Thứ Năm, 6 tháng 2, 2025

Tết Huế - Sắc màu "Bánh cộ"

Tết Huế - Sắc màu "Bánh cộ"

Ngày ni đã hăm sáu tết. Huế vẫn còn nắng, và trời se lạnh.
Những ngày này, ra phố, qua chợ, nhiều nơi trên lối Huế, sẽ thấy những hàng bán bánh cộ Huế với nhiều màu sắc, nhìn vô cùng bắt mắt.
Trong kí ức của tuổi thơ Huế ngày xưa, thuở mà bánh trái chưa phong phú như hiện nay, thì những cái bánh cộ nhỏ nhắn, vuông vắn, chữ nhật, hay tròn vo luôn là sự yêu thích, nhất là khi được theo ba mạ đi ăn kỵ ở nhà ông bà nội ngoại, khi ra về khi mô cũng được cầm thêm một gói bánh cộ đủ màu, cầm trên tay rồi nâng niu, cầm chặt như sợ bánh sẽ bể, mà lơi tay e bánh sẽ rơi rớt khi mô không hay.
Cụm từ BÁNH CỘ, chữ CỘ phát xuất từ âm Cỗ, là kị, của người Huế, do cách phát âm mà gọi trại thành cộ, là cách gọi chung các thứ bánh Huế dùng trong việc cúng cấp, kỵ giỗ.
Và bánh cộ chính là bánh in, hay nói chính xác hơn thì phổ biến nhất là bánh in, người Huế gọi là bánh in là cách gọi rất tượng hình, vì bánh được ép từ khuôn, vuông thành sắc cạnh, có hình vuông hay hình chữ nhật, có cả hình tròn, có hoa văn trên mặt bánh, nguyên liệu thường là bột đậu xanh, bột đậu quyên, có khi bột nếp, bột bình tinh, và sấy khô.
Bánh được gói trong giấy kiếng bóng nhiều màu.
Bánh cộ Huế còn có nhiều dạng, nhiều mẫu mã.
Vào dịp tết âm lịch này được các nhà sản xuất chuyên nghiệp, và nhất là các chùa Ni (chùa chỉ dành cho các ni cô), làm rất nhiều, mẫu mã, và màu sắc vô cùng phong phú. Đặc biệt nhất là những chiếc bánh in kết thành nhiều tầng nhiều màu, hoặc chỉ riêng từng màu giấy gói, người Huế rất thích mua loại bánh tháp này để thờ trên bàn thờ gia tiên.
Còn có bánh măng, bánh mận, bánh làm bằng bột nếp, có dừa, mè, hình vuông, dẻo và gói thành những hình hộp vuông bằng giấy trắng, sau đó bọc giấy kiếng màu ra ngoài.
Hay bánh sen tán, hay còn gọi là bánh hột sen, ngày xưa dùng hột sen tán mịn rồi sên với đường cát trắng, viên thành từng viên tròn vo, sậy qua một chốc cho khô bột bên ngoài. Nhưng sau này, do hột sen có giá thành cao hơn nên chuyển sang dùng đậu xanh, đậu đồ nhuyễn vo viên và gói thành hình viên kẹo có kích thước lớn, bọc giấy kiếng nhiều màu, hai đầu cắt tua ra cho đẹp.
Trong danh sách bánh cộ, còn có bánh bó mứt, cũng làm từ bột nếp, in thành khối chữ nhật dài, bên trong có xen kẽ vài loại mứt như mít, cà rốt cho có màu sắc đẹp, sau đó bánh được cắt thành từng lát mỏng và gói giấy trong suốt, để có thể nhìn thấy các vị mứt bên trong.
Bánh thuẫn làm từ bột mì, trứng gà đánh cho tơi lên, sau đó cho vào khuôn và nướng trên lửa than, bánh có thể sấy khô nếu cần để dành lâu ngày, hoặc để độ ẩm mềm thì dùng chỉ trong một vài ngày.
Nếu kể lại các thứ bánh cộ, ngày xưa trong Hoàng cung, các bà Phi rất khéo léo, họ bày ra làm nhiều kiểu bánh rất công phu và đẹp mắt. Có một loại bánh cộ, đã lâu không còn thấy xuất hiện, đó là bánh hình củ sâm, gọi như vậy vì hình thức bánh rất giống rễ sâm. Bánh được làm từ bột nếp và sấy rất khô. Cũng cùng từ bột nếp khô này, Huế xưa có một kiểu bắt bánh thành hình cây hoa, nhìn rất công phu và đẹp mắt, nay cũng không còn thấy bày bán.
Có một loại nữa là bánh in làm từ bột nếp sấy khô, giữa có chút nhân mè ngọt rim với bí đao, bánh có hình tròn khá lớn và được gói lại bằng giấy kiếng màu, thắt nơ ở giữa, túm giấy bóng bên trên xòe ra như một bông hoa đã mãn khai. Kiểu bánh này thường có bán trong dịp tết âm lịch này, người Huế mua về đặt lên bàn thờ gia tiên, nhìn rất đẹp mắt.
Một số bánh khác, cũng làm từ nguyên liệu bột đậu xanh, bột nếp, nhưng cách gói khá cầu kì, nhìn rất bắt mắt, hộp giấy bao ngoài bánh có khi bẻ từ nhiều màu giấy, bẻ thành từng hình tam giác rồi ghép lại, kiểu gói bánh này một thời gian khá lâu rồi không còn thấy bày bán ở Huế, nhưng một vài năm gần đây đã thấy xuất hiện ở vài nơi với tên gọi mới là bánh Pháp Lam.
Bánh cộ có nguồn gốc từ Hoàng cung, do Cung Phi Mỹ Nữ bày ra làm và truyền nghề cho nhau, về sau dần dần truyền ra khắp phố Huế, người này bày người khác làm.
Thời gian sau này, bánh cộ được các chùa Ni làm nhiều nhất, vào dịp lễ tết, bánh ghép thành từng hình tháp rất đẹp, tháp bánh màu vàng để thờ Phật, bàn thờ gia tiên thì dùng tháp có nhiều màu bánh.
Bánh cộ Huế còn có bánh ít đen, su sê, bánh vả…nhưng các thứ bánh ni thường chỉ cúng và dùng ngày trong ngày chứ không để lâu được do bánh tươi chứ không qua sậy khô.
Vào các ngày kỵ giỗ, Lễ Tết, bàn thờ Phật bày một cặp bánh kết hình tháp, trên bàn thờ Tổ tiên, bày một mâm bánh đủ hình thức, nhiều màu sắc, thì thật ý nghĩa và vô cùng đẹp mắt.
Lương Thúy Anh
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vài nhận xét về cuốn tổ quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng

Vài nhận xét về cuốn tổ quốc  ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng Nguyễn Gia Kiểng là một nhân vật rất được biết đến trong cộng đồng VN hải ngoại ...