Đã tám mươi năm phong trào
thơ mới, song vấn đề địa vị của nó trong lịch sử văn học Việt Nam hầu như chưa
được đánh giá đúng mức.
Vì sao vậy? Đó là vì một thời gian rất dài, do
ngự trị một quan điểm dung tục, chỉ thấy đó là phong trào thơ ca tư sản, tiểu
tư sản có hại cho cách mạng vô sản, người ta đã hạ nó xuống dưới mức thấp nhất,
chỉ thiếu một đường đào đất đem chôn nó đi. Từ năm 1951 Hoài Thanh trong công
trình Nói chuyện thơ kháng chiến đã kiểm điểm những cái “rớt” của thơ
mới trong dòng thơ kháng chiến mới chớm nở. Gần mười năm sau ông lại tự kiểm điểm
mình đã viết Thi nhân Việt Nam đăng trên Tạp chí văn học số đầu
(1959). Từ năm 1954 cho đến những năm 90 thơ mới hầu như ở vào vùng cấm, sinh
viên, học sinh không được tiếp xúc với thơ mới. Giảng viên phải có gấy phép đặc
biệt mới được thư viện cung cấp cho đọc. Giải phóng miền Nam được 6 năm, năm
1981, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ còn chỉ trích về tác hại của nó. Trong công
trình Phong trào thơ mới lãng mạn 1932 – 1945, in năm 1981, không phải bản
đã sửa để in lại sau này, giáo sư Phan Cự Đệ đã viết: “Chúng tôi cho rằng bản
chất của thơ mới lãng mạn là tiêu cực, thoát li và đã có những màu sắc
suy đồi. Khách quan mà nói thơ ca lãng mạn ít nhiều đã làm cho thanh niên trở
nên bi luỵ và do đó làm quẩn bước chân của họ trên con đường đi đến cách mạng.
Tuy nhiên ở nước ta thời kì trước cách mạng tháng Tám, từ những người phát ngôn
cho quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật bằng những lời lẽ thành thực và ngây
thơ, những thi sĩ đắm mình trong cái tháp ngà của chủ nghĩa lãng mạn
và chủ nghĩa tượng trưng cho đến những kẻ đề xướng ra một cái tôi to tướng ,
kênh kiệu, đi lù lù giữa cuộc đời và ném đá vào những người xung quanh...tất cả
những nhà văn đó không phải là không còn ít nhiều tinh thần dân tộc và thái độ
bất mãn với xã hội kim tiền ô trọc, với thói hợm hĩnh của giai cấp tư sản.”(1) Thái
độ của tác giả là phê phán gay gắt. Ông biểu dương các nhà phê bình Vũ Đức Phúc
và Hồng Chương đã có thái độ nghiêm khắc cần thiết đối với tác hại của thơ mới,
và phê bình các giáo trình của trường Đại học Tổng hợp và trường Đại học sư phạm
Hà Nội có thái độ chưa dứt khoát đối với thơ mới. Cách nhận định như vậy là chỉ
xét ở mặt tư tưởng, mà không chú ý đến thơ, mà tư tưởng cũng bị hiểu một cách
giáo điều, dung tục. Một thái độ như vậy thì tất yếu thơ mới sẽ không có địa vị
gì đáng nói trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Năm 1984 Từ điển văn học tập 2 do tập
thể tác biên soạn Nhà xb KHXH ấn hành đã đánh giá chung thỏa đáng hơn: “Thơ mới
có những đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của thơ ca Việt Nam theo hướng
hiện đại hóa. Nó sáng tạo ra một hình thức mới, được thơ ca cách mạng kế thừa
và phát huy theo hướng tích cực, trở thành hình thức thơ ca của thời đại.” Tuy
nhiên nhìn chung thơ mói vẫn được coi như một thứ sớm nở tối tàn, tiêu cực,
thoát lí, bế tắc, quay lưng với cuộc sống, gắn với số phận của cái “tôi” khao
khát hưởng thụ.
Theo tôi muốn đánh giá địa vị lịch sử
của thơ mới chúng ta cần đặt nó vào trong lịch sử văn học Việt Nam. Đặc điểm của
văn học Việt Nam, là do vấn đề chữ viết phải vay mượn từ ngày giành độc lập thế
kỉ thứ X, cho nên văn học viết Việt Nam trớ trêu là bắt đầu với những sáng tác
văn chương bằng chữ Hán! Những bài thơ đầu tiên đều viết bằng chữ Hán, một thứ
chữ chỉ một số rất ít người đọc được. Mãi đến 5 thế kỉ sau chúng ta mới có thơ
tiếng Việt, do đã có được chữ Nôm. Do chữ Nôm chưa hoàn thiện cho nên làm thơ với
thứ chữ ấy có nhiều khó khăn, người đọc càng ít hơn chữ Hán. Thơ của Nguyễn
Trãi, theo nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu, như con rồng đã bay lên nhưng nửa
mình còn vật vã, nặng nhọc. Thơ Nguyễn Trãi rất sâu sắc, nhiều bài hay, nhưng
cũng nhiều bài đọc còn khó nhọc, phải đến Nguyễn Khuyến, tức cuối thế kỉ XIX đầu
thế kỉ XX, thơ Đường luật tiếng Việt mới thật diệu nghệ, thanh thoát. Chữ Nôm
chậm phát triển còn do nền khoa cử hầu như chỉ thi chữ Hán, bao nhiêu nhân tài
tập trung trau dồi theo thứ chữ ấy mà ít ngó ngàng chữ Nôm. Cho nên suốt nhiều
thế kỉ, thơ văn chữ Hán vẫn chiếm chiếm địa vị thống trị độc tôn, thơ văn Nôm bị
xem là “nôm na mách qué”, có địa vị thấp kém, mặc dù nó được sự yêu mến gìn giữ
của biết bao thế hệ, từ nhà nho đến vua chúa. Ta có thể kết luận cho đến hết thời
Trung đại thơ tiếng Việt, dù đã có không ít đỉnh cao ở các thể tự sự, ngâm
khúc, hát nói, nhưng người Việt chưa có thể loại thơ trữ tình của riêng mình.
Toàn bộ thơ trữ tình hoàn toàn làm theo khuôn mẫu Trung Quốc, luân quẩn trong
vòng Đường luật, không ai vượt qua các đỉnh cao Lí Đỗ. Thơ tiếng Việt Đường luật
dù điêu luyện như Nguyễn Khuyễn, bà Huyện Thanh Quan vẫn đi theo một lối thơ đã
vạch sẵn, không có sáng tạo mới.
Phải đến cuối thế kỉ XIX cho đến đầu thế kỉ XX, các
khoa thi chữ Hán bị phế bỏ, chữ quốc ngữ được truyền bá, mặc dù tiếng Pháp bị
áp đặt trong nhà trường, nhưng tiếng Việt lại có cơ hội phát triển. Trau dồi tiếng
Việt trở thành một biểu hiện của lòng yêu nước, đối chọi lại với địa vị độc tôn
của tiếng Pháp. Thời cận đại đã có trào lưu làm thơ tiếng Việt mà tiêu biểu là
Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Văn Trị, Từ Diễn Đồng, Tản Đà,
Trần Tuấn Khải, Tương Phố, Đông Hồ...Đây là thế hệ những người Hán học cuốí
cùng, phần lớn bỏ thi, hoặc thi không đỗ, họ là nhà nho chuyển sang học quốc ngữ,
tìm kế sinh nhai mới. Họ cũng là thế hệ nhà thơ quốc ngữ đầu tiên, nhưng mẫu mực
thơ vẫn nhìn về quá khứ. Cứ nhìn các sách của các tác giả như Phan Kế Bính, Bùi
Kỉ...thì rõ. Các tác giả thế hệ này đã khai thác các thể thơ cổ Trung Hoa, từ
thơ luật cho đến thể cổ phong, các thể thơ Việt như lục bát, song thất lục bát,
hát nói, bài hát anh khoá để làm thơ Việt, trong đó Tản Đà, Trần Tuấn Khải
có nhiều tìm tòi, nhưng nhìn chung, đề thơ, điệu thơ còn rất cũ. Hầu hết
thơ ca thời này, hết nhớ bạn, tiễn bạn lại nhớ quê, nhớ nước, viếng mộ, chơi cảnh
(du ngoạn), vịnh người, vịnh vật, vịnh cảnh, cảm hoài, cảm tác; cách giao tiếp
thường là nhắn nhủ, khuyên người, mắng người, chán mình, tự thán, tự trào, chế
giễu, tương tư, lo việc đời...; tư thế trữ tình thương là ngẫm lại, ngoảnh lại,
nhìn trời cao, cúi nghĩ lại, nhớ người xưa, giấc mộng, giật mình, sực tỉnh...;
nói nhiệt tình thì bầu máu nóng, nói uất hận thì tím ruột bầm gan, nói đau lòng
thì đứt ruột, nói cô đơn thì một mình vò võ, nói thời đại thì mưa Âu gió Á, nói
đổi mới thì kinh độc lập, chùa duy tân, đuốc tư do, gương tranh đấu... Tịnh
không có cách gì nói được cảm xúc tự nhiên, chân thật của lòng người(2). Đại
để thì tình thương người, lòng yêu nước, sự hoài cổ, cảm thời rất thiết tha,
nhưng phương thức biểu đạt cũ mòn, không có lối thoát, không có gì mới,
luẩn quẩn trong lề thói cũ, điệu cũ, không ra khỏi truyền thống thơ vịnh, thơ tự
trào, thơ du lãm, nhớ bạn, nhớ nhà, nhớ nước, mộng ảo, thơ khóc, thơ điếu...trong
thơ cổ Trung Hoa. Tác giả Uyên Thao trong sách Thơ Việt hiện đại đã
trích lời Vũ ngọc Phan phân tích thơ Đoàn Như Khuê trong Nhà văn hiện đại để
đặt tên “dòng thơ hiếu hỷ”, trong đó các nhà thơ chỉ cốt “chơi cho đủ các lối
thơ” từ Đường luật cho đến ca dao, hát xẩm.”(3) Tuy thơ Việt có
xu hướng trỗi lên thay thơ chữ Hán là rất quý, nhưng tất cr đều cũ mòn, nhàm
chán. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu nhận định có sự “lại giống”(4)tôi cho là
rất đúng. Ông Hoài Thanh nhận định thơ mới nổi lên chống lại lối thơ sáo cũ khoảng
“hai ba mươi năm gần đây” kể cũng có phần cơ sở, mặc dù nói thế là đã hạ thấp ý
nghĩa của phong trào thơ Mới như chúng tôi đã phân tích(5). Mặc dù Tản
Đà đã đòi hỏi “phá cách, vứt điệu luật”, ông Phạm Quỳnh, ông Trịnh Đình Rư, ông
Phan Khôi, do tiếp xúc với thơ Tây, bắt đầu than phiền thơ cũ gò bó, “thất
chơn”, nhưng thơ của Tản Đà và Phan Khôi cũng không thật mới. Phải có một cơ
duyên nào thì mới thay đổi thi ca được.
Cơ duyên đó là sự cải cách sự học, đô thị ra đời,
một thế hệ thanh niên học sinh, công chức mới xuất hiện. Sự cộng sinh với văn
hoá phương Tây ở bản xứ làm thay đổi nếp cảm, nếp nghĩ, sự giao lưu với
văn hoá, văn học Pháp giúp họ tìm ra những mẫu mực văn chương mới, tư tưởng mới,
triết lí mới, cách nói mới, quan niệm văn chương mới. Từ văn chương từ chương học
và giáo huấn chuyển sang văn chương thẩm mĩ, tôn sùng thành thực và tự do. Từ
quan niệm lịch sử chỉ là sự đổi thay triều đại chuyển sang lịch sử là tiến hoá,
tiến bộ, văn minh, thời sau phải mới hơn thời trước. Từ quan niệm thế giới chỉ
đóng khung trong khu vực, cái gì cũng “nhất anh Tàu” chuyển sang phương Tây Âu
Mĩ, Nhật bản, tầm mắt được mở rộng. Thời gian không con tuần hoàn theo bốn mùa
của vũ trụ mà đã không đảo ngược từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai. Đặc biệt
nhất là ý thức về cái tôi, về cá nhân. Cá nhân có một giá trị độc lập với gia
đình, đoàn thể. Không phải là cái tôi ích kỉ như các tài liệu chỉnh huấn thường
hiểu, cái tôi đó không có giá trị văn hoá. Người ta phát hiện ra bản thân mình,
tâm hồn mình, cá tính mình, giá trị mình. Toàn bộ các thay đổi ấy là nền tảng
văn hoá, xã hội của phong trào thơ mới. Trong bài “Trình chánh” của Phan Khôi,
theo trích lục của Bùi Đức Tịnh có đoạn tâm sự của người làm thơ: “Cái ý nào
mình muốn nói, lại nói ra được, thì đọc đi đọc lại nghe như họ (nhà thơ cĩ–
TĐS) đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những
niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh
quanh lẫn quẩn trong lòng bản tay họ hoài thật là dễ tức.” (6) Đó là
khát vọng muốn giải thoát, giải phóng cho thi ca khỏi sự ràng buộc của truyền
thống. Đó là nhu cầu của tính hiện đại. Không có nó, không thể có phong trào
thơ mới. Một chi tiết đáng chú ý, ông Bùi Đức Tịnh cho biết, bài báo của Phan
Khôi bị kiểm duyệt cắt bỏ một đoạn dài, sau khi Phan tiên sinh kêu gọi cải
lương, duy tân.
Không ai tưởng tượng nổi sự phát triển mau
lẹ của phong trào thơ mới. Tính từ năm 1932 khi Phan Khôi “trình chánh”bài Tình
già, trong vòng ba năm, đến năm 1935, phong trào đã thắng lợi và khẳng định với
Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Xuân Diệu và một loạt nhà thơ khác. Đến năm
1936 thơ mới đã chuyển sang khuynh hướng tượng trưng và cuối năm 40 đã chuyển
sang màu sắc siêu thực. Đó thực sự là một cuộc bùng nổ, như một sự dồn nén, chất
chứa tích tụ lâu ngày chỉ chờ có mối lửa là bùng nổ. Hoài Thanh và Hoài Chân
tuyển chọn thơ của 44 tác giả thơ mới, tập tuyển của nhà xuất bản Hội nhà văn
năm 1999 đã có thơ của 80 nhà thơ. Đây là thế hệ nhà thơ đầu tiên, tay làm thơ,
mắt không nhìn vào các thấy Trung Hoa quá khứ, mà nhìn vào tiếng Việt, nhìn ra
phương Tây và toàn thế giới rộng lớn bao la. Một phong trào thơ phong phú, đa dạng,
mới lạ, luôn có khuynh hướng tự vượt mình, không ngưng đọng. Bản thân tinh thần
đó, thái độ đó là thể hiện của tính hiện đại mà hàng nghìn năm thơ ca không có
được.
Đúng như Hoài Thanh nhận định trong Thi
nhân Việt Nam, phong trào thơ mới là một cuộc cách mạng thi ca chưa từng có, mà
tư tưởng chính, đúng như bài xã thuyết của PNTV ngày 26/7/1933 đã nói: “tình tứ
mới cần diễn ra trong khuôn khổ mới.”(7). Muốn hiểu đúng nội dung
cách mạng ấy thì phải nhìn vào thi pháp, bởi phong trào thơ mới đã sáng tạo ra
một quan niệm thơ mới, hệ thống hình thức thơ mới với thể loại thơ mới, đề thơ
mới, cấu tứ mới, cảm xúc mới, ngôn ngữ mới, câu thơ mới, biểu tượng mới,
phong cách mới, hệ thống biện pháp tu từ mới.
Trước hết thơ mới vượt qua quan niệm
thơ giáo huấn, thơ ngôn chí, tải đạo, thơ minh tâm bảo giám của thời Trung đại
ngự trị hàng nghìn năm. Thơ mới là thơ của cái đẹp, thơ cảm xúc, thơ của cái
tôi, thơ thành thực và thơ tự do. Bài Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ,
bài Cảm xúc của Xuân Diệu, bài Quan niệm văn chương của
Hoài Thanh có thể coi là tuyên ngôn của phong trào thơ mới. Thơ không hạn
chế vào một đề tài nào, miễn là đẹp. Thơ là cảm xúc chứ không phải thực dụng.
Nhưng thơ không phải vô ích đối với đời. Thơ mới mở mang tâm hồn, phát triển
nhân cách. Thơ khơi dòng cho tâm tình tuôn trào. Với quan niệm đó thơ mới đã
cáo biệt quan niệm thơ Trung Quốc thồng trị hàng nghìn năm, cáo biệt luôn các
tư thế trữ tình, điệu trữ tình, nhiều biện pháp tu từ cổ điển đã trở thành mòn
sáo và không còn thích hợp.
Thơ luật Trung Hoa đã biến
ngôn ngữ thơ thành một thứ vật liệu, một kiến trúc bất biến, bài thơ là những bức
tranh ngôn từ, hầu như là một thế giới tĩnh lặng, thảng hoặc mới có tiếng nói
và giọng điệu con người. Thơ mới xây dựng theo nguyên tắc khác. Nó đưa tiếng
nói, giọng điệu, hơi thở sống động của con người vào thơ, lấy lời nói, giọng điệu
làm vật liệu tạo thành thế giới thơ điệu nói với bao nhiêu tiếng gọi, lời thưa,
tiếng giải bày, lời tâm sự. Đọc thơ mới cũng thấy có hoạ, nhưng chủ yếu là nghe
tiêng nói con người. Hình thức đó làm cho không gian câu thơ, bài thơ thay đổi,
nó không đông cứng như thơ luật mà tự do, vắt dòng, trùng điệp, nhảy vọt, tung
tẩy, không gò bó. Với nhãn quan ngôn ngữ đó hình thức thể loại cũng thay đổi
theo. Từ Hoài Thanh trở đi có nhận định : “Dần dần thơ mới đi vào thuần thục, ổn
định và trở lại những thể thơ truyền thống (thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát, tám chữ…)” (8) Thực
ra đó là nhìn bề ngoài. Câu thơ đã thay đổi. Thơ cổ xưa không có chia khổ, bài
thơ là một khối duy nhất, nay thơ bảy chữ, năm chữ, tám chữ chủ yếu là chia khổ,
khiễn cho mạch thơ nối dài, không bị gò váo không gian tám chữ hay bốn chữ. Sự
thay đổi không gian ấy là nền tảng cho thay đổi câu thơ. Các thể luật Đường hầu
như không còn được dùng để sáng tác nữa. Thơ Đường của Quách Tấn dù có điêu luyện
cũng là một sự lạc lõng, bởi nó chủ yếu vẫn tám chữ, hay bố chữ, không vận dụng
chia khổ như thơ mới, hoàn toàn không nói được tình tự của người hiện đại. Ngày
nay vẫn có không ít người làm thơ đường, nhưng chỉ khi về già, mang tính chất
thù tạc, không mang tính sáng tạo. Muốn sáng tạo thì người ta không làm loại
thơ đó. Trong các thể thơ mới, bề ngoài có vẻ như thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn vẫn
chiếm số lượng lớn, nhưng đó là thứ thơ thất ngôn, ngũ ngôn mới, tự do, chia khổ,
điệu nói.
Thơ Kinh Thi và 19 bài thơ đời Hán chia khổ chịu sự chi phối của điệu ca và nhạc phủ. Những người làm thơ mới chia khổ do ảnh hưởng thơ phương Tây mà họi gọi là strophes. Ngũ ngôn như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thực chất được cấu tạo bằng ba câu hỏi, ba khổ thơ điệu nói không đều nhau, lần lượt: 2 dòng, 3 dòng, 4 dòng. Bài Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ được Hoài Thanh coi là kiệt tác, tuy thất ngôn, nhưng chia làm ba đoạn lớn, vần liền, toàn bài điệu nói, lời lẽ khẩu ngữ: “Nay ta thèm rượu nhớ mong ai, Một mình rót uống chẳng buồn say. Trước kia hai thằng hết một nậm, Trò chuyện dông dài mặt đỏ sậm... Bao giờ chúng mình thật ngất ngưỡng? Tôi làm Trạng nguyên, anh Tể tướng? Và anh bên võ, tôi bên văn, Múa bút, tung gươm há một phen?”, rõ ràng không còn ràng buộc bằng trắc, đối trượng, không còn lời thơ ôn nhu đôn hậu của nho gia. Thơ cổ phong Trung Hoa chủ yếu là thơ ý tượng, không phải thơ điệu nói. Câu thơ của Thái Can: “Anh biết em đi chẳng trở về, Dặm dài liễu khuất với sương che. Thôi đừng ngoái lại nhìn anh nữa. Anh biết em đi chẳng trở về.” cái điệu du dương rất Đường thi, nhưng đã hoàn toàn điệu nói, không có lối tạo hình ảnh kiểu thơ Đường, câu thơ được lặp lại. Hay câu thơ Tố Hữu: “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan, Đường bạch dương sương trắng nắng tràn. Anh đi nghe tiếng người xưa vọng, Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn.” Chế Lan Viên nhận xét: lột cái nhạc tính đi là những câu thơ rất Tây, lồng nhạc vào là câu thơ Việt. Thơ mới đã cải tạo lại các hình thức câu thơ Đường. Không gian trong bài thơ hoàn toàn thay đổi. Tiêu biểu cho không gian này là thơ tám chữ, một sáng tạo đột xuất của phong trào. Thơ lục bát xưa chỉ viết ca dao ngắn hay hình thức của truyện Nôm, diễn ca, nay được sử dụng như hình thức trữ tình mới. Với ngôn ngữ và thể loại đó, thơ mới đã giải thoát khỏi sự ràng buộc của thơ Hán, thơ Đường, thoát ra khỏi cái bóng của thơ Trung Hoa để trở thành thơ trữ tình tiếng Việt hoàn toàn. Thơ mới đánh dấu thơ Việt đã thoát khỏi cái bóng lớn của thơ Đường luật cớm trùm lên thơ Việt suốt mấy nghìn năm. Thơ mới cũng đánh dấu sụ hình thành hệ thống thơ, hình thức thơ trữ tình mới thuần Việt. Trong hệ thống này các yếu tố thơ Trung Hoa sẽ có cuộc sống mới, chúng là yếu tố phụ thuộc vào hệ thống thơ Việt, chứ không phải là ngược lại như trước.
Thơ Kinh Thi và 19 bài thơ đời Hán chia khổ chịu sự chi phối của điệu ca và nhạc phủ. Những người làm thơ mới chia khổ do ảnh hưởng thơ phương Tây mà họi gọi là strophes. Ngũ ngôn như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thực chất được cấu tạo bằng ba câu hỏi, ba khổ thơ điệu nói không đều nhau, lần lượt: 2 dòng, 3 dòng, 4 dòng. Bài Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ được Hoài Thanh coi là kiệt tác, tuy thất ngôn, nhưng chia làm ba đoạn lớn, vần liền, toàn bài điệu nói, lời lẽ khẩu ngữ: “Nay ta thèm rượu nhớ mong ai, Một mình rót uống chẳng buồn say. Trước kia hai thằng hết một nậm, Trò chuyện dông dài mặt đỏ sậm... Bao giờ chúng mình thật ngất ngưỡng? Tôi làm Trạng nguyên, anh Tể tướng? Và anh bên võ, tôi bên văn, Múa bút, tung gươm há một phen?”, rõ ràng không còn ràng buộc bằng trắc, đối trượng, không còn lời thơ ôn nhu đôn hậu của nho gia. Thơ cổ phong Trung Hoa chủ yếu là thơ ý tượng, không phải thơ điệu nói. Câu thơ của Thái Can: “Anh biết em đi chẳng trở về, Dặm dài liễu khuất với sương che. Thôi đừng ngoái lại nhìn anh nữa. Anh biết em đi chẳng trở về.” cái điệu du dương rất Đường thi, nhưng đã hoàn toàn điệu nói, không có lối tạo hình ảnh kiểu thơ Đường, câu thơ được lặp lại. Hay câu thơ Tố Hữu: “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan, Đường bạch dương sương trắng nắng tràn. Anh đi nghe tiếng người xưa vọng, Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn.” Chế Lan Viên nhận xét: lột cái nhạc tính đi là những câu thơ rất Tây, lồng nhạc vào là câu thơ Việt. Thơ mới đã cải tạo lại các hình thức câu thơ Đường. Không gian trong bài thơ hoàn toàn thay đổi. Tiêu biểu cho không gian này là thơ tám chữ, một sáng tạo đột xuất của phong trào. Thơ lục bát xưa chỉ viết ca dao ngắn hay hình thức của truyện Nôm, diễn ca, nay được sử dụng như hình thức trữ tình mới. Với ngôn ngữ và thể loại đó, thơ mới đã giải thoát khỏi sự ràng buộc của thơ Hán, thơ Đường, thoát ra khỏi cái bóng của thơ Trung Hoa để trở thành thơ trữ tình tiếng Việt hoàn toàn. Thơ mới đánh dấu thơ Việt đã thoát khỏi cái bóng lớn của thơ Đường luật cớm trùm lên thơ Việt suốt mấy nghìn năm. Thơ mới cũng đánh dấu sụ hình thành hệ thống thơ, hình thức thơ trữ tình mới thuần Việt. Trong hệ thống này các yếu tố thơ Trung Hoa sẽ có cuộc sống mới, chúng là yếu tố phụ thuộc vào hệ thống thơ Việt, chứ không phải là ngược lại như trước.
Thơ mới đánh dấu bước thực sự hoà nhập thơ trữ
tình Việt Nam với thế giới, là một bộ phận của thơ thế giới, không còn là thơ
khu vực. Nó là chiếc cầu nối giữa thơ Đông thơ Tây, kết tinh tinh hoa của nhiều
trào lưu thơ cổ điển và hiện đại của thế giới, mở ra hướng đi mới phù hợp với
thời đại ngày nay và mai sau.
Thơ mới tạo thành một truyền thống thơ tiếng
Việt mới, làm nền tảng cho thơ Việt phát triển trong suốt thế kỉ XX và từ nay về
sau. Người ta tưởng rằng phê phán tác hại của thơ mới, vạch rõ ranh giới tư sản
với vô sản, lãng mạn tiêu cực với cách mạng lạc quan, làm thơ cách mạng là làm
bằng thế giới quan và lập trường Mác Lê, không liên quan gì với thơ mới, nhưng
thực ra đã nhầm to. Người ta tưởng rằng chỉ cần học ca dao tục ngữ, tiếng nói
hàng ngày của dân chúng là làm được thơ ca cách mạng, không cần truyền thống
thơ Mới, người ta cũng nhầm to. Thơ Tố Hữu thời Từ ấy đã trực tiếp
thoát thai từ phong trào thơ mới. Toàn bộ thơ cách mạng từ năm 1945 dến nay về
hình thức cũng đều thoát thai từ thơ mới. Thơ Tố Hữu, Chính Hữu, Hoàng Lộc, Trần
Mai Ninh, Hoàng Cầm, Trần Dần, Nguyễn Đình Thi ...hỏi có ai không làm theo thơ
mới? Các nhà thơ thuộc thế hệ tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan
Viên, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Bính, Anh Thơ...đều đem tài thơ mới
biến hoá thành thơ mới cách mạng. Và cả thế hệ nhà thơ mới như Phạm Tiến Duật,
Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn
Quang Thiều...có ai không làm theo hình thức thơ mới có biến đổi? Các nhà thơ
cách mạng phải đời đời biết ơn các nhà thơ mới đã sáng tạo một hình thức tự do
để cho họ có khả năng tự biểu hiện mình qua các giai đoạn máu lửa, xiềng xích
và giải phóng. Có thể nói dứt khoát không có thơ mới thì không có thơ cách mạng
trong giai đoạn vừa qua, và cũng không có bước phát triển mới của thơ Việt Nam
hiện nay.
Thi pháp thơ mới là một hệ thống mở. Bởi
nguyên tắc của thơ mới là thẩm mĩ, cảm xúc, tự do và thành thực. Nó chống
lại mọi ràng buộc, câu thúc, ngoài ra không đặt cho mình một giới hạn nào cả.
Chính vì thế mà thơ mới từ khi ra đời không bao lâu đã liên hệ với thơ tượng
trưng, siêu thực, thơ cách mạng, thơ hiện đại chủ nghĩa và cả hậu hiện đại. Nó
có thể thiên về ca như Tố Hữu, có thể nghiêng về trí tuệ triết lí như Chế Lan
Viên, cũng có thể nghiêng về nhại, giễu nhại như thơ hậu hiện đại. Tinh thần tự
do của nó đã được phát triển trong thơ Kháng chiến chống Pháp, phát triển thành
thơ không vần của Nguyễn Đình Thi và các thứ thơ khác. Thơ mới không chỉ để lại
dấu ấn sâu sắc đương thời, mà còn mở ra một viễn cảnh phát triển lâu dài, vô hạn
cho thơ Việt.
Thơ mới là thơ của tiếng Việt hiện đại,
có khả năng phát huy mọi tiềm năng thẩm mĩ của tiếng Việt cho thơ. Và với hình
thức mới, nó lại nối thông với toàn bộ truyền thống dân gian Việt, làm cho thơ
phong phú, biến hóa, nhất là về phương diện cú pháp thơ ca.
Thơ mới đúng là cuộc cách mạng
thi ca vĩ đại nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Nó không chỉ là cuộc hiện đại
hoá, thoát khỏi thơ trung đại như nhiều người nghĩ, mà nó còn làm cho thơ Việt
thoát khỏi cái bóng cớm Đường luật Trung Hoa hàng nghìn năm, nó chắp nối thơ Việt
với thơ toàn thế giới, nó là cuộc cách mạng bao hàm nhiều cuộc cách mạng. Trong
lịch sử văn học Việt Nam chưa có cuộc cách mạng nào bao chứa được nhiều cuộc
cách mạng như thế.
Chú thích
(1) Công trình nghiên cứu của
GS. Phan Cự Đệ Phong trào thơ mới (1932 – 1945) in lần đầu năm 1966
tại nhà KHXH, tái bản năm 1982, Nxb GD in lần thứ 3, 1997. Từ Tuyển tập
Phan Cự Đệ do Nxb, Văn học in năm 2000, tác giả đã sửa chữa lại “dưới sánh
sáng của công cuộc Đổi mới, và trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu trong thời
gian đó. Do vậy nếu đọc các văn bản in sau kho hình dung được cách đánh giá lúc
đầu của những năm 60.
(2) Xin xem các phần viết về
thơ mới của Trần Đình Sử trong các công trình: Thi pháp thơ Tố Hữu 1987,
và thi pháp thơ mới trong tập Những thế giới nghệ thuật thơ 1995.
(3) UyênThao: Thơ Việt
hiện đại, Nxb Hồng Lĩnh, 1969, tr. 189.
(4) Trần Đình Hượu, Lê Chí
Dũng: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, 1900 – 1930, Nxb ĐH và THCN,
Hà Nội, 1988.
(5) Xin xem: Trần Đình Sử: Mấy
vấn đề thi pháp của Thơ mới như là một cuộc cách mạng trong thơ Việt, Tạp chíNghiên
cứu văn học, số 6 năm 2012.
(6) Bùi Đức Tịnh: Những
bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992,
tr. 235.
(7) Tài liệu vừ dẫn, tr.
238.
(8) Từ điển văn học tập
2, 1984, tr. 217. Hai chữ thơ mới lúc này đặt trong ngoặc kép với ý vị mỉa mai.
Hà Nội, 9/2012
Trần Đình Sử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét