Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Đến Lai Châu thăm “Tây Bắc đệ nhất động”

Đến Lai Châu thăm “Tây Bắc đệ nhất động”
Pu Sam Cáp là tên gọi một quần thể thắng cảnh tuyệt đẹp của Lai Châu, cách Thủ đô Hà Nội 500km. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm ôm lấy những thác nước hùng vĩ, những dòng suối trong mát, với số lượng động thực vật hết sức phong phú và các hang động liên hoàn với hệ thống nhũ đá và mạch nước ngầm đã trải qua hàng triệu năm kiến tạo. Pu Sam Cáp được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2012 và là điểm đến hấp dẫn của miền Tây Bắc.
Từ thị xã Lai Châu, theo tỉnh lộ 129 về phía cao nguyên Sìn Hồ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một dải núi hùng vĩ trùng điệp lượn vòng cung, ẩn hiện trong mây trời. Ðó là Pu Sam Cáp, theo tiếng Thái có nghĩa là "núi ba hang", nơi chứa đựng hàng chục hang động, suối ngầm nằm ở độ cao khoảng 1.700 m so với mực nước biển. Không biết từ bao giờ, người dân địa phương đã truyền nhau sự tích về động Pu Sam Cáp thật đẹp và cảm động: Xưa có cô gái đẹp là con của chúa bản, nàng đem lòng yêu một chàng trai tốt bụng nhưng nhà nghèo. Bị cha ép gả cho kẻ quyền quý, nàng đã bỏ trốn theo tiếng gọi của tình yêu. Chúa bản bắt nàng nhốt vào hang, sai người lấp hang lại. Pỏ Chạ (tức ông trời) thương cảm đã ban phép màu mở cửa hang, ban cho nhà cửa, ruộng vườn, trang trí hang nguy nga, lộng lẫy. Nhưng rồi khi bị phát hiện, cả hang đã hóa đá, cả cô gái và đứa con của nàng. Cha mẹ và người yêu nàng hối hận, ôm lấy tượng đá mà khóc, nước mắt họ chảy thành suối róc rách đêm ngày...
 Ðến thăm các hang động này, du khách sẽ bị cuốn hút bởi muôn vàn cảnh sắc vừa thơ mộng, quyến rũ, vừa huyền ảo và tráng lệ. Ngay từ những bước chân đầu tiên dưới chân núi, khung cảnh rừng nguyên sinh với những tán cổ thụ xòe rộng bám đầy phong lan và tầm gửi, rễ cây chằng chịt, những loài hoa rừng, cỏ lạ đã mời gọi sự tò mò khám phá. Theo con đường mòn đi lên vài trăm mét, du khách sẽ bước qua một cửa vòm lớn để tham quan động Thiên Môn có vô số những "tác phẩm nghệ thuật" của thiên nhiên được dựng lên từ đá và trên đá. Nào ruộng bậc thang, rừng cây, dòng sông, nào hoa lá, chim muông... tất cả hiện lên sống động, giống như một mô hình thu nhỏ của núi rừng Tây Bắc. Tầng tầng, lớp lớp nhũ đá rủ xuống từ vòm hang và "mọc" lên từ nền đất, với bao sắc mầu óng ánh, từ trong suốt đến trắng ngà, xanh mướt, tím đỏ... Trong không gian tĩnh lặng, mát rượi ấy, ta cảm nhận được tiếng gió khẽ thì thầm, tiếng tí tách của những giọt nước tinh khiết ngày đêm chảy từ những khối đá khổng lồ. Càng vào sâu bên trong, hình thù của nhũ đá và những hình ảnh trên vách hang càng biến đổi kỳ thú, gợi nên vô số liên tưởng ở mỗi người. Cùng với hệ thống bậc thang thiên tạo có sẵn, Ban quản lý di tích đã bố trí thêm thang và những cuộn dây để giúp du khách di chuyển thuận lợi, an toàn. Ðèn chiếu sáng cũng được ban quản lý hang lắp đầy đủ và không quá mầu mè, để có thể mang lại đủ ánh sáng mà vẫn tôn lên vẻ đẹp tự nhiên huyền ảo của các nhũ đá, cột đá.
Ðộng Thiên Ðường, cái tên phần nào nói lên vẻ đẹp của nó, lộng lẫy với những cảnh non xanh, nước biếc bốn bề, cảnh tiên nữ đang nhảy múa giữa những đám mây bồng bềnh, cảnh giã gạo, múa xòe rộn rã của con người trần gian... Trong lòng động chứa những cột nhũ như những cột thủy tinh cao sừng sững với hoa văn tinh xảo, uốn lượn, xếp quanh một hồ nước nhỏ trong vắt như gương. Trên đường đi, có những tảng đá rộng và bằng phẳng để du khách nghỉ chân, ngắm ánh mặt trời trên cao chiếu xuyên qua tán lá rừng và qua những kẽ đá xuống lòng hang, lung linh như nhảy múa. Sau khi "đã mắt" với cảnh núi đồi, du khách lại như được đưa về miền biển cả xa xôi bao la với những dải "sóng đá" nhấp nhô trải dài từ dưới chân thềm hang lên tận lưng chừng hang, đây đó có cả những phiến đá uốn cong tựa hình sóng biển, với cơ man nào là cá, tôm, ngọc trai. Dường như mỗi vùng, miền, mỗi khu vực đều có sản vật đại diện. Những hình hài đa dạng vừa lạ, vừa quen, kích thích trí tưởng tượng phong phú của du khách, với những bức tượng Phật, Bụt đá, những nàng tiên đá, những người lính gác cổng, những con rồng, kỳ lân, sư tử... đứng trang nghiêm, vững chãi. Chính giữa động Thiên Ðường là một không gian cực kỳ rộng rãi với vòm hang cao vút và nền đất bằng phẳng, tựa như một "nhà hát của thiên nhiên" vậy.
Tiếp đến là động Thủy Tinh, nổi bật với một vòm nhũ đá dày đặc và một khối đá được ví như hình ngai vàng và lọng vàng của vua chúa xưa, tọa lạc sừng sững uy nghi trên điểm cao nhất. Nếu đi sâu hơn nữa, du khách sẽ phát hiện ra những nhũ đá rất tự nhiên và vô tình đã chia hang thành nhiều ô nhỏ, diện tích chỉ 5-7 m2, giống như những căn phòng riêng. Từ các cửa hang, du khách cũng có thể đi tiếp theo các lối mòn để lên trên cao, ra phía ngoài động, nơi có những cánh rừng móc thuần chủng quanh năm sương phủ. Nếu có sức khỏe, hãy dành chút thời gian đóng vai nhà thám hiểm, băng qua quãng rừng rậm rạp và triền dốc gập ghềnh, để lên đến đỉnh núi. Tại đây, người thưởng ngoạn sẽ có cảm giác thăng hoa như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, thưởng thức bản giao hưởng của chim chóc, ngắm nhìn cảnh vật ẩn hiện trong sương mờ. Và hơn thế nữa, du khách có thể tự do phóng tầm mắt xuống các thung lũng, bình nguyên chung quanh. Xa xa là thị xã Lai Châu, một thị xã trẻ đang từng ngày thay da, đổi thịt, vươn lên thành một đô thị vùng cao hiện đại, năng động. Bên cạnh đó là khung cảnh êm ả, thanh bình của các bản làng dân tộc thiểu số thấp thoáng xen giữa những nương ngô, ruộng bậc thang đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Nằm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Lai Châu, quần thể di tích động Pu Sam Cáp gắn với mô hình du lịch sinh thái, mạo hiểm và du lịch văn hóa - nhân văn. Ðược thiên nhiên ưu đãi cảnh quan tươi đẹp, nhiều sản vật quý giá, cùng với những đặc sản từ con người như văn hóa bản làng, ẩm thực, âm nhạc dân gian, nghề truyền thống..., Pu Sam Cáp đã và đang thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, xứng danh kỳ quan "Tây Bắc đệ nhất động". Cùng với lòng hiếu khách của đồng bào các dân tộc, chén rượu nồng được trao từ đôi tay các thiếu nữ Mông, Dao, Thái, Giáy... như muốn giữ chân những người bạn trong tình đoàn kết hữu nghị. Và khi ra về, núi rừng Pu Sam Cáp lại reo lên những bản nhạc của gió mây, của nước, của chim muông như lời chúc an lành và hẹn ngày gặp lại.
Nguồn dulichvn.org.vn
Theo http://baoquangngai.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết là hành lạc

Viết là hành lạc Lý luận văn học cổ điển Á Đông cho rằng “Tâm sinh ngôn”, ngôn viết ra là văn. Nguyễn Du nhận định: “Chữ tâm kia mới bằng ...