Tâm tình Lê Đình Bích
Khi lần đầu ta thức trắng chờ nhau
Khi hạnh phúc và niềm đau rong ruổi
Ai đồng hành ai bỏ lại xưa sau?
Lê Đình Bích trầm tư tự hỏi vu vơ như
thế bằng những vần thơ thầm kín lâm ly, khi quay về với nỗi sầu cô liêu trong
khu nội trú Đại học Cần Thơ, ngồi đối mặt khơi vơi với bóng mình. Tình yêu tình
thương, phải chăng là một đề tài lớn rộng bao la mà con người đã đề cập đến từ
muôn thuở muôn nơi ở khắp mọi miền trên thế giới? Thi hào Rainer Maria Rilke
có lần phát biểu: “Tình yêu
là một điều tốt đẹp lạ lùng. Tình yêu của một con người đối với một con người
khác, có lẽ là sự thử thách khó khăn nhất đối với mỗi một người trong chúng ta.
Đó là sự tâm chứng cao cả nhất của bản thân chúng ta, sự nghiệp tối cao mà tất
cả mọi sự nghiệp khác chỉ là những sự chuẩn bị mở đường.”*
Đúng vậy, tình thương tình yêu có một ý
nghĩa diệu thường như thế. Không phải dễ thực hiện, chẳng đơn sơ giản dị chút
nào vì hai tâm hồn nam nữ xa lạ muốn hòa hợp, giao cảm với nhau, thấu suốt
nguồn cội chia sẻ tâm đầu ý hợp với nhau, đòi hỏi phải vượt qua cái ngã chấp
thâm căn cố đế của chính mình. Tính khí, ý nguyện, sở thích mỗi người mỗi khác,
quả thật là quá đỗi nhiêu khê tế toái, rườm rà đa đoan, đủ thứ chuyện phiền não
lùng bùng mê ám tham si…
Tuy nhiên, thể tính tình yêu rất thiêng
liêng mầu nhiệm, vốn là một nhu cầu cần thiết, vô cùng mãnh liệt, cho nên bất
cứ ai ai trong cõi đời này cũng hơn một lần dấn bước vào cuộc mộng tình yêu
diệu kỳ ấy như Van Gogh, Apollinaire, Tagore, Kazantzakis, Đinh Hùng, Hàn Mặc
Tử, Hoài Khanh, Phạm Công Thiện, Nguyên Sa, Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Lộc, Trịnh
Công Sơn hay như chàng lãng
tử phiêu bồng, không một chốn về Lê Đình Bích.
Sinh năm 1958, bên dòng sông Thu Bồn
cùng quê quán Quảng Nam với thi sĩ Bùi Giáng, Lê Đình Bích cũng làm thơ, viết
văn đồng thời là giảng viên khoa Ngoại ngữ Đại học Cần Thơ. Phụ trách chương
trình Văn hóa dân gian đàn ca tài tử đồng bằng sông Cửu Long, được nhiều sinh
viên Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Nhật theo học khá đông. Sống tự do theo sở thích của
mình, tuy hòa đồng với tất cả nhưng vẫn đứng riêng ra ngời sáng vẻ độc lập,
không gia nhập vào bất cứ phe phái bè lũ đảng nhóm nào hết. Đến đi qua lại giữa
dòng đời như nước chảy mây bay. Say mê văn nghệ, thi ca, âm nhạc một cách kỳ lạ
đã xuất bản những tác phẩm: Hòa
âm nghịch trên những phím đàn, Khúc hát dòng sông (thơ) Em hát về một dòng sông (nhạc) Huyền thoại Ip-sin-kha-rôn, Mùa
hoan lạc, Hoa văn, Đất phương Nam những nốt nhạc không lời (truyện ngắn) Tục ngữ Anh Việt, Tục ngữ Nga Việt,
Tục ngữ Nga Anh Pháp Việt, Giao tiếp thi ca và rèn luyện nhân cách (biên khảo)
Tính tình hào sảng, phóng khoáng, phong
độ chịu chơi vô ngại, mái tóc dài nghệ sĩ, nụ cười lãng mạn bao dung cùng bước
đi tung hoành ngang dọc khắp dặm đường lang bạt kỳ hồ. Với bầu rượu túi thơ
lãng đãng, chàng lên rừng xuống biển viễn hành ca qua khắp mọi miền đất nước,
Huế, Sài Gòn, Hà Nội… Có lần lặn lội qua tận nước Nga xa mù tuyết lạnh uống
rượu Vodka để tưởng nhớ Tolstoy, Dostoievsky, độc thoại nội tâm giữa sa mạc hư
vô, đào sâu vào hố thẳm tâm thức, phiêu lưu khám phá tư tưởng Đông Tây kim cổ,
nhào lộn xuống ngút ngàn hoang đảo vô thức trùng khơi...
Rồi một chiều bữa nọ, dừng gót lữ rong
rêu dọc bến bờ sông nước Hậu Giang, chàng cúi xuống nhặt một chiếc lá vàng rơi
rụng, chợt bỗng nghe văng vẳng khúc
hát dòng sông đồng vọng rung
ngân khi tình cờ bắt gặp một dáng thơ gầy yểu điệu:
Mỏng manh như sợi nắng chiều Hậu Giang
Nghiêng vai tóc xỏa dịu dàng
Cầu tre mấy nhịp vội vàng lòng ta?
Lòng ta phập phồng rộn rã vội vàng? Vì
răng mà như rứa hỡi dịu dàng thục nữ thuyền quyên, hỡi suối tóc long lanh lấp
lánh phả nhẹ xuống bờ vai xanh biêng biếc, nghiêng nghiêng qua mấy nhịp cầu tre
vàng nhạt loang bóng nắng chiều phiêu hốt mỏng manh. Chạnh niềm rúng tim động
phổi rồi em ạ! Em ồ em đẹp ngát hương hoa. Đẹp chi diễm tuyệt như là nàng
tiên. Tiên nữ giáng trần, khiến thi nhân chuếnh choáng lảo đảo càn khôn xiêu
hồn lạc vía, mặc dù đã từng đầm đìa chia sẻ cùng em qua biết bao ngày rộng đêm
dài ở bến gió bờ sương dưới trăng vàng cổ tự hay giữa hương đồng cỏ nội lai
láng mộng bồi hồi xao xuyến mãi tình quê:
Về thôi em nhé về thôi
Trăng đêm cổ tự em ngồi với ta
Sông quê chảy trước hiên nhà
Cầu tre ta dắt em qua đoạn trường
Đoạn trường đứt ruột chuyện chi mà chàng
lẫm liệt quyết định dắt đưa em nhảy qua một bận? Ắt là gay cấn nảy sinh. Tình
dang dở mộng thình lình vỡ tung. Éo le đứt phím tơ chùng. U trầm lâm biệt sầu
rung ngân hồn. Cùng hẹn biển thề non, dù lên thác xuống ghềnh cũng cùng nhau
kham nhẫn, chịu khó vượt qua hết những ghềnh thác đời đang ầm vang đổ xuống
dưới chân đi, nhưng vô thường đột ngột xảy đến làm đảo lộn tan tác cả một thời
xanh ngát vàng son hoa bướm xôn xao bay đi mất. Ân tình nào giữ lại trong tay?
Nước chảy mây trôi là chuyện đời chiêm bao ảo dị. Hôm xưa chan chứa ngọt ngào
để bữa nay ngậm ngùi chua chát. Mang mang tâm sự biết bày tỏ cùng ai đây, khi
dáng gầy em yêu dấu nọ đã bỏ đi biền biệt cuối chân trời. Thôi nhé! Em ơi! Em
về đâu mà áo tôi ướt nhòa giọt lệ hay giọt mưa nhỏ xuống giữa lòng quạnh quẽ
đơn côi:
Em về mưa ướt áo tôi
Đất trời se sắt biết rồi làm sao
Em về tàn giấc chiêm bao
Tôi chua chát những ngọt ngào ngày xưa
Em về thôi hết tiễn đưa
Ai xui khiến những lọc lừa đầu môi
Trời ơi ! Tôi đã yêu rồi
Dở dang từ độ bỏ tôi em về
Thế à! Té ra là như thế. Biết nói chi
bây chừ? Ừ thì dang dở mà thôi. Mới hay lừa lọc những lời nói suông. Buốt tim
lịm khói u buồn. Uống ly rượu đắng lặng tuôn lệ trào. Chao ôi! Nỗi buồn đau
thấu ruột bầm gan, lạc lõng bơ vơ giữa chợ đời điêu ngoa giả dối, đổi thay
chóng vánh ngỡ ngàng, chàng thi sĩ có trái tim ngây thơ chợt sững sờ, bỡ ngỡ,
ngơ ngác không biết là thực hay là mộng? Giống như nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng
rưng rưng ngấn lệ, lặng lẽ trong xót xa sầu nhớ nàng thơ thùy mị diễm kiều mà
cũng đành chia phôi đôi ngã:
Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng**
Giọt lệ và nụ cười, khổ đau và hạnh
phúc, gặp gỡ rồi ly biệt chia xa cũng từ cõi mộng lung linh tình yêu mà ra cả.
Đa số, hầu như khắp miền thiên hạ xưa nay, khi họ đến với tình yêu đều không
bắt gặp, không thấy được hương vị vi diệu nhiệm mầu của tình yêu mà trái lại,
chỉ thấy toàn khổ lụy thê lương đoạn trường áo não. Bởi vậy, giọt lệ trở thành
suối lệ chảy ngập tràn ướt đẫm hàng nghìn trang thơ nhạc của nhân gian, Lê Đình
Bích tình cảm chân thành là vậy, thiết tha là thế cũng không thoát khỏi bi kịch
ngậm ngùi rưng rưng nước mắt khóc tình hụt hẫng chơi vơi:
Thì thôi thư sẽ thay người dần quên
Ảnh người tôi giữ trong tim
Tiếng xưa mưa dội bên thềm lá reo
Người về tôi đứng trông theo
Vói tay như đứa trẻ nghèo mất quê
Chiều xanh vàng lỡ câu thề
Hà ơi! Tôi gọi em về rồi sao
Hà ơi! Hương ơi! Ngân ơi! Thu ơi!
Hỡi những người em yêu dấu mê say một thời bốc cháy, nay cũng đành bùi ngùi hát
sầu khúc ly tan. Chàng thi sĩ bàng hoàng, ngạc nhiên đứng gọi chới với chơi vơi
và đăm đăm ngắm nhìn theo những người em gái mình yêu, tâm tình hiến dâng một
thuở, trao cả ruột rà xương xảu máu me cho em hết mà em vẫn lạnh lùng, dửng
dưng đành đoạn từ giã ra đi. Vì sao như thế, hỡi những thục nữ hồng nhan thùy
mị mỹ miều? Thôi thì, chàng chỉ còn biết tịnh khẩu trước những sự việc bất ngờ
xảy đến, dù gây nhói buốt lòng đau quặn thắt nhưng cũng chẳng hề gì, thi nhân
trong chiều sâu linh thức vẫn tận cùng mở lượng hàm dung, chúc phúc cho em vui
vẻ lên đường, còn mình âm thầm chấp nhận nỗi sầu thiên cổ giữa cuộc bể dâu:
Người về ngỡ giấc chiêm bao
Nhạt lòng chung thủy đậm màu vô ơn
Vẫy tay dối những căm hờn
Dửng dưng từ biệt mà lòng quặn đau
Em đi ngày trước ngàn sau
Tôi nhìn gian dối sắc màu thủy chung
Biệt ly giữa lúc tao phùng
Đường vui em bước nỗi buồn tôi mang
Sầu khúc Lê Đình Bích cũng là sầu ca của
hầu hết phần đông thiên hạ trong cõi người ta. Thì ra, tình yêu tuy đầy quyến
rũ, đủ muôn màu muôn sắc hấp dẫn mê ly mê hoặc nhưng quả thật là khó nắm bắt,
chẳng thể giữ gìn hay chiếm hữu gì được cả. Bởi do vọng tưởng mà ra. Dệt nên
huyễn mộng như là chiêm bao. Giữa không và có bỗng trào. Vỡ rơi tình phụ ơi
chao hư phù. Như vậy, chân tướng của tình yêu vốn phù du như hoa đốm giữa hư
không, nghĩa là ảo mộng không có thực, chưa từng hiện hữu trên cõi ta bà phải
thế chăng? Thi nhân im lặng mặc nhiên, vô ngôn chẳng nói, nhưng cần chi phải
lý giải dài dòng mới hiểu, chỉ vài câu thơ lãng đãng khói sương thôi cũng đủ
diễn bày tất cả ý nghĩa nhân sinh hư huyễn, mộng ảo vô thường của chuyện tình cảm
bèo bọt phù du.
Từ đó, nhà thơ vô tình gợi mở cho chúng
ta tỉnh thức, bừng dậy một tình yêu thương vô lượng vô biên, vô điều kiện như
thi sĩ thượng thừa Bùi Giáng:
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
“Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn” huống chi là những người em kiều nữ mặn
nồng đã quay mặt lặng lẽ bỏ ra đi phải không? Tuy cũng có chút buồn bã, chạnh
sầu chua xót nhưng nhà thơ vốn mang dòng máu hào sảng Quảng Nam kia vẫn không
ủy mị, yếu đuối mà trái lại, chính từ những trải nghiệm tình cảm oái oăm, vừa
ngọt ngào vừa cay đắng nọ, càng trợ duyên thêm cho chàng lẫm liệt hiên ngang
dấn bước trên những cung bậc đời mới lạ theo tiếng hát tân kỳ của Krishnamurti: “Có thể yêu thương nhưng không mắc
vướng vào một người nào, vào bất cứ gì. Đó là mức chí thiện của đời sống tình
cảm. Phải tách lìa tất cả nhưng cũng vẫn thương yêu tất cả vì tình thương là sự
bừng nở của cuộc sống.”*** Với
tấm lòng rộng lượng thương yêu, kẻ tài hoa phong nhã như Lê Đình Bích vẫn tiếp
cuộc hân hoan đăng trình lữ thứ. Từ cuộc tình đến cuộc mộng, từ cuộc mộng đến
cuộc thơ, mở ra những phương trời thênh thang bát ngát.
Hát ca bất tuyệt trên thể điệu yêu
thương, thi sĩ hóa thành trẻ thơ, thở nhẹ sâu xa hòa khúc ruột rà những tiếng
lòng sâu thẳm cùng người mẹ hiền thiết tha yêu dấu, chan chứa nỗi thơ ngây khờ
dại trong lai láng bồi hồi:
Mỗi lần con trở lại nhà
Là đem về mẹ bông hoa biết cười
Phong sương bốn chục tuổi đời
Mà nghêu ngao hát như thời trẻ thơ
Không hoài bão chẳng ước mơ
Chỉ mong sống lại những giờ thần tiên
Ngửa tay để mẹ cho tiền
Nghe tiếng mẹ để bình yên trong lòng
Thong thả đọc lại bài thơ thật chậm rãi,
từ từ ngâm nga, chúng ta thấy ra điều gì? Ồ! Ồ! Phải chăng, đó là hình ảnh
tuyệt mỹ nhất của một đời người trong bình sinh cuộc sống? Có tận mắt nhìn thấy
kẻ du sĩ phong trần, sau bao tháng năm dài lang bạt, quay về cố xứ ngồi lại mái
nhà xưa bên mẹ già một cách hồn nhiên thuần hậu như thế, mới cảm nhận được hết
vẻ đẹp nhiệm mầu, sâu thẳm thiêng liêng. Tôi đã từng chứng kiến hình ảnh tuyệt
vời đó vào những dịp nghỉ hè cùng về quê nhà Đà Nẵng với thi sĩ và quý mến
nhiều hơn một tâm hồn cô đơn cùng tuyệt còn phiêu hốt, phiêu nhiên giữa heo hút
muôn trùng.
Giữa muôn trùng cuộc lữ ngao du, từ đây
lại càng say đắm mộng đời bất tuyệt hơn nữa nhưng đắm say theo cốt cách mãnh
liệt phiêu diêu kiểu triết gia Ấn Độ Osho yêu thương mà không dính mắc, chẳng
ràng buộc hay nhập cuộc chịu chơi túy lúy chan hòa kiểu Alexis Zorba với cây
đàn santuri lã lướt những giai âm thâm thúy cùng những nàng thơ kiều diễm tuyệt
trần trên cung bậc hết mình mà vẫn xả buông. Cuộc sống bừng dậy ngọn lửa phong
quang sáng tạo, soi thấu vào từng ngõ ngách cõi tồn sinh. Giữa đôi bờ sinh tử
chập chùng, thây kệ những bế tắc tư tưởng nhân loại, thây kệ những băng hoại
mọi giá trị văn hóa xã hội, những suy sụp hỗn độn đổ nát tan hoang về mặt tôn
giáo, đạo đức, giáo dục… chàng nghệ sĩ cứ thản nhiên tiếp tục cung đàn dương
cầm giữa tàn khuya, vác trên vai cây vĩ cầm hòa âm tâm đắc với những tâm hồn
phiêu lãng, thổi sáo độc đáo bằng lỗ mũi, đọc thơ sang sảng và ca hát hoạt náo
viên tiếu lâm hài hước giữa chợ đời xanh đỏ cho bao kẻ đồng điệu cùng thưởng
thức chơi.
Với tinh thần hài hước tiếu lâm, vừa rỡn
đùa phóng túng vừa văn nghệ tân cổ giao duyên, chuyện chi cũng biết một cách
uyên bác lịch lãm, hàm dung cảm khái theo thể lệ khề khà, Lê Đình Bích giống
như đại sư Tây Tạng Chogyam Trungpa: “Tinh
thần hài hước dường như khởi phát từ một niềm vui sướng bao la trùm phủ hết mọi
sự. Một niềm vui lớn rộng đủ chỗ trống trải dàn ra một tình thế hoàn toàn cởi mở
vì đó là niềm vui không vướng bận vào trận chiến giao tranh giữa cái này với
cái kia… Ở đời này đều có cái tốt, có cái xấu và mình nhìn thấy cả hai với cái
nhìn bao quát toàn cảnh như từ trên trời cao vọng xuống. Rồi từ đó mình bắt đầu
cảm thấy rằng những con người nhỏ bé lô nhô ở dưới mặt đất như một bầy kiến
đang giết hại lẫn nhau, đang làm ái tình với nhau, đang yêu đương vớ vẩn hay
đang thù hận ghét bỏ nhau chỉ là những con người bé nhỏ tầm thường. Tất cả mọi
thứ ấy đều trở nên quá vô nghĩa nhỏ mọn, khi mình thấy họ tỏ vẻ làm ra việc
quan trọng, trầm trọng, làm lớn chuyện tranh đấu hơn thua hay chuyện làm ái
tình thế này thế nọ… Khi mình thấy vậy, mình thấy ngay khía cạnh mỉa mia của
mọi tuyên bố ồn ào, những điều phát biểu lớn tiếng thế này thế kia của thiên hạ
đều là đáng tức cười vì quá ấu trĩ khôi hài.”**** Hài hước cho khinh an, vui vẻ nhẹ
nhàng như Bùi Giáng “vui thôi
mà” như vua hề Charles
Chaplin biết cười tất cả mọi sự trên đời sống rỗng tuếch vô cảm này.
Rồi một ngày viễn xứ tha phương nọ, hốt
nhiên chàng thi sĩ hân hoan bắt gặp Thiền tông trong một niềm kỳ ngộ khôn dò.
Đẩy cánh cửa vô môn quan bước vào cảnh giới Hoa Nghiêm tịch mịch, bất ngờ giáp
mặt cái Như Như:
Am lá một người đủ
Chè xanh một bát vừa
Khách viếng tiếng chim sớm
Người tiễn bóng trăng khuya
Tiếng thơ mới lạ đã đổi giọng như tiếng
chim trời lảnh lót rộn ràng trong bình minh nắng sớm, như màu trăng khuya thanh
thoát chiếu tan màn đêm tối vô minh, khi thi sĩ tịnh hồn im lặng lắng nghe
thiền sư Tuyên Hóa khai thị: “Không
tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.”. Ơi chao! Chỉ cần chừng đó
thôi là trọn vẹn một cách thượng đẳng, hoàn thành sứ mệnh trăm năm một đời
người trên mặt đất. Vâng, hãy thực hiện liền lập tức để thấy quê xứ thanh bình
là nơi chốn đi về cố quận tâm xuân:
Dừng lại là đã tới nơi
Quê hương là chỗ ta ngồi ngay đây
Quê hương là trái tim đầy
Thấy được lòng mình là đã về đã tới quê
nhà cố quận tâm linh ở ngay đây bây giờ, ngay cái đang là giữa thực tại hiện
tiền. Toàn bộ tác phẩm đồ sộ của bậc đạo sư kỳ vĩ Krishnamurti đều nêu ra cái
đang là và khích lệ chúng ta hãy sống trọn vẹn với cái đang là đó cũng như toàn
bộ kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa đều chỉ ra cái bản tâm thanh tịnh
luôn luôn có mặt bây giờ ở đây, ngay trong thực tại hiện tiền này như kinh Pháp
Bảo tuyên bố: “Pháp đã được
khai thị bởi đức Thế Tôn là thực tại hiện tiền, phi thời gian. Hãy quay đầu là
thấy, ngay trên đương xứ mà mỗi người trí tuệ đều có thể tự mình chứng nghiệm.”
Một khi thi nhân nhận biết trái tim vẹn đầy là
thấy được cõi tâm mình vốn tự do tự tại, vốn thanh tịnh viên dung. Cũng từ một
tâm này mà thấy ra ba nghìn thế giới. Tất cả do tâm tạo thôi. Chỉ là biểu hiện
cõi đời người ta. Trùng trùng duyên khởi thôi mà. Nên đâu có chuyện sầu hoa héo
tàn. Lý và sự bước hòa chan. Ra vào vô ngại dẫu ngàn đục trong. Nghìn phương
vẫn một phương lòng. Lòng không muôn việc cũng không chi phiền… Cho nên thi
nhân vẫn tiếp tục cuộc thơ, cuộc mộng trên dặm ngàn sáng tạo mười phương.
Ngược xuôi, ruổi rong khắp dọc đồng bằng
sông nước Cửu Long, chúng tôi cũng thường hội ngộ tao phùng ở Sài Gòn, Đà Lạt,
Nha Trang, Cần Thơ, Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên, Đồng Tháp… Làm sao quên được
những ngày tháng hát khúc giang hồ ca bạt mạng ấy, nhất là kỷ niệm nhớ hoài, có
một lần Lê Đình Bích cùng nhà văn Nguyễn Minh Phúc và nhà thơ Đỗ Ký vượt trùng
dương ra hải đảo Lại Sơn xa ngút mù ngoài ven trời vạn dặm thăm tôi dăm ba
ngày, hòa âm cung bậc túy lúy càn khôn. Bữa đó tôi đã sảng khoái cuồng ngâm bài
thơ này riêng tặng chàng lãng tử có đời sống quá nghệ sĩ phiêu bồng:
Lòng sóng vỗ trào tuôn nguồn cảm xúc
Giữa mênh mang làn suối tóc xanh ngần
Thuyền quyên hỡi đất trời say quyến rũ
Cuốn theo dòng tha thiết rung ngân
Tình nghệ sĩ thưa em xin cứ rót
Rượu hồng nhan chuếnh choáng phiêu diêu
Ơi mười hai bến nước thương lầm lỡ
Yêu phù du mến trôi nổi bọt bèo
Yêu thương hết trần gian cát bụi
Ruổi rong chơi lêu lổng với cung đàn
Rót đi em ngọt ngào hay cay đắng
Cho nỗi sầu vạn đại vỡ tan hoang
Dù vẫn biết chỉ là huyễn mộng
Cũng hòa chan cùng lã lướt hương đời
Nên tốt nhất dấn mình ta đi đến
Lạnh thì run nóng thì đổ mồ hôi
TÂM NHIÊN
*
Rainer Maria Rilke. Thư gởi người thi sĩ trẻ tuổi. Hoàng Thu Uyên dịch. An Tiêm
xuất bản, Sài Gòn 1969
** Phạm Thiên Thư. Động hoa vàng. Tiếng
Thơ xuất bản, Sài Gòn, 1971
*** Trúc Thiên. Hiện tượng Krishnamurti.
An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1967
**** Phạm Công Thiện. Những bước chân
nhẹ nhàng trở về sự im lặng. Phương Đông xuất bản 2009
Thơ Lê Đình Bích (chữ nghiêng) trích
trong các tác phẩm:
Khúc hát dòng sông. Văn Hóa Sài Gòn xuất
bản 2007
Giao tiếp thi ca và đào luyện nhân cách.
Văn Học xuất bản, Hà Nội 2012.
Tâm Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét