Sinh - Lão - Bệnh - Tử
Bệnh là một hiện tượng hiển nhiên trong cuộc đời. Có mang
thân người là có bệnh. Mỗi chúng ta có thể trải qua một hay nhiều lần bệnh,
không lúc này thì khi khác, không nặng thì nhẹ. Nếu người nào, đến giây phút
này vẫn chưa một lần bệnh thì đó là một hạnh phúc lớn. Nhưng ít ra, người đó
cũng chứng kiến người thân của mình bị bệnh và biết chắc rằng, đến một lúc nào
đó, mình có thể bị bệnh. Do đó, bệnh là một hiện tượng rất gần gũi với con người
mà chúng ta ít nhiều đều có kinh nghiệm, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nói đến
bệnh, ai cũng có thể nghĩ đến sự đau đớn, khổ sở, khó chịu, buồn bã, âu lo, sợ
hãi và vô số những tâm lý tiêu cực khác. Hễ bệnh là đau. Điều này không ai phủ
nhận. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau (về thân), chúng ta đừng có
khổ (về tâm). Bạn có thể thắc mắc đến ngạc nhiên rằng bệnh làm sao mà không buồn
không khổ? Tôi đã từng thắc mắc như vậy sau vài lần bệnh, nhưng sau đó, thay
vào các thắc mắc là các bài học tự nghiệm ra được. Ở đây, tôi xin chia sẻ với
các bạn một vài phương diện tích cực khi đang bệnh hoặc phải sống chung với bệnh.
1. Bệnh là cơ hội để nhận biết tín
hiệu cơ thể.
Khi chúng ta bị một chứng bệnh
nào đó, chúng ta đừng vội buồn phiền, suy sụp tinh thần, thấy sao mình bất hạnh
so với nhiều người khác. Bệnh là một điều tất yếu một khi chúng ta mang thân
làm người, nên việc nó đến với người này, chưa đến với người khác, chỉ là vấn đề
thời gian mà thôi. Không có gì bất công đâu.
Hãy coi bệnh là cơ hội để mình nhận
được tín hiệu của cơ thể báo cho mình biết có gì đó không ổn trong cơ thể của
mình. Ví dụ, khi nghe tức ngực, bạn biết rằng điều này nhắc bạn cần đến bác sĩ
để khám, và như thế, rất có thể bạn sẽ biết và tránh được hoặc trì hoãn chứng bệnh
mạch vành của tim trước khi mọi việc trở nên quá trễ. Hầu hết các chứng bệnh tiến
triển từ nhẹ đến nặng và có những triệu chứng đi kèm.
Nếu chúng ta biết cách lắng nghe cơ thể để kịp thời nhận được
tín hiệu thay đổi và có phương pháp xử lý phù hợp, chúng ta đã phần nào biết giữ
gìn sức khỏe tốt và đem lại hạnh phúc cho bản thân mình, cho người thân và cho
xã hội. Một số bệnh hiểm nghèo, như ung thư, vẫn có khả năng chữa trị nếu được
phát hiện ở thời kỳ đầu. Các bệnh khác cũng vậy. Do đó, sẽ không có gì đáng buồn
khi chúng ta ‘nghe’ cơ thể không ổn. Thay vào đó, chúng ta nên vui, nếu không
vui nổi thì cũng bình tâm, vì ít ra, mình nhận được tín hiệu mà cơ thể gửi cho
mình. Hơn nữa, qua một lần nhận tín hiệu như thế, chúng ta phát triển khả năng
lắng nghe cơ thể thường xuyên hơn. Nhờ đó, chúng ta biết cách điều chỉnh chế độ
ăn uống và sinh hoạt phù hợp hơn với cơ địa của mình.
2. Bệnh là dấu hiệu cho bạn biết rằng bạn
cần điều chỉnh cho cuộc sống trở nên thoải mái hơn.
Thông thường, khi biết mình bệnh,
chúng ta thường để tâm lý tiêu cực phát sinh. Bản năng sinh tồn thôi thúc con
người muốn sống, nên không bằng lòng khi bệnh đến với mình, thế là tinh thần
suy sụp, sợ hãi nảy sinh. Người nào có tâm lý như thế có nghĩa là đang góp phần
đáng kể vào việc hủy hoại thân thể mình và làm cho bệnh càng trầm trọng mặc dù
có sự can thiệp của các phương pháp trị liệu.
Rất nhiều chứng bệnh và cơn đau phát
sinh do tâm lý căng thẳng. Các bệnh về tim mạch, huyết áp, dạ dày đều có liên
quan đến tình trạng rối loạn tâm lý. Tâm lý không ổn định và mất thăng bằng là
một trong những nguyên nhân rất dễ đưa đến rối loạn các quá trình trao đổi chất
trong cơ thể và gây nên bệnh. Do vậy, khi chúng ta bệnh, chúng ta cần nhận ra rằng
đây là cách mà cơ thể báo cho mình biết rằng tâm trí cần nghỉ ngơi nhiều hơn và
học cách chuyển hóa những căng thẳng hiệu quả hơn. Làm như vậy là giúp cơ thể
nhanh lành bệnh và phòng bệnh về sau một cách hiệu quả.
3. Khi bệnh,
chúng ta thấy nhu cầu chăm sóc tâm thức và đời sống tinh thần trở nên cần thiết
hơn.
Lúc đang mạnh khỏe, chúng ta những tưởng mình là bất tử, nên
việc chăm sóc đời sống nội tâm chưa phải là vấn đề cần thiết lắm. Khi bệnh,
chúng ta mới cảm nhận được cảm giác chơi vơi, trống vắng và sợ hãi. Khi ấy,
chúng ta mới nhận ra rằng cái mình thật sự thiếu là một tinh thần vững chãi, một
nội tâm kiên định để có thể vững vàng trong những tình huống như vậy. Từ đó,
chúng ta học được cách chăm sóc tâm mình.
Thật ra, nhu cầu chăm sóc tâm thức cần
được thực hiện thường xuyên chứ không đợi đến khi bệnh, vì nó cần thiết hơn cả
việc chăm sóc thân thể. Thế nhưng, thông thường, chúng ta ít để ý đến nhu cầu
này nên chưa nhận ra. Do vậy, nhiều người sau khi bị bệnh, thường quay về với đời
sống tâm linh nhiều hơn. Đối với bản thân tôi cũng vậy, bệnh lần đầu tiên, buồn
và nản lắm. Sau đó, thấy tinh thần mình bạc nhược. Như vậy là không được. Khi bệnh
mình bất an thì những người thân thêm lo lắng chứ chẳng được gì. Rồi bệnh lần
sau, tôi biết cách làm cho mình cảm thấy khá hơn và bây giờ, khi mang trong người
căn bệnh mãn tính, tôi học được cách sống chung với bệnh và rút ra được nhiều
kinh nghiệm trong quá trình ‘chung sống’ này để cuộc sống dễ chịu hơn.
Một điều có tính quy luật tôi rút
ra được là lúc nào tâm tôi bình an và ít dao động, tôi có cảm giác ít đau đớn
hơn. Nghĩa là, thân bệnh thì thân ‘đau’, nhưng không vì thân đau mà tâm phải
‘khổ’. Thật ra, khi thân đau, cũng chỉ có một vài bộ phận ở một vài khu vực đau
mà thôi. Sự thổi phồng nỗi đau ra toàn thân và lan đến cả tâm là một căn ‘bệnh’
khác nan giải hơn cả bệnh lâm sàng mình đang mắc phải. Khi nào chúng ta để cái
khổ của tâm gắn với cái đau của thân, cái đau khổ ấy thống thiết và nhức nhối
vô cùng.
Già, bệnh, rồi đến cuối chặng đường của một kiếp người là chết.
Tất cả những hiện tượng tự nhiên này diễn ra không ngừng trong con người và mọi
loài mọi vật. Các giai đoạn (ta tạm gọi như thế, chứ thật ra không có ranh giới
nào) sinh ra, trưởng thành, già cỗi và hư hoại đan xen nhau trải dài trên một
chiếc trục gọi là ‘cuộc sống’ mà một cực là sự sanh ra trên cuộc đời và cực kia
là cái chết. Ở mức độ vi tế hơn, chúng ta cần hiểu rằng trong mỗi tích tắc, bao
nhiêu tế bào trong cơ thể chết đi và bao nhiêu tế bào mới được sinh ra. Thế
nhưng, để ‘thấy’ được sự thay đổi thì cần phải có những biến chuyển cụ thể, rõ
ràng và lớn hơn. Một khi bệnh, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng mình đang ‘chuyển
giai đoạn’.
Ý thức được vô thường giúp chúng ta
ý thức hơn về cách sử dụng và quản lý thời gian của bản thân cũng như điều chỉnh
các mối quan hệ với những người xung quanh để có một cuộc sống ý nghĩa hơn. Chỉ
có những người trải qua cơn bạo bệnh mới hiểu được trọn vẹn sức khỏe tốt là một
thứ tài sản vô giá, để rồi sau đó, họ không phung phí tài sản ấy.
5. Bệnh làm cho chúng ta tăng
trưởng tâm từ bi.
Khi ta bệnh, ta thấu hiểu
nỗi đau của người khác nhiều hơn, nhất là những người mắc bệnh giống mình hoặc
bệnh nặng hơn mình. Người xưa nói ‘đồng bệnh tương lân’ quả không sai. Trong
đau đớn, chúng ta cảm thấy mình không đơn độc chống chọi với căn bệnh này. Nghĩ
đến những người cùng chịu nỗi đau giống mình hoặc hơn mình nữa, chúng ta có thể
dễ dàng trải lòng thương yêu đến cả những người không quen.
Tâm đồng cảm, thấu cảm và chia sẻ với những
người cùng bệnh rất lớn. Nếu chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng tâm lành này, tức là
chúng ta đang nuôi dưỡng tâm từ bi của mình. Nhờ đó, chúng ta sẽ có những động
thái tích cực và thiết thực góp phần giúp người bệnh vơi nhẹ nỗi đau bằng kinh
nghiệm bản thân. Thực tế, khi chứng kiến bệnh tật, thân nhân người bệnh cũng mở
rộng tấm lòng và sự đồng cảm đối với những người bệnh. Các chương trình ‘Ước mơ
của Thúy’, “Nụ cười của Ben’ là những ví dụ sinh động về sự chia sẻ đồng cảm của
những người có người thân từng là bệnh nhân nhi ung thư đối với những em bé có
cùng số phận.
6. Bệnh
giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm khiêm hạ và biết đủ.
Khi bệnh, chúng ta mới sực nhớ ra rằng cuộc đời mình không phải là không có giới
hạn. Giới hạn của con người là lẽ thường xưa nay, nhưng bình thường chúng ta
không ý thức đầy đủ về những giới hạn của mình. Nếu thấy người khác bệnh, chúng
ta cứ tưởng bệnh chỉ đến với người đó mà không đến với mình. Cho đến khi chính
bản thân mình hay người thân bị bệnh như bao người khác, chúng ta mới kịp nhận
ra, ai cũng chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên: đau, già, bệnh và chết.
Ý thức rằng mình không hơn gì người
khác, ít nhất là trong quy luật tự nhiên này, giúp chúng ta bớt đi lòng kiêu
hãnh và trở nên khiêm tốn hơn trong cuộc sống. Qua một lần bệnh, chúng ta có thể
bớt đi lòng tham cầu một cách đáng kể. Qua một lần bệnh, chúng ta có thể biết
cách tổ chức cuộc sống mình hiệu quả hơn và tốt hơn.
7. Bệnh giúp
chúng ta có ý chí và nghị lực hơn.
Ý chí và nghị
lực là kỹ năng sống cần được rèn luyện trong nhiều tình huống khác nhau trong
cuộc sống. Thế thì tại sao mình bỏ qua cơ hội bệnh để rèn luyện kỹ năng này?
Tôi bệnh nhiều lần và tôi nghiệm ra một điều, sau mỗi lẫn bệnh, tôi trở nên mạnh
mẽ hơn, nghị lực hơn và rồi các lần bệnh đến và đi cũng nhẹ nhàng hơn.
Thật
ra, tôi làm được điều này cũng nhờ nghĩ đến cha tôi, một người trở về từ chiến
trường chỉ còn một cánh tay và một chân không bao giờ gấp lại được vì một vết mổ,
dù những năm tháng ở chiến trường, cha tôi chỉ biết cầm kim, dao mổ và ống
chích chứ chưa bao giờ biết cầm súng. Với cánh tay đã mất, cha phải chịu đau đến
ba lần cắt (lần đầu cắt bàn tay, lần thứ hai tháo khớp khủy tay vì nhiễm trùng,
lần thứ ba lại cắt tiếp vì nhiễm trùng nữa). Thế mà cha tôi vẫn vui sống, luôn
tích cực trong suy nghĩ và hành động, truyền nghị lực và sức sống còn lại cho
những đứa con.
Thế
nên mỗi lần đau bệnh, có khi nằm cả tháng trời, có khi đau răng nhức nhối khó
chịu, lúc trật khớp chân mất cả tuần mới đi lại được và hiện tại là cơn đau dai
dẳng đeo đẳng theo tôi từ mấy năm qua, tôi vẫn thấy không thấm vào đâu so với nỗi
đau của cha mình. Nghĩ như thế, tôi vượt qua cơn đau dễ hơn mình tưởng. Cách
nghĩ như vậy là liều thuốc giảm đau hiệu nghiệm nhất đối với bản thân mình.
Trên đây, tôi chia sẻ
những ‘lợi ích’ khi mình bệnh. Nói như vậy không có nghĩa là tôi muốn bản thân
mình hay các bạn, hoặc ai đó bị bệnh. Bệnh là một hiện tượng nằm ngoài ý muốn của
con người. Những điều trên, đơn giản là vài phương pháp mà tôi dùng đến mỗi khi
bệnh. Đó là những phương pháp hỗ trợ các phương tiện trị liệu y khoa, làm cho bệnh
mau lành và giúp người bịnh không hao tổn quá nhiều năng lượng để ‘chống chỏi’
với bệnh. Nếu thấy điều nào phù hợp với mình, các bạn cứ thử áp dụng, tôi tin
là sẽ có hiệu quả. Nguyên tắc chung để chịu đựng và sống chung với bệnh (đối với
các bệnh mãn tính và những thương tật vĩnh viễn do tai nạn) là khi thân đau, đừng
để tâm khổ vì cái đau của thân. Hãy xem bệnh là một ‘vị khách không mời’ và đối
xử lịch sự với ‘nó’. Đừng xua đuổi vì một khi bị xua đuổi, nó sẽ kháng cự. Việc
chúng ta cần làm là tạo một môi trường thích hợp nhất để ‘nó’ tự ra đi. Hãy
buông bỏ, nó sẽ tự ra đi không một lời từ biệt đó các bạn ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét