Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Tìm hiểu cách phiên âm từ “Nhẵn nhụi”

Tìm hiểu cách phiên âm từ "Nhẵn nhụi"
Chữ nghĩa Truyện Kiều là một vấn đề khá phức tạp. Có nhiều chữ tưởng như không còn có vấn đề gì nữa vì đã quá quen thuộc nhưng rồi lại được đặt thành nghi vấn như chữ  trong câu 628:
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/tua45001.gif       
Chữ , theo các tự điển, có tới sáu âm. Nếu phân tích ra âm Hán - Việt và âm Nôm thì chữ ấy có thể đọc là:
A. âm Hán - Việt:
Đội: một toán binh sĩ, như binh đội, quân đội, đội ngũ, đội trưởng.
B. âm Nôm:
1- Đội: để lên trên đầu, như đội mũ, đội nón, đội ơn.
2- Đỗi: độ, chừng mực, như quá đỗi, một đỗi xa.
3- Đụi: tiếng vật gì té xuống đất, như Té cái đụi, lụi đụi.
4- Đòi: nhiều, đòi hỏi, yêu cầu, như đòi đoạn, đòi cơn, đòi nợ.
5- Dội: thối lại, dồn lại, như tiếng dội, dội ngửa.
6- Dụi: dòng dây đưa xuống, chúi xuống, như dụi xuống, ngã dụi.
Trong các âm ấy chỉ có ba âm đã được dùng đến trong Truyện Kiều là đội, đỗi và đòi.
* Đội : 
Nàng rằng: Muôn đội ơn lòng (c.1333)
Đội trời đạp đất ở đời (c. 2171)
Ai ai cũng đội trên đầu biết bao (c.2492)
* Đỗi : 
Song đà quá đỗi quản gì được thân (c.1114)
* Đòi : 
Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn (c.222)
Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen (c. 788)
Đòi phen gió tựa hoa kề (c.1241)
Đòi phen nét vẽ câu thơ (c.1245)
Nỗi lòng đòi đoạn xa gần (c.1251)
Mối tình đòi đoạn vò tơ (c.1265)
Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn (c.1270)
Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời (c.1820)
Đòi cơn gió quét mưa sa (c.2443)
Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi (c.2797)
Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm vòng (c. 2848) ,v.v.
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai (c.28)
Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu (c.1718)
Qua các thí dụ trên chúng ta nhận thấy chữ  đã được đọc theo đúng âm Nôm là đòi và có các nghĩa khác nhau là nhiều (đòi cơn, đòi đoạn, đòi phen), đòi hỏi, yêu cầu (sắc đành đòi một = về sắc dù có đòi hỏi cũng đành chỉ có một) và ra lệnh gọi (đòi ngay lên hầu).
Âm và nghĩa ấy rất thích hợp cho từng câu và không có vấn đề gì đáng thắc mắc phải đặt ra(1) mà chỉ có âm nhụi là phải tìm hiểu mà thôi.
Theo Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì chữ  cũng đọc là dụi mà theo phép chuyển âm d thường được đổi thành nh.
Các chữ chuyển âm kiểu này chúng ta cũng thấy có khá nhiều trong Truyện Kiều. Thí dụ:
 Dịp - nhịp, như:
Dịp (nhịp) cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang (c.56)
Làm chi lỡ nhịp (dịp) cho đàn ngang cung (c.1460)
· Dòm - nhòm, như:
Gương nga chênh chếch dòm (nhòm) song (c.173)
Vương sư dòm (nhòm) đã tỏ tường thực hư (c.2506)
 Dồi - nhồi, như:
Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi (nhồi) (c.221)
 Dón - nhón, như:
Thang mây dón (nhón) bước ngọn tường (c.319)
Dón (nhón) chân đứng núp độ đâu nửa giờ (c.1996)
 Dỏ - nhỏ, như:
Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ (dỏ) sa (c.1828)
 Dúng - nhúng, như:
Trót vì tay đã dúng (nhúng) chàm (c.1397)
 Dăn - nhăn, như:
Lọt tai Hồ cũng nhăn (dăn) mày rơi châu (c.2572)
 Dường - nhường, như:
Dịp đâu may mắn lạ dường (nhường) (c.1291)
 Diếc - nhiếc, như:
Diếc (nhiếc) rằng: Những giống bơ thờ quen thân (c.1728)
 Dện - nhện, như:
Nhện (dện) này vương lấy tơ kia mấy lần (c.1422)
Ngoài các thí dụ kể trên trích trong Truyện Kiều, chúng ta còn thấy có nhiều chữ khác đã được chuyển âm như vậy.
Thí dụ:
Dím - nhím, dọn - nhọn, dức - nhức, dừ - nhừ, díp - nhíp, dử - nhử, dứ - nhứ, dúm - nhúm, dụt - nhụt, dút - nhút, dún - nhún, dúi - nhúi, v.v.
Thế thì chữ DỤI chuyển âm thành NHỤI cũng không khác gì chữ dúi chuyển âm thành nhúi, như Tự điển tiếng Việt đã ghi:
Dúi: cầm gọn trong tay mà ấn xuống để nhét vào.
Dúi vào tay em bé mấy cái kẹo.
Nhúi: Dúi.
Nhúi vào tay mấy cái kẹo.
Cách chuyển âm này đã thành một qui tắc nên tất cả các quyển Truyện Kiều phiên âm sang Quốc ngữ, từ bản cổ nhất của Trương Vĩnh Ký in năm 1875 đến những bản mới in gần đây đều chép câu 628 là:
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Chép như vậy là đúng vì nhẵn nhụi là một từ láy, nó được đặt đối với bảnh bao, cũng là một từ láy.
Trong Truyện Kiều chúng ta còn thấy có nhiều câu đặt theo lối tiểu đối như vậy.
Thí dụ:
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng (c.424)
Hoa trôi trác thắm, liễu xơ xác vàng (c.572)
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh (c.870)
Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng (c.1060)
Hoa quan chấp chới, hà y rỡ ràng (c.2266)
Các từ láy ở đây đều là từ láy âm, các âm đầu được láy lại, như x - x, th - th, tr - tr, kh - kh, d - d, ch - ch, r - r, ng - ng... Như ở câu 628 nếu phiên là nhẵn trụi thì không còn là từ láy âm nữa, mà nghĩa cũng khác hẳn đi.
Nhẵn nhụi: được cạo sạch sẽ, trơn tru không còn sợi râu nào.
Nhẵn trụi: bị vặt sạch, nhẵn lì không còn một sợi lông nào, nhiều khi không còn mọc lại được nữa.
Qua sự giải thích trên, chúng tôi cho rằng chữ  ngoài các âm đội, đỗi, đòi, đụi, dội còn có âm dụi mà theo phép chuyển âm có thể đọc là nhụi được. Vậy hai chữ   mà các quyển Truyện Kiều Quốc ngữ phiên âm là nhẵn nhụi thực ra đã rất ổn, không có gì phải thắc mắc cả.
CHÚ THÍCH
1. Theo Hoàng Xuân Hãn thì: “Đội là để ghi từ trụi, không phải nhụi đâu. Trụi như trụi lông: không có một tí lông nào hết cả. Mà tại sao đội là đọc trụi? Bởi vì chữ đội ấy có hai âm, một âm đọc nó biến ra chữ trụy... Từ chữ trụy ấy ra chữ trụi, có khi đọc là trọi... Sắc đành trọi một, tài đành họa hai. Trọi một là độc nhất, trọi là chữ độc... Sắc là độc nhất, tài đành họa hai. Thế mới sáng nghĩa chữ ấy” (Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu Kiều. Hợp lưu số 29. Tháng 6+7/1996, tr. 108).
Nguyễn Quảng Tuân
Theo http://www.hannom.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tôi thích làm vua Tôi muốn làm vua vì: trước nhất mặc áo con rồng, được ngồi trên cao, ghế ngồi gọi là ngai vàng, trong tay có một cục g...