Lên sông Đà nhớ
Tản Đà và Nguyễn Tuân
Tác giả (trái) gặp gỡ nhà thơ “thổ địa” Ngô Kim Đỉnh xuân
2019
tại Việt Trì - thành phố ngã ba sông Đà, sông Lô, sông Hồng
Đầu xuân 2019, chúng tôi có dịp trở về sông Đà - huyết mạch
quan trọng vùng Tây Bắc nước ta. Đây là con sông thiêng của Việt Nam, gắn liền
lịch sử cội nguồn dân tộc với truyền thuyết về thủy tổ Lạc Long Quân - Âu Cơ,
Hùng Vương, thánh Tản Viên Sơn. Sông Đà còn là nguồn cảm hứng lớn lao của nhiều
văn nghệ sĩ, đặc biệt là hai bậc tài danh tiền bối Tản Đà và Nguyễn Tuân sáng
tác những tác phẩm giá trị.
Nói tới sông Đà mọi người hay nghĩ tới thủy điện Hòa Bình,
công trình lớn một thời cả nước hướng về, và gần đây lại có thêm thủy điện Sơn
La, Lai Châu. Không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế, sông Đà còn là địa chỉ văn
hóa gắn liền với sự khai sáng và thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Sông Đà bắt nguồn từ cao nguyên Vân Nam của Trung Quốc chảy
vào địa phận Việt Nam còn có tên gọi sông Bờ hay Đà Giang. Lúc ầm ào ghềnh thác
lúc lượn lờ bãi bồi, sông đi qua các tỉnh thành Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú
Thọ, Hà Nội. Địa hình dọc theo sông Đà chủ yếu núi cao vực thẳm hiểm trở, độ dốc
dòng chảy lớn, lòng sông sâu, đậm chất phù sa. Khi vừa chảy qua khỏi tỉnh Hòa
Bình, sông Đà bị dãy núi Ba Vì chắn ở phía hữu ngạn, phải đổi dòng lao lên phía
bắc chạm chân núi Đá Chông, trước khi hợp với sông Thao và sông Lô tạo thành một
dòng chảy sông Hồng đổ ra biển.
Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình
Lịch sử chống Pháp cho biết năm xưa lãnh tụ khởi nghĩa Nguyễn
Quang Bích từng lập căn cứ địa kháng chiến bên sông Đà. Những vần thơ đầy hào
khí của vị quan yêu nước cũng cất lên từ đây. Và khi đắm mình vào thế giới văn
chương hiện đại thì những trang viết về dòng sông thiêng này của nhà thơ Tản Đà
và nhà văn Nguyễn Tuân gây ấn tượng mạnh trong tâm thức tôi.
Đối với nhà văn Nguyễn Tuân, vùng Tây Bắc xa xôi với sông Đà
kỳ bí vốn quen thuộc với ông từ thời chín năm kháng chiến chống Pháp. Sau khi
hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông cùng một vài đồng nghiệp đã có dịp trở lại nơi
đây bằng chuyến đi thực tế dài ngày vào năm 1958, sống cùng đồng bào các dân tộc
thiểu số, bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân xây dựng cầu đường. Kết quả là
tác phẩm nổi tiếng Sông Đà gồm 15 tùy bút đặc sắc và một bài thơ dang dở
đã được trình làng hai năm sau đó, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo và
tình yêu con người, thiên nhiên, đất nước của bậc tài danh Nguyễn Tuân.
Hơn một năm trước, vào mùa xuân Mậu Tuất 2018, tôi cùng nhà
thơ Nguyễn Quyến, một người sinh trưởng ở Hòa Bình cùng một số bạn bè nương
theo con sông Đà lên “tắm mình” ở vùng non nước Tây Bắc. Hình ảnh bậc thầy Nguyễn
Tuân từ 60 năm trước như thấp thoáng đâu đây. Và những câu văn tài hoa quyến rũ
của ông viết về sông Đà lại hiện lên trong tôi, nhất là tùy bút Người lái
đò sông Đà càng đọc càng lôi cuốn bởi sự phát hiện tinh tế, vẻ đẹp ngôn từ
tôn thêm vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và lãng mạn.
“Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu
tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai
và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Những con chữ của Nguyễn Tuân thật
tinh tế và tài tình. Ở một đoạn khác, nhà văn so sánh: “Mùa xuân dòng xanh ngọc
bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm sông Lô. Mùa
thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ
cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Nhà văn còn
có mối giao cảm với thiên nhiên kỳ diệu: “Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi
ánh cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai,
nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật
lành: Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi
sương?”.
Sông Đà trữ tình và thơ mộng nhưng cũng đầy hiểm trở và hung
bạo. Nhiều thác ghềnh dữ dội, như câu ca “Đường lên Mường Lễ bao xa/ Trăm bảy
cái thác, trăm ba cái ghềnh”. Dưới lòng sông lởm chởm đá ngầm sắc nhọn, phía trên
vách đá dựng đứng chót vót chỉ đúng giữa trưa mới thấy được mặt trời. Tất cả được
nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả rất sắc nét: “Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà
như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có
quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò
qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một
cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa
tắt phụt đèn điện”.
Với những nơi sông Đà hút nước sâu bí hiểm, bậc thầy Nguyễn
Tuân đặc tả thật hình tượng và sởn gai óc: “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống
cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ
đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng
chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua
một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà
phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi
vào. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối
ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới
thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”.
Bằng sự khảo cứu công phu từ nguồn tư liệu khan hiếm bấy giờ,
nhà văn Nguyễn Tuân còn sớm cho biết sông Đà phát nguyên từ vùng núi non huyện
Cảnh Đông, tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc. Sông Đà phía nước bạn có tên Lý Tiên
Giang, với phụ lưu chính là Bả Biên Giang. Từ những chuyến điền dã cộng với tư
liệu, nhà văn Nguyễn Tuân còn ghi lại tên 50/73 con thác lớn nhỏ trên sông Đà từ
núi rừng Lai Châu đến Chợ Bờ của Hòa Bình, nơi in dấu vua Lê Thái Tổ thân chinh
đánh giặc Đèo Cát Hãn ở miền Tây trở về năm 1432.
Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Tuân còn dự cảm những vùng đất đai
hoang vu ven sông Đà của Tây Bắc trong tương lai sẽ được con người khai phá, đường
sá được mở, làng mạc và phố xá cùng những công trình sẽ mọc lên với đầy ắp tiếng
cười hòa điệu với thiên nhiên. Điều đó bây giờ đã thành hiện thực. Bên cạnh những
công trình thủy điện lớn Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu mang lại nhiều lợi ích cho
đất nước thì nhiều vùng dân cư đông đúc cũng đã hình thành ven sông Đà, thành lập
nên xóm làng, thị trấn, thị xã, thành phố. Và điều gây ấn tượng là hàng loạt
cây cầu đã lần lượt được bắc qua sông Đà, nối liền các vùng chia cắt với nhau
như cầu Hang Tôm mới nối huyện Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu với TX Mường Lay của
tỉnh Điện Biên, cầu Đồng Quang nối huyện Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ với huyện
Ba Vì của TP Hà Nội, cầu Trung Hà nối huyện Tam Nông của tỉnh Phú Thọ với huyện
Ba Vì của Hà Nội, và nhiều cây cầu khác ở Sơn La, Hòa Bình: Pá Uôn, Vạn Bú, Tạ
Bú, Tạ Khoa…
Khu lưu niệm nhà thơ Tản Đà bên sông Đà
Mạch nước sông Đà tim róc rách
Nếu như mùa xuân Mậu Tuất 2018 chúng tôi đi dọc sông Đà hướng
phía thượng nguồn thì mùa xuân Kỷ Hợi 2019 trở lại sông Đà phía hạ nguồn, nơi
ngã ba hợp với sông Lô và sông Thao thành sông Hồng. Lần này nhà thơ Nguyễn Quyến
lỡ hẹn, thay vào đó đi cùng tôi là đại tá, nhà thơ Quang Hoài và họa sĩ Trần Đỗ
Nghĩa, hai người cũng khá gắn bó với miền trung du và núi rừng Tây Bắc.
Về phía hạ nguồn sông Đà chảy giữa Hà Nội và Phú Thọ, qua nhiều
dấu tích gắn liền với truyền thuyết nòi giống Rồng Tiên. Bên tả ngạn là vùng đất
Tổ với kinh đô Phong Châu nước Văn Lang xưa của các Vua Hùng. Còn phía hữu ngạn
sông Đà gắn liền với truyền thuyết về thánh Tản Viên với câu chuyện Sơn Tinh -
Thủy Tinh cùng những huyền tích khác. Đây cũng là nơi sinh ra Tản Đà - Nguyễn
Khắc Hiếu, bậc thi bá giữ vị trí cầu nối giữa thơ cũ và thơ mới từ đầu thế kỷ
XX của nền văn học Việt Nam hiện đại, mà năm 2019 kỷ niệm 130 năm ngày sinh và
80 năm ngày mất của ông (1889-1939). Chính nhà văn Nguyễn Tuân đương thời trân
trọng viết về bậc đàn anh: “Trong chốn tao đàn Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy,
trong hội tài tình Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ, mà làng văn làng báo xứ này
ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”.
“Sông Đà núi Tản đúc nên ai,
Trần thế xưa nay được mấy người?
Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc,
Thanh cao phô trắng một nhành mai.
Bạc tiền gió thoảng thơ đầy túi,
Danh lợi bèo trôi rượu nặng vai”
Ấy là tâm sự trong bài thơ Phút giao thừa của nhà thi
sĩ của Tản Đà. Cuộc đời phóng túng và nghèo khó, đôi lúc đến tuyệt vọng của
“thần ngông” Tản Đà là hình ảnh tiêu biểu cho một thế hệ kẻ sĩ “sống thừa” bất
lực trước thời cuộc, lấy thơ và rượu làm nguồn giải sầu. Nhìn dòng nước xuân
sông Đà lặng lờ trôi, trước mặt là dãy Ba Vì uy nghi, tôi lại nhớ tới bài Ngày
xuân thơ rượu của ông:
“Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ
Mạch nước sông Đà tim róc rách
Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ”.
Thật buồn và đau! Đến khu tưởng niệm bên sông Đà thắp nén
hương tưởng nhớ bậc tài hoa lận đận, trong tôi lại vang lên bài thơ tự trào
ngang tàng mà ngậm ngùi của ông:
“Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có cửa nhà thời không
Nửa đời nam, bắc, tây, đông
Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly
Túi thơ đeo khắp ba kỳ
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng...”
Quê ông xưa là làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây
nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Đây là vùng quê trù phú nằm bên
sông Đà, xa xa là dãy núi Ba Vì với ngọn Tản Viên sừng sững. Sông Đà núi Tản
không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn Nguyễn Khắc Hiếu lấy làm bút danh mà còn là
quê hương văn học, đi sâu vào tâm thức và thấm đẫm trên mỗi trang viết của ông.
Trong tác phẩm Giấc mộng lớn, thi sĩ Tản Đà từng viết:
“Hằng khi dưới bóng tà dương, bên nọ sông Đà, bên kia núi Tản, một mối cảm tình
thanh thượng lơ thơ như tơ liễu chiều xuân. Cái tiếu thuyết “Thề non nước”
- “Nước đi đi mãi không về cùng non” văn ý thực phát sinh từ lúc ấy.
Lại đôi lúc sông Đà mùa nước, nước rộng mênh mang, gió cuốn mặt sông, sóng nhô
dòng nước, cái cảm tình phấn khích lại cũng theo với những sóng, sông, gió nước,
mà tưởng như phá lãng thừa phong: “Gió hỡi gió phong trần ta đã chán, Cánh chim
bằng chín vạn những chờ mong”. Hai câu trong bài hát miễu nói “Hỏi gió” có lưu
hành trong xóm bình khang cũng là văn thơ lúc ấy vậy”.
Bài thơ nổi tiếng Thề non nước vừa độc lập vừa nằm
trong cuốn tiểu thuyết cùng tên mà nguồn cảm hứng cũng từ quê hương núi Tản
sông Đà từng gây nên cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm trong giới nghiên cứu và
giảng dạy văn học. Bài thơ trữ tình phảng phất câu chuyện lứa đôi nhưng cốt lõi
ẩn chứa tình yêu da diết thiên nhiên, đất nước trước biến thiên của vũ trụ và
biến chuyển của cuộc đời mà thi nhân đang tham dự:
“Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây chiếu bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha”
Dù nước mãi đi non mãi ngóng, như sông Đà mãi trôi núi Tản mãi
trông, nhưng bằng dự cảm trái tim trước quy luật tuần hoàn, thi sĩ Tản Đà vẫn
chất chứa niềm tin vào sự hội tụ của non nước, núi sông: “Dù như sông cạn
đá mòn/ Còn non còn nước hãy còn thề xưa/ Non xanh đã biết hay chưa/ Nước đi ra
bể lại mưa về nguồn”.
16/3/2019
Phan Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét