Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Độc đáo hát Dậm Quyển Sơn Hà Nam

Độc đáo hát Dậm Quyển Sơn Hà Nam 
Độc đáo hát Dậm Quyển Sơn Hà Nam là một trong những cái nôi của nền nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu như: hát chèo, dân ca ngã ba sông Móng và đặc biệt là múa hát Dậm Quyển Sơn.
Hát mừng chiến thắng
Hát Dậm là hình thức ca nhạc phục vụ trong lễ hội đền Trúc, ở thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp đầu xuân. Loại hình dân ca diễn ra ở cửa đình, cửa đền với nội dung ca ngợi công đức của Thành Hoàng làng, cầu chúc cho quốc thái dân an, trồng trọt chăn nuôi phát triển.
Theo truyền thuyết kể lại, múa hát Dậm ra đời từ thời nhà Lý. Tương truyền khi xưa Lý Thường Kiệt nhận chỉ vua Lý Thánh Tông bình định Chiêm Thành. Khi qua Quyển Sơn gặp bão có dừng lại nghỉ chân. Trong đêm, Ngài nằm mộng thấy mẹ con bà bán hàng nước xin đi theo phù giúp đánh giặc. Quả nhiên trận đó Lý Thường Kiệt thắng lớn, trên đường trở về kinh đô ông hạ lệnh dừng lại Quyển Sơn làm lễ tạ ơn mẹ con bà bán hàng nước. Tại đây Ngài đã lựa chọn những cô gái trinh nguyên dạy cho họ những làn điệu, những câu hát mừng vui chiến thắng. Khi ông mất, nhân dân lập đền thờ và phong ông là Thành Hoàng làng, hàng năm dân làng mở hội tưởng nhớ công lao của Ngài vừa tổ chức múa hát Dậm vui chơi. Trong ngày hội đền Trúc, ngoài nghi lễ dâng hương rước kiệu, rước võng thể hiện lòng thành kính ghi tạc công đức người anh hùng Lý Thường Kiệt, múa hát Dậm trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân Quyển Sơn: 
Người về xem hội làng tôi 
Tháng hai ngày sáu xin mời về xem
Xem phong cảnh đẹp đất trời 
Nghe câu hát Dậm mượt mà làng tôi. 
Tuyển tập hát Dậm được lưu giữ hiện nay có khoảng 38 làn điệu gồm: Múa chèo, chảy quân, chèo quỳ, múa hương, giáo vọng, quỳ thực quỳ hoa, phong pháo, phong ống... Các nội dung chủ yếu của hát Dậm xoay quanh việc ca ngợi công đức của Lý Thường Kiệt - người có công trong việc đặt tên làng và dạy nhân dân những lời ca điệu múa Dậm. Những bài hát phản ánh không khí đấu tranh một thời hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh bình định Chiêm Thành. Với cảnh đóng quân lập ấp, làm súng đạn, làm pháo, chèo thuyền. Bên cạnh đó, múa hát Dậm phản ánh cuộc sống sản xuất nông nghiệp của cư dân Quyển Sơn thời bấy giờ đó là nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm. Một nội dung không thể thiếu trong múa hát Dậm là tình cảm gia đình và hạnh phúc lứa đôi. Đó là tình yêu thuỷ chung son sắt của người phụ nữ ngóng trông chờ chồng đi đánh giặc, là lời nhờ cậy của người chồng đối với vợ thay mình chăm sóc mẹ già đầy xúc động, là cảnh chia tay bịn rịn người yêu đi lính của chàng trai.
Điểm khác biệt của hát Dậm
Đứng đầu đội Dậm là bà Trùm. Bà là người thuộc tất cả các bài hát, điệu múa và trực tiếp tham gia tuyển chọn các con Dậm. Tính đến đời bà Trùm Trịnh Thị Phẩm, đội múa hát Dậm Quyển Sơn đã trải qua năm đời Trùm. Các bà Trùm là người hát hay múa dẻo và thuộc tất cả các làn điệu múa Dậm. Ngoài việc dạy múa hát bà Trùm còn là người phát hiện đào tạo thế hệ kế cận nhằm bảo lưu, gìn giữ loại hình dân ca truyền thống này. Đội múa hát Dậm có khoảng 12 con Dậm, với độ tuổi từ 14 đến 18 là những cô gái trinh nguyên chưa lập gia đình. Đội Dậm thường được tuyển chọn hàng năm vì theo bà Trùm Trịnh Thị Phẩm có em đi học cao đẳng, đại học xa nhà, có em nghỉ học thì lập gia đình không tham gia được.Trong những ngày diễn ra lễ hội, trước bàn thờ Thánh khi diễn xướng bà Trùm mặc áo lụa vàng, đội khăn vàng đứng giữa. Dọc hai bên là mười đến mười hai thiếu nữ xinh tươi, duyên dáng trong tà áo dài trắng, đầu đội khăn vấn màu đỏ, thắt lưng màu đỏ, đứng thẳng hàng quay mặt vào ban thờ và cùng hát xướng. Đây là điểm khác biệt của hát Dậm với các loại hình dân ca khác, nếu như hát Xoan (Phú Thọ), hát Quan họ (Bắc Ninh) vận động theo hình thức đối đáp nam nữ thì hát Dậm Quyển Sơn lại vận động trên cơ sở đồng xướng.

Thông thường trước mỗi làn điệu bà Trùm bao giờ cũng hát mấy câu dạo đầu theo kiểu lĩnh xướng và làm một số động tác múa mẫu để con Dậm hát và múa theo.Nhạc cụ của hát Dậm khá đơn giản không có đàn, sáo, nhị, trống mà chỉ dùng đôi sênh (làm bằng gỗ trắc và tre gõ vào nhau) do bà Trùm gõ nhịp lúc khoan, lúc nhặt, tạo ra nhịp điệu đều đều các cô gái đồng trinh sẽ vừa múa vừa hát theo nhịp gõ. Điều đặc biệt của hát Dậm Quyển Sơn là không thể hiện rõ tính nghề nghiệp và không có phường, hội như các loại hình dân ca khác. Nếu như hát Ví (Nghệ Tĩnh) có ví phường vải, ví phường nón, ví phường buôn. Hát Xoan Phú Thọ có phường Xoan thì hát Dậm Quyển Sơn chỉ có một đội duy nhất. Trải qua bao thăng trầm, sinh hoạt hát Dậm vẫn hiện diện ở làng Quyển Sơn. Trong sâu thẳm tâm linh cùng với nhận thức rõ giá trị của hát Dậm, dân làng Quyển Sơn đã và đang duy trì sinh hoạt văn hóa phi vật thể này, mong muốn và hy vọng hát múa Dậm sẽ ngày càng được lưu truyền và phát triển.
Lễ hội đền Trúc ở thôn Quyển Sơn diễn ra từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ, ca ngợi công đức Thành Hoàng làng - Lý Thường Kiệt, đồng thời giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với thế hệ con cháu. Trong lễ hội không thể thiếu phần múa hát Dậm thể hiện không khí trang nghiêm, thành kính với người đã có công dựng lên làng và để làm phần hội thêm đông vui, hấp dẫn thu hút khách thập phương.
Đinh Hà Phương
Nguồn langvietonline
Theo http://www.coviet.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Băng Tửu: Rượu ngon xứ Tuyết

Băng Tửu: Rượu ngon xứ Tuyết Có một loại rượu, kết quả của một sự tình cờ, từ Châu Âu, vùng Francoinia thuộc nước Đức. Người Đức gọi loại ...