Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Nét xuân trên quê hương Phong Điền

Nét xuân trên quê hương Phong Điền
Ngày trở về quê mẹ Phong Điền sau bao năm xa cách, nơi mảnh đất đã in dấu chân tuổi thơ của biết bao nhiêu người con xa xứ  Phong Điền, khó ai tránh khỏi cảm xúc bồi hồi khi trở về đất mẹ. Tôi cũng vậy lòng nao nao cảm nhận khi trở về, tận hưởng không khí lạnh buốt như vốn dĩ của đất Phong Điền đã tôi luyện mỗi con người phải biết vượt qua những khó khăn gian khổ để tự vươn lên.
Từ T/P Huế tôi nhất định về bằng xe máy, dù bạn bè đón tôi trong xe có cả máy sưởi, vì lo cho tôi chưa thích nghi với cái lạnh cuối mùa đông ở Huế, nếu về Phong Điền thì cái lạnh còn buốt hơn. Một phần tôi muốn hòa mình đi qua những nơi mà tôi còn mang nặng những kỷ niệm trong lòng, phần cũng vì trách nhiệm mà Ban biên tập website: donghuongphongdien.com giao cho tôi với nhiệm vụ là: truyền tải thông tin, hình ảnh đón xuân ở tại quê hương Phong Điền, kịp thời đến với tất cả bà con trên năm châu, để bà con cảm nhận được không khí đón xuân ở quê nhà.
Sau những ngày mưa lạnh kéo dài, đến ngày 24- 25 tháng chạp thời tiết đã khô ráo và có nắng ấm, tôi làm một vòng từ xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương đến vùng Ngũ Điền. Suốt đường đi thấy bà con ai cũng vui mừng đón nắng ấm, dấu hiệu tốt lành sau vụ gieo hạt đông xuân, cũng như báo hiệu một mùa xuân Giáp Ngọ ấm cúng trên mảnh đất Phong Điền.
Làng quê yên bình chuẩn bị đón xuân
Dọc theo quốc lộ 49B từ làng cổ Phước Tích đến Điền Hải, bà con đã thu dọn những việc sau cùng trong năm để chuẩn bị đón xuân. Những chiếc máy cày được rửa kỹ, dụng cụ nông nghiệp cũng được thu dọn, nhiều bà con tranh thủ nắng ấm  giặt chiếu màng đem phơi trước sân khoe đủ màu sắc nhìn thật vui mắt. Nhà nhà bắt đầu rộn ràng, quét dọn từ trong nhà ra đến ngoài xóm, nhưng tuyệt nhiên không thấy cảnh rọc lá chuối phơi nắng để chuẩn bị gói bánh tày, bánh tét.. Hỏi ra mới biết rằng, những việc đó hiện nay rất hiếm nhà thực hiện vì tất cả đều có bán sẵn,  bà con chỉ mua thôi không làm nữa. Tôi miên man suy nghĩ...thời nay cái gì cũng thật tiện lợi, chỉ cần một ngày đi chợ là mua sắm đủ bánh trái cho cái Tết, nhưng sao tôi vẩn nuối tiếc những khung cảnh tất bật tự làm như ngày xưa… Nếu tất cả đều mua  thì hương vị Tết coi như “đồng bộ” rồi. Bạn nghĩ sao khi đến chúc Tết nhà nào cũng thưởng thức những loại bánh đó, và hương vị thì đều giống nhau, (vì cùng một nhà sản xuất) .
Ngày 26 thời tiết vẫn  ấm áp, tôi dậy sớm để tự làm một cuộc “vi hành” đến các chợ và trung tâm thương mại xem bà con mua sắm Tết thế nào? Chợ Mỹ Chánh, xuống chợ Ưu Điềm, chợ Vân Trình, ngang qua chợ Phong Chương, qua cầu Hòa Xuân đến chợ Đại Lộc, kế bên là Trung tâm thương mại Điền Môn. Hàng hóa khá dồi dào và phong phú, đặc biệt có hai loại bánh mà quầy nào cũng có bán và đông người mua, đó là bánh in và bánh thuẩn (có nơi gọi bánh phong lan). Một O bán bánh in và bánh thuẩn thấy tôi hỏi mua!? nhìn tôi có chút ngạc nhiên nhưng rất hồ hởi (có lẽ ở Huế đàn ông hiếm khi đi chợ). Tôi nói để nếm thử cái nào ngon tôi mới mua, O thật thà "chú ơi cấy mô cũng dư dau hết, cũng là một lò mà ra thôi chú nờ"…! Chợ Ưu Điềm thì bán chuối nhiều hơn, giá trên 100.000 đ/ nải, nghe nói cận Tết có khả năng lên 150.000 đ nải, năm nào cũng vậy, đến Tết  chuối là mặt hàng đắt đỏ nhất so với thường ngày. Bởi dù có khá nhiều loại trái cây, nhưng chuối là không thể thiếu trên bàn thờ của những gia đình ở Phong Điền.
Những cánh đồng lúa đã gieo hạt xong
Địa lý Phong Điền đối với tôi rất đặc biệt, có núi rừng, đồng bằng, sông ngòi, đầm phá và biển cả, con người nơi đây đối đãi với nhau thật chân thành mà trọng lễ nghĩa, ai cũng giúp đỡ nhau trong điều kiện có thể, khi ai đó lỡ đường chỉ cần đứng đợi có xe máy chạy qua, chỉ cần ngoắt tay thì hầu như ai cũng sẵn sàng cho quá giang. Khi tôi chạy xe máy từ Phò Trạch về vùng Ngũ Điền, có một Mệ ngoắt, tôi dừng lại hỏi Mệ đi tới mô? Mệ nói cho Mệ tới chợ Phong Chương. Ngồi trên xe Mệ và tôi chuyện trò như người thân tự bao giờ. Mệ kể rằng, con cháu đi làm đồng hết Mệ ở nhà đi chợ nấu ăn, ngày nào Mệ cũng quá giang xe ngoài đường để đi đến chợ mua thức ăn, và đến lượt về cũng vậy. Dù biết rằng tình cảm con người nơi đây thật chân thành, nhưng mỗi lần về là một lần mang cảm xúc thân tình khó tả, chứng kiến bà con kẻ mua người bán, trao đổi giá cả với nhau sao thân thiết đến lạ…   
Mổi lần về quê là mỗi lần ghi thêm nhiều kỷ niệm, mang tâm hồn cả đất và người nơi đây... Những cánh én lạc bầy nay trở về đất mẹ, xin góp một nhúm hương xuân cho Phong Điền quê hương tôi.
Xuân Ca, nhac Phạm Duy ca sĩ Ngọc lan
NGUYỄN THÚY 
Theo http://www.donghuongphongdien.com/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...