1. Ðộng Cốc San
Vị trí: Ðộng Cốc San thuộc
xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Cốc San là một hệ thống các
thác nước và các hang động to nhỏ khác nhau, vì vậy người ta có thể gọi đây là
động Cốc San hoặc thác Cốc San. Đường vào Cốc San rất ngoằn ngoèo, tối và bị lấp
bởi những tảng đá, vẻ đẹp của Cốc San vẫn hoàn toàn mang tính chất tự nhiên,
hoang sơ.
Cốc San nằm giữa hai đồi thấp.
Khe đồi tạo thành một con suối có độ dốc trung bình, ở đó có những thác nước xếp
từ thấp lên cao tựa như những bậc thang. Các hang động ở Cốc San được phân bổ ở
rất nhiều nơi, và có một điều rất đặc biệt là hầu như ở mỗi gầm một con thác,
sau làn nước cong đổ từ trên cao xuống lại có một hang động. Phong cảnh Cốc San
hài hoà và khoáng đạt. Mọi người mỗi khi đến đây đều cảm nhận được sự huyền bí
diệu kỳ toát lên từ những ngọn thác, những mô đá và những hang động. Cứ độ vài
chục mét lại có thác đổ, khoảng cách giữa các thác là những đoạn suối bằng lặng
trong xanh chảy giữa hai bờ cát.
Cốc San có những bãi đá gồm
nhiều phiến đá nhỏ to khác nhau, nhấp nhô trùng điệp. Ðặc biệt có nhiều phiến mặt
rất bằng phẳng và rộng lớn có thể ngồi được vài chục người. Khí hậu ở Cốc San rất
trong lành và mát mẻ khiến ta có cảm giác thật dễ chịu. Vào những ngày hè hoặc
những ngày nghỉ lễ, rất nhiều người đến với Cốc San. Ða số họ là thanh niên, học
sinh… Khi đến Cốc San ngoài việc thăm thú các phong cảnh, chụp ảnh… họ còn được
tắm mình trong làn nước trong xanh mát lạnh.
2. Động Hàm Rồng
Vị trí: Động Hàm Rồng thuộc
địa phận huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Mường Khương khoảng gần
2km.
Đến đây, du khách sẽ có dịp
được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí giữa một vùng núi rừng bao la, rộng lớn.
Động Hàm Rồng nhìn từ xa
Để đến với quần thể hang động
Hàm Rồng, du khách sẽ phải men theo dòng suối Tùng Lâu với cửa chính vào động
là đầu nguồn của dòng suối. Dòng suối này quanh năm uốn mình trên từng khe núi
và tạo thành dòng thác “Pao Tủng” - một thắng cảnh tuyệt diệu của cả vùng Mường
Khương.
Quần thể hang động Hàm Rồng
bao gồm 4 hang, đó là: hang Lũng Pâu, hang Nắm Oọc, hang Mười Ngựa và khu hang
động Cao Sơn; trong đó có 2 hang chính nối liền nhau với tổng chiều dài khoảng
750m.
3. Núi Cô Tiên
Vị trí: Núi Cô Tiên thuộc
huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Theo tương truyền, có một
nàng tiên xuống hạ giới du xuân, tới nơi đây thấy cảnh lạ thường, nên nặng lòng
ở lại, vì vậy núi này được gọi là núi Cô Tiên.
Đến với núi Cô Tiên - đến với
địa thế có tầm nhìn. Trên vách đá phẳng rộng như được bàn tay nghệ nhân đẽo gọt
tạo am nhỏ, đặt tượng bà Quan Âm mặt quay về phương Nam, du khách không những
được thưởng thức những nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo của người vùng cao,
mà còn được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, và núi Cô Tiên sừng sững
ngay trước mặt du khách. Bao quanh thị trấn như tràn ngập trong biển mây khi
mùa hoa mận nhỏ, phiên chợ náo nhiệt với đầy đủ với sắc màu váy áo, dinh thự
Hoàng A Tưởng trầm tĩnh uy nghi và những ngôi nhà tân thời, những thảm lúa,
nương ngô, cánh rừng xanh ngắt, con đường ngoằn nghèo uốn quanh các quả núi… chứng
minh cho sự thịnh vượng của một vùng đất.
4. Núi Phan Si Păng (Fan Si
Pan)
Vị trí: Phan Si Păng nằm
trong dãy núi Hoàng Liên Sơn, về phía tây nam thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh
Lào Cai.
Phan Si Păng là ngọn núi cao
nhất trong dãy núi Hoàng Liên Sơn với độ cao 3.143m. Đây là một bảo tàng thiên
nhiên kỳ vĩ, ẩn chứa cả một thảm thực vật với nhiều loài đặc hữu.
Với chiều dài 280km từ Phong
Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75km, hẹp là 45km, gồm
ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Păng và khối Pú Luông. Cả mái nhà
đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ, nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất, chính là đỉnh Phan
Si Păng…
Dưới chân núi là những cây gạo,
cây mít, cây cơi với mật độ khá dầy tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc
San (Cốc Mít)…Từ đây đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng
nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là tầng cây hạt trần
như cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao khoảng 50-60m, tuổi
đời tới vài trăm năm. Pơmu (ngọc am) được mệnh danh là mỏ vàng của Lào Cai. Bên
cạnh pơmu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như: lãnh sam, thiết sam, liễu sam,
kim sam, thông đỏ, hoàng đàn…Các cây lá kim ken đầy với cây gỗ nhỏ trụi, thân
luôn sũng nước vì càng lên cao, càng hay mưa, có năm cả Phan Si Păng mưa suốt một
tháng liền. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng
anh rực rỡ. Hầu như bốn mùa, cả Sa Pa đều ngập tràn trong muôn sắc các loài
hoa: lay ơn, thược dược, bgônha, estcola… là những thứ hoa dưới đồng bằng hiếm
có.
5. Bản Phố
Vị trí: Bản Phố là một xã
vùng cao thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Đến đây, du khách vừa được
thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng vùng cao vừa được thưởng thức đặc sản Bản Phố, đặc
biệt là rượu ngô Bản Phố.
Từ thị trấn Bắc Hà, rong ruổi
trên con đường quanh co, uốn lượn bám vào sườn núi Hoàng Liên Sơn khoảng 4km,
phía dưới là thung lũng xanh mướt một màu của ngô và lúa non, hai bên đường là
những cánh rừng mận Tam hoa ngút tầm mắt đang mùa trĩu quả, du khách sẽ tới xã
Bản Phố.
Nhìn từ xa, Bản Phố giống
như một bức tranh đẹp và sinh động: Hòa lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng
trùng điệp, là những nếp nhà của người Mông giống như những tổ chim bám vào sườn
núi.
6. Chợ Cao Sơn
Vị trí: Chợ Cao Sơn nằm
trên địa phận xã Cao Sơn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, cách Tp. Lào Cai
khoảng 80km.
Đến đây, du khách sẽ có dịp
được giao lưu, trò chuyện và tìm hiểu thêm về đời sống sinh hoạt của đồng bào
dân tộc sống ở 4 bản lớn nhất của huyện Mường Khương.
Để đến chợ Cao Sơn, du khách
có thể đi theo nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, nếu du khách muốn có dịp được du
thuyền trên sông và hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên nên thơ, hữu tình: trên
là trời, dưới là nước và hai bên bờ sông là núi rừng tây bắc hùng vĩ xanh mướt
một màu, mời du khách tham gia tuyến du lịch trên dòng sông Chảy: Bảo Nhai -
Cao Sơn. Chợ Cao Sơn là chợ của đồng bào dân tộc Mông, Phù Lá, Dao và Hán đen
sinh sống ở 4 bản lớn nhất của huyện Mường Khương. Mỗi tuần chợ chỉ họp một
phiên vào ngày thứ tư.
Khi vào phiên chợ, ngay từ
sáng sớm, trên khắp mọi nẻo đường đã thấy người người từ các bản nối tiếp nhau
về chợ. Họ đi thành từng đoàn, từng nhóm, từng cặp và có khi là từng người một.
Người thì gùi hàng, người thì dùng ngựa để thồ hàng, người thì xuống chợ bằng
xe máy, xe đạp… Váy áo xúng xính, những chiếc ô xoè ra như nấm trên đầu các thiếu
nữ Mông, Dao… với những hoa văn tinh tế, màu sắc sặc sỡ, tạo nên bức tranh đầy
sinh động và quyến rũ.
7. Nước khoáng Tắc Kô
Vị trí: Nước khoáng Tắc Kô nằm
ở địa phận suối Mường Tiên, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Dân vùng cao vốn quen uống
nước suối, nước mạch, vì đó là nguồn sữa của đất
Đương buổi cày nương giữa nắng
trưa, hay đương cuộc hành trình đường xa, gặp một con suối reo vui giữa rừng, gặp
một mạch nước nhỏ từng giọt tí tách, ta ngắt một tàu lá, khum lại, hứng lấy nước
mà uống, nước mát lạnh chạm vào cơ thể, làm cho cơn khát dịu lại, tinh thần sảng
khoái hẳn lên.
8. Thác Tình yêu
Vị trí: Thác Tình yêu thuộc
địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng
4km theo hướng tây nam.
Đây là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng
lý tưởng và đến đây, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về huyền thoại một câu chuyện
tình đầy lãng mạn.
Đường dẫn du khách đến thác
Tình yêu là một con đường đất đỏ chạy qua khu rừng trúc xanh mướt, bạt ngàn mà
thấp thoáng đâu đó, ánh lên vẻ đẹp dịu dàng của loài hoa đỗ quyên với những gam
màu đỏ, trắng, vàng khá tươi tắn; hòa trong cảnh đẹp nơi đây, du khách sẽ thấy
thoảng thoảng bên tai mình âm thanh xào xạc của cây rừng đang đu đưa trong gió…
Khi đã đi hết đoạn đường này, du khách sẽ gặp một dòng suối, tiếp tục men theo
dòng suối là du khách sẽ tới thác Tình yêu.
Thác Tình yêu có độ cao gần
100m. Thác bắt nguồn từ đỉnh Phan Si Păng rồi mang theo hơi lạnh của núi rừng
chảy qua nền địa hình cao, dốc; đổ xối xả, ào ạt xuống dòng suối Vàng tung bọt
trắng xóa. Nhìn từ xa, du khách sẽ thấy dòng thác giống hình một chiếc nón; thấp
thoáng sau từng lớp nước mỏng chảy ở hai bên rìa thác là một thảm thực vật rừng
xanh tốt; dưới chân thác, con suối Vàng óng ánh nghiêng mình uốn lượn với hai
bên bờ là những thảm cỏ xanh mượt trải dài dưới chân những bụi trúc gai..
9. Thắng cảnh Hang Tiên
Vị trí: Hang Tiên thuộc xã Bảo
Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Những dòng suối nhỏ từ trên
cao đổ xuống như dải lụa, mờ ảo, lất phất như mưa bay. Dòng nước như người thợ
điêu khắc lành nghề đục vào vách đá tạo nên những đài sen nổi, những nhũ đá
muôn hình vạn dạng. Kia là chú voi đang cúi đầu uống nước, đây là con đại bàng
cất cánh bay lên… và hội tụ lại thành bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Nơi đây chính
là suối Tiên.
10. Vườn hồng Sa Pa
Vị trí: Vườn hồng Sa Pa hay
còn được người dân địa phương gọi là “Thung lũng hoa hồng”, thuộc huyện Sa Pa,
tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 5km về phía đông nam.
Đây là nơi du khách có thể
nghỉ ngơi, thư giãn và ngắm nhìn cảnh đẹp, đặc biệt, đến đây, du khách được thưởng
thức vẻ đẹp thanh tao, duyên dáng của hoa hồng.
Nói đến hoa hồng là chúng ta
thường nghĩ ngay đến đất nước Bulgari xa xôi ở trời Âu - nơi được mệnh danh là
xứ xở của hoa hồng - loài hoa mang thông điệp tình yêu hay một nơi rất gần với
chúng ta hơn, đó là Đà Lạt (Lâm Đồng) - nơi được mệnh danh là thành phố của
ngàn hoa, thành phố của sương mù… Tuy nhiên, thiên nhiên, tạo hóa luôn ưu đãi đất
nước chúng ta, trong một thung lũng quanh năm bốn mùa bồng bềnh mây trắng, người
ta lại gây dựng được cả một vườn hồng Pháp đủ loại với màu sắc sặc sỡ, đã làm
siêu lòng bao lượt du khách tham quan.
11. Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Vị trí: Vườn Quốc gia Hoàng
Liên thuộc địa phận thị trấn Sa Pa, các xã: San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ,
huyện Sa Pa; một phần huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai và hai xã Mường Khoa, Thân Thuộc,
huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Đây là điểm du lịch sinh
thái lý tưởng và phù hợp với nghiên cứu khoa học.
Đến với Vườn Quốc gia Hoàng
Liên, là du khách đến với môi trường du lịch sinh thái hấp dẫn. Tại đây; du
khách sẽ cảm nhận được khoảnh khắc giao mùa xuân - hạ - thu - đông chỉ trong
vòng 1 tiếng đồng hồ; được thấy những tia nắng xuyên qua từng tán lá rậm rạp,
xuyên qua những làn sương mù chiếu xuống những thảm cỏ tranh tươi tốt; được ngắm
nhìn những khóm trúc lùn đung đưa mỗi khi có những cơn gió tràn qua… tất cả đều
để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là cảm
giác được ngủ lại qua đêm trên lưng chừng núi để hòa mình vào thiên nhiên hùng
vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng thác chảy ào
ào… và trong không gian bao la, rộng lớn này, du khách thấy mình thật nhỏ bé…
Thảo Linh
Nguồn Vietnamtourism
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét