Gần tám giờ tối mà con gái chị đi đâu chưa về. Mâm cơm đã
nguội lạnh. Không hiểu sao, chị thấy lòng dạ cồn cào. Cảm giác mơ hồ như sắp
mất một cái gì đó kiến chị bồn chồn. Chị nhìn lung mung ra ngoài cửa sổ.
Trăng sáng lạ lùng. Bóng cây khế im lìm bất động, tàn xum xuê. Nếu không bị
bom phạt ngang ngọn, chắc giờ nó phải cao lắm. Chị lại nhớ đến chồng và lời hẹn
của anh. Chị tắt đèn, đến bên cửa sổ, ánh trăng lùa vào phòng mát lạnh. Ấp nhẹ
mặt vào giữa hai cấn song, chị nhìn vượt lên ngọn khế, thả mắt vào không
trung tĩnh mịch…Cây khế kia trong mắt mọi người chỉ là vật vô
tri vô giác, thế mà như định mệnh, nó đã trở thành điểm tựa tâm linh của hai
người đàn bà. Ngày xưa, hồi bố mẹ chồng mới cưới nhau, ông trồng cây khế để
nhắc lại kỷ niệm của hai người. Dưới gốc khế trong vườn nhà bà, họ đã từng
chuyện trò rồi nên vợ nên chồng. Vì kế sinh nhai, ông phải đi làm xa, để lại
người vợ trẻ cùng đứa con trai đầu lòng vừa một tuổi. Ông chỉ cây khế mới
ngang tầm mắt nói: “Khi nào cây khế bói quả, tôi về”. Hai năm sau, cây khế ra
hoa. Bà thắc thỏm chờ đợi. Hoa khế rụng dần, chỉ đậu lại hai quả. Bà không
hái, để chín rục rụng xuống gốc. Đúng lúc ấy ông về. Đau xót thay, đó chỉ là
xác của ông. Người cùng làm ăn với ông nơi rừng thiêng nước độc đưa ông về
cho biết: Ông bị cảm hàn, ra đi đột ngột… Số tiền ông dành dụm được trong
hai năm, đủ để sau này bà dựng lại ngôi nhà nhỏ cho con trai lấy vợ. Người
con trai của ông bà sớm giỏi giang mọi việc. Học hết cấp hai, anh ở nhà lo việc
ruộng đồng giúp mẹ. Tiếng sáo của anh vào những buổi trưa hè, trong những đêm
trăng làm mê lòng nhiều cô gái làng. Riêng anh chỉ để mắt đến chị. Đám cưới của
hai người được tổ chức đơn giản, vội vã như bao đám cưỡi thời chiến khác. Anh
lên đường nhập ngũ cùng lời hẹn với người vợ mới cưới: “Chừng nào cây khế còn
xanh, anh còn sống trở về…” Lúc ấy, mẹ chồng chị quay mặt đi, dấu vội giọt nước
mắt. Bà nghĩ: “Lẽ nào, như mười tám năm trước, cây khế lại là tâm điểm cho một
lời hẹn, sẽ lại là sợi dây vô hình buộc số phận của con dâu bà như đã từng
ràng buộc số phận cả đời bà”…Chiến tranh chấm dứt, mẹ chồng chị thở phào. Thế là con
trai bà, ơn trời đã tránh được hòn tên mũi đạn, nó sắp về… Nhưng bà đã không
còn được gặp mặt con trai lần cuối. Khi hấp hối, bà nói vời người con dâu hiếu
thảo: “Hết bom đạn rồi, cây khế còn xanh, chồng con sắp về …”. Với niềm tin
như thế, mẹ chồng chị đã sống chờ đợi và yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Còn chị,
mười hai năm chị nhẩm đếm từng ngày, việc nhà cửa, ruộng vườn một tay chị lo
liệu, chỉ mong anh còn sống trở về. Nghe tin ngừng chiến, chị phủ phục dưới gốc
khế, lặng đi trong niềm sung sướng tột đỉnh. Ôm chặt con gái vào
lòng, chị nói với nó: “Bố con sắp về …”. Bởi vậy chị tái tê sửng sốt trước
giấy báo tử của chồng, anh hi sinh trước ngày miền nam giải phóng một tháng.
Đau đớn, hẫng hụt làm chị suy sụp tưởng không thể vực dậy được. Chị cứ thẫn
thờ khắc khoải với lời hẹn của chồng. Biết bao lần chị đã nhìn len ngọn khế
xanh ngắt kia thầm gọi tên anh và trong khoảng không tĩnh mịch đó, hình ảnh
thân yêu của anh lại ùa về vẹn nguyên như ngày nào chị ngồi nghe anh thổi sáo
dưới gốc cây này.Cho đến ngày, cha con ông thầy lang Thành chuyển về đây
sinh sống, chị hình như ít hoài niệm về lời hẹn của chồng. Có những điều bất
ngờ vừa như vô hình lại vừa hiện hữu, khiến chị phải phân tâm. Ông
Thành tàn tật, dị hình đối với chị thật xa lạ. Vậy mà có những lúc chị giật
mình bởi ánh mắt quá đỗi gần gũi thân quen của ông. Thỉnh thoảng ông Thành lại
bị lên cơn do di chứng của vết thương ở đầu. Những lúc ấy, người ta nghe tiếng
ông la hét, cùng những lời của trận mạc: “Bắn! Nhắm trúng đích mà bắn! Bom nổ.
Nằm xuống!…, người ta còn nghe cả những tiếng gào thét của ông: “Hay để tôi
chết, tôi chết…”. Lần đầu, cả xóm đến để cấp cứu, sau thì họ quen dần. Có gì
đâu mà phải cấp cứu. Với tấm thân tàn tạ, nhỏ nhoi, chân tay thiếu hụt thế
kia, ông còn chạy đi đâu, đập phá được gì? Những lúc ấy, cậu con trai chỉ cần
ngồi ôm chặt lấy ông, để ông dãy dụa một hồi rồi lịm đi. Riêng chị, lần nào
cũng vậy, nghe tiếng hét của ông là chị chạy sang, chững kiến cơn vật vã của
ông. Ít nhất chị cũng làm một việc như vắt khăn lau mặt cho ông, để rồi mỗi lần
ông tỉnh, chị lại giật mình bởi ánh mắt thôi miên của ông. Anh mắt lúc bình
thường không bao giờ ông nhìn chị như vậy. Một lần chị ốm liệt giường, ông đích thân đến tận
nhà bắt mạch cho chị. Ngồi trên xe lăn do con trai đẩy tới, ông còn mang theo
chiếc nạng gỗ. Ra hiệu cho chị cứ nằm nghỉ, ông chống nạng đến trước bàn thờ
mẹ chồng và chồng chị. Con gái của chị đốt nén hương đưa cho ong. Một tay ông
run run nâng nén hương ngang mặt, miệng lâm râm điều gì không ai nghe được,
chỉ thấy phía vai bị mất một cánh tay của ông lệch hẳn xuống rung rung. Lúc
sau, ông quay lại phía chị, nhìn ra sau vườn, mắt bỗng dừng lại nơi cây khế…
Chị lướt nhìn ông. Một bộ mặt kinh dị, nhăn nheo những vết sẹo kéo đến cả hai
vành tai. Cánh tay trái cụt sát nách buông thõng tay áo bộ đội bạc màu. Nửa ống
chân phải bị cụt được thay chân giả xỏ cẩn thận trong chiếc dầy ba-ta đã mòn
vẹt gót… Chị cố tưởng tượng lại dáng vóc của một thời trai trẻ, nhưng không
thể được, tất cả điều đã méo mó, dị dạng đến kinh người. Ông vẫn mải mê nghĩ
ngợi điều gì đó, mắt không rời cây khế. Lòng chị trào lên một cảm xúc vừa xót
thương, vừa thán phục. Không kìm được, nước mắt chị tuôn rơi. Nghe
tiếng thổn thức, ông giật mình dứt khỏi luồng suy nghĩ. Hình như hiểu nỗi niềm
của chị, ông nhỏ nhẹ: “Bình tâm lại, để tôi bắt mạch”. Nhưng ngón tay của ông
đặt lên cổ tay chị. Như có dòng điện chạy khắp người, chị rùng mình, mắt nhắm
nghiền. Ông thở dài: “Suy nhược cơ thể, thần kinh bất an, cần phải dưỡng sức
…”. Chị cố nghe thật rõ từng âm điệu phát ra từ giọng nói của ông như muốn
tìm một cái gì đó quen thuộc, nhưng không thể. Vành môi bị sẹo kéo lệch một
bên làm giọng nói của ông bị đơ như người thụt lưỡi… Ông về rồi, chị thấy bâng khuâng, người nhẹ hẳn. Bà con ở
đây thường nói: “Thầy Thành tuy tàn tật mà bốc thuốc mát tay lắm. Từ người
già đến con trẻ, hễ được thầy chữa trị đều mau khỏi bệnh”. Sau lần ấy, chị có
khỏe hơn, thỉnh thoảng ông lại gửi thuốc sang cho chị. Những lúc ấy chị bần
thần nghĩ ngợi. Thực ra cha con ông về làng tính đã gần bốn năm nhưng chị ít
khi trò chuyện với họ, họa hoằn lắm mới hỏi thăm vài lời sau mỗi lần ông lên
cơn. Vậy mà không hiểu sao hôm ấy chị đã kể ông nghe chuyện cây khế cùng ước
vọng của mình: “Giá gì nhà em còn sống trở về …”. Chị không ngờ đã
vô tình chạm vào nỗi đau của ông: “Trở về mà tuyệt tự, tàn tật như
tôi chỉ làm mọi người thêm đau lòng. Nếu không vì danh dự một người lính, tôi
đã tự sát ngay sau khi ra khỏi trạm quân y…”. Chị thấy đắng ngắt ngay đầu lưỡi,
lòng nghẹn tắc, chị không giám nói tiếp với ông điều mà đã có lúc chị nghĩ:
“Anh ấy trở về, dù có tàn tật thế nào mình cũng cam lòng”. Đèn bật sáng, con gái chị về, nó ăn qua quýt bát cơm, tắm rửa
rồi lên giường ôm choàng lấy chị. Nó thủ thỉ: “Mẹ đợi con lâu lắm phải không?
Bác Thành ốm nặng, con ở bên ấy suốt chiều nay. Bác cứ giữ con ngồi nói chuyện
với bác, lại hỏi con nhiều điều. Bác mừng vì con và Kiên yêu nhau. Bác nói,
anh Kiên không phải là con đẻ của bác. Cả nhà anh Kiên bị bom chết chỉ còn
anh ấy với ông nội. Bác Thành được ông nội Kiên truyền nghề bốc thuốc gia
truyền. Khi ông nội mất, bác mới đưa anh Kiên về đây… bác mời mẹ mai sang
bên ấy để chính thức nói chuyện của chúng con, bác mong mẹ thông cảm chấp thuận
vì bác mệt không thể qua nhà mình được”. Con gái chị vô tư, nói chuyện một mạch rồi nó ngủ thiếp đi.
Từ lúc nghe nó nói ông Thành ốm nặng, Kiên không phải con đẻ của ông, trong đầu
chị không thể cưỡng lại ý nghĩ đang mỗi lúc một rõ nét. Chị nhớ lại lần ấy,
khi nghe kể đến lời hẹn của chồng chị, nét mặt ông thật đau khổ,
giọng ông run run, ngắt quãng: “Tôi nghĩ, đó chỉ là lời hẹn của tuổi trẻ,
không lường hết được sự tàn khóc của chiến tranh. Cô Lệ còn trẻ, hãy nhìn vào
thực tế, đừng trói buộc đời mình chỉ vì một lời hẹn quá huyền thoại như vậy.
Đối với người lính chúng tôi, lời hẹn trước lúc ra chiến trường thực sự có một
sức mạnh tiềm ẩn giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, bom đạn… Nhưng cũng từ chiến
trường ác liệt, với chết chóc thương vong, chúng tôi càng thấm hiểu sự chờ
mong vô giá của những người thân nơi quê nhà bởi lời hẹn ấy. Trong chiến
tranh tất cả mọi cái đều có thể…”. Đúng! Trong chiến tranh mọi cái điều có thể
xảy ra. Vì vậy, đã có lúc chị nghĩ: Biết đâu chồng chị cũng là một trong những
trường hợp báo tử nhầm? Nhưng thời gian đã làm tắt dần hi vọng mong manh đó,
bởi đã gần mười năm hòa bình anh nào có trở về. Thế mà giờ đây… Chị thiếp dần
đi chập chờn trong nỗi ngờ vực và hy vọng. Chợt chị choàng tỉnh, nghe như có
tiếng gọi tên mình, chị lay mạnh con gái: “Có đúng Kiên không phải con của
bác Thành không? Có phải bác Thành mời mẹ sang bên ấy?”, Con gái chị vẫn còn
mơ ngủ. Chị lao xuống giường lẩm bẩm: “Đúng rồi, có tiếng gọi
mình”… Mở của, chị chạy vụt ra ngoài. Trăng đã chệch hẳn về phía
cuối trời nhưng vẫn sáng vằng vặc, soi rõ bóng chị băng băng qua thửa ruộng vừa
mới gặt. Chẳng còn biết có trăm ngàn gốc rạ đâm ngược lên gan bàn chân, chị
lao đi, gió bên tai thổi ù ù. Phía bờ sông là ngôi nhà của cha con ông Thành,
đèn vẫn sáng, chị đẩy tung cửa và kịp nghe: - Lệ! Lệ ơi! Em ơi! Con gái của… Chị nhào tới bên giường. - Anh Thiện! Anh Thiện ơi!… Búi tóc chị xổ tung phủ đầy khuôn ngực gầy lép của anh, chị
vùi mặt mình vào mặt anh. Tấm thân lạnh lẽo của anh làm chị bàng hoàng, buốt
nhói trong tim. Chị áp tai vào ngực anh, nơi ấy chị còn nghe những tiếng đập
quá thưa thớt, khẽ khàng. Chị cuống quýt, nước mắt đầm đìa. - Không thể như thế! Không thể... Trời ơi! Có lẽ nào…? Anh cố nhấc bàn tay còn lại đặt lên đầu chị, nhè nhẹ thả
trôi theo mái tóc dài như cử chỉ vuốt ve âu yếm ngày nào, miệng mấy máy. - Trời còn thương… Nếu em không đến kịp… Chúng mình sẽ…
Không được… Nhìn nhau… Lần cuối… - Anh! Anh ơi! Còn con gái của chúng ta… Vừa lúc con gái chị ùa vào. - Mẹ ơi! Thế là thế nào…? - Con ơi! Bố Thiện của con đây. Ông đã trở về đây… Chị nấc lên, ngất lim. Bố, Bố ơi! Mẹ ơi! Trời ơi!… Ông Thành vẫy tay yếu ớt ra hiệu cho Kiên cầm quyển sổ tay
đã sờn góc và hộp nữ trang đến bên cạnh. Ông níu tay con gái đặt chồng lên
tay Kiên đang cầm những kỷ vật. Đây là… tất cả… những gì… bố còn… để lại… cho… con… Đám tang ông thầy lang Thành được cả làng đưa tiễn. Ngày ấy
cách đây đã tròn mười năm, chị bây giờ vẫn là một quả phụ đang vào tuổi năm
mươi. Từ dạo ấy, cây khế sau vườn trút hết lá như thể đã làm tròn sứ mạng cho
một lời hẹn ước. Giờ đây, nó chỉ còn là thân cây trơ trụi, dầu dãi nắng mưa để
minh chứng cho một tỉnh yêu bất tử.Nha
Trang 10/11/1996 Minh
Hương Theo
https://www.vanchuongviet.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét