Kịch của Lưu Quang Vũ
không nguôi ám ảnh
Lan tỏa sức mạnh tinh thần dấn thân của tài năng viết kịch
Lưu Quang Vũ trong đời sống nghệ thuật nói chung, sân khấu hôm nay nói riêng là
nhiệm vụ tối thượng của người làm nghệ thuật.
Người xem hôm nay vẫn hào hứng đối thoại dân chủ với
kịch Lưu Quang Vũ. Những vấn đề thời sự – xã hội nóng bức được rốt
ráo đặt ra trong kịch Lưu Quang Vũ từ mấy chục năm về trước, vẫn không
nguôi ám ảnh người xem của hôm nay. Có phải tính hiện đại đã thành
phẩm chất nghệ thuật cơ bản nhất, tạo nên sự hấp dẫn và sự truyền lửa
của kịch Lưu Quang Vũ, không chỉ với công chúng Việt đương thời…
Khởi đi từ tiếng thơ lạ
Khởi nguồn đời viết, Lưu Quang Vũ đã là thi sĩ đúng nghĩa nhất
của một tài năng thơ bẩm sinh. Đọc thơ ông, người đọc được thấm thía lắng
nghe tiếng “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi/ Như tiếng gọi ngàn đời
không khuất phục” từ một tâm hồn thơ lãng mạn, bay bổng như mây trắng: “Thơ
tôi là mây trắng của đời tôi”. Dưới đáy hồn thơ ấy chính là trực cảm thơ hết
sức mãnh liệt, thành thật với cuộc đời và con người. Không hề nghịch lý khi cho
rằng thơ chính là khởi đầu con đường dẫn thẳng Lưu Quang Vũ đến kịch nghệ, dù kịch
là kiểu tổ chức văn bản đặc thù, hoàn toàn khác thơ. Nhưng với trường hợp Lưu
Quang Vũ, chính những tác phẩm thi ca trữ tình của ông đã khơi nguồn và làm nền
tảng mỹ học cho việc tổ chức xung đột kịch, bao giờ cũng ấm nóng tính thế sự, để
từ đó kết thành vở diễn sân khấu, vươn tới những vấn đề triết học nhân sinh,
đánh động sâu sắc cảm xúc và suy tư của công chúng Việt hiện đại.
Vì thế, ngay khi bước vào thế giới kịch, với trách nhiệm
cao của một thi sĩ – công dân, Vũ đã lựa chọn thái độ rạch ròi quyết liệt
trong cách tổ chức xung đột của văn bản kịch, vốn là bản nguyên mỹ học
căn cơ của thể loại kịch, trở thành nhà viết kịch hiện đại Việt Nam, với tất
cả ưu thời mẫn thế về xã hội Việt hiện đại, nhất là những vấn đề thuộc về
con người, đang liên tục nảy sinh từ cuộc sống đô thị Việt, trong những năm
1980. Chính khi ấy, văn học Việt Nam đổi mới đã huy hoàng lên ngôi, mặc
nhiên tạo ra trường sáng tác mới, gây hưng phấn sáng tạo mới lạ cho những nhà
văn đổi mới như Lưu Quang Vũ trong văn chương kịch…
Tạo dựng lối viết kịch thế sự
Trên nền mẫn cảm của trực giác thi sĩ, Lưu Quang Vũ đã tự tạo
cho mình lối viết kịch thế sự, áp sát đời sống, khi viết những kịch bản dàn trận
tranh đấu giữa cái mới và cái cũ, cái văn minh tiến bộ và cái lạc hậu,
cái sáng sủa và cả cái tầm thường, tối tăm… trong sự va đập với đời sống hôm
nay của người Việt hiện đại. Lưu Quang Vũ đã táo bạo đẩy những nhân vật kịch
hiện đại của mình vào sự lột xác, sự trăn trở nghĩ suy, sự sám hối đến quyết
liệt đặng tìm cách giải quyết những vấn đề văn hóa đang ráo riết
đặt ra cho sự phát triển xã hội Việt Nam hiện đại. Vì thế, các kịch bản
của Lưu Quang Vũ được thiết lập trên tinh thần hiện đại khỏe khoắn, mạnh
mẽ đã mặc nhiên mang nồng đượm hơi thở của đời sống hiện đại, được phát hiện
tươi rói từ con mắt và tấm lòng tràn đầy yêu thương cuộc đời của Lưu Quang
Vũ.
Không ngẫu nhiên, câu chuyện dẫn đến sự nhất thể “hồn nào phải
ở trong xác ấy” của kịch bản “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” mà Lưu Quang Vũ
viết từ thập niên 1980, được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng
thành công cho Nhà hát Kịch Việt Nam, đoạt giải vở diễn hay nhất trong
Liên hoan Sân khấu Kịch quốc tế ở Liên Xô năm 1990, được biểu diễn
thành công trước sinh viên của hơn 20 trường đại học Mỹ năm 1998, đã
thành vở diễn kinh điển của sân khấu Việt hiện đại. Lưu Quang Vũ nhanh chóng trở
thành hiện tượng tác giả sân khấu xuất thần của thời kỳ đổi mới, có công lớn
góp phần vực dậy cả một nền sân khấu đang khủng hoảng người xem, bởi sự thiếu
vắng những kịch bản ấm nóng tính thời sự và sâu sắc tính hiện đại.
Việc ra mắt liên tiếp kịch bản mới, mang sâu sắc giá trị văn
chương của nhà viết kịch đổi mới Lưu Quang Vũ, đã làm đầy sự thiếu vắng về kịch
bản của sân khấu Việt hiện đại, không chỉ trong thập kỷ 1980 mà sang thế kỷ
XXI và vượt khỏi biên giới sân khấu Việt.
Chỉ trong khoảng chục năm, trước khi mất, Lưu Quang Vũ đã kịp
có gia tài đồ sộ khoảng 50 kịch bản đã được dàn dựng: “Sống mãi tuổi 17”, “Hồn
Trương Ba, da hàng thịt”, “Người tốt nhà số 5”, “Ông vua hóa hổ”, “Tôi và chúng
ta”, “Người trong cõi nhớ”, “Nguồn sáng trong đời”, “Nàng Si-ta”, “Trái tim
trong trắng”, “Vụ án 2000 ngày”, “Lời thề thứ 9”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Bệnh
sĩ”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”… Sinh thời của Lưu Quang Vũ, hơn 100 nhà hát
và đơn vị sân khấu toàn quốc không nơi nào lại không ham muốn và khát khao dựng
kịch Lưu Quang Vũ…
“Hoa cúc xanh trên đầm lầy” – vở diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ –
tham dự Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc tháng 4-2018 tại TP HCM, đã đoạt huy
chương vàng, là một ví dụ sáng chói về tính hiện đại trong kịch của ông, khi
Lưu Quang Vũ đặt ra thông điệp mang tính dự báo: liệu người hiện đại có thể chế
tạo “người máy”, mô phỏng và thay thế người thật, hòng đem đến cho mình tình
yêu, hạnh phúc, sự tử tế, nhân từ… vốn chỉ bắt đầu từ trái tim người không? Câu
trả lời thẳng thắn của kịch bản là không!
“Nếu anh không đốt lửa”
Cũng đã có câu hỏi đặt ra là bao giờ có được một Lưu Quang Vũ
thứ hai? “Thời thế tạo anh hùng”, nếu không có thời kỳ đổi mới văn nghệ như một
cú hích mạnh mẽ về triết học – mỹ học, sẽ không thể nảy sinh một nhà viết kịch
phát tiết tài năng như Lưu Quang Vũ.
Từ trường hợp kịch tác gia Lưu Quang Vũ, có thể dựng đứng một
câu hỏi trước nền sân khấu hôm nay là làm thế nào để lan tỏa sức mạnh tinh thần
của tài năng viết kịch Lưu Quang Vũ, trước hết trong đội ngũ nhà viết kịch thế
hệ sau Lưu Quang Vũ, để giải quyết vấn đề mà chỉ sân khấu mới có thể giải quyết,
theo cách đặc thù của mình, đó là thiết lập cuộc đối thoại với đời sống, cũng
là cốt lõi tính hiện đại của kịch bản văn học, như cách mà Lưu Quang Vũ đã làm
được trong tác phẩm của mình: “đốt lửa” bằng đối thoại kịch, như tên một vở kịch
của chính ông: “Nếu anh không đốt lửa”?
Phải chăng, cần có người đốt lửa thì mới cháy lên ngọn lửa, mới
lan truyền sức nóng của lửa cho người tiếp nối, trước nhất là người viết kịch,
để giải quyết khâu yếu nhất trong dây chuyền sáng tạo của sân khấu hôm nay, đó
là kịch bản.
Phải nhìn nhận rằng các kịch bản của Lưu Quang Vũ đã thúc ép,
đã đốt lửa sáng tạo cho đạo diễn có cái để dàn dựng, diễn viên có cái để diễn
và người xem có cái để xem, sau cuối là cái để mọi người suy ngẫm về cuộc đời,
con người và về những gì cần giải quyết của cuộc sống trong hiện tại và tương
lai. Lưu Quang Vũ như đã thấm nhuần tinh thần triết học trong mệnh đề: Nếu anh
bắn vào quá khứ viên đạn súng lục thì tương lai sẽ nã vào anh quả đạn đại bác.
Di chuyển thấm thía từ tinh thần triết học đó sang kịch của mình, Lưu Quang Vũ
đã đặt thành tên kịch bản: “Nếu anh không đốt lửa”.
Sức lan tỏa của lửa từ những kịch bản của Lưu Quang Vũ là điều
đã rõ, đã được minh chứng và đã là “điều không thể mất”, như tên một vở kịch của
chính ông. Có lẽ, những người mang lửa từ kịch Lưu Quang Vũ để chạy tiếp sức,
khơi nguồn sáng đầu tiên cho sự phát triển nền kịch sau Lưu Quang Vũ, cho sân
khấu Việt hiện đại thế kỷ XXI, phải là những nhà viết kịch. Lửa từ kịch Lưu
Quang Vũ phải đến được với những đạo diễn, những diễn viên, họa sĩ thiết kế mỹ
thuật, nhạc sĩ thiết kế giai điệu cho sân khấu và cuối cùng là sự thụ hưởng của
những khán giả sân khấu thế kỷ XXI, luôn háo hức chờ đón được đối thoại.
Vượt thoát sự khủng hoảng người xem là mục tiêu của sân khấu
hôm nay, đó cũng là nhiệm vụ tối thượng của những người truyền lửa từ kịch của
Lưu Quang Vũ!.
20/4/2022
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét