Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Chuông chùa Khánh Lâm

Chuông chùa Khánh Lâm
Khánh Lâm là tên của chùa Chằm thuộc hai xã Mão Điền và Mão Điền Đông, huyện Siêu Loại, nay là xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa làm vào năm nào không rõ, đến năm Giáp Tý, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) đời Lê được trùng tu lớn. Đợt trùng tu này có sự đóng góp của Trịnh Lệ (con chúa Trịnh Tùng, em chúa Trịnh Tráng) với chức danh Thắng Nghĩa dinh Phó đô tướng, Bắc quân đô đốc phủ Tả đô đốc, Chưởng phủ sự, Thái bảo, Quỳnh quận công và Vũ Linh người bản xã với chức danh Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ ti Đô chỉ huy sứ, Chính phú hầu. Liền trong mấy năm, chùa được dựng lại khá khang trang. Bài minh trên bia đá khắc vào dịp khánh thành, tạo năm Bính Dần (1626) mô tả cảnh chùa có câu:
Tự danh viết Khánh,
Địa chiếm thanh u.
Tam thiên thế giới,
Cứ cố bản đồ.
Bắc lâm thụy cảnh,
Nam đạt tiên cù.
Tả sơn cấn nhiễu,
Hữu thủy đoài lưu.
Dịch nghĩa:
Chùa tên là Khánh,
Phong cảnh thanh u.
Ba nghìn thế giới,
Bốn cõi bản đồ.
Bắc vào xóm đẹp,
Nam đến đường to.
Bên phải nước cuốn,
Bên trái núi phô.
Người viết đã dụng công chơi chữ Khánh, Lâm, Thụy để chỉ phía bắc chùa Khánh Lâm có làng Thụy Mão.
Trong các di văn của chùa, ngoài tấm bia Vĩnh Tộ nói trên, đáng chú ý còn có bia Hậu, tạo năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852) và Chuông chùa đúc năm Gia Long thứ 2 (1803) mà bài viết này sẽ giới thiệu.
Chuông chùa Khánh Lâm cao 1,54m (kể cả quai), đường kính miệng chuông 72cm. Đôi rồng áp lưng vào nhau, miệng ngậm viên ngọc, hai chân trước quỳ xuống, thân uốn cong, đuôi vồng lên tạo thành quai treo.
Thân chuông chia làm bốn phần, mỗi phần cách nhau bằng ba đường chỉ chạy suốt từ trên xuống đến vú chuông. Bốn vú chuông phân đều bốn mặt. Riêng hai mặt Nam và Bắc đối diện, mỗi mặt thêm một vú nữa bên dưới, tạo thành sáu vú tất cả. Sáu vú chuông kích thước bằng nhau, mỗi vú đường kính 12cm, chung quanh chạy 33 hạt lựu. Bốn phần của thân chuông mỗi phần lại chia làm hai ô được chạy hoa văn chữ triện và đường hoa thị (xxx) chung quanh. Ô trên hình chữ nhật đứng, ô dưới hình chữ nhật nằm. Bốn ô trên, mỗi ô có một chữ lớn theo trình tự: Khánh, Lâm, Tự, chung. Bốn ô dưới là bốn bức tranh cảnh rùa bơi trong hồ sen, phượng càm thư, cá hóa rồng, rồng phun nước, tạc trên nền gấm, có hoa lá sen, mây bay, sóng nước và cua giơ càng rất sinh động.
Bài minh được viết ở ô trên thứ nhất, dưới chữ khánh, nét chữ chân phương, khắc sâu, gồm 28 dòng, mỗi dòng chừng 30 chữ, nhưng không ghi tên tác giả.
Dưới đây là bản dịch đoạn văn bài minh đó:
CHUÔNG CHÙA KHÁNH LÂM
Thường nghe rằng tiếng chuông có tác dụng rất mạnh mẽ. Bởi vậy, tiếng chuông tác động đến tai người nghe mà cảnh tỉnh những chúng sinh mê muội, nhắc họ làm việc phúc để được đến nơi chính giác.
Chùa Khánh Lâm của hai xã Mão Điền và Mão Điền Đông thuộc huyện Siêu Loại, từ xưa đã có quả chuông lớn, do những người Đàn na (1) đem của cúng dàng đúc nên. Chuông được treo trên một cái xà ngang vững chắc. Trải qua nhiều năm, chuông vốn bị rè lại thêm han rỉ ngày một ăn loang lổ, làm cho mất hẳn tiếng. Vắng tiếng chuông, cửa Thiền càng thêm cô liêu, tịch mịch. Không ai bảo ai mà Phật tử, từ các viên mục kỳ lão trong làng đến khách thiện tín ở mười phương đều muốn gia ơn trùng tu quả phúc. Mọi người hội họp đông đủ, mua sắm đồng đỏ và sáp trắng sẵn sàng. Kẻ tu hành đọc kinh cầu nguyện. Bọn con hát dâng nhạc làm vui. Sau đó khấn thần Lửa, đốc thợ khéo, thổi bễ lớn nấu đồng. Nhờ có Thần thiêng giúp rập, ban cho tài lộc mà chỉ nháy mắt đã đúc xong quả chuông. Bữa đó nhằm ngày 14 tháng Ba năm Quý Hợi (1803) vậy. Đúc xong, tháo bỏ khuôn cốt thấy chuông lộ ra đẹp đẽ hoàn toàn như ý muốn. Thân chuông không pha lẫn tạp chất, tròn nhẵn, láng bóng. Vú chuông và các đường triện, hoa văn nổi rõ, sắc nét. Tiếng chuông ứng theo luật âm thanh. Càng treo cao, càng vang xa. Đánh to tiếng kêu to; đánh nhỏ tiếng kêu nhỏ. Nhân ngày lạc thành, người ta nhờ tôi làm bài tựa, tôi vui vẻ nhận lời.
Ôi, Trời Đất lấy tiếng sấm cổ động vạn vật, Thánh nhân lấy tiếng nhạc giảm bớt nỗi sợ hãi tám khổ (2). Phàm ta lấy tiếng chuông nhắc nhở những điều trọng yếu. Xem thế thì tạo hóa, thần linh và con người chẳng đâu coi nhẹ tiếng (thanh) vậy!
Tuy nhiên Phật vô tâm mà chuông thì có tiếng. Ở chỗ động tĩnh tương hàm (3) chính là Đạo vậy. Nhưng Đạo vốn không có khí, chẳng có hình, cho nên phải mượn tiếng chuông để nuôi dưỡng chân tâm, đạt tới nguyên khí. Cất lên tiếng Nhân rộng lớn, mở ra cho mọi người hiểu lẽ huyền vi, tiếng chuông do đó có nghĩa sâu xa lắm vậy. Há chẳng thấy từ dưới vạn nấm mồ đến trên chín tầng mây, nghe tiếng chuông mà rung động đó sao!
Chuông chùa ta đây cũng không ra ngoài cái mạch chung ấy, cũng nhằm lấy tiếng của âm thanh giúp cho những người còn lờ mờ, những kẻ ngu ương, đơn bạc mau chóng hồi thuần, những kẻ ngu si đổi lỗi theo điều thiện để được hưởng cái vui vẻ, ấm áp. ấy là cách khả dĩ đưa chúng sinh siêu thoát khỏi bể khổ, đường mê hạo kiếp (4).
Một đời làm việc Nhân là để phúc dày mãi mãi. ấy là việc làm của người đáng tôn sùng. ấy là phúc quả tròn đầy vậy.
Làm việc Thiện được hưởng Phúc đó là lẽ tất nhiên. Thiện làm càng nhiều thì Phúc càng bền chắc. Ai làm việc Thiện vào bất kỳ ngày nào, ở bất kỳ nơi nào thì Trời sẽ trả Phúc cho người ấy nhiều như số cát sông Hằng (5) vậy. Há chẳng đúng như lời cổ ngữ “Cầu được ước thấy” vậy sao!
Xin kính cẩn mượn bút viết làm bài tựa.
Hoàng triều Gia Long năm thứ hai, ngày tốt tháng Ba, Quý Hợi (1803).
CHÚ THÍCH
(1) Đàn na: tín đồ Phật giáo thường xuyên đem của cúng vào nhà chùa.
(2) Tám khổ: Tám nỗi khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, yêu mà phải xa nhau, ghét mà phải ở với nhau…
(3) Động tĩnh tương hàm: Ý nói âm dương hòa hợp với nhau.
(4) Hạo kiếp: Danh từ nhà Phật, chỉ thời gian rất dài, sinh sinh hóa hóa của con người và vũ trụ.
(5) Sông Hằng: Một con sông lớn ở Ấn Độ.
Sưu tầm và phỏng dịch
Nguyễn Duy Hợp - Nguyễn Xuân Sáu
Theo http://www.hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tắc đường

  Tắc đường Lô! Tôi sẽ đến ngay!... Khoảng 1 giờ nữa, được không?... Ừ, thế nhé!... Bỏ điện thoại vào túi quần, hắn nhìn đồng hồ thầm nghĩ...