Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Tiếng đàn Tỳ Bà trên bến Tầm Dương

Tiếng đàn Tỳ Bà trên bến Tầm Dương
Riêng tặng BS Nông Thế Anh
I/CUỘC GẶP GỞ ĐỂ ĐỜI:
Trên sông Tầm Dương đêm ấy, một đêm trăng tuyệt đẹp và êm đềm, chỉ còn nghe tiếng mái chèo đều đặn khua sóng nước, làm lao xao đám cỏ lau sậy ở bến sông. Nước trời bao la, gió thu se lạnh, lòng người cũng cảm thấy cô độc, u hoài. Trong khoang thuyền vừa neo đậu giữa dòng, có một khách du khoác tấm áo xanh đã củ sờn vai, đang nâng chén rượu tiễn đưa người bạn đi xa. Chợt hai người nhìn nhau im lặng vì vừa nghe văng vẳng đâu đây tiếng đàn Tỳ bà réo rắt. Tiếng đàn như vút theo gió, theo mây; lướt qua không gian sóng nước mông mênh, trong tiết trời se lạnh của một đêm thu trên sông. Giữa bến sông hẻo lánh tại một huyện lỵ xa kinh đô nhà Đường, sao lại có một danh kỷ nào có tài đánh đàn Tỳ bà thật độc đáo, mang âm hưởng của nhã nhạc cung đình thế này. Hai người ra hiệu cho ông lái đò tìm đến nơi phát ra tiếng đàn Tỳ bà huyền diệu đó.
Tiếng đàn khoan nhặt, có lúc nỉ non như tiếng ve sầu, có lúc miên man cuồn cuộn như sóng nước Trường giang, cũng có lúc thánh thót như mưa rơi trên phiến đá. Thanh âm độc đáo này ắt phải do một tay danh thủ, không ngờ lại  phát ra từ một con thuyền nhỏ nghèo nàn đang neo đậu ở bến sông có nhiều lau lách. Khi cập vào mạn thuyền, họ mới biết người đánh đàn Tỳ bà là một phụ nữ đã luống tuổi, nhưng nét duyên dáng vẫn chưa phai nhạt. Khách dungõ lời mời người kỷ nữ sang thuyền mình để được nghe nàng đánh đàn.
Có ai ngờ rằng cuộc hội gặp gỡ đêm ấy tai bến sông Tầm Dương của  huyên Cửu giang đời Đường, giữa một nhà thơ và một nữ danh kỹ đánh đàn để lại cho hậu thế cả ngàn năm sau những vần thơ tuyệt tác làm rung đông lòng người.Ta hãy nghe lời kể lại bằng thơ của chính người trong cuộc Năm thứ mười, đời Hoàng Đế Yuan Ho [Đường Huyền Tn] tôi bị giáng chức và bị đày về huyện Cửu Giang làm tùy viên. Mùa hè năm sau đó, khi tôi đang tiễn một người bạn ra đi, chúng tôi nghe trên thuyền bên cạnh có tiếng đàn tỳ bà theo điệu nhạc kinh đô.
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
Chủ nhơn hạ mã khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm vô quản
Túy bất thành hoan thảm tương biệt
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt
Hốt văn thủy thượng tỳ bà thanh
Chủ nhơn vong quy khách bất phát
B.C.D
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty [1]
Say những luống ngại khi chia rẽ,
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong
Đàn ai nghe vẳng bên sông,
Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi
Người dịch:          P.H.T                       
1.Chén Quỳnh là chén ngọc quý, ý nói chén rượu. Trúc ty là ống sáo và dây đàn, ý nói buổi tiệc rượu có âm nhạc đàn, sáo…
Hỏi thăm thì biết là người chơi đàn từng là một ca kỹ ở kinh đô ngày trước và ngày nay là vợ của một thương nhân. Tôi mời cô ấy qua thuyền tôi chơi nhạc.
Tầm thanh ám vấn đàn giả thùy
Tỳ bà thanh đình dục ngữ trì
Di thuyền tương cận yêu tương kiến
Thiêm tửu hồi đăng trùng khai yến
Thiên hô vạn hoán thủy xuất lai
Do bão tỳ bà bán già diện
Chuyển trục bát huyền tam lưỡng thanh
Vị thành khúc điệu tiên hữu tình
B.C.D
Tìm tiếng sẽ hỏi ai đàn tá?
Dừng dây tơ nấn ná làm thinh
Dời thuyền ghé lại thăm tình,
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc
Mời mọc mãi, thấy người bỡ ngỡ,
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.
Vặn đàn mấy tiếng dạo qua,
Dẫu chưa nên khúc tình đà thoảng hay.
P.H.T
Cô ấy kể lại cho chúng tôi nghe chuyện đời cô và nỗi bất hạnh của cô
Huyền huyền yểm ức thanh thanh tứ
Tự tố bình sanh bất đắc chí
Đê my tín thủ tục tục đàn
Thuyết tận tâm trung vô hạn sự
Khinh long mạn nhiên mạt phục khiêu
Sơ vi Nghê thường hậu Lục yêu
Đại huyền tào tào như cấp vũ
Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ.
B.C.D
Nghe não nuột mấy dây buồn bực,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu;
Mày chau, tay gảy khúc sầu,
Dãi bày hết nỗi trước sau muôn vàn.
Ngón buông bắt ,khoan khoan dìu dặt,
Trước Nghê Thường sau thoắt Lục Yêu
Dây to dường đổ mưa rào rào,
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng
P.H.T
Tào tào thiết thiết thác tạp đàn
Ðại châu tiểu châu lạc ngọc bàn
Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt 
U yết tuyền lưu thủy hạ than
Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt
Ngưng tuyệt bất thông thanh tiệm yết 
Biệt hữu u sầu ám hận sanh
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh
B.C.D
Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu,
Trong hoa oanh ríu rít nhau,
Nước tuôn róc rách, chảy mau xuống ghềnh.
Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt,
Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ;
Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng ngắt, bây giờ càng hay.
P.H.T
Ngân bình sạ phá thủy tương bính
Thiết kỵ đột xuất đao thương minh
Khúc chung thu bát đương tâm hoạch
Tứ huyền nhứt thanh như liệt bạch 
Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch
Trầm ngâm phóng bát sáp huyền trung
Chỉnh đốn y thường khởi liễm dung
B.C.D
Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước,
Ngựa sắt giong, sàn sạt tiếng đao;
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông;
Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,
Áo xiêm khép nép hầu mong giãi lời.
P.H.T
Tự ngôn bổn thị kinh thành nữ
Gia tại Hà mô lăng hạ trú 
Thập tam học đắc tỳ bà thành
Danh thuộc giáo phường đệ nhứt bộ
Khúc bãi tằng giáo thiện tài phục
Trang thành mỗi bị Thu Nương đố
Ngũ lăng niên thiếu tranh triền đầu
Nhứt khúc hồng tiêu bất tri số
B.C.D
Rằng: “Xưa vốn là người kẻ chợ,
Cồn Hà Mô trú ở lân la;
Học đàn từ thuở mười ba,
Giáo phường đệ nhất chỉ đà chép tên.
Gã Thiện tài so phen dừng khúc, [2]
Ả Thu nương ghen lúc điểm tô,
Ngũ Lăng chàng trẻ ganh đua,
Biết bao the thắm chuốc mua tiếng đàn.
P.H.T 
2. Gã Thiện Tài và Ả Thu Nương là tên những nhân vât nam nữ có tài danh  và sắc đẹp. Ngũ lăng niện thiếu ý ám chỉ các vương tôn cống tử, quyền quý
Điền đầu ngân bề kích tiết toái
Huyết sắc la quần phiên tửu ô
Kim niên hoan tiếu phục minh niên
Thu nguyệt xuân phong đẳng nhàn độ
Đệ tẩu tùng quân a di tử
Mộ khứ triêu lai nhan sắc cố
Môn tiền lãnh lạc xa mã hy
Lão đại giá tác thương nhơn phụ
B.C.D
Vành lược bạc gãy tan dịp gõ,
Bức quần hồng hoen ố rượu rơi;
Năm năm lần lữa vui cười,
Mải trăng hoa, chẳng đoái hoài xuân thu
Buồn em trảy, lại lo dì thác,
Sầu hôm mai đổi khác hình dong;
Cửa ngoài xe ngựa vắng không,
Thân già mới kết duyên cùng khách thương.
P.H.T
Thương nhơn trọng lợi khinh biệt ly
Tiền nguyệt Phù Lương mãi trà khứ [3]
Khứ lai giang khẩu thủ không thuyền
Nhiễu thuyền nguyệt minh giang thủy hàn
B.C.D
          
3. Phù Lương là thị trấn Phù Lương, nơi người chồng ca kỷ đi buôn trà
Khách trọng lợi khinh đường ly cách,
Mải buôn chè sớm tếch nguồn khơi;                 
Thuyền không, đậu bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng giãi, nước trôi lạnh lùng…
P.H.T
Từ ngày rời kinh đô đến nay tôi không hể thấy buồn, nhưng từ đêm hôm đó, tôi bắt đầu cảm nhận gánh nặng của cuộc đời đi đày của tôi. Vì vậy, tôi viết bài thơ 616 chữ này.
Dạ thâm hốt mộng thiếu niên sự
Mộng đề trang lệ hồng lan can
Ngã văn tỳ bà dĩ thán tức
Hựu văn thử ngữ trùng tức tức
Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhơn
Tương phùng hà tất tằng tương thức
Ngã tùng khứ niên từ đế kinh
Trích cư ngoạ bịnh Tầm Dương thành
B.C.D                
Đêm khuya, sực nhớ vòng tuổi trẻ,
Chợt mơ màng dòng lệ đỏ hoen.
Nghe đàn ta đã chạnh buồn,
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời:
Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau,
Từ xa kinh khuyết bấy lâu,
Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai.”.
P.H.T
Tầm Dương địa tịch vô âm nhạc
Chung tuế bất văn ty trúc thanh
Trú cận Bồn giang địa đê thấp
Huỳnh lô khổ trúc nhiễu trạch sanh
Kỳ gian đán mộ văn hà vật
Ðỗ quyên đề huyết viên ai minh
Xuân giang hoa triêu thu nguyệt dạ
Vãng vãng thủ tửu hoàn độc khuynh
B.C.D
Chốn cùng tịch lấy ai vui thích,
Tai chẳng nghe đàn địch cả năm:
Sông Bồn gần chốn cát lầm,                       [4]
Lau vàng, trúc võ, âm thầm quanh hiên.
Tiếng chi đó nghe liền sớm tối:
Cuốc kêu sầu, vượn hót véo von;
Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn,
Lần lần tay chuốc chén son ngập ngừng.
P.H.T                                                       
4. Chốn cát lầm là nơi cát đội lên che lấp các vật dụng, ý nói nơ iv ùi chôn tài năng
Khỉ vô sơn ca dữ thôn địch
Ấu nha triều triết nan vi thính
Kim dạ văn quân tỳ bà ngữ
Như thính tiên nhạc nhĩ tạm minh
Mạc từ cánh toạ đàn nhứt khúc
Vi quân phiên tác tỳ bà hành
Cảm ngã thử ngôn lương cửu lập
Khước toạ xúc huyền huyền chuyển cấp
B.C.D
Há chẳng có ca rừng, địch nội?
Giọng líu lo buồn nỗi khó nghe.
Tỳ bà nghe dạo canh khuya,
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai.
Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca.
Đứng lâu dường cảm lời ta,
Lại ngồi lựa phím đàn đà kíp dây.
P.H.T
Thê thê bất tự hướng tiền thanh
Mãn toạ trùng văn giai yểm khấp
Toà trung khấp hạ thùy tối đa
Giang châu Tư Mã thanh sam thấp
Nguyên tác:    
Bạch Cư Dị
Nghe não nuột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi;
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh
[Người dịch: Phan Huy Thực]
II/TÁC GIẢ BẠCH CƯ DỊ & DỊCH GIẢ PHAN HUY THỰC:    
Những đọan thơ chữ Hán trên của B.C.D là trích đọan từ bài thơ Tỳ Bà Hành nổi tiếng của nhà thơ Bạch Cư Dị, một đại thi hào đời Đường. [làm khỏang năm 835]. Còn những đọan thơ song thất lục bát là của dịch giả  thi sĩ Phan Huy Thục, một bản dịch [khỏang năm 1831] được đánh giá là tuyệt tác từ trước đến nay.    
Bạch Cư Dị tự là Lạc Thiên, hiệu là Hương Sơn cư sĩ, sinh tại Thiểm Tây  năm 772. Từ nhỏ nối tiếng hiếu học và thông minh. Mười lăm tuổi ông đã bắt đầu làm thơ. Thuở nhỏ nhà nghèo, ở thôn quê ông đã am tường nỗi vất vả của người lao động.
Sống và lớn lên trong thời đại vương quyền, đất nước triền miên trong chiến tranh nên ông đồng cảm với những khát vọng và uất hận của các tầng lớp dân chúng thấp hèn, nghèo khó trong xã hội phong kiến đương thời. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến những thăng trầm của cuộc đời ông và từ đó ươn mầm cho những dòng thơ hiện thưc và phê phán cua ông sau này.                              
Đổ Tiến sĩ năm 20 tuổi, được phong chức Tả Thâp di trong triều nhà Đường, nhưng với tính tình cương trực, ông đã không ngần ngại bênh vực lẽ phải, phê phán những thế lực quan lại bè phái xu nịnh  nên ông không được vua và các nịnh thân ưa thích. Họ diềm pha khiến vua đợi có dịp hạch tội. Năm 815 đời vua Nguyên Hòa thứ mười, ông bị  vua giáng chức làm Tư mã [tùy viên] ở Giang Châu trong ba năm. Chức vụ nhỏ này không có thực quyền, không được làm vịêc gì ích lợi cho dân cho nước nên ông sinh buồn bả, chán ngán thế thái, nhân tình. Ông dành nhiều thời gian học đạo trong một mái nhà tranh bên cạnh một ngôi chùa, “ôm túi thơ, rượu bầu” du ngọan đó đây. Bài thơ Tỳ bà hành làm trong giai đọan này. Tác phẩm nổi tiếng của Bạch Cư Dị ở Việt Nam có lẽ là bài Tỳ bà hànhTrường Hận Ca.
Giai đoạn từ năm 821 tới năm 824 làm thứ sử Hàng Châu, năm 825 làm thứ sử Tô Châu, sau được triệu về kinh làm Thái Tử thiếu phó. Năm Hội Xương thứ 2 (842) về hưu với hàm thượng thư bộ Hình, sau mất tại Hương Sơn năm 846 hưỡng thọ 74 tuổi. Là một trong những nhà thơ hàng đầu của thi ca Trung Quốc, trong Đường thi, ông chỉ xếp sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Thơ của ông đại diện cho dòng thơ hiện thực, phê phán. Thơ ông với những lời lẽ giản dị, mạnh bạo phản ánh nổi uất nghẹn của dân chúng bị áp bức trong đói nghèo,  phê phán bọn tham quan, ô lại như trong bài Tần trung ngam, Tân nhạc phủ
Ông chủ trương cùng với Nguyên Chẩn và Lưu Vũ Tích theo con đường “phục cổ cách tân” chọn những cái hay của thi ca cổ điển để đổi mới thi ca đượng thời, Ông muốn thi ca phải gắn bó với nhân sinh, phản ánh hiện thực xã hội và phải có tư tưởng nhân văn. Bạch Cư Dị đã nói “Làm văn phải vì thời thế mà làm, làm thơ phải vì thực tại mà viết“ (Văn chương hợp vi thời nhi trước, thi ca hợp vi sự nhi tác).
Ông để lại cho hậu thế trên 2800 bài thơ. Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo như trong bài Trường hận ca. Ông  công kích đời sống xa hoa của các tham quan, thông cảm với nỗi thống khổ của dân chúng (Tần trung ngâmTân nhạc phủ). Ông cảm thấy đời mình cũng lận đận, long đong,  ba chìm bảy nổi chẳng khác gì người đời (Tỳ bà hành). Ông thông cảm với những thân gái chịu bao tập tục hủ bại và cảnh nghèo túng (Nghị hôn).
Riêng hai bài Tỳ bà hành và Trường hận ca, bằng lối kể chuyện miêu tả, đã tỏ rõ tài thơ của Bạch Cư Dị.  Ngoài ra ông còn làm một số bài thơ về thiên nhiên trong nhưng lúc nhàn du.. Thơ của ông vương một nỗi buồn kín đáo. Ông cũng thích đàm đạo về Thiền, về Lão Trang.
Điều may mắn là nguyên tác được dịch ra Việt ngữ một cách tài hoa bởi nhà thơ Phan Huy Thực. Bài thơ dịch có một ảnh hưởng to lớn trong văn học cổ nước ta. Có rất nhiều bản dịch của các tác giả nổi tiếng như Phan văn Ái và một số tác giả vô danh nhưng chỉ có bản dịch của Phan Huy Thực là hay nhất. Nếu nguyên bản chữ Hán gồm 88 câu 7 chữ thì bản dịch độc đáo của Phan Huy Thực làm theo thể thơ song thất lực bát [7-7-6-8] cũng 616 chữ. Nhiều học  giả trước năm 1954, khi nói về bản dịch tiếng Việt đều cho là của Phan HuyVịnh, nhưng sau đó nhà nghiên cứu Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến cũng đã thông báo trên tạp chí Nam Phong cho biết dịch giả “Tỳ bà hành” là Phan Huy Thực. Tiếp đó Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Ly … và sau này Phạm Văn Diêu, Tạ Ngọc Diễn … cũng xác nhận như vậy. Đặc biệt GS Phan Huy Lê cho biết gia phả họ Phan ở Thạch Châu và Sài Sơn đều chép thống nhất người dịch “Tỳ bà hành” là Phan Huy Thực. Thời điểm ra đời của bản dịch là  trước năm 1831.
Bản dịch “Tỳ bà hành” được phổ biến rộng rãi và được xem như một di sản văn học quí giá của Việt Nam, chủ yếu là nhờ bản dịch của Phan Huy Thực. Người dich khi gặp những đoạn khó thường giữ lấy ý chính của tác giả mà bỏ qua nhiều chi tiết. Nhưng nếu chi chú ý kỷ xảo mà quên nội dung thi lai không làm người đọc hiểu chính xác. Dich giả P.H.T đã khôn khéo vận dụng từng hoàn cảnh cụ thể, vừa dich thoát ý mà vẫn tôn trọng ý chính của tác giả, cũng như dùng những từ binh dân va gợi hình, gợi cảm. Vi du chỉ trong 4 câu đầu thay vi dich sát ý chữ: dạ[ban đêm], phong diệp [lá phong], địch hoa [lau, sậy]thu sắt sắt [gió thu lạnh], nguyệt [mặt trăng] PHT lai dùng chữ :canh khuya, lau lách điu hiu và gương trong, đọc lên nghe gần gủi, xúc cảm hơn. Riêng chữ “lau lách” có tính ẩn dụ [thay vì dùng chữ lá phong], đã nói lên thân phận của con người nhỏ nhoi, tầm thường. Còn chữ “chén quỳnh, trúc ty” gợi lên buổi tiệc rượu chia tay có nhạc xướng... Trong suốt tòan bài thơ dịch chúng ta còn tìm được những câu chữ gợi hinh như “thiết kỵ đột xuất đao thương binh” được dịch là “ngựa sắt dong san sát tiếng đao”. Hay là ở câu thơ cuối:”Giang Châu Tư Mã thanh sam thấp” được dich là “Giang Châu Tư Mã đượm màu áo xanh” đã nói lên tình cảnh tuy đã 43 tuổi rồi nhưng địa vị, công danh vẫn chưa có gì nổi bật [áo xanh khác với hoàng bào]. Nghệ thuật thoát dich như thế quả là điêu luyện. Dịch giả đã chọn thể thơ 7-7-6-8 để diễn đạt một lối kể chuyện lên bổng [ngắt 3 chữ của hai câu song thất] và xuống trầm [nhờ sự nhẹ nhàng, đều đặn âm độ của hai câu lục bát]. Cho nên tài hoa, văn thơ giỏi như cụ Tản Đà cũng không dịch bài Tỳ bà hành mà chỉ chọn bài Trường hận ca để chấp bút. Đóng góp lớn nhất của Phan Huy Thực là sử dụng tiếng Việt, dùng những từ ngữ thông thường, được chọn lọc khéo léo, sáng tạo, làm cho tác phẩm.có sức truyền cảm mạnh. Từ rất lâu bản dịch Tỳ Bà Hành đã được phổ cập rộng rãi và được xem là một tác phẩm văn học xuất sắc, tồn tại độc lập với nguyên tác. Qua bản dịch này,  khả năng diễn đạt tư tưởng và tình cảm cũng như nhạc tính phong phú của ngôn ngữ Việt Nam đã được chứng minh. Nội dung bài thơ Tỳ Bà hành đã gợi hứng sáng tác cho các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh, Xuân Diệu, Vũ Hòang Chương. Các bản dịch Tỳ Bà Hành , đã được đưa  vào hát nói, nhất là ca trù rất được mọi người ưa thích. Năm 1986, bài Tỳ Bà Hành (bản dịch), được nghệ sĩ Quách thị Hồ [miền Bắc VN] thể hiện bằng thể ca trù đã được LHQ tặng giải thưởng cao quý.
III/ TIẾNG ĐÀN TỲ BÀ [bản dịch của P.H.Thực]
Bài thơ dịch Tỳ Bà Hành  gồm 616 chữ, có 22 khổ thơ song thất lục bát kể lại câu chuyện gặp gỡ của quan Tư Mã Giang Châu họ Bạch với người đánh đàn Tỳ bà, Trong một đêm thu, nghe người ca nữ đã luống tuổi ở bến Tầm Dương đánh đàn và kể chuyện cuộc đời chìm nổi của mình đã một thời phú quý và nổi danh Ông cảm thấy cuộc đời ấy có khác chi cuộc đời mình, đường quan lộ cũng gặp nhiều trắc trở, đang bị giáng cấp quan, tài năng bị chôn vùi ở xứ giang Châu này.                                                             
Bài Tỳ Bà Hành của BCD mạch lạc, sinh động, theo lối “ thuật hoài”, miêu tả cảnh ngộ, để gửi gắm tâm sự riêng tư. Tác giả cũng là một người mà đường công danh không mấy thuận lợi, bị đồng liêu gian ác, hãm hại, nên ông dễ thông cảm, xót thương người kỷ nữ đánh đàn cũng có cuộc đời “ba chìm bảy nổi”. Vì thế khi đọc, bài thơ ngân vang trong lòng người thưởng thức một cảm xúc ngậm ngùi, một nỗi buồn thắm thía.
Tiếng đàn cũng được diễn tả rất tài tình, tâm trạng ưu tư của kỷ nữ đã tuôn trào ra theo tếng đàn Tỳ bà, lúc thì mang âm thanh của tiếng mưa rào rạt, tiếng oanh ríu rít, tiếng nước tuôn róc rách, tiếng đao sàn sạt, tiếng lụa xé kêu vang ... với các múc độ lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm. Đặc biệt có những giây phút tiếng đàn đột nhiên ngừng lại, im bặt như sự sụp đổ không ngờ của một số phận, rôi sau đó lại rung lên bằng những tiếng tơ lạnh ngắt run rẫy, như tiếc nuối một dĩ vãng vàng son. Sự diễn tả tiếng đàn như thế thật tuyệt vời.…
Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt,
Trước Nghê Thường sau thoắt Lục Yêu,
Dây to dường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng.
Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu,
Trong hoa oanh ríu rít nhau,
 Nước tuôn róc rách, chảy mau xuống ghềnh.
Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt
Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ
Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng ngắt, bây giờ càng hay
Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước,
Ngựa sắt giong, san sát tiếng đao;
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây
.
IV/ TIẾNG ĐÀN THÚY KIỀU [của Nguyễn Du]
Tôi không có ý định so sánh tài năng của Bạch Cư Dị và thi hào Nguyễn Du qua thi phẩm tuyệt tác của hai đại thi hào, dù Nguyễn Du đã được vinh danh là ‘danh nhân văn hóa thế giới”. Bất cứ sự so sánh nào cũng không công bằng và chính xác. Thi hào Nguyễn Du cũng có một bài thơ “Long Thành Cẩm giả ca” có nội dung và hình thức hơi giống với “Tỳ bà hành của B.C.D”. Thi văn VN qua mấy ngàn năm bắc thuộc nên ít nhiều chịu ảnh hưởng của T.Q. Riêng truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du cũng thế, mặc dầu có những nét mới lạ, độc đáo, xuất sắc riêng biệt.
Bạch Cư Dị [772-846] là một đại thi hào nổi danh trong nhóm Đường thi, được mọi thê hệ yêu mến, chỉ xếp sau Thái Bạch và Đổ Phủ. Bài thơ nổi tiếng Tỳ bà Hành làm năm 815, với 616 câu, 7 chữ tả lại cuộc gặp gở của nhà thơ với người kỷ nữ đánh đàn Tỳ bà vào một đêm trăng mùa thu trên bến sông Tầm Dương. Chỉ có vỏn vẹn gặp nhau trong một đêm ngắn ngủi, làm sao với 616 câu thơ BCD kể hết những tình tiết  của cuộc đời nàng.
Trong khi đó Thi hào Nguyễn Du [1765-1820] đã có thuận lợi khi kể lại cuộc đời của nàng Kiều trong suốt 15 năm lưu lạc giang hồ qua truyện dài 3.254 câu thơ lục bát chữ Nôm. Người kỹ nữ của Bạch Cư Dị có cuộc đời long đong, nhưng chắc chắn không bạc mệnh và rơi nhiều nước mắt như số phận của nàng Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều cũng là một người đánh đàn tuyệt kỹ, nhưng nhạc khí là hồ cầm..Tiếng đàn của nàng cũng đã được Nguyễn Du miêu tả không thua gì thi hào tiền bối Bạch Cư Dị.
Trong truyện Kiều, suốt 15 năm lưulạc, Nguyễn Du miêu tả 5 lần tiếng đàn hồ cầm của Thúy Kiều, trong những hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Lần thứ nhất, Kiều gảy đàn cho Kim Trọng nghe, lần thứ hai cho riêng Hoạn Thư, lần thứ ba cho vợ chồng Thúc Sinh trong bữa tiệc "đánh ghen", lần thứ tư cho Hồ Tôn Hiến trong tiệc "Mừng chiến thắng" và lần cuối cùng nàng lại đàn cho Kim Trọng nghe trong đêm tái hồi. Trừ lần cuối cùng, tiếng đàn của nàng bao giờ cũng đau xót,: Ngậm đắng nuốt cay”, khiến người nghe phải xúc cảm. lệ rơi.
*Lần thứ nhất, khi vừa cắt tóc thề thốt với Kim Trọng, theo lời yêu cầu của người yêu, Kiều đã đàn cho chàng nghe. Tiếng đàn được mô tả như sau:     
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Tiếng đàn ấy khiến người nghe phải xốn xang cảm xúc:
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày
*Lần thư hai khi đã trở thành con hầu của nhà Hoạn Thư, nàng đàn cho Hoạn Thư nghe. Tiếng đàn nỉ non của Kiều chỉ nhằm mục đích trỗ tài, lấy cảm tình Hoạn Thư:
Phải đê mê mả chiều trời.
Trúc tơ hỏi đền nghề chơi mọi ngày,
Lĩnh lời nàng mới lựa dây
Nỉ non thanh thót dễ say lòng người

Lần thứ batưởng Kiều đã chết, Thúc Sinh đành trở về Vô Tích với vợ lớn. Hoạn Thư cho bày tiệc rượu "tẩy trần",  rồi bắt Thúy Kiều đánh đàn giúp vui. Tiếng đàn trong tiệc “đánh ghen” này thật là mĩa mai,
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

Người cười nụ là Hoạn Thư mà kẻ khóc thầm là chàng Thúc: 
*Lần thứ tư, khi đã âm mưu và giết được Từ Hải, Hồ Tôn Hiến mở tiệc khao quân và ép nàng Kiều đánh đàn. Tiếng đàn trong hoàn cảnh này thật xót xa, đau đớn vì Kiều đang chịu tang chồng [Từ Hải]
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay
Ve kêu vượn hót nào tày
Lọt tai Hồ cũng chau mày rơi châu
Lần thứ năm, cũng là lần cuối cùng sau 15 năm chia cách, khi sum họp với Kim Trọng, Kiều lại gảy đàn cho Kim Trọng nghe. Tiếng đàn của nàng lần này khác hẳn tiếng đàn bạc mệnh của những lần trước, vui vẻ nhờ tâm lý an lạc, sum họp với người xưa, khiến Kim Trọng ngạc nhiên:
Chàng rằng: 'Phổ ấy tay nào,
Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?
Tẻ vui bởi tại lòng này,
Hay là khổ tận đến ngày cam lai“?
Tài tả tiếng đàn của Bạch Cư Dị và của Nguyễn Du sỡ dĩ xuất sắc là nhờ vào hai yếu tố: tâm cảnh nhất như của người đánh đàn và sự đồng điệu, đồng cảnh ngộ giữa người nghe và người đàn.
Qua phân tích 2 bài thơ, nguyên tác của Bạch Cư Dị và bài dịch của Phan Huy Thực, cũng như qua viện dẫn tiếng đàn của Thúy Kiều; chúng ta đều đồng ý với nhau rằng ở vào thời điểm nào mà người nghệ sĩ có sự hòa hợp giữa cảnh và tình [nhà Phật gọi là “tâm cảnh nhất như”] thì tác phẩm ra đời trở nên tuyệt tác. Người nghệ sĩ phân biệt các tình huống sau đây:
*Đối cảnh sinh tình có nghĩa đứng trước cảnh thì tình cảm và tư duy mới phát sinh.
*Nội tâm ảnh hưởng tới ngoại cảnh, mà trong truyện Kiều cụ Nguyễn Du có nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
*Tâm cảnh nhất như là cảnh [ngoại giới] và tâm [nội giới] hòa hợp làm một. Người nghệ sĩ không còn cái tâm phân biệt, tâm và cảnh trong nhau là một thực thể. Trường họp tiếng đàn của nữ ca kỷ trong Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị và tiếng đàn của Thúy Kiều trong Đọan trường tân thanh của Nguyễn Du là thí dụ điển hình, sau khi đã trãi qua hai tình huống tâm lý khác nhau.
Yếu tố thứ hai là sự đồng cảm giữa người nghe và người đàn khiến cho hai bên hiểu nhau dễ dàng và thắm thía từng nốt, từng cung điệu. Dĩ nhiên không bắt buộc hai tâm trạng phải hoàn toàn giống nhau, mà chỉ cần có cùng một tình cảm nào đó như nhau là đủ gây nên hiện tượng đồng cảm. Kỷ nữ đánh đàn trong Tỳ Bà Hành kẻ lại cuộc đời mình qua những thăng trầm, giai đoạn hưng thịnh: ngựa xe đưa đón của các vương tôn công tử, danh vọng và sự ngưỡng mộ lên tột đỉnh.Bản thân nàng lo mải mê hưởng thụ hạnh phúc, phú quý mà chẳng để ý là thời gian trôi qua nhanh. Sau đó tuổi già đến, gia đình gặp nhiều bất hạnh, khách ái mộ không còn tìm đến “dập dìu như xưa”, khiến nàng phải sống trong nghèo nàn nên cuối cùng đành lấy chồng là khách thương [buôn trà]. Người chồng lại mãi lo buôn bán, hay đi xa để vợ cô tịch một mình trong chiếc thuyền.
Buồn em trảy, lại lo dì thác,
Sầu hôm mai đổi khác hình dong;
Cửa ngoài xe ngựa vắng không,
Thân già mới kết duyên cùng khách thương…
… Khách trọng lợi khinh đường ly cách,
Mải buôn chè sớm tếch nguồn khơi;
Thuyền không, đậu bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng giãi, nước trôi lạnh lùng…

P.H.T
Còn nhà thơ Bạch Cư Dị từng là vị quan uy thế trong triều nhưng vì đồng liêu ganh ghét và vua giáng cấp xuống làm quan Tư Mã ở địa phương, tài năng bị vùi lấp giống như ở chốn “cát lầm”. Tâm trạng ủa quan bị thất sủng buồn bực, chán nãn… đi du ngoạn đó đây, nay được nghe tiếng đàn của người cùng cảnh ngộ long đong, cùng ”buồn cho nhân tình thế thái” nên rất dễ hiểu nhau và cảm nhận được tiếng đàn. Nếu BCD không bị gíáng chức về Giang Châu thì nếu có cuộc gặp gở này tại bến Tầm Dương, chắc gì hậu thế có được những câu thơ đầy cảm xúc.
“Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau,
Từ xa kinh khuyết bấy lâu,
Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai.”.

Nhà thơ Vương Hải Đà cho rằng “Bài thơ nguyên bản chữ Nho và bản dịch tiếng Việt đều có những giao động của nhịp điệu, cái trữ tình của ngữ điệu, và cái xao xuyến của nhạc điệu, tạo nên một phong cách đặc biệt, thể hiện cái phong cốt và thần thái của người nghệ sĩ BCD tài hoa, cũng như quan niệm và thái độ của tác giả về đời sống. Tỳ Bà Hành đã tạo nên một phong cách mỹ thuật, tư duy thâm thúy bằng cách kết hợp đầy đủ các yếu tố: tình cảm, ngôn ngữ, âm thanh và ý nghĩ”.
V/KẾT LUẬN: 
Câu chuyện gặp gỡ giữa một đại thi hào đời Đường và một kỹ nữ đánh đàn Tỳ Bà ở bến sông Tầm Dương cách nay hơn mười thế kỷ đã để lại cho hậu thế 616 câu thơ tuyệt tác. Nguyên tác “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị và bản dịch thơ của Phan Huy Thực là nguồn cảm hứng qua nhiều thế hệ cho những nhà văn, nhà thơ và những người yêu thơ Đường tại nước ta. Tiếng đàn Tỳ bà với trăng , nước Tầm Dương được đưa vào tác phẩm văn, thơ, ca nhạc kịch, ca trù tại VN. Đánh giá bản dịch tiếng Việt của Phan Huy Thưc, tất cả đều cho rằng đó là một kiệt tác. Cho đến nay chưa có ai có môt bản dịch nào hay hơn, rung đông hơn. Một nhà thơ tiền chiến đã cho rằng: “Ai đã đọc bản dịch ‘Tỳ bà hành’ quên những đoạn nào thì quên, thậm chí nếu quên cả bài, nhưng bốn câu mở đầu cũng không quên được”.
Bốn câu mở đầu đó là:
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
Chủ nhơn hạ mã khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền
Bạch Cư Dị
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ty
Người dịch: Phan Huy Thực 
Tháng 3/2012
VY KÍNH
Theo http://www.trandang.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...