Hồ Xuân Hương - Huyền thoại và sự thực
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại Họ Hồ
Quỳnh Đôi (ảnh Bùi Duy Tâm) Sách
GIAI NHÂN DI MẶC
Hồ Xuân Hương
(In tại Hà Nội thời Pháp thuộc)
”Người ta nói nhiều về
Hồ Xuân Hương
Nhưng người đó là ai
Thật mỉa mai
Không ai biết rõ
Như có như không như không như có
Nàng ở làng Quỳnh
Nàng lại ở phường Khán Xuân
Mờ mờ tỏ tỏ...“
(Hồ Xuân Hương - người đó là ai?).
Mấy câu thơ ngắn của Hoàng Trung Thông ít nhiều gợi cho người
đọc thấy được cái mơ hồ huyền thoại của một nhà thơ nữ hiếm hoi
trong làng thơ Việt Nam mà xưa nay từ dân dã đến trí thức chẳng mấy ai không biết.
Người ta thuộc thơ Hồ Xuân Hương, thuộc nằm lòng những bài thơ ngâm vịnh về đủ
mọi thứ trên đời; giọng thơ tinh nghịch, đùa cợt pha chút mỉa mai thế tục
- ấy vậy mà Hồ Xuân Hương sinh trưởng ở đâu? vào thời nào? cuộc đời của Hồ Xuân
Hương ra sao, đã trải qua những nỗi bất hạnh nào để nên thơ?… thì đến nay người
ta chưa xác định được. Đã có không biết bao nhiêu biện thuyết, bao nhiêu sách
báo của bao nhiêu nhà nghiên cứu văn học, bao nhiêu tác giả trong nước: từ Đông
Châu Nguyễn Hữu Tiến (1) đến Dương Quảng Hàm, Hoa Bằng, Trần Văn
Giáp, Nguyễn Triệu Luật, Trương Tửu, Xuân Diệu, Trần Bích Lan, Lê Xuân Giáo,
Ngô Lãng Vân, Nguyễn Đức Quyền, Trần Thanh Mại, Kiều Thu Hoạch, Lê Trí Viễn… và
gần đây như Nguyễn Lộc, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Hạnh Cẩn, Đào Thái Tôn, Lữ Huy
Nguyên, Hoàng Bích Ngọc… đến những người nước ngoài như Antony Landes (2),
Maurice Durand (3), John Balaban (4)… cũng đã bàn luận nhiều về
thân thế, sự nghiệp văn chương của nữ sĩ họ Hồ này - và đáng buồn thay: các ý
kiến này khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau. Sở dĩ vậy là vì bên cạnh những học
giả, những nhà văn bản học Hán-Nôm chuyên nghiên cứu các tàng bản từ thế kỷ trước
với tinh thần nghiêm túc, cẩn trọng (5) lại cũng có một số người viết
chưa đủ tầm hoặc chưa có được những bằng chứng xác đáng, thường suy diễn theo cảm
nhận chủ quan, võ đoán.
Tìm hiểu cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trước hết, Dương Quảng
Hàm trong Việt văn giáo khoa thư năm 1940 cho rằng “Hồ Xuân Hương là
con gái ông Hồ Phi Diễn người làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, xứ Nghệ An”. Cụ
đồ Diễn đậu tú tài năm 24 tuổi; ra Hải Dương dạy học. Tại đây cụ lấy lẽ một
cô gái họ Hà ở Bắc Ninh. Hồ Xuân Hương là con của cụ đồ Diễn và người vợ thứ
này. Lúc này cụ đồ Diễn đã chuyển về sống tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận
(gần Hồ Tây - Hà Nội bây giờ). Về sau, gia đình lại chuyển về thôn Tiên Thị, Tổng
Tiên Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Lý Quốc Sư). Tại đây, Hồ Xuân Hương có một
ngôi nhà riêng dựng gần hồ Tây, lấy tên là Cổ Nguyệt đường (6).
Đó chỉ là mới nói về nơi sinh trưởng và phụ mẫu còn thời gian
sáng tác của Hồ Xuân Hương lại cũng tồn tại nhiều nghi vấn. Việc xác định được
thời gian này là cần thiết vì thơ Hồ Xuân Hương là bằng chứng sống, khẳng định
được sự lên ngôi của chữ Nôm trong văn học nước nhà. Chữ Nôm tuy đã xuất hiện từ
bao nhiêu thế kỷ trước: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tông đã có thơ
nôm… nhưng phải đến Hồ Quý Ly và đặc biệt là đến đời Nguyễn Tây Sơn, nó mới thực
sự có ngôi thứ rõ ràng, không còn “Nôm na là cha mách qué” nữa, nó đã
là thứ văn tự được luật pháp quy định dùng trong văn bản hành chính. Đến Nguyễn
Du, Hồ Xuân Hương thì văn chương chữ Nôm đã đạt đến trình độ điêu luyện, các
tác phẩm chữ Nôm hay hơn hẳn những thơ văn Hán-Việt ở các đời trước cũng như cùng
thời. Thơ Nôm lại có sức sống mạnh mẽ hơn thơ Hán-Việt vì phạm vi phổ biến rộng
hơn; tác phẩm không chỉ gói gọn trong tầng lớp “sĩ” nữa mà trải rộng ra tất cả:
những người nông dân chân lấm tay bùn, những thợ thuyền, những con hầu vú em...
đều có thể đọc Kiều, thuộc thơ Hồ Xuân Hương. Vậy Hồ Xuân Hương có gốc gác họ tộc
ở đâu? sinh trưởng trong khoảng thời gian nào?
Hồ Phi Tiến căn cứ các gia phả của họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh
Lưu, Nghệ An cho rằng kể từ Hồ Hồng là người khai cơ lập nên họ Hồ ở Quỳnh Đôi thì
đến Hồ Phi Phúc là đời thứ 11. Hồ Phi Phúc (đổi họ Nguyễn) sinh Nguyễn Nhạc,
Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Cũng đời thứ 11 này: Hồ Phi Diễn sinh Hồ Xuân Hương. Vậy nếu
xem Hồ Hồng là thủy tổ (đời thứ nhất) ở Quỳnh Đôi thì đến Hồ Xuân Hương là thuộc
đời thứ 12; Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng thuộc đời thứ 12. (Hồ Xuân Hương và
Nguyễn Huệ cùng chung ông tổ 5 đời là Hồ Thế Anh) (8).
Về năm sinh năm mất: Nhiều tài liệu cho rằng Hồ Xuân Hương
sinh năm 1772, mất năm 1822. Vậy nhưng căn cứ vào: Xuân đường đàm thoại của
Tam nguyên Trần Bích San (9) thì Hồ Xuân Hương lại sinh vào đầu triều
Nguyễn và mất vào năm 1869 (10). Điều này khiến ta băn khoăn không
ít bởi vì trong Thương sơn thi tập của Nguyễn Phúc Miên Thẩm -
tức Tùng Thiên vương có bài Long biên trúc chi từ được viết
năm 1842 khi Tùng Thiên vương hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc tiếp sứ thần
nhà Thanh, có tới viếng mộ Hồ Xuân Hương cạnh hồ Tây (11). Căn cứ bài thơ
này có thể khẳng định Hồ Xuân Hương đã qua đời từ lâu trước 1842.
Vì những phức tạp trên, hôm nay về thời gian sinh trưởng của
Hồ Xuân Hương, nhiều tài liệu chỉ xác định mơ hồ trong một khoảng thời gian khá
rộng: cuối Lê-đầu Nguyễn, cùng thời với Nguyễn Du (1765-1820) (12). Suy
cho cùng: có lẽ vì những định kiến khắt khe của cộng đồng xã hội xưa, Hồ
Xuân Hương vốn dĩ đã bị người đời đương thời xem là phóng túng, lại là phận nữ
nhi nên tác phẩm cũng như thân thế của Bà đã không được các nho sĩ trân trọng
ghi chép cẩn thận như nhiều văn-thi sĩ khác. Cũng như thơ, những cuộc tình
duyên của Hồ Xuân Hương đầy sóng gió với biết bao huyền thoại: Hồ Xuân Hương đã
từng chung sống với những ai? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu chủ yếu
luận đoán qua văn thơ. Gần đây nhờ gia phả họ tộc của Xuân Hương ở Quỳnh Đôi
cùng những ghi chép những bậc cao niên vùng Tứ xã ở Phú Thọ là nơi Bà đã từng sống
một thời vàng son với Tổng Cóc, những đồn đoán lệch lạc từ trước mới được cải
chính… (13)
Trước hết hãy nói đến Tổng Cóc - Tên gợi nên cảm
nhận về người - Nghe tên, người ta tưởng tượng ra dung mạo một người xấu xí về
hình vóc, thô bỉ về nhân cách. “Cóc” lại thêm có chữ Tổng ở
trước : khiến người ta nghĩ đây hẳn là một tên cường hào ác bá!. Thật
vậy, Nguyễn Hữu Tiến trong Giai nhân di mặc, đã cho là “lúc trẻ Xuân Hương
bị mẹ ép phải lấy cường hào Tổng Cóc. Tổng Cóc đã dốt nát lại có tính ăn chơi bạt
mạng, sau một lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt đã tiếc của
mà chết. Xuân Hương bèn làm bài thơ nổi tiếng "Khóc Tổng Cóc" lời
lẽ trào phúng; bởi đối với ông chồng không xứng ý này nàng chẳng có chút cảm
tình nào…”
Thật oan cho Tổng Cóc. Nỗi oan này thật ra đã bắt nguồn từ
chính bài thơ Khóc Tổng Cóc của Hồ Xuân Hương:
Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi;
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé.
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!
Bài thơ tài tình lắm trong câu chữ (cóc, bén (nhái), nòng
nọc, chuộc (chẫu chuộc), bôi vôi…") nhưng đã để lại cho đời
biết bao võ đoán. Cả trăm năm trước bài thơ đã bị nhiều người hiểu lệch; trước
hết, đề bài thơ gợi cho người đọc nghĩ đến việc vợ khóc chồng vừa quá cố. Sự thực
đâu phải vậy! GS. Lê Trí Viễn có phân tích và cho rằng bài thơ vừa bộc lộ
đau xót vừa thể hiện một sự tiếc rẻ, thậm chí một sự ân hận nếu không là hờn
oán. Có vẻ như một bài thơ giận người bỏ đi. Thương cho mình hơn là khóc cho
người. Bài thơ không ra lời tang mà là lời tự thương tự tiếc, không giận người
mà chỉ tủi cho mình.
Cụ Dương Văn Thâm (14) làm rõ vấn đề hơn khi cho biết:
dân làng Mương, làng Gáp biết thừa bài thơ “Khóc Tổng Cóc” của Hồ
Xuân Hương chỉ là "khóc" cho mối tình đã qua chứ đâu phải khóc chồng
vừa mất, bởi vì ai lại khóc chồng mà đi giễu nhau như là “cóc, nòng nọc, nhái
bén, chẫu chuộc…” chả hóa ra là bạc ác độc địa lắm sao? Quả đúng như
vậy; nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn (15) trong "Phóng sự điền
dã" căn cứ vào cuộc trò chuyện với các cụ cao niên của làng Gáp xưa
(nay là Tứ xã, Lâm Thao, Phú Thọ) (16) cho biết: Tổng Cóc là người
làng Gáp. Theo lệ xưa, sợ khó nuôi, người ta thường chọn cho trẻ những tên thật
xấu xí … Mặc dầu gia đình thuộc dòng dõi văn chương, Phó tổng Nguyễn Bình Kình
(tự là Nguyễn Công Hòa), lúc bé đã có tên là "Cóc”. Tổng Cóc là con nhà
gia thế (cháu của Nguyễn Quang Thành; đỗ Tiến sĩ năm 1680, đời vua Lê Hy
Tông) (17), hay chữ, lại giỏi võ nghệ, vẫn thường xướng họa với Xuân Hương
chớ không phải dốt nát như người ta lầm tưởng. Giàu nghệ sĩ tính, cảm mến tài
thơ văn, Tổng Cóc đã lấy lẽ Xuân Hương… và có thể Xuân Hương nhan sắc nên Tổng
Cóc đã hết lòng chiều chuộng. Theo cụ Dương Văn Thâm: hơn 200 năm trước, đất
đai, ao hồ nhà Tổng Cóc trải từ đầu đến cuối làng Gáp. Chiều ý thích của Xuân
Hương, Tổng Cóc đã cho đắp một gò đất nổi giữa hồ, xây nhà thủy tạ có cầu bắc
qua dành làm nơi nữ sĩ nghỉ ngơi, lấy cảm hứng làm thơ và dạy học; chung quanh
hồ trồng toàn liễu, giữa hồ thả sen, nuôi cá… Tương truyền, vườn cây bên hồ, Tổng
Cóc dành một sào đất, riêng trồng chanh cho Hồ Xuân Hương gội đầu. Dân làng kể,
tóc bà Hồ Xuân Hương đen óng, dài chấm đất, mỗi khi gội, cuộn đầy một chậu, nên
phải dùng nhiều chanh mới đủ (18).
Xuân Hương dù có một thời gian lúc bé sống ở quê nhưng đã sớm
theo cha lên kinh thành. Giỏi văn chương lại là nữ lưu ở chốn kinh đô, tính
cách của Xuân Hương mâu thuẫn trầm trọng với lối sống và định kiến của cộng đồng
làng quê lam lũ. Xuân Hương có nhiều mối bất hòa với người trong gia đình Tổng
Cóc. Cuộc tình nhiều trắc trở. Tổng Cóc bỏ nhà ra đi. Khi trở về, Xuân Hương lại
cũng đã bỏ đi... và đã trở thành vợ lẽ của Tri phủ Vĩnh Tường. Bài thơ "Khóc
Tổng Cóc" được Xuân Hương làm trong thời gian này là để khóc cho một
cuộc tình đã chết. Một cuộc tình buồn! (19)
Người chồng thứ hai được người đời truyền tụng là Ông Phủ
Vĩnh Tường. Xuất phát từ bài thơ “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường” nhiều giả
thuyết đã tồn tại với nhiều lý giải khác nhau. Theo Ngô Lãng Vân: sau khi góa Tổng
Cóc, Xuân Hương mở quán bên đường làm kế sinh nhai. Nhiều khách văn chương tìm
đến xin xướng họa rất nhiều, trong số có một đồ sinh đỗ Giải nguyên sau nhiều lần
xướng họa, rất phục tài Xuân Hương cưới làm vợ lẽ, sau này thành ông Phủ
Vĩnh Tường.
Hoàng Xuân Hãn cũng có đề cập đến một người tên là Phạm
Viết Đại (Hoàng Xuân Hãn đã ghi nhầm là “Phạm Viết Đạt”) được người ta cho
là Tri phủ Vĩnh Tường, chồng của Xuân Hương nhưng ông không tin lắm vào tính
xác thực của thơ Nôm truyền tụng và cho rằng bài “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường
quyết không phải của Xuân Hương và Xuân Hương không phải có chồng là Tri phủ
Vĩnh Tường…” (20).
Về Phạm Viết Đại: Phương Tri (Tạp chí Văn Học, số 3/1974) cho
biết ông Trần Tường dựa vào gia phả Trà Lũ xã và lời kể qua ký ức của các cụ
già làng Trà Lũ đã phát hiện ra ông Phủ Vĩnh Tường tên là Phạm Viết Đại sinh
năm 1802, đỗ Cử nhân năm 1842; năm 1862 được thăng chức Đồng Tri phủ Vĩnh Tường.
Nhiều giai thoại và thơ xướng họa giữa Phạm Viết Đại với Xuân Hương cũng được
các cụ già trong làng Trà Lũ kể và đọc lại theo trí nhớ. Ông Trần Tường nhận thấy
nhiều bài thơ vịnh cảnh của Xuân Hương trùng hợp với những nơi mà Phạm Viết Đại
đã từng làm quan. Tuy vậy, nếu cho rằng Phạm Viết Đại là Tri phủ Vĩnh Tường và
bài thơ khóc Tri Phủ Vĩnh Tường là khóc Phạm Viết Đại thì không đúng
vì theo sách Nữ Lưu của Lê Dư thì nữ sĩ Xuân Hương góa chồng lần cuối
rồi mất sau chồng vài năm; nghĩa là sau khi Phạm Viết Đại mất vào năm 1862 thì
Xuân Hương mất vào khoảng năm 1864. Điều này là sai với căn cứ của Thương
sơn thi tập (Miên Thẩm) vốn được xem là tác phẩm là có nguồn gốc chứng cứ
lịch sử rõ rệt. Căn cứ Thương sơn thi tập: Xuân Hương phải mất trước
năm 1842. Điều này chỉ có thể chấp nhận được với Trần Bích San khi cho rằng
Hồ Xuân Hương mất năm 1869.
Không công nhận Tri phủ Vĩnh Tường, Hoàng Xuân Hãn căn cứ Lưu
Hương ký, Tục Hoàng Việt thi tuyển và Đại Nam thực lục cho
rằng Hồ Xuân Hương có chồng là Trần Phúc Hiển làm quan Tri phủ Tam Đái; năm
1813 Phúc Hiển được thăng từ Tri phủ Tam Đái lên chức Tham Hiệp trấn Yên
Quảng; cưới Xuân Hương làm lẽ được khoảng một năm thì quan Tham hiệp bị tử hình
năm 1818 (21).
Năm 1973, Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch Quốc sử di biên của
Phan Thúc Trực. Căn cứ tác phẩm này, Lê Xuân Giáo cho rằng tài nữ được nhắc đến
trong Quốc sử di biên chính là Hồ Xuân Hương nhưng lại cho rằng Trần
Phúc Hiển là người chồng thứ ba (sau Tổng Cóc, Tri phủ Vĩnh Tường).
Ngoài các đời chồng trên, Xuân Hương còn nhiều bạn văn chương
với bao tình quyến luyến được ghi chép lại trong thơ. Người có nhiều thơ xướng
họa là Chiêu Hổ. Nhiều nhà nghiên cứu (Trần Thanh Mại, Văn Tân, Nguyễn Triệu Luật…) vẫn cho rằng Chiêu Hổ là Phạm Đình Hổ (1768-1839; tác giả Vũ Trung tùy
bút, Tang thương ngẫu lục) cùng với Nguyễn Án và Xuân Hương đương thời mệnh
danh là "Tam tài tử". Tuy vậy Chiêu Hổ chắc chắn không thể là Phạm
Đình Hổ được vì một lý do rất đơn giản là qua các bài thơ xướng họa với Xuân
Hương Chiêu Hổ tỏ ra rất sành sỏi và rất thích thơ nôm, trong khi Phạm Đình Hổ
ngay trong phần “Tự thuật” trong Vũ trung tùy bút đã tự nhận
là “chữ Nôm ta không thể hiểu hết được” (22). Tác giả của Vũ Trung
tùy bút không thích chữ Nôm; vậy không thể là Chiêu Hổ.
Chiêu Hổ là ai? đến nay chưa thể xác định.
Ngoài Chiêu Hổ, căn cứ Lưu hương ký, Hồ Xuân Hương còn
nhiều bạn tình khác như Nguyễn Hầu, Trần Hầu (Hiệp trấn Sơn Nam Thượng - Trần Ngọc
Quán (?), Hiệp trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh, Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Thạch
Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Chí Hiên... Trong số những bạn văn chương có tình cảm
đậm đà đáng lưu ý nhất là Nguyễn Du. Lưu Hương Ký có bài "Cảm
cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu (Hầu: Nghi Xuân, Tiên Ðiền nhân)". Với tước hiệu, tên người, gốc gác nêu ở đề bài thơ thì ta có
thể chắc chắn đây là bài thơ bày tỏ tình cảm với Nguyễn Du, với nhiều câu thơ nồng
nàn tình cảm:
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siêu mấy,
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
Căn cứ nội dung, bài thơ có lẽ đã được Xuân Hương viết năm
1813, năm Nguyễn Du được thăng Cần Chánh học sĩ sung Chánh sứ sang cống nhà
Thanh, đi qua Thăng Long và gặp lại Xuân Hương.
Ngoài Nguyễn Du, những bạn văn chương khác cũng là những người
tình rất đỗi gắn bó, thiết tha với Xuân Hương; ví dụ Mai Sơn Phủ được nói đến ở
bài thơ "Họa Sơn Phủ chi tác" (họa thơ Sơn Phủ):
Này đoạn chung tình biết mấy nhau,
Tiễn đưa ba bước cũng nên câu.
Trên tay khép mở tanh chiều nhạn,
Trước mặt đi về gấp bóng câu.
Nước mắt trên hoa là lối cũ.
Mùi hương trong nệm cả đêm thâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm,
Này đoạn chung tình biết mấy nhau.
Riêng với Tốn Phong là người tình thân thiết với
Xuân Hương nhiều năm và cũng là người viết bài tựa cho Lưu Hương ký: tình
Xuân Hương tỏ ra rất đậm đà với người đã từng thề nguyền hẹn ước:
Kiếp này chẳng gặp nữa thì liều,
Những chắc trăm năm há bấy nhiêu.
Nghĩ lại huống đau cho phận bạc,
Nói ra thêm nhẹ với thân bèo.
Chén thề thủa nọ tay còn dính,
Món tóc thời xưa cánh vẫn đeo.
Được lứa tài tình cho xứng đáng,
Nghìn non muôn nước cũng tìm theo.
(Họa Tốn Phong nguyên vận).
Sau khi chia tay với Tổng Cóc, trong nhiều năm Xuân Hương đã
quen biết nhiều văn nhân, tài tử. Cuộc đời, cuộc tình của Hồ Xuân Hương, nữ sĩ
độc đáo trong nền văn học nước ta mịt mờ là thế. Việc xác định bằng một số sách
sử của triều Nguyễn cũng khó khăn vì những quyển như Đại Nam thực lục chỉ
chuyên chú ghi việc của chính quyền còn những chi tiết thuộc văn chương lại ghi
rất sơ sài. Chỉ có cách là căn cứ vào một số sách bàn về văn thơ như Đại
Nam đối thi, Hoàng Việt thi tuyển, Quốc âm thi tuyển (23) và
các bài thơ truyền tụng được cho là của bà chép trong nhiều tàng bản nôm (24).
Việc tuyển chọn, xác minh những bài thơ Nôm này không đơn giản chút nào vì qua
nhiều năm tháng, sao đi chép lại, nhiều bài đã có nhiều dị bản và nhiều mạo
tác. Riêng gần đây có Lưu Hương ký là một tập thơ được Trần Thanh Mại
phát hiện, giới thiệu trong bài “Bản Lưu Hương ký và lai lịch phát hiện
của nó” trên tạp chí Văn học số 11 năm 1964. Mới đây, trên Giadinh.net.vn,
trang Văn hóa ngày 1/9/2008, Nguyễn Thắng viết theo tư liệu của TS Nguyễn Xuân
Diện - Phó Giám đốc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm như sau:
“… GS Hoàng Xuân Hãn kể lại: “Khi tìm kiếm tài liệu về Hồ Xuân
Hương, tôi lục trong các báo ở Việt Nam, từ năm 1954 trở đi có chừng 7 - 8 báo
văn học có nói đến Hồ Xuân Hương, nhưng cũng chỉ bâng quơ chuyện thơ Hồ Xuân
Hương tục hay không tục, chứ không đả động đến đời sống của bà. Duy chỉ có ông
Trần Thanh Mại tình cờ đọc những sách của trường Viễn Đông Bác Cổ để lại có bài
tựa sách của một người ký tên là Nham Giác Tốn Phong. Bài tựa đó nói đến một cuốn
sách tên là Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương. Sau bài tựa ấy có những
bài thơ của ông Tốn Phong tặng Hồ Xuân Hương. Ông Trần Thanh Mại mới nghĩ rằng
nếu tìm được Lưu Hương ký sẽ biết thêm về Hồ Xuân Hương. Chuyện này
vào khoảng 1963, ông Trần Thanh Mại đã kể lại trong Tạp chí Văn học. Sau đó,
ông Trần Thanh Mại loan báo muốn tìm cuốn Lưu Hương ký và ông nhận được
lá thư của một cử nhân (không rõ tên) thông báo đã gửi biếu cuốn Lưu Hương
ký cách thời điểm đó 8-9 năm. Từ lúc ấy, ông Trần Thanh Mại mới bắt đầu
khảo cứu Lưu Hương ký.
Trong Tạp chí Văn học (Hà Nội), năm 1964, ông Trần Thanh Mại
mới giới thiệu và dịch 16 bài trong số 52 bài. Sau đó miền Bắc bước vào chiến
tranh chống Mỹ nên bẵng đi một thời gian rất dài, không ai trở lại vấn đề Hồ
Xuân Hương và không ai mở lại Lưu Hương ký mà đọc nữa”.
Năm 1988, GS Tạ Trọng Hiệp, trong một chuyến công tác ở Hà Nội,
đã được GS Hoàng Xuân Hãn ủy thác việc xin chụp lại hoặc chép lại Lưu
Hương ký. Khi GS Hiệp đến Viện Văn học là nơi có chức năng bảo tồn bản Lưu
Hương ký quý báu đó thì không tìm ra. Các chuyên gia về văn học cổ Việt
Nam đều cho biết cuốn ấy đã mất rồi. Được biết, sau khi ông Trần Thanh Mại mất,
người kế tục công tác nghiên cứu Hồ Xuân Hương, lại là người giữ công việc gần
như quản thủ thư viện sách Hán Nôm của Viện Văn học, ông Hồ Tuấn Niệm, đã đem
theo trong ba lô cuốn Lưu Hương ký trong những năm sơ tán tránh bom Mỹ
mà không để lại Hà Nội một bản chụp nào cả. Ông Niệm đã mất và tập Lưu
Hương ký cũng biến mất theo (…)
Sau khi không tìm được Lưu Hương ký ở Viện Văn học,
GS Tạ Trọng Hiệp quay sang Viện Hán Nôm. Viện này có chức năng - do sắc lệnh của
Hội đồng Chính phủ ghi rất rõ khi sáng lập - là hễ có phát hiện những tư liệu
quan trọng về cổ văn, cổ sử thì Viện Hán Nôm phải có một bản chụp hay bản sao.
Cuốn Du Hương Tích động ký mà Trần Thanh Mại đọc được và lần ra đầu mối Lưu
Hương ký chính là một bản thảo mang ký hiệu A.2814 lưu tại Viện Hán Nôm.
Trong bản thảo đó, ngoài bài ký còn chép 31 bài thơ chữ Hán của một người có
tên là Tốn Phong. Khi GS Hiệp xin chụp lại Lưu Hương ký thì Viện Hán
Nôm đưa Du Hương Tích động ký ra vì cứ tưởng rằng đây chính là Lưu
Hương ký của Viện Văn học. Chính vì thế họ mới không chụp lại Lưu
Hương ký của Viện Văn học.
Theo GS Tạ Trọng Hiệp: “Chỉ còn một hy vọng nhỏ là có một người
duy nhất ở Hà Nội may ra còn giữ được bản chép tay toàn bộ 52 bài thơ
trong Lưu Hương ký, đó là ông Đào Thái Tôn - một tác giả cũng viết về Hồ
Xuân Hương. Trong cuốn Thơ Hồ Xuân Hương của Nguyễn Lộc có nói rằng
Đào Thái Tôn là người đã được giao cho đọc tập Lưu Hương ký và đã dịch trọn
vẹn 52 bài. Hy vọng ông Đào Thái Tôn có chép bản chữ Hán và bản Nôm để dùng và
kiểm tra bản dịch của ông. Trong đợt về Việt Nam công tác, tôi cũng có yêu cầu
được gặp ông Đào Thái Tôn, nhưng không may ông lại đi công tác. Nếu ông Tôn
không giữ được bản chép tay Lưu Hương ký thì đây là một tổn thất
không thể nào cứu vãn được…”.
Vậy là nay bản gốc Lưu Hương Ký do Trần Thanh Mại
tìm được năm 1964 không còn. Một lần nữa chính bản tác phẩm của Hồ Xuân Hương lại
chìm vào tăm tối.
Ngoài những mịt mờ trên, còn một nghi vấn lớn bởi một điều rất
lạ: thơ Hồ Xuân Hương chia ra hai mảng riêng biệt với phong cách rất khác
nhau.
Mảng thứ nhất là thơ Nôm truyền tụng. Vì là truyền
tụng nên tính xác thực không cao lại có nhiều mạo tác. Hoàng Xuân Hãn
trong Thiên tình sử Hồ Xuân Hương đã tỏ thái độ có phần gay gắt khi
viết về thơ cùng những giai thoại về Hồ Xuân Hương trong các sách, tạp chí khoảng
đầu thế kỷ XX như sau: “… Vác chuyện vui và các thơ nhảm được nhắc lại,
thêm vào. Rồi chính phần thơ nôm sâu sắc, đứng đắn mất dần vì không được truyền
bá…” (25).
Xét về nội dung thì nhiều bài thơ nôm truyền tụng bị
một số người coi là “tục” thế nhưng rồi họ cũng phải công nhận là nó hết sức độc
đáo vì diễn đạt được những ý thơ rất tinh tế, gần với suy tưởng của quần chúng
lao động và đậm chất ca dao. Lời thơ thể hiện nghệ thuật cực kỳ điêu luyện, bộc
lộ một thái độ ngổ ngáo của một phụ nữ phản kháng những định kiến, thói tục vô lý của xã hội thời phong kiến. Tác giả đã vận dụng hết sức tài tình cái tục thường
thấy trong truyện cười để đả kích những gì tưởng chừng như rất ghê gớm, những
gì luôn được trọng vọng được tôn vinh trong xã hội xưa. Chẳng hạn sau khi một lời
hai ý tả rất sống động, rất hay Đèo Ba Dội với những lời thật dí dỏm,
bình dân như “… Cửa son đỏ loét, tùm hum nóc - bờ đá xanh rì lún phún
rêu...”. Bài thơ lại kết lại thật thần tình bằng một cảm nhận đánh trúng
ngay vào cái tầm thường - thế tục của “Hiền nhân quân tử… ai mà chẳng - mỏi
gối chồn chân cũng muốn trèo”. Rồi như bài Vịnh cái quạt: sau
khi kể lể những điều mà ngay cả những người nghiêm túc nhất cũng phải bật cười “… Chành
ra ba góc, da còn thiếu - khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa…”. Xuân Hương lại
cho chính những thứ xem ra rất “tục” ấy làm “mát mặt anh hùng” và “che
đầu quân tử”. Thật tài tình và táo bạo hết sức và chính sự tài
tình, táo bạo trong nghệ thuật thơ thuần Việt ấy đã nói lên những gì rất đúng,
rất đáng nói trong cuộc sống bao đời tăm tối của nông thôn xưa - những điều mà
người phụ nữ từ ngàn đời rất muốn nhưng chẳng khi nào dám nói. Lý do này
khiến dễ hiểu tại sao thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương lại được đại đa số
quần chúng - đặc biệt là người lao động nghèo, người nông dân chân lấm tay bùn
thán phục, tôn vinh.
Sau những bài thơ nghịch ngợm đến xuất thần ấy là Lưu
hương ký với 52 bài thơ (24 bài chữ Hán và 28 bài chữ Nôm) mới phát hiện
năm 1964. Điều đáng ngạc nhiên là nội dung của các bài thơ sau này dù vẫn rất
trữ tình nhưng lại khá nghiêm trang. Sự sai biệt này gợi lên một câu hỏi lớn: Thơ
Nôm truyền tụng và Lưu Hương Ký có phải thuộc cùng một tác
giả hay không? Nếu cùng một tác giả thì tại sao lại chuyển đổi phong cách thơ lạ
lùng đến vậy? Thơ Nôm truyền tụng của Xuân Hương tinh nghịch, ngổ
ngáo, thể hiện một thiên tài nghệ thuật Việt Nam có một không hai vậy mà đến Lưu
Hương ký thì nghệ thuật lại trở nên rất đỗi bình thường và nếu có hay
chăng thì cũng chỉ là hay ở tâm trạng chua chát, bi thương và sự nhịp nhàng cân
đối trong điển tích, câu chữ như nhiều nhà thơ đời trước… hoặc cùng thời như Bà
Huyện Thanh Quan chẳng hạn…
Đọc Lưu Hương Ký rồi so lại với thơ Nôm truyền
tụng, người đọc ít nhiều thấy thất vọng với một thiên thần thơ Nôm gãy cánh,
không còn tìm đâu thấy hương vị của một Hồ Xuân Hương ngày cũ.
Xem kỹ thêm chút nữa: thơ Nôm truyền tụng không hề
đả động đến những người bạn văn chương vốn đã quen biết lâu như Tốn Phong, Trần
Hầu, Nguyễn Hầu, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Chí Hiên… và ngược
lại, tìm trong Lưu Hương Ký, người đọc lại không hề thấy có một câu, một
chữ nào nhắc đến Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh Tường hay Chiêu Hổ.
Không biết đã có điều gì khuất tất?.
CHÚ THÍCH:
(1) Nguyễn Hữu Tiến, bút hiệu: Đông Châu, là nhà Nho có
thực học phụ trách chuyên mục “Tồn cổ lục” của Nam Phong tạp chí. Mục
này chuyên khảo về văn thơ cổ.
(2) Người Pháp sống ở Việt Nam vào thế kỉ 19, đã sưu tầm biên
soạn nhiều truyện dân gian và thơ Nôm Việt Nam rồi dịch ra tiếng Pháp.
(3) Người Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp
(1947-1957), tác giả cuốn L’œuvre de la poétesse Vietnamienne Hồ Xuân
Hương (Paris, 1968)
(4) Giáo sư văn chương Anh của trường đại học Carolina, người
đã 4 lần đoạt giải thưởng Lamont của Viện Hàn lâm các Thi sĩ Mỹ, người thông thạo
chữ Nôm, yêu thích và đã dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Anh. (Khánh Ngọc, “John
Balaban - Người giới thiệu Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du ra thế giới“;
laodong.com.vn; Lao Động Xuân 2007).
Lý Lan (Thơ Hồ Xuân Hương đến với độc giả Mỹ -
http://www.bacbaphi.com.vn) đã viết về tập thơ The Poetry of Hồ Xuân Hương như
sau: “… Tập thơ gồm 48 bài thơ của Hồ Xuân Hương, mỗi bài được trình bày
trang trọng dưới ba hình thức: bản tiếng Nôm, bản tiếng Việt, và bản tiếng Anh (…). Đọc đi đọc lại những bài thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh, tôi càng cảm
động và khâm phục nỗ lực của John Balaban; và càng nhận ra chữ nghĩa Hồ Xuân
Hương không ai theo kịp suốt chiều dài thời gian mà cũng không có ai tương
đương trong bình diện không gian…”
* Theo Thông tấn xã Việt Nam, Nhà văn Rumani Conxtantin
Lupêanu vừa xuất bản tuyển tập gồm 64 bài thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương
do chính ông tổng hợp và biên dịch. Tuyển thơ dày 150 trang được in song ngữ tiếng
Việt - Rumani, trong đó nhiều bài có thêm ký họa, minh họa và phần diễn giải ý
nghĩa. Một số bài được dịch và gieo vần theo niêm luật của thơ Rumani.
(5) GS. Kiều Thu Hoạch: Thơ Nôm Xuân Hương từ cách nhìn
văn bản học.
(6) “cổ”古 ghép với “nguyệt”月 thành chữ “hồ” 胡;
(7) Hồ Tông thế phả do Hồ Sĩ Dương soạn - các hậu
duệ chép bổ sung; Hồ gia thực lục bản chi thế thứ tục biên của tú tài
Hồ Phi Hội (1802-1875; người cùng thế hệ với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huệ); Ghi
chép của Án sát Hồ Trọng Toàn (1801-1864); Hồ Quỳnh gia phổ của chi Hồ
Phi Tích; Phả ký tộc Trung chi II họ Hồ Quỳnh Đôi (ghi phả hệ họ
Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu Nghệ An từ đời ông tổ đầu tiên là trạng nguyên Hồ
Hưng Dật sống vào thế kỷ thứ 10, sau đó có một khoảng thời gian 300 năm, tộc phả
này bị thất truyền rồi lại tiếp tục được chép từ năm 1314 khi ông Hồ Kha từ Quỳ
Trạch (Yên Thành) về Quỳnh Đôi xem địa thế và giao cho con là Hồ Hồng ở lại
khai cơ lập nên làng Quỳnh Đôi. (http://www.informatik.uni-leipzig.de và
http://www.vietnamgiapha.com)
(8) Cố giáo sư Trần Thanh Mại trên Tạp chí Văn học số 10 năm
1964 tuy cũng đồng ý Hồ Xuân Hương có nguyên quán tại Quỳnh Ðôi, Quỳnh Lưu, Nghệ
An nhưng lại cho rằng song thân của bà là Hồ Sĩ Danh và một người thiếp
quê ở Hải Dương. Hồ Xuân Hương thơ và đời (Lê Xuân Sơn) cũng cho rằng Hồ Xuân
Hương tên thật là Hồ Phi Mai con ông Hồ sĩ Danh (1706-1783) và là em cùng cha
khác mẹ với Hồ Sĩ Đống (1738-1786) là một vị quan đầu triều thời chúa Trịnh.
(9) Trần Tường phát hiện và công bố trên Tạp chí Văn Học, số
3/1974, dưới nhan đề "Một số tư liệu mới tìm thấy về Hồ Xuân Hương".
(10)… Xuân đường đàm thoại kể lại rằng: vào một
ngày trong dịp tết lập xuân cuối mùa đông năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 22
(1869), trong một bữa tiệc rượu ở vùng Bắc Ninh cũ, có một người đến muộn. Hỏi
ra, mới hay rằng ông ta vừa đi mai táng “Nghệ An tài nữ, hiệu Cổ Nguyệt Đường, tự Xuân Hương” về! Thế là bên chiếu rượu, các “tao nhân mặc khách” cùng nhau phẩm
bình về tài năng phẩm hạnh của người đã khuất. Mỗi người tỏ một thái độ khác
nhau: người mừng rỡ là Hùng Lĩnh Xuân Mai; người buồn thương là Hoa Đường Ngọc
Như. Cả hai đều ngâm vịnh, tưởng nhớ Xuân Hương theo cảm xúc của mình! Người ta
còn nhận ra một người xem ra có vẻ điềm tĩnh hơn, ấy là người đi mai táng Xuân
Hương, họ Hứa, tiểu hiệu là Ngô Ban. Ngô Ban “Nghiêng cạn mấy chén uống ngay rồi
ha ha cười, nói”. Theo ông ta, việc mai táng người tài nữ kia là “một việc đáng
cười mà cũng đáng than”, chính ông và vài người đầy tớ đã chôn cất “nàng” ở cạnh
núi Nguyệt Hằng, phủ Từ Sơn, huyện Đức Giang (thuộc Bắc Ninh cũ)…” (Đào
Thái Tôn; Thơ Hồ Xuân Hương - Từ cội nguồn vào thế tục; trang 66. NXB Giáo Dục,
1996).
(11) 龍編竹之詞
並頭蓮花開滿池
花奴折去恭神裨
莫向春香墳上過
泉臺有恨錯牽絲
墜粉殘肢土一塋
春香歸去草青青
幽魂到氐今如醉
幾度春風吹不醒
Long Biên trúc chi từ:
Tịnh đầu liên hoa khai mãn trì,
Hoa nô chiết khứ cung thần ti.
Mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá,
Tuyền đài hữu hận thác khiên ty.
Trụy phấn tàn chi thổ nhất doanh,
Xuân Hương quy khứ, thảo thanh thanh!
U hồn đáo để kim như túy,
Kỷ độ xuân phong xuy bất tinh!
Hoàng Xuân Hãn dịch thơ:
Đầy hồ rực rỡ hoa sen;
Sai người xuống hái để lên cúng dàng.
Chớ trèo qua mộ Xuân Hương;
Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng.
Sen tàn, phấn rữa mồ hoang;
Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh.
U hồn say tít làm thinh.
Gió xuân mấy độ thổi tình không hay!
(12) Sách giáo khoa hiện hành không nêu được thời gian sống của
Hồ Xuân Hương mà chỉ nêu năm sinh, năm mất của Hồ Phi Diễn (1704-?) và Hồ Sĩ
Danh (1706-1793); một trong hai người nghi vấn là thân sinh của Hồ Xuân Hương.
(13) Báo điện tử Phú Thọ ngày 09/2/2006 và 26/6/2008
(http://www.baophutho.org.vn,):http://www.baophutho.org.vn
Ngôi nhà Tổng Cóc, nơi Hồ Xuân Hương đã sống và đề thơ,
hiện
giờ ông Kiều Phú đang ở (Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ).
“… Tổng Cóc quen cha con Hồ Xuân Hương khi cùng đi thi Hương.
Chằng hiểu cơ duyên thế nào, cụ Đồ đầu xứ người Nghệ An đã dắt con gái về làng
Sơn Dương (Phú Thọ) dạy học. Cô gái ấy là Hồ Xuân Hương (…). Ở Tứ Xã hiện nay,
bà con còn giữ được nhiều kỷ vật của Tổng Cóc - Hồ Xuân Hương: Gia đình anh Bùi
Văn Thắng đang giữ đôi lục bình bằng gỗ mít, phủ sơn then có khắc chữ Hán.
Tương truyền khi còn ái ân mặn nồng, Tổng Cóc đã yêu cầu Hồ Xuân Hương đề thơ
lưu bút. Đôi lục bình vốn được đặt trên bàn thờ nhà Tổng Cóc, sau này kinh
tế sa sút, đã phải bán đi... Cách nhà anh Thắng một cánh đồng, ngôi nhà lớn,
làm toàn bằng gỗ quý, lợp ngói âm dương của gia đình Tổng Cóc vẫn được gia đình
ông giáo Kiều Phú trân trọng giữ gìn. Ngôi nhà được làm cầu kỳ tới mức, đến cả
cái bậu cửa ra vào cũng được chạm lưỡng long chầu nguyệt (…). Cụ bà thân
sinh ra ông Phú hơn 100 tuổi vẫn nhớ rất nhiều chuyện do cha mẹ kể lại liên
quan đến Hồ Xuân Hương, cũng như sự tích ngôi nhà cổ của Tổng Cóc. Hiện, trên bức
vách bằng gỗ mít phiến dày trong nhà, còn những dòng chữ được kể là của chính Hồ
Xuân Hương đề: "Thảo lai băng ngọc kính/ Xuân tận hóa công hương; Độc bằng
đan quế thượng/ Hảo phóng bích hoa hương"… Qua thời gian, do nhiều nhà quản
lý địa phương, nhà nghiên cứu, người tham quan đã khiêng cả bức vách gỗ ra để
bôi thuốc hiện màu vào nhằm in rập những nét chữ quý; qua nhiều mùa nước ngập,
dòng chữ đã mờ đi rất nhiều.
(14) Lao Động số 144, ngày 26/6/2008: Cụ Dương
Văn Thâm, 93 tuổi, là nhà Nho và là người nghiên cứu công phu về cuộc đời Hồ
Xuân Hương và Tổng Cóc với cả một kho bản thảo đồ sộ trong nếp nhà cổ giản dị.
Nhờ cụ, các sinh viên, các nhà nghiên cứu về Tứ Xã (Phú Thọ) có được tư liệu
chính xác về Hồ xuân Hương có quãng đời làm dâu trên quê hương Tổng Cóc.
(Lao Động số 144; ngày 26/6/2008)
Cụ Dương Văn Thâm
(15) Nguyễn Hữu Nhàn: Nhà văn có nhiều nghiên cứu về
văn hóa dân gian Phú Thọ.
(16) Trong đó đứng đầu nhóm có các cụ Xứ Cơ (đỗ đầu xứ), cụ Cả
Chấn, cụ Bá Lạc, cụ Đồ Tạo, cụ Đồ Quán, cư Tống Thuần (tổng sự), ông Lê Văn Tiềm
(nay đã gần trăm tuổi, đặc biệt là cụ Dương Văn Thâm. (Theo Đinh Vũ;
http://www.baophutho.org.vn)
(17) Lịch triều tạp kỷ: Nguyễn Quang Thành có tiếng là thần đồng, 24
tuổi thi đỗ Tiến sĩ xuất thân năm Canh Thân đời Lê, niên hiệu Chính
Hòa (1680). Ông làm quan trong triều, giữ chức Thiểm đô ngự sử; nay còn
bia số 80 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
(18) Nguyễn Hữu Tiến trong Giai Nhân Di Mặc có viết: “Hồ Xuân Hương mặt hơi rỗ hoa, da hơi ngâm đen, không đẹp mà có duyên thầm…“. Những
chi tiết này không biết Đông Châu đã căn cứ vào đâu (?).
Riêng Ngô Tất Tố trong truyện dã sử trong rừng Nho thì
cho rằng nhan sắc Xuân Hương lúc ở Thăng Long đã làm cho nhiều Nho sinh phải mê
mẩn: “… Cái dáng dấp yểu điệu, cái dung nhan xinh đẹp của Xuân Hương lại
làm cho lòng chàng nóng như lửa chất…”
(19) Theo Phạm Ngọc Dương; http://antg.cand.com.vn: Con
cháu dòng họ Nguyễn Bình đã tìm được mộ cụ Tổng Cóc và đang trình dự án, thiết
kế xây dựng với Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao tỉnh Phú Thọ để xây dựng mộ
cụ, hoàn thành trước thời gian diễn ra cuộc hội thảo: "Tổng Cóc - Hồ Xuân
Hương", do Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc dự tính chủ
trì và tổ chức tại Tứ Xã (Phú Thọ) vào cuối năm 2008.
(20) Hoàng Xuân Hãn; Thiên tình sử Hồ Xuân Hương; NXB
Văn học 1995; trang 270.
(21) Theo ông Hoàng Xuân Hãn thì bài thơ Khóc ông Phủ
Vĩnh Tường có thể là ngụy tác vì Trần Phúc Hiển chết năm 1819, lúc bấy
giờ chưa có tên "Phủ Vĩnh Tường" (đến 1822, phủ
Tam Đái mới đổi tên thành phủ Vĩnh Tường).
* Có ý kiến cho rằng: Trần Phúc Hiển bị kết tội tham nhũng và
xử tử hình nhưng thật sự là do Lê Chất, Lê Văn Duyệt diệt vây cánh của Nguyễn Văn
Thành, Đặng Trần Thường. Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán cũng tự tử chết.
(22) Vũ Trung tùy bút.(Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch,
NXB. Văn hóa - 1960).
(23) GS. Kiều Thu Hoạch; Thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Từ góc
nhìn văn bản học (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 9/2007) có cho
biết đã tìm được trong kho sách của Viện Hán-Nôm cuốn Đăng khoa lục sưu giảng của
Trần Tiến (ký hiệu A.224) có chép một bài thơ Nôm kèm lời dẫn chữ Hán như
sau: “Hà Nội tỉnh, nữ tử Xuân Hương hành lộ thất túc, thường lộ, tự vịnh” (Cô
Xuân Hương ở tỉnh Hà Nội, đi đường sẩy chân ngã tốc váy, tự vịnh thơ):
Vén đám mây lên tỏ mặt trời
Lác coi từng đám rõ từng nơi
Giang sơn đâu đó nhô đầu dậy
Hoa cỏ quen hơi mỉm miệng cười
Ông Trần Thanh Mại rất thích thú với bài thơ này và nhận
xét: “Bài thơ sinh động thật, ma quái thật, Hồ Xuân Hương thật!”
(24) GS. Kiều Thu Hoạch; Thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Từ góc
nhìn văn bản học (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 9/2007) cho rằng:… Cho đến hiện tại, dù đã mất mát ít nhiều, văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương trong
kho sách Hán Nôm cũng còn được ba bản khắc ván in và nhiều bản chép tay, tổng cộng
khoảng trên dưới 20 văn bản Nôm có thể làm cơ sở tư liệu cho việc tuyển chọn
thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
(25) Hoàng Xuân Hãn; Thiên tình sử Hồ Xuân Hương, NXB
Văn học 1995, trang 280.
Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguồn tin: KIẾN THỨC NGÀY NAY
số 663 ngày 10/1/2009
Theo https://quynhdoi.gov.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét