Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Phan Vũ ơi, Hà Nội phố

Phan Vũ ơi, Hà Nội phố 
Có câu thơ buồn mà ám ảnh: "Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”. Đó là lời tố cáo chiến tranh đanh thép nhất. Hình ảnh thơ này Phan Vũ viết về một người bạn gái có thật của mình. Có người hỏi, nhà thơ Phan Vũ kể rằng, "cô ấy nhà ở phố Quán Thánh, chơi đàn Piano. Cô ấy học với bà Thái Thị Liên cùng Đặng Thái Sơn. Sau này cô sang Nga học, rồi sang Pháp định cư. Thuở đó chúng tôi là bạn thân, ở nhà gần nhau. Trời lạnh, tôi sang nghe cô đàn. Cô ấy sau này có một cuộc đời nhiều truân chuyên, trắc trở". Những chi tiết đời thường, cái chung và cái riêng, được nhà thơ chọn lọc, rồi sắp đặt chúng thành bức chân dung Hà Nội làm thổn thức tim người...
Em ơi, Hà Nội phố...và nhà thơ Phan Vũ
Mỗi khi nhớ Hà Nội bạn bè, hay khi xem tranh phố của Bùi Xuân Phái, trong tôi lại vang lên âm điệu da diết của những bài hát, bài thơ về Hà Nội: Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau/ phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu... (Trịnh Công Sơn), hay Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân/ Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác/ Tôi lại về đánh cắp/ Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên (Thanh Tùng). Đặc biệt là giai điệu Em ơi Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Còn em hoa sữa... (Phú Quang- Phan Vũ). Những giai điệu, những ca từ như xoáy vào lòng người, day dứt, ngân vang...

Có lẽ rất nhiều người thuộc bài hát này nhưng ít biết nó xuất xứ từ bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” là một trong những bài thơ hay nhất viết về Hà Nội và là bài thơ hay nhất, tâm huyết nhất trong cuộc đời sáng tác của thi sĩ, họa sĩ, kịch sĩ -đạo diễn sân khấu Phan Vũ. Bài thơ là một trường ca dài tới 24 đoạn với 272 câu thơ như những trang nhật ký tâm hồn Hà Nội. Nhà thơ Phan Vũ viết trường ca này mùa đông 1972, khi máy bay Mỹ, cả máy bay B52 đang điên cuồng bắn phá Hà Nội trong trận Điện Biên Phủ trên không năm ấy. Nhà thơ kể rằng, những ngày đó tôi và họa sĩ Bùi Xuân Phái, nên rủ nhau đi lang thang trong đêm. Ông vẽ phố, còn tôi nghĩ về phố. Tôi viết bài thơ ấy trong khoảng 10 ngày. Nhà tôi ở phố Hàng Bún. Chiến tranh, người ta đi vắng hết. Bom đạn, cây cối nhà cửa đổ nát. (VOV). Viết trong không khí chiến tranh như thế, nhưng bài thơ không có lấy một câu, một chữ lên gân, hô hào, mà trầm tích những hoài niệm ruột rà về phố phường Hà Nội. Phan Vũ không kể gì về chiến tranh mà chỉ kể về nỗi đau, nỗi nhớ về Hà Nội xưa của mình, như là câu chuyên tâm tình với người yêu về xứ sở... Thơ ấy là thơ thật, thơ rút ruột ra viết, thơ trào lên từ tim óc. Đọc trường ca này, tôi cứ hình dung có hai người yêu nhau, cầm tay dắt nhau đi qua những phố phường Hà Nội và kể về những hoài niệm của mình. Cứ vài ba đoạn bài thơ lặp lại điệp khúc Em ơi, Hà Nội phố. Có tới 7 lần Em ơi... như thế, như là sự lay động, đào xới, kêu gọi, thách thức. Sau đó là những câu thơ thơ nhân cách hóa tài hoa, làm cho tất cả đều như sống dậy từ mỗi bước chân người: Ta àon em mùi hoàng lan - Ta còn em một ngã ba vội vã- Ta còn em màu xanh thật đêm- Ta còn em một gốc cây - Ta còn em cơn mưa nhỏ - Ta còn em con đường vắng - Ta còn em những hố sâu... Rất nhiều, có tới hàng trăm những hình ảnh thơ gần gữi như hơi thở người yêu ùa vào lòng tác giả trong những đêm bom đạn ngút trời ấy. Ta còn... nghĩa là Hà Nội mãi còn. Đó là triết lý ẩn kín sau những câu thơ nồng ấm tình người. Em đã được hình tượng hóa thành nóc phố, con đường, tiếng chuông chùa, mùi hoàng lan... Đó là cách tu từ rất mới (cho đến lúc đó) trong thơ Việt.
Xin đọc nguyên đoạn thơ số 17 để mường tượng về một Hà Nội xưa lịch lãm, đài các, kiêu sa như thế nào: Ta còn em chiếc xe hoa/ Qua hàng liễu rũ,/ Điệp vàng rực rỡ./ Cánh tay trần trên gác cao khép cửa./ Những gót son dập dìu đại lộ./ Bờ môi ai đậm đỏ bích đào/ Ta còn em tà áo nhung huyết dụ./ Đất/ nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,/ Phường cũ lưu danh người đẹp lụa/ Ngõ phố nào in dấu hài hoa...? Còn đây là đoạn thơ tôi tâm đắc nhất trong trường ca, đoạn thơ số 22: Em ơi! Hà Nội - phố/ Ta còn em năm cửa ô -/ Năm cửa gió/ Cơn bão thường niên qua đó -/ Ba mươi sáu phố,/ Bao nhiêu mảnh vỡ?/ Ta còn em một màu xanh thời gian.// Một màu xám hư vô,/ Chợt nhòe,/ Chợt hiện./ Chợt lung linh ngọn nến,/ Chợt mong manh một dáng,/ Một hình,/ Nhợt nhạt vàng son,/ Đậm đầy cay đắng... Đó là những mảng màu đậm nhạt của bức tranh siêu thực mà đầy cảm thức tâm linh Hà Nội. Em ơi, Hà Nội phố hay không phải do cấu trúc câu thơ lạ, chữ mới, mà hay bởi những cái bình thường nhất trong đời sống bỗng nhiên lung linh, sống động và hút hồn người. Đó là Thang gác cọt kẹt thời gian/ Thân gỗ... Đó là Một cột đèn/Ai đó chờ ai? Là Ta còn em chuyến tàu đêm/; Về muộn/ Qua cầu/ Một người nào lạc giữa sân ga; là Tiếng rao đêm/ Lạc giọng/ Thờ ơ... ; là Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá/ Gã đầu trần đi ngược trời mưa...vân vân và vân vân. Những chi tiết nhỏ nhặt tưởng dễ bỏ qua ấy chính là những hạt phù sa bồi đắp nên nhớ nhung, tâm hồn người Hà Nội.
Trong trường ca Em ơi Hà Nội phố có rất nhiều hình ảnh thơ thật buồn: Ngày về phố cũ quên tên...; Khi phố phường là miền loạn gió/ Làm sao tìm được mớ tro than...?...Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương......Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường/ Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha... và cả đoạn kết: Em ơi! Hà Nội - phố!/ Ta còn em cây bàng/ Mồ côi mùa đông./ Ta còn em nóc phố/ Mồ côi mùa đông./ Ta còn em mảnh trăng/ Mồ côi mùa đông... Đó nỗi buồn lang thang, nỗi cô đơn giằng xé con người trước cảnh ngộ. ẩn chứa đằng sau những thi ảnh ấy là sự tồn tại. Tồn tại mới nhận ra được nỗi cô đơn, đau khổ của xứ sở thân thương.
Có câu thơ buồn mà ám ảnh: "Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”. Đó là lời tố cáo chiến tranh đanh thép nhất. Hình ảnh thơ này Phan Vũ viết về một người bạn gái có thật của mình. Có người hỏi, nhà thơ Phan Vũ kể rằng, "cô ấy nhà ở phố Quán Thánh, chơi đàn Piano. Cô ấy học với bà Thái Thị Liên cùng Đặng Thái Sơn. Sau này cô sang Nga học, rồi sang Pháp định cư. Thuở đó chúng tôi là bạn thân, ở nhà gần nhau. Trời lạnh, tôi sang nghe cô đàn. Cô ấy sau này có một cuộc đời nhiều truân chuyên, trắc trở". Những chi tiết đời thường, cái chung và cái riêng, được nhà thơ chọn lọc, rồi sắp đặt chúng thành bức chân dung Hà Nội làm thổn thức tim người. Đó là sự tài hoa của một ngòi bút. Những ngày đó Phan Vũ viết xong bài thơ rồi sung sướng mang đi đọc cho bạn bè nghe trong các cuộc rượu, không in ở báo nào. Vì thời đó, để động viên kháng chiến thơ tâm trạng buồn nhức lay động như thế rất khó in. Mãi đến năm 2008, khi 82 tuổi, ông mới in “Em ơi, Hà Nội phố” vào tập thơ đầu tay của mình: Thơ Phan Vũ. Nhưng thơ hay luôn có cách riêng để đi vào lòng người. Nhưng năm đó rất nhiều người yêu thơ Hà Nội đã đọc, đã chép, đã thuộc Em ơi, Hà Nội phố. Một trong những người đó là nhạc sỹ Phú Quang. Năm 1985, Phú Quang đã lấy nguyên một số câu thơ trong Em ơi, Hà Nội phố làm ca từ cho bài hát cùng tên. Bài hát đã trở thành một trong những bài hát hay về Hà Nội. Cũng như bài thơ từ lâu đã thuộc loại hay nhất viết về Hà Nội, được người Hà Nội tiêu biểu, người yêu thơ cả nước truyền tụng, yêu thích.
Tôi biết nhà thơ Phan Vũ và đã gặp, nói chuyện với ông mấy lần nhờ nhà văn Phùng Quán và nhờ các kỳ Đại hội Nhà văn Việt Nam. Ông cao lớn ngoại hạng, râu ria bặm trợn, ăn mặc rất bụi, nhưng nói cười hồn nhiên, gần gữi. Cái chất hồn nhiên thơ trẻ ấy giữ cho ông chất luôn nung nấu sáng tạo. Ông viết kịch bản sân khấu. Viết rồi đạo diễn luôn. Kịch bản sân khấu Lửa cháy lên rồi của ông được tặng giải nhì (không có giải nhất) của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954- 1955. Ông viết kịch bản phim, hiện có bộ phim đang được vô kế hoạch sản xuất.
Ông làm thơ từ lúc tuổi hai mươi, và luôn bền bỉ với thơ. Ngoài tập thơ Thơ Phan Vũ, hiện trong tay ông còn có hàng trăm bài thơ chưa in. Ông còn ấp ủ ấn hành một tập thơ về quê hương, trong đó có thơ về quê nội. Mấy năm lại đây, Phan Vũ say mê vẽ tranh. Năm nay ông vừa có cuộc triển lãm tranh Giai điệu màu tại gallery Tự Do, TP.HCM. Ông thích gì vẽ đó, không câu nệ đề tài ăn khách, không ăn khách. Vì ông vẽ cho mình.Vẽ để giải tỏa nỗi buồn, giải tỏa tâm trạng. Theo ông hội họa là phương tiện tôi được tự do thể hiện nhất, nên sẽ theo ông đến hết cuộc đời.
Ông sinh năm 1926 tại Hải Phòng, quê cha là Đà Nẵng, nhưng sống rất nhiều năm ở Hà Nội. Đọc bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” không ai không nghĩ rằng ông là người Hà Nội. Phan Vũ là lứa hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông là bạn cùng lứa với Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm.... Năm nay nhà thơ Phan Vũ đã 83 tuổi rồi, nhưng những đam mê của ông còn cháy bỏng lắm...
Ngô Minh
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xuân Huế giữa thời gian... Xuân đã thấp thoáng sau nhiều tháng thu đông đằng đẵng. Giã từ bão lụt, Huế chờ đợi những giọt nắng nguyên ...