Vào đầu năm 1976, chúng tôi (Emily Schultz và Robert Lavenda)
đi đến miền bắc Cameroon ở miền tây châu Phi để nghiên cứu về quan hệ xã hội ở
thị trấn Guider, nơi chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ để ở. Trong những tuần đầu
tiên sống ở đó, chúng tôi thích dùng những buổi chiều tối ấm áp của mùa khô để
đọc sách và viết lách trong ánh sáng rực rỡ của ngọn đèn điện sáng nhất trong
ngôi nhà, ngọn đèn chiếu sáng cả một mái hiên rộng trống trải. Tuy nhiên, sau một
thời gian ngắn, những cơn mưa bắt đầu và cùng với chúng xuất hiện từng đàn mối
có cánh. Những con côn trùng chậm chạp có cái bụng mập mạp dài 2 inch này bị
thu hút bởi ánh đèn ngoài mái hiên, và chẳng bao lâu chúng tôi thấy mình phải
dùng nhiều thì giờ để đập mối hơn là để đọc và viết. Vào một buổi chiều nọ,
trong một cơn tuyệt vọng, chúng tôi lấy những tờ báo Newsweek cũ cuộn tròn lại
và bắt đầu một cuộc tấn công toàn diện, cương quyết loại trừ từng con mối ra khỏi
mái hiên nhà. Tiền
thuê căn nhà này bao gồm cả khoản tiền trả cho một người gác đêm. Khi chúng
tôi tung ra cuộc tấn công vào các con mối, người gác đêm bất thình
lình xuất hiện bên cạnh mái hiên, tay cầm một cái lon rỗng không. Khi anh ấy
hỏi xin lấy những con côn trùng chúng tôi vừa giết chết, chúng tôi hơi sửng sốt
nhưng đã niềm nở bảo anh ấy cứ tự nhiên. Anh ấy bước vào mái hiên, nhanh
chóng thu nhặt xác những con đã rơi xuống đất, và rồi cùng chúng tôi đuổi
theo những con mối còn đang bay. Mặc dù chúng tôi đã trở nên thiện nghệ trong
việc dùng các tờ báo cũ cuộn tròn để đập những con côn trùng này, tài nghệ của
chúng tôi trở nên lu mờ bên cạnh sự khéo léo của anh gác đêm. Anh ấy chỉ dùng
tay để chụp lấy các con mối đang bay trong không khí, bóp nhẹ vào chúng rồi bỏ
chúng vào cái lon lúc ấy đang đầy lên một cách nhanh chóng. Ba người chúng
tôi đã bắt được hết những con côn trùng bay trong không khí sau khoảng mười
phút. Chúng tôi đưa những con mối bắt được cho người gác đêm và
anh ấy nhận lấy một cách lịch sự. Sau đó anh ấy trở về vị trí gác của mình và
chúng tôi trở về với những cuốn sách của chúng tôi. Chiều
tối hôm sau, chẳng bao lâu sau khi chúng tôi ra ngồi ở chỗ thường ngồi ngoài
hiên, người gác đêm xuất hiện ở bực thềm mang theo một cái khay
trên có hai cái đĩa đậy kín. Anh ấy giải thích rằng vợ anh ấy đã nấu một món
ăn cho chúng tôi để đáp lại việc chúng tôi giúp anh ấy bắt các con
mối. Chúng tôi nhận món ăn và cẩn thận mở hai cái nắp đậy ra. Một đĩa thì đựng
nyin, một loại bột nhồi đặc làm bằng lúa miến đỏ, món ăn chính của dân địa
phương. Đĩa kia đựng một thứ gì sền sệt có màu muối tiêu chen lẫn những chấm
luốm đuốm mà chúng tôi đã nhanh chóng suy đoán đó là
món ăn làm từ các con mối bị giết đêm trước. Người
gác đêm đứng chờ ở chân bực thềm với một nụ cười chờ đợi trên mặt.
Rõ ràng là anh ấy định chờ cho đến khi chúng tôi nếm món quà anh ấy
đem lại rồi mới chịu đi. Chúng tôi nhìn nhau. Trước đó chúng tôi chưa bao giờ
ăn côn trùng hay xem chúng là món có thể ăn được trong chế độ ăn uống của giới
trung lưu ở Bắc Mỹ mà chúng tôi đã quen thuộc. Chắc chắn là những "cao
lương mỹ vị" như kiến bọc sôcôla cũng có, nhưng đa số người ở Bắc Mỹ cho
đó là những món ăn chỉ dành cho những kẻ lập dị. Tuy vậy, chúng tôi đã hiểu rằng
không nên làm sỉ nhục người gác đêm và vợ anh ấy, những người đã rất hào
phóng đối với chúng tôi. Qua chương trình học ở nhà trường, chúng tôi đã biết
rằng côn trùng là món ăn ưa thích ở nhiều xã hội và đây là một loại thức ăn
vô hại. Thấy người gác đêm vẫn còn đứng chờ ở đó, mỉm cười chờ xem chúng tôi
sẽ làm gì, chúng tôi thò tay vào đĩa nyiri lấy một miếng nhỏ. Rồi
chúng tôi dùng miếng nyiri này để xúc lên một chút patê mối, bỏ cả
vào miệng nhai và nuốt. Người gác đêm cười tươi, chúc chúng tôi ngủ
ngon và trở về vị trí đứng gác. Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên thú vị. Món bột
lúa miến có một vị hăng hăng dễ chịu, còn món patê mối thì có một vị dìu dịu,
tựa như thịt gà, chẳng hề khó chịu tí nào. Về sau chúng tôi viết thư cho gia
đình kể lại kinh nghiệm này, và trong thư trả lời của họ, họ cho biết đã kể
câu chuyện này cho một người bạn là một nhà nghiên cứu kinh tế gia
đình. Người bạn này chẳng hề bày tỏ một sự ngạc nhiên nào cả. Cô ấy
chỉ nhận xét rằng mối là một nguồn protein tốt và sạch. NHÂN HỌC LÀ GÌ? Một
số yếu tố chủ yếu của ngành nhân học có thể tìm thấy trong giai thoại kể
trên. Các nhà nhân học muốn tìm hiểu càng nhiều nếp sống khác nhau
của con người càng tốt. Dù đối tượng tìm hiểu của họ là những thành viên
trong chính xã hội của họ, hay những người sống ở một lục địa khác, hoặc phải
được dựng lại từ vết tích của cuộc sống cách đây hàng trăm hay hàng ngàn năm,
nhà nhân học đôi khi gặp phải những tập tục làm họ ngỡ ngàng. Tuy nhiên, khi
đã chấp nhận sự rủi ro của việc hiểu biết kỹ hơn những nếp sống
như thế, họ thường được đền bù bằng sự thú vị khi khám phá ra những
điều quen thuộc. Sự ngạc nhiên do thấy cái xa lạ biến thành cái quen thuộc--cũng
như cái quen thuộc biến thành cái xa lạ--là điều mà các nhà nhân học chờ đợi
sẽ xảy ra và đây là một trong những cái thú thật sự của ngành học. Trong cuốn
sách này, chúng ta sẽ cùng chia xẻ những khía cạnh khác nhau trong
kinh nghiệm của ngành học với hy vọng rằng các bạn cũng sẽ tìm thấy được sự
thú vị, tri thức, và tự khám phá ra mình bằng việc tham gia vào cái xa lạ. Nhân
học có thể được định nghĩa là một ngành học về bản chất con người, xã hội con
người, và quá khứ con người (xem Greenwood và Stini 1977). Đây là một
ngành học có mục đích miêu tả thế nào là con người theo một nghĩa rộng nhất
có thể có được. Nhà
nhân học không phải là người duy nhất tập trung sự chú ý của mình vào con người
và những sản phẩm do con người tạo ra. Sinh vật học về con người, văn học,
nghệ thuật, sử học, ngôn ngữ học, xã hội học, chính trị học, kinh tế học - tất
cả những ngành học thuật này và nhiều ngành khác - đều tập trung vào khía cạnh
này hay khía cạnh khác của đời sống con người. Nhân học là ngành học độc đáo ở
chỗ nó sử dụng những khám phá của các ngành khoa học kia và cố gắng kết hợp
chúng với những dữ kiện riêng của mình để tìm hiểu xem các
yếu tố sinh vật, kinh tế, chính trị, tôn giáo, và thân tộc đã tác động với
nhau như thế nào để tạo nên đời sống con người như chúng ta thấy. Điều đó có
nghĩa là nhân học là một ngành học toàn diện (holistic); toàn diện là một đặc
điểm trung tâm của quan điểm nhân học. Việc
khái quát hóa về bản chất con người, xã hội con người, và quá khứ con người
đòi hỏi cứ liệu từ nhiều xã hội khác nhau, càng nhiều càng tốt. Như thế,
ngoài tính chất toàn diện, nhân học còn là một khoa học đối chiếu. Ví dụ, sẽ
thiếu sót nếu chỉ quan sát xã hội của chính chúng ta và thấy rằng chúng ta
không ăn côn trùng rồi kết luận rằng loài người không ăn côn trùng. Khi so
sánh chế độ ăn uống của con người trong nhiều xã hội khác nhau, chúng ta thấy
rằng ăn côn trùng là điều rất thông thường và nếu người Bắc Mỹ không ăn côn
trùng thì đó chẳng qua chỉ là một tập quán ăn uống riêng của xã hội
chúng ta mà thôi. Các
nhà nhân học cố gắng đưa ra những khái quát hóa có giá trị qua thời gian và
không gian về câu hỏi thế nào là con người. Phạm vi so sánh bao gồm tất cả xã
hội loài người và mọi thời kỳ lịch sử của con người, từ khi xuất hiện loài
linh trưởng giống người cách đây khoảng năm triệu năm cho đến hiện nay. Vì lý
do này, nhân học cũng quan tâm đến quá trình tiến hóa sinh vật học của loài
người qua thời gian, bao gồm việc nghiên cứu về nguồn gốc con người và các loại
gen và di truyền trong các cộng đồng dân cư hiện nay. Nếu
tiến hóa được hiểu theo nghĩa rộng là sự thay đổi qua thời gian thì xã hội và
văn hóa của con người cũng có thể được hiểu là đã tiến hóa từ thời kỳ tiền sử
đến nay. Một trong nhũng đóng góp quan trọng nhất của nhân học vào việc
nghiên cứu sự tiến hóa của nhân loại là nó đã nhấn mạnh đến những dị biệt
quan trọng phân chia giữa tiến hóa sinh vật (liên quan đến những đặc tính và
hành vi được truyền qua gen) với tiến hóa văn hóa (liên quan đến những quan
niệm và hành vi không được truyền qua gen mà dược truyền qua việc dạy và học).
Những chương sau sẽ thảo luận chi tiết hơn về sự khác nhau giữa hai phương thức
tiến hóa này; tuy nhiên, chúng tôi muốn nêu lên ở đây rằng loài người, xã hội
loài người, và văn hóa loài người tất cả đều thay đổi với thời gian. Vì các
nhà nhân học quan tâm đến việc ghi giữ và giải thích những thay đổi này, quan
điểm nhân học trong cốt lõi là một quan điểm tiến hóa. KHÁI NIỆM VĂN HÓA Một hệ
quả của tiến hóa có tác động sâu xa nhất đến bản chất con người và xã hội con
người là sự xuất hiện của văn hóa. Văn hóa có thể được định nghĩa là tập hợp
những hành vi và quan niệm mà con người học hỏi được với tư cách là thành
viên của xã hội. Con người dùng văn hóa để thích ứng với thế giới mà trong đó
họ đang sống và để thay đổi nó. Văn
hóa làm cho chúng ta trở nên độc đáo trong thế giới sinh vật. Con người tùy
thuộc nhiều hơn bất cứ loài động vật nào khác vào việc học hỏi để sinh tồn bởi
vì chúng ta không có những bản năng tự động bảo vệ chúng ta cũng như tìm thức
ăn và chỗ trú ngụ cho chúng ta. Thay vì vậy, chúng ta lại dùng bộ não lớn và
phức tạp của mình để học từ những thành viên khác của xã hội những điều cần
biết để sinh tồn. Quá trình dạy và học này là trọng tâm chính của thời thơ ấu.
Đối với con người, thời kỳ này dài hơn đối với bất kỳ loài động vật nào khác. Trong nhân
học, khái niệm văn hóa là khái niệm trung tâm dùng để giải thích tại sao con
người là như chúng ta thấy và tại sao họ làm những điều họ đang làm. Các nhà
nhân học đã cho thấy rằng sở dĩ những thành viên của một nhóm xã hội cư xử
theo một cách nhất định nào đó là bởi vì họ đã học cư xử theo cách đó, chứ
không phải vì hành vi của họ đã được chương trình hóa bởi các gen trong người
họ. Thông thường người Bắc Mỹ không ăn côn trùng, nhưng hành vi này không phải
là kết quả của một sự chương trình hóa các gen. Đúng ra là người Bắc Mỹ đã học
xếp loại côn trùng vào thứ "không ăn được" và tránh ăn chúng. Như
chính bản thân chúng tôi đã khám phá ra, người Bắc My có thể ăn côn
trùng mà không bị một tác hại nào cả. Như vậy, sự khác nhau này về
hành vi xã hội có thể được giải thích bằng những yếu tố văn hóa hơn là bằng
những yếu tố sinh vật học. Điều
lý thú là các nhà nhân học đã có thể chỉ ra một cách rõ ràng sức mạnh của văn
hóa bởi vì họ cũng hiểu biết về sinh vật học. Những học giả được đào tạo
trong cả hai lĩnh vực, và đây là truyền thống của nhiều chương trình dạy nhân
học ở Bắc Mỹ, vừa hiểu biết về hoạt động của gen và cơ thể sinh vật
vừa có những thông tin đối chiếu về nhiều xã hội loài người khác nhau. Kết quả
là họ thực tế hơn trong việc thẩm định sự đóng góp của những yếu tố sinh vật
và yếu tố văn hóa vào sự định hình một hành vi nhất định nào đó của con người.
Thật vậy, đa số các nhà nhân học không chấp nhận những giải thích nào bắt buộc
họ phải chọn lựa giữa nguyên nhân sinh vật và nguyên nhân văn hóa. Thay vì vậy,
họ nhấn mạnh rằng con người là một chủng loài sinh vật-văn hóa (biocultural). Kết cấu sinh vật do
gen kiểm soát bao gồm bộ não, hệ thần kinh, và cấu tạo cơ thể làm
cho chúng ta trở thành loài sinh vật có thể sáng tạo văn hóa và sử dụng văn
hóa. Không có những tính chất thiên bẩm này, văn hóa như cái chúng ta biết sẽ
không hiện hữu được. Đồng thời, sự sinh tồn của chúng ta với tính cách là những
cơ thể sinh vật lại tùy thuộc vào những truyền thống văn hóa học hỏi được; những
truyền thống này giúp chúng ta tìm thức ăn, chỗ ở và người bạn đời cũng như dạy
chúng ta cách nuôi nấng con cái. Sở dĩ như vậy là vì những yếu tố sinh vật bẩm
sinh dù phong phú cũng không cung cấp được cho chúng ta những bản năng khả dĩ
tự lo liệu các nhu cầu sinh tồn này. Cấu tạo sinh học của con người làm cho
văn hóa có thể có được; văn hóa của con người làm cho sự tồn tại về mặt sinh
học của con người có thể có được. Các
nhà nhân học đôi khi phân biệt giữa Culture (với chữ C viết hoa)
và cultures (dùng ở số nhiều với chữ c viết thường). Văn hóa viết hoa được
xem là một thuộc tính của nhân loại nói chung--đó là khả năng học hỏi và sáng
tạo ra những hành vi và quan niệm để chủng loài có thể tồn tại được như những
cơ thể sinh học. Ngược lại, văn hóa viết thường là những truyền thống khác
nhau bao gồm những hành vi và quan niệm mà những tập thể người học hỏi được
vì họ là thành viên của những xã hội đó. Mỗi truyền thống có thể được gọi là
một nền văn hóa riêng, mặc dù biên giới ngăn cách một nền văn hóa này với một
nền văn hóa khác thường không dễ xác định. Mặc
dù có thể nói rằng nhân loại nói chung có Văn hóa viết hoa như là một thuộc
tính cơ bản, các nhà nhân học và những người khác chỉ tiếp cận được những nền
văn hóa cụ thể. Thông thường, nhà nhân học thu thập thông tin về một nền văn
hóa nào đó bằng cách tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa đó. Dù sống
với một nhóm Fulbe ở bắc Cameroon, khai quật một di chỉ Aztec cổ ở
Mexico, hay nghiên cứu sự khác nhau giữa lời nói của nam và nữ ở Alabama, nhà
nhân học phải thoát khỏi những quan điểm mà mình đã quen thuộc. Những nhà
nhân học nghiên cứu loài hắc tinh-tinh hay gôrila trong rừng hoặc tìm cách dựng
lại nếp sống của tổ tiên hóa thạch của con người hiện đại và của loài vượn
người là những người đã mở rộng biên giới sự hiểu biết của chúng ta về câu hỏi
thế nào là con người. Kết quả công trình
nghiên cứu của họ, như các chương sau sẽ minh họa, thường xuyên đòi hỏi chúng
ta phải đánh giá lại những ý niệm thông thường của chúng ta về vấn đề chúng
ta là ai. Kinh nghiệm "thực địa" là một phần trung tâm của nhân học
hiện đại và đã góp phần quan trọng vào quan điểm học thuật của
ngành. Mọi nghiên cứu nhân học đều quay trở về những kinh nghiệm thuộc về
tinh thần, tình cảm, và vật chất của những ngày tháng tiếp xúc trực tiếp với
một thế giới thường là xa lạ. MỘT BỘ MÔN LIÊN NGÀNH Vì
mục đích của nhân học là miêu tả thế nào là con người, nội dung của ngành học
này hết sức đa dạng. Tại bất cứ cuộc họp thường niên nào của Hội Nhân học Mỹ
(American Anthropological Association) (hội chuyên nghiệp quy tụ đa số các
nhà nhân học), bạn sẽ thấy có các báo cáo khoa học về những chủ đề
như kích thước và hình dạng răng của loài linh trưởng hóa thạch được giả định
là tổ tiên của con người hiện đại, các dạng thức hôn nhân và ly dị ở châu Âu,
những yếu tố sinh học và xã hội liên quan đến bệnh AIDS ở thế giới thứ ba,hoạt
động sản xuất lương thực cổ truyền ở châu Phi, và nghề làm chiếu ở Polynesia.
Do tính đa dạng về nội dung học thuật, nhân học khó được xếp vừa vặn vào
trong bảng phân loại chuẩn các ngành học thuật. Ngành học này thường được liệt
kê là một ngành khoa học xã hội, nhưng nó cũng vươn tới các khoa học tự nhiên
và nhân văn nữa. Nhân học hình thể
(Nhân học sinh vật) Chuyên
ngành đầu tiên và sớm nhất trong bộ môn nhân học được gọi là nhân học hình thể
(nhân học sinh vật). Vấn đề quan tâm chính của các nhà nhân học hình thể là
con người với tư cách là một cơ thể sinh vật. Mục đích của họ là khám phá ra
những điểm tương đồng và dị biệt giữa con người và các loài động vật khác. Vào
thế kỷ 19, khi nhân học phát triển thành một ngành học thuật, nhân học hình
thể phát triển mạnh. Sự quan tâm đến lãnh vực này là một sản phẩm phụ của nhiều
thế kỷ thám hiểm các nơi trên thế giới. Người Tây Âu lúc đó đã chứng kiến sự
đa dạng hết sức phong phú về ngoại hình của các dân tộc trên khắp thế giới và
đã từ lâu cố gắng tìm một ý nghĩa cho những dị biệt này. Các nhà nhân học
hình thể đã sáng chế ra một số kỹ thuật tinh vi để đo những đặc điểm nhân dạng
của các cộng đồng cư dân khác nhau, bao gồm màu da, loại tóc, hình dạng cơ thể,
vân vân. Mục đích của họ là tìm những chứng cứ khoa học khả dĩ cho phép họ sắp
xếp tất cả các dân tộc trên thế giới vào những loại hình dứt khoát và rõ ràng
dựa trên các đặc tính sinh học. Những loại hình như thế được gọi là chủng tộc,
và nhiều nhà nhân học hình thể tin rằng họ sẽ tìm ra được những tiêu chí dứt
khoát rõ ràng để phân loại chủng tộc nếu họ có thể đo lường được một số lượng
lớn người từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Dĩ
nhiên, những nghiên cứu đầu tiên này trong chuyên ngành nhân học hình thể
không diễn ra trong một môi trường xã hội và lịch sử trống không. Những dân tộc
mà các nhà nhân học hình thể tìm cách phân chia thành các chủng tộc phần lớn
là những dân tộc ngoài châu Âu, những dân tộc đang càng lúc càng rơi vào sự
thống trị về chính trị và kinh tế của những xã hội tư bản Âu Mỹ đang bành trướng.
Những dân tộc này khác với người châu Âu "da trắng" không những do
màu da sậm hơn của họ mà còn do ngôn ngữ và phong tục xa lạ của họ, và trong
phần lớn các trường hợp, do họ có một nền kỹ thuật không thể sánh với sức mạnh
của phương Tây đã công nghiệp hóa. Kết quả là chủng tộc
được coi là yếu tố quyết định chẳng những cho nhân dạng bề ngoài của một tập
thể người mà còn cho đặc điểm trí tuệ và tinh thần của họ nữa. Các chủng tộc
đã được phân chia thứ bậc dựa trên những đặc điểm này. Chẳng có gì đáng ngạc
nhiên khi người châu Âu và Bắc Mỹ "da trắng" được xem là thượng đẳng,
còn các chủng tộc khác thì thấp kém hơn và thuộc nhiều cấp độ khác nhau. Như
thế, các nhà nhân học hình thể của thời kỳ đầu đã giúp vào việc phát triển những
lý thuyết có thể dùng để biện minh cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc: sự áp bức
có hệ thống những thành viên của một hoặc nhiều "chủng tộc" mà sự
xác định lại mang tính chất xã hội, bởi một "chủng tộc" khác mà sự
xác định cũng mang tính chất xã hội ; sự áp bức này được biện hộ bằng một giả
định về tính ưu việt vốn có về mặt sinh học của những người cai trị
và giả định về sự thấp kém vốn có về mặt sinh học của những người
nằm dưới sự cai trị của họ. Kỹ
thuật nghiên cứu của chuyên ngành nhân học hình thể đã được cải thiện qua thời
gian. Các nhà nhân học hình thể đã đo đạc được nhiều đặc điểm bên
trong của cơ thể như loại máu chẳng hạn và họ dùng những dữ kiện mới để bổ
sung vào những hiểu biết đã có. Họ đã có được một lượng thông tin lớn về sự
đa dạng của cơ thể con người; tuy nhiên, họ đã nhận ra rằng những đặc điểm
bên ngoài như màu da chẳng hạn, thường được dùng để phân biệt các chủng tộc,
lại không có một tương quan chặt chẽ với những đặc điểm sinh học khác của cơ
thể. Sự hiểu biết của họ về các thuộc tính sinh học của các cư dân càng nhiều
bao nhiêu thì họ càng thấy rằng không hề tồn tại những chủng tộc với một số
thuộc tính sinh học chỉ riêng cho chính chúng nó. Đến
đầu thế kỷ thứ 20, một số nhà nhân học và sinh vật học đã kết luận rằng khái
niệm "chủng tộc" không phản ánh được sự thực của tự nhiên; thay vì
vậy, nó là một nhãn hiệu văn hóa do con người tạo ra để phân chia nhân loại
ra thành từng nhóm khác nhau. Chẳng hạn, những nhà nhân học như Frank Boas,
người đã thành lập khoa nhân học đầu tiên ở Hoa kỳ vào đầu thập niên 1900, từ
lâu đã thấy khó chịu với những phân loại chủng tộc trong nhân học. Boas và
sinh viên của ông đã dành nhiều công sức để vạch trần những định kiến chủng tộc,
vận dụng kiến thức cả về sinh vật học lẫn văn hóa. Khi ngành nhân học phát
triển, sinh viên ở Hoa kỳ được đào tạo cả về lãnh vực sinh vật học lẫn lãnh vực
văn hóa để được trang bị một công cụ chống lại những định kiến chủng tộc và
dân tộc. Bác
bỏ lối suy nghĩ mang màu sắc chủng tộc của thế kỷ 19, nhiều nhà nhân học hiện
đại chuyên nghiên cứu sinh học của con người thích tự gọi mình là nhà nhân học
sinh vật. Họ không nghiên cứu "chủng tộc" nữa và thay vào đó họ
quan tâm đến những dạng thức dị biệt trong loài người nói chung. Có người
truy tìm nhửng tương đồng và dị biệt về mặt hóa học trong hệ thống miễn nhiễm
của con người, một xu hướng gần đây đã dẫn đến việc tích cực chống lại bệnh
AIDS. Có người nghiên cứu mối tương quan giữa dinh dưỡng và sự phát triển của
cơ thể. Thuộc chuyên ngành này còn có những nhà linh trưởng học, những người
chuyên nghiên cứu các động vật có họ hàng gần nhất với con người, cũng như có
những mhà cổ nhân học, những người tìm tòi dưới mặt đất để kiếm xương và răng
hóa thạch của tổ tiên xa xưa nhất của chúng ta. Bằng cách so sánh người hiện
đại với các quần thể động vật còn tồn tại hay đã tuyệt chủng, nhà nhân học
sinh vật có thể làm sáng tỏ nguyên nhân của sự tương đồng và dị biệt giữa con
người và các hình thức sự sống khác. Dù
họ nghiên cứu về sinh học của con người, các loài linh trưởng, hay xương hóa
thạch của tổ tiên chúng ta, các nhà nhân học sinh vật đã vay mượn và phát triển
các phương pháp và lý thuyết của các khoa học tự nhiên - chủ yếu là sinh vật
học, hóa học và địa chất học. Điều làm cho các nhà nhân học sinh vật khác với
những đồng nghiệp ngoài ngành của họ là quan điểm toàn diện, đối chiếu và tiến
hóa mà họ đã nhận được từ chương trình học của họ. Quan điểm đó nhắc nhở họ
luôn luôn xem công việc của mình chỉ là một phần trong sự nghiên cứu toàn diện
về bản chất con người, xã hội con người, và quá khứ con người. Nhân học văn hóa Chuyên
ngành thứ hai trong bộ môn nhân học là nhân học văn hóa, đôi khi còn được gọi
là nhân học xã hội-văn hóa, nhân học xã hội, hay dân tộc học. Một khi các nhà
nhân học nhận ra rằng không thể dùng yếu tố sinh học hay chủng tộc để giải
thích tại sao mọi người trên thế giới không mặc đồ giống nhau, không nói cùng
một ngôn ngữ, không cầu nguyện cùng một thần, không phải ai cũng ăn côn trùng
vào bữa ăn tối, họ biết rằng phải có một cái gì khác tạo nên những sự khác biệt
này. Họ cho rằng "cái gì khác" này chính là văn hóa: tập hợp những
hành vi và quan niệm mà con người học hỏi được với tư cách là thành viên của
xã hội. Vì con người khắp mọi nơi dùng văn hóa để thích ứng với thế giới họ
đang sống và biến đổi nó, phạm vi của nhân học văn hóa rất là rộng. Các
nhà nhân học văn hóa có khuynh hướng chuyên nghiên cứu một lãnh vực nào đó
trong hoạt động văn hóa của con người. Có người nghiên cứu cách xã hội tổ chức
thực hiện công việc tập thể trong các lãnh vực hoạt động như kinh tế, chính
trị, tinh thần, v.v.... Lãnh vực nghiên cứu này của nhân học văn hóa rất gần
với xã hội học và chính từ đây mà người ta xem nhân học là một ngành khoa học
xã hội. Sự thật là xã hội học và nhân học đã được phát triển trong cùng một
thời kỳ và có những vấn dề quan tâm giống nhau về tổ chức xã hội. Một
yếu tố quan trọng đã phân biệt nhân học với xã hội học là sự quan tâm của
nhân học đối với việc so sánh các hình thức khác nhau của đời sống xã hội
loài người. Trong khung cảnh phân biệt chủng tộc của xã hội châu Âu và Bắc Mỹ
vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, có người đã xem xã hội học là ngành nghiên cứu
xã hội công nghiệp "văn minh" và nhân học là ngành nghiên cứu tất cả
các xã hội khác, gộp chung lại dưới nhãn hiệu xã hội "nguyên thủy."
Nhưng các nhà nhân học hiện đại đã quan tâm nghiên cứu tất cả mọi xã hội loài
người, và họ bác bỏ nhãn hiệu "văn minh" và "nguyên thủy"
với cùng lý do mà họ đã bác bỏ từ ngữ "chủng tộc." Ngày nay, các
nhà nhân học thực hiện việc nghiên cứu của mình trong khung cảnh đô thị cũng
như nông thôn trên khắp thế giới và trong tất cả mọi xã hội, gồm cả xã hội của
chính họ. Các
nhà nhân học đã nhận thấy rằng nhiều xã hội bên ngoài phương Tây không có hệ
thống thư lại, nhà thờ, hay trường học, nhưng họ vẫn tiến hành được một cách
thành công mọi hoạt động xã hội vì họ đã phát triển định chế thân tộc, tự tổ
chức thành các nhóm xã hội mà tất cả các thành viên đều được coi như "họ
hàng" với nhau. Việc nghiên cứu thân tộc đã phát triển rất cao trong
ngành nhân học và hiện nay vẫn còn là một trọng điểm nghiên cứu. Ngoài ra,
các nhà nhân học đã miêu tả nhiều hình thức tổ chức xã hội không dựa trên
thân tộc mà người ta có thể tìm thấy bên ngoài thế giới phương Tây. Những tổ
chức này gồm các hội kín, các nhóm tập hợp theo tuổi, và nhiều hình thức tổ
chức chính trị khác nhau. Các
nhà nhân học văn hóa đã tìm hiểu các dạng thức đời sống vật chất tìm thấy
trong nhiều nhóm cư dân khác nhau. Một trong những điều gây ấn tượng nhất
là mức độ dị biệt trên khắp thế giới về trang phục, nhà ở, công cụ cũng như kỹ
thuật sản xuất lương thực và chế tạo vật dụng. Một số nhà nhân học đi sâu
nghiên cứu kỹ thuật của các xã hội hoặc sự tiến hóa của kỹ thuật qua thời
gian. Những nhà nghiên cứu quan tâm đến đời sống vật chất cũng đã miêu tả
khung cảnh tự nhiên trong đó các nền kỹ thuật đã phát triển và đã phân tích sự
tác động qua lại giữa kỹ thuật và môi trường. Những
nhà nhân học nghiên cứu đối chiếu về ngôn ngữ, âm nhạc, múa, nghệ thuật, thi
ca, triết lý, tôn giáo, hay lễ nghi có nhiều mối quan tâm học thuật giống với
các chuyên gia trong các ngành mỹ thuật và khoa học nhân văn. Trong tất cả
các lĩnh vực này, nghiên cứu về ngôn ngữ con người là một lãnh vực đặc biệt
quan trọng trong nhân học văn hóa. Nhân học ngôn ngữ Có
lẽ nét văn hóa nổi bật nhất của chủng loài chúng ta là ngôn ngữ: hệ thống biểu
trưng thanh âm võ đoán của chúng ta dùng để lập mã kinh nghiệm của mình về thế
giới và về lẫn nhau. Người ta dùng ngôn ngữ để nói về tất cả mọi khía cạnh
trong đời sống, từ vật chất tới tinh thần. Như vậy, ngôn ngữ là một chìa khóa
quan trọng cho sự hiểu biết một nhóm người nào đó và nếp sống của họ. Nhân học
ngôn ngữ đã phát triển cao và từ lâu được xem là một chuyên ngành riêng trong
nhân học. Nhiều nhà nhân học tiên phong là những người đầu tiên lập nên hệ thống
chữ viết cho các ngôn ngữ bên ngoài phương Tây cũng như đã tạo dựng ngữ pháp
và từ điển. Các nhà nhân học ngôn ngữ hiện đại đã được đào tạo cả về ngôn ngữ
học lẫn nhân học, và nhiều nhà nhân học văn hóa cũng đã được đào tạo về ngôn
ngữ học và dây là một phần phải có trong sự chuẩn bị chuyên môn của
họ. Các nhà nhân học ngôn ngữ tìm cách hiểu ngôn ngữ một cách toàn diện trong
tương quan với bối cảnh rộng lớn hơn gồm văn hóa, lịch sử, và sinh học. Nghiên
cứu điền dã Các nhà nhân học văn hóa, dù lãnh vực chuyên môn
của họ là gì, thường thu thập tài liệu qua một thời kỳ dài giao tiếp mật thiết
với những người có ngôn ngữ hoặc nếp sống mà họ quan tâm nghiên cứu. Thời kỳ
nghiên cứu này được gọi là nghiên cứu điền dã, và đặc điểm chính của nó là sự
tham gia của nhà nhân học vào công việc hàng ngày của những người họ đang
nghiên cứu. Những người chia sẻ thông tin về văn hóa và ngôn ngữ của họ với
nhà nhân học từ lâu nay thường được gọi là người thông tin (informant); tuy
nhiên, ngày nay các nhà nhân học ít sử dụng từ này hơn trước đây và thích gọi
những cá nhân này là những người thầy hoặc người bạn vì những từ ngữ này nhấn
mạnh đến mối quan hệ bình đẳng và hỗ tương. Người nghiên cứu điền dã tìm hiểu
một nền văn hóa khác bằng cách cùng tham dư vào các hoạt động xã hội với các
thành viên của cộng đồng và đồng thời quan sát những hoạt động đó như là một
người ngoài cuộc. Phương pháp nghiên cứu này được biết đến dưới tên gọi quan
sát-tham dự, là phương pháp chính của nhân học văn hóa - và là điểm chủ yếu
của giao tiếp giữa con người với nhau nói chung. Nhà
nhân học văn hóa viết về những điều họ biết dưới hình thức tạp chí chuyên đề
hoặc sách và đôi khi cũng quay phim đời sống của đối tượng nghiên cứu. Từ ngữ
ethnography (khảo tả dân tộc học) chỉ một công trình miêu tả một nền văn hóa
nào đó; ethnology chỉ việc nghiên cứu so sánh nhiều nền văn hóa. Như vậy, các
nhà nhân học viết những khảo tả dân tộc học đôi khi được gọi là
ethnographers, và các nhà nhân học so sánh tài liệu dân tộc học về nhiều nền
văn hóa khác nhau đôi khi được gọi là ethnologists. Khảo cổ học Khảo
cổ học, một chuyên ngành lớn khác của nhân học, là một ngành nhân học văn hóa
về quá khứ của con người, sử dụng phương pháp phân tích các di tích vật chất.
Thông qua khảo cổ học, các nhà nhân học khám phá nhiều điều về lịch sử của
con người, đăc biệt là về thời kỳ tiền sử, quãng thời gian dài trước khi có
chữ viết. Ngoài kiến thức về nhân học hình thể và văn hóa, nhà khảo cổ học phải
có khả năng nhận diện được những hài cốt mà họ phát hiện và giải thích được
các di vật khác như các lỗ cột (postholes), những đống rác và mô hình cư trú.
Ngoài ra, họ cần biết về địa chất học để có thể xác định đúng thời gian những
địa điểm khai quật. Dựa vào vị trí và niên đại của các di chỉ để nghiên cứu,
có thể nhà khảo cổ học cũng phải hiểu biết về cách sản xuất công cụ đá, luyện
kim, hoặc phân tích phấn hoa. Những
thông tin do nhà khảo cổ học phát hiện là những thông tin có giá trị đối với
nhà nhân học hình thể và nhân học văn hóa. Những bộ xương và răng mà nhà khảo
cổ học phát hiện có thể dùng vào việc dựng lại quá trình tiến hóa của loài
linh trưởng. Những di tích văn hóa vật chất mà họ tìm thấy có thể làm tăng
thêm bề dày lịch sử cho những truyền thống văn hóa nào đó và chỉ ra con đường
lan truyền của những phát minh văn hóa qua thời gian từ nơi này sang nơi
khác. Nếu họ khai quật những di chỉ gần đây hơn _ "gần đây" có
nghĩa là trong vòng vài nghìn năm qua _ họ có thể tìm ra chứng cứ của những hệ
thống văn tự cổ để các nhà nhân học ngôn ngữ giải mã và phiên dịch. Một số
nhà khảo cổ học hiện đại khai quật những lớp rác do con người thải ra trong
hai hoặc ba thập niên vừa qua, đôi khi qua đó phát hiện được những thông tin
đáng ngạc nhiên về những dạng thức tiêu thụ của thời hiện đại. Nhân học ứng dụng Trong
những năm gần đây, nhân học ứng dụng dã được công nhận là chuyên ngành lớn thứ
năm của bộ môn nhân học. Các nhà nhân học ứng dụng sử dụng thông tin thu thập
được từ những chuyên ngành nhân học khác để giải quyết những vấn đề thực tiễn
có tính chất liên văn hóa. Họ có thể dùng những quan niệm của một nền văn hóa
nào đó về sức khỏe và bệnh tật để phổ biến những tập quán y tế công cộng theo
cách mà thành viên của nền văn hóa đó có thể hiểu và chấp nhận được. Có nhà
nhân học ứng dụng dùng kiến thức về tổ chức xã hội cổ truyền để làm vơi bớt
những vấn đề của người tỵ nạn ở vùng đất mới. Có người dùng kiến thức của
mình về phương pháp canh tác cổ truyền và nông nghiệp phương Tây để giúp nông
dân tăng sản lượng mùa màng của họ. Trước mối quan tâm ngày càng tăng trên khắp
thế giới về ảnh hưởng của văn minh kỹ thuật lên môi trường trái đất, nhân học
ứng dụng hứa hẹn sẽ là một phương tiện kết hợp khoa học phương Tây với truyền
thống ngoài phương Tây để tạo ra những kỹ thuật mới khả dĩ giảm thiểu sự ô nhiễm
và thoái hóa của môi trường. Nhân học ứng dụng còn quá mới mẻ và liên quan đến
rất nhiều ngành học khác nhau nên nó chưa trở thành một phần bắt buộc của
chương trình đào tạo trên đại học, mặc dù càng lúc càng có nhiều trường đại học
ở Hoa kỳ giảng dạy các chương trình thuộc chuyên ngành này.
15/12/2005 Emily A. Schultz và Robert H. Lavenda Phan
Ngọc Chiến dịch Nguồn: Trích từ: Nhân học - Một quan điểm về tình trạng nhân sinh
NXB Chính Trị Quốc Gia, 2001
Theo https://www.vanchuongviet.org/ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét