Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Những đám mây phủ bóng phận người

Những đám mây phủ bóng phận người

Căn nhà giữa những đám mây (NXB Phụ Nữ Việt Nam, tháng 01-2021) là cuốn sách thứ năm của Vũ Thành Sơn sau hai tập thơ và hai tập truyện ngắn. Cuốn tiểu thuyết này lúc đầu được đặt tên là Nhà tôi ở cuối chân trời, nhưng hình như cả hai nhan đề ấy đều không thể hiện hết đặc điểm của tác phẩm.
Nhà phê bình Huỳnh Như Phương
Đây là câu chuyện của một gia đình đang tan rã trong hình ảnh một ngôi nhà tàn phai, nhưng cái cốt của nó là con đường của một cá nhân đi tìm bản thể chính mình. Người kể chuyện đứng ở tiêu điểm nội quan từ Lân - nhân vật xưng tôi - mải mê với những flash-back về kỷ niệm ấu thời với cha mẹ và ba người anh chị em, gần gũi nhất là Lâm. Hai anh em là hai tính cách và tính khí đối lập nhau. Lâm, người anh, là kẻ có máu phiêu lưu, mạo hiểm, nổi loạn, phóng túng, thích lối sống tự do, ngang ngạnh, bất cần, một thứ “ngựa chứng” trong gia đình và trong sân trường. “Lâm, một sự sai lầm, một kẻ gây rối không thể tha thứ, một đứa lêu lổng hoặc tệ hại hơn, một kẻ hoàn toàn bỏ đi […]. Anh luôn biết cách để làm cho tuổi thơ lặng lẽ của chúng tôi trong căn nhà u sầu ấy trở nên sống động với những trò nghịch ngợm lén lút, tất nhiên kèm theo, bao giờ cũng vậy, tiếng la mắng và gầm gừ giận dữ của người lớn”. Đời Lâm là một chuỗi những ngẫu hứng bất định, nhưng cũng chính vì vậy mà đầy thú vị, hấp dẫn, “là sự cân bằng cần thiết để làm cho thế giới suy nhược bởi căn bệnh thiều máu kinh niên không thể cứu vãn của nó trở lại khỏe mạnh”, như ý nghĩ của người kể chuyện xưng tôi.
Trái với Lâm, từ thuở ấu thơ, Lân là kẻ do dự, nhút nhát, “luôn thu mình trong vỏ bọc của thói quen và sự an toàn”. Lân vừa thèm khát tự do, lại vừa sợ hãi, không cưỡng được cám dỗ những cuộc phiêu lưu của người anh, nhưng lại bỏ cuộc nửa chừng, chịu về dưới mái nhà để khép vào phép tắc gia đình. Lâm là cái phần ẩn giấu, bị đè nén của Lân mà hễ có điều kiện là nó bộc lộ để rồi lại bị khuất phục. Lâm hiện hữu vừa như một lực đẩy đối với Lâm, vừa bị Lân kháng cự. Khi Lâm bỏ nhà ra đi 15 năm trước, Lân nuôi ý định đi tìm anh: tìm Lâm cũng là tìm chính mình, tìm một phần đời của mình, tìm cái bản ngã thứ hai đã trở thành phóng thể, như Lân thú nhận: “Nỗi bất hạnh lớn nhất của tôi, có lẽ, là đã chấp nhận làm một đứa trẻ bị tước đoạt quyền nổi loạn. Và quyền được rủi ro”.
Căn nhà giữa những đám mây
tiểu thuyết của Vũ Thành Sơn
Một câu hỏi đặt ra trong tác phẩm: Sự mất tích của một con người sẽ ảnh hưởng đến những người khác ra sao? Và ai có lỗi khi một người vắng mặt? Câu trả lời có lẽ là: Hết thảy đều bị ảnh hưởng theo những cách khác nhau và hết thảy đều có lỗi. Sự ra đi của Lâm có mầm mống từ một tuổi thơ u uẩn, khi cả bốn chị em đều được tách khỏi cha mẹ, giao cho một người vú em nuôi dạy những năm đầu đời, “đó là thời kỳ thích hợp để những hạt mầm sợ hãi, tự kỷ, thất vọng, hoang tưởng được gieo xuống đất và chúng tôi đã lớn lên, đã sống sót như cây dại”. Khi trở lại căn nhà của cha mẹ, họ “tiếp tục đùa giỡn với nhau bên dưới những cái bóng mây đen vần vũ, vẫn vô tư trước cơn dông dữ lấp ló ở chân trời”. Một người cha thô bạo “có khuynh hướng bị dẫn dắt bởi những thiên kiến, lầm lạc và mù quáng”. Một người mẹ phiền muộn, cáu kỉnh, bệnh hoạn vì nghiện rượu, sống như một bóng ma giấu kín những nỗi niềm ngang trái, thờ ơ với cảm xúc của những đứa con. Nếu chị Hai là một “phiên bản hoàn hảo” thừa hưởng mầm mống điên loạn của người mẹ nhờ “một mối liên thông huyền bí khó giải thích”, thì em gái, người bị bỏ rơi trong sự ghẻ lạnh của mẹ, là một “phản chứng” của bà. Đây đúng là “ngôi nhà của những hồn ma” khi lần lượt chứng kiến những sự ra đi hay biến mất: cô em gái, người thuê nhà, Lâm, người cha, người mẹ và có thể rồi cả chị Hai. Gia đình có là nơi nuôi dưỡng hạnh phúc khi nó là những mảnh vỡ không thể kết nối?
Trong khủng hoảng, Lân đi tìm cứu rỗi trong tình yêu. Nhưng ngay cả tình yêu vẫn không phải là một cách thanh tẩy tâm hồn, không bù đắp được những mất mát, thiếu thốn trong đời người, huống chi bản thân tình yêu cũng là một tồn tại vì thiếu hụt, “một thứ nghệ thuật thỏa hiệp”. Thậm chí, trong tình yêu đậm mùi vị tính dục, các nhân vật vẫn tiếp tục “bị nhiễm độc ít nhiều và đang khô máu từ từ”. Đối với Lâm và Nhung, tình yêu chưa hẳn là một ân sủng mà có khi là một trừng phạt và “hôn nhân là một thứ độc dược sẽ làm chúng tôi bại liệt toàn phần”.
Không nghi ngờ gì khi nói rằng, từ nhiều năm nay, chúng ta ít gặp một cuốn tiểu thuyết viết về tình cảnh bi đát của hiện sinh đúng nghĩa như tác phẩm này. Tác giả là người tiếp nhận tư tưởng hiện sinh vô thần và thể hiện điều đó qua một ngôn ngữ trần thuật tinh tế. Truyện gợi nhớ tới nhân vật Meursault trong Kẻ xa lạ của A. Camus ngay từ những dòng đầu khi miêu tả cuộc gặp trong bệnh viện và khi sau này người con trai ngồi bên quan tài của mẹ. Nhân vật chính của thiên truyện từng nghĩ: “Tôi không hề chờ đợi tôi chào đời. Sự có mặt của tôi trên đời chỉ là kết quả từ một quyết định của người khác, không phải là của tôi, từ sự kết hợp hoàn toàn ngẫu nhiên của một con tinh trùng vô trách nhiệm với một cái trứng phóng đãng và vì vậy, mỗi lần bị nhắc phải nhớ đến ngày sinh của mình chỉ làm cho tôi kinh hoàng và cảm thấy một sự trói buộc khủng khiếp”.
Không đành lòng làm một “kẻ ngoại cuộc” trên đời này, Lân tìm cách chằng lại những mảnh vỡ - mảnh nào cũng in dấu đời anh - và xem đó như là cách trả món nợ làm người của mình. “Có điều gì đó thật đẹp đẽ, thật lãng mạn khi một người ngoái lại sau lưng nhìn lại mình mười năm, hai mươi năm về trước lạc lõng, ngơ ngác giữa một bầy người hỗn độn, thấy mình thật nổi bật nhưng cùng một lúc thật tội nghiệp khi nhận ra mình chỉ mang vác lịch sử của một kẻ khác ở trên lưng, ngay cả khi kẻ khác ấy là chính mình. Giá như lịch sử không phải là một dòng chảy liên tục, bất tận và mọi thứ có một điểm dừng đâu đó ngoài không gian, ắt hẳn mỗi chúng ta sẽ là một tập hợp mơ ước những mảnh ghép có thể hoán vị. Và khi ấy sẽ chẳng còn ai biết đến khổ đau, chiến tranh, đói nghèo hay bệnh tật, sẽ không còn cần đến nhà thờ và những bài giáo lý gieo rắc hy vọng của các thầy tư tế, sẽ không còn thiên đường hay địa ngục, bởi vì khi ấy chúng ta dễ dàng quay trở lại bờ biển để nhặt lấy đôi cánh của mình đã bỏ quên khi vội vàng chạy đuổi theo tiếng gọi của các hải đảo”.
Một lúc nào đó dường như Vũ Thành Sơn đẩy đi quá xa chủ nghĩa bi quan và sự yếm thế của Lân. Nhưng sẽ là khiên cưỡng, thậm chí bất công, nếu quy cái nhìn và quan niệm của nhân vật cho tác giả, bởi chẳng lẽ ta lại tin Meursault là kẻ phát ngôn cho Camus hay Trương - kẻ phát ngôn cho Nhất Linh hay sao? Khác với một số tác phẩm hiện sinh trước đây thường không xóa nhòa bối cảnh của câu chuyện, trong cuốn tiểu thuyết này tác giả như cố ý cài đặt nhân vật vào một cảnh ngộ phi thời tính, dù đôi khi cũng hé lộ một vài nét về bóng dáng xã hội: dịch cúm, công ty truyền thông, chương trình “Ai là triệu phú”. Phải chăng tác giả muốn lưu ý người đọc rằng thời nào, xã hội nào thì cũng có khủng hoảng gia đình và bi kịch cá nhân. Đọc theo cách phản-hiện-sinh, có thể nói đến thông điệp cảnh báo về án cô đơn, sự lãnh đạm và nỗi bất lực vĩnh viễn của con người khi nó cắt đứt mọi sợi dây hiệp thông với tha nhân và cõi thiêng liêng; bởi cô đơn, tự do và hiệp thông đích thực không phải là những ý niệm tách rời hay đối lập nhau, như K. Jaspers đã nói.
Một cuốn tiểu thuyết ám ảnh, ngột ngạt và nặng nề từ đầu đến cuối, với những điềm dữ trong cơn mê sảng, những chấn thương tâm lý, với rượu Scotch Dailuaine, với cái bánh madeleine, với Freud, Neruda và Bayona, với những In vino veritas, Rider on the rain, Một chút mặt trời trong nước lạnh làm đầy lên văn bản đôi khi không thật cần thiết; một lúc nào đó cho ta thoát ra tìm thấy một đời sống ngắn ngủi khác: “Mùa mưa lá khế, hoa khế nhỏ màu tim tím và những trái khế non rụng đầy trong sân và trong lu nước. Cho đến bây giờ mỗi lần nhìn thấy một cây khế tôi không khỏi nhớ lại mảnh vườn và những buổi trưa đầy mây trắng”.
Những vầng mây trắng và những áng mây mù vẫn không thôi phủ bóng trên những phận người.
1/2/2021
Huỳnh Như phương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...