Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Không nên đưa ra một bản dịch như thế

Không nên đưa ra một bản dịch như thế
Báo Người Hà Nội số 22 ra ngày 27/5/2000 có đăng bài Người là Hồ Chí Minh của Nguyễn Đỗ Lưu. Thể hiện chủ đề lòng thương người của Bác Hồ, tác giả dẫn ra bài thơ chữ Hán: Phu làm đường (Trúc lộ phu), Chiều (Vãn), Chiều tối (Mộ) trong tác phẩm Ngục trung nhật ký của Bác. Cả ba bài đều in phiên âm nguyên tác chữ Hán và dịch thành thơ Quốc ngữ, nhưng không ghi xuất xứ, người dịch. Đọc kỹ thấy bản dịch thơ bài Phu làm đường và Chiều tối là lấy trong sách Nhà xuất bản Văn học; còn bài Chiều không rõ do ai dịch, chính tác giả bài báo hay một người nào khác? Đây là một bản dịch sai lạc so với nguyên tác mà đáng lẽ không nên đưa ra một bản dịch như thế.
Ta hãy xem nguyên văn dẫn ra trong bài báo:
CHIỀU
Phiên âm:
Vãn xan ngật liễu nhật tây trầm
Xứ xứ sơn ca dữ nhạc âm
U ám Tĩnh Tây cấm bế thất
Hốt thành mỹ thuật tiểu hàn lâm
Dịch thơ:
Cơm xong liễu ngả phía tây vàng
Khắp nẻo sơn ca quyện nhạc vang
Sương rắc Tĩnh Tây vây mái xám
Bỗng thành cảnh đẹp tuyệt trần gian
Trong bốn câu thì câu 2 đỡ sai hơn cả. Chỉ có chữ xứ xứ dịch là khắp nẻo với ý là cả bên ngoài nhà ngục thì không đúng với nguyên ý của bài thơ chỉ là khắp mọi chỗ trong nhà ngục.
Câu 1: Vãn xan (bữa cơm chiều) ngật liễu (ăn xong) nhật tây trầm (mặt trời lặn xuống ở phương tây). Câu này hoàn toàn không có cây liễu, không biết người dịch lấy cây liễu ở đâu ra. Có lẽ người dịch này không biết chữ Hán, đọc hai chữ phiên âm ngật liễu thì tưởng rằng đấy là cây liễu ngật đầu ra đằng sau cho nên mới dịch là liễu ngả chăng?
Câu 3: U ám (tối tăm) Tĩnh Tây (tên địa phương) cấm bế thất (nhà ngục). Cả câu nghĩa đơn giản là: nhà ngục Tĩnh Tây tối tăm, không hề có sương rắc, không hề có mái xám. Người dịch đã tưởng tượng ra một cảnh khác so với nguyên tác.
Câu 4: Hốt thành (bỗng thành) mỹ thuật tiểu hàn lâm (viện hàn lâm mỹ thuật nhỏ). Theo nguyên tác, hai câu 3 và 4 phải hợp với nhau mới thành một câu hoàn chỉnh (Bản dịch nghĩa của Nhà xuất bản Văn học là: Nhà giam Tĩnh Tây u ám này bỗng trở thành một viện hàn lâm mỹ thuật nhỏ). Người dịch ở đây dùng câu 3 tiếp tục tả “cảnh đẹp” “sương vây mái xám” nối với “cảnh đẹp” ở hai câu đầu “liễu ngả phía tây vàng” “sơn ca quyện nhạc vang”, rồi để câu 4 đứng riêng thành một lời bình toàn cảnh “lộng lẫy”: “Bỗng thành cảnh đẹp tuyệt trần gian”.
Xét toàn bài, tác giả thơ chữ Hán dùng bút pháp trào lộng, đem một cảnh đẹp đầy tính văn hóa, nhân văn viện hàn lâm mỹ thuật đối lập với một cảnh xấu xa, đen tối, độc ác (nhà ngục), để lên án nhà đương cục ở đó dùng tù ngục hà khắc đàn áp con người. Bút pháp này được dùng khá nhiều trong Ngục trung nhật ký. Không rõ người dịch trong bài báo này có thấy được điều đó không, còn khách quan của bản dịch thì không thể hiện được, bản dịch chỉ là một bài thơ “ca ngợi cảnh đẹp”. Bản dịch sai lạc quá xa so với nguyên tác.
Bây giờ xin nói thêm một chút về lời dẫn lời bình của bài báo. Không hiểu rõ chữ, rõ câu và cấu trúc của bài thơ dẫn đến dịch sai, tất yếu dẫn đến bình thơ cũng có vấn đề. Xin xem nguyên văn lời bình của tác giả bài báo với bài Chiều tối (Mộ)...
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
“Nhà thơ Hồ Chí Minh hiểu thấu cả nỗi đau nhân loại, nhưng cũng hiểu thấu từng giây khắc của tình yêu. Vì sao mà người con gái phải đem ngô ra xay, xay mãi đến lúc lò than đã rực hồng mà không biết. Cái nỗi nhớ chồng của người con gái Hoa cũng như người con gái Việt có khác gì nhau đâu...”
Bài thơ Mộ (Chiều tối) của Bác Hồ là một bài thơ tức cảnh. Mở đầu là một cánh chim mỏi về rừng và một làn mây nhẹ trôi trên không. Có vẻ tĩnh và hơi man mác, nhưng lập tức hiện ra ngay hình ảnh đẹp một thiếu nữ và một lò than hồng, ấm áp. Bài thơ thể hiện một cảm xúc tinh tế, tao nhã và sống động, không hề gợn chút mùi vị của thiếu phụ đêm khuya không chồng. Có lẽ cũng bắt đầu từ chỗ không hiểu chữ thiếu nữ (bản dịch của Nxb. Văn học, các nhà nho đã dịch là Cô em). Người dịch ở đây đã nhầm với thiếu phụ, sương phụ và gán cho cô em là gái vắng chồng, nên đã hạ một lời bình thô thiển với một bài thơ tao nhã như thế !
Thiết tưởng việc đọc thơ, giới thiệu thơ, bình thơ của Bác Hồ và các vị tiền nhân khác là việc làm đáng trân trọng, khuyến khích, song phải có thành tâm và nghiêm túc, cẩn trọng. Giới thiệu và bình ba bài thơ trong Nhật ký trong tù của Bác Hồ cũng là sự thành tâm của Nguyễn Đỗ Lưu, song hiệu quả của bài báo lại nằm ngoài ý muốn của tác giả.
Người viết bài này cũng đắn đo mãi. Trân trọng sự thành tâm của Nguyễn Đỗ Lưu song vẫn phải giãi bày, tất cả vì sự nghiêm túc và trong sáng của văn chương. Mong được thông cảm.
Hà Nội tháng 7 năm 2000
Trần Ngọc Thụ
Theo http://www.hannom.org.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...