Khúc hát ban mai rừng Tây Bắc
Thật ra trong suốt cuộc hành
trình gần 10 ngày rong ruổi từ Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu sang Lào Cai, Yên
Bái..., điều mà tôi luôn luôn muốn được chứng minh, và hoàn toàn có thể chứng
minh được, là ngược lại: Tây Bắc không xa một chút nào. Người ta có thể tìm thấy
bất cứ một sản vật quý nào của Tây Bắc ngay tại Hà Nội, cũng như được hưởng tiện
nghi thành phố ở những nơi ngỡ là xa xôi nhất phía cực Tây.
Thế nhưng khi về đến nơi,
nhìn lại trên bản đồ vệt đường mình mới đi qua, nghe tất cả những ý kiến mà các
thành viên trong đoàn du khảo xuyên Việt Qua miền Tây Bắc nói về chuyến đi này,
chợt lại nghĩ khác. Giống như trong một câu thơ F. Lorca viết về miền Cordu: Dù
ta thuộc hết đường hết lối..., miền đất ấy vẫn là một miền xa thẳm, Tây Bắc với
tôi cũng vậy.
Trong chuyến du khảo văn hóa
xuyên Việt lần thứ ba do Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số tổ chức hằng năm với
sự tài trợ của Toyota Việt Nam, chúng tôi đã đi một con đường khá dài. Trên đường
về, gần đến Hà Nội, người lái xe nói rằng chúng tôi đã đi được một chặng đường
gần đủ để xuyên Việt theo chiều dọc. Trong một chặng đường dài như vậy, mỗi cuộc
dừng chân đều là một câu chuyện.
Lẽ ra phải bắt đầu từ lúc mà
đoàn du khảo văn hóa khởi hành, từ những đêm cồng chiêng ở Hòa Bình, những buổi
lặn lội đến bản Tông, bản Mái (Sơn La) xem múa xoè, nghe đàn tính tẩu, hay những
chuyến đến thăm vội vã những bản mới định cư của người Dao trên thượng nguồn
sông Ðà...Thế nhưng, tôi lại muốn bắt đầu câu chuyện của mình từ điểm giữa cuộc
hành trình, trên một đèo cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.
Gần như cả ngày ngồi trên ô-tô, chúng
tôi đi qua dãy Hoàng Liên Sơn vào lúc chiều tà, cho tới lúc nhảy ra khỏi xe
trên đỉnh đèo này, tất cả đều choáng ngợp trước một vẻ đẹp tráng lệ và huy
hoàng, khi trùng trùng trước mắt hết ngọn núi cao vời vợi này đến ngọn núi cao
vời vợi khác, và mây trắng bay cuồn cuộn dưới những khe sâu... Có ai nói đến một
con số nào đó hình như là 2.800m so với mặt biển về độ cao ở đây, nhưng con số
chẳng làm ai để ý thì phải. Chúng tôi đứng lặng trên đèo, Nông Quốc Bình thường
vẫn không nói gì, lại lặng lẽ cắt nửa chai nước khoáng ra làm cốc, chia cho mỗi
người một hớp rượu.
Dường như có một bàn tay nào
đó chạm vào một nỗi niềm sâu kín có tên gọi là niềm yêu xứ sở trong lòng tất cả
mọi người, dù chẳng ai nói lên điều đó, trừ cụ Nguyễn Ðình Ðầu, nhà khoa học 82
tuổi, cao niên nhất trong đoàn. Cụ nói cả đời mình chỉ làm bản đồ, chỉ biết vẻ
đẹp miền Tây Bắc trên bản đồ, không thể ngờ được rằng non nước thật sự đẹp đến
thế này. Từ buổi chiều tà rất huy hoàng trên dãy Hoàng Liên Sơn đó, tôi đột
nhiên hiểu ra một điều rằng tất cả những gì vừa thấy ở Tây Bắc mấy ngày qua, những
day dứt-đã có, những âu lo và những chạnh lòng-biết chắc còn tiếp tục ở chặng
sau, sẽ chỉ là những suy ngẫm bé nhỏ trước sự hùng vĩ của núi rừng nơi đây.
Những day dứt quả thật có rất
nhiều. Người đầu tiên nói về nỗi day dứt là nhạc sĩ Bùi Ðức Hạnh, tác giả của
bài hát Tình ca Tây Bắc. Ðêm đầu tiên rời Hà Nội là đêm cồng chiêng ở Hòa Bình,
nhạc sĩ Bùi Ðức Hạnh hòa giọng để song ca với một nữ ca sĩ địa phương bài hát của
mình. Nhìn ông hạnh phúc và cảm động. Bốn mươi ba năm, gần cả một đời người mới
trở lại Tây Bắc, thấy bài hát của mình vẫn được mến yêu đến như vậy, làm sao mà
không cảm thấy hạnh phúc kia chứ.
Nhưng chỉ hai đêm sau, chính
nhạc sĩ đã nghẹn ngào đến ứa nước mắt khi nói rằng Tây Bắc không còn như ông thấy
cách đây bốn mươi ba năm trước nữa. Các cô gái dân tộc bây giờ xinh đẹp quá,
múa hay hát giỏi, nhưng mà chuyên nghiệp quá, dù chỉ là một đội văn nghệ trong
bản. Ông không còn thấy những cảnh êm đềm, nếp nhà sàn xinh xắn, khói lam chiều,
những người đàn ông đeo dao quắm vào rừng, những lời ca điệu múa mộc mạc... Nhạc
sĩ còn đọc lại nguyên vẹn cả bài thơ dài của nhà thơ Cầm Giang, mà một phần lời
đã được ông phổ nhạc để trở thành bài hát tình ca Tây Bắc nổi tiếng, như để
minh chứng cho cái đẹp trong tâm hồn người Tây Bắc xưa giàu có và phong phú lắm.
Không đến nỗi nghẹn lời như vậy, nhưng
cũng tràn đầy nỗi niềm, GS Tô Ngọc Thanh hầu như rầu lòng nhìn những điệu múa
Thái bị cải biên, những trang phục Thái được cách tân. Ngay cả PGS Hoàng Lương,
chính gốc dân tộc Thái, người suýt nữa làm vỡ cả hội trường Nhà văn hóa tỉnh
Sơn La vì một bản tụng ca vẻ đẹp của những phụ nữ dân tộc mình, trong một cuộc
nói chuyện riêng cũng buồn bã mà công nhận rằng bản Lác-một nơi đoàn du khảo đi
qua-giờ hỏng mất rồi, sức công phá của du lịch lớn quá. Tôi cũng từng đến bản
Lác mấy năm trước, lúc ấy những người phụ nữ Thái mời tôi mua những tấm thổ cẩm
họ dệt khi về nhà chồng, những kỷ vật mà tôi cho là quý báu trong cuộc sống của
họ. Giờ quay lại, thấy thổ cẩm ở đây, lụa tơ tằm ở đây, và nhiều đồ lặt vặt nữa...
rõ ràng có xuất xứ từ những nơi khác.
Ði vào bản mà cứ như vào phố
Hàng Gai, có lẽ những kỷ vật xưa đã bán hết mất rồi, trẻ con trong bản cũng vẫn
không học chữ Thái. Và tôi sợ một bản người Mông tôi đi ở Sa Pa cũng sẽ rơi vào
tình cảnh tương tự, nơi bản Tả Phìn ấy, giá cả mọi đồ thêu đều viết bằng tiếng
Anh và trẻ em, phụ nữ đi theo khách cũng nói tiếng Anh khá sõi trong việc mời
mua hàng. Những việc vừa kể, nếu có choáng cũng chỉ là choáng nhẹ, người bị
choáng nặng nhất có lẽ là GS Ðặng Nghiêm Vạn. Sau một bài phát biểu dài đầy bi
tráng về số phận dân tộc Mông khiến ai cũng cảm động, trong bữa liên hoan tưng
bừng sau đó, ông giơ máy ảnh lên chụp mấy cô thiếu nữ Mông rực rỡ từ bản Sa Phó
đến, và được ngay một cái chặn tay đầy biểu cảm: No money, no photo... Ðiều kiện
để được chụp ảnh thực ra không đáng mấy, chỉ hai nghìn đồng. Nghe nói ông buồn
lắm.
Cần phải nói thêm là trong
đoàn du khảo qua miền Tây Bắc lần này, có rất nhiều giáo sư. Mà các giáo sư,
nói như GS Phạm Ðức Dương, chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học Ðông-Nam Á, Việt
Nam, một vị giáo sư rất đáng được yêu mến mà chúng tôi hay gọi đùa là
"thanh niên 73 tuổi" bởi sự nhanh nhẹn và sôi động của ông , thì các
giáo sư vốn sách vở và lãng mạn nên cứ thích dằn vặt thế thôi. Thực ra Tây Bắc
như ông biết cách đây 40 năm và Tây Bắc bây giờ không khác nhau là mấy đâu. Tuy
nhiên, về cuối cuộc hành trình, kể cả có mất ngủ vì tiếng karaoke trong đêm Sa
Pa, cuối cùng thì các giáo sư cũng đều thống nhất rằng mọi đổi thay ở Tây Bắc đều
cần hiểu và chấp nhận. Ðó là một sự phát triển tất yếu đầy tính ngẫu nhiên, một
hài hòa văn hóa ở giữa vùng đất sông Ðà và sông Hồng với 20 sắc tộc khác nhau.
Tôi cũng chắc là không có gì
đáng phải buồn lòng một khi bà con dân tộc đi làm nương bằng xe máy và nấu cơm
bằng nồi cơm điện như chúng tôi thấy ở bản Pó (Sơn La) hoặc bản Na Vai (Lai
Châu). Thậm chí nhìn các cô gái Thái duyên dáng xinh tươi của các đội văn nghệ
bản Tông, bản Mái cười thật đẹp khi mời rượu khách xong lại mặc ngay một bộ đồ
rất mốt bằng vải giả da đi xe máy về bản cũng chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên.
Hôm ngồi ở bản Tông (Sơn La), một chị phụ nữ đứng tuổi, chị Lò Thị May, tự hào
chỉ cô con gái của mình trên sân khấu: Con gái chị đấy, tóc búi cao, chưa tằng
cẩu (nghĩa là chưa lấy chồng), nó hay phải đi biểu diễn lắm, ngày có khi mấy buổi
biểu diễn, xuống Hà Nội luôn ấy mà...
Thì ra các cô gái trong đội văn nghệ bản
thật ra là lực lượng văn nghệ chuyên nghiệp. Khách đến bản thường xuyên, múa
hát và mời rượu cũng thường xuyên, các cô coi đó là công việc, xong việc mặt lại
thản nhiên như không vậy. Ở tất cả các chợ của mấy tỉnh mà chúng tôi đi qua,
trong làn sương sớm, vẫn có những phụ nữ dân tộc váy thêu rực rỡ gùi ngô đến
bán. Nhưng trong chợ, gà làm sẵn, cá tươi mổ, cắt khúc theo yêu cầu của người
mua, giò chả bày trong tủ kính... nghĩa là những dịch vụ thương nghiệp mang đầy
tính thị thành, biểu hiện của một lối sống bắt đầu công nghiệp hóa, giống như ở
chợ Hàng Bè, tràn khắp các tỉnh Tây Bắc tự nhiên cũng làm tôi thấy ngại.
Ở Hà Nội, muốn ăn lợn Mường,
gà ri, hay cả gà Mông nữa, những người sành điệu phải chọn những con vật đang
nuôi thả, và phải đi xa lên những mạn gần miền núi kiểu như Lương Sơn hay Ba
Vì, Sơn Tây. Thế mà nhìn vào chợ miền núi lại toàn thấy gà làm sẵn thì quả cũng
hơi chán, trong chuyện chợ búa đúng là miền núi tiến kịp miền xuôi thật rồi. Chợ
Sơn La, chợ Ðiện Biên, chợ Sa Pa... cũng giống như chợ Ðồng Xuân thu nhỏ, có tất
cả mọi thứ trừ một cái gì đó khiến chúng mang nét đặc trưng của một chợ vùng
cao.
Chợ là cảm nhận của riêng
tôi. Trong đoàn du khảo, mỗi người có một cách cảm nhận. Với nhiều người, Tây Bắc
có thể là một sự khám phá lại. Trong sự khám phá lại ấy, có phần mừng vì Tây Bắc
xanh hơn, đường sá tốt hơn, điện nhiều hơn, đời sống nhân dân khá hơn, có phần
day dứt như tôi kể ở trên... Có cả một sự khám phá lại đáng buồn, khi ở trong
đoàn, một thành viên đã khóc vì gặp lại người yêu cũ trong một nhà hàng massage
ở Lai Châu.
Tây Bắc cho người ta một cái
nhìn phong phú. Có lần trong một bản nhỏ, chúng tôi đi tìm kiếm những nếp nhà
sàn, nhưng không thấy. Phóng viên ảnh Xuân Bình dành thời gian rất lâu cho một
con chim bé tí xíu đậu trên một dây phơi chăng toàn quần áo cũ trước hiên một
ngôi nhà lụp xụp, làm theo kiểu nhà người dưới xuôi. Một sự kiên nhẫn đáng nể từ
phía người chụp ảnh lẫn con vật nhỏ đứng làm mẫu. Tại sao con chim nhỏ đó lại
chịu để người ta chĩa ống kính vào mình lâu thế?-Tôi hỏi Xuân Bình và nghe được
một câu trả lời đầy nghiêm chỉnh: Nó bị mù!
Con chim nhỏ đó, chắc là nó
bị mù thật, nhưng nó biết trên đầu nó có một mái nhà và có lẽ vì thế nó không sợ
gì cả. Dọc đường đi, chúng tôi nhìn thấy ở mỗi ngôi nhà sàn ven đường đều có rất
nhiều lồng chim treo trước hiên. Trẻ con ở đây thích chơi chim lắm-một người
đàn bà gặp ven đường giải thích như vậy-Nhà sàn nào cũng có những lồng chim. Một
con chim nhỏ tìm được một nơi chốn an toàn cho nó, có thể không kể trên đầu
mình là một mái nhà của dân tộc nào. Kiểu nhà dưới xuôi đang dần chiếm chỗ
trong bản làng, nhất là những bản làng mới. Ðó cũng là hài hòa để phát triển,
không có cách nào hơn.
Mấy năm nữa, nhìn vào tốc độ
phát triển hiện nay, Tây Bắc rồi sẽ còn khác nhiều. Trong số gần 2000 km mà
chúng tôi đã đi, có không dưới một nửa, áng chừng thế, là những con đường đang
được làm hoặc đang được sửa chữa. Sỏi đá chất hai bên những con đường vốn đã hẹp.
Ði trên đường, chỉ gặp những người thợ làm đường, rất vắng dân. Chính vì thế mà
cả một đoàn xe 12, 13 chiếc Land Cruiser nối đuôi nhau đi trên đường núi rõ ràng
là một cảnh lạ mắt, và trẻ em vẫy chào hai bên đường một cách nồng nhiệt rất
ngây thơ mỗi chiếc xe qua khiến chúng tôi vừa buồn cười vừa cảm động. Nhưng có
những nơi hoang vắng không có bóng người nào, có khi đi đến vài chục km mới gặp
một người.
Trên một quãng đường vắng
như thế giữa Lai Châu và Lào Cai, mắt tôi vấp phải một bức tranh đắp trên một
kè đá chân núi, bức tranh cement, đắp một cây dừa, một mặt trời... giống hệt
như một bức tranh dưới xuôi thường thấy bên những thành giếng xây hoặc trên những
bức tường hoa. Chắc là một người thợ quê đồng bằng nào đó nhớ nhà! Bức tranh
cement không cần biết đến xấu hay đẹp, tràn đầy cảm xúc và thật thú vị giữa một
nơi ít người qua lại như vậy. Cái dấu hiệu khác thường và nhỏ nhoi ấy khiến tôi
không thấy Tây Bắc là xa xôi lắm. Vậy mà về Hà Nội nhìn những nhà sàn đang dần
trở thành mốt một số vùng ngoại ô, trong khi nhà sàn Tây Bắc thưa thớt dần. Ðường
lên Tây Bắc quanh co, bóng nhà sàn thấp thoáng..., nghe câu hát đó, lòng lại chạnh
một niềm nhớ nhung không cắt nghĩa được về một miền Tây Bắc xa thẳm như chưa từng
đi qua bao giờ.
Tây Bắc là sự quyến rũ bí ẩn
đối với tôi. Không chỉ sắc màu của các dân tộc người với nhiều phong tục lạ, mà
còn là núi non trùng điệp quấn quít mây bay, là những rừng cây rậm rạp hoang vu
kỳ ảo, là những con suối vừa hiền hòa vừa dữ dội len lỏi giữa các khe đá, miên
man qua năm tháng khúc nhạc rừng bất tận... và đặc biệt là chim rừng, những nhạc
sĩ kỳ tài của thiên nhiên ban tặng cho miền núi rừng, đã tung thả vào không
gian núi rừng những cung bậc tuyệt vời mà không có bản hòa tấu nào, giai điệu
nào sánh nổi. Tôi may mắn có được một lần đắm mình trong âm thanh rừng của bình
minh Tây Bắc, giữa chuyến đi hiếm hoi ở miền rừng này. Khúc hát ban mai bằng muôn
vàn tiếng chim hót, là ấn tượng khó phai trong tôi, dù sau này nhiều lần đi đến
nhiều miền rừng ở nhiều nơi khác.
Khi những tia nắng đầu tiên,
mỏng manh màu cam nhạt còn lấp ló sau những đỉnh núi nhòn nhọn xám mờ, chưa đủ
sức xuyên thủng màn sương trắng đục như đổ mây che phủ rừng cây, trùm lên những
nóc nhà... Mọi vật còn ngái ngủ trong sự yên tĩnh trong trẻo... Hơi rùng mình với
cái tê tê lạnh phả ra từ khí núi, vẫn mơ màng ấm áp với dư âm một giấc mơ đẹp,
tôi bỗng thót người khi nghe một tiếng chim lảnh lót, réo rắt trong như ngọc,
giống mũi tên xuyên qua màn sương, át cả tiếng gió lướt trên các ngọn núi, đầy
quyền lực và có lẽ đầy ma lực... Sau tiếng chim, cả núi rừng như chuyển động, bắt
đầu là tiếng lao xao của người, rồi tiếng gõ móng lộp cộp của gia súc, tiếng gà
kêu, ngựa hí... Cả một mớ âm thanh hỗn tạp nơi làng bản chuẩn bị cho một ngày mới.
Song tất cả đều như bị chìm khuất bởi dàn đại hòa tấu của muôn loài chim rừng
hót đón chào mặt trời. Dàn nhạc chim này đã tạo cho bình minh Tây Bắc cái rộn
ràng đặc biệt mà không đâu có được.
Tiếng chim hót có cung bậc
trầm bổng, nhịp nhàng, không có ai tranh cướp, chen lấn ai. Có lúc hòa vào
nhau, có lúc tách riêng ra như có một vị chỉ huy thần bí điều khiển. Cả một bản
hợp âm phong phú, đa dạng, đa âm sắc như một dòng chảy của âm thanh tràn ngập cảnh
rừng núi trong nắng sớm. Tôi có thể khẳng định không có một nhà nuôi chim cảnh,
vườn chim cảnh-nào có được khúc nhạc rừng đầy ngẫu hứng của chim rừng Tây Bắc
hay như vậy. Tôi không phân biệt được tiếng hót nào của loài chim nào, mà chỉ
nghe, cảm nhận trong trạng thái say mê, không dứt ra được, người như lâng lâng
giữa tiếng chim.
Tiếng chim lúc ríu ran như kể
cho nhau nghe những câu chuyện mà chỉ có chim mới hiểu - Có tiếng khác lại đục
đục, khàn khàn, chậm rãi nhả từng tiếng, tưởng tượng như một triết gia đang giảng
đạo đức cho lũ chim non láu táu cứ hót líu tíu, nhõng nhẽo không chịu rời tổ tập
bay tìm mồi theo cha mẹ. Có những tiếng chim hót tha thiết, nghe như thôi thúc,
giục giã, đứng ngồi không yên phải tìm một việc gì để làm... Cũng có tiếng chim
hót một hơi dài lanh lảnh, kiêu kỳ như một kẻ đành hanh, chanh chua... Bên cạnh
đó lại có tiếng hót trong veo, mảnh như sợi dây kéo dài quấn quanh các ngọn
cây, đánh thức từng cái lá non xòe nở. Ngược lại, có tiếng hót nghe rụt rè, nhẹ
nhàng, giữa các quãng nghỉ của loài khác. Thỉnh thoảng, lẫn trong các tiếng
chim một giọng hót khắc khoải, như chờ đợi như khẩn cầu, có lẽ là của một con
chim lẻ bạn, lẻ bầy. Lại có loài tiếng hót nghe oai phong, rền vang cả một khoảng
rừng. Đôi lúc có tiếng hót như một chuỗi âm thanh nghịch, nghe ngộ nghĩnh, khiến
cho ta phải bật cười và nghĩ đến sự nghịch ngợm của loài chim nào đó. Cũng có
khi, cả khu rừng im bặt, nhường cho hai con chim hót xướng họa, tiếng chim vút
lên như chạm đỉnh núi, chạm mây, chạm vào những tia mặt trời hồng rực đang tỏa
sáng xua tan màn sương phủ... Giai điệu thần tiên xoáy vào lòng người vẻ đẹp
thánh thiện của âm thanh... Rồi như một cây đũa thần chỉ huy, cả khu rừng cùng
bật lên bản hòa âm của muôn tiếng hót du dương quyện vào nhau, mà nghe trong đó
có cả tiếng suối róc rách, tiếng gió lao xao, tiếng lá rừng rì rào, tiếng rơi
nhẹ nhàng của giọt sương từ trên ngọn lá rơi xuống thảm cỏ làm nền... Tôi đắm
trong âm thanh khúc hát ban mai của núi rừng Tây Bắc, và không thể nào quên được
cái cảm giác tuyệt vời khi thưởng thức giai điệu thiên nhiên tinh khôi, thần
tiên, hồn nhiên giữa cảnh rừng hoang vu Tây Bắc. Khúc hát ban mai của những
loài chim rừng làm cho Tây Bắc hoang sơ, kỳ bí bừng sáng hơn trong bình minh.
Cho những váy áo đầy sắc màu trên những khu ruộng bậc thang thắm sắc rực rỡ
hơn. Cho những nụ cười tươi hơn và cuộc sống dù đơn sơ vẫn luôn ấm áp ngọt ngào
tràn niềm vui. Chợt phấp phỏng lo sợ, nếu một ngày kia, vì lòng tham lam của
con người, những nhạc sĩ thiên tài của thiên nhiên, những chú chim hoang dã bị
bắt nhốt vào lồng... Khúc hát ban mai không còn. Và bình minh Tây Bắc buồn... rừng
buồn... người buồn...
Theo http://captainchau.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét