Thơ đến từ đâu?
Trung Trung Đỉnh:
Chào anh Nguyễn Đức
Tùng. Sau khi đọc xong cuốn sách của anh, Thơ Đến Từ Đâu, bỗng dưng
tôi muốn thò tay vào công việc của người khác bằng cách “hỏi ngược” lại
bác sĩ, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đức Tùng vài câu, vì tôi bị cuốn
hút bởi cách phỏng vấn mà không phỏng vấn của anh.
Và cũng bởi tôi vẫn cảm
thấy “chưa đã” lắm, hình như tác giả “hơi bị” thiên lệnh
với bạn bè trước khi thiên lệch với thơ?
Nguyễn Đức Tùng:
Có lẽ anh muốn
nói đến sự tuyển chọn các nhà thơ trong tập sách lần này?
Thật ra sự cảm thụ văn học của một cá nhân bao giờ cũng
có tính chủ quan, thiên lệch, nhưng trong các công trình nghiên cứu
thì điều đó cần được hạn chế tối đa. Khi viết một cuốn
sách, các nhà phê bình thường chỉ cần tập hợp các tài liệu rồi tự làm việc một
mình, nhưng trong việc thực hiện phỏng vấn, chuyện xảy ra có khác, vì tác giả cần
sự cộng tác của người được phỏng vấn. Chuyện gặp gỡ giữa hai bên thường có những
nhân duyên rất...tiền định. Ví dụ cách đây vài năm ở Sài Gòn, qua sự giới thiệu
của anh Du Tử Lê, tôi định gặp và phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Duy, nhưng vào lúc ấy,
tôi bận đi Hà Nội và nhà thơ thì bận đi Mỹ, thành ra chưa có duyên gặp
nhau. Cùng thời gian đó, nhờ Phan Nhiên Hạo, tôi liên lạc được với nhà
thơ Tô Thùy Yên, nhưng lúc ấy ông quá bận việc riêng nên cuộc trò chuyện thơ ca
có thể là rất thú vị đã không xảy ra. Khi gặp một người để làm phỏng vấn, bao
giờ cũng cần sự quen biết hoặc giới thiệu. Không hiểu sao người Việt mình thường
ngại nhau lắm anh ạ. Tuy vậy, cuốn sách xuất bản lần này chưa hoàn toàn kết
thúc; tôi dự định thực hiện một số bài nữa với các nhà thơ khác; và tôi hết sức
mong mỏi sẽ có dịp gặp gỡ các gương mặt thơ ca quan trọng nhất của Việt Nam hiện
nay, thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau.
Trung Trung Đỉnh:
Thơ Đến Từ Đâu chọn
ra được hơn 20 “sao” để tham gia phỏng vấn. Có câu hỏi riêng, cũng
có những câu hỏi chung. Có câu hỏi xoáy vào quan niệm sáng tác, lại
cũng có những câu hỏi chỉ đề cập đến các vấn đề xã hội, đặc biệt
là người hỏi có sự mong ước các nhà thơ trong nước phát biểu quan điểm của mình
về cuộc chiến tranh vừa qua. Đây thực sự là vấn đề “nóng” ở hải ngoại?
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, quan sát của anh về vấn đề “nóng” ở hải
ngoại là đúng. Nhưng nguyên nhân của nó thì phức tạp, sâu xa. Có thể vì các nhà
văn ở hải ngoại bị ám ảnh nhiều hơn, nhưng cũng có thể vì đó là môi trường mà
các cuộc trao đổi ý kiến dễ xảy ra hơn, hoặc là vì cả hai. Nhiều người nghĩ rằng
chiến tranh đã qua lâu rồi, thôi hãy để nó đi vào quên lãng. Điều đó rất đúng với
ý nghĩa là người ta cần xoá bỏ những hiềm khích trong quá khứ để hướng về tương
lai. Tôi ủng hộ điều ấy.
Nhưng mặt khác, ngọn lửa của
lịch sử bao giờ cũng nóng. Các nhà văn là người đứng gần
nó hơn cả. Vì nếu đứng xa quá thì trang viết của họ sẽ được chiếu sáng bằng
cách nào?
Nhờ có những thao
thức về chiến tranh và đất nước mà chúng ta có những tiểu
thuyết rất hay của Trung Trung Đỉnh, như cuốn Lạc Rừng tôi vừa đọc
xong.
Tôi nghĩ nhiệm vụ của văn học
là chống lại sự quên lãng.
Trung Trung Đỉnh:
Theo tôi, trong tiến trình hội
nhập trước hết người Việt Nam ta phải cùng nhau hội nhập với nhau trước. Phải
bày tỏ nỗi lòng để hiểu nhau. Muốn xóa bỏ hận thù thì phải
có lòng bao dung vị tha và ân hận nữa. Tôi thấy đây
là vấn đề CON NGƯỜI rất tinh tế và nhạy cảm, không thể nói chung chung. Nói thì
dễ nhưng làm được cực khó? Nhưng ta cũng đã làm đươc nhiều đấy chứ?
Nguyễn Đức Tùng:
Cảm ơn anh đã nhắc
đến hội nhập. Trên diễn đàn Hội Luận tổ chức cách đây không lâu, rất
nhiều người đã nhấn mạnh đến khái niệm này và cổ vũ cho một tinh thần hội nhập
của Việt Nam vào thế giới, cũng như giữa trong nước và hải ngoại, Nam và Bắc,
giữa truyền thống và phi truyền thống, giữa các khuynh hướng khác nhau. Hình
như có người rất sợ nói về sự khác nhau, nhưng nếu không có sự khác nhau thì cần
gì đến hội nhập? Không có khác nhau thì làm gì có sự thúc đẩy phát triển?
Tùy từng vấn đề, từng thời điểm, mà sự giống nhau là quan trọng hơn hay sự khác
nhau là quan trọng hơn.
Anh cũng vừa gọi tên hai
ý niệm quan trọng là bao dung và ân hận. Có lẽ đó
là những khái niệm căn bản nhất của việc đoàn kết, hoà giải dân
tộc, bước qua lời nguyền của quá khứ, nếu cho phép tôi mượn chữ của
anh Tạ Duy Anh, một trong những người biên tập chính cho cuốn sách này.
Tôi thiết nghĩ, không bao dung, không ân hận, văn học Việt Nam sẽ không thể có
tác phẩm lớn, nhất là viết về chiến tranh.
Cần ghi nhận rằng từ 1975 đến nay đã có rất nhiều cố gắng từ phía người dân
và từ một số cấp chính quyền trong việc thúc đẩy sự hiểu biết
hiểu biết lẫn nhau, sự thông cảm và kết hợp, sự giao hòa dân tộc.
Đồng ý với anh là làm được
việc này rất khó, nhưng từ nhỏ đến tận hôm nay, suốt đời, tôi chưa từng thấy
việc gì là dễ đối với tôi cả. Làm việc gì tôi cũng phải cố gắng hết sức,
vậy mà thất bại và thành công cứ chen vào nhau. Kể chuyện vui với anh: tôi có
thói quen uống cà phê sáng, rất đậm, và tự pha lấy cho mình, thế mà hôm thì
ngon hôm thì dở, phải đổ đi pha lại.
Như thế câu hỏi của
anh, “ta cũng làm được nhiều đấy chứ”, có thể được trả lời khác nhau,
tùy theo mỗi người, tùy theo mong ước của họ. Hoài bão mà lớn quá thì thấy
thành tựu của mình là nhỏ, hoài bão mà nhỏ quá thì thấy thành tựu của mình là lớn.
Nếu được chọn một
nhà thơ Việt Nam đương đại mà anh thích nhất thì đó là ai?
Nguyễn Đức
Tùng
Tất cả các nhà
thơ trong tập sách này đều là những người đang sống, đang viết
(trừ Lê Đạt, mất sau đó ít lâu) mà tôi yêu thích. Không
yêu thích thì không làm phỏng vấn được. Nhưng nếu phải chọn một
nhà thơ trong thế hệ của tôi hoặc trẻ hơn, nếu ý anh là như thế, mà mình thích
nhất thì tôi không làm được việc ấy. Điều này có thể vì cảm thụ nghệ thuật của
tôi đa dạng, nhưng cũng có thể vì nền thơ đương đại, với nghĩa là độ mười năm
trở lại đây, của chúng ta đang thực sự có những vấn đề của nó. Nó chưa đủ sức để
chinh phục tất cả người đọc một cách tuyệt đối cùng một lúc, cùng một mức độ,
cùng một màu sắc.
Tôi nghĩ xã hội Việt
Nam hiện nay ngày càng vắng bóng những gương mặt nổi bật trong nhiều lĩnh
vực, văn học, nghệ thuật, khoa học, chứ chẳng riêng gì trong thơ. Và đây là một
điều rất đáng lo ngại.
Trung Trung Đỉnh:
Tôi thường rất không thích mấy ông
làm lý luận phê bình thỉnh thoảng làm thơ, rồi hình như thấy
thơ dễ hơn hay dễ đến với người đọc hơn, nên các bác ấy đi
hai chân cứ như làm xiếc.
Xin lỗi anh, bởi tôi đọc
thơ anh trước nên bây giờ mới “ngã ngửa” ra rằng, anh làm phê bình “hơi bị
siêu”, thành thử trong lòng cũng có đôi chút áy náy về cái sự hồ đồ yêu ghét của
mình vừa nói trên kia.
Nhưng nói thật nhé, tôi thấy
Nguyễn Đức Tùng làm lý luận phê bình sẽ có ích hơn cho
nền văn học đương đại Việt Nam, chứ còn thơ thì tôi ngờ rằng anh cũng chỉ đôi
khi “tức cảnh” mà “đá” một đôi bài cho tâm hồn thơ thới thôi chăng?
Đoc lý luận phê bình của anh
tôi thấy đây là cây bút hiếm hoi rất chuyên nghiệp bởi kiến văn của anh và bởi
khả năng nhận định, phân tích, diễn giải của anh. Nhất là cái giọng. Anh có giọng
điệu phê bình hiện đại, vừa thẳng thắn khách quan vừa nghiêm cẩn sâu sắc, ít lụy
nhân thân, dày công tìm đọc và tìm hiểu.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi rất thương các
“ông” hay các “bác” lý luận phê bình nổi hứng làm thơ của anh Trung Trung Đỉnh.
Họ không khôn ngoan tí nào. Tôi nhớ nhà thơ Anh nổi tiếng Douglas Dunn có tâm sự
rằng:
Nếu có ai trên xe lửa
hỏi tôi làm nghề gì để sống thì tôi sẽ trả lời
là tôi làm nghề kiểm soát thuế vụ, chứ không dám nói tôi là một
nhà thơ. Nói thế thì ngượng chết đi được.
(If someone on a train asked
me what I did for a living, I’d say I was a tax inspector, rather than a poet.
I’m shy about it.)
Ở đây có sự ngược chiều nhau
anh ạ. Tôi làm thơ đã lâu, mặc dù ít công bố, nhất là trong nước, chỉ sau
này mới quan tâm đến lý luận và phê bình văn học. Tôi không biết các nhà lý luận
phê bình làm thơ như anh nói là ai, mà cũng chưa đọc thơ họ nên không dám có nhận
xét gì.
Thật ra hiện tượng một người
vừa sáng tác vừa phê bình vốn có nhiều trong văn học thế giới, mặc dù ở Việt
Nam mình thì ít hơn thật. Ở Mỹ và Canada, một số đông các nhà thơ nổi tiếng
cũng đồng thời là các giáo sư hoặc giảng viên nghiên cứu ở trường đại học về
văn chương. Như Eliot, Robert Penn Warren, Jarrel, Gary Snyder trước đây, hay
Edward Hirsch, Robert Bly, Paul Muldoon hiện nay, gọi là các poet-critic (nhà
thơ-nhà phê bình); họ có nhiều đóng góp cho nền lý luận phê bình văn học phương
Tây. Cần chú ý rằng sự tiếp cận của nhà thơ trong việc phê bình thơ khác với
phương cách của các nhà phê bình thuần tuý.
Ngoài ra cũng có thể
chúng ta chưa làm quen với cách đọc thơ hậu hiện đại. Các
nhà thơ bạn thân của tôi nhiều người cũng không thích dòng thơ ấy,
nhưng cũng có nhiều người không thể đọc được thơ theo kiểu truyền thống
được nữa, tóm lại mỗi người mỗi ý. Sự tiếp nhận văn học thường trải qua ít nhất
hai giai đoạn khác nhau, đó là sự đồng cảm và sự thay đổi về nhận thức.Có người
yêu rồi mới hiểu, có người hiểu rồi mới yêu.
Nhân đây tôi xin nói một
ý khác. Một nền thơ ca không phải chỉ gồm có mỗi một việc là cặm cụi làm thơ, nếu
thế thì nó sẽ có rất nhiều thơ dở vì nền thơ ấy không có khả năng tự ý thức về
mình. Một hệ thống không tự ý thức về mình là một cái chết hiển nhiên. Thơ
không phải chỉ được viết, nó còn cần phải được đọc, đọc lại, và đọc đi đọc lại,
mỗi ngày, không ngừng.
Tôi tin rằng không phải người
biết chữ nào cũng là người đọc sách và không phải người đọc sách
nào cũng là người đọc của thơ. Để đọc và hiểu thơ người
khác, bản thân tôi thường phải tự rèn luyện, tự học hỏi, học trong sách, học ở
thầy, ở bạn, mỗi ngày, hệt như một học sinh tiểu học.
Trung Trung Đỉnh:
Sau “Thơ đến từ
đâu” anh sẽ làm tiếp về thơ hay chuyển sang món khác?
Như vừa nói, tôi
có ý định thực hiện thêm một số cuộc phỏng vấn nữa với các nhà thơ
khác, mà tôi cho là những người quan trọng; và mong nhận được sự ủng hộ của anh
và bạn bè, của các nhà thơ ngoài Bắc trong Nam, trong nước hay ngoài nước. Nếu
có một thứ vượt qua được các biên giới của không gian và thời gian, thì đó là
ngôn ngữ của văn học. Tôi cũng có ý định xuất bản cuốn sách nhan đề Thơ Cần Thiết
Cho Ai, một số bài trong tập đó đã được đăng rải rác trên các trang mạng và
trên tạp chí Sông Hương.
Trung Trung Đỉnh:
Anh có hay đọc văn xuôi
Việt Nam không?
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, tôi rất quan tâm đến
văn xuôi Việt Nam, nhưng do điều kiện ở xa, lại bận rộn vì chuyên môn, nên đọc
văn xuôi tiếng Việt hiện đại không nhiều. Tuy nhiên, tôi đọc kĩ và có chọn lọc.
Tôi ngày càng thích thú hơn và chú ý hơn đến tiểu thuyết Việt Nam hiện nay,
cũng như truyện ngắn và các thể loại phi tiểu thuyết, bút ký, tự sự, từ góc độ
lý luận phê bình. Tôi cũng có ý định thực hiện phỏng vấn với các nhà văn giống
như đã làm với các nhà thơ. Hi vọng sẽ được gặp anh trong loạt bài ấy. Tôi cho
rằng tiểu thuyết là xương sống của bất kỳ một nền văn học nào. Nếu thơ là tinh
hoa của ngôn ngữ thì tiểu thuyết là bản thân ngôn ngữ ấy.
Xin kể một kinh nghiệm.
Cách đây mấy năm, tôi dự một lớp học viết văn ngắn ngày ở Canada,
chuyên về viết phóng sự. Tôi nhớ buổi học đầu tiên, bài giảng đầu tiên là một
bài giảng về thơ, chứ không phải về phóng sự, bởi vì giáo sư phụ trách tin rằng
chúng tôi có thể học được một vài điều trong thơ để áp dụng vào các bài tường
thuật của mình.
Trung Trung Đỉnh:
Cảm ơn anh rất nhiều,
mong được đọc anh trong loạt bài phỏng vấn mới và các bài viết mới.
Hà Nội- Vancouver, mùa
thu 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét