều, từ nỗi đau chia cắt quốc gia, dân tộc, sắc tộc trong Cơn mê, Chuyển dịch màu đen, Trong tiếng súng bắn tỉa, Cầu nguyện ở thánh đường Thomas More… hay những ám ảnh kinh sợ về một đời sống đô thị hiện đại đang bị băng hoại bởi sự vô cảm và phi nhân tính trong Con bống đen đẻ trứng, Bầy chó của tôi, Bầy kiến qua bàn tiệc, Đoản ca về buổi tối, Bức thư đề ngày 25 tháng 12… Dẫu vậy, khi coi thơ như “Bản tuyên ngôn của cơn mơ” hay “Trò chơi của ảo giác”, những đường nét sắc lạnh thực tế của đời sống xã hội đương đại mà nhà thơ đang trực tiếp tham dự và đối mặt nhiều khi chỉ còn là những ánh xạ quá đỗi mơ hồ.
Dù luôn thể hiện một ý thức và tư tưởng sáng tạo hiện đại, song điều Nguyễn Quang Thiều quan tâm trước nhất có lẽ không phải là việc thực hành các kỹ thuật viết tân kỳ mà là vấn đề trình hiện tiếng nói tinh thần chủ thể trong thơ. Chủ thể tính mê đắm, nồng nhiệt hằn trên mỗi trang ông viết biến mọi hiện thực của đời sống trở thành hiện thực nội tâm, của xúc cảm và suy tưởng. Đó là lý do vì sao, như một số tác giả đã nhận xét, dù thơ ông có vẻ ngoài “Tây quá” nhưng cái cốt lõi chi phối bên trong vẫn là tinh thần, phẩm tính lãng mạn chủ nghĩa. Trường lực thẩm mỹ này vừa có thể tạo nên sức hút mãnh liệt nhưng ngược lại, cũng (và trên thực tế là đã) gây ra lực đẩy gay gắt trong tiếp nhận. Việc thường xuyên đẩy cái tôi lên bình diện thứ nhất trên văn bản nhằm tô đậm tiếng nói chủ thể kéo theo hệ quả là sự rườm lời và hạn chế độ ám gợi cần thiết. Mặt khác, với một số độc giả (bởi nhiều lý do, nằm ngoài lực hấp dẫn này), sự nhập thân, nhập hồn tuyệt đối của cái tôi trữ tình ấy có khi lại chính là điều đầu tiên đem lại cảm giác “sến”/ thái quá/xa lạ/ khó chia sẻ. Tính tập trung cao độ của những phát ngôn long trọng, sự thiếu vắng yếu tố hài hước, giễu nhại, cũng gây ra cảm giác đơn điệu, khiến ngay cả người đọc trung thành, bị “vây bủa” trong trường giọng ấy, bỗng thèm cảm giác thay đổi… Thực ra, có lẽ không phải Nguyễn Quang Thiều không ý thức về những điều nói trên. Ngược lại, dường như đấy là một sự lựa chọn có chủ ý của tác giả nhằm đẩy đến cùng một hướng đi, một lối viết. Không khó để nhận thấy càng ngày thơ ông càng “rậm lời” hơn, “thách thức” hơn, văn bản càng thêm tãi rộng bởi những câu thơ văn xuôi lổn nhổn, rườm rà, không thèm thu gọn lại… Tuy nhiên, trừ khi nhà thơ chỉ viết cho độc giả duy nhất là bản thân, còn nếu không, việc mải miết chìm đắm trong cảm giác của cá nhân sẽ khiến ông bỏ mất đi nhiều cơ hội tương tác với độc giả. Nhất là trong hoàn cảnh tiếp nhận hiện đại, khi người đọc, phần lớn cũng “vội vàng” như chính đời sống của họ, hẳn sẽ rất sốt ruột khi phải lọc lựa thông tin (dù là những thông tin nội tâm, cảm giác ấn tượng) giữa một bể ngôn từ hoang dại. Bên cạnh đó, cảm giác thơ - một yếu tính của thi ca, cũng là thế mạnh vốn có ở ngòi bút Nguyễn Quang Thiều, có thể dễ dàng tan loãng nếu thường xuyên bị “dìm” trong những tổ hợp từ ngữ rườm rà, thiếu sự chọn lựa, tinh tỉa. Sự thật là thơ luôn cần một độ gọn và sáng nhất định.
Đặt trong bối cảnh thơ Việt những năm hậu chiến và đầu Đổi mới, Nguyễn Quang Thiều đã thực sự tạo nên một cuộc bung phá quyết liệt trong tư duy sáng tạo. Nhà thơ đã “gọi tên linh hồn đất/ Bằng cách gieo âm tiết của riêng mình”. Và khi ông cất giọng, trường lực của tiếng thơ “khàn và vang dội” ấy (theo cách ông nói về J. Brodsky) thực sự đã tạo nên một tiếng rền mạnh mẽ trên thi đàn thơ Việt đương đại.
Tài liệu tham khảo:
1. Nhiều tác giả (2012), Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, Nxb Hội nhà văn.
2. Trần Mạnh Hảo (1997), Thơ phản thơ, Nxb Văn học.
Vinh, 3/2015
Lê Hồ Quang
Nguồn: Bản tác giả gửi Phê bình văn học.
Theo https://phebinhvanhoc.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...