Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Các địa danh trong “Truyện Kiều” trên bản đồ Trung Quốc ngày nay

Các địa danh trong "Truyện Kiều" 
trên bản đồ Trung Quốc ngày nay *
Truyện Kiều là tác phẩm vô song trong nền văn học nước nhà, từng làm say mê biết bao người dân nước Việt. Thúy Kiều sau 15 năm lưu lạc đã trải qua biết bao cảnh ngộ, Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần: 2 lần vào lầu xanh, 2 lần đi ở, 2 lần đi trốn, 3 lần định tự tử, 3 lần đi tu, 4 lần bị đánh đòn và 5 đời chồng (Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Từ Hải, Thổ Quan, Kim Trọng). Cuộc đời gian truân của nàng trải dài qua hàng chục địa điểm trên chiều dài quá nửa đất nước Trung Hoa rộng lớn.
Trong cuốn Truyện Kiều đối chiếu, chúng tôi đã lập sơ đồ 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều từ năm Gia Tĩnh thứ 11 đến năm Gia Tĩnh thứ 26 (1532-1547) qua các địa điểm:
- Từ Bắc Kinh nơi bắt đầu cuộc đời 15 năm lưu lạc (1532)
- Thúy Kiều phải bán mình về lầu xanh của mụ Tú Bà trên hai năm tại Lâm Tri và ở đây nàng đã lấy lẽ Thúc Sinh hơn một năm nữa: Lâm Tri (1532-1536).
- Thế rồi nàng bị Hoạn Thư sai Ưng Khuyển bắt cóc đưa về nhà Hoạn Bà rồi sang hầu hạ Hoạn Thư ở Vô Tích. Tại đây nàng bị Hoạn Thư hành hạ, xin được đi tu ở Quan Âm Các rồi bỏ trốn đến ở nhờ Chiêu ẩn Am của Vãi Giác Duyên: Vô Tích hơn hai năm (1536-1538).
- Bị Bạc Bà, Bạc Hạnh lừa đến nhà chứa ở Châu Thai, khoảng gần một năm thì tại đây, Thúy Kiều đã gặp Từ Hải. Được Từ Hải đưa ra khỏi lầu xanh, sống với chàng được nửa năm thì Từ Hải “rứt áo ra đi”, Kiều phải sống trong chờ đợi gần 3 năm nữa: Châu Thai hơn bốn năm (1538-1543).
- Khi Từ Hải đã “Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam” về đón thì Thúy Kiều theo chàng đến Hàng Châu. Tại đây nàng đã mắc lừa Hồ Tôn Hiến, khuyên Từ Hải ra hàng để rồi bị làm nhục và phải tự tử ở sông Tiền Đường: Hàng Châu 4 năm (1543-1547).
Khi nghe chúng tôi nói về Truyện Kiều một số thính giả đã đặt câu hỏi: Vậy các địa danh trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có còn trên bản đồ Trung Quốc ngày nay? Chúng tôi đã tìm tấm bản đồ Trung Quốc mới nhất có ghi đến từng huyện lỵ và thấy rằng: tất cả 12 địa danh có trong Truyện Kiều từ xưa vẫn còn nguyên vẹn trên bản đồ Trung Quốc ngày nay. Chúng tôi xin ghi theo thứ tự từ Bắc xuống Nam Trung Quốc để độc giả dễ theo dõi:
Câu Kiều số
1. Liêu Dương: Quê Kim Trọng, huyện thuộc tỉnh Liêu Ninh
533 - 2742
2. Bắc Kinh: Nơi ở của gia đình Thúy Kiều
289
3. Lâm Thanh: huyện phía Bắc tỉnh Sơn Đông
626 - 2828 - 2881
4. Lâm Tri: huyện phía Nam tỉnh Sơn Đông
920, 1276... 2986
5. Châu Thai: Phủ Thai Châu thuộc tỉnh Giang Tô
2105, 2108, 2921
6. Dương Châu: tức Châu Dương thuộc tỉnh Giang Tô
2950
7. Thường Châu: tức Châu Thường, phủ thuộc tỉnh Giang Tô
1277
8. Vô Tích: huyện thuộc phủ Thường Châu tỉnh Giang Tô
1277 - 2291...
9. Hàng Châu: thủ phủ tỉnh Chiết Giang
2957
10. Nam Bình: huyện thuộc tỉnh Phúc Kiến
2949
11. Phúc Kiến: Tỉnh phía nam Trung Hoa, trên tỉnh Quảng Đông
2594
12. Chiết Giang: Tỉnh phía trên Phúc Kiến
2594
13. Sông Tiền Đường: đoạn chảy qua Hàng Châu
999 - 2619 - 2691... 2985
Xin kèm theo đây bản đồ Trung Quốc ngày nay (mới in tại Hồng Kông có địa danh chữ Trung Quốc và âm La Tinh hóa), với các địa danh trên để quý vị độc giả tham khảo.
CHÚ THÍCH
 * Bài viết nhân kỷ niệm 180 năm ngày thi hào Nguyễn Du từ trần (16/9/1820 -16/9/2000).
Phạm Đan Quế
Theo http://www.hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo - “Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt” Phạm Thị Phương Thảo đến Đà Lạt từ những năm 80 của thế kỷ trước và s...