Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Tìm hiểu mảng thư tịch Hán Nôm về Hà Nội cổ trong kho sách của viện nghiên cứu Hán Nôm

Tìm hiểu mảng thư tịch Hán Nôm về Hà Nội cổ 
trong kho sách của viện nghiên cứu Hán Nôm
Trải gần nghìn năm lịch sử, Hà Nội là một trong những Thủ đô cổ kính trên thế giới, một thủ đô với truyền thống văn hiến lâu đời. Theo các từ thư cổ thì “văn hiến” chỉ thư tịch và người hiền tài. “Nghìn năm văn hiến Thăng Long” - Đông Đô - Hà Nội được phản ánh khá rõ nét trong nguồn thư tịch Hán Nôm về Hà Nội cổ. Chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu và thống kê mảng thư tịch Hán Nôm về Hà Nội cổ, với mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc tìm hiểu về Hà Nội cổ, nhân dịp kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thư tịch Hán Nôm về Hà Nội cổ trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm giới thiệu về những cảnh sắc và con người Hà Nội từ xưa cho đến những năm tháng sôi động trước và sau Cách mạng thánh Tám. Hà Nội với những câu ca dao, tục ngữ, truyền truyết, truyện kể của riêng mình, Hà Nội với những phong tục, tập quán làm ăn, lề thói sinh hoạt vật chất và tinh thần của riêng mình..., Hà Nội một địa linh nhân kiệt. ''Đất ấy bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa, dân cư không phải sống tối tăm ẩm thấp, muôn vật cực kỳ phồn thịnh và đông vui''... (Thiên Đô Chiếu của Lý Công Uẩn năm 1010 ).
Dựa vào bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu và cuốn Danh mục thác bản văn khắc Hán Nôm, chúng tôi đã tiến hành thống kê các tài liệu có liên quan đến Hà Nội. Con số thống kê đạt được đã làm cho chúng tôi thực sự ngạc nhiên và hào hứng: có cả thảy 531 cuốn sách và 1074 bài văn bia nói về Hà Nội cổ. Đó là một nguồn tư liệu Hán Nôm cực kỳ phong phú và quý giá, khả dĩ giúp chúng ta thấy được nhiều mặt về Thăng Long - Hà Nội xưa.
Dưới đây, xin được giới thiệu những nội dung chính của mảng thư tịch này, nhằm cung cấp thêm tư liệu cho bạn đọc mà trước hết là các nhà Hà Nội học.
1- Thư tịch về địa bạ, địa dư chí, bản đồ Hà Nội cổ.
Đây là nguồn tư liệu khá phong phú, bút pháp khảo cứu thiên về địa lý - lịch sử. Chiếm số lượng lớn đầu sách trong mảng thư tịch này phải kể đến các sách địa bạ của Hà Nội (61 cuốn) ký hiệu AG a14/1-12: ghi chép về địa bạ các phường thuộc các huyện của Hà Nội cổ như: Quảng Đức, Thọ Xương, Vĩnh Thuận; địa bạ các xã thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội) ký hiệu AG a1/26-70, và địa bạ các xã thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội) ký hiệu AG a15/1-4. Những sách mang tính địa chí, khảo cứu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản phẩm... của Hà Nội xưa như: Tây Hồ chí (A.3192/1-2), Hà Nội địa dư (A.1154, VHv.2659), Hà Nội sơn xuyên phong vực (A.541)... Tây Hồ chí: ghi chép về vị trí, hình thế, sông núi, di tích, đền miếu, nhân vật, danh thần, ... của Hồ Tây. Hà Nội địa dư và Hà Nội sơn xuyên, giới thiệu về địa lý Hà Nội cổ, gồm các phố và các phủ, huyện trong tỉnh: hình thế, phong tục, danh thắng di tích, thành trì, núi sông, đầm hồ, đền chùa, quán miếu, khí hậu, cổ tích, thổ sản... Cụm thư tịch này còn là bộ sưu tập những truyền thuyết dân gian về Hà Nội xưa, như sự tích miếu Trung Liệt ở Bến Đá Cổ Tân, chùa Ngọc Hồ, chùa Liên Trì..., hay chuyện Trương Phụ bắc cầu phao ở cửa đình Kiên Nghĩa (chỗ này nay là cầu Chương Dương)... Một cuốn khác, Bắc Thành địa dư chí lục (A.1565/1-2) ghi chép về địa lý thành Thăng Long cùng các nghề cổ truyền của Hà Nội, như nghề nhuộm, đúc thiếc, dệt đan, nung vôi, nấu rượu... An Nam vũ cống (A.2251) ghi chép về các nghề giấy, nhuộm, gốm… của Hà Nội. Còn có thể kể các sách cùng loại như: Đại Việt địa chí (A.973/1-2), An Nam địa chí (A.381), Các tỉnh chí (VHv.1716)... Đặc biệt có những sách viết về địa chí văn hóa dân gian của các xã, phủ, huyện của Hà Nội xưa như Hoàn Long huyện chí (A.99) ghi chép về địa lý huyện Hoàn Long (tương đương với 4 quận nội thành Hà Nội ngày nay); Đông Ngạc xã chí (A.2356) ghi chép địa chí xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. An Viên thôn địa bạ (VHv. 2685) là bản khai vị trí, giới hạn, tổng số đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, đền chùa... của thôn An Viên, huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội ); An Nam cửu long kinh (VHv.482) ghi về địa lý, phong thủy, trong đó có hai huyện Gia Lâm và Thanh Trì (Hà Nội)... Ngoài ra còn có Bắc Kỳ các tỉnh toàn đồ (A.1307) là tập bản đồ 14 tỉnh miền Bắc dưới triều Nguyễn, trong đó có tỉnh Hà Nội ghi chú về sự thay đổi các tên gọi, sổ đinh, số phủ, huyện, tổng, xã, thôn, phường... của Hà Nội. An Nam hình thắng đồ (A.3034) là tập bản đồ đời Lê, trong đó có bản đồ Trung Đô (Kinh đô Thăng Long), bản đồ đường thủy bộ từ Kinh đô Thăng Long đến Chiêm Thành, bản đồ đi sứ từ Thăng Long đến Yên Kinh (Bắc Kinh - Trung Quốc). Bắc hành đồ bản (A.821) gồm 186 tấm bản đồ màu (đen, đỏ, xanh) ghi lại các đoạn hành trình từ Kinh đô Thăng Long (Hà Nội) đến Yên Kinh (Bắc Kinh - Trung Quốc). Bắc trình thản bộ (A.802) ghi tên các trạm, các cung đường, thời gian đi, nơi hiểm trở... của các tuyến đường bộ từ Thăng Long (Hà Nội )vào Kinh đô Huế, từ Thăng Long đi các trấn miền Bắc, tới Nam Quan, từ Thăng Long đi Cao Miên và từ Cao Miên trở về Thăng Long. Hà Nội phó kinh nhật trình (A.1729) ghi các trạm đường từ Hà Nội đến Kinh thành Huế và tuyến đường thủy và bộ từ Hà Nội đi các tỉnh v.v... Đặc biệt Gia Cốc xã bản đồ (A.1895) là bản đồ hai màu xã Gia Cốc, tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội ); Kiêu Kị xã bản đồ (A.1896) là bản đồ xã Kiêu Kị thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) gồm khu dân cư, ruộng đất, đền miếu, ao hồ...; Phúc Lâm châu thổ bản đồ (A.587) là bản đồ của 10 thôn thuộc tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương (Hà Nội), Thái bổ địa lý di cục (VHv.1659) có ghi về hình thế, vị trí, đường sá, nghề nghiệp, phong tục, nhân vật... của các huyện thuộc Hà Nội v.v.
2- Thư tịch về tục lệ, điều lệ, hương ước, khoán lệ khoán ước của các thôn, làng, xã Hà Nội xưa.
Đây là nguồn tư liệu có giá trị trong việc tìm hiểu về những phong tục, tập quán, nếp sống người Hà Nội. An Lãng dân phong tục lệ (A.1023) ghi về vị trí, diên cách, phong tục, thổ sản, nhân vật, tục lệ của làng Yên Lãng (tức làng Láng) Hà Nội; Bạch Mã từ tam giáp hương lệ (A.1023) gồm 215 mĩ tự bao phong của các triều cho thần Bạch Mã, các câu đối trong đền, lệ cúng tế và lệ khoán của ba giáp Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương (Hà Nội). Lập khoán hương lệ (A.1345) ghi lệ của làng Thượng Cát (Từ Liêm, Hà Nội) về việc cưới xin, ma chay, tế lễ...; Long Đằng phường lệ (A.718) gồm 28 điều lệ cũ và 17 điều lệ mới đặt thêm của phường Long Đằng, xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Trong Pháp Vân tiên hiền bạ (A.993) có ghi những điều lệ về ẩm thực của xã Pháp Vân, huyện Thanh Trì - Hà Nội. Đông Ngạc xã tục lệ (A.732) ghi tục lệ, khoán ước của xã Đông Ngạc (Hà Nội ) về tế lễ, ngôi thứ, khao vọng, hát xướng, tuần phòng, cứu hỏa... Đông Mai xã điều lệ (AB.465): bản điều lệ tự trị của làng Đông Mai (Hoàng Mai - Hà Nội) gồm các khoản hội đồng, quyền thi hành, tài chính, việc sổ sách, việc tuyển lính, tuần phòng, cưới xin, ma chay v.v. Dịch Vọng tiền xã đệ niên tục lệ ghi chép những lệ của xã Dịch Vọng về thi đỗ, hôn nhân, tử táng, lễ thần...; Đại Lộ xã cải lương lập chính (VNv.524) ghi các điều ước của xã Đại Lộ (Thanh Trì, Hà Nội) gồm 27 điều về xử kiện, khai sinh, giá thú, trình báo, cải táng, vệ sinh, ... và 27 điều về thờ thần, tế tự các tiết, đi việc làng, đi mừng, khao vọng, lên lão, hiếu hỉ, giao hảo... Thịnh Liệt điều ước (A.994) gồm 86 điều ước của xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) về việc cúng tế, ăn uống, vào đám, trị an, cheo cưới, cấm cờ bạc, cấm bán ruộng công. Thuộc loại này còn có Kim Hoàng thôn hương lệ (A.727), Long Trung hạng lệ (A.726) v.v. Đặc biệt có khoảng 56 đầu sách mang ký hiệu AF a2/24-35, AF. a2/56-94, AF a7/1-5 là những sách tục lệ của Hà Nội bao gồm các xã, thôn của các huyện Hoàn Long, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh.
3- Thư tịch về thần tích, thành hoàng của Hà Nội.
Nguồn tư liệu này giúp chúng ta tìm hiểu về các truyền thuyết, sự tích của Thăng Long - Hà Nội. Khi nói đến mảng thư tịch này, trước hết chúng ta phải kể đến 57 cuốn sách Thần tích của Hà Nội, ký hiệu AE a7/12, AE a2/14-38, AE a2/59-86, AE a2/103 và AE a11/1-4 ghi về thần tích của các huyện Gia Lâm, Hoàn Long, Từ Liêm, Thanh Trì, Dịch Vọng, Đông Anh. Bên cạnh đó còn có Hà Thành linh tích cổ lục (A.497) ghi sự tích 27 danh thắng của Hà Nội như Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, đền Trấn Vũ, chùa Lý Quốc Sư..., là một tập hợp các dã sử, truyền thuyết, trong đó có các truyện kể xung quanh nhà Giám, chùa Kim Liên, hồ Trúc Bạch v.v. Đại Nam thần lục (A.1213) ghi về truyền thuyết, sự tích 16 vị thần được thờ ở Hà Nội như Thục An Dương Vương, thần Bạch Mã..., An Lãng Chiêu Thiền Từ Đạo Hạnh sự tích thực lục (A.587) ghi sự tích Từ Đạo Hạnh thờ ở chùa Chiêu Thiền (tức chùa Láng) Hà Nội. Mã Lân dật sử (A.1516) ghi lại một số truyền thuyết liên quan tới Hà Nội như Kim quy thần nỏ, Trấn Vũ ứng mộng... Cổ Loa thành sự tích điền thổ sắc phong hợp biên (A.92) ghi sự tích Thục An Dương Vương và thành Cổ Loa. An Lãng hậu thổ sự tích (A.2879) ghi về sự tích thần Hậu thổ Yên Lãng (Láng - Hà Nội). đã giúp vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, lại giúp Trần Anh Tông giúp dân cứu hạn. Định Công Trang thần tích (A.711) ghi sự tích vị Thượng đẳng phúc thần ở làng Định Công (Thanh Trì, Hà Nội) nguyên là con vua Nghị Vương (Hùng Vương thứ 17). Thượng Thụy xã ngũ vị thần tích (A.2510) ghi sự tích năm vị Thành hoàng của xã Thượng Thụy (Từ Liêm, Hà Nội): Long Đại Vương, Nghị Công Đại Vương, Diệu Bào Công Chúa, Nhạc Phi Công Chúa và Minh Công Đại Vương.
4- Thư tịch về thần sắc Hà Nội.
Đây là tập kê khai duệ hiệu, sự tích của các vị tôn thần được thờ phụng ở các địa phương để xin phong tặng, là bộ sưu tập sắc phong của các triều đại đối với các vị thần tôn kính này như Đại Điên thánh sự tích (A.2721) ghi sự tích thánh Đại Điên ở thôn Tiên, xã Dịch Vọng (Hà Nội); Thiên Mỗ xã thần sắc (A.703) là bảng kê khai những đạo sắc của các triều đại phong cho hai vị Thành hoàng ở xã Thiên Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Bản thổ thần sắc phong mỹ tự (VHb.148) ghi những mỹ tự của các triều đại phong cho hai vị Thành hoàng làng Cao Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Bên cạnh các sách kể trên, còn có 28 cuốn sách thần sắc của Hà Nội mang các ký hiệu AD.a7/13, AD.a11/1-2 và AD.a2/37-62 ghi về thần sắc các xã, tổng thuộc các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì.
5- Thư tịch về gia phả, thế phả, chúc thư, giao thư của các dòng họ khác nhau ở Hà Nội.
Nội dung của mảng thư tịch này ghi về thế thứ, hành trạng, những điều lệ, lời gia huấn và tiểu sử các bậc tiên hiền trong các dòng họ khác nhau của đất Kinh đô Hà Nội như Đông Ngạc xã Nguyễn thị gia phả (A.1818) ghi chép gia phả 11 đời của họ Nguyễn ở xã Đông Ngạc, Hoài Đức, Hà Nội: thế thứ, danh hiệu, quan tước của những người trong dòng họ. Thọ Xương Đông Tác Nguyễn tộc phả (A.3294) ghi chép về gia phả của họ Nguyễn ở làng Đông Tác, huyện Thọ Xương (Hà Nội) gồm 10 đời: biểu đồ thế thứ, điều lệ về việc thờ cúng, cheo cưới, thơ văn của người trong dòng họ... Nguyễn tộc phả ký (VHv.2577) ghi chép về dòng họ Nguyễn ở xã Bát Tràng, Gia Lâm (Hà Nội): tên húy, hiệu, quan tước, khoa mục, tuổi thọ, ngày giỗ, phần mộ... của từng người trong dòng họ; văn tế vào các ngày kỵ mùa xuân, thu, văn bia sự nghiệp của Quận công Nguyễn Thành Trân, phả ký nói về nhà thờ họ, ruộng hương hỏa, nghi thức cúng tế... Nguyệt áng Lưu thị gia phả (A.811) ghi chép về họ Lưu ở xã Nguyệt áng, tổng Đại áng, Thanh Trì (Hà Nội): tiểu sử, thế thứ các đời, phần mộ, ngày giỗ, khoa bảng, quan tước... của những người trong dòng họ. Pháp Vân tiên hiền phả ký (A.981) ghi về tiểu sử các bậc tiên hiền làng Pháp Vân, Thanh Trì, Hà Nội. Phú Diễn hương hiền phả (A.1151) ghi hành trạng những người đỗ đạt, làm quan của xã Phú Diễn, Từ Liêm (Hà Nội) từ triều Lê đến triều Nguyễn. Lạc Đạo xã lịch triều đăng khoa khảo (VHv.2339) ghi các bậc khoa bảng của dòng họ Dương ở xã Lạc Đạo, Gia Lâm (Hà Nội). Còn nhiều các sách cùng loại như: Từ Liêm huyện đăng khoa chí (A.2869 và A.507), Bản ấp đăng khoa chí v.v. Mảng thư tịch này còn giới thiệu cho chúng ta về những danh nhân của đất Kinh thành mà cho đến nay tên tuổi của họ còn mãi gắn liền với tên phố, tên đường của Hà Nội như: Tối linh từ thực lục (A.1332) ghi chép về hành trạng của Chu Văn An, người Thanh Trì (Hà Nội). Thanh Trì Nguyễn tộc gia phả (VHv.1760/1-2 và A.182) ghi chép gia phả 10 đời họ Nguyễn ở Kim Lũ, Thanh Trì (Hà Nội), dòng họ có nhiều người đỗ đạt và làm quan to... Đông Ngạc xã Phan gia chúc thư (A.1739), Đông Ngạc xã Nguyễn Bá Đa chúc thư chép những lời di chúc, của cha mẹ trước khi mất về việc hương hỏa, việc làm từ đường, việc thờ cúng tổ tiên, việc chia gia tài cho con cháu...
6- Thư tịch về cổ chỉ, văn chỉ, xã chí của Hà Nội.
Nguồn thư tịch này tuy không nhiều nhưng chúng cũng phần nào giúp chúng ta biết về tên làng, xã, xóm ấp của các địa phương thuộc Hà Nội ngày trước như huyện Đông Anh, tổng Cổ Loa có ghi tên 15 xã thôn (AJ.4/1), Thọ Xương huyện Văn chỉ bạ (A.731) ghi các điều quy định của hội Văn huyện Thọ Xương (Hà Nội) về lập văn chỉ, mua bán ruộng đất, ao hồ dùng vào việc cúng tế. Đông Ngạc xã chí (A.2356) ghi tên xóm ấp, địa giới, số đinh và thuế ruộng đất của xã Đông Ngạc. Hoa Ngạc xã cổ chỉ (A.1734) gồm 20 bản văn khế mua bán ruộng đất của người làng Hoa Ngạc, Từ Liêm (Hà Nội). Hoa Ngạc xã cổ thuế chỉ (A.1639) ghi sổ nộp thuế bằng tiền và thóc của xã Hoa Ngạc v.v...
7- Thư tịch về văn nghệ dân gian và thơ của các nho sĩ.
Đây là mảng thư tịch có giá trị về lịch sử và văn học nghệ thuật: An Nam phong thổ thoại (AB. 483), sưu tầm ca dao ngạn ngữ miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Long thành cảnh trí ca (AB.2), một bài ca lục bát gồm 850 câu giới thiệu quang cảnh các phố phường, lâu đài, dinh thự, công sở, danh thắng, cảnh buôn bán, sinh hoạt... của Hà Nội. Chư gia văn tập (A.2995) có ghi những ca khúc về Hà Nội. Tây Hồ phú (AB. 299) ghi bài phú và thơ vịnh cảnh nói về nguồn gốc Hồ Tây. An Nam thắng cảnh (A. 1193) gồm 20 bài thơ vịnh các cảnh đẹp của Hà Nội như chùa Một Cột, cảnh Hồ Tây, tiếng sáo Cầu Đông... La Thành cổ tích vịnh (A. 1841) gồm 25 bài thơ vịnh các danh thắng, cổ tích ở La Thành (Hà Nội) như Núi Nùng, Hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, chùa Ngọc Hồ, đền Trấn Vũ, Quốc Tử Giám, miếu Trung Liệt. Long Biên ái hoa hội thi (AB. 497) gồm 284 bài thơ nói về thú chơi hoa của Hội ái hoa ở Long Biên - Hà Nội. Và hàng loạt các thi tập khác như Long Biên bách nhị vịnh (A. 1310), Thăng Long tam thập vịnh (A. 1804), Thăng long thành hoài cổ thập tứ thủ (A. 1606)...
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. GS. Trần Nghĩa - GS Prof Franỗois Gros đồng chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993.
2. 50 năm sưu tầm nghiên cứu phổ biến văn hóa văn nghệ dân gian của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb. KHXH. Hà Nội, 1997.
3. Danh mục thác bản văn khắc Hán Nôm - GS.TS. Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Nxb. KHXH. H. 1991.
Trần Thu Hường
Theo http://www.hannom.org.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa Ông Trương Vĩnh Trọng, tức Hai Nghĩa, sinh ngày 11.11.1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ,...