Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Tác phẩm viết giữa mênh mông

Tác phẩm viết giữa mênh mông

Cả khu chung cư này gọi hắn là gã khùng, thằng điên hay là ông dở người, hắn chỉ mỉm cười tha thứ. Đối với họ hắn chỉ biết cười ngô nghê như trẻ con, chứ riêng hắn, hắn mới biết mình độ lượng đến đâu, lòng thương hại, nỗi trắc ẩn ấy chỉ mình hắn hiểu khi bọn người lớn mặc kệ lũ trẻ con giễu cợt hắn. Hắn đã thấy nhiều người gầm lên khi cho là mình bị ai xúc phạm, dù người ấy đã được đọc nhiều sách vở nói về cái “ta” của một thực thể, chỉ là hạt bụi vô thường giữa sắc sắc, không không. Dưới mắt hắn, lũ người bảo hắn khùng điên ấy cũng đã từng điên khùng, quanh quẩn trong cái khổ của họ mà họ chưa có can đảm bộc lộ ra bên ngoài cái vỏ của một con người, là vì họ đã khéo léo che đậy được, chứ mở được lòng nhau ra, chưa biết ai điên ai tỉnh.
Hắn là một người điên chữ. Hắn mê sách vở hơn tất cả mọi thứ sinh thú của cuộc đời, cũng chính vì đọc nhiều quá mà hắn đâm rối loạn, mê tỉnh với những điều hắn đọc được. Hắn đọc đủ loại, có những tác phẩm hay, có những tác phẩm dở, mỗi một tác phẩm lại bơm vào đầu hắn một ít suy nghĩ trăn trở, đủ cả hỉ nộ ái ố, đủ cả diễm tình, thù hận, vô luân khiến  hắn bị “tẩu hỏa nhập ma”. Vô tình, những tác phẩm của nhiều tác giả đã dàn thành một mặt trận ẩu đả lẫn nhau trong óc hắn, không biết có nên kết tội cho văn chương đã làm băng hoại tâm hồn hắn, hắn không chết được để cứ thế ngẩn ngơ.
Một ngày kia hắn bỗng ngơ ngẩn thật, đi lên đi xuống mấy con đường trong khu chung cư, rồi hắn đi ra biển để hàng giờ cứ lòng vòng trong khu nghĩa trang. Hắn không nhìn ai, lúc nhìn trời, cười, lúc lẩm bẩm câu gì đó trong mồm, cả ngày hắn chỉ thích nói vu vơ với những nhân vật không có thực rồi lại cười một mình. Vợ hắn cho là hắn bị ma ám, còn người đời lại bảo hắn khùng. Hắn đã có một kho tự vị trong đầu, khùng, điên, man man, cám hấp, dở hơi, rồ, tưng tửng, không bình thường đều có nghĩa ám chỉ một người như hắn.
Trước tiên là hắn quên ngay cái việc phải đi làm để kiếm sống. Hắn làm nhiều quá rồi, từ thuở vào đời hắn đã được học để chuẩn bị làm việc, khi ra đời hắn phải lăn xả vào để kiếm miếng cơm nuôi thân,  không được ỷ lại vào người khác. Lúc lấy vợ rồi có con, hắn phải làm việc bằng hai, chỉ vì người ta bảo hắn là trụ cột của gia đình. Hắn cứ bị cột chặt vào những vòng luẩn quẩn liên hệ của gia đình và xã hội, đời chả mấy khi vui. Từ lúc điên, hắn quên khuấy ngay cái người đàn bà sống chung với hắn, và cả những đứa con thì hình như không có vẻ dính dáng đến hắn cả. Mỗi ngày, họ bày biện ra đấy cho hắn một phần cơm, hắn lặng lẽ ngồi vào ăn khi bụng đói, hắn lặng lẽ dọn dẹp, lặng lẽ ngồi một mình ngoài hiên đọc sách, ngắm nhìn thế giới loài người bằng ánh mắt xa lạ.
Hắn là một người điên hiền lành không làm phiền cho ai, nhưng người ta vẫn không để hắn yên. Vợ hắn lôi hắn đi nhà thương, hỏi gì thì hắn cũng chỉ cười, nghe rào rào như các nhân vật đang độc thoại trong một tác phẩm. Hắn thú vị thấy anh bác sĩ tâm thần giơ hai tay lên trời, chịu thua không khám phá nổi con người của hắn, bởi vì anh ta hỏi gì thì hắn cũng chỉ cười, nụ cười an nhiên tự tại mà hắn nhìn thấy được trên bức tượng Phật ở ngôi chùa miền quê, hồi còn nhỏ hắn theo mẹ đi chùa, đã có lúc bắt chước nhắm mắt mỉm cười như Phật. Anh ta hỏi gì hắn cũng chỉ cười, như cười vào mũi những kẻ chẳng ra gì mà cứ hay dí mõm vào cuộc đời của người khác, anh ta cỡ nào mà soi thủng nổi tâm hồn của một con người kỳ dị như hắn.
Hắn được cho uống thuốc, uống nhiều, ngủ nhiều, thức dậy thì cuộc đời vẫn vậy, không thay đổi, không đẹp hơn hay xấu đi. Bỗng dưng hắn thấy mình phải viết, cần phải trang trải những suy tư về cuộc đời lên giấy. Hắn thấy không có thứ bút mực nào đủ sức chuyên chở những điều hắn cảm nhận được bằng cái bình mực đầy ắp trong tâm hồn hắn, đơn giản nhất là cứ chấm ngón tay vào ngực, nơi có trái tim, nơi bình mực có sẵn trong người rồi viết lên khoảng không những gì hắn muốn viết. Thứ giấy của trời sao đẹp thế, trong suốt vô ngần, có khi bàng bạc một màu xanh, có khi ửng hồng như má môi người thiếu nữ, lại nõn nà như tơ, không phải bật đèn khi trời tối, không gửi gấm, đăng tải đó đây để mọi người bình phẩm lôi thôi.
Hắn thích viết vào những buổi sáng khi mặt trời vừa lên, chiếu ánh sáng vào cõi đời tối tăm chật chội này, đời lại thêm một ngày đáng ghét. Có thể là buổi chiều khi hoàng hôn xuống, lũ chim chóc đã gọi nhau về tổ, hắn ngồi đấy ngắm nghía ông đi qua bà đi lại, nghe cây cỏ rì rào, than thở. Trong hắn như dục dã hắn phải viết, cứ thế chấm ngón tay vào ngực, viết nhoay nhoáy vào khoảng không , đó là lúc  hắn đang viết truyện đấy.
Truyện của hắn nhiều lắm, không ai đọc được nên không ai biết hắn viết gì, chứ hắn thì nhớ từng tác phẩm. Khi viết xong, hắn viết một chữ HẾT thật to, rồi mỉm cười nhẹ nhõm. Có lúc hắn cười hoài với một câu chuyện dí dỏm, có lúc cũng xúc động ứa nước mắt với những tác phẩm buồn. Hắn đã viết xong câu chuyện của một cặp vợ chồng già, sống hẩm hiu với nhau trong khu chung cư, con cháu họ thành đạt cả nhưng không ai chịu sống chung với cha mẹ. Có lẽ tại các cụ khó tính. Có lẽ tại xứ này người ta quan niệm hai chữ Tự Do cao cả hơn đạo lý con người, cho nên mặc nhiên xem đấy là điều phải chấp nhận, không có nghĩa là bất hiếu theo quan niệm Á Đông, không có gì đi ngược với nền văn minh của khoa học và kỹ thuật hiện đại.
Hai cụ già dạo còn khỏe mạnh, cụ bà ngồi xe lăn vì chứng đau đầu gối, cụ ông cũng ngót nghét tám mươi, nhẫn nại ì ạch đẩy chiếc xe lăn cho cụ bà đi chợ, đổ rác... Hai cái mồm móm mém, bốn con mắt nhăn nheo, hấp háy cùng cười với hắn mỗi lần gặp, chào hắn tử tế dù biết hắn được gọi là người khùng của khu chung cư. Hắn tưởng tượng năm, sáu mươi năm trước, khi cụ bà là một cô gái xuân mặn mà, cụ ông là một thanh niên hùng dũng, trẻ trung, họ có thể là một cặp uyên ương lý tưởng mà bao người phải thèm thuồng, mơ ước. Mấy mươi năm trôi qua để đâu biết rằng đời có lúc lại hẩm hiu đến thế. Hắn đặt tên cho tác phẩm là “Hai chiếc bóng” trên một nền trời mênh mông màu tím ngắt, như một bức phông đẹp và buồn cho ăn nhịp với cái buồn bã của cuộc đời, sau chữ THE END to tướng, là hình ảnh hai cụ già lủi thủi đẩy xe đi loanh quanh trên con đường đầy lá vàng khô, mỗi lúc lôi ra đọc bằng sự hồi tưởng hắn lại ngậm ngùi ứa ra mấy giọt lệ.
Đấy là một tác phẩm buồn, còn có lúc hắn cũng viết được những truyện vui, trào lộng, qua hình ảnh ông hàng xóm to béo hay chọc ghẹo, trò chuyện với hắn những chuyện chẳng ra đâu vào đâu. Ông ta đã được hắn cho vào tác phẩm “Người hàng xóm” với lối viết trào lộng, chỉ có hắn với trời mới biết được. Ông ta hay hỏi hắn với lối xách mé của một bậc đàn anh hay bỡn cợt, tưởng như hắn là con chó, con mèo đùa chơi cho đỡ buồn:
“Sao chú mày? Cơm nước gì chưa?”
Ông cười hề hề, vô duyên không ngửi được. Hắn cũng yên lặng cười, mắt nhìn trời, không nói năng. Ông ta tiếp:
“Suốt ngày nhìn trời, ở đấy có gì mà nhìn mãi thế?”
Mặc ông ta nói, hắn chỉ cười. Hắn có cái bình tĩnh, dịu dàng mà những người tỉnh táo hiếm khi có được, cái im lặng như một câu trả lời ông hàng xóm to béo lúc nào cũng bô lô, ba la, vậy mà khi mụ vợ quát lên, ông nem nép như rắn mùng năm. Không biết ông ta làm gì, thỉnh thoảng thấy ông ta diện đẹp, đi với một đám người cũng ồn ào như ông ta, mụ vợ bĩu môi, nhìn theo với một cái nhìn rẻ rúng. Họ cãi nhau hoài, những lúc ấy chỉ nghe tiếng mụ vợ ong óng rủa sả, còn ông ta ngậm câm như hến. Một buổi chiều ăn cơm xong, hắn ra sân nhìn trời, xỉa răng, ông to béo chỉ trần xì cái quần cụt, áo thung ra sân tưới cây, hôm ấy hắn mới nghe ông ấy nói một câu chí lý:
“ Lắm lúc tao cũng muốn điên như chú mày mà không điên được. Đời chán bỏ mẹ”..
À, có thế chứ! Hôm đó hắn mới biết ông hàng xóm đã nói một câu chân thật nhất, chí lý nhất, câu nói phát xuất tự đáy lòng của một con tim chân chính, hóa ra có lúc con người đã cả đời phải giấu diếm nỗi đau khổ.  Thì ra có người cũng ao ước cái điên của một thằng điên. Hê, hê! Có bị  đời cột chặt vào những gông xiềng của trăm thứ bổn phận, mới thấy cái Tự do khi rũ ra được những thứ của nợ đó. Hóa ra ông to béo cũng chán đời, chán cái không khí nặng nề trong gia đình, chán vợ, chán con, cái mà người ta ngó vào lại cho là ông ta đang hạnh phúc.
Hắn lại viết, vẫn lối chấm tay vào ngực viết lên trời, tác phẩm “Ông Hàng Xóm” được tả rất tỉ mỉ từng tiếng tru tréo và nét mặt hậm hực của người vợ mỗi khi cãi nhau, bước chân nặng nề của người chồng, cánh cửa xập thật mạnh làm rung rinh nhà hàng xóm. Khi viết xong, chữ HẾT lại được viết nắn nót trên một nền trời xám xịt, đang ngả sang màu đen, với những tia chớp ngoằn ngoèo báo hiệu một cơn giông tố.
Những ngày không có gì để viết hắn lang thang ra bờ biển, cách khu chung cư mấy con đường đi tìm ý. Bên kia là biển xanh, bên này trên triền đồi thoai thoải là một khu nghĩa trang, những ngôi mộ sơn trắng toát bằng nhau nằm im lặng trong một thế giới không còn màng đến nhà cao cửa rộng, không còn tranh đua cao thấp như xã hội loài người. Ở phía ngoài là một cái nhà quàn bằng đá xám, cũng im lặng nốt. Hôm nào có người mới hắn thấy xe đậu đầy ngoài sân, ánh đèn hắt lên từ cánh cửa đóng im ỉm, u ám như một ngôi mộ lớn. Đi ra đi vào là những khuôn mặt ảm đạm của người sống, quần áo kịt một màu đen, những lúc ấy dường như con người mới thấm thía tận cùng nghĩa “vô thường” của cõi nhân gian.
Chỉ hôm nào đến khu nghĩa trang, hắn mới có cảm giác đi vào một khu toàn những người lịch sự, thích sự yên tĩnh và biết tôn trọng tư duy của người khác. Bỏ lại sau lưng khu chung cư đủ mọi hạng người, đủ mọi âm thanh, đầy mùi vị, mỗi lần đến đây hắn lại có cảm giác được trở về nhà, một thôn xóm bình thường, nhà ai nấy ở, họ có cái yên tĩnh của những trang giấy trắng đầy chữ, yên lặng mà lại nói biết bao nhiêu.
Con đường này hắn đi qua mộ của cụ Mary, cứ xem qua cách trình bày trên bia mộ thì cụ Mary người ở vùng Arizona, nơi ấy chỉ có núi đá và sa mạc, đồi trơ trụi, cây thưa thớt, khí hậu nóng và khô. Chắc cụ lấy chồng rồi trôi giạt sang đây, và khi chết gửi nắm xương tàn trong khu nghĩa trang ven eo biển vắng. Hắn về nhà nghiên cứu cuốn địa lý và thổ nhưỡng nước Mỹ, biết ở đấy chỉ có xương rồng và loại cây thấp, lá nhỏ như lá me keo là sống được. Mấy lần hắn đều tạt vào thăm cụ, lại trồng cho cụ một cây xương rồng có hoa vàng hắn xin được của một nhà trong xóm. Hắn biết nếu còn sống, cụ bà Mary chắc hẳn rất hài lòng trước tấm lòng của hắn, khi nhìn thấy cây xương rồng biểu tượng cho vùng quê hương cằn cỗi, nóng khô người nơi cụ chào đời đã mọc lên ở đây. Ấy là tự hắn “suy bụng ta ra bụng người”, khi đi đâu, bất ngờ nhìn thấy một khóm chuối, một bụi trúc hắn lại thấy lòng dấy lên nỗi nhớ quê kỳ dị. Ngõ vào nhà hắn năm xưa có một bụi trúc mát rượi, có mái nhà tranh, có bà mẹ già, có bụi chuối xiêm bên hè, khoảng sân đất nóng ran bàn chân mỗi trưa hè, vậy mà sao vẫn nhớ, vẫn thương đến thế.
Cạnh nhà cụ Mary là nhà anh David, hắn cứ gọi là nhà cho tiện, vì người sống có nhà, người chết có mồ mà lại. Anh ta là một chiến sĩ Không Quân, chết trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. David chết trẻ lắm, mới hai mươi bốn tuổi, sao anh ta lại lạc lõng ở nơi này trong khi hàng ngàn, hàng ngàn bạn bè anh chen vai thích cánh trong những nghĩa trang Quân Đội rộng lớn. Chắc nơi đây là chốn quê nhà, chim có tổ, người có tông, cha mẹ anh đã mang con về đây cho gần gũi, hai cái thân già một năm đôi ba lần ghé vào để chua sót, ngậm ngùi, thương tiếc đứa con bạc phước.
Cái cảnh này không lạ gì đối với hắn. Ngày xưa, thuở hắn còn trẻ, thời chiến tranh Nam Bắc đang hồi khốc liệt, bạn bè hắn khối người đã ra đi như thế, mới buổi sáng còn giơ tay chào nhau, buổi chiều đã ra người thiên cổ. Hắn sợ nhất phải nghe tiếng khóc nức nở của người còn ở lại, sợ những đôi mắt ngây dại nhìn đăm đắm vào khoảng không để tìm lại những ảnh hình của người thân đã mất. . .
Đã nhiều lần hắn ngồi bệt xuống ngôi mộ của David để trò chuyện với anh ta như một người bạn, vì dù sao anh ta đã từng đổ những giọt máu cuối cùng trên quê hương hắn. Dưới bóng cây phong, hắn nhìn ra mé biển phía bên kia, ở đấy suốt ngày sóng vỗ vào ghềnh đá, ì oạp, xói  mòn vào bờ tạo nên những hõm tối âm u. Ngoài xa là biển xanh vẫn rì rào sóng vỗ, một đôi chim hải âu chao lượn trên sóng nước, như hình ảnh hai chiếc phi cơ đang bay theo đội hình, bất chợt chúi xuống mặt đất để thả bom vào mục tiêu của chiến trận. Không hiểu David có bao giờ nhìn ra hình ảnh ấy, như hắn đã nhìn thấy những trận đánh kinh hồn nơi quê hương của mình. Ngày sinh và tháng sinh của David đã gợi cho hắn nhớ về dĩ vãng, cũng hắn những ngày tháng đó, cũng những lần vào sinh ra tử để rồi có một ngày bật khóc khi không biết mình là ai. Cuộc chiến ấy đã nuốt chửng đi hàng triệu sinh linh, hầu hết là những người vô tội, cuối cùng thì hắn tơi tả như chiếc mền rách, còn David lại về nằm ở nơi đây, khi linh hồn đã bay về nẻo hư không.
Hắn cứ tò mò muốn biết anh ta đã nghĩ gì về Việt Nam, đã bỏ gì ở Việt Nam, chắc chắn là có, những giọt máu của anh ta đã đổ xuống trên một chỗ nào nơi vùng đất xa xăm bên kia bờ đại dương, vì lý tưởng cho hai chữ Tự do mà anh ta nghĩ là ai cũng phải hưởng đồng đều như nhau. (...)
Hắn thì thầm nói chuyện với người lính Mỹ chết trận năm xưa, rồi múa may viết lên trời câu chuyện “Người lính Mỹ chết ở Việt Nam”. Công nhận David đẹp trai, nét mặt hiền, dưới chiếc calô đội lệch, anh ta lúc nào cũng cười, đôi mắt anh mơ mộng như khói sóng, lúc nào cũng như muốn bảo hắn rằng:
“Thôi đi anh bạn tội nghiệp, đời như một chỗ tạm, ghé qua rồi lại về, hơi sức đâu mà ngậm ngùi, tiếc nuối.”
Cũng phải thôi, một ngày nào đó hắn cũng sẽ trở về với đất như David, hắn ao ước cái thân xác này được thiêu ra thành tro bụi, được hòa tan theo sóng biển, để linh  hồn hắn được lặn ngụp trong cái mát mẻ của đại dương. Về đâu bây giờ? Chỗ nào cũng có loài người hiện diện, một sinh vật siêu đẳng chuyên môn tìm cách làm khổ lẫn nhau, nhân danh đủ thứ chuyện để bắt con người vào cái vòng “kim cô” oan nghiệt không lối thoát. Có lẽ phải hỏi David chuyện này, vì chỉ có anh ta mới có câu trả lời trung thực nhất, như người hàng xóm to béo đã có lúc buột mồm ao ước điên khùng để được yên thân. Nhưng David cũng chỉ im lặng, nhìn hắn cười như hắn cũng chỉ im lặng nhìn trời cười một mình.
Câu chuyện của David hắn đã viết xong, hai chữ THE END trên nền trời nửa sáng nửa tối, giữa cõi bên này và cõi bên kia chỉ đi bằng một bước chân. Hắn vẽ thêm hình ảnh một chiếc trực thăng đang là là đáp xuống một bãi cỏ trống nửa vàng, nửa xanh, lố nhố những chiếc nón sắt, lòa nhòa hình ảnh vài thân cây cháy đen vì bom đạn.
Nhiều tác phẩm của hắn đã được viết bằng mực của hắn và giấy của trời, mỗi bố cục của truyện có lồng vào một bối cảnh thật của cuộc đời muôn mặt. Hắn đã lặng đi, miên man với tác phẩm của mình, trong những buổi chiều ngồi trước sân nhà sau bữa cơm, hay những lúc lang thang trong khu nghĩa trang bên eo biển vắng. Hắn là một người điên hiền lành, một chứng nhân của cuộc đời ít là ở một khoảnh khắc nào đó, là một nhà văn không tên tuổi nhưng lại viết rất nhiều những gì hắn cảm nhận được.
Ngày đến rồi ngày đi, sáng cũng như chiều, hắn lặng lẽ sống, lặng lẽ đi, lặng lẽ về, hắn nhìn đời dửng dưng và đi tìm hoài cái mênh mông trong vô tận. Thỉnh thoảng hắn lại viết, chấm ngón tay vào ngực, rồi nhoay nhoáy viết lên trời, dường như chỉ có trời mới đủ rộng để chất chứa tất cả những suy nghĩ buồn vui, hóm hỉnh của hắn, cho những tác phẩm viết lên khoảng không gian mênh mông vô tận ấy.
Nguyên  Nhung
Theo http://www.thienlybuutoa.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Xuống Phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. ...