Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Thân phận người phụ nữ “Ở giữa những người đàn ông”

Thân phận người phụ nữ “Ở giữa 
những người đàn ông” (1)
“Người ta không phải sinh ra là phụ nữ: người ta trở thành phụ nữ”
(Simone De Beauvoir)
Tập truyện ngắn Ở giữa những người đàn ông của nhà văn trẻ Nguyễn Hương Duyên đa phần xoay quanh cuộc sống và bi kịch thân phận của người phụ nữ. Là tác giả nữ, Nguyễn Hương Duyên có nhiều thuận lợi hơn khi đào sâu khám phá thế giới nữ, khai thác những vấn đề hết sức nhạy cảm trong đời sống tình yêu và hôn nhân. Với nhiều nỗ lực sáng tạo trong việc phối hợp, luân phiên, linh hoạt ngôi kể, soi chiếu nhiều điểm nhìn khác nhau, thân phận và bi kịch người phụ nữ trong tập truyện của chị thêm phần đa dạng, ám ảnh, khơi gợi ở người đọc nhiều nỗi niềm đắng đót. Từ cuộc đời và số phận của người phụ nữ, nhà văn xác tín, khẳng định vị thế, bản lĩnh, tiếng nói nữ quyền và bộc lộ cái nhìn nhân văn sắc nét và tinh tế.
Hôn nhân là cái đích cuối cùng mang đến một gia đình và những đứa con trong hạnh phúc, viên mãn. Nhưng giữa tình yêu và hôn nhân không dễ dàng dung hòa, đồng nhất nếu thiếu đi sự quan tâm, lòng trân trọng. Hôn nhân là một thể chế. Tình yêu không thuộc thể chế ấy. Tình yêu hành động theo tiếng gọi của trái tim. Hơn nữa, quan niệm khác nhau và có sự thiên vị giữa giống đực so với giống cái, giống cái bị ràng buộc trong vai trò sinh đẻ và nội trợ còn giống đực được tự do, chủ động hơn trong mọi quan hệ. Vì vậy, chuyện người đàn ông ngoại tình sau hôn nhân, gây nên bi kịch gia đình và để lại những tổn thương cho nữ giới là điều không tránh khỏi xảy ra. Đó là lý do vì sao khi viết về nữ giới, đa phần các cây bút nữ xoáy vào vòng tròn định kiến: nhân định và thiên định.
Bi kịch tình yêu và hôn nhân của người phụ nữ ở tập truyện Ở giữa những người đàn ông được thể hiện khá rõ nét. Trong tình yêu và hôn nhân, không phải người đàn ông nào mà họ tựa vào, gửi gắm, trao trọn trái tim, cuộc đời mình cũng đưa đến hạnh phúc. Người thì ôm được quả ngọt, người thì phải ngậm ngùi víu lấy quả đắng. Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Cuộc đời Quỳnh trong truyện Cứ vậy đi Quỳnh đớn đau, tủi nhục kể từ khi cô bước vào cuộc hôn nhân với Nam. Những đòi hỏi của Nam biến người vợ thành một “búp bê tình dục” cốt để giải tỏa cơn lốc dục tính hết sức bệnh hoạn. Tháng ngày sống với Nam, Quỳnh bị giày vò, kiệt quệ về mặt thể xác lẫn tinh thần. Nhưng tình yêu đẹp không phải lúc nào cũng dẫn đến tình dục lý tưởng. Một khi thiếu sự trân trọng, ngưỡng mộ trước thân thể của người bạn đời thì tình yêu ấy sẽ sớm lụi tàn. Và Quang chính là động lực để Quỳnh trốn chạy khỏi Nam. Huệ trong truyện Chuyện cũ kể lại cùng cảnh ngộ với Quỳnh. Cứ tưởng lấy chồng thành phố, đời Huệ sẽ bớt khổ, nhưng Hoàn, chồng Huệ, chỉ là một kẻ ăn bám, biếng nhác, lại còn “hèn và ghen tuông bệnh hoạn”. 
Huệ lại nai lưng, chịu khổ cực, lo toan cho cả gia đình. Truyện Ở cuối phố, hiện lên trên cái nền đen đúa, nhớp nhúa của “một con hẻm nhỏ sâu hun hút với một bên là cái cống thải đen ngòm và một bên là bờ tường cao vút” [118] là số phận của những cuộc đời tăm tối, cơ cực. Hòe chấp nhận nỗi nhục nhã, ê chề của thân phận gái bán hoa để lo cho người chồng bị liệt chân và hai đứa con ăn học. Bi kịch của Hòe, khiến chúng ta phải suy nghĩ, xem xét lại vấn đề, bởi ở đâu đó trong cuộc đời này, đâu phải gái bán hoa nào cũng là người xấu, bị lên án. Họ có những nỗi niềm u uẩn riêng. Hòe không muốn bước vào con đường này, nhưng nếu không thế, cô lấy đâu ra trang trải cho gia đình khi trong tay không có đồng nào. Nàng trong truyện Quả ngọt trên cao dành hết thảy yêu thương, sự quan tâm, lo lắng cho người đàn ông mà mình yêu nhưng nàng chỉ nhận được cái kết là sự vô tâm, ích kỉ, hẹp hòi của anh ta. Chị trong truyện Nỗi đau eva không thể có được đứa con trai nối dõi sau sự cố tai nạn khiến chị và cô con gái luôn bị hắt hủi, dè bỉu từ phía mẹ chồng và chồng. Chị đành ngậm đắng nuốt cay nhìn chồng ngoại tình, có con với người đàn bà khác. Mẹ Thùy trong truyện Mây bay ngang trời cũng phải chấp nhận nỗi cay đắng khi chồng theo người đàn bà khác. Hân trong truyện ngắn cùng tên không chịu nỗi cảnh Nguyễn ngoại tình đành phải đi xa một thời gian mong xua tan nỗi buồn bã trong lòng. Hay cuộc đời đầy ngang trái của bà Sim gù, mẹ Hậu, Hậu trong Lặng im phía núi. Số phận đã không mỉm cười với cuộc đời họ. Như vậy, từ người phụ nữ truyền thống như mẹ Thùy (Mây bay ngang trời), chị (Nỗi đau eva)... cho đến người phụ nữ hiện đại như nàng (Quả ngọt trên cao), Hân (Hân), Hậu (Lặng im phía núi), Quỳnh (Cứ vậy đi Quỳnh),... đều phải sống trong cảnh lệ thuộc, phục tùng. Họ thiếu sự tự do khi thân phận luôn bị áp đặt trong tâm thế của kẻ bị động. Họ chưa vượt qua được chướng ngại vật của tình yêu và hôn nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra mọi bi kịch trong tình yêu và hôn nhân không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người đàn ông. Bởi chính người phụ nữ cũng tự giăng nên bi kịch cho chính mình. Thành trong truyện ngắn Ở giữa những người đàn ông rất mực yêu thương Ngân, thậm chí sẵn sàng bỏ qua, tha thứ chuyện Ngân ngoại tình. Ở đây, bi kịch của Ngân do Ngân tạo ra chứ Thành và con cái không có lỗi gì cả. Thiếu niềm tin và sống quá lãng mạn, dễ dãi, nên cô đã đánh mất chính mình. Yến trong truyện Hành trình dằng dặc cũng thế! Cô không quan tâm đến chồng con. Cô chỉ sống cho riêng mình, đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu của bản thân. Cô đua đòi ăn chơi, mua sắm, spa... Lối sống buông thả, vô tâm, chỉ sống cho mình chứ không sống vì người khác của cô tạo ra vết nứt tình cảm ngày càng sâu hoắm trong gia đình. Đó là lý do vì sao chồng Yến nhất quyết chia tay với Yến. Thùy trong truyệnMênh mang như khói, biết anh đã có vợ có con, cô vẫn yêu say mê, chấp nhận làm bồ nhí. Trong một lần chứng kiến anh bị tai nạn ở bệnh viện, Thùy đớn đau khi không thể làm được gì cho người mình thương yêu vì vợ con anh luôn bên cạnh, săn sóc cho anh. Việc chấp nhận tình yêu của người đàn ông đã có vợ, Thùy không chỉ đánh mất cuộc đời con gái của mình mà còn trở thành kẻ ăn cắp hạnh phúc của người khác.
Vậy, xét cho cùng, nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ, mất mát trong tình yêu và hôn nhân đa phần bắt nguồn từ chuyện ngoại tình. Đây là vấn đề nổi cộm, nhức nhối trong xã hội hiện nay. Trong tập truyện của Nguyễn Hương Duyên, đàn ông ngoại tình, đàn bà cũng ngoại tình. Người đàn ông ngoại tình vì họ khát khao đổi gió, tìm cảm giác lạ, khoái cảm mới mà người vợ không thể mang đến hoặc vì lý do hết sức cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có được cậu con trai để nối dõi. Còn đàn bà phản bội chồng không xuất phát từ khoái cảm mà do sự buồn bã, chán nãn trong gia đình khiến họ xem chuyện đó như là giải pháp để được giải tỏa ẩn ức, áp lực. Tuy có những phút giây sai lầm, lạc lối nhưng người phụ nữ vẫn rất đáng để chúng ta trân trọng. Bởi, trong mọi hoàn cảnh, họ luôn thể hiện lòng vị tha, hi sinh thầm lặng, cam chịu, chấp nhận thua thiệt của mình.
Đặc biệt, bản năng làm vợ, làm mẹ, bản năng tuyệt vời, thiêng liêng và cao quý mà tạo hóa đã ban tặng, luôn được đề cao trong truyện của Nguyễn Hương Duyên. Tình mẫu tử, tình phu thê khiến người phụ nữ chấp nhận kéo về mình những nỗi khổ đau hoặc sự thiệt thòi trong tình yêu và hôn nhân. Họ đặt hết niềm tin, hi vọng tuyệt đối vào cái gia đình nho nhỏ mà mình và chồng xây dựng nên. Nhưng cái thế giới, vũ trụ của người đàn ông quá lớn khiến họ không thể giữ chặt được. Người đàn ông có thể bỏ vợ, bỏ con mà ra đi với tình nhân nhưng phụ nữ thì không, bản tính nữ yếu đuối đẩy họ chôn chặt mình trong thân phận kiếp nữ: bé nhỏ, chịu nhiều đau khổ, mất mát và bất công. Nếp nghĩ đàn bà lo việc nhà cửa, con cái đã ăn sâu vào tiềm thức của người phụ nữ, khiến họ luôn tự xếp mình vào vị thế của kẻ lệ thuộc. Vị thế đó khiến họ sợ cảnh làm gia đình tan nát. Và cũng đeo mang, mặc định vào số phận họ sự cam chịu thua kém, cố gắng níu kéo, gìn giữ mái ấm, trái tim dẫu từng bị tổn thương vẫn không nguôi nồng nàn, dạt dào yêu thương trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Sự hi sinh thầm lặng ấy tự nó đã bật lên vẻ đẹp nữ tính, dịu dàng, vị tha vốn có của họ.
Nguyễn Hương Duyên dành nhiều ưu ái khi nói về thiên chức làm mẹ, làm vợ của người phụ nữ. Ở giữa những người đàn ông như Thành, Giao, Duy, Ngân mới nhận ra, lối sống buông thả, nông nổi, không biết điểm dừng trong các mối quan hệ khác giới tất yếu dẫn đến những mất mát, đỗ vỡ trong gia đình. Sự quan tâm, tha thứ của Thành và tiếng gọi mẹ thao thiết của hai đứa con đánh thức vai trò làm vợ, làm mẹ trong Ngân“... có đi đến cùng trời cuối đất thì tôi vẫn là tôi, cả tin, khờ dại và yếu đuối, và vẫn không thể nào quên được những ý nghĩ về Thành. Đến lúc tôi phải về thôi, nếu không vì Thành thì cũng vì hai đứa con yêu dấu” (Ở giữa những người đàn ông, [191]). Trong lỗi lầm, bế tắc của người phụ nữ, nhà văn Nguyễn Hương Duyên vẫn thấy ở Ngân sự lóe sáng của lòng sám hối, của tình mẫu tử. Đấy là cái nhìn hết sức nữ tính, sự cảm thông đầy nhân văn của tác giả trước bi kịch của người phụ nữ. Nhưng cũng từ hoàn cảnh của Ngân, nhà văn muốn nhắc nhở, cảnh tỉnh những người phụ nữ đừng vì phút xao lòng mà đánh mất sự ngọt ngào của tình yêu và mái ấm gia đình. Một cô Hòe chấp nhận bán thân để nuôi chồng nuôi con (Ở cuối phố). Hoàn cảnh xô đẩy, tủi nhục đủ điều, nhưng đáng quý ở chỗ, làm cái nghề bán thân xác mà Hòe không đánh mất vẻ đẹp nhân cách của mình.
Cô chủ động trả lại những đồng tiền “ăn nằm” với Vệ khi chứng kiến cảnh vợ con Vệ nheo nhóc vì đói khát. Hành động này, một phần nào đó, sự hi sinh và nhân phẩm của Hòe đáng để chúng ta suy nghĩ. Đặt Hòe vào hoàn cảnh khá éo le ấy, dường như nhà văn tin tưởng, hi vọng bản lĩnh cao đẹp sẽ giúp cô đứng vững trong cuộc đời này. Với Hòe, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Niềm tin ấy thể hiện khá rõ qua đôi mắt đầy lạc quan, hi vọng của Hòe khi ngày Tết, ngày sum họp đang đến gần: “những chậu mai, đào cứ chấp chới như cầu vòng bảy sắc” [135]. Hay nhân vật Huệ trong truyện Chuyện cũ kể lại, có những lúc, cô muốn từ bỏ tất cả, từng ngoại tình, nhưng vì mẹ chồng, vì hai đứa con, cô tiếp tục chịu đựng, nai lưng chèo chống, bươn chải, chấp nhận nuôi “ba đứa con thơ”. Quyên trăng hoa, say đắm tình yêu đến đỗi quên cả con của mình, nhưng khi rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, đứa con mất tích, trong thẳm sâu trái tim người đàn bà rong ruổi, mải miết với những cuộc tình chóng vánh vẫn dạt dào tình mẫu tử (Mây bay ngang trời). Quỳnh cũng thế! Khi thai mới 4 tháng, cô phải nhập viện vì bản năng dục tính thái quá của Nam (Cứ vậy đi Quỳnh). Tình mẫu tử đã vin cô đứng dậy, tìm mọi cách thoát khỏi bàn tay của kẻ bệnh hoạn. Hay nhân vật nàng trong truyện Quả ngọt trên cao, đánh đổi mọi thứ để bảo vệ, nuôi dưỡng đứa con trong vòng tay yêu thương chứ không phải trong sự ích kỉ, hẹp hòi của người bố...
Dành nhiều tình cảm đề cập đến tình mẫu tử nhưng nhà văn cũng hết sức thẳng thắn lên án khi tình mẫu tử bị vấy bẩn bởi chính người mẹ. Yến trong truyện Hành trình dằng dặc “không phải dạng vừa”, bên cạnh sự đanh đá, chua ngoa, hàm hồ là một cô Yến khôn khéo, toan tính, sẵn sàng hạ mình để mọi chuyện được êm xuôi. Cứ lần này đến lần khác, khóc lóc, xin lỗi chồng, xin lỗi mẹ nhưng cái tật, cái thói của cô vẫn không chừa. Trong mắt anh, Yến ích kỉ, xấu đủ điều. Yến thuộc tuýp người mẹ không thương con, không dành mọi sự quan tâm, lo lắng cho con. Nhà văn ngợi ca bản năng làm mẹ như Ngân, Quyên, Huệ... nhưng cũng hết sức khắt khe khi Yến đánh mất bản năng ấy. Con chỉ mới “táy máy” thỏi son mà Yến đã tát con không một chút động lòng, do dự. Sinh con, mục đích của Yến là được lấy chồng và dùng chính đứa con của mình để giam hãm chồng. Song đứa con không còn là cầu nối giữa Yến và người chồng. Yến khăn gói ra đi, thẳng thừng từ chối nuôi con vì sợ vướng tay vướng chân. Với người mẹ ấy, ly hôn là cái giá phải trả dành cho Yến. Những người phụ nữ chà đạp lên tình mẫu tử như Yến thật đáng trách. Sau mấy tháng ly hôn, cô trở về với “một bào thai 8 tuần cộng trừ 2 tuần tuổi”. Liệu đứa con tiếp theo có phải là cái cớ để Yến tiếp tục mục đích của chính mình? Đấy vẫn là “hành trình dằng dặc” ở phía trước.
Như thế, cánh cửa tình yêu và hôn nhân chấm dứt nhưng lại mở ra cánh cửa khác, cánh cửa của tình mẫu tử. Người phụ nữ hiện đại họ không quan tâm đến chuyện xoi mói hay suy nghĩ lạc hậu về cảnh góa phụ hay cảnh người mẹ đơn thân nuôi con. Bởi, tư duy hiện đại đã cho họ cái nhìn khác. Bản năng làm mẹ là khát khao lớn nhất trong cuộc đời họ. Họ có thể bất chấp tất cả thành kiến chỉ vì con. Và cũng bất chấp tất cả để thực hiện chức năng cao cả mà tạo hóa dâng tặng: “đàn bà phải chửa đẻ mới ra cái đời đàn bà”. Qua đó, nhà văn còn muốn nhắc nhở, đánh thức lương tâm của một số bà mẹ trẻ đừng vì cám dỗ vật chất hay đề cao cái tôi quá lớn mà bỏ đi đứa con mình từng mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày.
Đàn bà sinh ra đâu phải gắn liền với nỗi đau khổ. Nỗi đau khổ ấy do thành kiến xã hội từ bao đời nay tạo nên. Hôn nhân truyền thống bó buộc người phụ nữ gắn chặt với ngôi nhà của mình. Người đàn ông toàn quyền quyết định mọi việc. Còn đàn bà, cơ may là có chút ít quyền làm chủ trong ngôi nhà nho nhỏ ấy. Tuy không gian bốn bức tường chật hẹp giam chặt, đánh mất lòng kiêu hãnh vốn có của họ nhưng họ biết tận dụng nó để giữ chặt người đàn ông của mình. Đó là điều duy nhất mà họ có thể chống trả và phục hồi phần nào đó tâm thế bị động của mình. Cho nên, trước những tổn thất, đau thương, họ luôn kiên nhẫn, hi sinh thầm lặng, chấp nhận mọi biến cố với lòng vị tha, bao dung để bảo vệ sự vững chải, yên ấm cho ngôi nhà ấy. Người phụ nữ trong truyện của Nguyễn Hương Duyên cũng không thoát ra khỏi quy luật này. Ngỡ tưởng trong lòng chị đầy sự căm giận, khinh rẻ khi người chồng công khai ngoại tình, bỏ chị để lấy một người đàn bà khác, vậy mà, lúc ông chồng muốn quay về, chị lại tha thứ. Chỉ có sự tha thứ mới giúp chị vơi đi mọi ngang trái, khổ đau bấy lâu nay. Trong sự tha thứ ấy vẫn ánh lên lòng kiêu hãnh đầy tính nữ: “Chị thấy thanh thản hơn khi nói ra với con điều ấy. Và chị thấy mình trút khỏi gánh nặng đeo bám trong lòng, kể từ khi biết hắn bị người đàn bà kia đuổi ra khỏi nhà. Chẳng lẽ sau chừng ấy chuyện xảy ra chị lại đi gọi ông ta về? Ông ta phải về mà xin lỗi chị đã đã chứ!...” (Nỗi đau eva, [116-117]). Hành động ấy tự thân đã bộc lộ hết vẻ đẹp nữ tính, mềm mỏng, vị tha, độ lượng, vì chồng vì con của chị. Chuyện đưa đứa con ngoài giá thú về sống với vợ con không dễ dàng gì trong xã hội hiện nay nếu thiếu đi tình thương và sự cảm thông của người vợ và của cả gia đình. Sự chấp nhận ấy tuy ít nhiều làm đau lòng người trong cuộc, nhất là người vợ, người mẹ, bởi họ phải vượt qua những giằng xé, chấn thương về mặt tinh thần khi tình yêu bị đánh cắp, bị phản bội. Người mẹ trong truyện Cha và con gái là hiện thân của người phụ nữ truyền thống, sẵn lòng tha thứ, bao dung, yêu thương, giang rộng vòng tay chào đón đứa con không phải mình sinh ra như chính giọt máu mà mình mang nặng đẻ đau.
Người phụ nữ hiện đại không chỉ khôn khéo níu kéo người đàn ông của đời mình về phía mình mà còn biết cách thoát ra khỏi không gian bé nhỏ đó để được là chính mình, phát huy, đề cao giá trị nữ tính của mình. Họ không còn nhốt chặt, bó buộc cuộc đời của mình trong quan hệ với nam giới. Họ nổi loạn, kháng cự với những định kiến của xã hội bằng nhiều cách. Việc Quỳnh giãi bày tâm sự, kể lại chuyện đời mình cho nhân vật tôi, một nhà văn nghe cũng là biện pháp giúp cô vừa giải tỏa cõi lòng vừa thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh khi chính mình tự đứng dậy, đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc cho bản thân (Cứ vậy đi Quỳnh). Cách khước từ cũng là chìa khóa giúp người phụ nữ bản lĩnh phản kháng, chống cự, đòi sự tự do. Quỳnh khước từ Nam bằng cách trốn chạy về nhà mẹ đẻ. Chỉ đến khi gặp Quang, chính tiếng gọi của tình yêu chân thành, sự san sẻ của Quang đã giúp Quỳnh mạnh dạn dứt khoát từ bỏ Nam để làm lại cuộc đời. Dẫu phải từ bỏ một cuộc sống giàu sang, từ bỏ nghề dạy học cao quý để làm vợ một anh chàng thợ xây, lam lũ bán cá, nhưng với Quỳnh, như thế là đã quá mãn nguyện. Với người phụ nữ, họ đâu cần sự giàu sang nếu thiếu đi tình yêu và sự trân trọng lẫn nhau. Nguyễn Hương Duyên để nhân vật tự thổ lộ, bộc bạch tâm sự, tự nhìn nhận, phán xét mình, người đọc như đang đứng ở vị thế trực tiếp chứng kiến, tận mắt lắng nghe nỗi bất hạnh, bi kịch cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của bản năng được sống, được yêu, được làm mẹ của Quỳnh. Hân đi vào Sài Gòn một thời gian để nhìn nhận lại tình yêu giữa mình và Nguyễn (Hân). Thuộc kiểu phụ nữ truyền thống, “trong trẻo”, “hồn hậu”, “mềm yếu”, nhưng trước Tuấn, một trai bao rất chân tình và nhiều nỗi niềm éo le khi buộc phải dấn thân vào nghề này, Hân như sống trong một thế giới khác, cảm xúc khác, “mới mẻ, mụ mị và mê đắm”. Phải chăng chút yếu mềm ấy đã khiến Hân đánh mất chính mình, đánh mất hạnh phúc gia đình mà Hân đang tìm cách để vun vén? Nhưng không, khoảnh khắc bên Tuấn cùng những lời tâm sự của Tuấn càng thôi thúc Hân trở về. Hân cần phải thay đổi để làm mới mình và làm mới tình yêu mặn nồng bấy lâu đối với Nguyễn. Cuộc đi ấy giúp Hân bản lĩnh hơn, đưa Hân vào vị thế của người chủ động trong việc bảo vệ, gìn giữ hạnh phúc của chính mình. Quyên thuộc kiểu nhân vật nổi loạn, người đàn bà khát yêu, người đàn bà khoái lạc, luôn chạy theo tiếng gọi của tình yêu bất chấp quả ngọt hay quả đắng (Mây bay ngang trời). Bằng vứt bỏ mọi thứ thuộc về mình để chạy theo lo cho hai mẹ con Quyên, nhưng Quyên như con ngựa bất kham, dấn thân vào cuộc tình với Huy, với người đàn ông làm nghề thầu khoán... và “vẫn chưa thấy mệt mỏi với những cuộc đuổi bắt”. Thiên đường của tình yêu xác thịt khiến cô mụ mị, quên hết mọi chuyện, kể cả việc đứa con thơ đang chờ đợi mình ở nhà hằng đêm. Cô lao vào các cuộc tình để “đốt cháy tận cùng những cảm xúc yêu đương”, kiếm tìm sự tự do và trên tất cả là giải thoát nỗi cô đơn của chính mình. Hay nói cách khác, chỉ trong tay người đàn ông, cô mới cảm nhận được tình yêu, mới giải tỏa mọi ẩn ức đang dồn nén. Nếu xét theo tiêu chí của xã hội về chuẩn mực đạo đức thì Quyên thuộc kiểu người phụ nữ “lăng loàn”, đáng trách. Nhưng cái chính, nhà văn không hoàn toàn lên án Quyên mà thông qua đó chị muốn người đọc thấu hiểu bi kịch của Quyên. Bi kịch của người phụ nữ chưa bao giờ thỏa mãn trong tình yêu và tình dục. Đành rằng, sự nổi loạn của Quyên đối lập hoàn toàn với chuẩn mực truyền thống và việc chọn lựa cách sống, cách yêu không phải lúc nào cũng đúng nhưng mạnh dạn bày tỏ, thỏa mãn cái tôi cá nhân như thế đã nói lên khát khao được sống thật với chính mình. Quyên là mẫu người phụ nữ hiện đại, bản lĩnh, mạnh mẽ. Cái đích của lối sống tự do, phóng túng, buông thả không phải Quyên chứng minh mình là người đàn bà hư hỏng mà là cách để Quyên kiếm tìm sự tự do trong tình yêu, chinh phục chính mình. Ở một góc độ nào đó, Quyên thật đáng thương, đọng lại trong lòng ta những xót đắng về thân phận nữ giới. Thùy trong truyện Mênh mang như khói, hoàn toàn bị thuyết phục trước cách cư xử của người đàn bà hết sức bản lĩnh, vợ của anh. Nếu cô tiếp tục giành giật anh, cô sẽ nhận được gì ngoài ngôi biệt thự lộng lẫy và những ngày tháng chờ anh trong mòn mõi? Với sức trẻ, đẹp, Thùy có thể cướp anh từ tay người đàn bà kiêu hãnh kia nhưng Thùy không làm vậy, cô chấp nhận ra đi, chấm dứt những ràng buộc phù phiếm kia để gia đình anh được yên ấm, tâm hồn không nổi sóng gió, tận hưởng sự an lạc, nhẹ nhàng cho cõi lòng mình. Đấy là bản lĩnh của Thùy.
Cuộc đời dù nhiều khổ đau nhưng sẽ hết sức nhẹ nhàng, thanh thản khi con người biết vượt qua những trói buộc của trần cảnh, hướng đến hạnh phúc tự tâm.
Tạo ra từ xương sườn của người đàn ông, số phận phải chịu nhiều thiệt thòi như mặc định, gắn kết với cuộc đời người đàn bà. Nhưng vượt lên tất cả, họ luôn dành hết tình yêu thương và sự tận tụy, ân cần cho người mình yêu thương. Trong vai trò làm vợ, làm mẹ, họ bộc lộ khá đầy đủ vẻ đẹp của mình: vị tha, bao dung, giàu lòng hi sinh. Từ nỗi đau thân phận của Hòe, Huệ, Ngân, Quỳnh, Thùy, Hân... những cái tôi bí ẩn của đàn bà được kể, được bày tỏ tinh tế, thể hiện được ý thức phái tính, tự xác tín cái cá biệt nữ khá sâu sắc.
Khai thác đề tài tình yêu và hôn nhân là câu chuyện cũ của văn xuôi, cũng không phải là mới của nhà văn Nguyễn Hương Duyên. Người đọc đã từng suy tư, trăn trở với giọng văn sâu lắng, đầy cảm xúc trong Bến đợi nhọc nhằn (2). Tuy nhiên, việc khai thác bản năng vô thức cũng như ý thức về phái tính bằng tư duy hướng nội, nhà văn đã có sự đồng cảm, san sẻ với nỗi đau của những người phụ nữ hết sức tinh tế, sâu sắc, đặt dấu ấn riêng cho tập truyện Ở giữa những người đàn ông. Nhờ thế, độc giả như trực diện chứng kiến tiếng nói giãi bày hết sức chân thật của những người phụ nữ và không nguôi day dứt, ám ảnh trước nỗi đau thân phận của một kiếp người. Tập truyện có đề cập đến đề tài đồng giới, đề tài chiến tranh, ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng cách viết còn khái quát, khá “e ngại”, dè dặt. Nếu có sự mạnh dạn, táo bạo hơn trong cách chọn lựa đề tài, mở rộng đề tài, phản ánh được hiện thực phức tạp của xã hội, chúng tôi tin rằng chị sẽ đưa đến nhiều bất ngờ, nhiều cái khác mới cho văn xuôi. Nhưng quan trọng hơn cả, thông qua vấn đề thân phận người phụ nữ, tác giả gióng lên hồi chuông cảnh báo: trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, gia đình đang đứng trước những thách thức, cạm bẫy và nguy cơ xói mòn giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp. Tình trạng ly hôn, ngoại tình, mại dâm, bạo lực gia đình... có xu hướng tăng cao, gây bất lợi đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Có thể xem đây là tiếng kêu khẩn thiết của tác giả trước tình trạng đổ vỡ của gia đình, hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tiến bộ của xã hội. Vì thế, gìn giữ hạnh phúc gia đình là việc làm thiết thực, quan trọng, rất cần sự chung tay của mỗi người.
1. Nguyễn Hương Duyên, Ở giữa những người đàn ông, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.
2. Nguyễn Hương Duyên, Bến đợi nhọc nhằn, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006.
3. Simone De Beauvoir, Giới nữ, tập I, II (Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch), NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1996.
Xuân Ca, nhac Phạm Duy ca sĩ Ngọc lan
Mùa đông 2015
Hoàng Thụy Anh
 Theo http://vanhocquenha.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...