Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025

Đợi con ngày tết đoàn viên

Đợi con ngày tết đoàn viên

Phần I
Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc lùa qua cánh đồng trống, mang theo hơi lạnh thấm sâu vào từng vạt cỏ úa. Trong căn nhà nhỏ giữa thôn, ông Thắng ngồi trầm ngâm bên bếp lửa đã tàn dần, chỉ còn lốm đốm vài chấm đỏ chực chờ tắt ngúm như cái tuổi xế chiều của hai ông bà. Từng ngọn khói trắng mỏng manh len lỏi qua mái bếp tranh, hòa vào trời chiều mờ mịt. Bà Nhu đang lúi húi sắp xếp lại mấy cành đào tự tay ông cắt từ vườn nhà. Cành đào không quá đẹp, hoa chỉ lác đác đôi ba bông, nhưng với bà, đó là niềm an ủi nhỏ nhoi giữa những ngày cận Tết vắng bóng con cái. Hai cây quất trồng bên ngoài vườn trước cửa cũng ủ rũ nép vào nhau nương náu chờ cho đông qua. Từng chiếc lá ôm lấy những quả xanh quả vàng bao bọc khỏi cái lạnh tê tái chiều cuối năm.
Ông Thắng ngó cái tổ chim đã trống trơn trên cành ổi ở gần cổng. Ông cẩn thận dùng cái dây nhỏ buộc lại cho chắc, tránh khỏi bị gió quật mà hỏng.
-Ông làm cái gì thế, mau rửa chân tay vào ăn cơm đi.
-Tôi buộc lại tổ chim này không có sắp mùa xuân rồi khéo đôi chim lại về đây đẻ.
-Ôi dào, mấy mùa rồi có con chim nào đẻ đâu. Thôi, ông mau vào ăn cơm cho nó nóng hổi, chứ để tý nữa là lạnh tanh lạnh ngắt mất ngon đi.
-Rồi, tôi vào ngay đây.
Hai ông bà đã ăn xong bữa cơm thì ông bê mâm ra sân giếng. Bà Nhu xách siêu nước sôi pha một chậu nước ấm để ông Thắng rửa bát. Không khí Tết dần về, mấy cánh đào hồng hé mở, hương mùi già quanh quẩn khắp không gian khiến người nhộn nhạo trong lòng. Như không muốn lại như mong ngóng.
Luống hành già đã được thu hái tự bao giờ, một số bó hành treo lên giàn cho khô, một số đã nằm trong vại muối chua. Ông Thắng để bát vào trong chạn xong thì đứng dậy, kiểm tra lại vại dưa hành ở gần bếp, chỉ còn vài ngày nữa là sang năm mới rồi, nhìn vại hành to thế này, trong lòng ông lại đăm chiêu.
-Không biết năm nay, chúng nó có về kịp không ông nhỉ? – giọng bà khe khẽ vang lên, như sợ làm vỡ tan cái yên tĩnh vốn ngự trị nơi góc bếp đơn sơ bình dị này. Hay nói cách khác giống như sợ động vào cái nỗi bất an đang ngự tại trái tim người làm cha làm mẹ như ông bà.
Đã mấy năm rồi, chúng nó không về quê ăn Tết cùng hai ông bà. Con cái lớn khôn như cánh chim bay lên bầu trời, chúng bay được cao, được xa thì cha mẹ mừng vui nhưng chúng nó không về cũng làm hai người già côi cút nhớ thương con không ngớt. Hình như càng có tuổi, cái nỗi nhớ niềm thương và khát khao quây quần bên con cháu càng lớn lên theo. Vẫn là ngôi nhà nhỏ, cái bếp đơn sơ, bao năm nay không còn thấy tiếng nói cười của các con, của đám trẻ. Đặc biệt là những ngày lễ Tết, khi cái không khí đoàn viên ùa về, trong trái tim mỗi người đều nhớ về một gia đình đông đủ quây quần. Là lúc để bên nhau trong quãng hành trình ít ỏi của đường đời.
Càng lớn, con cái càng xa cha mẹ, số lần gặp lại cha lại mẹ đôi khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống vô thường, gặp được một lần là ít đi một lần. Sinh tử khó nói, ngày hôm nay còn bên nhau, ngày mai chưa chắc đã còn được gặp mặt. Nhất là những người ở cái tuổi xế chiều, khi thời gian chẳng còn nhiều thì khát khao mong muốn thấy những người mình yêu thương càng mạnh mẽ hơn. Đôi khi chỉ cần gặp mặt dăm ba phút cũng khiến trái tim già cỗi được tiếp thêm sức sống.
Ông Thắng chậm rãi rít một hơi thuốc lào, đôi mắt nhòe nước vì khói cay ánh lên nét buồn thẳm.
- Chắc bận rộn công việc, tụi nó khó mà về sớm. Lên thành phố lập nghiệp thì phải vậy thôi... – ông đáp, giọng đều đều, cố gắng điềm tĩnh thản nhiên nhưng nặng trĩu.
Bên ngoài, thi thoảng có tiếng xe trên đường lộ vọng vào, mỗi lúc có tiếng còi xe khách báo hiệu có xe dừng lại, bà Nhu lại vội vã bỏ dở công việc mà chạy ra ngõ nhìn về phía xa xa của con đường như ngóng chờ một điều gì đó. Độ mươi mười phút sau bà mới trở vào, mang theo sự ưu tư hằn trên đôi hàng mày. Mỗi lần trở vào, ông Thắng lại lắc lắc đầu dặn dò:
-Lạnh lắm bà ơi, nhớ mặc áo ấm vào, chứ bà ăn mặc thế kia gió nó quật cho một cái thì có phải khổ không. - Nói xong, ông lục tục vào trong nhà lấy chiếc áo phao trong tủ ra khoác lên người bà.
Từng năm từng năm trôi qua, cứ khi Tết đến xuân về, nhìn nhà người quây quần vui vẻ, chỉ có nhà mình quạnh vắng. Mấy ngày cuối năm, thanh âm xe khách chạy ngoài lộ to đều như khắc sâu vào nỗi nhớ, nỗi mong chờ của hai vợ chồng già. Bao năm qua, Tết nào họ cũng lặng lẽ ngồi đợi bóng dáng quen thuộc của đàn con từ xa trở về. Đợi mãi, đôi khi chỉ thấy những món quà gửi qua bưu điện cùng lời nhắn vội vã qua điện thoại: "Tết này con không về được đâu, bố mẹ giữ gìn sức khỏe nhé!"
Năm hết Tết đến, làng xóm láng giềng cũng đùm bọc lẫn nhau. Bà Xuân hàng xóm mang sang một rổ nào cà chua nào khoai tây, quả nào quả ấy đỏ mọng, tươi roi rói:
-Bà Nhu ơi, bà Nhu.
-Tôi đây, bà Xuân đấy à, bà đợi tôi một chút, tôi đang dở tay làm ít mứt gừng, bà đợi một tý xong tôi gói ít làm quà bà mang về luôn. Năm nay trồng được mẻ gừng tốt quá. Ngày Tết rét mướt mà có ít mứt gừng ngậm trong miệng thì ấm cả người.
-Ôi quý hóa quá, nhà tôi cũng có ít cà chua chín cây với khoai tây mang sang cho ông bà. Vừa mới bán xong ruộng khoai ăn Tết, còn ít cà chua thì chia mỗi nhà một ít.
-Thế bà cho tôi xin nhé. Tết nhất cứ mỗi thứ một tý mà mua cũng tốn kém lắm. May mà trồng được ít nào hay ít đó. Bà đợi chút, tôi sao khô lên là được mẻ mứt gừng rồi. Còn cả ít hành khô nhà bà cần thì cứ sang đây mà lấy nhé.
Bà Nhu vừa nói, tay thoăn thoắt đổ mẻ mứt gừng đã khô ráo từ chảo ra cái nia. Bà lắc lắc cho đường dư lọt xuống lớp báo lót bên dưới. Mùi mứt gừng ấm áp lan tỏa khắp không gian như tình làng nghĩa xóm. Bà lấy một tờ giấy báo gói mứt gừng lại vuông vắn đưa cho bà Xuân.
Đỡ lấy bọc mứt gừng, bà Xuân vui vẻ nói:
-Con Lan nhà tôi nó cũng đang làm mứt táo tiếc gì đấy. Để đợi nó làm xong tôi mang sang cho bà ăn thử. À, thế mấy thằng nhà bà bao giờ thì về ăn Tết?
Bà Xuân vừa nhắc đến đã thấy nét mặt của bà Nhu nhăn nhúm lại như quả táo khô, biết mình nhắc đến chuyện không nên nói, bà Xuân liền chữa cháy:
-Ôi dào, giờ chỉ cần có công việc, làm ăn khỏe mạnh bình an là tốt rồi. Nó không về dịp này thì về dịp khác. Giờ chúng nó kiếm đồng tiền có dễ đâu, chắc là bận lắm.
Mặc dù biết bà Xuân an ủi nhưng trong lòng bà Nhu vẫn nặng trĩu sự nhớ nhung. Bà cố nở nụ cười trông còn khó coi hơn khóc. Cố gắng tự thôi miên mình để hòng át đi cái sự thương nhớ trong lòng, bà đáp:
-Tuổi trẻ bây giờ chúng nó cũng khó khăn. Nghỉ một tý thì lại sợ bị mất việc. Có mấy ngày Tết muốn về lại chen chúc, đường thì đông đúc, đi đi về về cũng đủ hết cái Tết nên tôi bảo chúng nó cứ ở trên đấy mà nghỉ ngơi. Bao giờ được dịp nghỉ dài thì về một thể.
-Ừ, bà nghĩ phải đấy, thôi, tôi về đây. Cảm ơn bà nhé. Mùi mứt gừng thơm lừng đấy.
-Bà về nhớ mở ra cho nó khô hẳn. Không khéo ủ vào hấp hơi nó lại bị ỉu, hỏng mất.
Bà Nhu vừa nói vừa tiễn bà Xuân ra cổng rồi lại lủi thủi vào. Thôi thì con cái không về được thì bà đành làm một ít mứt gửi lên cho con. Ở trên thành phố lấy đâu ra những món này. Đồ ăn ở quê mẹ làm cũng sạch sẽ, không có hóa chất, người làm mẹ như bà cũng yên tâm hơn. Thú thật, nếu không làm như vậy, thì bà cũng không biết gửi gắm nỗi nhớ vào đâu. Nhớ lúc các con đi học đại học, bà có chuẩn bị bao nhiêu rau củ, đồ ăn, chúng cũng tha đi bằng hết. Lại còn dặn bà làm nhiều thêm vì các bạn cũng rất thích món mẹ làm. Thế mà từ lúc lao vào guồng quay công việc rồi gia đình, không chỉ ít về hơn, đồ ăn chúng cũng lười mang theo. Hay mỗi lần mẹ gửi đồ lên, đi ra xe nhận cũng khiến con cái thêm cáu kỉnh. Những ngày lễ ít ỏi được về nhà, mẹ cẩn thận gói ghém con gà con vịt, mớ rau củ khoai thì chúng chê nặng nhọc phiền hà.
Bà cũng cảm thấy mang theo nhiều thì nặng nhưng con gà con vịt ở quê thì sẵn nhà nuôi mà lên thành phố lại phải chi tiền ra. Nên con có đi thì ông bà lại thịt sẵn cho vài con gà con vịt, mang lên thành phố trữ trong tủ đá cũng có đồ ăn ngon mà sạch.
Có điều, thời gian thấm thoắt trôi qua, đến về chúng cũng không về nữa huống chi là mang theo thức ăn bà tự tay chuẩn bị.
Không biết là khói bếp mù mịt hay là gừng cay xông lên làm nước mắt bà Nhu chảy xuống. Bà thái từng lát từng để chuẩn bị làm thêm một mẻ mới. Còn cả mứt cà rốt, mứt bí đao, mứt dừa… bà đều đã chuẩn bị cả…
Phần II
Hôm nay, bà lại xách chiếc làn đỏ cũ kỹ đi chợ. Trước khi đi, bà dặn dò ông nhớ đảo ngói chỗ mứt để cho kịp khô nhân được ngày nắng cuối năm.
Ông Thắng thấy bà xách làn đi chợ định bụng gọi lại nhưng thôi. Dù sao, cứ cho bà ấy làm điều mà bà muốn. Cái chợ tạm họp vào dịp Tết ở ngay chỗ xe khách đón trả những người con xa quê về làng. Bà đứng bên hàng đào quất tươi đẹp mà đôi tai lại ngóng về phía xe. Hễ có người xuống là bà lại ngoái về phía đó nhìn. Cũng may, người ngắm cảnh nhiều, nên dù bà đứng tần ngần mãi bên một chậu quất cũng không làm chủ quán thấy tức giận. Thậm chí còn trò chuyện với bà ít câu.
Ở nhà, mặc dù biết con cái hẳn sẽ chẳng về, nhưng ông Thắng vẫn nghe vợ mà đảo nắng chỗ mứt phơi trên giàn. Miếng mứt gừng vàng ươm như mật ong, phủ một lớp đường khô vừa thơm vừa ấm. Miếng mứt cà rốt màu cam rực rỡ như cánh hoa dưới ánh mặt trời. Ông nhìn vô định vào không trung hướng ra ngoài cổng một lúc lâu rồi quyết định vào trong dọn hai chiếc giường bỏ trống đã lâu.
Bên trong căn nhà nhỏ ba gian, hai chiếc giường đã được ông Thắng dọn dẹp sạch sẽ, chăn gối trong tủ cũng được ông hong lại cái nắng to để có hơi nắng ấm áp, vì biết đâu... Đôi mắt ông hướng ra cửa, nơi những cơn gió vẫn mải miết thổi. Đã bao nhiêu mùa Tết trôi qua như thế, lòng ông chẳng nguôi niềm hy vọng được thấy tiếng bước chân của đàn con, tiếng gọi thân thương vọng lại từ đầu ngõ. Tiếng “bố ơi…” quen thuộc thuở còn thơ.
Chợt, một âm thanh lạ vang lên giữa không gian tĩnh mịch. Tiếng xe máy quen thuộc vọng về từ xa, càng lúc càng rõ hơn. Ông Thắng vội đứng dậy, bước chầm chậm ra cửa như không tin vào tai mình. "Có phải chúng nó không?" – ông hỏi, giọng run run. Bà Nhu cũng dừng tay, nhìn theo ánh mắt chồng mà lòng bỗng chộn rộn lạ thường.
Từ xa, bóng dáng những chiếc xe máy hiện dần trong làn khói chiều. Tiếng cười nói rộn rã vang lên. Đúng rồi, đó là con cháu của ông bà. Một đứa, rồi hai đứa... cả nhà đã về! Đôi mắt già nua của ông Thắng bỗng sáng lên như ngọn lửa vừa được nhóm lại. Bà Nhu vội vàng chạy ra, tay không ngừng lau nước mắt: "Về rồi! Các con về thật rồi!"
Những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xen lẫn tiếng cười hạnh phúc. Căn nhà nhỏ ngày Tết bỗng chốc rộn ràng như chưa từng có những ngày cô đơn. Mâm cơm đạm bạc giờ đây bỗng trở nên ấm cúng lạ thường, không phải bởi món ngon, mà bởi sự sum họp, bởi tình yêu thương tràn ngập trong từng ánh mắt, nụ cười.
Tết năm nay, ông bà đã có được điều mà họ vẫn thầm mong ước: một cái Tết đủ đầy với sự hiện diện của cả gia đình. Và với họ, đó chính là hạnh phúc giản đơn nhưng trọn vẹn nhất.
Tiếng điện thoại vang lên, ông Thắng giật mình tỉnh giấc, ánh lửa trong bếp đã tàn tự lúc nào. Hóa ra, ông đang gục trên đầu gối mà thiếp đi. Ông hiểu, tiếng chuông điện thoại chiều 28 tết có nghĩa là gì. Đôi mắt đùng đục ánh lên, có cái gì đó cô đơn chua xót lẫn tủi thân. Đã ba hồi chuông reo, ông cố gắng thẳng lưng, nhéo lại họng mình như cố kiềm chế điều gì đó. Mở điện thoại lên nghe, đúng là con trai cả gọi về:
-Bố mẹ ơi, Tết này vợ chồng con lại không về được rồi. Vợ chồng con bận quá. Con có gửi quà Tết về, lát nữa chắc là họ sẽ chuyển vào cho bố mẹ đó ạ.
-Ừ, công việc mà, bố mẹ hiểu. Thế bố mẹ chúc các con ăn tết vui vẻ nhé…
Ông còn định hỏi thêm vài câu nhưng bên kia đã chào rồi vội tắt đi. Khóe miệng chưa kịp kéo lên đã phải hạ xuống, từng nếp nhăn như sóng chiều xô xuống nhăn nhúm.
Căn nhà lại chìm vào sự yên tĩnh lạ thường, chỉ có tiếng gió lùa qua khe cửa như thầm thì những lời xa xôi. Ông đưa tay lên lau đi giọt nước mắt, chợt nhận ra tất cả chỉ là một giấc mơ. Nỗi nhớ con cháu lại như một cơn sóng dâng lên trong lòng, lạnh lẽo và trống vắng.
Trên thành phố, đứa bé con lớp 3 mang tập làm văn về cho bố mẹ. Đang ăn cơm, con bé liền hỏi:
-Bố mẹ ơi, cô giáo giao bài tập làm văn về nhà, nhưng con không biết làm thế nào ạ. Tết là gì hả bố mẹ?
Câu nói của con gái như đánh thức lại ký ức của anh con trai. Anh Chiến nhớ lại, ngày bé, anh cầm cuốn vở ô ly bé nhỏ, ngồi trong lòng bố mà hỏi: “Bố ơi, Ngày Tết là gì hả bố?”. Tiếng trầm ấm của bố vang lên bên bếp bánh chưng như dội vào trí óc:
"Tết... là ngày cả nhà sum họp, con à. Là ngày bố mẹ mong mỏi được thấy các con quây quần bên nhau, cùng ăn bữa cơm, cùng kể nhau nghe những chuyện vui buồn. Tết không chỉ là ngày đầu năm mới, mà còn là ngày của yêu thương, của cội nguồn, để nhớ rằng dù đi xa đến đâu, các con vẫn luôn có một nơi để trở về."
Càng nói, giọng Chiến càng có cái gì đó khang khác. Vợ anh gật gật đầu đồng ý với câu trả lời của anh. Chiến bỏ đũa xuống, nhìn vào mắt vợ, con gái và con trai nói:
-Tết này, nhà mình sẽ sum họp cùng ông bà nhé.
Hai đứa bé bỏ đũa ra cầm tay nhau xoay vòng tròn, chúng hét toáng lên vui vẻ. Đã ba năm rồi cả nhà anh không về ăn tết cùng ông bà. Nhìn các con vui mừng mà anh Chiến đột nhiên cảm thấy mình quá tồi tệ.
Trong một công xưởng, Hùng đang điều phối công nhân làm việc. Có lẽ, tết này anh lại tăng ca thêm. Vì càng là ngày tết thì mức lương và phụ cấp tăng ca càng cao. Cho nên, Hùng vẫn thường ở lại làm tết. Cũng vì sự nhiệt tình và chăm chỉ đó mà khiến cho anh có mức thu nhập cao hơn cả. Hôm nay đã là 28 tết rồi. Mấy anh em ngồi cùng nhau bên bàn nhậu, uống chén rượu chúc tết hẹn đầu năm mới. Đột nhiên, có người bàn bên cạnh khóc rống lên sau một cuộc điện thoại. Hóa ra, bố anh công nhân kia bị tai biến không qua khỏi. Sự ra đi đột ngột chiều 28 tết như đánh thức điều gì đó. Hùng bất ngờ xin rời cuộc nhậu. Anh đi sắp xếp lại công việc, báo cáo lên trên. Ba lô đã gọn gàng, sẵn sàng về quê.
Chiều 29 Tết, khi ánh hoàng hôn bắt đầu nhuộm vàng cả cánh đồng trước nhà, ông Thắng ngồi lặng lẽ ngoài sân, ánh mắt xa xăm hướng về con đường làng dài hun hút. Lòng ông vẫn canh cánh nỗi nhớ các con, nỗi mong mỏi khó diễn tả thành lời.
Bỗng từ xa, tiếng xe máy vang lên làm phá tan không gian tĩnh lặng. Ông ngẩng đầu nhìn, và trái tim như ngừng lại một nhịp. Là dáng những người con thân thuộc, lần lượt bước xuống xe. Đứa lớn tay xách vali, đứa nhỏ ôm bó hoa tươi, cả hai đều nở nụ cười rạng rỡ:
-“Bố mẹ ơi, chúng con về rồi!”
Cảm xúc vỡ òa, ông Thắng nghẹn ngào không thốt nên lời. Bà Nhu từ trong nhà chạy ra, nước mắt giàn giụa, bàn tay run run chạm vào từng đứa con như không tin đó là sự thật.
-“Sao không báo trước cho bố mẹ? Lỡ bố mẹ không kịp chuẩn bị gì thì sao?” – bà hỏi, vừa mừng vừa trách.
Đứa con trai lớn cười xòa:
-Chúng con muốn bất ngờ mà. Tết này cả nhà mình phải sum họp cho thật trọn vẹn.
Bà Nhu xúc động đáp:
-Chỉ cần các con về, thế là đủ rồi. Tết này mới thực sự là Tết!
Trong căn nhà nhỏ, tiếng cười nói rộn ràng lấp đầy khoảng trống của những ngày mong ngóng. Bàn tay ông Thắng bỗng chặt hơn trên chiếc điếu cày đã cũ, ánh mắt rạng rỡ nhìn từng đứa con. Đối với ông, niềm hạnh phúc lớn nhất không phải là món quà xa xỉ, mà chính là những gương mặt thân thương cùng quây quần bên nhau dưới mái nhà đơn sơ.
Khi ông bà còn chưa hết mừng thì tiếng con trai thứ hai cũng vang lên. Anh vác một cành đào to uốn lượn rực rỡ. Giọng nói trầm vang khắp khoảng sân.
-Con về rồi bố mẹ ơi.
Bà Nhu lại chạy ra, rưng rưng nước mắt. Ông Thắng nhìn con chỉ mím chặt môi vỗ vỗ lên bả vai cao lớn của anh con trai. Ông sợ khi mình mở miệng, không kiềm được mà khóc trước mặt con thì mất mặt quá.
-Về là tốt, về là tốt rồi. Mau vào nhà đi con. Đi đường xa còn mang theo cành đào to thế này có nặng không. Sao không gọi bố đi xe máy ra đón cho đỡ nặng.
-Con không nặng, con muốn tạo bất ngờ cho bố mẹ mà.
Tết năm nay, ông bà Thắng đã có một điều ước trọn vẹn: gia đình đoàn tụ, yêu thương đong đầy.
Bà Nhu đi ra ngoài vườn, Hùng thấy mẹ đi liền chạy theo, bà nhanh thoăn thoắt hái từng đám mùi già đã trổ bông, mùi hương quen thuộc của tuổi thơ tràn về. Là mùi Tết, hương của đoàn viên. Hùng phụ mẹ đặt một nồi nước rất to để đun mùi già lên.
Nước mùi già thơm nức mẹ thường đun ngày bé để tắm những ngày cuối năm. Mẹ bảo đây là truyền thống, tắm nước mùi già sẽ xua đuổi khí xấu, mang lại may mắn. Lâu lắm rồi Hùng không được tắm nước mùi già nữa.
Trên nhà, ông Thắng và gia đình con trai đang đi ngâm gạo nếp và đỗ xanh. Hai đứa nhóc cũng phụ giúp lau lá dong. Ông bà vui lắm, giống như trẻ ra mười tuổi, sức lực ở đâu cũng tràn về nóng ấm cả người. Tết này, cả nhà bên nhau thật ấm áp.
Sớm mùng một năm mới, trời xanh, mây trắng, nắng vàng ấm áp. Bên ngoài cổng, trên cây ổi, tiếng chim hót ríu rít đón chào một năm hạnh phúc, bình an.
Trần Thơm
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ai là kẻ giết nhiều vua nhất trong lịch sử Việt Nam

  Ai là kẻ giết nhiều vua nhất trong lịch sử Việt Nam? Trịnh Tùng đã từng giết ông vua của triều đại đối nghịch với triều đại mình và sau đó...