Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

Đặng Tuyết với "Hương sắc phù sa" và "Vần thơ cổ tích"

 Đặng Tuyết với "Hương sắc
phù sa" và "Vần thơ cổ tích"

Sáng ngày 2.6.2024, Hội Nhà văn Cần Thơ phối hợp với Nhà sách Phương Nam tổ chức giới thiệu hai tác phầm “Hương sắc phù sa” và “Vần thơ cổ tích” của nhà thơ Đặng Tuyết (Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Cần Thơ), hơn 100 đại biểu và hội viên tham dự. 
Nhà thơ Đặng Tuyết  sinh năm 1962 tại Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh nhưng duyên may đã đưa chị đến với ĐBSCL. Và Cần Thơ “gạo trắng nước trong” là quê hương thứ hai. Chị tham gia Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ phường Hưng Lợi, làm cố vấn Hội người khuyết tật TPCT  hơn 10 năm nay. Chị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiện nguyện “Nối vòng tay lớn”, trực thuộc Viện Võ học Việt Nam, là nhà từ thiện sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn trong xã hội và được xem như “người mẹ” hiền sẵn sàng cưu mang giúp đỡ họ và mong rằng “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Con người đam mê thơ và đầy lòng nhân ái này luôn lấy công tác xã hội làm niềm vui nên thơ chị luôn gắn với cuộc đời với mọi lớp người trong xã hội. Với Đặng Tuyết, thơ như khí trời, nước uống không thể thiếu được, bởi chị muốn dùng thơ để làm vơi đi những nắng lửa, trăn trở băn khoăn của cuộc đời. Thơ như một điểm tựa, nâng ta dậy trên mỗi bước đường. Tất cả những ước nguyện, niềm vui và nỗi nhớ được chị chuyển vào những vần thơ dân dã mà  hiện đại và đậm tính nhân văn. 
Đặng Tuyết đã xuất bản 06 tập thơ: “Quê hương – nỗi nhớ trong tôi” (NXB Hội Nhà văn, 2015), “Điệu ví tình quê” (NXB Văn học, 2016), “Về miền sông Hậu” (NXB Hội Nhà văn, 2020), “Những miền đất nhớ” (NXB Hội Nhà văn, 2022), “Vần thơ cổ tích” (NXB Hội Nhà văn, 2023), “Hương sắc phù sa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Sức viêt khỏe, đam mê lớn, chỉ 9 năm chị đã uất bản 6 tập thơ, thật đáng nể. Đôi lúc chị phải “vịn vào câu thơ mà đứng dậy” như Phùng Quán đã nói để giãi bày những ẩn ức, vui buồn của cuộc đời.
“Hương sắc phù sa”: Đặng Tuyết đã viết hàng trăm bài thơ về quê hương, về tình đất, tình người ở miệt vườn Nam Bộ. Cảm xúc trữ tình luôn lắng dộng, day dứt trên mỗi bước đường chị đi. Từ Hà Tĩnh xa xôi, về với Cần Thơ “gạo trắng nước trong” gần nửa thế kỷ nay, và chị xem mảnh đất như máu thịt của mình. Những miệt vườn cây trái xum xuê, kênh rạch đầy tôm cá với hai mùa mưa nắng “Miền Nam hết nắng rồi mưa/ Cho cam lắm trái cho dừa thêm xanh/ Sầu riêng nặng trĩu trên cành/ Mãng cầu măng cụt ngon lành biết bao/ Lúa xanh dưới trận mưa rào/ Sông sâu nước chảy dạt dào tình quê” (Ca dao mới)”. Phù sa sông Tiền, sông Hậu tắm mát bao vùng đất và chảy mãi với hồn thơ người xa xứ để chị đem “Hương sắc phù sa” toả lên khắp trang thơ, trang đời.
Với “Hương sắc phù sa” chị vẫn tiếp nối mạch nguồn cùng dòng chảy ở các tập thơ trước về đề tài: quê hương, gia đình, xã hội, tình yêu Tổ quốc, Đảng, Bác, về những anh hùng, liệt sĩ, về tình thầy trò, bè bạn với bao kỷ niệm đẹp chân thực và lãng mạn. 
Tập thơ với 63 bài với đủ thể loại: tự do, lục bát, đường luật, thơ 1-2-3 (một loại thơ mới do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng trãi nghiệm) cùng với 5 bản nhạc do nhạc sĩ Huy Thọ và nhạc sĩ Phan Bá Kiệt phổ thơ chị ở cuối tập thơ. Điều đó phần nào đã nói lên thơ Đặng tuyết rất giàu tính hoạ, tính nhạc.
Đề tài xuyên suốt tập thơ là “quê hương” ở miệt vườn Nam Bộ với con nước lớn nước ròng đem phù sa tắm mát cây trái, hoa màu, toả hương sắc vương vào không gian, thời gian và neo lại trong hồn người. Tình đất, tình người thật sâu nặng trong Tình người vùng đất Chín Rồng
Hương phù sa quyện giữa lòng Tây Đô.
Ta hãy nghe âm thanh cuộc sống trên sông của một phiên chợ nổi ở Cái Răng, hay Phong Điền:
Bình minh gọi con nước về
Ngược dòng phố thị bốn bề nổi trôi
Ngập ngừng vang tiếng gọi mời
Tiếng rao kẻ bán từng lời vang xa.
(Nặng hạt phù sa)
Hình ảnh “con nước” lặp đi lặp lại ở nhiều bài thơ như một điệp khúc làm nổi bật sắc thái đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Có nước lớn, nước ròng, nước nhảy, nước đứng, nước kém, nước rong, nước ươn, nước lụt, nước đổ… và “con nước chiều buông” đã đi vào trang thơ:
Mập mờ con nước triều buông
Phù sa trĩu nặng hoàng hôn trôi dài.
(Mập mờ con nước)
Hay: Nhọc nhằn con nước triều lên
Sớm khuya góc phố lênh đênh phận người
(Con nước triều lên)
Hoặc: Cù lao con nước vơi đầy/ Mời anh ghé lại nơi đây miệt vườn.
Cuộc sống của thương hồ lênh đênh trên sông nước gắn liền với giọng hò, điệu lý và lời ca vọng cổ – nét đặc sắc của cư dân Nam Bộ từ ngày đi mở cõi:
“Tình anh bán chiếu” rưng rưng
Nỗi niềm riêng gửi dặm trường xa xăm
(Ta lại về đất phương Nam)
Ở vùng đất trẻ mới hình thành hơn 300 trăm nay, những cư dân ngày đó luôn phải đối đầu với thiên nhiên hoang dã, thú dữ rình rập “dưới sông sấu lội trên rừng cọp um”, hoặc “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” nhưng họ vẫn đầy nghị lực, lạc quan yêu đời để sống và chống chọi với thiên nhiên quái ác và giặc ngoại xâm tàn bạo. Tới đâu ở vùng đất này ta luôn được nghe lời ca tiếng hát vang lên. Bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác 1919 ở Bạc Liêu  hay bài “Tình anh bán chiếu” của nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu sáng tác năm 1959 được xem như là hơi thở, là tiếng lòng của giới mộ điệu đờn ca tài tử và người dân Nam Bộ:
Nghe câu “Dạ cổ hoài lang”
Từ miền sông nước phương Nam ngọt ngào
(Thương câu vọng cổ)
Nghe câu hò điệu lý nơi tận cùng Tổ quốc “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mủi thuyền ta đó Mũi Cà Mau” (Xuân Diệu) lòng xao xuyến bồi hồi như nghe tiếng tiền nhân năm nào đi mở cõi:
Nghe khúc hát tiếng lòng người mở đất
Văng vẳng giọng hò khúc hát phương Nam
Tới một lần thôi ta thầm yêu đất Mũi
Dải đất thiêng liêng thắm đượm tình người.
(U Minh Hạ ơi)
Chị nhìn giọt nắng và những giọt phù sa phương Nam mà thấy lòng ngân vang những rung động theo nhịp phách của sáu câu vọng cổ: “Tương tư hạt nắng vàng/ Mênh mang lời vọng cổ/ Ngân mãi xứ miệt vườn”. Có thể nói tình đất, tình người ở xứ miệt vườn này thật cao đẹp thân thương bất chấp hai mùa mưa nắng hay nước lớn nước ròng. Một loạt bài thơ chỉ đọc tên các đầu bài đã thấy tràn ngập hương sắc. Nào là sông Tiền, sông Hậu, nào cù lao Dung (Sóc Trăng), cù lao Ông Hổ (An Giang) hay cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt), nào là chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, Ngã Bảy, nào vườn cò Bằng Lăng (Thốt Nốt), bến Ninh Kiều (Cần Thơ), rồi quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), dâu Hạ Châu, cam xoàn Phong Điền, khóm Cầu Đúc… và bao món ngon vật lạ nơi đây với hàng trăm loại bánh dân gian luôn chào mời du khách, đúng là “Ai đi tới đó lòng không muốn về”. Tất cả đều hiện lên như sờ nắm được ở những vần thơ giàu tính hoạ tính nhạc của chị.
Đặng Tuyết đã lấy vùng đất Chín Rồng làm quê hương hơn nửa đời người, nên đi đâu, làm gì, nghĩ gì cũng thắm đượm sắc thái miệt vườn. Chị nhận phố làm quê, đếm nhịp thời gian để nhặt tìm câu chữ cho những vần thơ. Từ thành phố Cần Thơ, được xem là Tây đô của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bàn chân chị đã qua hầu hết các nẻo đường của 13 tỉnh để đi làm từ thiện và sáng tác thơ. Tới đâu cũng được bạn bè và bà con quý mến. Tới đâu chị cũng ghi lại những cảnh, những người, những nét đặc trưng của vùng đất đó. Từ bông hoa ngọn cỏ, trái cây, bông súng, lục bình, bông điên điển tới cánh cò, con đò, dòng sông, cầu tre, cầu khỉ gập ghềnh khó đi hay bến nước, ao hồ, câu ca điệu lý… đều ùa vào thơ chị như chính cuộc sống sống vậy. Cảnh sắc bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông luôn hiện lên theo mỗi chặng đường chị đi qua, và chị ghi lại “nhật ký bằng thơ” đáp tình bè bạn.
Với thể thơ mới – Thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng và thể nghiệm được nhiều bạn yêu thích và sáng tác, chị cũng góp mặt 6 bài chọn lọc: Cơn mưa ập tới, Hè về, Tháng sáu trời mưa, Mênh mang giọng hò, Ký ức, Đồng vàng lúa trải phía chân đê. Đây là thể thơ có 6 câu được quy định chặt chẽ cho từng câu về số từ và sự gắn kết. Và chị đã thành công. Đây là cảnh tan trường thật đáng yêu trong ký ức ùa về:
Ta nhẹ bước vào hành trang mới
Tiếng ve sâu ra rả gọi về nhau
Những kỷ niệm học trò lặng tâm cảm thẳm sâu.
(Ký ức) 
2. “Vần thơ cổ tích” – Nhà thơ Đặng Tuyết đã thành công với 5 tập thơ viết cho người lớn, nay chị lại thử sức với mảng thơ viết cho thiếu nhi. Và “Vần thơ cổ tích” là tập thơ thiếu nhi đầu tay của chị với 40 bài và 2 bản nhạc phổ thơ. Mỗi bài thơ tôi xem như mỗi giọt sương mai long lanh trên ngọn cỏ. Nó trong trẻo, gần gũi và dễ thương với thế giới tuổi thơ.
Thơ viết cho thiếu nhi rất khó. Cả nước có hàng ngàn nhà thơ nhưng chỉ có vài tác giả thành danh ở mảng thơ này. Trước hết phải kể đến Trần Đăng Khoa “thần đồng thơ thiếu nhi” (Xuân Diệu), rồi Lê Hồng Thiện (Hưng Yên), Phạm Đình Ân (Hà Nội), Hoài Khánh (Hải Phòng), Hoàng Minh Chính (Phú Thọ với bài “Đi học”), Phan Thị Vàng Anh (Con nhà thơ Chế Lan Viên với bài “Mèo con đi học”), Nguyễn Đặng Viên Phương (Ngày đầu đến lớp), Ngô Gia Thiên An (Trong vườn thú), Đặng Chân Nhân (Con rối), Đỗ Trung Quân (Vầng trăng cổ tích, Quê hương), Vũ Quần Phương (Nói với em), Phan Thị Thanh Nhàn (Làm anh),  Nguyễn Duy (Vườn cây của ba)…
Thơ viết cho thiếu nhi cần chú ý mấy điều: Tứ thơ phải mới lạ, tránh lặp lại những điều tác giả khác đã viết. Thể loại phần lớn sử dụng thể vè, hoặc thơ 2-3-4-5 chữ với nhịp điệu nhanh dễ nhớ, dễ thuộc. Bài thơ không quá dài. Đề tài, chủ đề thơ gần gũi đời sống thiếu nhi. Ngôn ngữ phù hợp với lối cảm, nghĩ và hành động của tâm lý lứa tuổi: Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở. Hình thức diễn đạt: dùng nhiều biện pháp tu từ để diễn tả nội dung, thường dùng lối nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ. Hình ảnh, nhân vật phải gần gũi thế giới tuổi thơ, như: cha mẹ, ông bà, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo, chú bộ đội, anh công nhân, bác nông dân. Cao hơn nữa là Bác Hồ, và những danh nhân văn hóa… vạn vật, như: mặt trời, trăng, sao, sông, suối, biển. Các loại cây, loại hoa ở mỗi miền. Các con vật như: Trâu, bò, gà, lợn (heo), thỏ, sóc, chim chích, chim cu, chào mào, sáo sậu, tắc kè, thạch sùng, nhện, các loại cá… (Ví dụ:  Bài “Cây dừa” của Trần Đăng Khoa, bài “Vườn cây của ba” của Nguyễn Duy, bài “Đi học” của Hoàng Minh Chính, bài “Mèo con đi học” của Phan Thị Vàng Anh…)
Tập “Vần thơ cổ tích” có 3 phần: Chân trời của bé (16 bài), Trang sách mới (24 bài) và Thơ phổ nhạc (2 bài). Mỗi bài thơ là một câu chuyện mang vẻ đẹp với hình ảnh và ngôn từ như những giọt sương mai. Tác giả đã đặt mình vào thế giới tuổi thơ để quan sát, cảm và nghĩ viết nên những vần thơ khi nhịp điệu nhanh như bước chân sáo sậu, khi chậm rãi như con mèo lười nằm phơi nắng. Đó là niềm vui giữa cháu ngoại (Thanh Châu) với bà, cháu và bè bạn, cháu và cỏ cây, hoa lá, chim muông… Nhân vật trữ tình xuyên suốt tập thơ là cháu (em bé) thân yêu của mình được đặt trong không gian, thời gian, địa điểm và những chiều kích khác nhau.
Nhiều bài của tập thơ có tứ hay và lạ,  có nhân hóa hoặc so sánh độc đáo rất hợp với tâm hồn trẻ thơ, như: Hoa mưa (trang 14), Lửa mây (trang 15), “Gia đình bàn chãi” (trang 25): Này bàn chải to/ Này bàn chải nhỏ/ Là bàn chải mẹ/ Là bàn chải con. Hay bài “Gọi mưa về” (trang 80): Nắng vàng rực lửa/ Gió ngủ im lìm/ Giữa trưa nắng cháy/ Chợt làn mây bay/ Bay qua ngõ phố/ Qua núi qua sông/ Mây liền nghiêng ngã/ Đất trời bao la/ Xa xa tiếng sấm/ Đang gọi mưa về. Bài “Lật trang sách mới” (trang 37) mở ra một cánh cửa tri thức hồn nhiên cho bé thơ: Lật một trang sách/ Bao điều mới lạ/ Thế giới quanh ta/ Bao la vĩ đại/ Bé còn thơ dại/ Như tờ giấy thơm…
Một số bài có tính nhạc theo nhịp nhảy chân sáo của trẻ thơ, như: “Vườn nhà em” (trang 9), “Vườn nhà em/ Hoa đua chen/ Bắp cải xanh/ Cùng khoe sắc/ Những trái tắc/ Bé tí teo/ Cùng reo vui/ Trong nắng mới”. “Chân trời của em” (trang 7), “Chim non mới nở”(trang 12), “Tiếng gà gáy” (trang 18): Tiếng gà gáy/ Ò ó o/ Gọi ban mai/ Cùng thức giấc/ Tiếng gà gáy/ Một hai ba/ Em theo cha/ Đi tới trường” … theo nhịp 2/1 /2/1 hoặc 4/4 như những bước chân nhảy nhót, nhí nhảnh, tươi vui cùng với những hình ảnh và ngôn ngữ thơ chân thực gần gũi, giàu liên tưởng gợi cảm xúc tạo nên bức tranh như thực như hư. 
Mỗi bài thơ là một niềm vui, nỗi buồn (nếu có), và cuối bài tác giả luôn rút một thông điệp giáo dục tư tưởng nhẹ nhàng như tình yêu quê hương, đất nước, lòng kính yêu lãnh tụ, kính trọng thầy cô, ông bà, cha mẹ cho bé học làm theo, như các bài “Bức họa ông tiên” (trang 40), “Màu cờ em yêu” (trang 42), “Rước ảnh Bác Hồ” (trang 44).
Thơ viết cho thiếu nhi của Đặng Tuyết là thơ thơ tâm tình giữa bà và cháu, đi từ cái riêng tới cái chung. Tuy nhiên, đây là tập thơ thiếu nhi đầu tay mang tính trãi nghiệm nên còn vài hạn chế như: một số bài chưa mang tâm hồn trẻ, còn nói thay trẻ, hoặc tên bài thơ đôi khi nói quá rõ, ít gợi hình, một vài bài còn dài lời, và sắc thái Nam Bộ còn ít. Rất cần sự mở rộng biên độ hơn. Hy vọng những bài thơ viết cho thiếu nhi của Đặng Tuyết ở những tập sau sẽ hồn nhiên hơn, trong trẻo hơn như những giọt sương mai long lanh dưới ánh mặt trời.
Thơ Đặng Tuyết dù viết cho đối tượng nào, đề tài nào, chủ đề nào, thể loại nào cũng ánh lên một niềm lạc quan yêu đời. Niềm hy vọng ấy là chất men làm say lòng người, nó cứ trải dài theo bước chân của chị trên mỗi cung đường ở miệt vườn hay phố thị. Và qua nhân vật trữ tình chị đem nhiều thông điệp đa sắc, đa thanh đến người đọc, người nghe, hướng họ tới chân trời của Chân, Thiện, Mỹ.
3/6/2024
Lê Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trăng mười sáu

Trăng mười sáu Rời bến đò ngang, tôi đi dọc theo con đường làng dẫn đến một xóm nhỏ nằm chơ vơ giữa cánh đồng mông quạnh. Con đường đất nhỏ ...