Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Những bước chân âm thầm

Những bước chân âm thầm
DongNhacXua.com thật ngạc nhiên khi vô tình biết thêm một chi tiết thú vị về phố núi Pleiku, nhạc sỹ Y Vân và nhà thơ Kim Tuấn: Nhạc phẩm nổi tiếng “Những bước chân âm thầm” của Y Vân là phổ từ bài thơ “Kỷ niệm” của thi sỹ Kim Tuấn viết về thành phố Pleiku bụi mờ đầy kỷ niệm của những năm 1960.
Người hát nếu không để ý kỹ sẽ dễ hát sai thành “hoa bỗng dưng tuyết trắng“. Trong bài thơ thì Kim Tuấn viết “hoa vông rừng tuyết trắng“, còn trong bản nhạc mà chúng tôi sưu tầm được thì nhạc sỹ Y Vân viết “hoa vòng rừng tuyết trắng“. Theo chúng tôi thì “hoa vông rừng” là chính xác nhưng không biết có phải là Y Vân cố tình sửa thành “hoa vòng rừng” hay đó chỉ là lỗi xuất bản. Y Vân đã mất năm 1992, Kim Tuấn cũng đã vĩnh viễn giã từ “miền kỷ niệm” năm 2003. Thế là DongNhacXua.com và những người yêu dòng nhạc xưa vẫn  còn đó một câu hỏi thật dễ thương!.
Hình minh họa cho cây gòn. Photo: WorldOfStock.com
Qua bài viết này, DongNhacXua.com cầu nguyện cho linh hồn nhà thơ Kim Tuấn sẽ được thanh nhàn miền cực lạc!.
PLEIKU THÂN YÊU - TỪ ‘KỶ NIỆM’ ĐẾN ‘NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM’
(Nguồn: tác giả Xuân Trường  đăng trên  PleikuCafe.com)
Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Kim Tuấn sống tại Pleiku và đã sáng tác nhiều bài thơ cho miền đất thơ mộng này. Sau đó, anh về Sài Gòn rồi mất năm 2003. Kỷ niệm là bài thơ anh viết cho Pleiku, được Y Vân phổ nhạc và trở nên nổi tiếng… 
Ngày ấy, nhà ở đường Phan Bội Châu, buổi chiều anh thường lang thang ra ngoại ô. Những khu vườn làng đồng bào dân tộc được trồng những cây vông rừng (cây gòn rừng), mỗi khi nó nứt trái thì bông bên trong màu trắng bay lả tả theo gió, rơi rơi nhẹ nhàng như từng miếng nhạc chạm vào cuối chiều xa nhớ đến tận cùng hoàng hôn, khiến anh nghĩ đến Pleiku có tuyết trắng:
Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Hai đứa nhiều nuối tiếc
Tình yêu trong bài thơ dù có nguyên mẫu hay không, nhà thơ cũng đã tinh tế hòa nhịp cái tình trong cái cảnh, như một bức tranh Pleiku hoàng hôn, thanh thản nỗi buồn trong veo mà người ta dễ cảm nhận ở cái xứ sương mù và quanh năm mùa đông này.
Những năm tháng ấy, Pleiku còn nhiều cảnh chiến tranh và bắt lính. Có lẽ vì thế mà tuổi trẻ buồn cho thân phận, buồn cho tương lai như những hàng thông lặng câm, hay mây núi chụm đầu thủ thỉ. Tác giả đã điệp khúc nỗi buồn của tuổi trẻ ngày ấy nhiều lần:
Từng bước từng bước thầm
Cuối đầu in dấu mỏi
Tuổi trẻ buồn lặng câm
Núi nghiêng đầu thủ thỉ
Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng tác tại Pleiku.
Từ những năm 90, người ta ồ ạt khai thác gỗ vườn để xẻ ván xuất khẩu, làm vắng bóng những cây gòn rừng, bay tuyết trắng chiều ngoại ô Pleiku. Biết bao giờ mới có lại cái không gian cây xanh ấy.
Kim Tuấn và Y Vân không còn nữa nhưng kỷ niệm - Những bước chân âm thầm vẫn đang bềnh bồng khắp mọi nơi, không chỉ có ở Pleiku thân yêu. Thêm một lần nữa, chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ này:
Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Hai đứa nhiều nuối tiếc
Sương mù giăng mấy đồi
Tay đan đầy kỷ niệm
Mưa giữa mùa tháng năm
Dật dờ cơn gió thổi
Một tháng không trăng rằm
Mây núi ôm trời thấp
Giá rét về căm căm
Cao nguyên mù đất đỏ.

Những bước chân âm thầm 
 Y Vân - Elvis Phương
Theo http://www.dongnhacxua.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...