Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Về tấm bia đào hồ thả cá ở thôn Chân Lạc xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh

Về tấm bia đào hồ thả cá ở thôn 
Chân Lạc xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh
Yên Phong là một huyện có truyền thông văn hoá, một trung tâm kinh tế của vùng Kinh Bắc cổ, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Những xã thôn nằm ven phía nam bờ sông Cầu, thường có kiêm thêm nghề trồng dâu nuôi tằm, đánh bắt cá... Thôn Chân Lạc xã Dũng Liệt là một thôn như thế.
Theo Xã chí Yên Phong (1) thì thôn Chân Lạc, tên Nôm là làng Chóa Chợ, tên cũ là xã Chân Hộ, thời cổ gọi là Hộ Hương, sau tách ra thành 2 xã Chân Hộ và Hộ Trung. Đến thời Đồng Khánh (1886 -1888) lại đổi Chân Hộ ra Chân Lạc, Hộ Trung ra Lạc Trung.
Thôn Chân Lạc, bên cạnh nghề chính là trồng lúa, ngô, khoai còn có nghề trồng dâu nuôi tằm khá phát triển, và đặc biệt làng còn có nghề nuôi cá và gột cá bột còn duy trì cho đến tận ngày nay.
Song không chỉ có vậy, trong thôn còn có người đỗ đại khoa, có người làm quan (quan Thái giám, quan binh nghiệp) hiện được thờ ở Từ đường họ Nguyễn như:
- Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Thị nội giám Ty lễ giám Đô thái giám Nguyễn Đình Kiêm, tên thụy Đôn Tín, tước Tiên Thọ hầu.
- Thị nội giám Ty lễ đồng tri giám sự Nguyễn Đình Tiên, tước Tiên Trung hầu.
- Ông Nguyễn Văn Vĩ, giữ chức đội trưởng đội 10, cơ Tiền Thắng.
- Ông Nguyễn Long Bảng, đỗ Tiến sĩ đời Chính Hoà, có bốn đạo sắc năm Cảnh Hưng đời Lê và hai đạo bằng cấp năm Tự Đức đời Nguyễn.
Hàng năm, làng mở lễ hội chính vào hai ngày 6 và 7 tháng giêng, lễ dùng mâm chay: bỏng nén, chè lam, bánh khảo, bánh dầy, và lợn, gạo nếp để tế lễ cúng thần.
Theo bản vẽ của Lý trưởng Chân Hộ năm 1943, thì qui mô ngôi đền lớn hơn đình làng, bên cạnh đền là ngôi miếu nhỏ. Trước đền và miếu là hồ thả cá mà bài văn bia dưới đây sẽ đề cập đến. Tại đền còn lưu giữ 20 đạo sắc phong, đạo có niên đại sớm nhất đề năm Vĩnh Thịnh 6 (1710), đạo muộn nhất đề năm Khải Định 9 (1924). Lại có một bản thần tích do Nguyễn Long Bảng, Tiến sĩ đời Chính Hoà, người trong xã viết năm Chính Hòa 6 (1685). Tại đền có 2 tấm bia: Thạch ước tinh bi, tạo năm Chính Hoà 26 (1705) và Chân Hộ khai hồ thạch ước ký, tạo năm Vĩnh Thịnh 10 (1714).
Tại đình có 2 bia, mỗi bia 1 mặt: Bản xã bi ký bản giáp bi tạo năm Thành Thái 6 (1894), và Đông Viên Đông An hậu kỵ bi ký, tạo năm Thành Thái 5 (1893).
Tại chùa có 3 bia: Tu tạo Thiệu Khánh tự bi, tạo năm Quí Dậu (?); Trùng tu Thiệu Khánh tự, tạo năm ất Hợi (?); Và Hậu Phật bi, tạo năm Cảnh Hưng 11 (1750).
Tại miếu có 1 bia: Công đức bi ký, tạo năm Nhâm Thìn (?).
Tổng cộng cả thôn có 8 bia. Trên đây là theo bản kê khai của Lý trưởng thôn Chân Hộ năm 1943. Nay trở lại, thấy hầu hết những hiện vật kể trên như bia, thần tích, sắc phong đều đã thất lạc. Riêng thác bản các bia kể trên hiện vẫn lưu giữ được tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong đó có bia về đào hồ thả cá: Chân Hộ xã khai hồ thạch ước ký (N0 17.989-92).
Bia không in rập phần trán, diềm không có trang trí, chữ khắc chân phương, còn tương đối rõ nét. Bia gồm 4 mặt:
- Mặt 1: Khổ 75 x 50 cm, khoảng 266 chữ, ghi họ tên những người đứng ra lập bia.
- Mặt 2 : Khổ 75 x 22 cm, khoảng 60 chữ, kê khai họ tên người bán ruộng cho làng để đào hồ với số tiền cụ thể.
- Mặt 3: Khổ 75 x 50cm, khoảng 294 chữ, tiếp tục kê khai họ tên những người bán ruộng và một số điều lệ.
- Mặt 4: Khổ 75 x 22 cm, khoảng 96 chữ, ghi các điều lệ của bản thôn.
Qua nội dung văn bia, có thể thấy:
1. Thôn Chân Lạc năm Vĩnh Thịnh 10 (1714) có tên là Chân Hộ gồm 6 giáp.
2. Chân Hộ khi ấy đã có nghề trồng dâu nuôi tằm và nghề thả cá khá phát triển (bán bãi trồng dâu lấy tiền mua ruộng đào hồ thả cá).
3. Tổng số ruộng đã mua để đào hồ là 11 thửa và 2 cái ao, với số tiền 274 quan 8 mạch tiền Sử.
4. Hàng năm cứ vào tháng 3, xã trưởng dùng tiền quỹ chung mua cá giống thả xuống hồ.
5. Hàng năm cứ mỗi dịp lễ tết, đều đánh bắt cá cúng thần, trong đó, lần đánh bắt lớn nhất vào ngày lệ đánh cầu 10 tháng 4. "Khi đó các bậc trên dưới trong xã cùng đánh cá, chia đều cho 6 giáp, để mỗi giáp đều được làm cỗ dâng cúng ở đền..." Còn các lễ thì:
- Ngày 3 tháng 8 hàng năm, có lệ sửa chữa nhỏ ở đình, cho đánh 12 con để cúng thần...
- Ngày 10 tháng 8, làm lễ nhập tịch, các vị hương lão đánh cá chia đều làm cỗ.
- Ngày 18 tháng 8, có lệ bổ cỗ, cũng cho đánh cá để làm cỗ tế thần.
Vì sao cỗ cúng Thành hoàng Chân Hộ đều phải có cá? Theo thần sắc còn lưu giữ được tại đền, qua lời khai của Lý trưởng Chân Lạc năm 1943 thì, làng thờ bốn vị Thành hoàng: Long Vương, Hậu phi phu nhân, Phụ Quốc, Tam Giang công chúa, đều là những vị Thành hoàng có liên quan đến sông nước. Rất có thể người ta cúng cá là mong Thành hoàng phù trợ cho dân làng hanh thông phát đạt trong nghề đánh bắt và thả cá. Ngày nay dân làng cũng không còn giữ lệ cúng cá, nghề đánh bắt cá cũng mất, nhưng nghề gột cá bột, thả cá không những vẫn giữ được truyền thống xưa, mà còn rất phát triển: gột cá bột đem bán và phổ biến cách chăn thả khắp các vùng lân cận.
Để bạn đọc hiểu tường tận nội dung tấm bia đào hồ thả cá hiếm thấy này, xin dịch nghĩa toàn văn như sau:
Giao ước trên bia đá về việc xã chân hộ đào hồ
Lời giao ước xưa nay cũng đã chuộng lắm. Trong làng phải có nơi cúng tế là để tỏ sự tôn kính với thần và cũng là để làm đẹp phong tục vậy. Nhưng các vị trong bản xã là Giám sinh Nguyễn Khiêm, Nho sinh Nguyễn Bá Ân, Nguyễn Trọng Thuần, Điển mục Trần Hữu Dung, Xã trưởng Ngô Hữu Đạt, Thôn trưởng Nguyễn Công Phương, Ngô Thế Cử, Ngô Đức Nhữ, Ngô Thế Xích, Nguyễn Nhân Lưu, Nguyễn Gia Bình, Nguyễn Tá Thời, Ngô Thế Bật, Nguyễn Duy Thành, Ngô Thế Chủng, Nguyễn Nhân Ân, Ngô Đăng Quang, Đặng Đức Nhuận, Lê Văn Tài, Vương Văn Lâm, Trần Xuân Thành, Nguyễn Đăng Vạn, Ngô Quang Hưng, Nguyễn Hữu Trọng, Ngô Hữu Phi, Nguyễn Văn Đương, Ngô Văn Xuân, Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Thế Vạn, Ngô Đức Vị, Nguyễn Phương Cẩn, Nguyễn Văn Xương, Ngô Văn Đương, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Hữu Dụng, cùng các bậc hương lão, dân chúng trên dưới trong xã cùng bàn bạc, bán bãi trồng dâu lấy tiền mua đứt số ruộng tư ở trước miếu để đào hồ, dùng để làm hương hoả cho các kỳ tế lễ thần hàng năm. Bèn dựng bia đá ghi lời giao ước, truyền lại lâu dài. Người đời sau nhìn thấy bia này, mắt đọc hàng chữ này, thì như có thần minh trước mặt, không được xâm phạm.
Các thửa ruộng đã mua và những điều giao ước được liệt kê dưới đây.
Ngày lành mùa xuân năm Giáp Ngọ niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), triều Lê.
Các thửa ruộng đã mua: Bản xã mua đứt số ruộng của những người trong xã là Nguyễn Hữu Vân một thửa giá 11 quan tiền Sử. Nguyễn Gia Xương một thửa giá 5 quan 5 mạch tiền sử. Ngô Thị Điểm một thửa giá 5 quan tiền Sử. Trần Xuân Thành 1 cái ao và 1 thửa ruộng giá 37 quan 5 mạch tiền Sử. Nguyễn Đăng Vương một thửa ruộng giá 5 quan 5 mạch tiền Sử. Ngô Thế Tài một thửa giá 22 quan. Ruộng của Hội Văn một thửa giá 12 quan 5 mạch tiền Sử. Sinh đồ Trần Xuân Thủ một thửa giá 5 quan 5 mạch tiền Sử. Nguyễn Văn Tiến 1 cái ao giá 36 quan 8 mạch tiền Sử. Sinh đồ Ngô Thế Tế một thửa giá 22 quan tiền Sử. Ông lại cho bản xã 4 quan để thờ thần ở đền. Bản xã vì thế cho con trai ông là Ngô Thế Hiếu làm Thừa nhiêu ở đền. Lại ông Nguyễn Duy Thành bán cho bản xã 2 thửa ruộng giá 112 quan tiền Sử. Bản xã chỉ trả 43 quan, còn 69 quan, hứa cho 2 con trai ông là Nguyễn Duy Cung, Nguyễn Duy Canh được làm lão nhiêu và được miễn thuế má sai dịch suốt đời.
Các thửa ruộng mua ở trước miếu dùng để đào hồ, để đèn nhang làm lễ thờ thần. Nếu người nào cậy thế tranh chiếm, thì các bậc trên dưới trong xã không cho. Từ nay về sau, hàng năm cứ đến tháng 3, các xã trưởng, thôn trưởng lấy tiền ở nhà thủ quỹ là 5 quan để mua cá thả xuống hồ, không được bổ thu khoản tiền nào khác.
Ngày 10 tháng 4 hàng năm, bản xã có lệ đánh cầu, khi đó, các bậc trên dưới trong xã cùng đánh cá, chia đều cho 6 giáp, cho tính toán mỗi giáp được bao nhiêu cỗ dâng cúng ở đình. Mỗi cỗ có một con cá để làm lễ thờ thần, không được quá lạm. Lại cho thôn trưởng 6 con cá để nhắm rượu. Đến ngày 3 tháng 8 hàng năm, lệ của bản xã có việc sửa chữa nhỏ ở đình làng thì cũng cho đánh cá lấy 12 con, và dùng 8 quan tiền mua áo mũ thờ thần. Lại cho thôn trưởng 6 con cá để nhắm rượu. Đến ngày 11 tháng ấy làm lễ nhập tịch thì các vị hương lão đánh cá chia đều, làm cỗ. Lại ngày 18 có lệ bổ cỗ, thì cũng cho đánh cá, mỗi cỗ 2 con để lễ thần, rồi cùng nhau nhắm rượu.
Hàng năm cứ theo lệ đó mà làm, truyền lại mãi ở xã thôn, không tự đánh cá, hoặc người nào tự tiện bắt cá thì các hương lão tùy theo nhiều ít mà bắt phạt. Nay làm điều ước.
CHÚ THÍCH
(1) Hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, ký hiệu AJ.9, tài liệu do Lý trưởng, Tiên chỉ các xã thôn thuộc huyện Yên Phong (Bắc Ninh) kê khai theo yêu cầu của Trường Viễn đông bác cổ năm 1942 - 1943 về 11 điều mục liên quan đến địa phương.
Nguyễn Minh Tuân
Theo http://www.hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...