Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025

"Báu vật" tranh chân dung vị Thiền sư được phong Thánh trong ngôi đền cổ

"Báu vật" tranh chân dung vị Thiền sư được
phong Thánh trong ngôi đền cổ

Bức tranh vẽ chân dung Thánh Nguyễn – Thiền sư Nguyễn Minh Không – trong tư thế ngồi thiền “dáng tọa như chuông” trên bệ sơn son, đang được Ninh Bình gửi hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.
Bức tranh có “1 không 2”
Tại Di tích quốc gia đền Thánh Nguyễn (xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn, Ninh Bình), đang lưu giữ bức tranh thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không vô cùng độc đáo, có giá trị cao về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử và trong nghiên cứu khoa học.
Hiện vật là tác phẩm nghệ thuật cổ có giá trị đặc sắc, tiêu biểu trong lịch sử mỹ thuật cổ Việt Nam; liên quan đến Thiền sư Nguyễn Minh Không – bậc cao tăng được phong Quốc sư triều Lý, nhân dân phong là Thánh Nguyễn.
Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Ninh Bình đã gửi hồ sơ đề nghị công nhận bức tranh chân dung Thánh Nguyễn là bảo vật quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị.
Bức tranh thờ Thánh Nguyễn Minh Không có hình chữ nhật, xung quanh là đường viền có màu xanh dương. Vóc tranh được ghép từ 3 tấm lụa bằng keo dán theo chiều ngang của bức tranh và bồi trên giấy dó. Nền bức tranh có màu trắng ngả vàng là màu đặc trưng của lụa truyền thống vùng Bắc bộ Việt Nam.
Trọng tâm của bức tranh vẽ chân dung Thánh Nguyễn – Thiền sư Nguyễn Minh Không trong tư thế ngồi thiền “dáng tọa như chuông” trên bệ sơn son. Gương mặt Thiền sư toát lên thần thái viên mãn, tĩnh tại, uy nghi, thánh thiện, vầng trán cao, đôi mắt nhân từ, sống mũi thẳng, miệng tươi tắn, vành tai to, dái tai chảy dài… tất cả đều thể hiện tâm thế của người tu hành đắc đạo.
Các chi tiết khác trong tranh được họa sĩ người Việt dùng bút pháp điêu luyện, chất liệu màu tinh tế và kỹ thuật sử dụng phức tạp với những nét hoa văn trên nền lụa thếp vàng và dát ngọc (bột ngọc trai). Bức họa toát lên hồn cốt của nhà sư, cùng sự uy nghi mang tính chất cung đình.
Theo đại diện Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Ninh Bình, so sánh phong cách mỹ thuật, có thể nhận định niên đại của bức tranh Thánh Nguyễn Minh Không tại di tích đền Thánh Nguyễn có vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
“Qua hệ thống cổ vật đang được bảo tồn nguyên trạng tại di tích, có thể khẳng định đền Thánh Nguyễn đã được xây dựng và bảo tồn, trùng tu, gìn giữ cơ bản nguyên vẹn trong suốt quá trình lịch sử hơn 900 năm qua.
Bức tranh Thánh Nguyễn được cung tiến vào nơi thờ Ngài đã hàng trăm năm, là hiện vật gốc của ngôi đền thiêng và đã được nhân dân địa phương nhiều đời nay tôn vinh, thờ phụng, đưa kiệu rước trong các lễ hội hàng năm của đền”, đại diện Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Ninh Bình chia sẻ.
Giá trị của “báu vật”
Các nhà nghiên cứu đánh giá, bức tranh lụa Đức Thánh Nguyễn Minh Không ở di tích đền Thánh Nguyễn là bức tranh chân dung độc đáo nhất trong số những tranh chân dung cổ hiện còn ở Việt Nam.
Theo tài liệu nghiên cứu của Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Ninh Bình, đây là một tác phẩm nghệ thuật dân gian độc đáo, các yếu tố tạo hình như: đường nét, không gian, hình, màu sắc, chất cảm… được tác giả bức tranh sử dụng một cách linh hoạt, cho dù tại thời điểm bức tranh được vẽ, nghệ thuật hội họa Việt Nam vẫn lấy tiêu chí cảm xúc làm trọng.
Bằng lối tạo hình vừa tỉ mỉ, chi tiết, vừa khoáng đạt trong bút pháp, bức tranh là sự hòa trộn giữa các yếu tố tạo hình đối lập: động và tĩnh trong đường nét và không gian; cân bằng – bất đối xứng trong lối bố cục nhân vật và trang trí hoa văn họa tiết; tương phản – đồng tông trong lối dùng màu… Tất cả đã tạo nên một tổng thể bức tranh chứa đựng nhiều tính ẩn dụ và chân thực.
Bức tranh Thánh Nguyễn cũng sử dụng kỹ thuật dát vàng miếng và vẽ trên vàng hết sức độc đáo, tỉ mỉ và tinh tế. Tác giả đã sử dụng vàng trang trí ở một số vùng như cổ áo, tay áo và một số khác chi tiết trên trang phục nhân vật chính là điểm đặc biệt, độc đáo riêng có trong số những bức tranh chân dung cổ hiện còn ở Việt Nam cho đến thời điểm này.
Cách sử dụng khá độc đáo bởi chất liệu vàng dát trên cổ áo là một miếng vàng liền miếng, dát mỏng vừa phải và trên đó có những nét vẽ trang trí hình vân mây, hoa văn…
Sự độc đáo của bức tranh còn thể hiện ở hệ thống hoa văn họa tiết trang trí dày đặc trên trang phục và trên chiếc sập màu đỏ. Ở chi tiết chiếc sập đỏ, cách tạo hình cũng rất thú vị bởi góc nhìn mang tính tượng trưng cao, không theo quy luật viễn thị. Tuy thế, cũng đủ để có thể nhận ra đây là chiếc sập sơn son dành cho những nhân vật được trân quý.
Đặc biệt, trong tranh còn có sự xuất hiện của rồng 5 móng – thường chỉ được sử dụng trên trang phục của Vua và những nhân vật đặc biệt liên quan đến hoàng gia. Điều này khẳng định về vai trò của Lý triều Quốc sư Minh Không đã vượt ra ngoài  lĩnh vực tôn giáo. Vai trò của Quốc Sư thời Lý rất to lớn, ảnh hưởng của ông với Hoàng triều Lý mạnh tới mức ông được mặc trang phục có hình rồng năm móng, thể hiện sự nhập thế, ảnh hưởng đến triều chính của Phật giáo thời Lý…
Một thời gian rất dài trước đây bức tranh được lưu giữ tại di tích, đặt trong khám thờ. Để phù hợp với không gian, tranh được lồng vào khung nhỏ hơn kích thước thật dẫn đến bị gấp mép ở bốn cạnh. Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm, sự xâm hại của các côn trùng nhỏ, tranh bị xuống cấp nghiêm trọng. Tranh bị gấp nhăn, bong tróc nhiều vị trí. Một số diện tích tranh dát vàng cũng bị bong tróc, cong vênh.
Từ năm 2021-2022, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý di tích đền Thánh Nguyễn đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam triển khai nhiệm vụ bảo quản, phục hồi tranh Thánh Nguyễn theo đúng tiêu chuẩn ICOM (Hiệp hội Bảo tàng quốc tế).
Hiện nay, bức tranh thánh Nguyễn Minh Không đang được bảo quản ở tình trạng tốt, tranh được lắp khung kính, đặt trong long đình tại ban thờ chính giữa tòa của tòa thiêu hương di tích quốc gia đền Thánh Nguyễn.
“Hiện vật tranh thờ thánh Nguyễn Minh Không cùng với các hiện vật khác trong di tích quốc gia đền Thánh Nguyễn được bảo quản tốt, đã và đang được sử dụng như đồ thờ tự trong không gian thờ cúng tại di tích, tạo nên tính thiêng, tôn nghiêm cho di tích, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách và các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước”, lãnh đạo UBND huyện Gia Viễn cho hay.
31/3/2025
Thái Bá
Nguồn: Báo Dân Trí
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lê Lợi dứt khoát với nhà Trần Cái chết của Trần Cảo và sự từ chức của Trần Nguyên Hãn tưởng rằng sẽ yên ổn nhưng không vì thế mọi chuyện...