Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Thụ cảm văn học

Thụ cảm văn học 
Thế ví thử không có thì sao nhỉ? Thì thật là bi thảm cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Người ta cứ hằng sống, hằng sinh sôi, hằng gây dựng, hằng tạo lập, hằng yêu đương, hằng thương quí nhau, hằng trách nhiệm với nhau trong hết thảy các mối quan hệ mà bất cứ mối quan hệ nào cũng hết sức đáng quí và đáng trân trọng (thế còn trong quan hệ thù địch và ghét bỏ thì sao, nói cho vuông vẫn là rất có ích nếu biết nhìn vào với một thái độ được thắp soi, được chiếu rạng bằng ánh sáng của trí tuệ và trái tim) rồi còn vô vàn điều mà cuộc đời bày ra, tỏ ra, và hết thảy đều được văn học tham dự, đều được văn học hàm xúc, đều được văn học miêu tả và tựu thành, để rồi mỗi con người có thể nhìn vào nó, đọc nó qua ngữ văn (qua Hán văn) mà tạo thêm ra vô vàn sự sinh sôi mới để rồi cuộc đời lại được giầu có lên biết bao, một sự giàu có khó mà có thể hình dung. Văn học, chính là sự thụ cảm, chỉ có sự thụ cảm thôi, còn thì không có bất cứ một cách thức nào nữa hết để đến với nó, để hoà quyện trong nó.
Tôi luôn luôn hình dung khi đọc một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn, một bài thơ như thể là tôi đang được đắm mình trong đó, trong cái thế giới ảo huyền mà tác phẩm đó đang bày ra, đang mở ra và đang lôi cuốn tôi chỉ qua duy nhất một kênh đó là kênh thị giác, rồi từ đấy kênh thị giác của tôi mới oà ra và như vô vàn các con suối thấm đẫm dần đẫm dần các kênh khác của thính giác, của vị giác, của khứu giác, của xúc giác, và có lẽ vậy, tất cả các kênh ấy mới trào ngược lên cái tự giác (trí tuệ) của tôi. Và điều kỳ lạ là sự cộng hưởng của các kênh trên đây trước cái thời khắc mà đó tự tạo ra một vận động để trào lên tràn lên tri giác (trí tuệ) đều bằng sự thụ cảm. Cái nhẽ đương nhiên, trong đời có vô vàn sự thụ cảm. Nhưng sự thụ cảm văn học là chủ đạo làm nên từ đấy cốt cách, nhân cách trong đời sống của mỗi con người. Và, nơi tạo nên được sự thụ cảm văn học này lại chỉ là ở nhà trường mà ở đó đoàn thể cái tuổi hoa niên tham dự suốt những năm dài của 12 năm. Thế rồi, để hoàn thiện một cách như nhiên tự nhiên cho sự thụ cảm văn học này, tại các lớp sơ học yếu lược, người ta cho trẻ học vào các bài chủ đề, tỉ như. “Em hãy kể về một buổi sáng sớm của một ngày tại gia đình em”. Ối chao, một câu hỏi đầy tính nhân văn và nhân bản. Thế là mỗi một cậu bé, mỗi một cô bé hãy tự thụ cảm xem rằng ở nhà mình thời khắc ấy là ra sao, là thế nào, là trạng huống là các diễn biến trong nhà, với từng người, ông bà cha mẹ, anh em v.v… Cậu bé và cô bé từ sự thụ cảm đó của hiện trạng gia đình mình trong một buổi sáng và buổi sáng nào cũng được, thế rồi khi sự thụ cảm chủ đạo đó đã thấu nhuyễn trong cảm xúc và tri thức của cậu bé đó, cô bé dó, rồi từ đó sẽ là lời văn là câu văn là đoạn văn v.v…
Chưa hết, còn các chủ đề khác nữa chứ: Rồi buổi trưa, rồi buổi chiều, rồi buổi tối. Tôi xin thú thực, ngay như tôi, khi viết một tiểu thuyết nào đó, đến lúc miêu tả một cảnh huống nào, tôi cũng hoàn toàn tự nguyện làm như cách làm của các cậu bé cô bé, mà không thể khác, tuyệt đối không thể khác, nghĩa là từ một sự tạo dựng bởi một cảnh trạng có thật. Bởi không có văn học nào lại hình thành từ sự không có thật cả. Mà phải là từ một sự có thật. Ngay như tôi là nhà văn đã cầm bút từ năm 20 tuổi, nay tôi 70 tuổi, mà khi miêu tả lại một cảnh trạng như trên, tôi cũng theo một qui trình hệt như các trẻ nhỏ làm vậy. Thế rồi qua dòng suối của thụ cảm mà thành ra văn, rồi cái văn học ấy lại cũng bằng sự thụ cảm mà trở lại với toàn thể mọi kênh mà con người có và con người cũng bằng sự thụ cảm ấy mà đem tải cái văn ấy và biến nó trở nên hành trang tinh thần cho cuộc đời của mình. Mỗi con người muốn là một người từng trải, thời bao giờ cũng phải luôn luôn tự tạo cho mình hai kênh thụ cảm chính, đó là: Thứ nhất, thụ cảm từ hoàn cảnh sống của chính mình. Thứ hai là từ sự thụ cảm văn học. Điều này là hết sức quan trọng vì không có nó thì rất khó mà có thể bảo rằng: Anh A đó là con người hoàn thiện, một người từng trải. Đương nhiên, trong đời chẳng phải là ai ai cũng phải có sự thụ cảm văn học. Có rất nhiều người chả bao giờ mó đến quyển sách, nhưng không thể bảo rằng người đó là dốt nát!
Vậy, lứa tuổi học sinh dẫu là học cấp nào, nếu tôn trọng sự thụ cảm của các em, sẽ thấy trẻ yêu văn học. Xuất phát từ thụ cảm văn học thường có một sức lắng đọng sâu sa, và lâu dài. Điều gì mà đi vào ngả lý trí trước thường rất dễ phai nhạt, rất dễ bị quên đi. Nhưng điều gì mà vào xúc cảm, thụ cảm, thường toả rễ ra bám lấy cho thật chặt cái đời sống của cảm xúc của thụ cảm, tôi tin là như vậy.
Tôi đã được tận mắt thấy một lớp học văn học của các em lớp 10 bây giờ. Giờ học ấy, được cô giáo tiến hành như sau: Cô ghi tất cả các cặp từ có trong bài văn đó lên bảng và gạch dưới nó để tạo sự chú ý. Khoảng đâu như có hai mươi cặp từ mà cô cho rằng với trò hẳn là khó hiểu. Thế rồi cô thực hiện giảng bài văn đó qua việc giải thích nghĩa của các cặp từ đó. Cô giải thích xong toàn bộ gần hai mươi cặp từ và kết luận bài bằng cách nói đến chủ đề của bài văn. Vì đấy là bài văn học có từ trước cách mạng tháng 8, nên cô nói rất trôi chảy: “Dưới chế độ phong kiến thuộc địa thì nhân dân ta các tầng lớp sống lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phong kiến phản động” v.v và v.v… Hết bài. Thế là cô đem cách dạy ngoại ngữ vào một bài văn và cô giáo đinh ninh rằng khi trò hiểu được hết thảy nghĩa của bấy nhiêu cặp từ đó có nghĩa là trò hiểu bài văn. Đó là một nguyên nhân mà trò bây giờ không yêu giờ giảng văn. Còn lứa chúng tôi xưa, thầy dạy văn, thầy nói về sự thụ cảm của thầy với bài văn, và qua đó dòng chảy thụ cảm của thầy nhuần tưới trên mỗi trò, khiến chúng tôi nhớ suốt đời luôn.
Vậy thì trò bây giờ không yêu văn học là vì thầy, thì còn vì cái gì bây giờ, đổ vạ cho ai bây giờ? Tôi xin nói lại: Văn học được tạo lập ra bằng sự thụ cảm, vì vậy hỡi những ai muốn đến với nó thì chỉ có đến bằng sự thụ cảm thôi, còn như nếu đến bằng một cái gì đó khác với sự thụ cảm, đều thất bại, ngay cả khi đến với nó bằng trí tuệ đi nữa, cũng thất bại.
Bùi Bình Thi
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...