Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Cách mạng tháng 8.1945 trong tâm tư một số nhà Nho qua thơ văn họ

Cách mạng tháng 8.1945 trong tâm tư 
một số nhà Nho qua thơ văn họ
Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945 và vài ba năm tiếp theo, các nhà khoa bảng thời lều chõng những nhà nho uyên bác có lòng yêu nước nồng nàn không kể chính giới, chính kiến khác nhau đều được quy tụ dưới lá cờ đỏ sao vàng, dưới uy tín về chính sách dùng người của Hồ Chủ tịch. Trong số đó phải kể đến các cụ: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Đinh Chương Dương, Bùi Kỷ, Võ Liêm Sơn. Các cụ này ít nhiều đã có thơ xướng họa với Hồ Chủ tịch. Song còn rất nhiều các nhà Nho nơi thôn dã mà trình độ học vấn, lòng yêu nước của họ không thua kém ai. Thơ văn một số cụ mà chúng tôi sưu tập được đã phản ánh sinh động nỗi niềm và lòng tin của họ vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc đang thời trứng nước. Do điều kiện tuổi tác và sức khỏe, các cụ hồi bấy giờ phần nhiều không thể thi thố tài năng bằng cách lên đường đi cứu nước. Có cụ đang nằm trên giường bệnh, khi cách mạng thành công cũng bật dậy viết những bài “thời cảm” đầy sảng khoái. Nay đọc lại những bài thơ ấy, chúng ta không khỏi cảm động, không chỉ cảm thương cuộc đời lận đận vì nước vì dân của các cụ mà chưa toại chí thanh vân. Nó còn là một bảng niên giám phản ánh những suy tư trước thời đại mới của lớp nhà nho thời lều chõng mà những người làm văn học sử giai đoạn giáp ranh này không thể không lưu tâm.
Sau đây là những minh chứng:
Thời cảm ngẫu hứng
Bài 1
Độc lập cơ quan diệu nhược thần,
Giải huyền chửng nịch cứu ngô dân.
Tự hữu anh hùng tạo thời thế,
Toàn bằng chiến sĩ lập công huân.
Do đa quốc thủ trù hương sách,
Thả hướng giang đấu bạn ẩn luân.
Lô vĩ hoa gian tọa điếu tẩu,
Nhất xoa phong nguyệt triển duyên luân.
Dịch xuôi:
Nền độc lập là then khóa kỳ diệu như thần,
Cởi người bị treo, vớt người chết đuối để cứu dân ta.
Đất nước từ khi có người anh hùng xoay lại thời cuộc,
Là nhờ có chiến sĩ lập nên công lao.
Còn nhiều nhân tài tầm cỡ để bàn mưu kế hay,
Đã tạm lui về chốn mom sông làm kẻ nhàn nhã,
Giữa đám hoa lau lách làm ông già câu cá,
Với bầu gió trăng cởi bỏ sự ràng buộc cũ.
Bài 2
Quốc vận long hưng đại cục thành,
Lư diêm trùng điểu cấm vô thanh.
Quân dân nhất thể tiêu cường địch,
Nhật nguyệt trùng quang ngưỡng Chí Minh.
Lô Tản sơn hà hân tái tạo,
Tiên long miêu duệ úy tam sinh.
Thái hòa sạ tỉnh Lư Chu mộng,
Bạch thủ phù lê thượng lộ hành.
Dịch xuôi:
Vận nước thịnh trị, đại cục đã thành,
Trong thôn xóm nhân dân im bặt tiếng kêu than.
Quân dân đoàn kết đánh tan giặc mạnh,
Mặt trời, mặt trăng lồng sáng, (nhân dân) ngưỡng mộ cụ Hồ Chí Minh.
Non sông Lô Tản nay mừng được xây dựng lại,
Giống nòi Rồng Tiên được yên vui cuộc sống.
Đời thanh bình chợt tỉnh mộng Lư Chu,
Đầu bạc cũng chống gậy lên đường giúp nước.
Bài 3
Nhật xuất đông phương chiếu Hán thư,
Hà dương xử sĩ tiếu vô lư.
Trì khu trí lực tê Hồ mã,
Dịch thuật vô tài quý đố ngư.
Lộ thượng thanh vân giai tuấn tú,
Sàng đầu hoàng quyển tự kê cư.
Luyện đan thí tự tầm tiên phẩm,
Cảm vị đa văn phú ngũ xa!
Dịch xuôi:
Phương đông mặt trời mọc soi vào chồng sử sách,
Người xử sĩ ở bên sông cười mình không có nhà.
Bao năm rong ruổi hết sức, ngựa Hồ gào rát cổ,
Không có tài sắp đặt sự việc, thẹn với con mọt sách.
Trên đường người cao sang đều là những bậc tài tuấn,
Nhà nho với quyển sách bìa vàng ở đầu giường.
Thử luyện đan tựa như tìm thuốc tiên,
Đâu dám nói học rộng những năm xe sách!
Ba bài này tác giả viết vào trang bìa giữa Quyển 1 và Quyển 2 cuốn Cổ văn quan chỉ. Tác giả không ghi tên, ta chỉ biết ông là bạn của cụ Nguyễn Công Chuẩn (1885 - 1956). Bấy giờ (8/1945) cụ Chuẩn đang làm Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Qua ba bài, tác giả ca ngợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 kỳ diệu như thần và thấy nhân tài của đất nước xuất hiện rất nhiều. Liên hệ với mình, vậy thì ta lui về nơi mom sông làm một ẩn sĩ chăng? Làm một ông già trong đám hoa lau lách ngồi câu, lấy trăng gió làm bạn, sống một cuộc sống tự do? Ca ngợi Cách mạng nhưng chưa dám nhập cuộc.
Đến bài 2 và 3 thì tư tưởng tác giả đã tiến triển theo hướng tích cực. Đã tỉnh mộng Lư Chu (Phải chăng là Lư Sinh người nước Yên, thời Tần Thủy Hoàng nhận mệnh lệnh xuống biển tìm thuốc tiên không kết quả bèn trốn mất tích?), dù tuổi đã già vẫn chống gậy lên đường, cùng con cháu làm nhiệm vụ giúp nước hợp theo với khả năng của mình.
Tác giả tự soát xét lại mình, trước đây ta cũng từng hoạt động, từng rong ruổi. Chữ “Tê Hồ mã” dùng rất hay, do câu thơ cổ: “Việt điểu sào nam chi, Hồ mã tê bắc phong”, Chim Việt (gốc phương Nam) chọn cành phía Nam để làm tổ; ngựa Hồ (gốc phương Bắc) hí lên mỗi khi gió Bắc thổi, ý nói tác giả đi theo Cách mạng là chuyện hết sức tự nhiên.
Tác giả tự khiêm không có tài dịch thuật. “Dịch thuật” ở đây không có nghĩa là “dịch sách” mà là tài tổ chức, chỉ huy, sắp đặt công việc quốc kế dân sinh, vì vậy mà thẹn với con mọt sách. Thực tế là thẹn với sách vở, với cổ nhân. Vậy thì ta, kẻ nho sĩ này, với quyển sách bìa vàng ở đầu giường luôn tự nghiên cứu, nghiền ngẫm. “Hoàng quyển” còn có thể hiểu là sách Nội kinh của Hoàng Đế. Nay Cách mạng đã nổ ra muốn tìm đến giúp. Đó là ý bóng của câu “Luyện đan thí tự tầm tiên phẩm” (Thử luyện đan tựa như tìm thuốc tiên). Thuốc tiên đây chính là nền độc lập của Tổ quốc sau 80 năm dài nô lệ, nay dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng quần chúng cách mạng đã giành được chính quyền về tay nhân dân, như cởi người bị treo cổ, vớt người bị chết đuối.
Nay đọc lại những bài này vừa thấy nhớ vừa thấy thương tác giả và cũng là dịp cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử và tầm vóc có tính quốc tế của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại.
Bài Cảm hứng của cụ Đặng Xuân Viện (1880 - 1958) (1) người làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định viết vào dịp đầu xuân năm 1946 lại ngụ một ý vị vừa hồ hởi vừa kín đáo:
Thanh niên thời đại hỷ vi nhi,
Kỳ nại niên hoa giới cổ hy.
Lão nhãn tằng kinh tang hải biến,
Thâm hoài chỉ hứa thụ vân tri.
Cửu tàng trọng bảo tồn gia thặng,
Độc lập tiên phong khán quốc kỳ.
Liệu đắc xuân lai hoa hủy hảo,
Giang sơn trùng hoán cựu tu my.
Dịch xuôi:
Thanh niên thời đại (ngày nay) mừng được làm trai,
Có sá chi tuổi tác đã tới tuần bảy mươi.
Đôi mắt già đã từng qua bao phen dâu bể,
Đáy lòng ta chỉ có cây cối và trời mây biết.
Gia phả quý lâu đời cất giữ vẫn còn,
Nền độc lập là tiên phong được ngắm nhìn lá quốc kỳ.
Mùa xuân đến hoa cỏ sẽ tốt tươi,
Non sông này đã đổi mới bộ mặt xưa.
Dịch thơ:
Xuân xanh mừng phận được làm trai,
Nào quản chi tuần tới bảy mươi.
Đôi mắt đã từng bao biến đổi,
Tấm lòng mong mỏi gặp hiền tài.
Nhà còn gia phả lâu đời quý,
Nước có quốc kỳ độc lập vui.
Mong đến xuân sang hoa nở thắm,
Cùng non sông đổi mới đua tươi!
Dịch thể lục bát:
Thanh xuân mừng được làm trai,
Kể chi lứa tuổi bảy mươi là già.
Mắt từng dâu bể phôi pha,
Lòng riêng mong mỏi thiết tha hiền tài.
Quý thay gia phả lâu đời,
Quốc kỳ độc lập rợp trời tung bay.
Xuân về sắc thắm hương say,
Non sông cùng với cỏ cây rạng ngời.
Cụ Đinh Chương Dương quê Thanh Hóa, là một trong những nhà Cách mạng tiền bối của nước ta. Năm 1950 tôi đến thăm cụ ở Mả Hùm huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bấy giờ cụ đã già yếu lắm nhưng tinh thần vẫn tươi vui, minh mẫn. Cụ biết tôi là con cháu gia đình ở nhà số 7 phố Bến Ngự, Nam Định nơi cụ đã gặp đồng chí Lê Hồng Sơn năm 1925 để tìm chọn những thanh niên trí thức yêu nước đưa sang Quảng Châu để dự lớp huấn luyện chính trị đặc biệt do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc tổ chức. Dạo ấy cụ đọc cho nghe một số bài thơ cụ sáng tác, nay chỉ còn nhớ được bài Tản cư sau đây:
Tản cư đến ở giữa rừng xanh,
Chỉ có non sông mới có mình.
Mười mặt um tùm cây đắp lũy,
Bốn phương lai láng nước xây thành.
Bi boong hồi giục cồng xua thú,
Bí bốp khua chừng mõ khắc canh.
Thấp thoáng đèn khuya mưa bốn vách,
Chuyện nhà, việc nước nghĩ loanh quanh.
Đời không ta thiếu có ta thừa,
Quyển sách cầm tay giấc ngủ trưa.
Danh lợi mặc đời cơn gió thoảng,
Áo quần tươm tướp xuống màu dưa.
Ngại đi nên bạn luôn hò hẹn,
Hay tắm cho lòng sạch bụi nhơ.
Kháng chiến bền gan hẳn thắng lợi,
Rừng xanh núi thẳm khách ngâm thơ.
Trong bài thơ ngũ ngôn dài 44 câu gửi bạn tâm khế Vũ Cánh Sinh, Trúc Khê Ngô Văn Triện (2) giãi bày tâm sự mang màu sắc của sự phản tỉnh. Bài thơ trang nhã, thành thực với chính mình, với tri âm tri kỷ. Cảnh quan trong thơ dù là mấy nét chấm phá cũng gợi cho người đọc hôm nay cảm nhận được sự gian khổ hy sinh và quyết tâm của toàn dân chống xâm lược lớn lao và sắt đá như thế nào!
Sau đây là phần phiên âm và dịch thơ bài Ký lão tâm khế Vũ Cánh Sinh của Ngô Văn Triện:
Phiên âm:
Ký lão tâm khế Vũ Cánh Sinh
1. Tương vi duyệt ngũ nguyệt,
Bồi hồi Vũ Cánh Sinh.http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gif
Quốc vận tao truân kiển,
Thân cố các phiêu linh.
5. Công cư Hát Giang lục,
Ngã ẩn Tản Sơn thanh.
Địch quân lũ khủng bố,
Khởi cư vô nhật ninh.
Đỗ Lăng thi đoạn tục,
10. Vương Xán lệ tung hoành.http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gif
Sinh kế các nhật bách,
Khả tưởng tiến tiền trình.
Nại sự thế tiện thử,
Như dục đáo chiến chinh.
15. Duy hữu tự chất lệ,
Toàn dân lâm lỗ đình!
Chiến sự tất yếu phát,
Võ công tất yếu thành.
Duy tư tạ thời nhật,
20. Dân thụ đại hy sinh.
Ngô bối tiền hứa thời,
Hữu chí sự vô thành.
Điều kiện vị sinh bị,
Cam nhận bất tài danh.
25. Tế thử phong lôi vận,
Dũng dược nan dung hình.http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gif
Kham tích khí lực suy,

Tùy lực hiệu vi khinh.http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gif
Hậu phương tiến thoái độn,
30. Nan vi kiến mã hành.
Ức công sở vị nhân,
Bất dữ thế tương tranh.http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gif
Trí tiết linh nhân kính,
Phong độ linh nhân khuynh.
35. Thất nội thường lũ không,
Thần thái nhưng ôn bình.
Vong niên kết bạn tốt,
Ngã hạnh thiệp Lan Đình.
Quan hà viễn âm tín,
40. Vân thủy hạt thăng bình.
Kiền lai anh bệnh tháp,
Lũ huống dữ huỳnh huỳnh.
Tư công nhật cánh thiết,
44. Hồng tiện thái tường trình! (Đinh Hợi thu)
Dịch thơ

Gửi bạn già tâm đắc Vũ Cánh Sinh (3)
(Tác giả Ngô Văn Triện tự dịch)
1. Cách nhau vừa 5 tháng,
Càng nhớ Vũ Cánh Sinh.
Vận nước gặp truân kiển,
Thân cố đều phiêu linh.http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gif
Đỗ Lăng (4) thơ đứt nối,
5. Ông ở dòng Hát biếc,
Tôi ẩn Tản Sơn xanh.
Quân địch thường khủng bố,
Ăn ở không yên lành.http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gif
10. Vương Xán (5) lệ tung hoành.
Sinh kế dần quẫn bách,
Tưởng tượng thấy tiền trình.
Vì sự thế đến thế,
Nếu muốn trốn chiến tranh.
15. Chỉ có tự gông trói,
Toàn dân làm tù binh!
Chiến sự tất phải có,
Võ công tất yếu thành. 
Còn phải trải ngày tháng, 
20. Chịu gắng đại hy sinh. 
Chúng ta lớp người trước, 
Có chí mà không thành.
Mọi sự không đầy đủ, 
Cam chịu bất tài danh.
25. Vận may cơn gió thuận, 
Mừng rỡ khôn dung hình.
Chỉ tiếc tuổi suy kém, 
Tùy lực góp đỉnh đinh. 
Phương sau đành lẽo đẽo.
30. Trông theo cuộc đấu tranh. 
Nhớ ông vốn là người, 
Danh lợi không tranh giành.
Trí tiết khiến người kính,
Phong độ khiến người khuynh. 
35. Nhà trong thường thiếu thốn, 
Thần thái vẫn ôn bình.
Quên tuổi tìm bạn tốt, 
Cùng ta chốn Lan đình (6) 
Quan hà bặt âm tín,40. Mây nước biết bao tình.Từ khi ta phải bệnh,Nhớ bạn những loanh quanh.Nhớ ông càng tha thiết,44. Tin nhạn muốn bay nhanh.Mùa thu năm Đinh Hợi (1947)
CHÚ THÍCH
1- Cụ Đặng Xuân Viện là con thứ tư của Tiến sĩ Hy Long Đặng Xuân Bảng và là thân phụ của cố Chủ tịch Trường Chinh. Cụ Viện vốn dòng dõi Nho học, chịu ảnh hưởng tân học Khang, Lương, không chuyên về cử nghiệp, thiên về tân học, chuyển sang nghiên cứu Việt sử, Việt văn, đề cao tinh thần dân tộc, là người rất có khí phách. Bài thơ của cụ Viện đã được Chủ tịch Trường Chinh xem lại và có sửa một chữ “Kỳ” ở đầu câu thứ hai, trước khi chuyển tới Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh ủy Thái Bình do đồng chí Nguyễn Thanh Vân làm Trưởng ban, ngày 28 - 5 - 1982 - NTĐ.
2- Ngô Văn Triện (? - 1949): hiệu Trúc Khê, người làng Thị Cấm, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Những năm 1928-1929 ông hoạt động trong Việt Nam Quốc dân đảng thời Nguyễn Thái Học; bị bắt giam ở Hà Nội nhân vụ đảng này giết tên Ba Jin của sở mộ phu Ba lăng tháng 3 năm 1929. ít lâu sau ông được tha, từ đó ông chuyên viết và dịch sách. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tản cư lên Ba Vì tỉnh Sơn Tây và mất ở đây vào năm 1949.
3- Vũ Cánh Sinh: tức Vũ Ngọc Thụy (1883-1960) con cụ Vũ Trác (tục gọi Kép Canh). Cụ Trác là Trưởng giáo Đông Kinh nghĩa thục (ĐKNT) (1907), đã từng về Hà Đông diễn thuyết với Hoàng Tăng Bí và Phan Chu Trinh. Nơi diễn thuyết đầu tiên là làng Phương Canh, huyện Hoài Đức (Trần Văn Giàu - Lịch sử cận đại Việt Nam - Nxb. Giáo dục, 1975, tr.227).
Vũ Ngọc Thụy là hội viên ĐKNT, phụ trách cửa hiệu Đồng Lợi Tế ở Vĩnh Yên. Phong trào ĐKNT thất bại, Ngọc Thụy trốn sang Trung Quốc, không bắt liên lạc được với các đồng chí ở hải ngoại, trở về đến biên giới bị Pháp bắt giam bảy năm ở Tuyên Quang. Hết hạn tù, bị quản thúc 5 năm. Thời gian này Ngọc Thụy (Vũ Cánh Sinh) sống ở quê nhà dạy học và làm thuốc. Bạn bè thân cận của Ngọc Thụy có Trúc Khê Ngô Văn Triện, cụ lang Hàm (thân phụ đồng chí Xuân Thủy, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao). Trong kháng chiến, ông tản cư về làng Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây cũ tiếp tục làm nghề dạy học và làm thuốc, sống cuộc đời thanh bạch (Tư liệu trên do ông Vũ Ngọc Kha, con cụ Vũ Ngọc Thụy người xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, trú quán ở Lô A17 - Phòng 6E-17 - khu tập thể Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng cung cấp cho người viết bài này).
4- Đỗ Lăng: tức Đỗ Phủ, nhà thơ lớn đời Đường.
5- Vương Xán: người Cao Bằng nước Ngụy thời Tam Quốc. Ông tên chữ là Trọng Tuyên, là người học rộng, biết nhiều, giỏi về văn học. Sái Ung rất ngạc nhiên về kỳ tài của Vương Xán, thân hành đến mời. Mọi người thấy Vương Xán ít tuổi, nhỏ bé đều lấy làm kinh ngạc. Cuối đời Hán, ông tránh loạn ở Kinh Châu, dựa vào Lưu Biểu. Sau làm quan với Ngụy đến chức Thị Trung - Ông là một trong bảy tài tử đời Kiến An.
6- Lan đình: Nơi Vương Hy Chi, nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Quốc đời Tấn viết bài Lan đình tự cùng đông đảo các bạn bè của ông. Lan đình trở thành biểu tượng chốn hội tụ các nhà văn, các nghệ sĩ tài danh.
Nguyễn Tiến Đoàn
Theo http://www.hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trần Khắc Chung

Trần Khắc Chung Lời mở đầu Thưa quí độc giả, Huyền Trân công chúa là một nhân vật lịch sử có thật mà cũng là một nhân vật đầy ắp huyền tho...