Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

Bí ẩn cuộc đời vua Lý Công Uẩn

 Bí ẩn cuộc đời vua Lý Công Uẩn

Lý Công Uẩn là vị vua Thái Tổ, sáng lập nên nhà Lý, một trong những triều đại hùng cường trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đến nay, cuộc đời ông vẫn còn nhiều bí ẩn.
Theo chính sử, Lý Thái Tổ là vị vua có nhiều hoàng hậu nhất trong triều đại phong kiến của Việt Nam. Từ năm 1010-1016, vua đã phong hậu cho 9 người vợ của mình, trong đó có một số bà hoàng hậu nổi tiếng như: Tá Quốc hoàng hậu, Lập Nguyên hoàng hậu, Lập Giáo hoàng hậu…Riêng Lập Giáo hoàng hậu có tên huý Lê Thị Phất Ngân, người đứng đầu lục cung, được sử sách ghi nhận là con gái của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn).
Bí ẩn về cuộc đời Lý Công Uẩn
Theo các tài liệu chính sử như “Đại Việt sử lược” và “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lý Công Uẩn người ở châu Cổ Pháp (thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay), có mẹ họ Phạm, cha không được chép rõ. Cho đến nay, cha ruột của Lý Công Uẩn vẫn là bí ẩn, chỉ biết sau khi ông lên ngôi đã truy tôn cha mình tước Hiển Khánh vương, mẹ làm Minh Đức Thái hậu.
Khi Lý Công Uẩn (974-1028) mới 3 tuổi, bà mẹ ẵm ông đến nhà Lý Khánh Văn, được nhận làm con nuôi và dạy dỗ nên người. Một số tài liệu cho biết, cha của Lý Công Uẩn là một nông dân người nghèo, đi làm thuê và sống ở chùa Tiên Sơn, phải lòng một tiểu nữ, sau khi mẹ ông có thai, nhà chùa biết chuyện nên đuổi họ đi. Không còn chỗ để đi, mẹ ông đến xin tá túc ở chùa Dận gần đó rồi qua đời. Trước khi mất, bà đã gửi gắm con mình cho nhà chùa nuôi hộ.
Rõ ràng, đến nay, nguồn gốc xuất thân của Lý Công Uẩn vẫn là điều bí ẩn. Hậu thế chỉ biết ông là người đã sáng lập nên triều Lý và có công chuyển kinh thành từ Hoa Lư về Thăng Long.
Ngay từ nhỏ ông nhận được tình yêu thương và dạy dỗ tận tình của người cha nuôi Lý Khánh Văn (có sách ghi Lý Khánh Vân). Thông minh, khôi ngô tuấn tú và khá rắn rỏi, mới chỉ 6 tuổi, Lý Công Uẩn đã tinh thông khá nhiều sách vở. Tuy vậy, Lý Công Uẩn lại là một cậu bé tinh nghịch và mải chơi, luôn tìm cách trốn học.
Khi được gửi sang chùa Tiêu Sơn của thiền sư Vạn Hạnh (anh trai Lý Khánh Văn) để học, Lý Công Uẩn luôn tỏ rõ sự thông minh, nghịch ngợm của mình trong mọi hoàn cảnh.
Một lần do ham chơi và nghịch ngợm, Lý Công Uẩn bị phạt trói vào cột nhưng ông vẫn tức cảnh làm những câu thơ: “Thiên vi khâm chầm địa vị thiên / Nhật nguyệt đồng song đốt ngã miên / Dạ thâm bất cảm trăng thân túc / Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên”.
Nghĩa là: “Trời làm màn gối, đất làm chăn / Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên / Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi / Chỉ sợ sơn hà, xã tắc nghiêng”.
Nghe xong bài thơ này, sư Vạn Hạnh biết cậu có khí chất đế vương nên ra sức dạy dỗ và lo toan cho Công Uẩn làm nên sự nghiệp lớn với nhận xét: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”,
Ông vua trung nghĩa
Lúc nhỏ tinh nghịch nhưng khi lớn lên, ra làm quan, Lý Công Uẩn luôn là vị quan tốt, được mọi người yêu mến. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, ông nổi tiếng là người trung nghĩa.
Người dân dâng hương bên tượng Vua Lý Thái Tổ nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội
Năm 1005, vua Lê Hoàn qua đời, các con trai tranh giành ngôi báu, đánh nhau suốt Tám tháng ròng, Lê Long Việt giành được ngôi nhưng chỉ được ba ngày, bị em trai là Lê Long Đĩnh sát hại. Chứng kiến cảnh đó, các quan chạy hết, chỉ có Lý Công Uẩn đến ôm xác Lê Trung Tông khóc thảm thiết.
Hành động lạ lùng của ông khiến ngay cả ông vua tàn ác như Lê Long Đĩnh cũng nể phục, khen là trung nghĩa, tiếp tục trọng dụng, phong làm Tướng quân phó chỉ huy sứ, sau là Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Sau khi Lê Long Đĩnh chết, Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên làm vua.
Một năm sau khi lên ngôi, nhận thấy vùng đất Hoa Lư chật hẹp, núi non hiểm trở, khó có thể làm nơi đóng đô lâu dài, năm 1010, Thái tổ Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô về Đại La (Thăng Long). Vùng đất Thăng Long bấy giờ được cho là chốn “rồng cuộn, hổ ngồi”, là nơi để xây dựng một quốc gia hùng cường, bền vững. Đây là quyết định cho thấy tầm nhìn chiến lược hơn người của vị vua triều Lý, mở ra trang mới trong lịch sử dân tộc, biến Thăng Long trở thành vùng đất “nghìn năm văn hiến”.
Trong 19 năm làm vua, Lý Công Uẩn là vị đế vương anh minh, hết lòng vì nước vì dân. Đại Cồ Việt dưới thời ông ngày càng hùng mạnh. Theo chính sử, công lao bao trùm thiên hạ nhưng trước khi lâm chung, ông dặn con cháu, quan lại
không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá, chỉ được đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân với lời nhắn nhủ: “Khi ta mất, không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá mà chỉ cần đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân. Quân lính và thường dân nếu có thương nhớ vua thì cứ lấy đất đắp lên, càng cao càng quý. Khi mộ cao, cỏ mọc nhiều, trâu bò sẽ có thức ăn trở nên béo khỏe, có sức cày ruộng cho dân. Đây cũng là nơi vui chơi của trẻ mục đồng, càng gần với vua, các em càng nhớ tới công ơn của các vị tiền nhân, sẽ trở thành người tốt”.
Nghe lời truyền dạy của ông, vua Lý Thái Tông không xây lăng tầm to lớn cho cha mình, các đời vua triều Lý sau này đều không xây lăng, chỉ xây mộ nhỏ, sau đó phủ đất lên trên.
22/9/2024
NGUYỄN THANH ĐIỆP
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lê Lợi dứt khoát với nhà Trần Cái chết của Trần Cảo và sự từ chức của Trần Nguyên Hãn tưởng rằng sẽ yên ổn nhưng không vì thế mọi chuyện...